Cuộc sống chỉ có thể học hỏi từ cuộc sống
Người biết bí mật của thế giới thứ hai sẽ hiểu được những điểm yếu của cái lớn và sức mạnh của cái nhỏ
Đây là một thế giới quen thuộc với những nhà thơ. Một người trần lang thang trong những khu vườn tuyệt vời của thế giới này như thể anh ta bị mù. Anh ta sống trong đó mà không biết. Anh ta không biết đến nơi thế giới hiện thực dừng lại và thế giới tưởng tượng bắt đầu. Một ngày dài xám xịt, anh ta thoát ra khỏi ranh giới vô hình giữa hai thế giới này.
Cuộc sống của chúng ta sẽ như thế nào nếu không có thế giới thứ hai? Thật là một câu chuyện đẫm nước mắt nếu thế giới thứ hai không phải là thiên đường của trái đất này!
Ai cũng có thể giới thứ hai của riêng mình
Bạn có thể hiểu được những gì tôi nói. Tất cả chúng ta, người nghèo nhất hay giàu có nhất, nhỏ bé nhất hay rộng lượng nhất, rất ít khi hoặc không bao giờ tìm thấy sự hài lòng trong công việc hàng ngày. Chúng ta tìm kiếm một thế giới thứ hai, một cuộc sống phong phú hơn, ở đó chúng ta có thể mơ về tất thảy mọi thứ mà chúng ta không có được trong thế giới hiện tại. Ibsen1 gọi đây là “Cuộc sống lừa dối tuyệt vời”. Nó vô hình đến nỗi chúng ta không thể nắm bắt được. Nó rực rỡ đến mức chúng ta không thể nhìn thấy được. Nó vô sắc đến mức chúng ta không thể mô tả nó.
1 Henrik Johan Ibsen (1828 - 1906) là một nhà soạn kịch người Na Uy. Ông được coi là cha đẻ của kịch nói hiện đại và là nhà văn vĩ đại nhất của Na Uy. Vở kịch Ngôi nhà của búp bê của ông trở thành vở kịch được biểu diễn nhiều nhất đầu thế kỉ XX.
Những đứa trẻ tìm thấy thế giới thứ hai của chúng trong khi chơi. Các nhiệm vụ nhỏ của cuộc sống hàng ngày chỉ là những phiền phức làm gián đoạn cuộc chơi của chúng trong thế giới thứ hai. Nơi đấy, đứa trẻ có rất nhiều chỗ dành cho trí tưởng tượng của chúng. Nó là một người lính, một vị vua hay một tên cướp, một đầu bếp hay một công chúa. Nó đi qua một thế giới rộng lớn trên những chuyến tàu tốc hành. Nó chiến đấu dũng cảm với những con rồng và người khổng lồ. Nó cướp lấy kho báu từ những người lùn bảo vệ trái đất. Và ngay cả những ngôi sao trên trời cũng không vượt ra ngoài tầm với của nó.
Rồi những chân lí mạnh mẽ được gọi là giáo dục xuất hiện và đẩy đứa trẻ ra khỏi thế giới thứ hai mà chúng yêu quý. Chúng buộc phải chú ý đến thế giới thứ nhất và tìm hiểu những điều cần thiết trong cuộc sống thực tế của chúng. Những đứa trẻ phải học về các nghĩa vụ. Chúng miễn cưỡng thực hiện các mệnh lệnh của giáo viên.
Thế giới thứ nhất được tạo thành từ trách nhiệm và nghĩa vụ. Thế giới thứ hai không có nhiệm vụ, không có mệnh lệnh, chúng được tự do và bay bổng. Đây là gốc rễ của cuộc xung đột lớn giữa cảm xúc và nghĩa vụ. Từ ngày còn nhỏ, chúng ta đã thấy những nhiệm vụ là kẻ gây rối cản trở cuộc chơi của chúng ta. Sự chống đối trẻ con này sẽ đi cùng chúng ta trong suốt cuộc đời. Chúng ta không bao giờ hài lòng với những công việc, không bao giờ thỏa mãn với những nhiệm vụ. Đó là thế giới thứ nhất. Mặc dù chúng ta dường như chấp nhận nó hoàn toàn, nhưng một chút tàn dư của sự chống đối vẫn còn. Điều đó kiến tạo nên một phần thế giới thứ hai của chúng ta.
Những người nguyên thủy tìm thấy thế giới thứ hai của họ trong tôn giáo. Từ những sợ hãi nguyên thủy để bảo tồn cuộc sống, họ chạy trốn đến các vị thần của họ, những người họ yêu thương. Đến nỗi họ sợ hãi sự trừng phạt và khen thưởng. Điều đó cũng đúng với tất cả những linh hồn giản đơn, bởi các nền văn hóa đã không thể cướp đi niềm tin tôn giáo của họ. Tôn giáo là thế giới thứ hai mang lại sự động viên và an ủi cho những nỗi đau của họ trong thế giới hiện thực. Trong cuốn Seelenkunde, Benedikt2 cho rằng chủ nghĩa vô chính phủ3 là do thiếu vắng những lời an ủi trong cuộc sống. Ông nói: “Thời đại suy nghĩ tự do của chúng ta đã ngăn chặn thế giới thứ hai này, nguồn an ủi này. Chính chúng ta, chứ không phải ai khác, cần tạo ra một sự an ủi trong cuộc sống, nếu không đời sống nội tâm của con người sẽ tích đầy hận thù không thể chấm dứt.”
2 Moritz Benedikt (1835 - 1920) là một nhà thần kinh học người Áo - Hung, gốc Eisenstadt.
3 Chủ nghĩa vô chính phủ (anarchism) còn gọi là chủ nghĩa vô trị, là một hệ tư tưởng triết học chính trị bao trùm các học thuyết và thái độ ủng hộ việc loại bỏ tất cả các chính quyền cưỡng ép, nghĩa là nhà nước. Thuật ngữ này được định nghĩa trong The Concise Oxford Dictionary of Politics, là quan điểm cho rằng xã hội có thể và nên được tổ chức mà không cần một nhà nước cưỡng ép (ND).
Khi tâm trí của con người phát triển cao hơn, thế giới thứ hai càng phức tạp hơn
Mọi người thường ngạc nhiên với thực tế rằng rất nhiều nhà trị liệu đã tự đắm chìm trong âm nhạc hoặc nghệ thuật tinh túy. Đối với tôi, điều này rất dễ hiểu. Suốt cả ngày họ nhìn thấy cuộc sống ở những khía cạnh khó chịu nhất. Họ thấy trong tâm hồn con người những đau khổ vô tội, những tổn thương hằn sâu không thể giải tỏa được. Họ nhìn thấy phía sau bức màn của một “gia đình hạnh phúc”. Họ lội qua tất cả sự bẩn thỉu và ghê tởm của thế giới nhỏ bé này. Họ hẳn sẽ trở thành những sinh vật đờ đẫn, mất kết nối, nếu họ không có thế giới thứ hai.
Đầu tiên, tất cả chúng ta đều yêu thích âm nhạc vì nó ôm trọn mọi cảm xúc hận thù, tức giận, yêu thương, ghen tị, sợ hãi và tuyệt vọng. Nó kết hợp tất cả thành một giai điệu tuyệt vời, một bản nhạc vui vẻ ngân vang. Trên những làn sóng âm nhạc bềnh bồng, suy nghĩ dằn vặt của những tâm hồn đáng thương chìm dần vào bóng tối vĩnh cửu và vĩnh viễn không thể hiểu được.
Tiếp đến là văn chương. Chúng ta lật mở một cuốn sách, ngay lập tức, chúng ta được đưa vào thế giới thứ hai của một bản ngã khác, một thế giới mà ở đó ta có một vài phút cho riêng mình. Những nhà thơ hạnh phúc được ban cho tài năng truyền tải những gì họ thấy, tạo tác những gì họ mơ. Họ tự giải phóng mình khỏi năng lượng tổn thương của chính mình, vượt thoát khỏi những đau khổ thẳm sâu trong chính mình. Họ đem đến niềm hạnh phúc cho người khác từ thế giới thứ hai của họ.
Chúng ta có một nghìn lẻ một trò chơi, môn thể thao và tất cả mọi thứ có thể kéo chúng ta khỏi công việc nhàm chán hàng ngày. Tấm vé số đối với người kiếm từng đồng lương, chắt từng hạt gạo có là gì. Chúng ta khao khát tận cùng thú vui của thế giới thứ hai hay quyền mua niềm hi vọng vui vẻ.
Các câu lạc bộ và các hội kín thì sao? Người chồng hóm hỉnh chạy trốn đến câu lạc bộ của mình. Anh ta có thể tự do, không sợ hãi và nói những điều hay ho mà anh ta phải tránh ở nhà. Ở đây anh ta có thể thể hiện bản thân, ở đây anh ta có thể là một tay chơi tự do. Đối với hàng ngàn người, câu lạc bộ là cơ hội tiêu hao năng lượng của bản thân, rũ bỏ những cảm xúc bị dồn nén và thực hiện những vai trò mà thế giới thứ nhất đã phủ nhận.
Chúng ta đều có thế giới thứ hai của riêng mình. Liệu có ai trên đời không có thế giới thứ hai? Người đó hẳn phải là người rất hạnh phúc? Hạnh phúc mà tôi muốn nói là cách tận dụng năng lượng của một người trong thế giới thứ nhất. Có một khoảng cách khá lớn giữa hạnh phúc và ý thức về hạnh phúc. Ý thức về hạnh phúc là một khoảnh khắc thoáng qua, có khi ta chẳng kịp nhận ra.
Hạnh phúc là lời nói dối vĩ đại nhất trong những lời nói dối của cuộc sống này Người bất hạnh nhất trong thực tại lại có thể là người hạnh phúc nhất trong thế giới thứ hai của mình
Hi vọng màu hồng! Nữ hoàng của tất cả những cảm xúc vui vẻ! Nữ thần bảo hộ và nữ thần tái sinh của chúng ta! Bà ngự trị trong thế giới thứ hai đầy mộng tưởng. Bà vẫy tay ân cần chào đón những đứa con của tổn thương và bất hạnh.
Hiểu thế giới thứ hai của một người, mở cánh cửa bước vào trái tim người đó
Hạnh phúc hôn nhân phụ thuộc rất lớn vào sự hòa hợp giữa hai vợ chồng. Trong thế giới thứ nhất - thế giới thực tại, họ phải sống cùng nhau. Nhưng thật khốn khổ! Thế giới thứ hai sẽ ngăn cách họ. Hai con người dẫu chỉ có chung một điểm, chung một cảm xúc cũng có thể đến gần nhau. Phụ nữ biết điều này theo bản năng, đặc biệt là trong thời gian tán tỉnh. Họ say mê tất cả mọi thứ mà người yêu say mê. Họ cùng yêu và cùng ghét với anh ta. Họ muốn chia sẻ với anh ta mọi thứ.
Còn khi bước vào hôn nhân, hãy coi chừng! Những người vợ đang phá hủy thế giới thứ hai của chồng mình. Nếu sau một ngày làm việc, anh ta xoa dịu những dây thần kinh mệt mỏi của mình trong những bản hòa âm Định mệnh của Beethoven, đừng quấy rầy anh ta, hãy say mê cùng anh ta. Đừng mang theo những quan tâm nhỏ nhặt và những câu chuyện cuộc sống tầm thường vào thế giới thứ hai cao quý ấy. Bạn hiểu ý tôi không, hay tôi phải nói rõ ràng hơn? Đừng để anh ta đi một mình trên chuyến du ngoạn vào thế giới thứ hai! Một cuốn sách mà anh đọc một mình, hiểu một mình, thích một mình, có thể nguy hiểm hơn cả một ánh nhìn nóng bỏng của một người phụ nữ khác. Nghệ thuật không bao giờ được trở thành thế giới thứ hai của một người đàn ông. Không! Hãy để nó trở thành đứa con yêu thương của cả hai, giúp trái tim họ cùng chung nhịp đập.
Tình bạn chân thật rất cao cả, rất đáng ngợi ca, bởi vì nó phụ thuộc vào sự hòa hợp của thế giới thứ hai. Tình bạn là sự liên kết giữa hai người trong thế giới thứ nhất, và nó sẽ trường tồn theo thời gian nếu hai người bước vào thế giới thứ hai của nhau.
Thế giới thứ hai - một chốn lãng quên, xả thoát hay lối về bản nguyên tâm hồn?
Thế giới thứ hai không nhất thiết phải luôn luôn là thế giới tốt đẹp hơn, mặc dù người sở hữu nó có thể trông đẹp hơn và hấp dẫn hơn. Thế giới thứ hai hiếm khi bổ sung để hoàn thiện thế giới thứ nhất. Giữa hai thế giới thường xuyên là sự tương phản. Những kẻ trinh bạch ngoan đạo thường biểu lộ bản năng thô tục của họ trong thế giới thứ hai. Những giấc-mơ-ngày4 thường là biểu hiện của cuộc sống trong thế giới thứ hai. Nhưng phân tích một cách thận trọng thì ngay cả những giấc mơ ban đêm cũng là sự đắm chìm trong vùng đất của thế giới thứ hai. Những giấc mơ giúp chúng ta hoàn thành ước nguyện. Những mong muốn của thế giới thứ hai này hiếm khi bị các quá trình suy nghĩ vô thức điều chỉnh.
4 Trong cuốn Những cảm xúc bị dồn nén (iBooks, 2019), Isador Henry Coriat nói rằng: “Những giấc-mơ-ngày biếng nhác chính là hiện thân của các ước muốn hay khao khát không thể thỏa mãn trong thực tại. Đó được gọi là suy nghĩ tự kỉ (autis- tic thinking)…” (Đọc thêm trang 114-119, Sđd).
Người mơ-ngày bay từ thế giới thứ nhất vào thế giới thứ hai. Nếu không tìm được đường trở lại về thế giới thứ nhất, giấc mơ của anh ta trở thành ảo tưởng và anh ta phát điên. Những chuyển tiếp từ tình trạng tỉnh táo sang mất trí mới tinh tế, mới nhẹ nhàng làm sao! Chừng nào chúng ta còn sống trong thế giới thứ hai, chúng ta đều điên rồ ít nhất một vài giây mỗi ngày. May mắn là chúng ta nắm trong tay sợi chỉ Ariadne5 dẫn chúng ta ra khỏi mê cung của những suy nghĩ và trở lại thế giới của trách nhiệm.
5 Trong thần thoại Hi Lạp, nhờ những sợi chỉ vàng của Ariadne – con gái vua Minos, Theseus đã thoát khỏi mê cung khổng lồ.
Thật không thể tin nổi, một người điên có thể hạnh phúc đến thế nào. Một cách kiêu hãnh, gã nhà văn hoang tưởng vẫn đi lại trong căn phòng nhỏ đáng thương của mình. Dù khoác lên mình thứ giẻ rách, nhưng anh ta vẫn là vua và chỉ huy các đế chế. Chiếc cũi của anh ta như một chiếc ghế dài cũ kĩ trên thiên đường được phủ dày bằng lông vũ. Các y tá và bác sĩ là những người hầu. Và trong ảo tưởng của mình, anh ta luôn có những thứ mà mình muốn.
Thế giới chỉ là những gì chúng ta nghĩ, như một thói quen
Một người điên được chữa khỏi đã quả quyết với tôi rằng, giai đoạn mất trí là lúc hạnh phúc nhất trong cuộc sống của anh ta. Anh ta đã thấy mọi thứ qua cặp kính màu hồng. Rõ ràng họ vốn là những người luôn u sầu và tự ti, những người nghĩ rằng mình không có giá trị những người bất hạnh nhất. Họ như thủy tinh mong manh dễ vỡ, run rẩy, sợ hãi trong mỗi bước đi của cuộc đời. Quá khứ không mấy vui vẻ trong thế giới thứ nhất hằn vết trong tim óc họ. Chúng theo vào thế giới thứ hai và biến thành những mộng tưởng tươi đẹp.
Mỗi ấn tượng trong cuộc sống luôn ghi dấu trong tâm hồn của chúng ta và chẳng bao giờ biến mất. Đôi khi chúng ta quên đi là do sự thôi thúc của những cảm xúc bị dồn nén, những kí ức được giữ lại trong vô thức. Những vết hằn như một thiết bị bảo vệ, nhưng cũng là nguyên nhân gây ra nhiều rối loạn thần kinh nghiêm trọng. Đến nỗi chúng ta không thể nhận ra, không ý thức được những cảm giác đau đớn, những trải nghiệm tổn thương.
Con đường nào cho nhà trị liệu?
Cách duy nhất để chúng ta có thể thoát ra khỏi tình trạng cuồng loạn của tâm trí là lần tìm ra con đường tăm tối của những cảm xúc bị dồn nén và tái nhập chúng vào ý thức, đưa chúng ra khỏi hố sâu nơi địa ngục tâm hồn, tiến đến phía ánh sáng chói lóa. Ma quỷ sẽ biến mất cùng với tất cả những tổn thương. Để làm được điều đó, chúng ta cần sự giúp đỡ của các nhà trị liệu.
Muốn hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này, một nhà trị liệu tâm lí phải tự làm quen với thế giới thứ hai của bệnh nhân, thậm chí còn kĩ lưỡng hơn thế giới thứ nhất. Điều quan trọng nhất là không được phán xét bệnh nhân của mình, nếu muốn thâm nhập vào thế giới thứ hai đó. Thế giới ấy là nguồn gốc của cái thiện và cái ác trong mỗi con người. Trong cuốn Tội ác và Trừng phạt, Dostoyevsky6 đã thể hiện rõ nét cuộc vật lộn giữa hai thế giới của một tội phạm. Tolstoy7 cũng vậy, trong tiểu thuyết Phục Sinh, ông đã lột tả chân thực thế giới thứ hai của một cô gái điếm. Chính sự dối trá của cô làm cho tất cả những gã đàn ông trong vòng tay của cô như được “ban phước lành”. Và trong sự dịu dàng, sự thật dường như chỉ là một giấc mơ trong dối trá của cuộc sống này.
6 Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky (1821 - 1881) là nhà văn nổi tiếng người Nga. Các tác phẩm của ông như Anh em nhà Karamazov, Tội ác và Trừng phạt đã khai thác tâm lí con người trong bối cảnh chính trị, xã hội và tinh thần của xã hội Nga thế kỉ XIX.
7 Lev Nikolayevich Tolstoy (1828 - 1910) là một tiểu thuyết gia, nhà triết học người Nga, ông theo chủ nghĩa hòa bình, chủ nghĩa vô chính phủ, một tín hữu Cơ Đốc giáo, nhà tư tưởng đạo đức, nhà cải cách giáo dục. Ông là một thành viên có ảnh hưởng của gia đình Tolstoy.
Tất cả các bác sĩ, thẩm phán, luật sư và bộ trưởng đều phải có một khóa đào tạo kĩ lưỡng về tâm lí học. Không phải tâm lí học theo nghĩa triết học, không phải lí thuyết suông và cũng không phải những lí thuyết thực tế cổ xưa từ lúc sự sống mới bắt đầu.
Cuộc sống chỉ có thể học hỏi từ cuộc sống
Người biết bí mật của thế giới thứ hai sẽ không ngạc nhiên với bất kì sự kiện nào mà thế giới ấy có thể mang lại. Người đó sẽ hiểu được những điểm yếu của cái lớn và sức mạnh của cái nhỏ. Người đó sẽ thấy đức hạnh và sự xấu xa hòa hợp với nhau thành một dòng chảy lớn. Đó là những dòng nước tăm tối, đen đặc, chảy vào những vùng không thể định đoán được.
Hiểu được nội tâm của một người là bước đầu tiên để giúp người đó.