1. Nội dung chia sẻ những kiến thức chuyên môn
Một trong những cách hiệu quả nhất để thương hiệu của bạn có thể kết nối với người dùng trên Social Media đó là định vị thương hiệu của bạn như một người có uy tín - nơi mà họ có thể gửi gắm niềm tin và sự tôn trọng, họ có thể dựa vào đó để tìm kiếm những thông tin hoặc kinh nghiệm mà họ mong muốn. Kênh Social có thể làm tốt nhất việc này đó là Blog.
Để làm được điều đó, chúng ta phải đi sâu vào tìm hiểu những vấn đề nào mà thương hiệu của mình có thể giải quyết và có cơ hội được thể hiện những kiến thức chuyên môn. Tuy nhiên, đó không có nghĩa là bạn thường xuyên “khoe khoang” về cách mà sản phẩm, dịch vụ của bạn có thể giải quyết được vấn đề mỗi khi có cơ hội. Hãy giống như một ngọn đèn hải đăng ngoài đại dương mênh mông, chiếu sáng và dẫn lối cho người dùng tìm thấy được “bến bờ” bằng những thông tin, kiến thức có giá trị trong lĩnh vực của bạn. Ví dụ, bạn là một công ty chuyên về cung cấp dịch vụ về truyền thông và quảng cáo, những kiến thức như “4 bí quyết sử dụng Call-to-Action để tăng hiệu quả tương tác” hay “Nên đăng bài viết có định dạng gì trên Facebook để tương tác cao nhất?” sẽ là những thông tin có ích với người dùng. Một nội dung tuyệt vời, ngay cả khi nó là bài viết riêng lẻ hay là link liên kết, thì cũng sẽ được người dùng chia sẻ và giúp bạn nâng cao nhận thức về thương hiệu nhiều hơn nữa.
2. Các xu hướng đang thịnh hành
Nếu thương hiệu của bạn có thể bắt kịp với những trend mới, những chủ đề hot và các sự kiện đặc biệt, thì người dùng có thể đánh giá rằng thương hiệu của bạn là một thương hiệu thức thời. Như với Facebook, thuật toán của nó hoạt động để hiển thị các câu chuyện thịnh hành, gần như là hiển thị trên top đầu Newsfeed của người dùng, điều này sẽ dẫn đến mức độ tương tác bài viết đó sẽ cao hơn.
Để biết vấn đề gì đang thịnh hành nhất, chúng ta có thể dùng các công cụ như Google Alerts hay Feedly. Đây là hai ứng dụng rất phổ biến có thể giúp bạn cập nhật những tin tức mới nhất một cách tự động, có chọn lọc và hiệu quả. Ngoài ra, các trang web như BuzzSumo cũng có tính năng tìm kiếm những nội dung được chia sẻ nhiều nhất trên Social Media theo một mốc thời gian cố định, từ đó bạn có thể biết được những xu hướng mới nhất đang diễn ra trên toàn thế giới.
Dưới đây là một bài đăng tuyển dụng của MediaZ bắt theo trend của bộ phim Diên Hi Công Lược:
Ngoài ra, các ngày lễ như Valentine, 8/3, Giáng sinh, Trung thu, Halloween, Tết cũng là những dịp vui vẻ để có thể dễ dàng tạo ra nội dung thu hút được người dùng. Chẳng hạn, bạn có thể sáng tạo nội dung theo ngày Halloween như dưới đây:
Hay cách bắt trend mang tầm cỡ quốc gia...
Hãy đánh dấu tất cả những dịp đặc biệt trong lịch của bạn và chuẩn bị nội dung trước thời hạn để "chung vui" cùng với khán giả của mình. Tuy nhiên, hãy lưu ý là khi muốn bắt theo trend thì phải làm đúng cách và nội dung phải phù hợp, tránh kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Bởi vì khi bạn làm không khéo, content của bạn có thể bị phân mảnh, người dùng sẽ hoang mang không định hình được thương hiệu của bạn chuyên về cái gì.
3. Nội dung quảng cáo sản phẩm, dịch vụ (Sử dụng nguyên tắc 80/20)
Đây là nội dung mà hầu hết các thương hiệu và doanh nghiệp khi muốn marketing trên Social Media dù có mục đích thương mại hay là không. Mặc dù phần lớn nội dung marketing của bạn trên Social Media đều không công khai rằng bạn đang muốn quảng cáo sản phẩm dịch vụ, thì mục tiêu bán hàng vẫn là mục đích cuối cùng khiến bạn ở lại và khách hàng sẽ đủ tinh tế để nhận ra điều này. Giả sử, mối quan hệ giữa bạn và khách hàng rất tốt, những nội dung bạn post thực sự có giá trị, thì những bài post “lặt vặt” quảng cáo cho các sản phẩm, dịch vụ mới của bạn sẽ chẳng nhằm nhò gì với khách hàng cả, họ sẽ không phản đối, ngược lại còn cảm ơn vì bạn đã cho họ biết một sản phẩm, dịch vụ chất lượng đến vậy.
Một cách rất dễ để cân bằng những thông tin bạn cung cấp mà không gây quá nhiều phản cảm cho khách hàng được nhiều thương hiệu sử dụng đó là quy luật 80/20.
Có nghĩa là, bạn sẽ đăng khoảng 80% các bài viết không liên quan đến quảng cáo (Ví dụ: các nội dung, các kiến thức hữu ích, có giá trị cho người dùng từ nguồn của mình và của người khác với mục đích duy nhất là thúc đẩy sự tương tác) và 20% còn lại bạn có thể tùy ý sử dụng cho việc quảng cáo, bán hàng dù có theo cách tinh tế hay là không.
Lưu ý: Trong trường hợp nội dung của bạn có liên quan đến việc bán hàng, có một cách tiếp cận để thu hút mọi người nhiều hơn đó là dành riêng cho những người dùng trung thành follow bạn trên Social Media một vài ưu đãi đặc biệt. Ví dụ như là, giảm giá 5-10% cho họ khi đặt hàng theo mã giới thiệu bạn đã tạo sẵn. Những thông điệp giảm giá này bạn có thể gửi cho người dùng của mình theo cách mà bạn thích, hoặc là gắn nội dung độc quyền trên các kênh Social Media để khách hàng đọc được hoặc là tập hợp chúng lại để gửi theo danh sách email.
4. Nội dung chương trình khuyến mãi, các sự kiện sắp diễn ra
Xu hướng của người dùng là thường thích những ưu đãi đặc biệt. Và hình ảnh sẽ là cách tuyệt vời nhất để in dấu trong đầu khách hàng về những chương trình khuyến mãi này, dù cho nó có diễn ra một ngày, một tuần hay thậm chí là một mùa. Trong nội dung bạn đăng lên kênh Social, hãy kết hợp hình ảnh với text, và đừng quên kèm theo một đường link để người hâm mộ có thể truy cập vào để nhận thêm thông tin về chương trình khuyến mãi cũng như có thể đặt mua sản phẩm dịch vụ của bạn trực tuyến. Ngoài ra, việc giới hạn thời gian cho những ưu đãi này sẽ tăng thêm phần cấp bách thúc đẩy người dùng nhanh chóng thực hiện chuyển đổi hơn. Điều này thực sự hiệu quả đối với những trường hợp giới thiệu các sự kiện, sản phẩm, dịch vụ sắp tới của bạn.
5. Đặt câu hỏi để bắt đầu một cuộc thảo luận
Hãy thấu hiểu người dùng của bạn cũng như tạo ra cơ hội để người dùng có thể hiểu bạn hơn, bằng cách đặt câu hỏi để tạo ra những cuộc thảo luận. Những câu hỏi này có thể là về một sản phẩm, dịch vụ hay sự kiện có liên quan đến doanh nghiệp của bạn, một bài kiểm tra đố vui nhanh hay đơn giản chỉ là những thắc mắc về thế giới rộng lớn ngoài kia. Và thông qua những câu trả lời của người dùng, bạn có thể hiểu thêm về insight của khách hàng. Rất hữu ích phải không nào?
Thông thường, các câu hỏi thu hút sự tham gia nhiều nhất là các câu hỏi có thể trả lời được nhanh chóng. Ví dụ: các câu hỏi về sở thích như “Bạn thích cái này hay cái kia?”, các câu hỏi có câu trả lời Có hoặc Không như “Bạn có thích một cô gái tóc dài không?”, các câu dò hỏi ý kiến người tiêu dùng kiểu như “Bạn thích phần nào trong cuốn sách abcxyz của chúng tôi nhất”, hay xin ý kiến một cách lịch sự về những việc bạn muốn làm sắp tới như “Giờ chúng tôi muốn bán đồ mẹ và bé liệu có ổn không nhỉ?”. Việc kết thúc câu bằng những câu hỏi như “các bạn có đồng ý không?” hay “bạn nghĩ gì về vấn đề này?” sẽ đủ để khuyến khích mọi người tham gia vào cuộc thảo luận của bạn rồi. Khách hàng rất muốn tương tác với những kiểu bài viết như vậy, bởi khi đó họ như đang được đóng vai là một người từng trải đầy kinh nghiệm, được đưa ra những quan điểm và chia sẻ của chính mình về lĩnh vực nào đó đang được mọi người quan tâm.
Ngoài ra, những bài post theo kiểu điền vào chỗ trống cũng là một cách khá hữu dụng khi muốn nhận được lượt tương tác cao. Bởi vì, người dùng sẽ chỉ cần trả lời từ 1- 2 từ là cùng, nó chẳng tốn quá nhiều thời gian của họ. Ví dụ, “nếu bạn có ba điều ước, thì đó sẽ là…”
6. Những câu chuyện về khách hàng của bạn
Ngoài những câu chuyện của riêng bạn, thì khách hàng cũng sẽ có những câu chuyện thú vị khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của bạn (và thường những câu chuyện của khách hàng sẽ thú vị hơn những câu chuyện mà bạn tự tạo ra). Hãy khuyến khích người dùng chia sẻ câu chuyện của họ với bạn để bạn có thể giới thiệu chúng với mọi người. Đây cũng được coi là một phần của chiến lược nội dung - thường được gọi là “user-generated content“ (nội dung do người dùng tạo). Những bằng chứng xã hội này sẽ cho khách hàng thấy được những tác động tích cực của thương hiệu đến cuộc sống của mọi người, từ đó khuyến khích họ truyền bá cho thương hiệu của bạn, giúp bạn xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ hơn xung quanh sản phẩm, dịch vụ của mình.
7. Câu chuyện của những nhân vật hư cấu
Đây là một xu hướng content rất hot trên các trang mạng xã hội hiện nay. Nhân vật hư cấu đại diện cho tính cách của thương hiệu, gắn liền với hình ảnh thương hiệu và có thể thay mặt thương hiệu giao lưu với khán giả của mình. Đa phần, những nhân vật hư cấu này đều có ngoại hình rất dễ thương và bắt mắt. Thông qua nhân vật này, bạn có thể tạo ra những câu chuyện xoay xung quanh những thông tin về doanh nghiệp hay sản phẩm, dịch vụ của bạn theo cách hài hước hơn, thay vì những thông tin thô cứng bằng văn bản, khó tiếp nhận.
8. Hình ảnh, video hấp dẫn
Tất nhiên rồi, hình ảnh và video là những nội dung không thể thiếu trong danh sách này. Hiện nay nội dung không chỉ giới hạn trong những con chữ, mà nó còn mở rộng ra rất nhiều dạng thức khác nhau nhằm thỏa mãn các giác quan của khách hàng, nhất là thị giác. Hơn 90% các marketer dày dặn kinh nghiệm khẳng định rằng visual content (nội dung thị giác) là một trong những yếu tố chủ đạo trong chiến lược content marketing. Vậy làm sao để vận dụng visual content một cách tốt nhất, chúng ta hãy cùng tìm hiểu các chiến lược dưới đây.
a. Chiến lược hình ảnh
Hình ảnh là loại nội dung phổ biến nhất được người dùng mạng xã hội thường xuyên chia sẻ, đó là lý do vì sao mà các thương hiệu nên sử dụng nó như một phần tất yếu của chiến lược nội dung. Một nghiên cứu cho thấy rằng hình ảnh mang lại những cảm xúc tích cực hơn cho người dùng mạng xã hội so với một bài đăng bằng văn bản, phần lớn mọi người thường bị thu hút bởi hình ảnh nhiều hơn con chữ vì tính sinh động của nó, họ thích nhìn hoặc nghe hơn là thích đọc và thích động hơn là thích tĩnh. Giống như một đứa trẻ mới sinh ra đời, lần đầu tiên chúng bắt đầu cảm nhận thế giới bằng cách nhìn và lắng nghe, sau đó biết nói, biết đọc, rồi mới đến biết viết.
Lấy đâu ra hình ảnh đẹp để đăng lên Social Media?
Lựa chọn tốt nhất luôn là chụp ảnh hoặc tự thiết kế đồ họa. Nhưng do thời gian và ngân sách hạn chế khiến cho nhiều thương hiệu không thể lúc nào cũng sử dụng ảnh chụp hoặc ảnh tự thiết kế cho những bài post của mình được. Rất may là có khá nhiều công cụ miễn phí hoặc có phí (nhưng không đáng kể) có thể giúp bạn được vấn đề này.
Ví dụ, về ảnh chụp chúng ta có các website như:
- Unplash (https://unsplash.com)
- Pexels (https://www.pexels.com)
- Foodiesfeed - một trang web về ẩm thực (https://www. foodiesfeed.com)
- Pixabay (https://pixabay.com)
- Stock Up (https://www.sitebuilderreport.com/stock-up).
Đây là những website chia sẻ rất nhiều hình ảnh bản quyền đẹp, có độ phân giải cao và miễn phí cho tất cả mọi người, bạn chỉ cần tìm một từ khóa phù hợp với ý tưởng bài viết của bạn là nó sẽ hiện ra hàng loạt những bức ảnh nghệ thuật cho bạn chọn. Còn với dạng thiết kế đồ họa thì chúng ta sẽ có các website như là:
- Freepik (https://www.freepik.com)
- Hay VectorStock (https://www.vectorstock.com) cũng là lựa chọn không tồi.
Ngoài ra, còn một cách nữa mà mọi người vẫn thường sử dụng đó là tra Google, tuy nhiên, nếu dùng cho các dự án thương mại thì rất có thể bạn sẽ phải hầu tòa vì vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, bạn có thể lọc ảnh có bản quyền bằng cách sau:
- Google sẽ có những tùy chọn bên dưới thanh tìm kiếm, bạn hãy chọn mục Quyền sử dụng trong phần Công cụ.
Các mục trên tương đương với các ý nghĩa như sau, hãy lựa chọn thật sáng suốt!
Mục 1 - Không lọc.
Mục 2 - Bạn có thể sử dụng và chỉnh sửa.
Mục 3 - Bạn có thể sử dụng nhưng không được chỉnh sửa.
Mục 4 - Được sử dụng và chỉnh sửa, trừ mục đích thương mại.
Mục 5 - Không được chỉnh sửa, không được sử dụng với mục đích thương mại.
Dù miễn phí hay có phí đi chăng nữa thì bạn cũng nên cẩn thận chọn lựa nguồn cung cấp ảnh, hãy tránh những nguồn hình ảnh có chất lượng kém, sến sẩm, không có ý nghĩa và hướng đến những bức ảnh có tính tự nhiên, mang ý nghĩa sâu xa. Hơn nữa, dù là hình ảnh có phí hay miễn phí thì bạn hãy luôn đọc và hiểu điều khoản sử dụng của nó, liệu có cần phải chứng nhận gì hay không, có thể sử dụng cho mục đích thương mại được hay không? Nếu sử dụng cho mục đích thương mại thì nên cân nhắc.
Lưu ý: Mỗi mạng xã hội đều có khuyến nghị tỷ lệ hình ảnh chuẩn khác nhau để hiển thị được tốt nhất, nhưng bạn nên nhớ có một quy tắc chung cho bất kỳ visual content nào đó là kích thước ảnh lớn hơn chuẩn sẽ hiển thị tốt hơn, bởi vì các mạng xã hội sẽ tự động thay đổi kích thước hình ảnh của bạn khi cần. Để đơn giản hơn, hãy bám vào các size sau đây:
- 1280 x 720 pixel: ảnh ngang
- 735 x 1102 pixel: ảnh dọc
- 900 x 900 pixel: ảnh vuông
Các kích thước trên sẽ phù hợp với hầu hết các nhu cầu hình ảnh của bạn. Ngoài ra, khi đặt tên cho hình ảnh bạn nên đặt làm sao để tối ưu hóa nhất có thể, việc này sẽ rất tốt cho SEO.
“Cộp mác” thương hiệu cho hình ảnh của bạn
Một trong những cách tốt nhất để xây dựng thương hiệu đó là sự nhất quán. Việc nhất quán trong hình ảnh, giọng nói thương hiệu, logo, màu sắc chủ đạo… có thể giúp người dùng nhận ra thương hiệu của bạn một cách bản năng. Theo một nghiên cứu cho thấy, màu sắc, filters và phông chữ bạn dùng trong hình ảnh của mình sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách mọi người cảm nhận thương hiệu của bạn trên Social Media. Phải mất từ 5-7 lượt hiển thị, mọi người mới có thể bắt đầu nhận ra thương hiệu của bạn, vì vậy hãy lựa chọn một cách cẩn thận, xem xét xem nội dung hình ảnh bạn muốn gợi lên những cảm xúc gì cho người dùng (vui vẻ, tươi sáng, hiện đại hay cổ điển…). Việc thêm logo, hay sử dụng cùng một kiểu chữ, màu sắc trong hình ảnh, trong các quảng cáo sẽ khiến người dùng dễ dàng nhận diện được thương hiệu của bạn hơn.
Tuy nhiên, không nhất thiết là phải lúc nào cũng phải “cộp mác” cho hình ảnh của bạn làm gì, việc lạm dụng kiểu đó sẽ khiến người dùng cảm thấy bạn đang quảng cáo cho thương hiệu của mình một cách thái quá.
Hình ảnh biết truyền tải thông điệp
Những hình ảnh tốt nhất để đăng tải trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội là những hình ảnh thu hút sự chú ý, gợi tò mò và truyền cảm hứng. Và nội dung trong bức ảnh có thể truyền tải được cho người xem tất cả những thông điệp tinh tế mà bức ảnh muốn gửi gắm mà không cần phải giải thích và làm rõ trong mô tả đi kèm.
Đăng tải những hình ảnh khi khách hàng đang sử dụng sản phẩm, dịch vụ của bạn
Đây là những bằng chứng xã hội tốt nhất mang lại tỷ lệ chuyển đổi mạnh mẽ cho thương hiệu của bạn dù cho đó là hình ảnh do bạn chụp hay do người dùng tự chụp. Hãy bắt trọn những khoảnh khắc khách hàng đang sử dụng sản phẩm, dịch vụ khi họ đang ở cơ sở của bạn. Hay khuyến khích người dùng chụp ảnh lại và chia sẻ với bạn bằng cách sử dụng #hashtag hay đề cập đến tên thương hiệu của bạn trong bài đăng của họ. Qua đây, bạn có thể dễ dàng lưu lại hình ảnh đó để sau này tạo thành một album feedback trong hồ sơ của bạn kiểu như này:
Hình ảnh nên thể hiện rõ tính năng của sản phẩm
Cái bất cập của người dùng khi xem và mua hàng trực tuyến là họ không có khả năng kiểm tra chất liệu hay đo size như khi mua hàng tại cửa hàng. Do vậy, hình ảnh chất lượng cao được chụp ở nhiều góc cạnh và chi tiết của sản phẩm sẽ cực kỳ hữu ích trong truyền thông mạng xã hội. Bạn có thể thêm chú thích bên cạnh hình ảnh của sản phẩm hoặc dịch vụ nếu hình ảnh không thể hiện đủ được các tính năng đó, ví dụ chất liệu vải được sử dụng trong sản phẩm thời trang hay các tính năng bên trong của một chiếc máy tính xách tay… Nếu kích cỡ là một phần quan trọng trong sản phẩm của bạn thì hãy cân nhắc đến việc đặt nó bên cạnh một đồ vật khác để mọi người dễ hình dung.
Hình ảnh mang lại động lực hoặc các trích dẫn hay chạm đến cảm xúc cho người xem
Có hai loại bài đăng sử dụng hình ảnh thường hoạt động rất tốt trên tất cả các kênh Social Media đó là những hình ảnh truyền động lực, khát vọng sống và những trích dẫn đầy cảm hứng (quote) cho người xem.
Những hình ảnh kiểu như thế thường có tác động mạnh mẽ đến cảm xúc sâu thẳm của người dùng, giúp họ dễ dàng tương tác và chia sẻ nội dung hơn. Với các trích dẫn hay từ một quyển sách hoặc một người nổi tiếng, bạn có thể sử dụng các công cụ sau để thiết kế như:
- Photoshop
- PowerPoint
- Canva (https://www.canva.com)
- Adobe Spark (https://spark.adobe.com)
- …
Ngoài ra, hiện nay các phần mềm chỉnh sửa ảnh trên điện thoại
cũng có thể giúp bạn dễ dàng tạo cho mình được những hình ảnh chứa các dòng quote “so deep”, rất tiện lợi và nhanh chóng.
Hình ảnh chia sẻ các mẹo vặt, gợi ý, hướng dẫn
Đây là một cách tuyệt vời để bạn luôn luôn có giá trị trong mắt người dùng. Bạn có thể chia sẻ hình ảnh theo dạng album, hướng dẫn từng bước với những infographic trực quan. Nếu hình ảnh không thể hiện đầy đủ ý nghĩa, bạn có thể bổ sung bằng văn bản vào caption của từng ảnh. Giống như cách MediaZ vẫn thường làm.
Những bức ảnh hậu trường hài hước
Để tăng thêm tính thân thiện cho thương hiệu của mình, bạn có thể bật mí những “bí mật” đằng sau những sản phẩm đẹp đẽ, những hoạt động trong quá trình sản xuất của thương hiệu bằng những caption hài hước và thú vị. Trong bất cứ một ngành nào cũng vậy, việc đăng tải những cảnh “behind the scenes” sẽ giúp người xem hiểu rõ được những khó khăn, thách thức và những nỗ lực mà cả team đã trải qua, để ra mắt được một sản phẩm hoàn hảo nhất khi xuất hiện trước người dùng.
Meme - những biểu tượng có tính lan truyền
Meme được định nghĩa là cách thức lan rộng một trào lưu thông tin nào đó, và đa số Meme được lan truyền một cách rất nhanh chóng bởi vì sự hài hước của nó, giống một con vi rút vậy. Tuy nhiên, đây không phải là một dạng nội dung chất lượng cao, nó chỉ mang lại tính giải trí cho thương hiệu của bạn mà thôi. Nếu quá lạm dụng Meme, nó sẽ có thể khiến cho danh tiếng thương hiệu của bạn bị chìm xuống. Meme hiện nay xuất hiện rất nhiều dạng khác nhau như dạng ảnh và chữ, dạng ảnh .gif, hay dạng Rage Comic (truyện tranh với những nhân vật có khuôn mặt ngộ nghĩnh). Mọi người thường gọi nó là ảnh chế.
Những loại hình ảnh khác
Ngoài những chiến lược hình ảnh trên, bạn có thể sử dụng các loại hình khác nữa để tăng thêm lượng tương tác. Ví dụ, bạn có thể tạo ra các cuộc khảo sát người dùng bằng cách vote theo biểu tượng cảm xúc trên Facebook, hay ảnh chụp màn hình các đoạn tin nhắn hài hước. Tuy nhiên, cũng giống như Meme, nếu quá lạm dụng các hình thức này, chiến lược nội dung thương hiệu của bạn sẽ bị “loãng”.
b. Chiến lược video
So với hình ảnh thì video còn sinh động hơn rất nhiều, bởi nó không chỉ bao gồm hình ảnh, mà còn kết hợp cả âm thanh, chuyển động của sự vật, hiện tượng và con người trong đó. Cũng như hình ảnh phải tự chụp, tự thiết kế thì việc bạn tự tạo ra được nội dung bằng video là cách tốt nhất. Video có lượt tương tác cao hơn nên tất nhiên nó cũng khó khăn hơn để bạn có thể làm được một video thu hút. Vậy phải làm sao?
Sử dụng định dạng video là hình vuông luôn là tốt nhất
Bạn có thể tùy ý sử dụng video ở các chế độ (vuông, ngang, dọc) để đăng lên Social Media. Tuy nhiên hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, người dùng thường tập trung vào sử dụng mạng xã hội bằng điện thoại của mình nhiều hơn bất cứ thứ gì khác. Do vậy, nếu xây dựng định dạng cho video trên thiết bị di động ngay từ ban đầu, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí chỉnh sửa sau này. Và video hình vuông sẽ là lựa chọn tốt nhất cho bạn để hiển thị trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội, bởi vì nó phù hợp cho hầu hết mọi loại nội dung.
Livestream
Livestream hiện nay đang là hình thức mới và hot nhất trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội. Việc giao tiếp giữa thương hiệu với khách hàng giờ đây không chỉ là qua những con chữ hay những bức ảnh đơn giản nữa, mà bạn còn có thể hội thoại hai chiều trực tiếp với họ theo thời gian thực, thông qua việc phát sóng trực tiếp. Ứng dụng Livestream phổ biến và tốt nhất hiện nay vẫn là Facebook, bạn có thể xem chương 5 cuốn sách Fanpage Facebook - Công cụ truyền thông hữu hiệu do MediaZ biên soạn để tìm hiểu cách tạo và triển khai Livestream trên Facebook một cách hiệu quả.
9. Minigame/ Giveaway/ Các chương trình khuyến mãi
Giveaway, minigame hay nội dung về các chương trình khuyến mãi đều là những chiến lược chủ yếu của hầu hết các thương hiệu trên phương tiện truyền thông mạng xã hội hiện nay. Đây là những cách tuyệt vời để bạn có thể tăng nhận thức cho khách hàng, tạo đà thúc đẩy cho các sản phẩm mới, giúp tăng tương tác và lượt tiếp cận cho thương hiệu của mình. Để Giveaway, minigame nhận được kết quả như mong muốn, thì giải thưởng bạn đưa ra không cần phải quá hoành tráng nhưng nó phải thực sự hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu của người dùng. Với các chương trình khuyến mãi, bạn có thể xem xét đến việc chạy quảng cáo để mở rộng tập khách hàng và đẩy nhanh doanh số. Lưu ý: Thời gian chơi Giveaway hay minigame không nên quá ngắn để tránh những người chỉ chực chờ tìm cơ hội để nhận thưởng nhanh chóng mà không phải những người dùng chân chính quan tâm đến sản phẩm của bạn.
10. Nội dung từ những người có ảnh hưởng
Hiện nay, Influencer marketing vẫn là một xu hướng tiếp thị khá mạnh mẽ trên Social Media. Influencer là những người ảnh hưởng, những người có tiếng nói đáng tin cậy trong cộng đồng của chính họ. Các thương hiệu vẫn thường hợp tác với Influencer như một kênh marketing hiệu quả, nhằm tăng nhận thức thương hiệu và xây dựng niềm tin với những khách hàng tiềm năng.
Về cơ bản, nó là cách bạn xây dựng mối quan hệ win-win với các cá nhân có kênh truyền thông lớn sở hữu một lượng khán giả khủng của riêng họ, mà lý tưởng nhất là khi lượng khán giả đó lại phù hợp với nhóm đối tượng mục tiêu của bạn. Việc có một người ảnh hưởng đề cập đến thương hiệu hoặc sản phẩm của bạn sẽ làm tăng độ tin cậy cho khách hàng. Do đó, đây là những mối quan hệ có thể nuôi dưỡng và phát triển theo thời gian. Và điều quan trọng hơn cả là bạn hãy làm sao để cá nhân đó cũng có thể yêu sản phẩm, dịch vụ hoặc những việc bạn đang làm, khiến họ có thể cởi mở hơn để sử dụng nó và sẵn sàng chia sẻ với người hâm mộ của họ.
Với những Influencer làm dịch vụ, chúng ta sẽ không bàn đến làm gì, bởi vì bạn sẽ phải mất một khoản tiền kha khá cho việc marketing. Tuy nhiên, đối với những người có ảnh hưởng ít hơn hoặc không làm dịch vụ, bạn nên xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp với họ ngay từ ban đầu. Bạn có thể bắt đầu bằng cách đơn giản là theo dõi, để một vài bình luận lên trên bài viết của họ, hay thân thiết hơn là gắn thẻ họ trong bài đăng của bạn với mục đích giới thiệu cho mọi người biết người này mang lại rất nhiều giá trị hữu ích cho bạn, làm cho cuộc sống của bạn trở nên tốt đẹp hơn. Qua đó, họ sẽ nhận được thông báo, và sau một vài lần như vậy, họ sẽ tự động đáp lại tình cảm của bạn dành cho họ.
Ngoài ra, có một cách khác để thu hút những Influencer có thể marketing cho bạn đó là tặng cho họ các mẫu sản phẩm, dịch vụ của bạn “định kỳ”. Tức là, cứ mỗi lần ra sản phẩm hay dịch vụ mới, thì những người được sử dụng sản phẩm, dịch vụ này đầu tiên bạn phải nghĩ đến đó là Influencer. Và “mưa dầm thấm lâu”, nếu sản phẩm dịch vụ của bạn phù hợp với phong cách của người đó, họ sẽ không ngại ngần chia sẻ nó với cộng đồng của mình đâu. Bạn sẽ phải ngạc nhiên rằng, giá trị bạn nhận được sẽ lớn hơn rất nhiều so với những gì bạn tặng cho họ đấy.
11. Liên kết mọi thứ với nhau bằng cách sử dụng một chiến lược hashtag mạnh mẽ
Trên Social Media, Hashtag có thể giúp bạn tập hợp các cuộc thảo luận, giúp cho bài đăng của bạn có một bối cảnh nhất định. Và bởi vì sử dụng dấu “#” ở đằng trước cụm từ nên nó tự nhiên trở thành một đường link cho mọi người có click vào. Do đó, việc lên một chiến lược sử dụng hashtag hợp lý có thể giúp bạn và content của bạn được người dùng khám phá ra một cách dễ dàng. Trong hầu hết các trường hợp, khi người dùng click vào một hashtag, họ không chỉ thấy bài viết có gắn hashtag đó mà còn nhìn thấy một list các bài đăng có sử dụng hashtag tương tự.
Nhiều thương hiệu sử dụng hashtag vì đó là “việc cần phải làm”, tuy nhiên, việc lạm dụng hashtag một cách bừa bãi mà không có bất kỳ một mục đích cụ thể nào hết sẽ khiến bài viết của bạn bị ảnh hưởng rất nhiều và thậm chí còn có khả năng là người dùng sẽ bỏ thương hiệu của bạn mà đi. Nói đơn giản như thế này, bạn cần tìm một bài viết có liên quan đến cuốn sách bạn yêu thích, nhưng khi tìm bằng hashtag lại hiện ra những bài viết chẳng có chút gì liên quan đến cuốn sách đó và phản ứng của bạn sẽ như thế nào, có muốn ngay lập tức report bài viết đó không?
Hashtag mà các doanh nghiệp sử dụng thường là 1 trong 3 loại sau:
- Thứ nhất là loại “cộp mác” thương hiệu (Branded hashtag): Đây là loại duy nhất, chỉ dành cho doanh nghiệp của bạn mà thôi. Nó có thể đơn giản chỉ là tên công ty, câu slogan hay tên một sản phẩm của bạn. Ví dụ: #mediaz, #mzbook… Nếu bạn có thể khiến cho người dùng sử dụng loại hashtag này, thì việc thương hiệu của bạn có thể lan tỏa trên mạng xã hội là điều đương nhiên, đặc biệt là Instagram. Khi người dùng sử dụng nó, đồng nghĩa với việc là họ thích sử dụng sản phẩm, dịch vụ của bạn và muốn chia sẻ trải nghiệm của mình với những người khác nữa. Thậm chí, khi người dùng đăng hình ảnh hay video có sử dụng #brandedhashtag của bạn, bạn có thể từ đó mà dễ dàng theo dõi và lưu lại rồi sử dụng chúng như là một bằng chứng xã hội tuyệt vời sau này.
- Thứ hai là loại xây dựng cộng đồng (Community hashtag): Loại này có thể giúp các thương hiệu kết nối với những cộng đồng người có cùng chí hướng, xoay xung quanh một chủ đề cụ thể. Nó không giống như loại ở trên mà loại hashtag này không liên quan đến doanh nghiệp và thường tập trung vào một chủ đề nhất định, một cảm giác hay một ý tưởng nào đó. Ví dụ: #sachhaymoingay, #yeudocongnghe, #happynessatwork.
- Thứ ba là tên một chiến dịch cụ thể (Campaign hashtag): Nó thường kéo dài khoảng vài ngày, vài tuần hay thậm chí là vài tháng, tùy theo độ dài của chiến dịch đó. Nó hoạt động tốt nhất là khi chuẩn bị khởi chạy cho một sản phẩm mới, một ý tưởng truyền thông mới hoặc chuẩn bị tổ chức một cuộc thi. Ví dụ: #ShareACock của Coca-Cola, hay #Didetrove của Biti’s...
Trong đó, cái thứ nhất và cái thứ hai hoạt động tốt nhất khi chúng là một phần trong chiến lược dài hạn của thương hiệu, còn cái thứ ba dành cho những chiến lược ngắn hạn. Dưới đây là một vài cách để bạn có thể sử dụng Hashtag trong bài đăng của mình một cách hiệu quả:
- Hãy nghiên cứu trước khi sử dụng hashtag: Để xem hashtag nào mọi người đã sử dụng khi nói về thương hiệu của bạn, bạn có thể tận dụng lại làm hashtag riêng cho thương hiệu của mình. Bạn cũng có thể kiểm tra để chắc chắn rằng hashtag đó chưa từng bị sử dụng bởi các công ty khác hay trong các bài viết có nội dung không phù hợp nào trước đó. Ngoài ra, bạn có thể tìm nguồn cảm hứng cho các hashtag của mình bằng công cụ có sẵn như Hashtagify (https://hashtagify.me). Công cụ này có thể giúp bạn khám phá ra những hashtag có liên quan và đang thịnh hành trên mạng xã hội.
- Tạo hashtag dễ nhớ: Một hashtag dễ nhớ là một hashtag dễ đọc, có vần điệu và không có lỗi chính tả. Hơn nữa, một hashtag ngắn sẽ tốt hơn một hashtag dài. Ví dụ: #iworkhardandplayhardeveryday - nếu hashtag dài dằng dặc như thế này sẽ rất khó đọc. Lưu ý, không nên sử dụng các icon cho hashtag, và việc viết hoa các chữ cái đầu tiên của mỗi từ sẽ giúp cho hashtag dễ đọc hơn rất nhiều. Ví dụ: #WakeUp thay vì #wakeup.
- Hashtag có thể “educate” được khán giả của bạn: Hãy chắc chắn rằng bạn truyền đạt rõ ràng thông điệp trong hashtag của mình và quan trọng hơn là giải thích vì sao bạn muốn đưa hashtag này vào bài đăng của mình.
- Hãy thật kiên nhẫn: Nếu bạn đã tung ra một hashtag bất kỳ, có thể người dùng của bạn sẽ không sử dụng nó ngay cho được, đặc biệt là khi bạn sử dụng hashtag có chứa câu slogan của thương hiệu hay hashtag chỉ hướng về phía bạn mà thôi. Hashtag tốt nhất là khi nó có tính bao hàm, có thể chia sẻ và có thể khám phá, nếu nó không phù hợp với ngữ cảnh bài viết của người dùng, họ sẽ bỏ qua thật nhanh chóng. Vì thế, nếu muốn mọi người sử dụng hashtag của bạn hãy cho mọi người một lý do.
- Đo lường và điều chỉnh chiến lược của bạn: Việc đo lường kết quả và điều chỉnh các chiến dịch của bạn khi cần là cách tốt nhất để đảm bảo bạn luôn đi đúng hướng và đưa ra các mục tiêu một cách phù hợp hơn nhằm tiếp cận khách hàng thông qua việc sử dụng hashtag. Hơn nữa, khi người dùng Social Media thể hiện tình cảm với thương hiệu của bạn trong bài viết của họ bằng những “hashtag mang cảm xúc”, cho dù là tốt hay xấu, bạn cũng sẽ có được một cái nhìn sâu sắc hơn về hình ảnh thương hiệu của mình trong mắt người tiêu dùng. Ví dụ: Content hay nói thay nước bọt là một cuốn sách khá thú vị đấy chứ! #goodbook #goodcontent.
Social Media rất rộng và vì giới hạn của cuốn sách nên ở các chương tiếp theo, chúng ta sẽ chỉ đi sâu vào tìm hiểu những mẹo vặt bổ ích cho những kênh Social phổ biến ở Việt Nam. Giờ thì hãy cùng đến với từng kênh truyền thông mạng xã hội này nhé!
TÓM TẮT CHƯƠNG 3
Những loại nội dung tốt nhất để đăng lên Social là:
- Nội dung chia sẻ kiến thức chuyên môn
- Các xu hướng đang thịnh hành
- Nội dung quảng cáo sản phẩm dịch vụ (Sử dụng nguyên tắc 80/20)
- Nội dung chương trình khuyến mãi, các sự kiện sắp diễn ra
- Đặt câu hỏi để bắt đầu một cuộc thảo luận
- Những câu chuyện về khách hàng
- Câu chuyện của những nhân vật hư cấu
- Hình ảnh, video hấp dẫn
- Minigame/ Giveaway/ Các chương trình khuyến mãi
- Nội dung từ những người có ảnh hưởng
- Nội dung có những chiến lược hashtag mạnh mẽ
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................