Cho đến nay thì Facebook vẫn là mạng xã hội được nhiều người truy cập nhất trên thế giới cả trên máy tính và thiết bị di động. Hầu hết các đối tượng mục tiêu của bạn sẽ tập trung ở đây, cho dù là ngành nào đi chăng nữa. Bởi người ta vào Facebook không chỉ để mua sắm mà còn để tương tác với gia đình bạn bè, thu thập thông tin, truyền cảm hứng, được trò chuyện và được giải trí.
Vào năm 2019, thuật toán của Facebook vẫn sẽ ưu tiên hiển thị trên News Feed của người dùng những nội dung được đăng hoặc chia sẻ bởi gia đình, bạn bè của họ và những nội dung trên trang Doanh nghiệp có khuyến khích cộng đồng thu thập và tương tác theo những cách có ý nghĩa. Do đó, việc marketing trên Facebook không còn đơn giản như trước đây nữa, tuy nhiên, mạng xã hội này vẫn là một nguồn tài nguyên có thể khai thác cho hầu hết mọi thương hiệu đang quan tâm đến việc marketing trên Social Media. Bởi vì, nếu cách tiếp cận của bạn đến mọi người thực sự thông minh, vẫn còn rất nhiều cơ hội để bạn đạt được mục tiêu kinh doanh của mình.
1. Bí quyết thiết lập Facebook Fanpage
Như đã nói ở trên, do Facebook sẽ ưu tiên hiển thị những nội dung trên trang doanh nghiệp mà có thể truyền cảm hứng cho cộng đồng, nên rất có thể nhiều nội dung của bạn khi đăng lên sẽ bị lu mờ trên Newsfeed, thậm chí còn không xuất hiện nữa. Tuy nhiên, Facebook đã tạo thêm giá trị cho các doanh nghiệp bằng cách để Fanpage thành điểm đến, nơi mọi người có thể tìm thấy tất cả những thông tin mà họ cần về doanh nghiệp của bạn như: giờ mở cửa, website, các bài đánh giá, địa chỉ, đặt hàng, mua hàng hay là một nơi để người dùng có thể tương tác với các bài đăng thu hút.
Do vậy, các doanh nghiệp địa phương hay các doanh nghiệp nhỏ trước khi đi sâu vào đăng tải bài viết lên Facebook, đừng vội vàng, hãy dành một chút thời gian chăm chút cho Fanpage như việc hoàn thành thông tin trong hồ sơ hay đơn giản chỉ là thêm giờ mở cửa. Việc này sẽ giúp bạn đặt từng viên gạch vào nền móng vững chắc để doanh nghiệp của bạn có thể gây ấn tượng với người dùng khi truy cập vào trang thương hiệu của mình.
Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về những chiến lược cho trang thương hiệu của mình trong cuốn sách “Fanpage Facebook - Công cụ truyền thông hữu hiệu” do MediaZ biên soạn. Cuốn sách giống như một bí kíp giúp bạn có thể xây dựng một trang thương hiệu thành công.
2. Các mẹo vặt hay ho khi làm marketing trên Fanpage
Sau khi thiết lập thành công Fanpage Facebook của bạn thì giờ đây trông nó thật tuyệt vời và bạn đang khuyến khích mọi người ghé thăm. Ngoài những tips có trong cuốn sách Facebook Fanpage - Công cụ truyền thông hữu hiệu nói trên, dưới đây cũng là một vài tips nhỏ giúp bạn có thể sử dụng nó một cách thật hiệu quả:
a. Nhúng bài đăng của bạn lên các trang web khác:
Facebook cũng cho phép bạn nhúng hồ sơ cá nhân hoặc bài đăng trên Fanpage của mình vào một trang web bên ngoài giúp tăng tương tác cho cho trang Fanpage. Và miễn là bài đăng của bạn công khai thì bất kỳ ai cũng có thể nhúng nó đến bất kỳ nền tảng nào khác nếu bài đăng của bạn thực sự có giá trị cho cộng đồng của họ, điều này sẽ giúp cho bài đăng của bạn hiển thị rộng rãi đến nhiều người hơn. Và để nhúng bài đăng trên Facebook, bạn thực hiện các bước sau:
- Đầu tiên, bạn hãy chọn một bài đăng bạn muốn nhúng, nhấp chuột vào tùy chọn ... ở đầu mỗi bài đăng, sau đó chọn Nhúng.
- Sau khi xuất hiện một đoạn mã, bạn hãy copy - paste nó vào trong trang web của mình là xong.
b. Re-post (Đăng lại) những nội dung xuất sắc nhất nhưng tuyệt đối đừng spam
Như các bạn đã biết, không phải lúc nào người dùng cũng có thể kiểm tra Newsfeed của mình cả ngày hoặc không phải ngày nào họ cũng vào Facebook. Cho nên, việc đăng lại những bài viết hay ho nhiều lần sẽ giúp cho những người chưa kịp cập nhật nội dung của bạn có thể đọc được. Tuy nhiên, mỗi lần đăng lại như vậy, để tránh rắc rối, bạn nên “xào xáo” thông tin một cách có chọn lọc, không nên để y nguyên nội dung của bài đăng cũ, vì như vậy là bạn đang vi phạm chính sách của Facebook hoặc có nhiều người nhận ra rằng họ đã đọc bài đăng đó rồi và họ có thể report bài viết của bạn đấy!
c. Sử dụng Call to Action trong bài đăng nhưng hãy cẩn thận với “Click-bait”
Để khuyến khích người dùng click vào đường link thông qua Call to Action trên Facebook dẫn tới website hay blog của bạn nhiều hơn, bạn thường cụ thể về những gì bạn muốn khách hàng làm bằng cách sử dụng một Call to Action thật rõ ràng. Ví dụ, “Để biết thêm thông tin chi tiết về cuốn sách xin vui lòng click vào đây: [đường link]”. Việc thúc giục người dùng kiểu này có thể khiến cho tỷ lệ Click Through Rate tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, có những giai đoạn người dùng Facebook bị “ngộp thở” bởi những tiêu đề gây sốc, những chiêu trò “bẩn”, lừa dối người đọc khi tiêu đề một ý này và nội dung của bài viết vừa click vào lại là một ý khác, mục đích chính chỉ là để tăng lưu lượng truy cập website. Những bài viết như trên thường được gọi là “Click- bait”. Đây là những bài viết có tiêu đề mơ hồ, đầy hứa hẹn và khiêu gợi sự tò mò để người dùng click vào, nhưng lại được chuyển đến những nội dung không thực sự hữu ích cho người xem.
Điều đáng nói hơn cả là hiện nay, Facebook rất thông minh khi thường xuyên cập nhật thuật toán hiển thị Newsfeed một cách định kỳ để bài trừ “Click-bait”. Facebook muốn bạn chia sẻ những bài viết có giá trị mà mọi người sẽ đọc và có thể chia sẻ nó với gia đình, bạn bè của họ. Do đó, nếu Facebook phát hiện ra người dùng của bạn đang click vào các loại liên kết này và thực hiện thao tác quay lại trang Facebook ngay lập tức hoặc không muốn chia sẻ bài viết đó (thường là vì nội dung quá sơ sài), thì những bài đăng tương tự như vậy của bạn cũng sẽ ít được hiển thị hơn trên Newsfeed của người dùng. Hãy thận trọng nếu không muốn người dùng quay lưng lại với bạn!
d. Bảo toàn lượt view bằng chiến lược “Turn on Notification” và “See First”
Để đảm bảo những người thích trang thương hiệu của bạn có thể xem được tất cả các nội dung trên Fanpage, thì bạn có thể khéo léo dẫn dắt người dùng thực hiện các tùy chọn “Nhận thông báo” và “Xem trước” trong mục Following xuất hiện ngay sau khi họ thích trang thương hiệu của mình.
Tất nhiên, bạn sẽ không thể nào ép buộc được người dùng thực hiện công việc này, nhưng sau những lần người dùng vô tình không nhìn thấy bài đăng khuyến mãi của bạn chẳng hạn, bạn có thể ý tứ với họ rằng, nếu không muốn bỏ lỡ những cơ hội nhận được ưu đãi mới nhất của bạn, họ hãy bật chế độ Nhận thông báo hay chế độ Xem trước, kèm theo một ảnh chụp màn hình hướng dẫn chi tiết các bước. Với những lựa chọn này, sau mỗi lần bạn đăng bài mới, thì Notification của người dùng sẽ “nổ” và nội dung mới đó của bạn sẽ xuất hiện trên đầu Newsfeed của họ. Vậy là bạn vẫn bảo toàn được lượt view phải không nào?
e. Những video được tải trực tiếp có tác động rất lớn trên Facebook
Hiện nay, sự nổi lên của video content trên Facebook đã thay đổi cảnh quan của mạng xã hội này và nó sẽ ngày càng lớn mạnh hơn nữa trong tương lai. Trong nhiều trường hợp bạn nên upload trực tiếp một nội dung video hấp dẫn lên Facebook thay vì chia sẻ liên kết từ các nguồn bên ngoài. Điều này là do video Facebook gốc mang lại nhiều thuận lợi hơn về mặt phạm vi tiếp cận. Nếu nội dung video có tính “evergreen” (không bao giờ lỗi thời), vẫn có giá trị cho người xem theo thời gian, tại sao chúng ta không nghĩ đến việc đăng tải nó làm hai lần, một lần là đăng trực tiếp lên Facebook, lần sau là chia sẻ nó thông qua liên kết trên Youtube?
Facebook không muốn nó chỉ là nơi để người dùng chia sẻ các nội dung video từ nguồn khác mà nó còn muốn là nơi người dùng trực tiếp tạo và lưu trữ những nội dung sáng tạo của chính họ, và như thế Facebook đã xây dựng được một nền tảng video cho riêng mình.
Video được người dùng đăng tải trực tiếp lên Facebook với kích thước hiển thị tối đa sẽ tự động phát mỗi khi mọi người lướt qua. Trong khi kích thước của video được người dùng chia sẻ qua các nguồn bên ngoài sẽ chỉ tồn tại dưới dạng một hình thumbnail nho nhỏ kèm theo nút play ở chính giữa mà thôi. Và khi người dùng ấn vào họ sẽ được chuyển sang một trang đích khác, chưa kể đến việc hiện nay người dùng còn e ngại với hàng đống pop-up quảng cáo trên video Youtube. Do đó, việc đăng tải video trực tiếp lên Facebook sẽ giúp bạn thu về nhiều kết quả khả quan hơn bất cứ một hình thức chia sẻ link từ bên ngoài nào. Dưới đây là một vài mẹo nhỏ giúp bạn tối ưu hóa cho các video đăng tải lên Facebook:
- Thiết kế video bắt mắt người dùng từ những giây đầu tiên: Luôn luôn có một bối cảnh quen thuộc trong mắt khách hàng tiềm năng có liên quan đến sản phẩm, dịch vụ của bạn. Ví dụ: với sản phẩm là đồ trang điểm, bối cảnh luôn là một người ngồi trước camera với một gương mặt mộc quen thuộc. Hay với dịch vụ là nhà hàng thì bối cảnh lúc này luôn là một không gian sang trọng, sạch sẽ cùng với những món ăn được bày trí bắt mắt. Do vậy, hãy luôn đặt mình vào vị trí của khách hàng tiềm năng để hiểu rõ cái họ thực sự cần.
Năm giây đầu tiên sẽ giống như “điểm kích hoạt”, thu hút sự chú ý của người xem click vào video, đặc biệt là khách hàng tiềm năng, họ sẽ có thiện cảm với video của bạn ở những giây tiếp xúc đầu tiên này. Nếu trong những giây tiếp theo, bạn tiếp tục cung cấp những giá trị, những nội dung hấp dẫn thực sự cho người dùng thì khả năng họ nán lại video của bạn rất là cao.
- Thiết kế video không cần phải nghe âm thanh mới hiểu: Hiện tại, Facebook đang để chế độ âm thanh tắt khi tự động chạy video. Bởi theo thống kê, có tới 85% video được xem trên Facebook ở chế độ tắt âm thanh, 80% người dùng sẽ cảm thấy không hài lòng nếu video tự động chạy phát ra âm thanh và 81% người dùng online tắt âm thanh của những video quảng cáo. Do đó, để tăng sự tương tác của người dùng, các thương hiệu nên tạo ra những video không cần phải nghe âm thanh mới hiểu. Chúng ta có thể thêm phụ đề vào nếu thấy thực sự cần thiết.
- Sắp xếp video thành danh sách phát qua tab Video trên Fanpage và chọn ra một video hay nhất đặt trong phần Video nổi bật: Việc này có thể khuyến khích người dùng “nán” lại và tương tác với nhiều video của bạn hơn. Video nổi bật sẽ xuất hiện ngay trên đầu dòng thời gian của Fanpage, đây là một cơ hội rất tốt để bạn có thể giới thiệu về doanh nghiệp của mình, tạo đà thúc đẩy cho việc marketing trên Facebook.
f. Thử nghiệm với Stories (Tin) trên Facebook
Tháng 8 năm 2018 vừa qua, Facebook đã cho phép các Fanpage thương hiệu tạo và chia sẻ những câu chuyện thường ngày của mình lên Stories của Facebook giống như profile cá nhân. Ứng dụng này đã phổ biến trên Instagram Stories trong một vài năm trở lại đây, cũng giống như vậy, Facebook Stories cho phép bạn chia sẻ ảnh, video, những khoảnh khắc ngắn liên quan đến thương hiệu của mình và Tin của bạn sẽ biến mất sau 24h đồng hồ tính từ thời điểm bạn đăng tải. Lưu ý: Hiện nay, bạn chỉ có thể tạo và chia sẻ Stories trên Fanpage thương hiệu bằng ứng dụng điện thoại mà thôi và chỉ có những ai Thích trang thương hiệu của bạn thì mới xem được Stories của bạn.
Để tạo vào chia sẻ lên Facebook Stories, bạn thực hiện theo các bước sau:
- Truy cập vào Fanpage Facebook thương hiệu của bạn trên điện thoại, dưới hộp nhập nội dung bài đăng mới, bạn nhấn vào tùy chọn TẠO TIN.
- Lúc này bạn có thể tự chụp hình ảnh, tự quay video hay lựa chọn một video/hình ảnh đã có sẵn trong thư viện để đăng tải. Sau đó bạn có thể chỉnh sửa hình ảnh hay video bằng các hiệu ứng có sẵn trên Facebook.
- Xong xuôi, bạn ấn vào mục “+ Tin trên Trang” để chia sẻ nó với người dùng của mình.
g. Khuyến khích khách hàng Đánh giá và Đề xuất
Phần đánh giá trên Fanpage thực sự rất hữu ích và có tác động mạnh mẽ đến người dùng khi họ muốn tìm hiểu về một thương hiệu. Nó là thước đo hiệu quả và chính xác nhất về sản phẩm, dịch vụ mà bạn cung cấp, giúp thúc đẩy khả năng chốt sale, đi đến quyết định mua hàng dễ dàng hơn. Những review này có thể sẽ tạo ra những luồng suy nghĩ tiêu cực hoặc tích cực về thương hiệu của bạn cho những người truy cập vào Fanpage của bạn trong tương lai. Vì vậy, như một hình thức để truyền bá nhận thức về thương hiệu, sau khi khách hàng mua sản phẩm của bạn, hãy khuyến khích họ đánh giá về thương hiệu của mình. Tất nhiên, để nhận được những lời đánh giá tích cực, bạn không những phải có sản phẩm, dịch vụ tốt, mà dịch vụ chăm sóc khách hàng của bạn cũng phải thật trọn vẹn.
Ngoài ra, qua những đánh giá này, bạn có thể lắng nghe được những khúc mắc, những vấn đề mà khách hàng cần, để từ đó cải thiện sản phẩm, dịch vụ cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng của mình ngày một hoàn thiện hơn.
h. Tri ân Follower mới nhất theo định kỳ
Cứ mỗi tháng hay mỗi quý bạn có thể đăng bài “Cảm ơn” đặc biệt để chào mừng người gần đây nhất thích trang của bạn, thậm chí bạn có thể tag tên người đó để giúp người dùng hiểu rằng thương hiệu của bạn rất quan tâm đến người hâm mộ của mình. Để khuyến khích người dùng của mình tương tác với Fanpage thương hiệu của bạn nhiều hơn nữa, hãy trao những giải thưởng nho nhỏ nhằm tri ân cho những Liker, Follower mới nhất hay những Fan trung thành nhất của mình. Ví dụ như “Người thích trang thứ 10,000 của Page” hay “Người hâm mộ trung thành nhất của tháng 10”... Bằng cách này, bạn đang gián tiếp “dụ” những người dùng khác tham gia vào cộng đồng người hâm mộ của bạn nhiều hơn, khiến họ thèm muốn và mong có thể giành được danh hiệu này trong tháng tới. Từ đó, họ sẽ tích cực tương tác với bạn nhiều hơn.
3. Sử dụng Group Facebook để tạo ra những cộng đồng lớn mạnh cho thương hiệu
Đây là một cách thuận tiện để bạn có thể kết nối với những người có chung sở thích và đam mê, nó không chỉ là nơi để bạn có thể tăng cường mối quan hệ với khách hàng hiện tại, mà còn là nơi để thu hút những khách hàng tiềm năng mới tham gia vào cộng đồng.
Không những thế, khi có nhóm cộng đồng của riêng mình, bạn có thể biến nó thành một nơi để hỗ trợ cho khách hàng, quảng bá cho các sự kiện sắp tới, tham khảo ý kiến của khách hàng về các sản phẩm mới thông qua những cuộc thảo luận trong group và từ những thông tin chi tiết này bạn có thể hiểu hơn về Insight của khách hàng.
Để tạo ra những cuộc thảo luận như vậy bạn phải luôn là một người chủ động, thật tâm muốn giúp đỡ và chân thành với mọi người trong group của mình, tức là lúc này bạn sẽ không tập trung vào việc bán hàng. Theo thời gian, công sức của bạn sẽ được mọi người công nhận, từ đó họ sẽ cân nhắc đến việc xem xét đến sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Khi mà các thương hiệu đang hướng tới những lượt tiếp cận tự nhiên quý báu, thì Group chính là nơi để các doanh nghiệp “nuôi dưỡng” một cộng đồng trung thành mà ở đó mọi người có thể tương tác hai chiều với nhau.
Giờ đây bạn có thể dễ dàng tạo một Nhóm cho riêng mình bằng cách nhấn Tạo ở trang chủ Facebook. Bạn có thể tối ưu cho nhóm của mình từ những bước đầu tiên như là:
- Đặt tên cho nhóm và chọn loại nhóm để giúp mọi người hiểu nội dung của nhóm bạn.
- Thêm ảnh bìa (kích thước lý tưởng là 820x462 pixel), rồi kiểm tra trên cả máy tính và các thiết bị di động để xem chúng trông như thế nào.
- Viết mô tả để nói cho mọi người biết sơ qua về nhóm, và nhóm này sẽ tập trung vào vấn đề gì. Các quản trị viên không sử dụng phần này để chia sẻ các quy tắc và nguyên tắc của cộng đồng cho toàn bộ nhóm của mình, đặc biệt là các thành viên mới.
- Nếu nhóm của bạn chỉ hoạt động ở một khu vực địa lý nhất thì hãy thêm vị trí của mình để những người đang tìm kiếm các nhóm trong khu vực đó có thể tìm thấy nó dễ dàng hơn. Ví dụ: Hà Nội, Việt Nam.
- Tùy chỉnh URL nhóm sao cho dễ nhớ, giúp bạn có thể dễ dàng chia sẻ liên kết đến nhóm Facebook của mình trong các thông tin marketing của doanh nghiệp. Ví dụ: https://www.facebook.com/ groups/MarketingAZ.
- Liên kết nhóm với trang thương hiệu để mọi người biết sự có mặt của nó khi vào Fanpage của bạn, nó khuyến khích người hâm mộ của bạn xem và tham gia vào. Để liên kết Nhóm với trang thương hiệu của mình, bạn hãy thêm tùy chọn Nhóm trong phần Cài đặt trang.
- Trong các bài đăng lên Group bạn có thể thêm một vài #hashtag giúp mọi người có thể dễ dàng tìm thấy nhóm của bạn hơn, bạn có thể sử dụng kết hợp cả Branded hashtag, Community hashtag và Campaign hashtag để chúng hoạt động được tốt nhất.
- Cuối cùng là quảng bá cho nhóm mới của bạn và khuyến khích mọi người tham gia vào. Bạn có thể nhấn vào nút Chia sẻ ngay bên dưới ảnh bìa của nhóm để chia sẻ đến các phần khác nhau của Facebook (Trang cá nhân, Messenger, Fanpage). Ngoài ra, bạn cũng có thể đặt đường link vào những nơi mà mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy nó như chữ ký email, trong các bài đăng lên blog, các tài liệu tiếp thị hay thậm chí là trong các sản phẩm dịch vụ của mình.
Xây dựng những cộng đồng lớn mạnh sẽ giúp thúc đẩy mối quan hệ của bạn và khách hàng lên một tầm cao mới và nó sẽ là một yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ trong tương lai. Dưới đây là một vài chiến lược giúp bạn xây dựng được những cộng đồng thành công:
a. Thiết lập yêu cầu cho thành viên mới gia nhập bằng 3 câu hỏi
Bạn có thể thiết lập yêu cầu này bằng cách chọn mục Khác (ngay bên dưới ảnh bìa) → chọn Chỉnh sửa cài đặt nhóm → nhấn vào Đặt câu hỏi trong phần Yêu cầu tham gia. Bạn có thể đặt câu hỏi như là họ tìm thấy nhóm qua đâu, mục đích của họ đến với nhóm này là gì hay họ có nhu cầu gì khi tham gia vào nhóm… Đây là một cách tuyệt vời để bạn có thể đánh giá những mong muốn của các thành viên trong nhóm mình, từ đó bạn có thể tạo và xuất bản những bài đăng phục vụ cho nhu cầu, điều này sẽ thu hút sự chú ý của họ.
b. Tương tác với các thành viên trong nhóm của bạn thường xuyên
Giống như một câu nói quen thuộc người ta vẫn hay truyền nhau: Đường không đi đường mọc cỏ dại, người không qua lại hóa thành người dưng. Thật vậy, nếu bạn muốn xây dựng được mối quan hệ tốt với cộng đồng người của mình, bạn phải luôn luôn chủ động tương tác với các thành viên trong nhóm. Quản trị viên cũng chỉ là một thành viên trong cả một tập thể. Khi nhóm của bạn vẫn còn mới, bạn hãy là người chủ động dẫn dắt câu chuyện, tạo ra những cuộc thảo luận một cách nhất quán.
Ví dụ, bạn có thể đăng bài chào mừng thành viên mới vào mỗi cuối tuần, chia sẻ các kiến thức hay ho vào mỗi tối thứ Hai, thứ Sáu, hay tạo một thảo luận giải trí vào mỗi thứ Tư, thứ Năm trong tuần… Bạn phải liên tục làm như vậy ít nhất trong một vài tháng đầu tiên để tạo cho các thành viên còn lại một thói quen, và khi người ta quen dần, họ sẽ tự động chia sẻ những câu chuyện của mình. Ngoài ra, bạn cũng nên tham gia bình luận vào mọi bài viết, trả lời mọi câu hỏi trong nhóm của mình để đảm bảo thành viên của bạn cảm thấy được tôn trọng, được lắng nghe và như đang nhận được một giá trị nào đó từ Quản trị viên của mình.
c. Đề cao những thành viên có hoạt động tích cực trong nhóm ra ngoài phạm vi Group
Ngoài việc đề cao những thành viên có hoạt động tích cực trong chính Group của mình, bạn có thể khen ngợi họ bên ngoài phạm vi của Group như trên Fanpage Facebook hay trên các nền tảng mạng xã hội khác. Việc khen ngợi, đánh giá cao cá nhân này sẽ giúp cho chính những cá nhân đó sẽ hoạt động tích cực hơn. Và đây cũng là một cách để khuyến khích những thành viên mới tham gia vào cộng đồng của bạn.
Gợi ý: Nếu bạn tin tưởng ai đó đủ lâu và muốn để tăng thêm uy tín cho người đó, hãy đề xuất họ làm quản trị viên hay người kiểm duyệt nội dung của nhóm, để bạn có thể tập trung xây dựng doanh nghiệp của mình theo những cách khác.
d. Trước khi đăng nội dung lên Page hãy thử đăng lên Group trước
Tuy nhiên, không phải là đăng cả nội dung giống như bạn đăng lên Page mà khéo léo tinh chỉnh để nó là nội dung duy nhất, không trùng lặp. Bạn có thể thử nghiệm và chạy nội dung bằng cách tạo một cuộc thăm dò, biểu quyết hay xin ý kiến của thành viên xem chủ đề này có hấp dẫn không, để từ đó xem phản ứng tương tác của họ như thế nào đối với chủ đề bạn chọn. Nội dung đăng lên Group sẽ phản ánh chính xác cho những nội dung bạn sẽ đăng lên Fanpage.
Ngoài những chiến lược ở trên bạn có thể tổ chức các sự kiện thường xuyên, lấy feedbacks từ cộng đồng, hay hợp tác với các nhóm khác trong ngành cũng là những cách để bạn có thể xây dựng được cho mình những cộng đồng lớn mạnh. Cuối cùng, việc cởi mở, chân thành và trung thực với các thành viên trong nhóm của mình vẫn là cách tốt nhất để xây dựng được các mối quan hệ lâu dài. Bạn không nên nghĩ rằng mình là Quản trị viên thì mình có thể nói gì cũng được, cái thông minh nhất của một người leader là hãy để mình ngang hàng với cấp độ của thành viên khi giao tiếp.
4. Cách dùng profile cá nhân để marketing cho doanh nghiệp hiệu quả
Theo nguyên tắc của Facebook, thì Profile cá nhân không được phép dùng cho mục đích thương mại. Tuy nhiên, có một vài mẹo nhỏ cực kỳ hữu ích để bạn có thể hỗ trợ cho kế hoạch marketing tổng thể trên Facebook thông qua trang cá nhân của mình.
a. Thêm vào Profile cá nhân nút Follow (Theo dõi)
Nếu bạn là những người đứng đầu trong công ty, hay là chủ của doanh nghiệp, việc vui vẻ chia sẻ với mọi người những status trên trang profile cá nhân của mình sẽ khiến khách hàng cảm thấy gần gũi hơn với thương hiệu của bạn. Tuy nhiên, có những trạng thái riêng tư, cá nhân mà bạn không muốn khách hàng của mình nhìn thấy, hay nói cách khác là không muốn kết bạn với họ thì hãy cân nhắc đến việc thêm nút Follow vào profile cá nhân của mình thay vì nút Add friend (Thêm bạn). Để thêm nút Follow vào trang của mình bạn có thể làm theo các bước sau:
- Đi đến mục Cài đặt trên trang chủ → chọn Bài viết công khai.
- Trong phần Ai có thể theo dõi tôi bạn hãy chọn Mọi người (Public).
Các Followers sẽ nhìn thấy bài viết công khai của bạn trên Newsfeed của họ. Theo mặc định thì những ai đang là bạn bè với bạn có thể theo dõi được bài viết của bạn, nhưng bạn cũng có thể để những người không phải bạn bè theo dõi các bài viết công khai của mình. Từ đây, mỗi lần bạn đăng bài, bạn có thể chọn đối tượng nào bạn muốn chia sẻ, những thông tin nào mang tính cá nhân bạn có thể để chế độ bạn bè, còn những thông tin liên quan đến thương hiệu hay những thông tin bạn cảm thấy có thể thoải mái chia sẻ với mọi người, bạn có thể để ở chế độ công khai.
b. Sử dụng danh sách tùy chỉnh để lọc bài đăng đến đối tượng mục tiêu
Giả sử, nhóm khách hàng tiềm năng cũng ở trong danh sách bạn bè của bạn, việc tạo danh sách tùy chỉnh như thế này sẽ giúp bạn biết được mình phải đăng lên những gì để thu hút họ mà không làm phiền đến những người dùng khác. Những bài viết hướng đến nhóm đối tượng mục tiêu này không tập trung vào PR cho thương hiệu hay để bán hàng, mà nó tập trung vào việc chia sẻ những thông tin, kiến thức, sự kiện xảy ra trong ngành của bạn mà nhóm bạn bè này có thể rất quan tâm. Để tạo danh sách tùy chỉnh, bạn làm theo cách bước sau:
- Nhấp vào mục Danh sách bạn bè (Friend lists) ở cột bên trái trang chủ của Facebook.
- Chọn mục Tạo danh sách (Create List) rồi đặt tên cho danh sách đó, ví dụ “Khách hàng tiềm năng”, “Khách hàng thân thiết”... Sau đó, nhập tên của những người bạn muốn cho vào danh sách này → ấn Tạo.
Bằng cách này, bạn cũng có thể dễ dàng xem, bình luận, thích và tương tác với các hoạt động từ những người trong danh sách của mình. Hãy nhớ chú ý đến danh sách tùy chỉnh này của bạn thường xuyên để có cơ hội kết nối sâu hơn với các khách hàng tiềm năng của mình, xây dựng các mối quan hệ với những người mà họ có thể sẽ trả tiền để sử dụng sản phẩm, dịch vụ của bạn trong tương lai.
c. Thêm Fanpage doanh nghiệp vào phần Giới thiệu trong Profile cá nhân
Đây cũng là một cách khá hay ho để marketing cho thương hiệu của bạn trên Facebook. Lại giả sử như này, nếu có ai đó tìm kiếm trang doanh nghiệp của bạn, trước khi tìm được Fanpage họ lại nhìn thấy Profile cá nhân của bạn trước, tất nhiên lúc này bạn sẽ muốn profile của mình có tên trang thương hiệu để người dùng khỏi phải tiếp tục tìm kiếm. Vậy để nhiều người có thể biết đến trang doanh nghiệp của bạn hơn, một cách đơn giản đó là bạn hãy nhập chính xác tên Fanpage thương hiệu vào mục Công việc trong tiểu sử cá nhân của mình và chọn nó khi xuất hiện trong trình đơn thả xuống. Ngoài ra, đặt hồ sơ cá nhân của bạn làm chủ sở hữu trang doanh nghiệp cũng là một cách để bạn có thể cho mọi người biết đến profile cá nhân của mình.
d. Tìm hiểu và tận dụng chiến lược quảng cáo của đối thủ cạnh tranh
Nếu bạn là một khách hàng lý tưởng của doanh nghiệp mình, thì tức là bạn cũng là một trong những khách hàng tiềm năng của đối thủ cạnh tranh. Như vậy, rất có thể bạn sẽ được tiếp xúc với quảng cáo từ đối thủ của mình trên trang cá nhân. Lúc này, bạn hãy để mắt tới họ, bạn sẽ học tập được rất nhiều từ chiến lược marketing đó. Ví dụ, bạn có thể khám phá ra rằng đối thủ của mình thường chạy quảng cáo vào khoảng 8-9 giờ sáng, quảng cáo đó chỉ xuất hiện trên thiết bị di động chứ không phải máy tính để bàn, hay chúng sẽ xuất hiện ở Messenger chứ không phải trên Newsfeed và loại bài đăng kiểu infographic sẽ thu hút được nhiều lượt tương tác hơn là một bài viết có một hình ảnh như thông thường… Bằng cách note lại những chi tiết như thế này, bạn sẽ có thông tin, rút ra những kinh nghiệm và áp dụng thành công cho các chiến dịch quảng cáo của mình.
5. Sử dụng quảng cáo trả tiền để tiếp cận chính xác đến tập đối tượng mục tiêu
Marketing trên Facebook thành công hay không phụ thuộc nhiều vào việc bạn phân phối nội dung tiếp thị của mình cho ai. Tất nhiên, không phải ai cũng là đối tượng mục tiêu của bạn. Giống như việc bạn không thể quảng cáo dầu gội trị gàu cho những người đầu không có lấy một cọng tóc, hay quảng cáo bánh kẹo, mứt, ô mai không thể cứ ngày nào cũng xuất hiện trước mặt người bị tiểu đường cho được. Điều quan trọng ở đây là phải “đúng người, đúng thời điểm”.
Hiện nay, Facebook đang cố tình giới hạn sự xuất hiện của bài đăng trên Fanpage thương hiệu mà có thông điệp quảng cáo ở Newsfeed của người dùng, việc này khiến cho quảng cáo trả tiền trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thực tế, bạn sẽ không thể mở một doanh nghiệp ngoài đời thực và mong chờ mọi người tự tìm đến, tự thích và duy trì sự quan tâm của họ mà không cần phải nhờ đến quảng cáo. Và Fanpage Facebook cũng giống như vậy.
Hãy cảm thấy thật may mắn vì bạn không phải tốn quá nhiều tiền, quá nhiều công sức mà vẫn có thể quảng bá được cho thương hiệu của mình đến tập đối tượng mục tiêu một cách chính xác. Bởi vì, quảng cáo trên Facebook sẽ là cách rẻ tiền và hiệu quả nhất để bạn có thể tiếp cận đến những người dùng mới, thu hút sự quan tâm của những người dùng hiện tại, điều hướng traffic vào website hay có thể khiến họ làm bất cứ một việc gì bạn muốn để đạt được mục tiêu trong kế hoạch marketing của mình.
Giả sử như thế này, với quảng cáo theo kiểu truyền thống, bạn phải bỏ tiền triệu ra để lên các mặt báo, hay hàng chục thậm chí hàng trăm triệu để lên tivi được 15 giây trong cả một ngày dài 24 giờ đồng hồ, mà chưa chắc đối tượng mục tiêu của bạn đã tiếp cận được đến quảng cáo vì 15 giây đó có thể không trùng với thời gian xem tivi của họ. Thật đúng là trò chơi may rủi. Còn với quảng cáo Facebook thì sao, bạn chỉ cần phân bổ ngân sách quảng cáo 1$ mỗi ngày, là nội dung của bạn có thể sẽ được hiển thị đến vài nghìn người mỗi tháng (kể cả những người chưa Thích trang thương hiệu của bạn). Rất hời phải không nào?
Vậy còn chần chừ gì mà không sử dụng quảng cáo của Facebook? Để tìm hiểu kỹ hơn chương này, các bạn hãy tìm đọc cuốn Facebook Marketing 4.0 do MediaZ biên soạn. Đây là một cuốn sách tổng hợp những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao dành riêng cho những ai đang muốn nghiên cứu sâu về chủ đề Facebook Marketing.
TÓM TẮT CHƯƠNG 4
Hầu hết các đối tượng mục tiêu của bạn sẽ tập trung ở Facebook, cho dù là ngành nào đi chăng nữa. Dưới đây là những lưu ý giúp bạn marketing thành công trên Facebook:
- Chú trọng chăm chút cho trang Fanpage của thương hiệu từ những yếu tố nhỏ nhất như ảnh profile, ảnh bìa, phần giới thiệu, phần mô tả, các tùy chọn…
- Nhúng bài đăng của bạn lên các trang web khác.
- Đăng lại những nội dung xuất sắc nhất nhưng tuyệt đối đừng spam.
- Sử dụng Call to Action trong bài đăng nhưng hãy cẩn thận với “Click-bait”.
- Bảo toàn lượt view bằng cách khuyến khích người thích trang bật chế độ “Nhận thông báo” và “Xem trước”.
- Đừng chia sẻ quá nhiều video từ các nền tảng khác vì Facebook không đánh giá cao điều này, những video từ thư viện của bạn sẽ tương tác với khán giả tốt hơn.
- Thử nghiệm với Stories (tin) trên Facebook để chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ trong vòng 24 giờ.
- Khuyến khích khách hàng đánh giá và đề xuất, đây là những bằng chứng xã hội tốt nhất nói về thương hiệu của bạn cho những khách hàng tiềm năng. Bạn có thể dựa vào những đánh giá này để cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng của mình.
- Để khuyến khích người dùng của mình tương tác với Fanpage thương hiệu của bạn nhiều hơn nữa, hãy trao những giải thưởng nho nhỏ nhằm tri ân cho những Liker, Follower mới nhất hay những Fan trung thành nhất của mình.
- Đừng quên sử dụng Group để tạo ra những cộng đồng lớn mạnh và sử dụng Profile cá nhân để khéo léo marketing cho thương hiệu.
- Và cuối cùng là nên sử dụng quảng cáo trả tiền để tiếp cận chính xác đến đối tượng mục tiêu.
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................