Trong luôn hai năm tôi đã đóng vai chán đời. Hễ anh em, ai nói đến chuyện tình ái thì tôi cố làm ra có vẻ mặt buồn rầu mà buông một tiếng thở dài thật não nùng, đau đớn.
Một vài người bạn thân đem lòng thương hại tôi và an ủi tôi bằng những lời thành thực. Nhưng tôi, quả tôi không thành thực một chút nào. Vì được cái tin chẳng lành mới xảy ra được một tháng, tôi đã quên hẳn Thi. Mà cũng không có lý do gì khiến tôi không quên Thi được. Có sự liên lạc gì dàng buộc tôi với Thi đâu?
Song tôi cho rằng nếu tôi không làm ra bộ nhớ tiếc, oán trách Thi, thì tôi sẽ trở nên một người tệ bạc, hơn nữa, tôi sẽ là một người không có cảm tình, nghĩa là một đứa trẻ con. Vì thế, lúc nào có anh em đông đủ, tôi cũng ngậm ngùi ngước mắt, nhìn trời hoặc cúi nhìn đất bằng cặp mắt mơ mộng giả dối.
Những thơ ca tôi thích ngâm nga nhất là các bài ‘‘Kỷ Niệm’’ và ‘‘Những Đêm’’ đầy lời ta thán. Tiểu thuyết Werther là cuốn sách gối đầu giường của tôi.
Một lẽ nữa khiến tôi tự bắt buộc tôi phải có những tư tưởng thất vọng về tình: Tôi muốn tỏ cho anh em bạn biết rằng không những tôi không quê mà tôi còn có thể tự hào đã từng trải cuộc đời hơn mọi người khác.
Sự từng trải ấy tôi tả bằng diện mạo và dáng điệu sầu bi. Tôi lại tả bằng những câu thơ cảm động cóp nhặt trong các áng văn xưa. Tôi còn nhớ mấy câu rất kêu mà rất sầu, tôi viết trong những giờ học chữ nho:
"Dương mắt coi chi buổi bạc tình...
Tình ái đời nay như thế cả,
Yêu người, người lại phụ ta ngay...
Nghỉ đời mà ngán cho đời nhỉ,
Tình ái toàn là giả dối thôi..."
Trong nhiều bài, tôi còn ví tôi như con cuốc than hè, như con ve sầu khóc hoa, hay như con chim uyên mất bạn...
Nhưng bài thơ mà anh em bạn thích nhất lại là một bài văn dịch mà họ tưởng lầm là nguyên tác của tôi:
"Trần thế lòng ta chán sạch rồi,
Chẳng mong chi nữa ở trên đời,
Hỡi ơi lưu vực nơi quê cũ,
Cho trú một ngày đợi chết thôi."
Thực tôi được anh em bạn học kính trọng một cách đặc biệt là nhờ về ái tính thất vọng của tôi cũng có, mà nhờ về những áng thơ sầu cũa tôi cũng chẳng phải không. Như vậy, Thi quả là ân nhân của tôi, vì đã làm cho tôi trở nên người ‘‘hợp thế thái’’ lắm.
Được thể, tôi càng nặn mãi cái lòng chán đời của tôi ra. Có khi ngồi một mình đương vui vẻ, tươi cười, có bạn thân đến chơi, tôi vội sa sầm ngay nét mặt lại. Có khi gặp tiết thu, tôi ngồi hàng giờ ở bờ hồ Tây để cố gọt rũa một bài thơ, khóc mùa thu, khóc trời thu, khóc người tình xưa đến mùa thu không trở lại.
Ấy là đã sang tháng tám, tháng chín, tôi cũng gọi tiết thu cho có vẻ nên thơ, chứ thực ra mùa thu nào có gì đâu là sầu, là trời ảm đạm, là mưa phùn mù mịt, là tiếng nhạn kêu sương. Làn không khí vẫn trong trẻo sáng sủa, mà lắm khi về buổi chiều, trời vẫn còn nóng nực như mùa hè vậy.
Nhưng đối với trái tim ‘‘bị thương’’ của tôi, đối với tâm hồn ‘‘đa tình, đa tứ’’ của tôi, thì mùa thu phải là mùa thu của Lamartine, mùa thu của Đỗ Phủ, Lý Bạch, Tô Đông Pha. Tôi phải tưởng tượng ra một mùa thu na ná như thế.
Song loay hoay nghĩ mãi vẫn không tìm được văn để tả, ‘‘Mùa thu’’ hay “Cái hồ’’. Sau chẳng dừng được, tôi phải tạm dịch bài thơ "Hồ" của Lamartine vậy. Trong đó, tôi thích, nhất đoạn:
"Này cây, này cỏ, này trời
Này nơi nghỉ mát của người tri âm
Nước còn cuộn, còn ầm tiếng gió,
Cảnh xưa còn, người cũ ở đâu?
Gượng cười, gượng nói càng sâu.
Vắng tri âm có vui đâu bao giờ?"
Tri âm thì hẳn là Thi. Đọc thơ, tôi cảm thấy tôi giận Thi lắm. Thà Thi chết như Elvire, chứ Thi còn sống thì bài văn dịch của tôi đổ quách. Tôi liền nghĩ đến dịch bài ‘‘Kỷ Niệm’’ của Musset. Mượn lời tác giả mắng tình nhân và nhiếc móc Thi. Nhưng bài ấy dài mà khó dịch quá. Tôi đành bỏ, và cũng từ đó, tôi bỏ mất cái thứ ngâm nga, than vãn. Rõ tiếc!