Tất cả sự khôn ngoan của cuộc sống nằm ở cách chúng ta buông bỏ
Đừng để những họa âm khắc khoải của quá khứ đi cùng với những thanh âm tinh tế của hiện tại Mỗi ngày đều có giai điệu của riêng nó Mỗi ngày sống một cuộc sống của nó riêng và là sự chuẩn bị cho ngày mai
Vào dịp Giáng sinh hàng năm, một người phụ nữ nhợt nhạt mặc đồ đen đến tham vấn ý kiến tôi.
Cô phàn nàn về số phận của mình. Một câu chuyện đáng thương, cô ấy vừa kể vừa khóc. Một cuộc sống tan nát, một cuộc hôn nhân tiêu tan. Một nỗi thất vọng đáng sợ phải trải qua của những người phụ nữ hoàn toàn xa lạ với thế giới. Cô không được dạy để tự lập. Cô giao phó tất cả khát khao hạnh phúc và tình yêu bị dồn nén của mình cho người đàn ông đầu tiên ngang qua đời cô. Lần đầu tiên cô đến, tôi cảm thấy thương xót và có thể đã khóc với cô. Lời khuyên tốt nhất tôi có thể cho cô ấy là li thân hoàn toàn với chồng mình, quên đi quá khứ và xây dựng một cuộc sống mới. Lần thứ hai cô đến, tôi hơi kinh ngạc một chút. Người phụ nữ không may này không can đảm để vượt qua chỗ bế tắc. Cô đang lãng phí cuộc sống trong những dòng suy nghĩ ủ ê về vận mệnh khó hiểu của mình. Và lần này, cô hứa sẽ bằng mọi cách, bằng mọi nguồn lực, thoát ra khỏi cuộc xung đột vô nghĩa và những lời phàn nàn vô ích của cô… Kể từ chuyến thăm đầu tiên của cô, đã mười năm trôi qua. Cô vẫn đứng trên đống tro tàn hi vọng của mình. Cô vẫn không ngừng than vãn cuộc sống lãng phí của mình. Vóc dáng mảnh khảnh và gân guốc của cô trông như vỡ vụn. Khuôn mặt cô cũng hằn lên những dấu vết đầu tiên của tuổi tác. Giờ đây, cô lại có thêm nguyên nhân để đau buồn. Cô nhìn vào gương và chẳng mấy vui vẻ. “Điều gì đã xảy ra với tôi và với vẻ đẹp từng rất nhiều người ngưỡng mộ?” Trước mắt cô lại hiện ra những người đàn ông từng tán tỉnh cô và những người cô đã từ chối. Mỗi người trong số họ có lẽ sẽ làm cô hạnh phúc hơn người cô đã chọn?!
Cô có thêm ngày càng nhiều những lời phàn nàn và nhấn mạnh sự tuyệt vọng của cô. Tất cả bạn bè của cô, những mối quan hệ, bác sĩ và người thân của cô đều biết đến nỗi buồn của cô. Nhưng họ không có lời an ủi mới nào cho cô, mãi là những câu nói thông thường và những cử chỉ rập khuôn. Những lời phàn nàn của cô đang trở thành mối phiền toái với mọi người. Tổn thương của cô đã đạt tới điểm nguy hiểm, bi kịch trở thành hài kịch. Cô cố gắng lay chuyển những người lắng nghe mình trong vô vọng. Cô nâng cao mức kịch tính về sự bế tắc trong mỗi tình huống. Cô nghĩ rằng con người chỉ kết bè kết phái trước những xung đột mới mẻ, và rất nhanh chóng quen thuộc với những bất hạnh của người khác. Điều này khiến cô có thêm lí do để nghĩ mình cô độc, bị hiểu lầm và bị bỏ rơi. Một giai điệu mới được thêm vào bài hát cũ. Trước đây khi so sánh mình với người em gái hạnh phúc, ý nghĩ mình vẫn còn trẻ trung, xinh đẹp khiến cô thoải mái một chút. Hi vọng nhẹ nhàng thì thầm với cô: “Bạn vẫn có thể thay đổi! Bạn vẫn còn trẻ và hết sức quyến rũ! Bạn sẽ tìm thấy một người đàn ông trân trọng bạn và cho bạn hạnh phúc mà người khác đã hủy hoại!”
Dần dần, cô nhen nhóm đố kị với sự trẻ trung và vẻ đẹp của người khác và tăng thêm chất độc cho căn bệnh trầm cảm của cô. Không thoát khỏi mê cung tai ương này được nữa. Bất cứ hướng nào cô nhìn, cô chỉ thấy những đám mây xám xịt, những con đường tối tăm và rối bời, biến mất trong bóng tối của một cuộc sống tan nát. Có lẽ vào thời điểm này cô sẽ kiên quyết chấm dứt nỗi khổ của mình, rời khỏi thế giới không còn gì dành cho cô.
Nếu bạn nghĩ thế nghĩa là bạn chưa hiểu loại người này. Bạn vẫn chưa khám phá ra bí mật của nỗi đau buồn ngọt ngào với thú vui tự thương xót bản thân. Người phụ nữ này cũng tìm thấy niềm vui trong vai diễn bất hạnh mà cuộc sống tạm giao cho cô. Cô đã bám chặt lấy bằng tất cả sức mạnh của mình. Cô đắm chìm trong suy nghĩ rằng cô là người phụ nữ không hạnh phúc nhất trên thế giới. Cô đổ đầy những yêu thương vào những vết xước trong tim mình. Rồi cô lại xé toang vết thương lần nữa để cảm thấy bất hạnh và thương hại chính mình. Người phụ nữ này sẽ không vui nếu mọi người xung quanh không cho cô ta bất hạnh.
Tôi tự hỏi liệu có một động cơ tôn giáo vô thức nào đóng góp cho sự đau khổ tự chuốc lấy này hay không? Liệu cuộc sống có bù đắp cho những hạnh phúc cô đã bỏ lỡ hay không? Liệu đằng sau việc cô luôn tự nguyện duy trì thái độ nhìn lại quá khứ, có giấu giếm cái nhìn không ngừng vào một cõi vĩnh hằng sáng rỡ hay không?
Tất cả những nỗ lực của tôi nhằm giúp cô trở về với cuộc sống năng động đã thất bại. Những biện pháp điều trị đáng tin cậy nhất cũng thất bại vì cô không bao giờ coi trọng vấn đề. Cô bướng bỉnh duy trì bản thân mình trong tư thế nhìn về quá khứ. Và từ vị trí này, không có sức mạnh nào trên trái đất có thể lay chuyển cô.
Người xem Kinh Thánh như là một câu chuyện đầy thi vị đã học cách nhận ra ý nghĩa biểu tượng trong các truyền thuyết, huyền thoại. Họ mô tả những xung đột không ngừng. Sẽ không khó để họ nhận ra ý nghĩa của câu chuyện Sodom và Gomorrah là nhìn lại quá khứ. Người phụ nữ bị biến thành một cột muối bởi cô nhìn lại thấy thành phố đang cháy – một biểu tượng tuyệt vời của việc đánh mất chính mình trong quá khứ. Mỗi người đều có một Sodom, một Gomorrah bí mật của mình, thất vọng của mình, thất bại của mình, định kiến đáng sợ của mình. Khốn khổ cho những người nhìn lại những khoảnh khắc nguy khốn của cuộc đời mình. Chẳng phải một trong những truyền thuyết đã cảnh báo chúng ta về sự nguy hiểm của nỗi khiếp sợ quá khứ hay sao? Phải chăng chúng ta đang bay điên cuồng trên vực thẳm và những hiểm họa luôn chực chờ trên con đường ta đi? Thật nguy hiểm khi giữ lại những gì đã qua trong tâm trí.
Sẽ không khó để hiểu công thức của tôi: Khỏe mạnh và lành mạnh chính là vượt qua được quá khứ của chính mình. Tôi không biết có cách nào tốt hơn để phân biệt người bị loạn thần kinh với người khỏe mạnh.
Người lành mạnh cũng có thể thất vọng. Chẳng ai có thể thoát khỏi chúng. Chúng ta cũng phải chịu nhiều thất bại ngay cả khi chúng ta nghĩ ta đang lao đến chiến thắng. Nhưng chúng ta sẽ giương cao lá cờ hi vọng và tiếp tục đi tới mục tiêu. Những người loạn thần kinh không thể buông bỏ quá khứ của mình. Tất cả những gì đã đều quan trọng gấp nhiều lần đối với họ. Trong khi người khỏe mạnh có thể trút bỏ gánh nặng của những thất vọng trong quá khứ. Đôi khi họ nhớ lại chúng như một thú vui, và tạo ra những động lực mới. Người rối loạn thần kinh chất thêm những khó khăn vào gánh nặng hiện tại của mình. Kí ức của họ, năm này qua năm khác, ngày càng trở nên nặng trĩu.
Tâm hồn của người rối loạn thần kinh như bị bao phủ bởi một chất keo nguy hiểm. Tất cả mọi thứ bám dính vào nó và không thể thoát ra. Chúng trở thành hữu cơ gắn liền với nó, cuộn chặt vào nó. Chúng che khuất tầm nhìn và làm tê liệt chuyển động của họ.
Ràng buộc mình với quá khứ cũng có nghĩa là họ họ khó thể tha thứ. Họ ham muốn trả thù cho những oán giận nơi mình. Một người rối loạn thần kinh có thể trách móc ai đó suốt nhiều năm sau chỉ vì chút bẽ mặt nhỏ nhặt, hay vài lời thiếu suy nghĩ của người kia. Anh ta đau đáu về những lần bẽ mặt và thua cuộc, không rời mắt khỏi chúng chỉ một ngày. Anh diễn lại toàn bộ tiết mục của quá khứ mỗi ngày.
Chúng ta thường ngạc nhiên khi thấy những người liên tục mắc cùng một sai lầm. Trải nghiệm của họ dường như chưa bao giờ dạy họ bất cứ điều gì. Nietzsche nói: “Nếu một người có nhân cách, nghĩa là anh ta có những trải nghiệm lặp đi lặp lại.”
Trong thực tế, tất cả những khả năng của cuộc sống phụ thuộc vào việc ta có thể buông bỏ quá khứ hay không. Tất nhiên, một số trải nghiệm sẽ tiếp tục sống như những bài học.
Chúng tạo nên kho báu không đáng tin mà chúng ta gọi là kinh nghiệm. Song:
Sự vĩ đại đích thực nằm ở khả năng hành động bất chấp kinh nghiệm, khả năng vượt qua sự ngờ vực ngấm ngầm
Chúng ta sẽ thế nào nếu cho phép những trải nghiệm không vui tồn tại như những sự ức chế?! Chúng ta sẽ giống một người luôn né tránh một bài viết về chế độ ăn kiêng bởi nó đã từng không phù hợp. Kinh nghiệm là điều không ai có thể học được, trừ khi trong bản thân người đó tiềm chứa điều tương ứng nó. Đó là giá trị trung bình giữa kinh nghiệm và khuynh hướng bẩm sinh của một người.
Một người loạn thần kinh càng trở nên vô dụng trong cuộc sống, bởi kinh nghiệm là một nguồn lực đáng nghi ngờ đối với anh. Nó làm tăng sự thiếu hụt sức mạnh ý chí của anh. Trong một nhiệm vụ mới, anh ta soi xét quá khứ của mình và dùng những trải nghiệm không vui như những cảnh báo. Anh ta do dự, ngập ngừng, cân nhắc và cuối cùng không làm gì cả. Chúng ta có thể làm được bao nhiêu nếu chúng ta không đủ can đảm để mạo hiểm? Chúng ta có thể đạt được thành tựu nào nếu chúng ta nghĩ việc này chẳng bõ công? Chúng ta dễ dàng chứng minh được rằng ý chí người rối loạn thần kinh luôn yếu nhược bởi nó bị phân chia. Anh ta bị những gánh nặng của quá khứ đè nặng.
Chúng ta hãy quay trở lại với người phụ nữ không hạnh phúc ở trên. Tôi đã nói rằng, cô ấy có khả năng thay đổi vận mệnh của mình. Những người đàn ông hảo tâm đã đề nghị giúp đỡ cô. Nhưng những trải nghiệm không mấy hạnh phúc của cô đã tạo ra nỗi lo sợ, sợ rằng mình sẽ vỡ mộng một lần nữa. Cô thà không hạnh phúc còn hơn là mạo hiểm để rồi lại buồn đau.
Có điều, không chỉ bất hạnh trong quá khứ của chúng ta mới nguy hiểm. Ngay cả hạnh phúc trong quá khứ cũng cần phải phai dần và phải vượt qua. Những ngày xưa tuy tốt đẹp nhưng không bao giờ trở lại. Đây là một hiện tượng đặc biệt nổi bật bằng sự tái hồi thời thơ ấu. Một số người dường như không thể quên đi tuổi thơ hạnh phúc của họ. Có một gợi ý quan trọng ở đây cho các bậc cha mẹ và các nhà giáo dục, những người muốn đảm bảo cho con cái của họ một thời thơ ấu đẹp. Chúng ta phải cẩn thận sao cho chúng không quá đẹp! Bởi khi cuộc sống ban đầu quá vui vẻ, những sự bất hòa về sau sẽ trở nên đau đớn. Nó đánh thức một khao khát trở về tuổi thơ, mà khao khát này chỉ có thể thực hiện trong những giấc mơ vô ích.
Đừng để hồi ức giết chết hiện tại. Đừng để quá khứ dụ dỗ chúng ta. Đừng mãi so sánh với quá khứ.
Mỗi người đều có chiếc chìa khóa mở cánh cửa quá khứ của riêng mình
Trong nỗi xúc động lớn lao, chúng ta mở những cánh cổng bí mật, đi lang thang trong giấc mơ đêm của mình. Buổi sáng, trước khi tỉnh dậy, ta lại khóa cửa điện thờ của mình và tiếp tục những nhiệm vụ hàng ngày. Nhưng có những người không thể dứt ra khỏi những giấc mơ của mình và luôn lắng nghe tiếng gọi từ quá khứ.
Chúng ta có thể dễ dàng quan sát thấy tình trạng mê mải trong quá khứ của một bệnh nhân tâm thần. Những người bệnh trở thành trẻ em một lần nữa. Tất cả thất bại của họ, những câu chuyện tầm phào con trẻ, những trò giễu cợt, những trò chơi trẻ con của họ – họ đi trên con đường về với tuổi thơ và lạc lối. Họ chẳng thể quay trở lại thế giới của người trưởng thành. Họ đã nhìn lại sau lưng quá lâu đến mức cuối cùng họ đã đi ngược lại.
Sự “trở về thời thơ ấu” này cũng có thể quan sát thấy ở nhiều người. Họ giữ được khả năng phê phán của mình. Tôi nhớ về một người phụ nữ bốn mươi tuổi đã thuê một người giúp việc để mặc quần áo, cởi quần áo, và tắm rửa cho cô ấy. Cô không thực hiện được một số việc cá nhân mà không có người giúp việc ở bên giúp đỡ. Hay một thanh niên hai mươi bốn tuổi được mẹ đưa đến bệnh viện, vì anh ta không có khả năng làm bất kì công việc nào. Anh cũng không xấu hổ khi cứ năm phút lại uống sữa một cách ngon lành bằng bình sữa em bé trước sự có mặt của tôi.
Loại người “chủ nghĩa trẻ con” này thường có vóc người kì cục. Giờ đây, người phụ nữ trên đã cười vào câu nói “bệnh tật không thể hiểu nổi”. Đứa trẻ bú bình kia là một nhân viên văn phòng chăm chỉ, là trụ cột của gia đình. Cả hai đều muốn đánh bại chu trình tự nhiên và trở về thời thơ ấu. Mỗi sự thay đổi trên cơ thể thường đi kèm với trạng thái tinh thần này. Tóc rụng xuống, nét mặt uyển chuyển hơn, và các dấu hiệu của nam tính trưởng thành trải qua những thay đổi theo chiều thoái lui về thơ ấu. Rất có thể, tình trạng này gắn với với một số rối loạn trao đổi chất bên trong. Nhưng ai có thể phủ nhận rằng, xung năng dẫn đến những rối loạn này bắt nguồn từ cái nhìn cứng đầu về quá khứ, từ khao khát sống lại thời thơ ấu?!
Tất cả sự khôn ngoan của cuộc sống nằm ở cách chúng ta buông bỏ
Đừng để những họa âm khắc khoải của quá khứ đi cùng với những thanh âm tinh tế của hiện tại.
Mỗi ngày đều có giai điệu của riêng nó. Mỗi ngày sống cuộc sống của riêng nó, và là sự chuẩn bị cho tương lai. Người nào lấp đầy một ngày của mình bằng những niềm vui lẫn những nỗi đau của quá khứ, người ấy sẽ giết chết ngày hôm nay của mình. Có những lúc chúng ta phải hướng mắt về quá khứ, nhìn lại con đường chúng ta đã đi qua, nhưng là để biết chúng ta cần làm gì cho hiện tại và tương lai.
Những ai đã từng khóc lóc và không có khả năng vượt lên trên số phận của mình, hãy nghe tôi. Nếu bạn cứ sống với quá khứ, tức là bạn không còn sống nữa, bạn đã chết trước khi quy luật tự nhiên tước đoạt sự sống khỏi bạn.
Bạn phải vượt qua chính mình mỗi ngày.
Không bao giờ là quá muộn!
Ai nghĩ rằng mình đã đánh mất sự sống là đã đánh mất nó thật rồi.
Tha thứ và quên đi!
Buông bỏ quá khứ, bạn mới khám phá được cuộc sống này, mới thực sự sống, chứ không chỉ là tồn tại.