Sống là làm chủ các thế lực đen tối bên trong chúng ta Viết là minh định chính bản thân chúng ta
Mỗi trái tim đều che giấu những bí mật, ngay cả với chính nó. Không phải tất cả chúng ta đều biết cách phát hiện những điều ẩn giấu đó
Chúng ta thường giải tỏa bản thân khỏi những ám ảnh bằng cách “trút hết tâm can” lên ai đó. Giống như miếng bọt biển, tâm hồn cũng thấm đẫm và nó phải được vắt khô trước khi có thể căng phồng trở lại. Nhưng đôi khi tâm trí không thể thoát khỏi ám ảnh. Ta hay nói đó là tâm hồn bệnh hoạn, và ta nhận ra những người mang tâm hồn bệnh hoạn hay lảng tránh những ám ảnh của họ. Tâm hồn bệnh hoạn bắt nguồn từ những cảm xúc bị dồn nén, những điều không thể nói ra.
Dồn nén nội tâm – căn nguyên của bệnh tâm lí
Trẻ em phản chiếu hành vi của người lớn một cách rõ ràng và không thể nhầm lẫn. Chúng bí mật cư xử y hệt cách người lớn thường cư xử. Dù vậy chúng cũng không thể che giấu được. Tôi nhớ rất rõ rằng khi còn bé, tôi không thể ngồi yên 15 phút mà không nói năng gì. Nhiều lần bố mẹ tôi hứa cho tôi phần thưởng lớn nếu tôi ngồi được 15 phút với điều kiện không hỏi họ một câu hỏi hay đưa ra nhận xét nào đó. Phần thưởng hứa hẹn đã tăng lên từng ngày vì tôi chưa bao giờ yên lặng trong hơn một nửa thời gian. Nhưng việc giữ bí mật thậm chí còn khiến tôi khó chịu hơn.
Có một lần anh tôi được tặng một chiếc đồng hồ bằng bạc nhân dịp sinh nhật của anh ấy. Biết trước điều đó, trong ba ngày tôi đứng ngồi không yên và thấy bồn chồn như thể có điều gì đó thật sự không ổn. Tôi luẩn quẩn xung quanh anh ấy, quan sát một cách chăm chú đồng thời kìm nén cơn phấn khích. Cuối cùng anh ấy nhận ra hành vi kì lạ của tôi và hỏi tôi muốn gì. Trong bữa tối trước ngày sinh nhật anh, tôi không thể kìm nén bản thân mình nữa, tôi bật ra: “Ồ, anh biết không, anh sẽ có một chiếc đồng hồ bằng bạc vào ngày mai!”
Mọi đứa trẻ chắc chắn đều giống như vậy. Với chúng, bí mật là một gánh nặng không thể chịu nổi. Sẽ có lúc chúng phải giữ bí mật một số chuyện với cha mẹ. Bởi một sự nhút nhát khó hiểu nào đó khiến chúng cảm thấy xấu hổ khi nói chuyện một cách thoải mái với cha mẹ của mình. Chúng thay đổi thái độ đối với cha mẹ và tìm đến những người bạn đồng trang lứa, những người bạn có thể cùng thảo luận về bí mật của chúng.
Người lớn thực sự ít có khả năng nói ra bí mật như trẻ con. Nó dằn vặt và đè nén họ như một gánh nặng. Họ rất vui khi thoát khỏi nó theo cách này hay cách khác. Nếu họ không thể nói chuyện một cách công khai và thẳng thắn, thì họ sẽ hành động một cách lén lút, bí mật hoặc tượng trưng. Tôi có thể trích dẫn rất nhiều ví dụ minh họa về điều này, nhưng tôi tạm thấy hài lòng với một ví dụ duy nhất.
••• Một người phụ nữ đã phạm tội không thể tha thứ và trở nên lo lắng không yên. Cô liên tục lặp lại một hành động là rửa tay. Tại sao? Bởi vì cô bị chi phối bởi cảm giác rằng cô đã làm những việc bẩn thỉu, rằng cô đã trở nên ô uế. Cô không thể nói với bất cứ ai trên thế giới những gì cô đã làm. Cô hẳn rất muốn nói với chồng và gia đình: “Đừng chạm vào tôi! Tôi bẩn thỉu, tôi không còn trong sạch. Tôi là một kẻ đáng bị ruồng bỏ!” Cô đã tìm ra một cách để thú nhận, nhưng chỉ chuyên gia mới có thể hiểu được cách này. Vào mỗi dịp dù thích hợp hay không thích hợp, cô đều rửa tay. Nếu được hỏi tại sao lại rửa tay, cô liền trả lời: “Bởi vì chúng bẩn.” Hành động tượng trưng như vậy rất phổ biến và tạo thành một loại “ngôn ngữ không lời” (theo lời của Kleinpaul). Nhưng hành động tượng trưng chỉ là một sự thay thế, một thỏa hiệp giữa các dòng cảm xúc đối lập. Tất nhiên không thể sánh với cảm giác giải tỏa khi được trút hết tâm cảm với một người – một người tri kỉ ta có thể tin tưởng.
Chúng ta biết có những phạm nhân nói rằng cảnh tù đày không khó khăn bằng việc “nói thật lòng mình”.
Một ví dụ nữa, khi đi du lịch nước ngoài, chúng ta dễ dàng kết bạn với những người đồng hương ta tình cờ gặp, nhưng lại thờ ơ với họ khi ở quê nhà. Tại sao vậy? Bởi vì ở nơi xứ người, họ cho ta một cơ hội tốt để trò chuyện. Bởi vì đến một mức nhất định, họ trở thành những cái bình để chúng ta trút bỏ những tổn thương tích tụ trong tâm hồn mình.
Tôi có một bí mật muốn nói
Sâu thẳm trong chúng ta đều khao khát một người tri kỉ, một tâm hồn thấu cảm. Một khao khát cháy bỏng thôi đẩy từ bên trong.
Trò chuyện giúp chúng ta giải tỏa căng thẳng trong cảm xúc hoặc xả thoát phần nào tình trạng hào hứng kích động bị dồn nén
Trẻ em may mắn hơn chúng ta trong chuyện này. Chúng tìm bạn thật dễ dàng làm sao! Người bạn đầu tiên cùng chơi vui vẻ có thể trở nên thân thiết trong vòng nửa giờ. Với những người trưởng thành, vấn đề khó khăn hơn nhiều. Trước khi chúng ta có thể tin tưởng bất kì ai, người đó phải đáp ứng một số tiêu chuẩn xã hội và đạo đức xử thế nhất định. Nhưng ngay cả với người bạn ấy, chúng ta cũng chỉ tiết lộ những thứ bề mặt và giữ bí mật của mình nơi đáy tâm hồn. Trừ khi một cơn bão cảm xúc dâng lên, mở tung các cửa chặn, để những dòng cảm xúc trào ra như nước lũ và phơi bày mọi thứ trước mặt họ.
Đến tận ngày nay, sức mạnh to lớn của Giáo hội Công giáo La Mã vẫn nằm ở chỗ: Họ tạo điều kiện để các thành viên thú nhận những bí mật đau đớn nhất của mình bất cứ lúc nào và sẽ được xá tội. Tiến sĩ Muthmann đã nói rằng: Các vụ tự sát thường hay xảy ra nhất ở các nước theo đạo Tin Lành, và ít xảy ra ở các dân tộc Công giáo La Mã. Ông cho rằng hiện tượng này là do người ta có thể thú nhận lòng mình một cách chân thật, vì thế nhận được phước lành và hạnh phúc.
Các hình thức trị liệu và tự trị liệu
Phương pháp phân tâm học điều trị các bệnh rối loạn thần kinh không chỉ tận dụng việc xưng tội, mà còn giúp chúng ta hiểu về chính mình, nhìn sâu vào nơi tối tăm nhất của tâm hồn mình.
Có một cách trút bỏ tâm can gần giống như xưng tội, đó là hiệp thông với chính mình (self-communion), nghĩa là giao tiếp, bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của bản thân với chính mình.
Như Grillparzer10 nói: Mỗi trái tim đều che giấu những bí mật, ngay cả với chính nó. Không phải tất cả chúng ta đều biết cách phát hiện những điều ẩn giấu đó. Nhưng những nhà thơ luôn có khả năng này.
10 Franz Seraphicus Grillparzer (1791 - 1872) là một nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng người Áo. Ông từng viết lời điếu cho đám tang của Ludwig van Beethoven.
Ibsen nói hoa mĩ rằng:
“Sống là làm chủ các thế lực đen tối bên trong chúng ta. Viết là minh định về chính bản thân chúng ta”
Không phải ai cũng có khả năng tự hiệp thông với chính mình. Hầu hết các chứng bệnh tâm thần đều dựa trên cơ chế đặc thù mà Freud gọi là “dồn nén”. Dồn nén nghĩa là quên đi phần nào những ấn tượng hay suy nghĩ khiến bản thân khó chịu. Nhưng chỉ một phần được “quên” đi, còn một phần những cảm xúc, ý nghĩ bị dồn nén vào vô thức tự kiến lập dưới dạng các triệu chứng hoặc các dạng bệnh thần kinh. Trong những trường hợp này, nhà trị liệu tâm lí phải sử dụng các phương pháp trị liệu để hướng dẫn người bệnh hiểu về chính mình.
Goethe11 biết giá trị của sự xưng tội. Ông đã từng chữa trị cho quý bà Herder bằng biện pháp xưng tội. Vào ngày 25 tháng 9 năm 1811, ông viết cho bà Stein: “Đêm qua tôi đã tạo ra một phép lạ thật sự đáng kinh ngạc. Quý bà Herder vẫn còn trong tình trạng nghi ngờ rằng mình có bệnh. Đó là hậu quả của những điều tồi tệ mà bà đã trải qua ở Carlsbad, đặc biệt khi còn ở với gia đình. Bà đã xưng tội và cho tôi biết mọi thứ, những thiếu sót của chính bà cũng như của những người khác, mọi chi tiết và hệ quả chúng gây ra. Cuối cùng tôi đã tha thứ cho bà ấy và pha trò làm bà ấy hiểu rằng qua nghi thức xưng tội này, những điều bà trải qua đã được giải quyết và quăng xuống biển sâu. Lúc đó bà ấy trở nên vui vẻ và thực sự được chữa lành.”
Ở đây chúng ta thấy có các nguyên tắc cơ bản của trị liệu tâm lí hiện đại. Một cách vô thức, bằng khả năng tiềm ẩn trời phú trong mình, nhà thơ đã vô tình làm được điều mà nhà trị liệu tâm lí hiện đại cũng đang cố gắng thực hiện.
Nietzsche12 cũng hoàn toàn hiểu giá trị của xưng tội. Chúng ta quen gắn Nietzsche với tuyên bố “Chúa đã chết”. Trong cuốn sách The Joyful Wisdom (Trí tuệ vui vẻ), ông cho thấy mình đã nhìn nhận chính xác bản chất của người thầy tu đích thực qua đoạn mô tả về tâm tính người tu. Ông viết:
11 Johann Wolfgang von Goethe (1749 - 1832) là một vĩ nhân trong nền văn chương thế giới. Ông là một nhà thơ, nhà viết kịch, tiểu thuyết gia, nhà văn, nhà khoa học, họa sĩ của Đức. Hầu hết các tác phẩm của ông trường tồn với thời gian, nổi tiếng nhất là kịch thơ Faust và tiểu thuyết Nỗi đau của chàng Werther.
12 Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844 - 1900) là một nhà triết học người Phổ. Ông bắt đầu sự nghiệp như là một nhà văn và viết nhiều bài phê bình về tôn giáo, đạo đức, các vấn đề văn hóa đương thời và triết học.
“Những người này tôn vinh những phẩm chất hoàn toàn khác biệt. Họ ôn hòa, nghiêm trang, đứng đắn, giản dị và khiêm nhường. Trước họ, một người có thể kể hết nỗi lòng mà không bị trừng phạt, có thể dốc hết các bí mật, lo âu của mình và những điều còn tồi tệ hơn nữa.”
Người nào chia sẻ nỗi lòng với một người khác sẽ tự giải phóng mình, và người thú nhận sẽ thấy nguôi ngoai.
Không thể nào lột tả hết giá trị của việc xưng tội một cách đẹp đẽ và sáng tỏ hơn. Cánh cửa khoa học sẽ sớm bị lung lay vì cái gì tạo ra điều tốt lành sẽ được chấp nhận rộng rãi. Chẳng mấy chốc chúng ta có thể nhìn nhận một cách sâu sắc về nguồn gốc của “các bệnh tâm thần nội sinh”13, ngoại trừ những chứng bệnh “ngoại sinh” như một số bệnh truyền nhiễm. Chúng ta coi các bệnh “nội sinh”, thậm chí cả những ảo tưởng là một rối loạn tâm lí. Nhiệm vụ của chúng ta là xác định nguyên nhân gây ra chúng.
13 Endogenetic mental disease: Bệnh tâm thần nội sinh, bệnh tâm thần phát sinh từ bên trong cơ thể như: cơ quan nội tạng, tế bào, dây thần kinh… (ND).
Chúng ta có nhiều cách khác ngoài xưng tội với chính mình. Đấy là vẽ tranh, đọc báo, âm nhạc, văn học, và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là đóng kịch. Trong thực tế, tác dụng sau cùng của một màn trình diễn sâu sắc là giải phóng những cảm xúc bị dồn nén một thời gian dài bên trong chúng ta. Chúng ta có lí do chính đáng để chứng kiến những vở kịch mà ở đó chúng ta có thể khóc cho những tổn thương trong trái tim mình. Khi chúng ta có thể rơi nước mắt bởi số phận bất hạnh của một nhân vật trên sân khấu, cũng chính là chúng ta đang thực sự khóc cho nỗi đau của mình. Một người phụ nữ cười chảy ra nước mắt vì một chú hề vụng về, có lẽ đang cười anh chồng mình – người mà cô vốn thấy ngốc nghếch và vụng về, dù cô không thừa nhận. Bằng cách ấy cô bỏ qua cho những tội lỗi mà cô phạm phải trong ý nghĩ. Kịch nghệ như một cách để xưng tội. Nó giải phóng các ức chế và mặc cảm. Nó gợi lại nhiều kí ức. Nó an ủi và có lẽ hồi phục ở chúng ta niềm hi vọng vào những khả năng tiềm ẩn mà từ lâu chúng ta đã không còn mong đợi.
Chúng ta đã quen thói nghi ngờ rằng phải chăng đằng sau tình bạn là tình dục. Ngay cả khi chúng ta chấp nhận giả thuyết rằng động cơ tình dục này có thật, nhưng ẩn trong vô thức, đó là một lời giải thích đầy đủ cho ham muốn có một tình bạn của ta. Động cơ tình dục vô thức của chúng ta tác động lớn đến cách chúng ta lựa chọn bạn bè. Động cơ này có thể là yếu tố quyết định đến sự thông cảm và cái ác cảm, mặc dù nó đã được chứng minh là thuộc về vế sau – cái ác cảm. Chủ đề này đáng được xem xét một cách riêng rẽ. Bởi vì những ác cảm của chúng ta có thể chỉ là các phản ứng trước một sự hấp dẫn quá mức và do vậy chúng là bằng chứng của dồn nén. Nghĩa là nếu nhìn từ quan điểm này, thông cảm và ác cảm là một cảm giác, một xung động, một cái tích cực, một cái tiêu cực. Xu hướng thầm kín này có thể là yếu tố quyết định trong việc lựa chọn một người bạn. Nhưng lí do tại sao lại cần có một người bạn chắc chắn liên quan trực tiếp đến nhu cầu xưng tội?
Từ lâu, nhiều người đã chế giễu việc người Đức ham mê thành lập các câu lạc bộ và tổ chức xã hội các loại. Nhưng phải chăng những người chuyên sáng lập các hiệp hội và coi nhau như anh em này đang tìm kiếm cơ hội để làm quen, để có một cuộc nói chuyện tử tế, một điều gì đó mà họ bị ngăn cản ở nhà? Trong suốt một năm, vô số cuộc trò chuyện đã diễn ra ào ạt như một dòng suối bất tận trong các ngôi nhà, tại một vài cuộc tụ họp, rõ ràng chỉ vì lợi ích của người nghe. Đây là một dạng trị liệu nhóm. Mỗi cuộc trò chuyện là một cách giải tỏa đối với người nói.
Người nào khao khát được nói trước toàn thế giới thường là người giữ một bí mật lớn – bí mật mà họ phải che giấu với người đời
Nhưng họ cũng đang nói ra một cách gián tiếp theo từng liều vi lượng đồng căn14. Cũng giống như một chất nhuộm bị hòa tan trong một lượng lớn chất lỏng sẽ biến mất hoàn toàn đến mức mắt thường không thể phát hiện ra dấu vết của nó. Các mảnh ghép của những bí mật vĩ đại cũng như vậy. Nó vốn phải nằm ẩn nấp mãi mãi, nhưng giờ nó tìm lối đi vào các cuộc nói chuyện.
14 Vi lượng đồng căn (Homeopathy): Là một phương pháp y học điều trị bệnh nhân bằng cách sử dụng những chế phẩm được pha loãng. Những chế phẩm này gây ra các triệu chứng tương tự của căn bệnh cho một người bình thường. Những bằng chứng khoa học cho rằng vi lượng đồng căn chỉ là một giả dược nhằm làm yên lòng bệnh nhân, chứ nó không có tác dụng chữa trị (ND).