Sợ câu chuyện tâm lý ái tình, làm cho độc giả buồn ngủ rũ, tôi vội vàng thuật ra đây vài việc rất đáng tức cười (ấy là tôi tưởng thế) đã xẩy ra trong quãng đời 1916-1917 của tôi. Với lại, tôi cũng cần kể những câu chuyện ngớ ngần ấy để chứng thực cho lòng ngây thơ, khờ khạo của tôi, của một cậu ‘‘ma-bùn’’ đã mười bốn, mười lăm tuổi đầu mà không hiểu ái tình là gì?
Câu chuyện thứ nhất là câu chuyện cái áo tơi.
Mùa rét đến, cha mẹ tôi gửi lên cô tôi, bán hàng ở phố Vải thâm, một cái ngân phiếu mười hai đồng bạc, nhờ đi may cho tôi một cái áo tơi tây. Cô tôi liền đưa tôi đến hiệu Vũ Huy Quang ở phố Hàng Bông...
Nhưng trước khi kể câu chuyện cái áo tơi, tôi hãy nói qua về cái áo sa tanh của tôi đã. Rõ tôi kể lôi thôi quá, đương chuyện nọ xọ chuyện kia. Khốn nỗi, đầu đuôi chỉ tại cái áo sa tanh lót Thượng Hải. Mặc nó ở tỉnh tôi, tôi thấy nó đẹp lắm và làm cho tôi ra phết người lớn lắm.
Song, nay tôi ngắm y phục người Hà thành, đàn ông cũng như đàn bà, đều thấy gọn gàng, hẹp, chẽn, ngắn, mà cái áo sa tanh của tôi lại vừa rộng, vừa dài lê thê. Nhất là ống tay áo thì khổ sở quá, che gần kín hai bàn tay.
Trời tuy đã rét mà tôi không dám mặc nó vào, vì sợ anh em chế nhạo. Tôi chịu khó co ro trong cái áo trắng và cái áo nịt, đến nỗi có kẻ ngỡ rằng tôi quá bủn xỉn để dành áo mới.
Ngày chủ nhật ra chơi phố chẳng lẽ mặc áo trắng, bất đắc dĩ tôi phải đeo cái áo sa tanh vào người. Nhưng tôi khôn khéo lúc nào cũng ấn hai tay vào túi áo cánh làm như rét lắm. Kỳ thực chỉ cốt để nâng áo sa tanh lên cho vạt cả đỡ dài, và nhân thể dấu kỹ hai ống tay áo lụng thụng gần như tay áo tế. Vì một việc gì mà phải thò tay ra ngoài thì thực là một sự đau lòng cho tôi lắm.
Ấy bởi thế mà sự dài trong y phục là kẻ thù rất đáng ghét của tôi.
Nay được dịp cô tôi đưa đi may áo, và cha mẹ tôi không có đây mà bắt thợ may cắt dài phòng lớn, tôi bèn lựa lúc vắng cô tôi, tôi thì thầm dặn bác cai thợ cắt áo cho tôi thật ngắn, dù ngắn hơn cái áo sa tanh cũng đành chịu.
Hôm tôi mặc áo mới đến nhà cô tôi, cô tôi giẫy nảy lên kêu ngắn quá, rồi tức tốc kéo tuột tôi lên hiệu, để bắt chữa lại. Nhưng than ôi, bác phó may lại quên không chừa vải đề phòng lúc buông gấu.
Cô tôi nhất định, bắt thế nào cũng phải chữa cho dài thêm, (có lẽ cô tôi đã biết tính cha mẹ tôi, sợ sẽ bị cha mẹ tôi kỳ kèo). Bác phó may nhận lỗi xin chữa được.
Quả bác ta chữa được thật, nghĩa là bác ta can thêm một miếng dạ xuống gấu, mà lại can vụng, khiến vạt áo xoè ra như cái váy đầm, trông đến hay.
Cũng như cái mũ ‘‘bê-rê’’, cái áo tơi của tôi đã làm trò cười cho anh em bạn học. Họ chế giễu tôi mặc ‘‘mốt’’ gái Thượng Hải. Có anh lại nói một câu độc địa này nữa:
- Dể thường áo của con gái nuôi tây Núi thải cho nó đấy.