Sống tử tế là niềm vui thực sự
Lòng biết ơn là đức tính khiêm tốn của một con người vĩ đại
Vô ơn là thói kiêu mạn của kẻ nhỏ nhen
Chúng ta hiếm khi có thể nhận thức được sự vô lí trong những phàn nàn hàng ngày của mình, về bản chất độc ác của con người. “Con người rất vô ơn, giả dối, không đáng tin…” Vâng, nhưng chúng ta là con người. Do đó, nói một cách hợp lí, chúng ta nên than phiền rằng: “Con người chúng ta vô ơn, chúng ta giả dối, chúng ta không đáng tin…” Điều này đòi hỏi chúng ta phải hiểu chính mình ở mức nhất định. Nhưng mấy ai trong chúng ta làm được điều đó.
Hãy khởi đầu bằng một sự khiêm tốn
Hãy nhìn vào bản chất của sự việc
Đừng đặt mình cao hơn người khác, cho đến khi chúng ta biết được rằng thế nào là cao là thấp
Hiện tượng ý thức phóng đại bản ngã
Trên tất cả, chúng ta thích lừa dối bản thân để không thấy sai lầm của chính mình. Một sự bạc nhược thường thấy. Chúng ta luôn cho rằng mình thông minh hơn người khác, mình tốt đẹp hơn người khác. Chúng ta quên đi những sai lầm của mình một cách dễ dàng và coi chúng chỉ là chuyện nhỏ. Chúng ta vẫn ảo tưởng vào đức hạnh của chính mình. Với bản thân, chúng ta luôn luôn là thứ nhất, là khôn ngoan nhất và tốt đẹp nhất. Đó là lí do chúng ta than phiền về lòng vô ơn của những người khác. Bởi vì chúng ta quên mất tất cả những lúc vô ơn của chính mình, giống như khi chúng ta hoàn toàn quên đi mọi thứ đánh thức những cảm xúc đau đớn trong chúng ta.
Lời than phiền về lòng vô ơn của con người cũng xưa cũ như lịch sử của chúng ta vậy. Kinh Thánh, truyền thuyết cổ xưa, các bài hát dân gian và tục ngữ của tất cả các quốc gia, cổ đại và hiện đại, đều than thở rằng con người vô ơn. “Một cú chạm của tự nhiên cũng đủ hình thành nên cả sự sống trên hành tinh này.”8 Chúng ta trao cho kẻ tự tôn vinh quang của trí tuệ tối cao và dán nhãn cho kẻ có lòng vị tha là một kẻ ngốc. Một suy nghĩ đã bén sâu trong linh hồn của con người. Nó kiến tạo nên những sự kiện đời sống của mỗi cá nhân. Nó ăn sâu vào trong vô thức, nơi bản năng thú tính tàn bạo của con người nguyên thủy giao kết với bản năng đã chín muồi của con người.
8 William Shakespeare, One touch of nature makes the whole world kin.
Nhưng nếu bản chất sự vô ơn là được kiến tạo (về mặt tâm lí), chúng ta phải có khả năng xác định những năng lượng đen tối đã ngăn chặn lòng biết ơn.
Bạn hãy quan sát một cách ngẫu nhiên, phản ứng đầu tiên của chúng ta với lòng tốt rõ ràng là sự thừa nhận, sự biết ơn và một cảm giác ấm áp. Chúng ta không thể phủ nhận lòng biết ơn đó từ những người đã giúp đỡ chúng ta. Phản ứng đầu tiên của tâm hồn con người là một sự tử tế mong được đền đáp lại. Nhưng “bóng đêm của sự tưởng nhớ” chỉ như cánh buồm căng phồng oằn mình trong bão tố và sự yếu ớt của bánh lái buộc nó phải có một con đường khác. Cũng như thế, ý định bày tỏ sự biết ơn được lèo lái thất thường bởi những thôi đẩy của cuộc đời. Tất nhiên, không phải ngay lập tức. Chúng ta có một quá trình nhất định mà lòng biết ơn biến thành sự vô ơn. Ban đầu cảm giác biết ơn bao trùm tất cả. Nó trở nên yếu dần, yếu dần và mờ nhạt. Chúng ta không nghe thấy nó nữa. Sau đó vào những dịp thích hợp, chúng ta lại thấy nó phập phồng nhưng yếu ớt. Thật bất ngờ! Bẵng đi một thời gian, lòng vô ơn đã thế chỗ nó. Tất cả những cảm xúc vui vẻ đi kèm với lòng biết ơn đã biến thành thờ ơ, khen ngợi biến thành chỉ trích, và tình bạn trở thành thù địch.
Điều này xảy ra như thế nào? Nguồn gốc của dòng xung lực tiềm ẩn dẫn dắt những vòng quay cảm xúc của chúng ta nằm ở đâu?
Chúng ta đã chỉ ra ngay từ đầu rằng, mọi người đều coi mình là khôn ngoan nhất, tốt nhất và có năng lực nhất. Chúng ta thừa nhận điểm yếu của mình một cách rất miễn cưỡng. Chắc chắn 99% những người chơi cờ thua sẽ nói rằng: “Tôi không giỏi chơi trò này.” Chúng ta không dễ dàng thừa nhận rằng đối phương chơi giỏi hơn. Sự thất bại (chẳng qua) là do mấy phút nới lỏng tinh thần, do bất cẩn, hay một vài sự không may, v.v. Và nếu buộc phải thừa nhận ưu thế của người khác, chúng ta sẽ chỉ đồng ý một điểm nhỏ nào đó. Chúng ta sẽ luôn giữ những chỗ ở đó ta là vua.
Niềm tự hào bí mật của mỗi con người chính là thế-giới mà chúng ta nghĩ chúng ta vượt trội hơn những người khác
Cái ý thức về bản thân mình, sự nhận thức phóng đại bản ngã này là nền tảng tự nhiên của cuộc sống, là một công cụ bảo vệ tâm hồn. Nhờ ý thức này, cuộc sống trở nên dễ chịu hơn, nhờ nó chúng ta có thể mang theo những gánh nặng và chịu đựng những nỗi đau. Nó bù đắp cho việc thế giới bên ngoài không thừa nhận chúng ta một cách thích đáng, cho những nỗ lực không được đáp đền như ý ta. Philip Frey nói rất đúng, “ảo giác hoang tưởng của con người bình thường” thực sự là “ý tưởng bất biến” của cá nhân. Một mặt nào đó, trong mỗi người đều có một chút “điên điên”.
Hiện tượng ý thức phóng đại bản ngã này biểu hiện rõ ra bệnh lí, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội hiện đại này. Cá nhân càng ít tham gia vào các vấn đề thực tế, ảo tưởng của anh ta càng được phóng đại và dường như là một thứ sống còn với anh ta. Có những trường hợp, đặc tính cá nhân bị tiêu tan, nó sẽ phát triển một ảo tưởng siêu phàm về sự vĩ đại. Đó là chứng vĩ cuồng. Chúng ta nghĩ mình là quan trọng, là không thể thiếu. Chúng ta nghĩ mình có một năng lực đặc biệt trong cuộc chơi và ảnh hưởng đến các lực lượng khác nhau. Thời đại của chúng ta đã tạo ra loại người “tự tay làm nên”. Mọi người chỉ muốn mang ơn chính bản thân mình, năng lực của mình, năng lượng của mình, sức chịu đựng của mình, nỗ lực cá nhân cho những thành tựu của mình. “Bằng những nỗ lực của riêng mình” là cụm từ bị lạm dụng quá nhiều, cứ tiếp tục được nói ra. Ai cũng đều muốn lên tới đỉnh cao.
Tất cả chúng ta đều muốn, nhưng có bao nhiêu người thực sự biến nó trở thành sự thật?! Ai có thể biết ngày hôm nay của riêng mình là gì và của người khác là gì? Ai biết rằng ta phải lấy đi bao nhiêu trước khi ta có thể cho đi bất cứ thứ gì? Không ai muốn dừng lại để suy xét.
Chúng ta đều chỉ muốn mang ơn chính mình
Cuộc xung đột giữa ý thức về bản ngã và cảm giác mắc nợ
Chúng ta đang đến gần gốc rễ sâu thẳm nhất của sự vô ơn: Cảm giác mắc nợ người khác xung đột với lòng tự tin của chúng ta. Sự thật không mấy dễ chịu đấy tương phản mạnh mẽ với những ảo tưởng sâu xa về sự vĩ đại của bản thân mình. Trong cuộc xung đột cảm xúc này, (i) hoặc là từ bỏ sự ngượng ngập được bản ngã phóng đại lên; (ii) hoặc là quên đi lúc phải thể hiện lòng biết ơn, để kìm nén kí ức đau đớn này, để vết thương lở loét hằn trên thân thể ngạo mạn của “bản ngã” lành thành sẹo. (Chúng ta sẽ xem xét các trường hợp ngoại lệ vào một lúc khác).
Đâu đó trong cuộc đời này có những con người mệt mỏi với cuộc đời, những con người bị dằn vặt cho đến chết, hoàn toàn bị nghiền nát. Những con người bất hạnh không cần đến sức mạnh tinh thần ẩn giấu trong họ phải hoạt động nữa. Ham muốn của thân thể đã bóp nghẹt tiếng kêu của tâm hồn. Họ biết ơn, biết ơn từ nhận thức thấy tội lỗi, biết ơn vì hoàn cảnh buộc phải thế. Mong muốn của họ là sự tử tế thực sự. Đối với họ, sự thiện lương sẽ giải thoát tổn thương thuộc về thân thể. Họ thấy “những linh hồn đã chết” luôn khao khát quá mức có thể đạt được.
Người nào chưa từng từ bỏ những khao khát mãnh liệt của mình, người ấy sẽ không hiểu được lòng biết ơn. Bản ngã của chúng ta cảm thấy phẫn uất với việc mang nợ bất cứ ai ngoài chính chúng ta. Bản ngã này không bao giờ dám đối mặt với sự thật trắng trợn là nó vô ơn. Nó tìm kiếm nguyên nhân và động cơ bên ngoài để biện minh. “Cứ tìm sẽ thấy”. Lòng tốt sẽ được xem xét kĩ lưỡng từ mọi phía cho đến khi chúng ta tìm thấy một chút toan tính ích kỉ, ở đó sự tử tế lại mang tính vụ lợi. Và chẳng có hành động nào của con người lại không thể giải thích được.
Xung lực tự bảo toàn sinh tồn của chúng ta sẽ lựa chọn cách thể hiện phù hợp nhất, làm sao cho chúng ta nhẹ bớt cảm giác mang ơn trĩu nặng. Đó là bước đầu tiên trong việc chuyển đổi lòng biết ơn thành sự vô ơn. Vấn đề không dừng lại ở đó. Nó biến đổi cảm xúc thành cảm xúc đối nghịch trước khi cảm giác khó chịu của lòng biết ơn có thể được nhổ bỏ. Chúng ta sẽ trở thành kẻ xấu xa bỉ ổi nào nếu không tìm ra lí do cho những thay đổi trong cảm nhận của mình? Và vì vậy chúng ta chuyển đổi hành động tốt thành hành động xấu. Thậm chí, chúng ta cố gắng tìm ra những vết bẩn, vết ố trong cuộc sống hiện tại của ân nhân của mình, hoặc chúng ta truy tìm những điều có thể vấy bẩn lên quá khứ của người đó. Vì làm điều này, chúng ta mới thoát khỏi cảm giác ngột ngạt của lòng biết ơn.
Vì khi không còn lí do để biết ơn, sự kiêu ngạo của chúng ta sống sót không hề lay chuyển, cái tôi cúi đầu lại kiêu hãnh đứng lên
Lời giải thích về tâm lí vô ơn đã làm rõ các hiện tượng đáng chú ý chúng ta trải qua trong cuộc sống hàng ngày mà không cần quan tâm hay thấu hiểu. Chúng ta sẽ dẫn một vài trường hợp phổ biến:
Sự bội ơn của những người đầy tớ và cấp dưới. Kiểu người này vô ơn đến mức nếu có ai trong số họ thể hiện ngược lại thì anh ta thật là cá biệt;
Học sinh vô ơn với thầy cô. Điều này giải thích cho một hiện tượng phổ biến là học sinh thường khinh thường thành tựu của thầy cô. Gần như có thể gọi đây là “chứng loạn thần kinh chức năng của học sinh”;
Các nghệ sĩ có thâm thù với tiền bối của họ, dù họ mang ơn những tiền bối ấy;
Bi kịch của những đứa con ưu tú được người cha dẫn lối;
Người tàn tật cư xử không công bằng với bác sĩ đã cứu họ;
Các quốc gia bội bạc với các nhà lãnh đạo và các nhà hảo tâm;
Những vĩ nhân, người còn sống bị phớt lờ, kẻ đã chết lại được tôn vinh;
Chính phủ cầm quyền bị phản đối không ngừng do bất mãn;
Bạn bè trở thành kẻ xa lạ...
Thực tế là, người đề cao lòng biết ơn là người chưa thấu hiểu về bản chất con người lẫn chính mình. Chúng ta đòi hỏi lòng biết ơn dù chẳng có lí do gì. Chúng ta quá coi trọng việc mình làm, ngay cả khi việc ấy là nghĩa vụ của chúng ta. Tôi chỉ đề cập đến một ví dụ: Phải chăng cha mẹ không có trách nhiệm cung cấp cho đứa trẻ mà họ sinh ra những gì tốt nhất trong khả năng của họ? Dù chúng ta rao giảng hàng ngày cho con cái rằng: “Con phải biết ơn cha mẹ vì tất cả những gì chúng ta làm cho con, cho con ăn, cho con mặc, cho con học hành.” Phải chăng vì cha mẹ áp đặt đứa trẻ phải biết ơn nên đã biến chúng thành vô ơn? Thay vì ép buộc, liệu chúng ta có nên lấy yêu thương làm sợi dây duy nhất giữ con cái ta ở bên?
Dẹp bỏ hoang tưởng bản ngã, sống với cái Tôi đích thật
Với con người ơn nghĩa, cuộc đời quả thực không thể đánh gục họ, và phẩm giá không lìa xa họ, dù họ mang nợ ai đó
Đây là những cá nhân xuất sắc. Họ có thể thừa nhận rằng không ai là một thực thể độc lập, rằng ta đã đánh giá bản thân quá cao. Họ biết tự phân tâm chính mình, vượt qua cơn hoang tưởng của người thường để trở về thực tại.
Những người như vậy rất trọng ân nghĩa. Họ được nuôi dưỡng bởi những nguồn giá trị tươi đẹp. Họ hiểu biết về tính bạc nhược của con người, về bản chất của con người, nhờ đó họ thoát khỏi suy đồi. Những người trọng ơn nghĩa được tìm thấy nhiều nhất trong hàng ngũ các bậc thiên tài, trong khi kẻ có chút tài mọn thường hay vô ơn. Một thiên tài có thể dễ dàng biết ơn người khác. Anh ta dám thẳng thắn thừa nhận điểm yếu của mình. Anh ta biết rằng việc người khác đã đạt được những thành tựu không cản trở anh ta trở nên vĩ đại. Khi ai đó có nhiều thứ để cho đi, họ sẽ không xấu hổ vì đã đón nhận. Và thậm chí còn đặc biệt hơn nữa khi anh ta biết chắc chắn rằng, trong cuộc sống mọi người đều phải đón nhận và cho đi. Người thực sự tuyệt vời là một người đặc biệt khiêm tốn.
Ngạo mạn là đánh giá quá cao năng lực bản thân. Khiêm tốn nghĩa là biết mình còn nhiều thiết sót
Lòng biết ơn biểu hiện đức tính khiêm tốn của một con người vĩ đại. Vô ơn chính là thói kiêu mạn của kẻ nhỏ nhen. Chỉ những người có ơn nghĩa mới không như vậy. Một nhà hảo tâm đích thực sẽ được biết ơn khi trao đi những hành động tử tế.
Với chủ đề này, chúng ta nên nhắc đến đoạn thơ của Vischer:
Nếu thuốc độc và hiềm oán làm cho thế giới cay đắng,
Nếu bạn còn muốn giữ lại trái tim mình
Hãy làm những việc tử tế!
Và bạn sẽ ngộ ra
Sống tử tế là niềm vui thực sự9
9 If poison and gall make the world bitter,
And your heart you would preserve;
Do deeds of kindness!
And you will learn
That doing good rejoices.