Nửa giờ sau, xe đỗ trước cửa một hiệu ở xế ngay chợ Đồng Xuân. ‘‘Ông tây’’ chủ hiệu, người lùn lùn beo béo, nét mặt láu lỉnh, đon đả ra chào. Tôi đoán chừng ông ta biết cha tôi. Mà ông ta nói tiếng ta lại rất thạo, nghĩa là ông ta biết nhiều chữ mà tôi không biết. Chứ những câu thường ông ta nói nào có giỏi giang gì cho lắm. Chẳng hạn, ông ta bảo tôi: ‘‘Cậu bé điển trai nhỉ!’’ thì thực chữ ‘‘điển trai’’ tôi mới được nghe ông ta dùng là một. Hay khi ông ta nhấc cái mũ của tôi mà chê: ‘‘Đẹp trai thế, đội cái mũ ‘‘phở’’ này sao được?’’ thì tôi cũng chỉ hiểu lờ mờ rằng ‘‘phở’’ nghĩa là cũ kỹ xấu xí mà thôi. (Về thời ấy ở tỉnh tôi chưa có hàng phở). Ông ta còn dùng nhiều chữ khác, mới lạ nữa, mà tôi thiết tưởng có lẽ cha tôi cũng không rõ nghĩa.
Khi cha tôi ngỏ lời muốn mua cho tôi một cái mũ, thì ‘‘ông tây’’ cất tiếng ồm ồm gọi lớn:
- Trịnh! Ra bán hàng.
Một cô con gái tuổi vào lối mười lăm, người xinh xắn, da trắng trẻo, tóc bỏ xõa và cài lược bờm ở trong đi ra.
Tôi đăm đăm nhìn cô ta, không chớp mắt: cái nhan sắc của cô ta như đã chiếm lấy cả sự ngây thơ lạ lùng của tôi.
Cô ta đến gần tôi, mỉm cười hỏi:
- Thưa cậu mua gì?
Cha tôi đỡ lời:
- Tôi mua cho em cái mũ.
Cô bé lại mỉm cười nhìn cái ‘‘mũ phở’’ tôi đương đội, khiến tôi xấu hổ quá, bất giác bỏ mũ cầm ở tay…
- Thưa ông, mua mũ gì cho cậu… em.
Trời ơi! Cô ta mà lại gọi tôi là cậu em, tôi - người vừa đỗ đầu?...
Về khoa tiếp khách, tôi dám chắc rằng cô Trịnh (đấy, tôi đã nhớ tên cô ta rồi!) chẳng kém ‘‘ông tây chù’’ cô ta mấy tí. Nhưng ông kia cũng đến đỡ lời cho cô:
- Ngài mua mũ dạ?
Rồi không đợi câu trả lời, ông ta quay lại bảo cô Trịnh:
- Em lấy mũ dạ để ngài xem.
Cha tôi nói:
- Bây giờ còn nực, không nên đội mũ dạ. Với lại Văn nó đã có mũ dạ rồi (Tôi chắp vội hai tay về phía sau lưng cốt để giấu kín cái ‘‘mũ phở’’). Ông cho tôi xem cái mũ rơm kia kìa.
Cô Trịnh liền bắc cái thang gấp trèo lên cởi chiếc mũ đan cói, ‘‘ruban’’ có giải, đưa cho cha tôi. Ngắm cái vành rộng và hai cái giải xanh buông thõng xuống bên vai, tôi cho là có vẻ đẹp lắm. Cha tôi hỏi :
- Có vừa không?
- Bẩm, hơi chật.
Cô Trịnh đã thoăn thoắt từ trên thang bước xuống đứng lại sau lưng tôi, chăm chăm nhìn tôi ở trong gương và mỉm cười tấm tắc khen ngợi:
- Đẹp lắm, xinh trai, mà vừa lắm.
Tôi nhắc lại:
- Hơi chật.
- Chật đâu! (vừa nói, cô Trịnh vừa nhắc lại cái mũ, rồi đưa tay vuốt tóc tôi). Tại đầu cậu chưa ‘‘cúp’’ đấy. Tóc dài thế này, làm gì mà chẳng chật... xén tóc rồi thì vừa vặn.
Cha tôi nói:
- Nhưng cô cứ lấy cho em cái mũ rộng hơn một tí nữa... đề phòng đầu nó to ra.
Tôi ngượng chết đi được. Cha tôi làm như tôi mới lên năm, lên sáu. Mà lúc bấy giờ, tôi lại đứng trước mặt một cô con gái đẹp!
- Thưa ngài, người có nhớn thì nhớn, chứ đầu to ra sao được? Vả lại nếu ngài muốn rộng hơn một chút nữa cũng dễ, em chỉ cho vào nong, nong nó ra một tí là được.
Miệng nói, chân bước, cô Trịnh đi vào nhà trong.
Tôi ngước mắt nhìn lên tủ hàng, không thấy một cái mũ đan nào như thế nữa. Có lẽ đó là đồ hàng còn sót lại từ hai, ba năm trước, và cái mũ đan cuối cùng ấy của ‘‘ông tây lùn’’ cô bán hàng láu lỉnh đã hết sức tìm cách ‘‘ẩn’’ đi cho tôi.
Một chốc cô Trịnh lại mang cái mũ có giải ra đưa tận tay tôi
- Bây giờ thì hẳn vừa, cậu đội thử xem.
Cố nhiên, tôi cho là vừa để khỏi phải diễn lại cái dáng dấp đáng tức cười của tôi, vừa là trông thấy cái điệu bộ mai mỉa, chế giễu của cô hàng. Rồi trước mặt ông ‘‘tây lùn’’ vê ria âu yếm nhìn tôi, và cô Trịnh đẹp đẽ với hai bàn tay xinh xắn đương gói mũ vào một tờ giấy rộng, cha tôí ân cần dặn tôi:
- Ngày thường đi học thì Văn chỉ nên đội cái mũ cũ thôi, chủ nhật đi chơi hãy nên dùng đến mũ mới. Hễ tết về mà tao thấy cái mũ này đầy mực thì đừng trách.
Thế thì tôi có khổ không, có nhục nhã không, tôi đã lớn tuổi, lại vừa đỗ đầu mà cha tôi vẫn coi tôi như một đứa con nít. Liếc mắt nhìn vào gương, tôi thấy má tôi hây hây đỏ và mắt tôi long lanh có ngấn lệ. Tôi càng xấu hổ, khi đưa gói mũ cho tôi, cô Trịnh thì thầm hỏi sẽ:
- Tên cậu là Văn à? Cái tên cũng đẹp nhỉ!
Tôi chỉ muốn ra ngay ngoài đường cắm đầu cút thẳng. Nhưng cha tôi, sau khi trả tiền còn đứng nói chuyện với ‘‘ông tây lùn’’ đến mấy phút đồng bồ, nào khoe tôi mới đỗ đầu, nào khoe tôi học chăm chỉ. Trong khi ấy thì cô Trịnh vẫn nhìn tôi mủm mỉm cười.
Ra đến xe, tôi xin ngay cha tôi cho phép tôi xén tóc. Song trước khi đưa tôi đến hiệu thợ cạo, cha tôi còn lại Chính Hiên mua cho tôi một đôi giầy đã rộng, cổ lại cao, mỗi chiếc có hai cái đanh móng lừa đóng ở dưới mũi và dưới gót. Tôi chắc rằng đôi giầy ấy quý giá lắm, vì chẳng thế, sao người ta lại trịnh trọng đặt nó vào trong một cái hộp (Cái tên ‘‘giầy hộp’’ vì đó mà sau có nghĩa là giầy đẹp).
Sáng hôm sau, tôi thắng bộ cánh mới, ngờ nghệch, vụng về theo người nhà mang hòm đến cửa trường. Bọn học trò đều nhìn tôi khúc khích cười. Tôi tưởng họ chê tôi ăn mặc diện quá. Bỗng một anh trông có dáng dữ tợn lại gần giật phắt cái mũ mới của tôi mà vất mạnh xuống đất. Tôi vội vàng nhặt lấy phủi bụi rồi toan lảng xa, nhưng anh hung ác kia gật gù đầu, sừng sộ hất hàm bảo tôi:
- Anh mua cái mũ ‘‘bê-rê’’ ấy ở đâu đấy?
Thấy hắn ta ‘‘du côn’’ quá, tôi sợ hãi, vội trả lời:
- Tôi mua ở hiệu tây, trước cửa chợ.
- À, ở hiệu tây Núi.
Thế là cả bọn vui mừng, cất tiếng reo:
- À, thằng đội mũ ‘‘bê rê’’ tây Núi!
Thì ra cái mũ của tôi tên là ‘‘bê rê’’. Rõ khổ! Tôi đỗ đầu mà không biết tên nó là ‘‘bê rê’’. Hôm ấy, tra tự vị Larousse, tôi mới hay ‘‘béret’’ là mũ trẻ con. Học năm thứ nhất trường ‘‘Grand collège’’ thì hẳn không còn là trẻ con nữa. Vì thế buổi chiều, tôi lại chịu khó mang cái ‘‘mũ phở’’ của tôi vào lớp học, thề rằng từ đây trở đi, cái mũ ‘‘bê-rê’’ trẻ con, tôi sẽ cất kỹ dưới đáy hòm quần áo. Tết về, thấy mũ còn mới nguyên, hẳn là cha tôi sẽ bằng lòng.