Không ngờ cái thời kỳ náo động nhất trong cuộc Âu chiến, lại là một thời kỳ rất bình tĩnh trong đời tôi: Năm học khóa 1916 -1917.
Thực ra, tôi cũng chẳng biết có cuộc Âu chiến, nếu một hôm ông giáo dạy chữ Pháp không thuật cho chúng tôi nghe những sự tàn ngược của giặc Đức. Ông dơm dớm nước mắt mà phàn nàn rằng, nhà ông, một tòa nhà to tát, đẹp đẽ ở xứ Normandie đã bị quân Nhật nhĩ Mãn bắn phá không còn một viên gạch lành. Từ hôm ấy, tôi yêu ông và thương ông quá.
Nhưng tuy tôi chỉ hiểu lờ mờ về cuộc chiến tranh của loài người, mà cuộc chiến tranh của loài vật thì tôi lại được mục kích tinh tường lắm: ‘‘cuộc chọi dế’’.
Thời bấy giờ, trong trường Bảo Hộ hình như có dịch chơi dế. Bọn học trò lớn bé đua nhau đào đất bắt nào dế oẳn mòn, nào dế crắc, nào dế cắt tẩu. Có kẻ sáng dậy sớm ra nằm sấp, nằm nghiêng đầu, áp tai xuống bãi cỏ hàng nửa giờ để nghe xem tiếng dế ở đâu. Rồi họ nuôi những con vật bé nhỏ mà hăng hái, dữ tợn ấy vào trong một cái hộp ''bích quy’’ đầy cát, đục hang cho nó ở, phủ cỏ lên trên cho được mát. Đêm đêm, tiếng kèn ‘‘khiêu binh’’ kêu dậy khắp trong buồng ngủ.
Không làm gì cho tôi sung sướng bằng được chứng kiến cuộc gặp gỡ của hai kẻ thù tí hon ấy. Chúng nó dương bộ râu, ra oai và đưa chân trước lên múa mênh giữ miếng, làm đến nhiều điệu bộ. Con nào can đảm thì xông phăng vào đá liền. Rồi khi thắng trận, đứng phưỡn ngực, cọ càng vào cánh, hát khúc khải hoàn ca.
Tiếc rằng tôi không phải là chàng thứ XIII để thuật cuộc chiến tranh ấy cho có vẻ khoa học, mà cũng không phải là một nhà phóng sự để tả cuộc chiến tranh ấy ra một trang lịch sử. Tôi chỉ là một cậu học trò, dù là cậu học trò đỗ đầu...
Nhưng một hôm, cuộc chơi chọi dế đã khiến tôi lưu ý đến một vấn đề tâm lý ái tình (to tát vậy thay!).
Hôm ấy, một người bạn học tôi thả hai con dế đực vào trong bãi chiến trường. Chúng tôi xúm đông lại coi. Nhưng hai con vật ấy âu yếm chạm bộ râu vào nhau như để ký một bản điều ước đình chiến, rồi cùng lãnh đạm làm ngơ quay mặt đi. Dí đầu chúng nó vào nhau, chúng nó cũng chỉ lui. Có người nghĩ ra một kế: Thả một cô dế cái vào trận địa. Tức thì hai đạo quân choảng nhau liền.
Anh em thích chí vỗ tay cười vang. Tôi cũng cười theo nhưng chẳng hiểu sao lại có chuyện lạ lùng ấy. Phải, sau khi thả con cái vào đó, hai con đực lại đánh nhau? Tôi đem câu chuyện ngây thơ, hỏi anh Ngôn, một người bạn lớn tuổi thì anh cười ngất bảo tôi:
- Vì ái tình chứ còn tại sao nữa.
Từ đó, tôi hết lòng làm thân với anh Ngôn, để cố dò xét cho biết ái tình là thế nào. Và cũng vì sự giao du ấy mà tôi học được nhiều sự mới lạ lắm. Chẳng hạn: người ta ai ai cũng phải có ái tình. Không có ái tình, con người sẽ khô héo.
Bạn tôi lại mở cho tôi xem một quyển sổ con, trong đó anh chép rất nhiều câu châm ngôn về ái tình. Thí dụ:
‘‘Người không ái tình như vườn hoa không ánh sáng’’, hay là: ‘‘ái tình như hạt móc buổi sáng...’’. Còn nhiều câu hay lắm nữa, mà anh Ngôn đều nhận là do chính anh nghĩ ra, nhưng tôi đoán chừng là anh nói dối.
Tôi lấy làm tức bực quá, những lời giảng nghĩa cùng những câu châm ngôn của bạn tôi vẫn không làm cho tôi hiểu thế nào là ái tình, mà nếu quả thực tôi không có ái tình, thì chẳng lẽ tôi chỉ là một cái vườn hoa không ánh sáng, là đóa hoa chết héo vì không sương buổi sáng tưới nhuần?
Tôi chợt nghĩ đến cô Trịnh ở hiệu ông tây Núi.
Từ hôm nhập học, đã qua ba, bốn cái chủ nhật, cứ hễ ra phố chơi, tôi lại bạo dạn đi qua hàng cô ta. Lần nào thấy tôi dừng lại ngắm hàng bầy trong tủ kính, cô ta cũng chạy ra chào tôi, và hỏi sao khi dạo phố, tôi không vâng lời cha mà diện mũ mới cho bảnh trai.
Trời ơi! Cái mũ ‘‘bê-rê’’: Tôi cắm đầu cút thẳng. Nhưng tôi xem chừng cô Trịnh cũng không ghét gì tôi. Nói đùa tôi mà vẫn cười tươi như đóa hoa. Đó hẳn là đóa hoa đượm hạt móc của anh Ngôn. Còn tôi thì bao giờ gặp cô Trịnh, tôi cũng nóng bừng đỏ cả hai tai. Hay đó là ái tình? Tôi tự hỏi, trong lòng ngờ vực, phân vân...