Một sự xảy ra.
Nếu sự đó không xảy ra, thì không biết rồi cô Quý (tên chị gái bạn tôi) và tôi có yêu nhau không. Ngày nay, tôi thường tự hỏi tôi câu ấy, và tôi vẫn còn lấy làm ngờ.
Nhưng sự kia đã xảy ra thì bất tất phải bàn đến sự không xảy ra làm gì.
Sự xảy ra ấy là sự gặp gỡ của tôi với cô Thi: Một cuộc gặp gỡ cảm động, ngây thơ, rất đáng tức cười, mà rất đỗi đau đớn.
Tôi kéo bộ được mấy tháng, thì lòng tôi sinh chán nản nhất là thân thể tôi lại mệt nhọc vì những đêm thức khuya đánh bạc.
Tới mùa rét! Mưa phùn, gió bấc (vào khoảng đầu năm 1918) sự chán nản kia thực trở nên sự khổ thống nan kham cho tôi. Trước tôi còn cố ẩn núp bám sau mui xe ngựa để tránh mưa mà đi đến trường bằng một cách rẻ tiền. Song từ hôm bị một roi của anh ‘‘sà-ích’’, tôi đâm ra sợ hãi, rụt rè.
Nhưng vì thế mà tôi lại nghĩ ra được một cách khác, giản dị hơn: là những hôm mưa gió, tôi không đến trường nữa, đi lang thang dưới mái hiên các cửa nhà hàng, chờ cho hết giờ học sẽ ung dung cắp sách về nhà. Tối đến chỉ việc viết một bức thư đứng tên chú dượng xin ông đốc trường tha lỗi cho ‘‘thằng cháu’’ đã không đi học được, vì bị sốt rét hay đau bụng, hay đi lỵ, hay mắc một bệnh gì đó (tôi liều liệu thay đổi bệnh cho được có vẻ thành thực). Dưới thư, tôi ký thay tên chú dượng tôi. Ông đốc hẳn là không biết tên ký của chú tôi, người không hề ký tên bao giờ.
Một hôm đi lang như thế, tôi ngẫu nhiên đến trước cửa trường Hàng Cót trước giờ nhập học. Và ngẫu nhiên tôi gặp một cô dương cặp mắt đen láy, đăm đăm nhìn tôi như có tình lưu luyến.
Chiều hôm ấy, tôi lại ngẫu nhiên gặp cô nữ học sinh. Lần này, cặp mắt đen lay láy đã ‘‘tòng phạm’’ với cặp môi tươi thắm mà chào tôi bằng một nụ cười thân mật. Cái nụ cười ấy, một giờ sau tôi hiểu ngay là nụ cười biểu đồng tình: cô nữ học sinh, cũng như tôi, là một đảng viên trong phái trốn học.
Thế rồi từ đó, chúng tôi luôn luôn cùng nhau sốt rét và đi lỵ, nghĩa là chúng tôi thường rủ nhau đi chơi vườn Bách thú.
Đưa gái đi chơi Bách thú. Hân hạnh ấy đã mấy người được? Nhưng hồi đó tôi cho là một sự không may, một sự ‘‘tai hại’’ vì tôi chẳng biết khi đi với gái thì phải làm những gì, phải cử động sao, nói năng thế nào, cho khỏi ra một anh chàng quých với cái diện mạo, dáng dấp khờ khạo, ngờ nghệch. Đến nỗi hơn một tháng sau tôi chỉ ao ước cuộc giao du của chúng tôi chóng kết thúc.
Tôi ngnĩ thế, song tôi lại không thể thôi không đến gần cửa trường nữ học đón bạn tôi được. Mà bạn tôi thì không hề bao giờ có cái ý tưởng muốn kết thúc cuộc giao du thân mật.
Tôi thiết tưởng dẫu ai ở vào địa vị tôi, cũng phải lúng túng như tôi..
Cứ tưởng tượng một đôi bạn trẻ mới mười sáu tuổi đầu - mười sáu thời ấy chỉ bằng mười ba, mười bốn ngày nay - đi cách nhau ngoài ba thước, yên lặng nhìn xuống đường và thỉnh thoảng liếc nhau mỉm cười, độc giả cũng thấy cái vẻ khôi hài của cuộc phiếm du kia.
Một đôi khi có nói chuyện, thì chuyện nào có ra chuyện:
- Hôm nay, mát trời nhỉ!
- Cô giáo em đánh phấn vụng quá.
- Lão giáo học bắng nhắng tệ.
- Này cậu ạ, hôm qua con Mùi nó lại viết lên bảng hai chữ Văn, Thi làm em tức quá, phát khóc.
Nồng nàn lắm cũng chỉ đến:
- Thế nào tôi cũng xin phép nhà tôi lấy được cô. Nếu tôi không lấy được cô, thì tôi thề không lấy ai.
Một đêm trằn trọc không ngủ được, tôi băn khoăn suy nghĩ, nhủ thầm:
- Chẳng lẽ chỉ có thế? Chẳng lẽ ái tình chỉ có thế?
Tôi bèn lập tâm hỏi anh em bạn học lớn tuổi xem ở vào địa vị ấy thì phải cư xử ra sao. Tôi làm thân với một anh đã nổi tiếng là rất có nhiều hạnh phúc về đường tình ái (điều đó cũng khả nghi lắm). Môt lần nửa cợt nửa thật, tôi hỏi anh ta:
- Muốn yêu một người con gái thì phải làm thế nào ?
Anh kia muốn lên mặt thành thạo dạy tôi một bài tâm lý ái tình:
- Con gái họ cũng thích mình như mình thích họ, nhưng họ bẽn lẽn không dám biểu lộ ngay ái tình của họ ra. Vậy mình phải tỏ cho họ biết rằng mình yêu họ chứ. Mình phải bạo dạn bắt đầu trước. Chẳng hạn, bây giờ anh gặp một người còn gái đẹp, anh không quen biết, mà anh muốn yêu, thì trước hết anh phải tìm cách làm quen với người ta chứ. Chẳng hạn (lần thứ hai) gặp người ấy ở ngoài đường, anh vờ vô ý đâm sầm vào người ta, rồi tha thiết, tươi cười, xin lỗi. Chẳng hạn (lần thứ ba) người ta cũng tươi cười, tha lỗi cho anh, thế là xong. Nếu không anh lại vô ý lần thứ hai, vô ý lần thứ ba, thứ tư đâm vào người ta rồi xin lỗi, thế là thế nào người ta cũng phải lưu ý đến anh, cảm động vì anh.
Điều đó thì tôi khó lòng mà tin được, vì đến lần thứ tư, không khéo người ta sẽ tha lỗi cho mình bằng một cái tát tai. Và bài học ấy cũng không ích lợi gì cho tôi: Thi với tôi không còn thời kỳ vô ý đâm sầm vào nhau nữa. Thì ra đã vượt qua được một quãng khó khăn trên đường tình ái mà vẫn không biết. Tôi lại hỏi:
- Còn cách nào khác nữa không …anh?
- Còn nhiều cách, chẳng hạn (lần thứ tư), cách gửi thư. Cách này hơi khó, vì viết những bức thư đằm thắm, tha thiết, âu yếm, có vẻ thành thực. Tôi coi bộ anh thì khó lòng mà thi hành được cách ấy.
Cái cách khó khăn ấy, tôi có ngờ đâu lại chính Thi dạy tôi.
Một độ, tôi bỏ bẵng đến hơn hai tuần lễ không đến cửa trường Hàng Cót đón bạn: Tôi bận học để thi lên lớp, vì dẫu sao tôi cũng chẳng quên rằng nếu không được lên lớp thì dễ bị cha tôi mắng, ghét và như thế, tôi sẽ có thể làm ngăn trở mất cuộc nhân duyên của tôi.
Một hôm bài vở xong xuôi, và kết quả đã được mỹ mãn, tôi lại đến gần trường nữ học tìm Thi để khoe. Nhưng gặp tôi, Thi chỉ ứa nước mắt, quay mặt đi thẳng về phía trường. Tôi chạy theo toan kêu van xin lỗi thì thấy Thi bỏ rơi một bức thư.
Tôi vội vàng nhặt lên mở ra coi: Trong thư có vài dòng vắn tắt như này:
Hỡi người tệ bạc,
Bỏ người ta trơ trọi một thân, một mình trong gần một tháng trời chẳng thèm đoái hoài tới. Thế mà bảo yêu đấy! Thôi! Thà đừng yêu còn hơn.
THI