Bắt đầu từ đâu đây? Chúng tôi quyết định bắt đầu từ chính bản thân mình, từ con đường phát triển của niềm tin và chính cảm xúc mình.
Đây giống như một chuyến hành hương lùi về quá khứ để vững chí tiến lên. Có nghĩa là chúng tôi sẽ lục tìm trong những ký ức những thứ giúp mình hiểu rõ kiến thức cần thiết để đi tiếp. Tôi nhớ lại những năm 60 khi tốt nghiệp ngành triết học; hồi tưởng lại những năm tháng đã mơ hồ trong tâm trí, những câu hỏi bất tận và những câu trả lời từa tựa đúng. Sau đó, tôi theo học ngành tâm lý học. Tôi lạc lối trong thế giới ngày càng rối ren, chẳng bao giờ nghĩ rằng có thể tin tưởng hoàn toàn vào bản thân và mạnh dạn bỏ lại sự hoài nghi về chính mình ở đằng sau.
Tôi dựng hàng rào xung quanh cảm xúc của mình khi giúp chăm sóc mẹ những năm cuối đời của bà. Tôi đi một quãng đường dài đến Manhattan để ở cùng bà trong suốt những buổi hóa trị bất tận và dừng giữa đường để bà nôn hết ruột gan do hiệu ứng của cuộc điều trị. Tôi đau khổ nhìn thế giới của bà tan vỡ, không biết làm sao để nói với bà về những gì bà phải chịu đựng, nói với bà rằng tôi yêu bà, rằng tôi biết cuộc đời của bà đang đi đến hồi kết và rằng sự đau đớn bà phải chịu giống như mũi dao đâm vào lòng tôi. Chúng tôi làm cho cuộc sống của mình rộn ràng với những nụ cười, những câu chuyện tầm phào và giả vờ bận rộn. Tôi chưa bao giờ nói với bà rằng tôi quan tâm bà nhiều đến chừng nào. Gia đình tôi suy tính để tạo ra một sự câm lặng mà chúng tôi hồ đồ cho rằng đó là nhân văn. Nhưng chúng tôi, vì lòng tốt của mình, có lẽ đã để mặc mẹ cô đơn trong những suy nghĩ và nỗi sợ hãi. Khi mọi sự đã kết thúc, cơ thể tôi như bùng nổ trước cơn chấn động và phẫn uất với vũ trụ vì đã vội gọi bà về với thiên thu, nơi mà trí tưởng tượng của tôi chẳng thể với tới. Trong nỗi buồn thương sâu thẳm, tôi la hét với chính mình vì đã không mở lòng và yêu thương khi cái chết đang đến với bà.
Tôi 21 tuổi và thế giới sụp đổ. Đôi mắt tôi bị che mờ bởi cái nhìn sầu thảm về sự tồn tại. Dù vẫn cố gượng dậy bằng việc làm trong ngành công nghiệp phim ảnh và cuối cùng thì tạo dựng được một công ty thiết kế và marketing cho ngành đồ họa và các công ty liên quan, tôi vẫn thấy việc đó chẳng quan trọng bằng việc tiếp tục sự nghiệp học hành – là thứ giúp định hình con người và cứu rỗi cuộc đời tôi. Tôi yêu thích những ý tưởng, suy nghĩ và những tiềm năng ẩn giấu quanh mình. Quan trọng nhất, tôi muốn tìm ra ý nghĩa tồn tại của mình và của mọi người. Mục đích trong đời của chúng ta là gì? Tại sao chúng ta sống và tại sao chúng ta lại chết? Trong lúc tham gia các khóa học ở trường và tham gia các buổi chia sẻ về động lực của con người, tôi cũng ghé qua một văn phòng nằm tách biệt trên đại lộ Park Avenue để tham gia một lớp học với một nhà phân tâm học theo trường phái của Freud. Dù bề ngoài có vẻ liên quan đến mục đích học tập, tôi vẫn không dám thừa nhận sự tuyệt vọng đang gặm nhấm trong lòng. Dù đạt được sức mạnh và thành công cả trong học hành và sự nghiệp, sự ra đi của mẹ và những năm tháng đau khổ, xáo trộn sau đó vẫn ám ảnh tôi. Tôi tìm kiếm vấn đề sâu bên dưới tiềm thức, liên kết các ý tưởng lại, sau đó thúc đẩy bản thân tổng hợp những lựa chọn và hiểu biết mới của mình.
Bằng cách nào đó, gánh nặng trên vai tôi được nhấc đi khi minh triết và lòng trắc ẩn phát triển trong tôi. Tuy nhiên, bất chấp những hiểu biết của tôi và sự thỏa hiệp mong manh với những bí ẩn của sự sống và cái chết, kể cả sau nhiều năm tìm hiểu, tôi vẫn cảm thấy yếu đuối, giống như đang đu đưa qua lại trên đầu một sợi dây. Những gì tôi cho là đúng dường như rất hạn chế và bấp bênh.
Cuối cùng, tôi ngừng cách trị liệu phân tích với góc nhìn nửa vời về cuộc sống này. Tôi vẫn nhớ những từ ngữ đầy ý nghĩa mà nhà phân tâm học nói với tôi vào lần cuối tôi đến văn phòng ông: “Cậu sẽ luôn có những lúc cảm thấy lo lắng và sợ hãi nhưng giờ cậu đã được trang bị tốt hơn để đối mặt và thích nghi với chúng”. Tôi bị vỡ mộng. Việc này giống như một sự thỏa hiệp giữa lý trí và cảm xúc. Rời bỏ cuộc tìm kiếm tâm hồn mình trong khi vẫn cảm thấy đau đớn và hoài nghi không thể tránh khỏi hay không thể chống đỡ. Tôi biết rằng nếu chịu tìm kiếm, tôi sẽ tìm ra được những thứ khác.
Ước mơ thuở nhỏ của tôi là trở thành nhà văn. Tôi bắt đầu có ý tưởng này vào năm 14 tuổi. Tôi muốn vượt ra xa khỏi bức tường quanh tôi và cải thiện cuộc sống dù chỉ của một người. Để biến dấu ấn này thành một ảo mộng thời trẻ, giấc mơ thứ hai của tôi hoàn toàn khác. Ước mơ này đến khi tôi theo đuổi trị liệu tâm thần và giáo dục. Tôi từng cân nhắc về một công việc trong ngành tâm thần học nhưng khi quan sát kỹ hơn, các phương pháp y khoa có vẻ giới hạn và cổ lỗ sĩ. Việc học ở trường có vẻ lộn xộn với những cuốn sách mỏng manh và những phỏng đoán lạ lùng về thực tế. Tiếng nói nội tâm khuyến khích tôi hãy tự tìm ra con đường cho bản thân mình.
Một vài trong những khám phá này, xảy ra vào năm đầu tiên khi mới cưới, Samahria cũng có mặt. Chúng tôi liều lĩnh bước vào những điều tưởng chừng như không có lối thoát, thử nghiệm lần đầu tiên với thuật thôi miên và cố gắng thực hiện ước mơ thứ hai. Rồi chúng tôi khám phá ra thuật tự thôi miên. Tôi luyện tập nó thành thục đến nỗi có thể đặt mình “vào tình trạng” này chỉ bằng cách chạm đầu ngón tay vào mi mắt. Một kỹ năng rất hay và hữu ích, nhưng không hoàn hảo – chắc chắn không phải là thần dược chữa bách bệnh. Dù vậy, đây chắc chắn vẫn là một liệu pháp massage cho tâm hồn.
Những câu hỏi thúc đẩy sự khám phá đa dạng và phong phú của chúng tôi diễn ra trước khi sinh Raun. Ngày ấy, cứ như thể có một cái gì đó vẫy gọi từ tương lai, thúc đẩy chúng tôi thay đổi bản thân và chuẩn bị cho sự xuất hiện tốt lành của cậu con trai trong cuộc đời. Tôi đọc vô số sách và thực nghiệm nhiều giả thuyết và giới thuyết trong các buổi chuyên đề. Freud, Jung, Adler, rồi của Sullivan và Horney, chuyển hướng qua cánh tả một chút với Perls và có một cuộc chạm trán kịch tính với Gestalt. Tôi có lướt qua chóng vánh những nghiên cứu của Sartre và Kierkegaard, rồi đắm chìm vào cuộc tình thuần túy với Carl Rogers. Sau khi tán tỉnh đôi chút với bộ ba cha mẹ/con trẻ/trưởng thành của Eric Berne, tôi thấy mình bị lừa phỉnh bởi những tiếng hét rất kịch và rất cuốn hút của Janov. Tôi trả tiền cho các khóa học truyền cảm hứng theo nhóm và các buổi chia sẻ giữa mọi người, rồi lao vào và thoát đi nhanh chóng khỏi Skinner nhưng chần chừ nán lại với Maslow. Cuối cùng, tôi đắm chìm vào sự thông thái thinh lặng với thiền và yoga, đi bộ trong miền cổ xưa, cố gắng rèn giũa để hiểu thêm điều mới mẻ trên một thực tại xưa cũ.
Đạo Lão. Tôi vui sướng làm sao với giáo lý uyên thâm đẹp đẽ: “Cuộc sống chẳng đi đâu cả vì vốn dĩ nó đã ở đây”. Ngay sau đó, tôi chuyển hướng tĩnh lặng và cô độc một mình, rồi học đòi tìm hiểu sâu về Khổng tử: “Biết thì nói là biết. Không biết thì nói là không biết. Ấy mới thực là biết”. Sau đó, tôi trượt qua những triết lý căn bản của bộ môn châm cứu, rồi trở lại nghiên cứu về vô thức tập thể của loài người và những vấn đề liên quan. Tất cả những điều trên, dù là triết học, tâm lý học, tôn giáo hay thần thoại đều đang dịch chuyển và cố gắng tìm ra ý nghĩa của con người. Dù thấy những điều này có ích và thậm chí khai sáng, tôi vẫn biết mình phải tiếp tục và tin rằng một ngày nào đó sẽ tìm được một điều chạm đến bản chất trong tôi, gỡ bỏ những bối rối cho tôi. Mặc dù đã đạt được nhiều điều, tôi vẫn chọn tiếp tục hành trình cá nhân đơn thuần này.
Bằng cách nào đó, nỗi hoài nghi của tôi đã giảm đi nhưng tôi vẫn là một kẻ đầy ngờ vực cố chạm đến chiếc nhẫn vàng. Rồi một ngày, tôi ngồi trong một lớp học của ngôi trường đã biến mất và nghe một người nói về tác động của niềm tin và thái độ với mọi thứ mà chúng ta gọi là điều kiện của con người.
Khi lắng nghe và học hỏi nhận thức mới này, tôi thấy trào dâng một cảm giác, giống như một hạt giống nảy mầm hay một kiến thức đã biết nay bỗng nhiên trở nên rõ ràng. Kiến thức này kết tinh nhanh chóng trong tôi. Tôi bắt đầu hiểu ra và công nhận rằng, thực tế, cảm xúc và hành vi của tôi đến từ những gì tôi tin tưởng. Và niềm tin này có thể được củng cố thêm hay có thể thay đổi. Samahria và tôi tiếp thu những điều đó để mở rộng bể học của mình. Sau đó, chúng tôi áp dụng, thích nghi và điều chỉnh những gì đã học được ấy cho nhiều mục đích khác nhau. Quan điểm và cách nghĩ mới của chúng tôi – được gọi là quy trình The Option Process® (Quy trình lựa chọn) – mang theo thái độ “Yêu thương là hạnh phúc” (To love is to be happy with). Đó không chỉ là một triết lý, đó còn là lăng kính mang chúng tôi đến với một lối sống mới và phục vụ cho mục đích chính của mình là giúp Raun. Cuối cùng thì những nhận thức mới đã cho chúng tôi khả năng hiểu được con trai và chính bản thân mình một cách rõ ràng, đồng thời biết cảm thông nhiều hơn.
Ai trong chúng ta cũng có quyền quyết định góc nhìn và nhờ thế tạo ra những trải nghiệm cảm xúc (những trải nghiệm kết quả cuộc sống) từ những góc nhìn đó. Cái nhìn sâu sắc đơn giản này mở ra cánh cửa dẫn đến một con đường hoàn toàn khác để nắm bắt cuộc sống. Hạnh phúc là một sự lựa chọn. Chúng ta không còn phải chờ đợi bên lề để có được những trải nghiệm mình mong muốn nữa. Chúng ta chịu trách nhiệm cho việc tạo ra trạng thái tâm trí của mình và để làm được điều đó, chúng ta chỉ cần phải đưa ra những lựa chọn mới mà thôi. Với tôi, đó chính là sự lãng mạn tối thượng! Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy những niềm tin cũ như “Tôi chẳng chọn lựa cảm xúc cho mình, chúng cứ tự đến”, “Tôi là nạn nhân của những điều xảy ra trong quá khứ” và “Tôi không thể, đó là bản chất của tôi rồi” giống một câu hỏi và bắt đầu thách thức chúng.
Có thể xem tính cách của con người được tạo thành nhờ một chuỗi nhiều niềm tin. Giữa các sự kiện (dù có thật hay tưởng tượng, trong nhận thức hay hành động) và phản ứng với chúng (chiến hay biến, sợ hãi hay vui vẻ hay bình thản) đều có niềm tin ở đó. Sự tin tưởng đó bừng lên cảm xúc, nhu cầu và hành vi của chúng ta. Thay đổi niềm tin và chúng ta sẽ thay đổi cảm xúc cũng như hành vi.
Khi Samahria và tôi bắt đầu chia sẻ và sau đó là hướng dẫn người khác, chúng tôi hiểu sâu hơn sức mạnh của những thay đổi hoàn toàn ở bản thân chúng tôi. Nếu cậu con trai Raun bước vào cuộc sống của chúng tôi trước thời điểm xảy ra những thay đổi đó thì chúng tôi đã bị tê liệt cảm xúc, kiệt quệ và bị quá tải bởi những vấn đề to tát của con. Thay vào đó, thay đổi niềm tin và suy nghĩ ngay từ đầu đã giúp chúng tôi hỗ trợ con và cung cấp cho chúng tôi năng lượng và kiến thức cần thiết trong hành trình này.
Cái hay của quá trình này bắt đầu từ một khao khát khám phá với thái độ khuyến khích loại bỏ những xét đoán – không đưa ra một định kiến tốt hay xấu về một người hay một sự kiện, chỉ cần rộng mở và chấp nhận.
Chẳng chẩn đoán gì. Không ép người khác làm theo những lịch trình đã được lên kế hoạch trước, cốt lõi của quá trình này là không định hướng và không mang tinh thần phê phán. Những câu hỏi trở thành món quà đơn giản, tôn trọng và có khả năng thay đổi. Mỗi câu hỏi sẽ tuôn ra tự nhiên sau từng câu nói hay câu trả lời của khách hàng hay người học. Cuộc nói chuyện là những câu chuyện vui đùa, mục đích là giúp chính bản thân chúng ta và người khác nhìn xuyên qua được những bất hạnh, để thấy những niềm tin và phán xét ẩn giấu đã tạo ra sự bất hạnh đó. Chúng ta có thể rèn luyện để vượt ra khỏi việc đối phó và thích nghi với những cảm xúc mà chúng ta không muốn, như lo lắng, sợ hãi, tức giận, bối rối, ghen tỵ và yêu thích. Chúng ta có thể dạy lại bản thân mình cách rũ bỏ sạch sẽ và hoàn toàn những cảm xúc ấy.
Chẳng có quan điểm hay quá trình nào có thể được xem như phương thuốc trị bách bệnh. Tôi vẫn có thể bị sảy chân ngã, chắc chắn tôi không phải là hóa thân hoàn hảo. Tuy nhiên hầu hết các phương pháp tiếp cận giảng dạy mà tôi từng khám phá trước đây đều khuyến khích trải qua đau đớn để thay đổi. Không trải qua đau đớn thì chẳng đạt được gì. Trải qua nỗi đau sẽ đưa chúng ta đến thiên đường. Nhưng với tôi, nỗi đau chẳng đưa tôi đến thiên đường, nó chỉ tưới tắm tôi với những khổ sở và căng thẳng. Tôi lại cảm thấy cực kỳ hào hứng – không, hơn vậy nữa – thực sự nhẹ nhõm khi tìm thấy con đường nhẹ nhàng, nhanh chóng và dễ đi để thay đổi mà không phải cảm nhận đau đớn. Và tôi cảm thấy kính phục khi nhận ra rằng thái độ yêu thương và chấp nhận khiến cho quá trình này thành công.
Việc tìm hiểu hay cách đặt câu hỏi về động lực của con người cho thấy chúng ta đều có chung quan điểm rằng: Thi thoảng con người phải đau buồn hay thậm chí đau buồn là một điều tốt và có ích. Văn hóa của chúng ta cũng ủng hộ niềm tin ấy. Đau buồn là dấu hiệu của cảm xúc, là hình xăm đánh dấu một người đang tư duy – vài người xem điều này như là phản ứng duy nhất “hợp lý” và “có tính người” cho một thế giới khó khăn và đầy vấn đề.
Chúng ta có thể thấy cơ chế này mọi lúc mọi nơi: đau buồn rồi sau đó sử dụng sự khó chịu đó như một cách để thỏa thuận với bản thân, với người khác và với tình huống gặp phải. Chúng ta sợ chết nên thuyết phục bản thân ngừng hút thuốc; sợ bị từ chối nên khuyến khích bản thân ngừng ăn để không mập; lấy lo lắng để ép buộc bản thân làm nhiều hơn và đạt được nhiều hơn; chúng ta bị đau đầu là để tránh những việc không muốn thực hiện; cảm thấy tội lỗi là vì muốn trừng phạt bản thân, để ngăn cản bản thân làm một điều tương tự trong tương lai; thấy không vui khi một người mà chúng ta yêu thương đang buồn bã để thể hiện rằng chúng ta quan tâm họ; nổi điên với đồng nghiệp để khiến họ làm việc nhanh hơn; la lối con cái, thậm chí đánh chúng để chúng có thể học được điều “đúng đắn”.
Ta trừng phạt để ngăn cản. Ta ghét chiến tranh để kết nối với mong muốn hòa bình. Ta sợ cái chết để ta sống.
Trên đây chỉ là một vài áp lực chúng ta tự đặt lên bản thân để kết nối với những gì chúng ta mong muốn hay để khích lệ bản thân tiến xa hơn – tất cả những điều này là để cuối cùng có thể được hạnh phúc hay viên mãn. Rốt cục thì những động lực căng thẳng và khó chịu trở thành một phần quen thuộc của một hệ thống giả mạo mà ta đang vận hành.
Tôi nhớ đến một rắc rối thú vị với Thea khi cô bé khoảng ba tuổi. Cô bé lặng lẽ đến chỗ chúng tôi vào buổi chiều và xin một viên kẹo. Vì chúng tôi chẳng có cục kẹo nào trong nhà và cũng không muốn phải đi ra tiệm mua khi đang bận rộn như vậy nên đã từ chối, đồng thời cũng đề nghị rằng sẽ mua kẹo cho cô bé vào lúc khác. Tuy vậy cô gái nhỏ kiên định và khéo léo này không thấy thỏa mãn với câu trả lời của chúng tôi. Đúng như tính cách của mình, cô bé kiên quyết muốn viên kẹo. Yêu cầu nhỏ nhẹ lúc đầu trở thành một loạt lời xin xỏ, đi kèm với những tiếng rên rỉ và nhăn nhó. Người cô bé đanh lại và chuyển động trở nên điên loạn. Thea đang chuẩn bị cho một thử thách lớn hay một trận chiến.
Vẫn muốn đạt được mục đích của mình, Thea gia tăng nỗ lực bằng cách đòi kẹo cho bằng được. Cô bé đưa ra yêu cầu của mình với một loạt những lý lẽ thuyết phục. Chúng tôi giải thích lại tình hình của mình. Samahria vuốt ve mái tóc của cô bé và và nói rằng chúng tôi yêu cô bé nhiều như thế nào. Trong một khoảnh khắc, Thea thoải mái hơn và có vẻ thỏa mãn. Nhưng rồi cô bé quyết định bằng mọi giá phải có thứ mình muốn và bắt đầu khóc. Nỗ lực của cô bé khiến chúng tôi ngạc nhiên. Cô bé cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu của mình.
Chẳng muốn cô bé không vui nên tôi ngồi xuống cạnh cô bé, đặt những ngón tay lên bụng và cù lét cô bé. Khi bắt đầu mỉm cười và rồi cười khúc khích, cô bé đẩy tay tôi ra. Sau đó, khi tôi tiếp tục, cô bé chạy qua góc khác của căn phòng để phản đối. Khoảng hai giây yên lặng, cô bé nhìn vào tôi qua làn nước mắt và rồi một nụ cười khác phá tan làn mây “không vui vẻ” của cô bé. Đôi mắt của Thea cẩn thận tránh tôi khi bắt đầu khóc, như thể muốn nói “Đừng chọc con, con đang muốn tỏ ra buồn rầu để lấy được viên kẹo đây.”
Cô bé tuôn nước mắt rồi nín khóc, bật tắt như một vòi nước. Cô bé có thể cười cũng như khóc một cách dễ dàng. Cô bé lấy nước mắt làm công cụ. Một lúc sau đó, Thea, Samahria và tôi trò chuyện về việc vừa xảy ra. Thật mỉa mai và tuyệt vời làm sao khi Thea nhận thức được chính xác hành vi của cô bé lúc đó. Cô bé nói với chúng tôi một cách thoải mái: “Bố mẹ biết không, lúc nãy, con khóc và làm trò ấy, con chỉ giả vờ để bố mẹ chịu mua kẹo cho con thôi.”
Bên cạnh khổ nhục kế (như Thea đã áp dụng), nhiều người cũng có khuynh hướng dùng nỗi bất hạnh để đánh giá mức độ mong muốn hay thậm chí là tình yêu thương của chúng ta. Càng cảm thấy đau buồn khi không đạt được điều mình muốn hay mất đi một điều yêu thích, chúng ta càng tin rằng mình quan tâm nhiều đến nó. Ngược lại, nếu không cảm thấy bất hạnh khi không đạt được điều gì hay mất đi thứ gì thì chúng ta tin rằng có lẽ mình vẫn chưa thực sự muốn thứ ấy. Đáng sợ hơn nữa là nếu chúng ta cho phép mình hạnh phúc cho dù có xảy ra chuyện gì thì sau đó, chúng ta sẽ không còn mong muốn hay quan tâm đến ai nữa. Nếu hoàn toàn thỏa mãn với tình hình hiện tại, chúng ta sẽ không còn nhu cầu tìm kiếm cơ hội mới nữa. Thêm vào đó, chúng ta có thể tự đánh giá mình là người lạnh lùng, hờ hững, vô cảm nếu không thấy buồn đau trong những trường hợp mà hầu hết mọi người coi là khó khăn, căng thẳng hay bi thảm.
Tôi nghĩ mình sợ hãi nhất là nếu hoàn toàn hạnh phúc, tôi sẽ ngừng tiến bộ. Nhưng khi chấp nhận và tin tưởng bản thân mình hơn nữa, tôi thấy điều ngược lại. Tôi nhiệt tình và yêu thích bộc lộ mong muốn và cố gắng đạt được điều mình muốn hơn. Tôi không còn cảm thấy bị đe dọa khi thể hiện cảm xúc nữa. Dù có đạt được điều mong muốn hay không, tôi vẫn thấy thoải mái. Tuy nhiên, khi cho phép bản thân mong muốn nhiều hơn vì cảm thấy hạnh phúc, tôi nhận thấy mình nhận được nhiều thứ mình muốn hơn.
Chìa khóa cho khả năng cải thiện tình hình của Raun chính là lòng tin của chúng tôi. Hiểu được sức mạnh của lòng tin và nhận thức rõ vẻ đẹp của sự hiểu ấy, chúng tôi sẽ càng dễ thông cảm và sẵn lòng nhìn nhận con mình một cách rõ ràng hơn, tin tưởng vào quyết định của mình và theo đuổi những gì chúng tôi muốn hơn.
Mỗi một niềm tin lại là kết tinh của rất nhiều niềm tin khác. Bất hạnh là trải nghiệm của một số niềm tin dựa trên một chuỗi những lý do logic. Vì thế ta có thể hiểu được bất hạnh bằng cách nghiên cứu những lý do hay niềm tin này. Một khi đã hiểu thấu hệ thống niềm tin mà chúng ta được dạy dỗ thì con đường loại bỏ những vòng lặp bất hạnh sẽ trở nên rõ ràng. Tránh những ý niệm và phán xét yếm thế thì “thái độ” sẽ tự tiến bộ. Đức Phật từng nói: “Loại bỏ chấp niệm và con sẽ có được hạnh phúc”. Đó chính là những gì còn lại khi chúng ta vượt qua những đau khổ, buồn phiền và nỗi sợ hãi. Đó là thứ chúng ta tìm thấy bên dưới những mảnh vỡ cảm xúc tồi tệ cùng những viễn cảnh bấp bênh.
Một con đường rộng mở hiện ra trước tôi, mời gọi tôi bằng những điều thú vị của nó. Tôi đã tìm thấy không chỉ một công cụ hay kỹ thuật giúp tôi giải quyết vấn đề. Cách tiếp cận này giống như triết học, nhưng không chỉ là triết học; như một liệu pháp, nhưng không chỉ là một liệu pháp; giống như một phương pháp giáo dục, nhưng không chỉ là giáo dục. – Nó cho phép tôi buông bỏ phán xét để nhìn thấy và tự do đạt được những gì mình muốn.
Chúng ta có thể tái tạo bản thân nếu ta muốn. Chúng ta đủ khả năng làm những việc mà các triết gia, giáo viên và các nhà trị liệu nói rằng không thể.
Thật là một góc nhìn khác biệt và độc đáo. Nó không chỉ nhìn nhận thẳng thắn, sinh động và phóng khoáng thái độ bàn lùi và những niềm tin méo mó mà nó còn là một khởi đầu mới. Tôi không còn phải chấp nhận những đánh giá nửa vời nữa. Tôi biết rằng mình có quyền tin tưởng vào điều gì mình muốn – tôi chính là người thiết kế và diễn giải có ích nhất cho tôi.
Không giống những phương pháp khác (theo trường phái Freud, phương pháp trị liệu Gestalt, phương pháp hành vi, trị liệu gợi nhớ ký ức và những phương pháp tương tự), phương pháp The Option Process® – Quy trình lựa chọn – không phải là phương pháp đau đớn, vô phương hướng, chỉ các nhà trị liệu hay giáo viên mới biết được câu trả lời chắc chắn. Nó cũng không phải là một phương pháp điều trị hay phép màu. Quá trình này luôn duy trì thái độ tôn trọng đối với thân chủ và người học. Chúng ta không còn phải ở trong một lớp học hay một văn phòng chờ đợi người khác đưa ra một thông điệp hoặc xét đoán về chính bản thân chúng ta nữa. Tôi biết rằng đó là một chuyến phiêu lưu vui vẻ, tiến vào con người bên trong của tôi để có thể tìm hiểu, khám phá và tái tạo. Trong hành trình táo bạo này, chúng ta chính là chuyên gia hiểu rõ nhất những động lực của mình.
Chúng ta thấy rằng mình có thể giữ lại những niềm tin cũ hay tạo ra những niềm tin mới. Thật là khai phóng! Vùng đất bên trong chúng ta trở nên dễ tiếp cận và tương tác hơn. Tôi đã tìm thấy những cách mới để ở bên chính mình.
Trong suốt khoảng thời gian trải qua quá trình thay đổi bản thân, một người bạn chia sẻ là người bà con của anh ấy mới qua đời. Ngay lập tức, tôi hỏi anh ấy mức độ thân thiết của anh với người đã khuất như thể tôi muốn biết tôi nên cảm thấy buồn đến cỡ nào. Nếu anh ấy nói rằng mối quan hệ này rất gần gũi và quan trọng, tôi sẽ khóc cùng anh để chia sẻ nỗi đau. Nếu anh ấy nói rằng mối quan hệ này hời hợt và chẳng vui vẻ gì, thì tôi sẽ cư xử lịch sự. Tôi nhận ra rằng mình đang sử dụng thông tin từ người khác để xác định phản hồi của mình. Tôi có thể chọn mức độ vui vẻ, buồn khổ hay chẳng gì cả dựa trên những gì tôi cho là phù hợp với tình huống. Với nhận thức mới mẻ này, tôi có thể thử thách những niềm tin và những lý do đằng sau cảm giác buồn khổ của mình trong mọi tình huống và quyết định nên điều chỉnh nó hoặc loại bỏ nó, để nó không còn là nền tảng cảm xúc và hành vi của mình hay không?
Ví dụ, tôi không còn thấy việc đi làm và kiếm sống là một điều “bắt buộc” hay “phải” làm nữa mà thi thoảng tôi muốn và chọn thực hiện việc đó. Tôi bắt đầu nhìn vào những căng thẳng trong công việc của mình và hiểu rằng do nghĩ công việc là điều “phải” làm nên tôi chưa bao giờ cho phép bản thân tự do tận hưởng sự hữu ích trong công việc ấy. Thêm vào đó, tôi mổ xẻ và loại bỏ những niềm tin cho rằng sự lo lắng và căng thẳng đã thúc đẩy sáng tạo và chăm chỉ, để rồi dẫn đến thành công. Thực tế thì, sự khó chịu thường khiến tôi bị phân tâm và thậm chí che mắt tôi. Khi tôi thoải mái, bỏ mặc những lo lắng về tương lai và dạy bản thân mình sống từng khoảnh khắc hiện tại thì những ý tưởng, những cái nhìn sâu sắc được nảy ra dễ dàng hơn. Sau đó, tôi đã tìm ra tất cả những lý do “chính đáng” về cảm giác thiếu thốn kinh tế, loại bỏ nhiều ý nghĩ tự chống chế mà trước đây tôi đưa ra khi cần một thứ gì đó và nếu không có được nó thì sẽ cảm thấy không hạnh phúc. Tôi vùi mình vào sự tự do rất đáng nghiên cứu và học hỏi này.
Hình như tôi đã được lắp thêm một đôi cánh? Mọi thứ trong đầu tôi đều thật khác biệt, tôi đã thay đổi để tốt hơn, sáng tỏ hơn và tự do hơn. Tôi mở ra cánh cửa mà trước đây còn chẳng biết là nó tồn tại. Samahria và tôi tiến triển nhanh chóng, đã tìm ra con đường sống, tương tác và loại bỏ phần nhiều những nỗi buồn xưa cũ bằng cách liên tục tự vấn những gì chúng tôi hằng tin tưởng và đưa ra những lựa chọn mới. Chúng tôi mất gần ba năm tái thiết cuộc sống của mình và giảng dạy, tư vấn cho người khác để làm sâu sắc nhận thức của mình. Ngoài làm việc với từng cá nhân hoặc theo nhóm, chúng tôi còn theo dõi sát sao với những người học muốn dùng quá trình này để tái thiết cuộc sống của họ. Năm sau đó, chúng tôi thành lập một trung tâm tại Sheffield, Massachusetts – The Option Institute and Fellowship – để đáp lại yêu cầu của những người đang tìm kiếm con đường và sự giúp đỡ. Tuy vậy, trong suốt quãng thời gian này, chúng tôi tập trung vào việc tự hướng dẫn mình đến với vùng đất của tình yêu thương bên trong và cảm thấy hào hứng vì vô vàn những cơ hội ươm trồng những hạt giống tiềm năng trong những người khác.
Chúng tôi cho phép bản thân mình tận hưởng nhiều và nhiều hơn nữa. Samahria và tôi xây dựng lại mối quan hệ và cuộc hôn nhân của mình trên một nền tảng mới. Chúng tôi không trao đổi những câu kiểu như: “Nếu anh yêu em, anh sẽ làm điều này hay điều kia”. Cả hai chúng tôi tạo nên nhiều điều thoải mái với bản thân và với người kia nhiều hơn. Chúng tôi tận dụng tình cảm yêu thương để cởi bỏ tất cả những kỳ vọng và điều kiện với người kia. Nhờ vậy mà chúng tôi loại bỏ được nhiều sự thất vọng, xung đột và trở nên bao dung nhau, chấp nhận nhau nhiều hơn. Và sự tiến triển của chúng tôi đã có tác động hữu ích đến việc nuôi dạy Thea và Bryn. Cả hai nhạy cảm hơn nhiều với những gì mà chúng tôi trao cho các con hằng ngày, chúng tôi trở nên dễ chấp nhận và biết ơn những tính cách đặc trưng của chúng. Thái độ tốt đẹp này tạo nên một nền tảng vững chắc cho chính chúng tôi và là bàn đạp cho toàn bộ cách tiếp cận mà chúng tôi phát triển với Raun.
Mọi quyết định chúng tôi đưa ra, mọi niềm vui và nỗi buồn, mọi nỗi lo lắng và bối rối, những khám phá về bản thân, gia đình và cả hành trình đến với Raun đều bắt đầu ở đây – từ niềm tin của chúng tôi.
Có lẽ những ví dụ dưới đây sẽ minh họa đơn giản cho việc cùng một sự việc xảy ra, ta có nhiều niềm tin đa dạng như thế nào và mỗi niềm tin lại có thể quyết định những cảm xúc và phản hồi của chúng ta ra sao: Cô gái đặt bước chân đầu tiên lên tàu chuẩn bị đi nhập học vào trường đại học. Gia đình cô đứng trên sân ga gần đó. Cha cô gái rất tự hào và cảm thấy tuyệt vời vì cô con gái đã lớn lên trở thành một người phụ nữ độc lập. Nhưng cùng lúc đó, người cha cảm thấy chút buồn bực, ông ấy nghĩ rằng mình sẽ nhớ con gái và sẽ cảm thấy cô đơn. Người mẹ thì sụt sùi khóc, có vẻ như là bị choáng ngợp bởi cảm giác mất mát và cảm thấy thời gian trôi quá nhanh. Ngược lại, cô em gái bé bỏng thì vui sướng nhận ra rằng mình sẽ thừa hưởng cả căn phòng và trở thành một thành viên có tiếng nói hơn trong gia đình. Ngay lúc đó, một người đàn ông bước qua, quan sát toàn bộ sự kiện ấy. Ông ấy chẳng có cảm xúc gì với những thứ đang diễn ra. Dù cho có liên quan đến cùng một sự kiện, phản ứng của mỗi người lại dựa trên những gì họ tin tưởng. Người cha cảm thấy tình huống này vừa tốt vừa tệ. Người mẹ cảm thấy tệ và cô em gái thì thấy vui. Người đàn ông lạ mặt thì chẳng đưa ra đánh giá gì. Ông ấy không liên quan và vì thế chẳng kích hoạt niềm tin nào với tình huống này, do đó không nảy ra cảm giác.
Cảm nhận và hành động của chúng ta tùy thuộc vào niềm tin mà chúng ta có. Và niềm tin là thứ ta được tự do lựa chọn. Chúng ta liên tục tiếp nhận quan điểm từ cha mẹ, từ những người đồng trang lứa, giáo viên, tạp chí, truyền hình, chính phủ, các tổ chức tôn giáo và văn hóa trong xã hội. Chúng ta tự đưa ra những quyết định và những quan điểm. Sau đó, chúng ta mở rộng quá trình tạo dựng niềm tin bằng cách sử dụng các nhãn mác phân loại để ghi nhận nhanh, sắp xếp con người và các sự kiện vào các nhóm đơn giản như tốt hay xấu. Tuy thế, chẳng có hành vi, sự kiện hay người nào đó rạch ròi tốt và xấu cả. Chúng ta gọi chúng theo cách chúng ta muốn; định nghĩa chúng, thích chúng, ghét chúng, tiếp nhận hay từ chối chúng rồi trở nên vui hay buồn về chúng tùy theo những gì ta tin tưởng. Tôi từng thấy những điểm tốt hay xấu của nhiều con người và sự kiện bên ngoài rồi bằng cách nào đó, tích hợp những thứ này thành bản chất không tách rời về con người và sự kiện đó. Nhưng sự hiện diện của con tôi đã dạy cho tôi một điều rất đặc biệt. Dù Samahria và tôi vẫn nghe bác sĩ, gia đình và bạn bè dùng từ “kinh khủng” và “ bi thảm” để nói về Raun, chúng tôi lại thấy một con người khác ở con. Với chúng tôi, Raun là một điều tuyệt vời, một cơ hội và là một tạo vật phi thường mà chúng tôi yêu thương. Thực tế thì, thằng bé chẳng kinh khủng cũng chẳng tuyệt vời. Chúng tôi thấy người ta đã dựng nên nhiều quan điểm về con. Và tôi thích cách nhìn của chúng tôi hơn hẳn cách nhìn của họ, là cách nhìn đưa đến tình cảm tràn trề và thậm chí cả sự lạc quan trong khi cách của họ mang đến sự thất vọng và căng thẳng.
Nếu lòng tin là điều mà tôi có thể chọn lựa, nếu tôi có thể là chuyên gia trong việc hiểu thấu động cơ của mình, tôi có thể cởi bỏ, khám phá, tái tạo niềm tin và các động cơ cá nhân nếu muốn. Tôi có thể chọn những niềm tin xưa cũ, chọn niềm tin của người khác hay tạo ra một niềm tin mới hoàn toàn.
Nếu thấy buồn khổ vì Raun, đó là vì chúng tôi tin hay đánh giá rằng tình trạng của Raun tồi tệ – tệ cho chúng tôi, cho chính con và cho người khác. Thái độ buồn khổ về việc con hay bất kỳ đứa trẻ nào không đáp ứng tiêu chuẩn về cách cư xử có thể dẫn đến việc chúng tôi chối từ và trừng phạt con. Tệ nhất thì, chính cách đối xử chống đối của mọi người với đứa trẻ tự kỷ sẽ tạo ra sự chống đối ở trẻ. Vì đứa trẻ không hành xử “bình thường” nên con thường bị bỏ rơi, bị đưa vào bốn bức tường lạnh lẽo và vô cảm của một trung tâm nào đó. Sự tồn tại của đứa trẻ ấy bị coi như một gánh nặng và bị xem là nguồn gốc cho nỗi buồn của người khác. Nhiều gia đình và các bậc phụ huynh chấp nhận đi đến kết luận này, họ dường như vỡ vụn dưới áp lực của nỗi tuyệt vọng. Không như chúng tôi, họ đã không phát hiện ra rằng chẳng có ai khác ngoài chính chúng ta gây ra nỗi buồn hay niềm vui nơi mình. Chỉ có chúng ta có quyền làm vậy với bản thân. Và đó không phải là tin xấu mà là tin tốt. Vì nếu chính chúng ta là người kiến tạo, thiết kế cảm xúc và phản hồi của mình, cũng như chúng ta đang sống trong bực dọc và căng thẳng, thì cũng chính ta có thể điều hướng lại bản thân và chọn một cách nhìn hay con đường khác, để từ đó thấy rõ bản thân và những thách thức trong cuộc sống. Chúng ta có thể dạy bản thân mình nhìn thấy những món quà, niềm vui, trải nghiệm cùng hy vọng đến từ những góc nhìn này.
Vậy vấn đề chính đặt ra cho chúng ta là gì? Có điều gì khác ngoài mong muốn được hạnh phúc không? Có chứ, chúng ta gọi nó bằng những cái tên khác – cảm thông, bình yên trong tâm hồn, mãn nguyện, hứng khởi, hiệp thông với thánh thần và nhiều điều khác nữa. Đúng vậy, chúng ta khiến nó thành một nỗi ám ảnh cần phải được ưu tiên hàng đầu, chúng ta tin rằng phải bon chen để có được thành công, sự nổi tiếng, được tôn trọng, yêu thương và phải có nền tảng tài chính vững mạnh thì mới có được những cảm xúc mong muốn. Nhưng cuối cùng thì, chẳng có sự kiện bên ngoài nào quyết định tình trạng tâm trí của chúng ta. Và niềm hạnh phúc, thoải mái, bình yên dài lâu không dựa trên kết quả của các sự kiện hay sự ban phát từ người khác. Đó thật là một cách nhìn yếu đuối và khiến chúng ta trở thành nạn nhân. Chúng ta chẳng việc gì phải là nạn nhân nữa.
Học thuyết của Freud có thể kêu gọi sự thích nghi và điều chỉnh. Thuyết Gestalt kêu gọi nhận thức và mối quan hệ. Thuyết nhân văn thì kêu gọi tự thể hiện bản thân. Nhưng tại sao? Chúng ta đang điên cuồng và vội vã chạy theo cái gì vậy? Chẳng phải đó chính là mong muốn hạnh phúc – cảm thấy ổn thỏa với bản thân và những thứ quanh ta? Và nếu có nơi nào chúng ta muốn đến, tại sao lại chờ đợi? Tại sao không làm ngay? Đối với chúng tôi, với Raun, chúng tôi có thể hạnh phúc ngay bây giờ không, trong khi vẫn tiếp tục theo đuổi những gì mình muốn và tìm kiếm hướng đi? Thực tế, nếu tiếp cận từ góc nhìn hạnh phúc, thay cho sự thất vọng hay tội lỗi, sợ hãi hay lo lắng, liệu chúng tôi có thể tăng hiệu quả những việc mình đang làm và những điều mà mình mong muốn cho con không? Nếu chúng tôi không bị rối trí hay xao nhãng vì sợ hãi cho Raun, chúng tôi có thể nhìn thấy con rõ ràng hơn không? Như thế thì sẽ tốt hơn cho con và hữu ích hơn cho chúng tôi.
Tôi từng nghe một câu nói rằng không có người ngu ngốc trên Trái đất này, chỉ có người không hạnh phúc thôi. Chỉ có những người sợ mình thấy được quá ít hay quá nhiều; sợ để mình tự do khát khao hay không khát khao một điều gì đó; lo lắng về những xét đoán của người khác hay lời buộc tội chính bản thân mình; hay bất cứ nỗi lo lắng nào trước khi bắt đầu đặt bước đầu tiên để làm việc gì đó. Những người hạnh phúc, họ được thoát khỏi những lo lắng hay sợ hãi, họ có thể cho phép bản thân tiếp nhận mọi thứ, nhờ đó khi quyết định hành động, họ có thể tận dụng tối đa thông tin của mình. Họ hiểu rằng càng biết nhiều, họ càng sẵn sàng hành động. Họ có thể cho phép bản thân không lo lắng về tương lai, thỏa mãn với bản thân dù cho thành hay bại. Họ có thể thỏa sức thành công. Hoặc thỏa sức hài lòng dù chưa thành công.
Nghe dễ dàng quá, giống như một giấc mộng vu vơ hay một ảo mộng thời hiện đại kiểu phù thủy xứ Oz phải không? Câu hỏi cần phải đặt ra là: “Chúng tôi được tự do lựa chọn niềm tin hay niềm tin đã được đóng khuôn trong cấu trúc gen di truyền?” Chúng có dễ hiểu và dễ nắm bắt không hay bí ẩn và tồn tại đâu đó trong tiềm thức vô phương lý giải? Con trai của chúng tôi đang mắc một chứng bệnh không thể chữa lành hay con có thể là một nguồn cảm hứng mới? Điều gì quyết định cảm nhận của chúng tôi về con – cảm thấy tốt đẹp hay tồi tệ, đang hạnh phúc hay buồn đau vì con? Những cảm xúc ấy đến từ đâu? Hình ảnh về con trai chúng tôi là kết quả trực tiếp của việc điều trị tâm thần cho những vấn đề trí não hay là kết quả của việc tự tạo nên niềm tin và thái độ của chúng tôi? Có phải chúng tôi đang học cách trở nên bất hạnh, sợ hãi, lo lắng, tức giận... hay thực sự có một “con vi-rút bất hạnh” đang tồn tại? Liệu chúng tôi có thể cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc với Raun như con người vốn có của con – trong khi vẫn nỗ lực hết mình để tiến bộ?
Một buổi chiều thứ Sáu, Bryn về trở về sau khi chơi cả ngày ở nhà bạn. Cô bé muốn nói chuyện. Cô bé nghe được một cuộc trò chuyện giữa mẹ của bạn cô bé với một người phụ nữ khác và tỏ ra căng thẳng, bối rối thấy rõ.
“Bố ơi, sao mẹ của Dana gọi Raun là một ‘bi kịch’? Như thế có nghĩa là gì?” Cô bé ngước lên nhìn tôi với vẻ ngây thơ và tập trung khác thường. Dù có vẻ cô bé biết từ đó nghĩa là gì, cô bé không hiểu hết được ý nghĩa và những ám chỉ của nó. Thực tế thì cô bé cảm nhận được giọng điệu và thái độ được biểu hiện trong cuộc trò chuyện.
“Bryn à, khi có ai đó tin rằng điều đang xảy ra là tồi tệ hay kinh khủng, người ta gọi nó là bi kịch. Đó là cách để miêu tả một điều mà người ta cảm thấy khổ sở và buồn bã nếu nó xảy đến với họ. Bố đoán là vì Raun hành xử khác với những đứa trẻ khác nên họ nghĩ đó là việc tồi tệ. Con có nghĩ rằng em trai con hành xử khác biệt là một điều xấu hay tồi tệ không?”
“Không có đâu. Con thương Raun lắm. Con cũng muốn chơi với em giống như mấy bạn của con chơi cùng với em của các bạn ấy. Nhưng mà thế này cũng được. Em ấy rất dễ thương và vui nhộn.”
Chính đứa con gái của chúng tôi đã chặn đứng cơn sóng chỉ trích của người khác nhắm vào đứa em trai mong manh của nó. Những lời thì thầm và bóng gió ấy bắt nguồn từ niềm tin và nỗi sợ. Và quan điểm của họ về bi kịch là như thế nào? Đó có phải chỉ là một từ dùng để phân loại cảm xúc khi đánh giá một tình huống tồi tệ không? Có lẽ vậy. Nhưng nhiều khi những quan điểm này, với nhiều chiều hướng khác nhau, có thể có sức tàn phá ghê gớm. Không may là, nhiều người trong chúng ta chẳng bao giờ nhận thức đầy đủ rằng niềm tin của họ là hiện thân của những xét đoán, chúng có thể mạnh mẽ đến mức trở thành những lời tiên tri tự nghiệm. Nếu chúng ta xem một đứa bé bị khiếm khuyết là bi thảm, vô vọng và không thể chữa lành thì chúng ta sẽ hành động theo những gì chúng ta tin. Chúng ta đâu cần cố gắng giúp những người mà bản thân tin là không thể giúp được. Chúng ta chẳng thể nỗ lực sửa chữa những thứ mà ta tin là không thể sửa. Chúng ta chết chìm trong làn nước trước khi nghĩ đến việc sải tay bơi.
Chúng tôi có thể hạnh phúc với Raun ngay bây giờ mà chẳng cần câu trả lời nào, chẳng cần giải quyết vấn đề về hành vi của con và mối quan hệ với con hay không? Tại sao chúng tôi cần Raun hành động hay cư xử theo những cách nhất định, trước khi cho phép bản thân cảm thấy hạnh phúc về con và về chính mình? Tại sao chúng ta phải tin rằng con cần thay đổi một vài điều theo ý chúng ta thì mới cảm thấy bằng lòng về con? Vì sao chúng ta thường biến hạnh phúc thành phần thưởng, những phần thưởng cho phép mình hưởng thụ sau khi hoàn thành hay đạt được điều gì đó?
Tôi không có ý rằng bất hạnh là một điều xấu hay mọi người nên hoặc phải hạnh phúc hoặc thậm chí nên quan tâm đến việc được hạnh phúc. Tuy vậy, với những ai đang muốn tâm trạng trở nên tốt hơn, thì có một vài phương án dành cho bạn. Hãy thay đổi góc nhìn hoặc quan điểm, rồi bạn sẽ có thể thay đổi cuộc sống.
Khía cạnh cuối cùng của nỗi bất hạnh mà hầu hết chúng ta đều không nhận ra, đó là: nỗi bất hạnh có thể gây chết người. Chắc chắn rồi, sự khó chịu hay căng thẳng là phản ứng có thể chấp nhận được, nếu không nói là nên khuyến khích, với nhiều tình huống được đánh giá là xấu với từng cá nhân hoặc với cơ cấu của cộng đồng. Chúng ta thường dùng sự bất hạnh như một thiết bị tạo động lực cho bản thân và người khác, cũng như để đo lường mức độ quan tâm và tận tụy của mình. Tuy nhiên những cảm giác khó chịu bộc lộ dưới dạng tức giận, lo lắng, thù ghét, định kiến và ghen tỵ có sức tàn phá không ngờ. Hiếp dâm, bạo hành trẻ em, nghiện chất kích thích và xả súng là những bộ mặt khác được bộc lộ ra bên ngoài của nỗi bất hạnh. Khi bị dồn nén vào trong, nỗi đau và việc chịu đựng chuyển thành các biểu hiện cao huyết áp, viêm loét, viêm đại tràng, đau nửa đầu và những chứng bệnh tương tự.
Sống với thái độ yêu thương và chấp nhận, dù cho không hoàn hảo, đã trở thành thuốc giải cho tất cả các giáo lý trước đây vốn đồng ý và khuyến khích sự khốn khổ. Những gì ban đầu là chuyến hành hương tìm về trái tim và tâm trí thì nay đã trở thành một phần thiết yếu và vô cùng khoáng đạt trong lối sống của chúng tôi.
Dù vẫn đang bước đầu nhận thức thế tiến thoái lưỡng nan và đối mặt với Raun, nhưng chúng tôi vẫn quyết định tự mình can thiệp. Chúng tôi muốn tìm cách tạo ra mối liên hệ với con trai và muốn mối liên hệ đó có ý nghĩa. Liệu chúng tôi có thể phá vỡ bức tường vô hình bất khả xuyên thấu và chạm đến con, để con có thể hiểu chúng tôi và hiểu thế giới quanh con không? Chúng tôi muốn con biết rằng chúng tôi yêu con biết chừng nào.
Samahria và tôi dành hàng giờ liền để cùng nhau khám phá nỗi sợ hãi và sự lo lắng của mình. Chúng tôi không bỏ sót một suy nghĩ và ưu tư nào, dù rất khó để đối mặt với chúng. Nếu muốn khóc, chúng tôi sẽ khóc. Khi muốn hân hoan, chúng tôi tỏ rõ niềm hân hoan. Chúng tôi nói ra những điều dằn vặt, áy náy. Chúng tôi đã làm gì sai sao? Chẳng nghĩ ra được gì cả. Chúng tôi lại tiếp tục. Đã có lần nào chúng tôi không ngăn được thằng bé té ngã? Có thể làm gì khác được không? Chúng tôi tìm kiếm tất cả những gì mình có thể vì hiểu rằng càng biết nhiều thì càng tốt. Chúng tôi phải làm sáng tỏ tầm nhìn của mình.
Câu hỏi càng tuôn ra, chúng tôi càng đào sâu tìm hiểu. Những buổi chuyện trò sau bữa tối kéo dài cho tới tận khi lên giường. Chúng tôi thức nói chuyện cùng nhau đến 3 hay 4 giờ sáng, nói, nói và nói. Hết lần này đến lần khác, chúng tôi ngừng lại, nhìn vào cánh cửa trượt bên cạnh giường ngủ và nhìn vào màn đêm mờ mịt. Ánh trăng chiếu vào phòng, hắt lên tường và trần nhà. Và ngay trên trần nhà đó, chúng tôi thấy phong cảnh Daliesque mà một người bạn thiết kế và người khác vẽ ở Sheetrock. Một cái thìa 3D khổng lồ, một vật thể hình học trừu tượng, lủng lẳng ngay trên đầu. Chúng tôi cười vì mọi điều ngớ ngẩn đó, rồi tập trung trở lại với công việc khám phá của mình. Nếu là trung tâm chăm sóc đặc biệt thì sao? Trách nhiệm như thế nào? Tương lai sẽ ra sao?
Mỗi buổi tối kéo dài đến đầu giờ sáng cho đến khi mi mắt trĩu lại. Chúng tôi chìm vào giấc ngủ để rồi thức dậy vào buổi sáng và tiếp tục trò chuyện như chưa từng có sự ngắt quãng nào, chưa từng có giấc ngủ nào.
Các lý thuyết phân tâm học cho rằng tự kỷ là hậu quả của một môi trường sống lạnh lùng và thù địch. Xem lại kỹ lưỡng năm đầu tiên cùng Raun, chúng tôi thấy rằng mình đã tạo môi trường ấm áp và đầy tình yêu thương cho con. Chúng tôi nói ra để được giúp đỡ, nghe và biết rằng điều đó là sự thật. Chúng tôi đã chào mừng con, chơi cùng con và ôm ấp con như đã làm với những cô con gái. Phản ứng đầu tiên với sự thu mình của con rất nhẹ nhàng và dịu dàng. Chúng tôi không bao giờ bỏ rơi con. Thực tế, chúng tôi thấy con độc lập và tự lực. Chúng tôi tự hào vì sự ngoan cường của con và thấy hứng thú với sức mạnh của con. Ai biết rằng đó chính là sự khởi đầu, giống như cát chảy qua kẽ tay. Trong suốt bốn tháng bí ẩn tiếp theo, chúng tôi cố gắng hiểu con nhưng chẳng bao giờ thấy mình nắm bắt được gì. Có phải sai lầm chính là ở đó? Có thể, nhưng dường như không hẳn như vậy.
Và cả những bác sĩ nhi cùng các chuyên viên tư vấn nói rằng con sẽ thoát khỏi tình trạng xa cách này cùng những hành vi bất thường của con thì sao? Vào thời điểm đó, chúng tôi cảm thấy những đánh giá này khó lường, nhưng vẫn chấp nhận chúng. Thời gian! Chúng tôi lắng nghe, đứng bên cạnh và chờ đợi. Lẽ ra chúng tôi có thể hành động sớm hơn? Chúng tôi để nó trôi đi. Giờ khi đang ở đây thì đó đã là chuyện của ngày hôm qua rồi.
Samahria ngồi trên bãi cỏ. Đó là một buổi tối tự vấn lương tâm khác, trong không khí ấm áp của mùa hè. Nước mắt đọng lại trên mi và rơi xuống gò má. Ngày hôm qua, cô ấy nhớ ra một điều đã bỏ lỡ khi trò chuyện hằng đêm với Chúa.
“Bear ơi, khi có thai hai đứa con gái, em chỉ xin Chúa cho chúng được khỏe mạnh. Chỉ vậy thôi. Nhưng lần này em hỏi xin thứ khác. Làm ơn, làm ơn cho con một đứa con trai!” Cô ấy bắt đầu nức nở. Tôi ôm cô ấy cho đến khi hơi thở của cô ấy đều lại.
“Em yêu, sao em khóc vậy?” Tôi hỏi.
“Em không nghĩ là em đã xin cho đứa bé được khỏe mạnh. Không thể tin được. Em đã quá mong muốn có một đứa con trai.”
“Samahria, em có nghĩ rằng Chúa thông thái như vậy lại không biết rằng em cũng muốn con được khỏe mạnh sao?”
Cô ấy gật đầu. Tất nhiên rồi. Tuy vậy nó vẫn làm cô ấy phiền lòng và bị ám ảnh. Sự thiếu sót của cô ấy gây ra khuyết tật này sao? Nhưng mà, đó có phải là khuyết tật gì không? Chúng tôi lật qua lật lại nhiều vấn đề, túm chúng vào một tấm lưới vô hình cho đến khi mỗi người có thể đỡ và chuyền nó cho người kia. Chúng tôi có thể cảm thấy làn sương đêm chạm vào da mình khi trời trở lạnh hơn.
Tôi nghĩ đến Raun, khuôn mặt xinh xắn của con nhìn qua thanh gỗ trong cũi. Tôi đã tương tác với con thế nào? Tôi có thật sự chú ý đến con? Thời gian tôi dành cho mỗi đứa trẻ khi chúng còn ẵm ngửa là như nhau. Đáng lẽ tôi có thể dành nhiều thời gian hơn cho Raun? Có khi như thế thì mọi chuyện đã khác? Tuy vậy, sau khi tìm kiếm nguyên nhân sợ hãi của mình, tôi thấy nó xuất phát từ suy nghĩ sau: thời gian tiếp xúc quan trọng hơn chất lượng tiếp xúc. Vì biết rằng điều này là không đúng nên tôi từ bỏ ý nghĩ ấy và chuyển sang nguyên nhân khác.
Các bác sĩ có cho Raun quá nhiều kháng sinh trong quá trình điều trị nhiễm trùng không? Có phải việc đó gây hại cho não? Có phải đó là hậu quả của lần suy kiệt khi con còn nhỏ? Chúng tôi đã không cẩn thận khi chọn bác sĩ điều trị và dại dột để cho ông ấy kê đơn thuốc mà không can thiệp gì? Có phải chúng tôi đã quá bám lấy giả thuyết về khiếm khuyết thính giác để tránh xa khỏi sự thật này không? Chúng tôi tìm hiểu và vắt óc suy nghĩ đến từng ý kiến, cuối cùng thì kiệt sức.
Chúng tôi lắng nghe lẫn nhau, tự đẩy mình vào nơi sâu kín nhất trong tâm trí, nói ra bất kỳ điều gì tiêu cực hay tệ hại mà mình nghĩ đến. Mọi vấn đề đều được đem ra thảo luận. Đó sẽ là một cuộc thanh lọc cảm xúc, chúng tôi sẽ đi đến cùng. Thậm chí chúng tôi còn thử nuôi dưỡng mọi cảm giác bất hạnh. Lôi nó ra! Đối mặt với nó để có thể thoát khỏi nó! Chúng tôi đóng vai người biện hộ xấu xa cho người còn lại, đối mặt với bóng ma sợ hãi. Cuối cùng, dù mệt mỏi và kiệt sức, chúng tôi đều thấy tự do và thành thực hơn với những điều mình muốn. Đó là gia đình, là cuộc sống của chúng tôi và chúng tôi có thể biến nó thành một chuyến phiêu lưu.
Mùa hè vừa mới bắt đầu. Không khí nóng ẩm và nặng nề. Mùi của những chồi non lan tỏa khắp mặt đất. Chúng tôi đưa hai cô con gái đi nghỉ cuối tuần ở đảo Shelter, để lại đằng sau mọi dự án đang làm để chuẩn bị cho lớp học mà chúng tôi giảng dạy. Raun ở nhà cùng Nancy, một cô bé 17 tuổi, người mà trong 5 năm qua đã dần trở nên thân thiết đến mức chúng tôi coi cô bé như một phần của gia đình.
Chúng tôi muốn chia sẻ với hai cô con gái về cảm giác và cách nhìn của chúng tôi về gia đình và Raun. Chúng tôi sẽ mở ra một chương mới trong cuộc đời và đưa ra một sự thay đổi nhanh chóng nhằm giúp con trai mình, đồng thời cũng muốn tập trung và quan tâm trọn vẹn đến hai đứa con.
Bryn liên tục nỗ lực tạo ra mối liên hệ với em trai mình. Thường thì cô bé chấp nhận sự thờ ơ của cậu bé, nhưng dần dà, cô bé cảm thấy bực bội và buồn rầu vì bị từ chối. Trước cuối tuần này, cô bé cực kỳ buồn phiền sau khi một lần nữa bị em trai từ chối giao tiếp. Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi trên bàn tròn. Thậm chí kể cả Thea, dù mới 5 tuổi, cũng là một người quan tâm tham gia và là thành viên ngang hàng trong nhóm nhỏ của chúng tôi.
“Bố ơi”, Bryn nói, “Có khi Raun không thích con, chắc con làm gì đó sai và em không thích ở cùng con.”
“Được rồi”, tôi trả lời, “Con có nghĩ rằng thỉnh thoảng Raun không trả lời con vì em không nghe thấy con nói không? Giả sử như em bị điếc, con có tức giận nếu em không nhìn con khi con gọi em không?”
“Tất nhiên là không rồi bố”.
“Tốt”, tôi trả lời, “Chúng ta không biết tại sao em trai con lại như vậy, nhiều bác sĩ khám cho em nói rằng hành vi của em là hành vi tự kỷ, nói đơn giản là có một cái tên cho những hành vi của Raun. Có lẽ Raun không thể tự giúp bản thân được. Vì một vài lý do, Raun khó mà nhìn vào chúng ta hay chơi cùng chúng ta. Em đang cố gắng hết sức. Vậy nên lúc con gọi em mà em không trả lời, nghĩa là em không thể trả lời hay không biết cách trả lời, chứ không phải do con hay do em không yêu mến và quan tâm con đâu”. Nước mắt bắt đầu rơi trên má Bryn. Cô bé không có biểu hiện tức giận hay khó chịu mà chỉ là buồn vì nhận ra một điều mới. Samahria ôm chặt Bryn trong khi tôi vuốt tóc cô bé. Tôi nắm chặt tay Thea trong khi cô bé nhìn chằm chằm vào tôi.
Sáng hôm sau, ánh mặt trời làm người tôi rát bỏng trên bãi cát. Mặt trời nhảy nhót trên mặt nước. Chúng tôi cùng nhau ăn bánh mì kẹp cá ngừ và uống soda, và tận hưởng khoảnh khắc yên bình. Bryn và Thea dí ngón chân xuống mặt đất mềm và cười đùa với nhau. Thi thoảng, hai đứa thích thú quay về phía chúng tôi hoặc vẫy tay với chúng tôi. Thea chưa thực sự nói về cảm xúc của con bé. Mối quan hệ của con bé với Raun gặp rất ít vấn đề. Thea giống như Gauguin1 của cả nhà và con bé tôn thờ sự riêng tư. Con bé chẳng gặp nhiều vấn đề với mong muốn được ở một mình của Raun. Nếu Raun không muốn Thea đến gần, con bé sẽ chơi và vẽ một mình trong khi ngồi cạnh em trong phòng, sẵn sàng lắng nghe mà chẳng cần thằng bé cùng tham gia.
1 Paul Gauguin (1848 – 1903): Họa sĩ người Pháp (N.D).
Tuy nhiên, Samahria tiếp tục thăm dò Thea một cách nhẹ nhàng. Sau hai trăm lần mở đầu ngập ngừng, con bé nói ra sự lo lắng lớn nhất. Thea thấy rằng Raun càng ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm của chúng tôi. Cán cân có vẻ thay đổi. Dấu hiệu ghen tỵ bắt đầu nhen nhóm. Chúng tôi giải thích cho con bé biết rằng tình trạng của Raun cần được quan tâm đặc biệt, những điều này sẽ không bao giờ làm chúng tôi hết quan tâm và yêu thương con bé. Con bé mỉm cười với vẻ nhẹ nhõm. Con bé đã thăm dò cảm xúc của chúng tôi và có vẻ như hài lòng với câu trả lời mình nhận được.
Buổi tối cuối cùng, chúng tôi mượn một chiếc mô tô và chạy vòng quanh hòn đảo nhỏ này. Ký ức xưa trở về quấn lấy tâm trí tôi. Những năm đầu khi mới cưới, chúng tôi đã lái mô tô lên núi Vermont và dọc Canada. Chúng tôi ăn tối tại một quán ăn ven đường, lấy lề đường làm chỗ ngồi, mặt đường làm bàn ăn. Chúng tôi tiết kiệm từng xu mỗi tuần để mua thuốc lá khi tôi diễn vai một tiểu thuyết gia đương đại đang vật lộn còn Samahria hỗ trợ cả hai. Trong suốt những năm đại học và vài năm sau đó, tôi cuống cuồng viết một thiên tiểu thuyết và dự định biến nó vừa là tiểu thuyết vừa là kịch, để rồi phát hiện ra rằng Hermann Hesse đã viết một câu chuyện cùng cấu trúc như vậy – và ông ấy đã làm tốt hơn.
Cơn gió thổi ngược chiều vuốt ve khuôn mặt của chúng tôi. Samahria đan ngón tay quanh hông tôi. Tôi vặn tay ga tới một góc cua và nghiêng xe theo góc ngoặt của con đường. Tôi có thể cảm thấy cô ấy bắt đầu khóc. Chúng tôi dừng lại và đi dọc theo bờ biển. Cô ấy đang rũ bỏ hết mọi thứ còn lại. Ánh sáng như kim cương từ trên trời chiếu xuống mặt nước và nhảy múa trên những giọt nước mắt lướt trên khuôn mặt Samahria.
Tối Chủ nhật, chúng tôi về đến nhà, bắt đầu thay đổi cách sống và trở thành người cầm lái cho bánh xe số phận của cuộc đời mình.
Chúng tôi chọn ra những ghi chú và quan điểm chẩn đoán, xem lại tất cả giả thuyết và quá trình. Chúng tôi đã nghe tất cả các chuyên gia nói về sự vô vọng và tương lai bị giới hạn. Thậm chí cả bác sĩ của gia đình tôi cũng nhìn xuống sàn và lắc đầu khi nghe các chẩn đoán. Chúng tôi cũng đã gặp gỡ cha mẹ của những đứa trẻ cùng hoàn cảnh khác; nghe những lời phản đối và buộc tội của họ, nỗi đau khổ, cảm giác tội lỗi và sự bối rối của họ. Họ cũng chẳng nhận được bất kỳ sự trợ giúp đáng kể hay những lời khuyên hữu dụng nào, chẳng có gì ngoài những niềm tin tiêu cực cũ. Một vài người đã bỏ cuộc. Một số thì cố gắng nửa vời. Cuối cùng thì hầu hết đều phải đưa con vào một viện chăm sóc, một kết cục không thể tránh khỏi và bi thảm.
Thậm chí chúng tôi tham vấn cả giáo sư của mình về sức mạnh của lòng tin và chính ông ấy cũng khuyên là nên để mặc Raun. Ông ấy nghĩ rằng nếu Raun muốn hay có thể đến với bố mẹ, con sẽ đến. Chúng tôi không đồng ý. Chúng tôi không tin rằng Raun có đủ khả năng cảm thụ hay khả năng nhận thức để quyết định rằng con có muốn đến với chúng tôi hay không. Chúng tôi biết rằng mình có thể làm được nhiều hơn, nhiều hơn cả những gì mình muốn làm. Tại sao ta không thể lấy những nguyên lý về sự chấp nhận, tình yêu thương và loại bỏ những xét đoán đang dùng để dạy cho những người trưởng thành nhằm tạo nền tảng cho một chương trình có thể chạm đến và giáo dục những đứa trẻ giống như Raun? Với chúng tôi, chấp nhận chưa bao giờ có nghĩa là thụ động hay không hành động. Chấp nhận giúp chúng ta mở rộng vòng tay và trái tim với con người và sự việc mà trước đây chúng ta từng xét đoán và tránh xa.
Cuối cùng chỉ có tôi và Samahria cùng nhau bước đi trên hành trình này. Chúng tôi biết gì về con trai mình? Chắc chắn là sự xa cách và lớp vỏ bọc của con, nhưng con nhẹ nhàng, mềm mại và đẹp tuyệt vời. Con dường như hạnh phúc với chính bản thân mình và với những tưởng tượng trong thế giới riêng – một người lữ hành yên lặng với tài tập trung vào một vật hàng giờ liền. Raun như một bông hoa, không phải cây cỏ; một chuyến hành trình, không phải một gánh nặng. Những gì mọi người coi là tai họa, chúng tôi xem đó như một món quà. Chúng tôi không bao giờ bị ám ảnh, chỉ tận tụy và tận tâm. Một tối nọ, Samahria và tôi nắm tay nhau khi ngắm Raun ngủ trong cũi. Chúng tôi nhìn nhau. Chúng tôi biết. Chúng tôi đã quyết định sẽ can thiệp và cố gắng chạm đến con trai mình, bằng mọi giá!
Chúng tôi nhận ra rằng bản thân có những mong muốn đặc biệt và khác nhau dành cho Raun. Nhưng mối quan hệ giữa chúng tôi và con sẽ không tùy thuộc vào việc con có đáp ứng được những mong muốn ấy hay không. Hạnh phúc với con và không xét đoán con – đó mới chính là điểm bắt đầu với Raun. Dù từ trước tới nay, chúng tôi vẫn đối xử với con như vậy nhưng nhắc lại và diễn đạt nó ra thành lời sẽ giúp xác định rõ hơn con đường mà chúng tôi sẽ cùng đối mặt với đứa con “đặc biệt” này.
Chúng tôi sẽ cúi xuống và hôn lên mảnh đất đã bị nguyền rủa. Chúng tôi sẽ trân trọng những điều tuyệt vời và riêng biệt của con mình. Raun sẽ mở ra một hành trình tuyệt đẹp và phong phú đến với con người của chính chúng tôi. Chúng tôi sẽ đi cùng nhau.