Thế là hôm ấy, tôi thức đến quá nửa đêm loay hoay gọt dũa bức thư trả lời. Thực không bài luận văn nào tôi viết được kỹ càng, chu đáo như bức thư tình thứ nhất của tôi. Vả lại, làm văn, dù là Pháp văn đi nữa, đã có mẫu mực thầy dạy cứ thế mà theo, còn thư tình thì tôi có học bao giờ mà biết. Vì thế, ba lần tôi viết xong, ba lần tôi đọc lại, ba lần tôi xé đi.
Một lẽ nữa, khiến tôi hí hoáy trong năm, sáu giờ đồng hồ mới được một trang giấy là bởi mấy hôm trước, anh Ngôn có cho tôi coi bức thư anh viết cho một cô, ý chừng một cô mộng tưởng. Thấy trong thư có nhiều câu ca lục bát, tôi yên trí ngay rằng thư tình bao giờ cũng phải xen lẫn vận văn nào mới có vẻ đậm đà, âu yếm.
Tôi liền mở quyển Kiều, đọc một lượt và lấy bút chì gạch những câu tình tứ mà tôi muốn trích, muốn lấy. Như thế cũng đã mất mấy tiếng đồng hồ rồi. Bức thư của tôi đại khái như thế này:
Cô Thi yêu quý của tôi ơi,
Hôm qua được chút thơm rơi, tôi lấy làm vui mừng khôn xiết kể. Thực là:
Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu,
Tôi trộm nghĩ:
‘‘Kiếp tu xưa ví chưa đầy,
‘‘Phúc nào đọ được giá này cho ngang’’.
Từ ngày trộm liếc dung nhan, tôi ngày đem mơ tưởng, năm canh biếng giấc, sáu khắc quên ăn. Lúc nào tôi cũng tự hỏi: ‘‘Không biết đài gương có soi đến dấu bèo cho chăng?...
(Kể thì tôi cũng biết nó soi đến rồi).
Nhưng thôi, tôi chẳng muốn lợi dụng lòng tín nhiệm của độc giả mà bắt phải nghe từ đầu đến cuối áng văn tình tuyệt tác thứ nhứt ấy. Cho đến cả tập thư tôi gửi cho cô Thi, tôi cũng đành để nó nằm yên trong ngăn ký ức, chỉ xin độc giả lấy trí tưởng tượng mà ức đoán sự ngộ nghĩnh, của một công trình thư tín vận, từa tựa như mẫu văn trên đây,
Cứ như thế trong nửa năm trời, Chúng tôi luôn luôn cùng nhau dạo chơi vườn Bách Thảo một cách lý tưởng, rồi tối lại về viết cho nhau những bức thư lý tưởng.
Kể ái tình lý tưởng thì cũng thú lắm. Thực là một giấc mộng dịu dàng, êm ái. Song, tiếc rằng ở đời này không có giấc mộng nào liên miên, bất tuyệt hết. Đã có mộng thì tất phải có tỉnh mộng, dù là giấc chiêm bao hay giấc mộng tình lý tưởng. Mà tỉnh giấc chiêm bao thì mình chỉ có cái cảm tưởng nhờ tiếc không đâu, chứ tỉnh giấc mộng tình vớ vẩn thì có khi mình lại đau đớn, khổ sở vì nỗi oan uổng độc địa. Chính tôi đã gặp nông nỗi ấy.
Bây giờ hồi tưởng lại, tôi mới hiểu là lỗi tại tôi, hay đúng hơn lỗi tại sự thật thà, khờ khạo của tôi: Khối óc tiêm nhiễm tiểu thuyết của tôi yên trí rằng ái tình chỉ có thế, chỉ có đi dạo chơi ở vườn Bách Thảo, và nói chuyện với nhau hay ngồi gần nhau độ nửa thước đã là quá lắm rồi, đã là vượt qua giới hạn của ái tình rồi.
Cũng có một đôi khi tôi lờ mờ nghĩ đến những cái hôn nồng nàn trong tiểu thuyết, nhưng tôi chỉ thoáng nghĩ đến mà thôi. Còn như làm thế nào để hôn được, hôn được thì sẽ có cảm giác như sao, những câu hỏi ấy không hề bao giờ lởn vởn trong tâm trí tôi. Tôi xin thề rằng những tính tình cao thượng, trong trẻo và ngây thơ luôn luôn bảo hộ cho linh hồn tôi và nâng bổng hẳn trí thức tôi lên từng quang đãng, khiến mắt tôi ngắm vật gì cũng đẹp hơn trước, và mùi thơm của các hoa tôi ngửi, như có nhiễm đầy vẻ thần tiên, huyền bí. Ngoài ra tôi không có một ý nghĩ gì khác nữa.
Thi có những cảm giác, cảm tưởng như tôi chăng? Tôi không biết. Tôi chỉ nhận thấy cặp mắt Thi nhiều lần nhìn tôi đăm đăm, long lanh khác thường. Có khi Thi nhích lại gần tôi như muốn nói thầm một điều gì âu yếm, khiến tôi nhút nhát, lo sợ, sẽ xê ra. Lúc đó, mắt Thi bỗng hơi lim dim nhắm lại, rồi Thi lạnh lùng, im lặng có dáng hờn giận, buồn rầu.
Năm ấy, Thi trượt kỳ thi Sơ học Pháp - Việt. Sự đó chẳng có chi lạ. Tôi viết thư an ủi, lời lẽ thành thực, thiết tha. Trong thư, tôi hứa sẽ học thành tài để sau này làm cho người vợ yêu quý của tôi được hoàn toàn sung sướng.
Rồi tôi về nhà nghĩ hè. Hôm từ biệt nhau lần cuối cùng (mà cuối cùng thật) ở vườn Bách Thảo, Thi khóc lóc thảm thiết. Còn tôi, tôi cũng cố dơm dớm ít nước mắt. Vì quả thực, lúc xa cách Thi, không biết nên buồn hay nên vui.
Buồn thì kể cũng buồn, mà mừng thì có lẽ không phải không đáng mừng. Tôi tự cho là tôi ở vào một cảnh ngộ khó khăn nan tiến nan thoái: Đi bên cạnh một người con gái đẹp, vẫn là một sự đáng tự hào. Song rồi làm gì nữa mới được chứ? Chuyện nói mãi cũng hết. Mà dáng điệu thì chỉ sợ ngờ nghệch, vụng về, quê kệch. Thành thử tôi phải giữ gìn từng tí, rất là khổ sở. Biết bao lần về nhà soi gương, tôi ôn lại những cử chỉ của tôi ở trước mặt Thi xem có khó coi không: hoặc nhách mép mỉm cười, hoặc nhắc lại những câu nói với Thi. Nếu tôi thấy tôi có duyên thì hôm ấy tôi yêu tôi lắm, tôi trọng tôi lắm - Chẳng may trong khi nói chuyện với Thi, tôi lỡ lời thốt ra một câu mà tôi cho là xuẩn ngốc, thì tôi buồn tới một tuần lễ. Đến nỗi giữa đêm băn khoăn, trằn trọc không ngủ được, tôi suy nghĩ mãi về câu nói hớ ấy rồi buột mồm tôi lớn tiếng tự mắng: ‘‘Rõ mình khỉ quá!’’
Vì thế khi từ biệt Thi về nhà nghỉ hè, tôi như thoát nạn, tôi như cất được một gánh nặng trên vai, trong lòng khoan khoái vui mừng.
Nhưng ở nhà được vài hôm, tôi lại nhớ Thi lắm. Tâm hồn tôi trở nên trống trải, và đời tôi lạnh lẽo hết thi vị.
Thấy tôi kém ăn, kém ngủ, kém vui, mẹ tôi săn sóc, hỏi han. Một hôm tôi khóc nức nở thú hết với mẹ tôi, và xin mẹ tôi cho phép tôi lấy Thi. Mẹ tôi an ủi tôi, viện đủ mọi lẽ để khuyên tôi không nên lấy ‘‘cái con người ấy’’.
- Con phải biết nếu nó phải lòng con thì nó cũng có thể phải lòng người khác. Con cứ yên tâm, mẹ đã giấm cho con một đám đẹp gấp mấy kia, mà lại biết làm ăn, trông coi việc đồng áng.
Tôi trả lời quả quyết:
- Bẩm, trừ Thi ra, con nhất định không lấy ai. Mà Thi cũng đã thề với con, nếu không lấy được con, Thi sẽ tự tử.
- Con tin gì lời thề của nó.
Tôi giận mẹ tôi quá, không nói chi nữa. Từ đó, tôi càng khổ sở, người gầy sọp hẳn đi, nhất là thư từ Thi gửi cho tôi lại một ngày một thưa, rồi gần một tháng sau, tôi chẳng nhận được một cái nào nữa.,
Thế rồi sao nữa? Chắc độc giả có người chưa kịp nóng ruột đã vội hỏi tôi câu ấy. Câu trả lời, đáng lẽ tôi dã nói thẳng ngay với độc giả, để khỏi làm thêm khô héo trái tim tôi, nếu nền mỹ thuật của khoa kể chuyện không bắt buộc tôi phải viết cho có đầu, có đuôi, có phá, có thừa, có luận, có kết.
Bây giờ đã đến đoạn kết câu chuyện tình, tôi xin buồn rầu mà thưa với độc giả rằng: Thế rồi... thế rồi tôi cũng như khi xưa tôi đánh luyến gặp ao cá hay gặp cửa nhà quan. Một kẻ sung sướng hơn tôi đã được trẩy những hoa quả ở cây mà tôi mất công trồng tỉa, vun sới.
Nếu chỉ có thế thì cũng chẳng nên phàn nàn. Song nào chỉ có thế. Tôi lại còn bị oan uổng ê chề nữa kia.
Hết hè tôi vui vẻ ra Hà Nội, trong lòng mừng thầm sắp được gặp mặt Thi. Tôi nhẩm lại sẵn trong trí những câu oán trách những lời tình tứ để đem ra nói với Thi.
Nhưng vừa chân ướt chân ráo bước vào sân trường, tôi đã được nghe câu chuyện ghê gớm, làm tôi tê tái cả người như bị dội một thùng nước đá lên đầu: Thi bỏ nhà đi theo tình nhân, mà anh chàng tình nhân quý hóa ấy chẳng phải ai xa lạ, chính là... tôi. Nếu lúc bấy giờ tôi còn giữ được hồn thơ lai láng thì tôi tất phải ngâm câu Kiều:
"Tin đâu sét đánh ngang tai."
(Có lẽ không đúng)
Trời ơi! Thi theo trai! Có thể như thế được chăng?
Người vợ hiền chưa cưới của tôi theo trai? Mà ‘‘trai’’ ấy lại không phải tôi, có thể vô lý như thế được chăng?
Chỉ thiếu một chút là tôi ngất đi.
Anh em bạn thấy tôi kinh ngạc thì cho là tôi vờ. Vì họ biết rằng tôi với Thi “yêu’’ nhau, và họ nhất định quả quyết rằng tôi đã quyến rũ Thi đi ở ẩn một nơi nào trong gần một tháng.
Tôi cãi sao được? Tập thư tình của tôi còn kia; Và nếu nhà Thi không phát đơn kiện tôi, là chỉ vì không muốn bị vỡ lở câu chuyện không hay ấy ra làm gì đó thôi.
Thì ra Thi đã bội ước, đã trái lời thề. Hay Thi đoán được rằng cha mẹ tôi không cho phép tôi lấy Thi? Song Thi không tự tử, - vì tự tử kể cũng khó đấy chứ - Thi chỉ yêu một người khác và yêu một cách thiết thực chứ không lý tưởng như trước nữa.
Hoặc giả ái tình lý tưởng của tôi đối với trái tim kia khao khát sự yêu đã là một cốc rượu khai vị uống trước bữa cơm ngon lành để thêm đói thì cũng chưa biết chừng.
Cố nhiên là tôi thất vọng. Rồi tôi thề với tôi rằng (lại thề) tôi sẽ không yêu ai nữa.
Song nỗi oan, tôi khó lòng mà biện mà bạch được. Sự quyến rũ đê hèn, người đời họ đã chép vào lịch sử của tôi rồi, còn làm thế nào mà xóa đi được. Cả đến người anh cô Thi cũng chẳng xét được nỗi éo le, cay đắng cho tôi, luôn luôn đe nạt tìm tôi để đánh một trận nên thân cho bõ ghét.
Ngoài những sự nhỏ nhen vừa kể trên này ra, thì sự ‘‘rủi ro’’ thứ nhất về đường tình ái cũng là một điều hay cho tôi vì đã làm cho tôi tỉnh ngộ và trở nên đỡ ngây thơ. Chẳng thế mà hai năm sau thi bằng thành chung, tôi lại đậu được thứ mười tuy nuốt phải một góc điểm về bài tập đọc tiếng An Nam. Ông giám khảo môn ấy nào phải ai xa lạ: Chính là ông anh cô Thi, anh người tình lý tưởng của tôi.
Muốn biết tôi đã tỉnh ngộ hẳn chưa, và nỗi oan uổng đã buông tha tôi ra chưa, xin xem những mục sau sẽ rõ.