Giờ đây, mỗi ngày trôi qua, cậu bé của chúng tôi đã có thể tiếp thu nhiều thông tin hơn. Chúng tôi làm cho nội dung chương trình đa dạng hơn bằng cách giới thiệu thêm những trò chơi mới và những bài tập tương tác. Do những phương diện đầy cảm hứng của chương trình đã tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Raun, chúng tôi muốn giới thiệu nhiều bài tập giáo dục phức tạp và hướng dẫn về kỹ năng trong các buổi học cùng con.
Raun tự đẩy mình về phía trước, tự thúc đẩy mình từ bên trong. Con tự khởi xướng phần lớn tương tác với chúng tôi trong những buổi học. Những lúc con thu mình hay trở nên lơ đãng, chúng tôi quay trở lại với thức ăn để thu hút sự quan tâm của con. Tuy nhiên, nhiều lần chúng tôi phải sử dụng thứ khác để kích thích con. Thường thì, biết rằng con thích nhảy trên thảm nhún, thích được cù lét và đi dạo ra khỏi phòng, chúng tôi sẽ gợi ý một trong những hoạt động trên để đổi lấy sự tham gia của con vào bài học từ vựng, những con số hay màu sắc. Sau đó, con có thể quyết định có tham gia vào hoạt động chúng tôi gợi ý hay không. Hầu hết là con tham gia ngay. Nhưng thi thoảng con vẫn biểu hiện lơ đãng.
Khả năng tự đóng mình lại trước những kích thích bên ngoài và tìm sự bình yên, trạng thái trầm tư ở một chỗ riêng trong tâm trí con vẫn khiến chúng tôi cảm thấy kỳ lạ. Dù con vẫn đang học những gì mà trẻ em cùng tuổi đã tiếp thu được từ sớm và dù con không có đầy đủ chức năng như bất kỳ tiêu chuẩn bình thường nào, Raun vẫn bộc lộ khả năng kỳ lạ trong việc nắm bắt từng khoảnh khắc dựa theo cảm giác và tình trạng tâm trí của mình. Khi con tham gia cùng chúng tôi, căn phòng trở nên sống động với năng lượng và biểu hiện vui sướng. Khi con thu mình lại, một sự yên lặng lạ kỳ bao quanh con. Phòng chơi bất chợt trở thành thánh đường. Những tương tác yêu thương giữa chúng tôi và con đột nhiên ngừng lại và không gian quanh chúng tôi giãn ra khiến cho tất cả như đều đóng băng. Sự im lặng như lời cầu nguyện, một hành động tôn kính.
Samahria và Nancy quyết định tổ chức những buổi học cùng Raun ở một khu vực khác. Cả hai đồng ý rằng nước chính là một công cụ tuyệt vời để tăng cảm giác và tạo ra những tác động thể chất toàn diện. Kết luận của cả hai là: buổi học mới sẽ diễn ra trong bồn tắm.
Nancy dành ra khoảng thời gian mỗi tuần một lần cho dự án này. Sau một vài lần làm mẫu, Raun dần thoải mái lao vào bồn tắm đầy nước. Cậu bé và Nancy trở thành hai nhà thám hiểm cùng đi tìm ý nghĩa cuộc đời. Cả hai lướt ngón tay trên mặt nước rồi nhúng sâu vào làn nước. Họ lấy tay hất nước vào nhau. Nancy lấy bình nước để rót nước lên đầu Raun. Raun cười rúc rích vui sướng, thè lưỡi ra cố gắng bắt dòng nước này. Trong vòng vài giây, cậu bé trở thành một động cơ xịt nước tung tóe; làm Nancy, những bức tường và tấm thảm ướt sũng. Sau vài phút, cậu bé ngừng lại, rồi tạo thành một vòng tròn trên mặt nước bằng ngón tay của mình. Cả hai tạo ra những con sóng lăn tăn lan đến mép phía xa của bồn tắm. Đồ chơi nhựa nổi trên mặt nước, dập dềnh lên xuống. Họ dành hàng giờ nghiên cứu những cách mới để tìm hiểu thứ chất lỏng thân thiện này, tận hưởng hết sức trong suốt buổi trị liệu. Hầu hết những đứa trẻ đều phải mặc tã, quần áo và đi giày dép liên tục nên chúng không có nhiều cơ hội bước ra tìm hiểu cơ thể mình khi còn nhỏ. Tuy vậy, cách khám phá cơ thể này giúp Raun củng cố một khái niệm về “bản thân” một cách cụ thể và hoàn chỉnh hơn. Dù chẳng nói ra những lợi ích này bằng lời, cậu bé dường như cảm nhận được giới hạn của cơ thể tốt hơn và tự tin hơn khi khám phá không gian quanh mình. Thực vậy, cậu bé đã khám phá ra một món đồ chơi mới – chính bản thân mình. Thi thoảng, trong khoảng 10 hay 15 phút, cậu bé sẽ lướt ngón tay chậm rãi và nhẹ nhàng trên bụng, đầy tỉnh táo và tò mò.
Raun không chỉ dùng vài từ mà con đã nói được mà bắt đầu học từ mới. Chúng tôi tiến triển rất chậm. Sau những lần khuyến khích và khích lệ lớn lao, cậu bé bắt đầu chịu nói “mama”, “dada” và “nóng”. Vậy là số lượng từ vựng của con đã được bảy từ. Giờ cậu bé bắt đầu dùng những từ đã học, bao gồm “bờ”, “nư”, “ra” và “xuống” thường xuyên và chính xác hơn. Cậu bé dễ dàng kết hợp những từ ấy với những hành vi lặp đi lặp lại. Chúng trở thành bánh lái cho Raun, giúp con gia tăng sự linh động và kiểm soát.
Sáng nay, Raun chạy từ cái cũi của mình đến chỗ cây đàn piano ngay ngoài phòng ngủ của con. Trong khi Samahria ngồi cùng con trên băng ghế trước cây đàn, con tình cờ chạm vào phím đàn. Đầu tiên, con gõ nhẹ phím trắng. Sau đó, ấn mạnh hơn, con đập rầm lên phím đàn với vẻ quyết tâm. Rồi bỗng dưng con dừng lại, nhìn vào những phím màu đen – một vùng những phím thường hay bị bỏ qua. Thật cẩn thận, con chạm vào một trong những phím ấy, lướt ngón trỏ trên mặt phím và gờ phím nổi lên trên những phím màu trắng. Con cười giống như nhận ra điều gì đó bên trong mình.
Samahria thấy mình cũng đang mỉm cười. Cô ấy ngồi xuống cạnh con trai và để cậu bé khám phá nhiều hơn. Cậu bé tiếp tục nhìn vào cô ấy và cho thấy rằng cậu bé nhận ra mẹ, gõ vài phím, nghiêng đầu về một bên và nhìn thẳng vào mắt Samahria. Cô ấy gật đầu và cười cùng cậu bé, cậu bé cười lại.
Nửa giờ trôi qua, con dần mất hứng thú và chuyển động chậm lại. Samahria quyết định can thiệp. Cô ấy chơi một chuỗi ba nốt nhạc – ba nốt đầu tiên của bài Ba chú chuột mù. Raun nhìn và lắng nghe. Samahria đàn lại chuỗi ba nốt này. Lần nữa. Lại một lần nữa. Cậu bé ngồi yên dõi theo mẹ mình. Samahria nắm lấy một ngón tay của cậu bé rồi chạm ngón tay vào phím đàn, đàn giai điệu cô ấy vừa biểu diễn, và cứ lặp lại như thế vài lần. Raun vẫn không phản ứng. Rồi Samahria tự đánh những nốt nhạc này. Raun lại nhìn, ngừng lại và dè dặt đặt ngón tay lên phím đàn. Một, hai, ba. Mỗi nốt nhạc cho một chú chuột. Cậu bé đàn chính xác những gì mình đã nghe. Rồi cậu bé lại đàn lại lần nữa. Samahria phản ứng với mọi nỗ lực của cậu bé, hết lần này đến lần khác, đàn lại ba nốt của bản nhạc. Cậu bé cũng lặp lại chính xác những gì đã nghe. Bàn tay di chuyển trên phím đàn. Mẹ và con trai – thử nghiệm, bắt chước, tận hưởng, yêu thương nhau. Cả hai giống như những làn gió chuyển động trong không khí líu ríu, hòa quyện với nhau.
Một buổi sáng mùa hè ấm áp, chúng tôi tụ họp cả gia đình và leo lên xe đi đến bờ biển, mang theo chăn, khăn tắm, đồ tắm, vài quả bóng, xẻng, xô và một con diều.
Raun đi bộ, bò và té trên cát tại bờ biển. Tỉnh táo và hài hước, con dễ dàng chơi cùng Bryn và Thea khi cả ba xây lâu đài cát. Đôi chân con bước qua những tòa nhà chọc trời, phá tan những cây cầu và làm cả thành phố tưởng tượng của chúng sụp đổ. Cười vui vẻ, hai cô gái xây lại những tòa nhà và kiến trúc trong khi tưởng tượng Raun là một con vượn khổng lồ.
Tôi cởi giày của con. Vài phút đầu, con chần chừ không bước đi. Đi bộ chân trần trên một bề mặt nhám như cát chính là một trải nghiệm mới với con. Như mọi khi, con bắt đầu đi nhón gót trong khi cố gắng giữ thăng bằng và thận trọng. Mặc cho nỗ lực, con vẫn té đập mặt vào cát. Tôi giúp con đứng dậy và chỉ cho con bước đi trên bàn chân trần. Sau một lúc thực hành, con đã tự đi được. Rồi chúng tôi đi cùng nhau đến chỗ lướt sóng, ngắm nhìn những con sóng ở đằng xa. Tôi bế con lên ngang hông để con có thể đung đưa chân chạm nước. Mới chạm vào mặt nước lạnh, con đu bám vào người tôi. Sau khi đu người lên vài giây, con tự nhúng chân vào nước rồi chơi trò này khoảng một giờ.
Mặt trời bắt đầu lặn. Chúng tôi tụ lại chỗ cái chăn để ngắm mặt trời lặn. Samahria, Bryn, Thea và tôi ôm nhau. Tôi đứng dậy và bế Raun trở lại chỗ cái chăn. Con ở yên được vài giây rồi lại bước đi, lúc thì ngồi cùng chúng tôi, lúc thì bước. Cậu bé đang thử nghiệm, đang bước tới bước lui để khám phá xa hơn nữa sự tự do cùng không gian của con cũng như tấm lòng bao dung, rộng mở của chúng tôi.
Sau đó, suốt ba ngày ở nhà, dường như con cảm thấy chán chường. Những kiểu hành vi con thể hiện có vẻ hơi giống trẻ sơ sinh. Những thành tựu nhỏ con đạt được trước đây ít thấy hơn. Con cứ tiếp tục mọi việc, chờ đợi thời điểm của mình.
Một lần nữa, chúng tôi phản ứng ngay bằng cách bỏ trình tự chương trình – thay đổi giờ học ngẫu nhiên hơn, chơi đùa không theo cấu trúc nào cả. Chúng tôi cũng để ý thấy con mất đi niềm vui và sự hào hứng từng có với những trò chơi tương tác thể chất. Con chọn cách ở một mình nhiều hơn. Raun đang trượt dần khỏi chúng tôi. Mọi người trở nên nhạy cảm với sự thu mình của con. Có một vài thứ đã thay đổi. Ánh lửa đã vơi bớt ánh sáng, động lực đã mất dần. Một giai đoạn lờ đờ mới xuất hiện, rõ ràng nhất là con ngày càng trượt dần ra khỏi mọi người – khỏi chúng tôi.
Samahria, Maire, Nancy và tôi thảo luận rất lâu vào buổi tối. Chúng tôi chia sẻ quan điểm, suy nghĩ và cố gắng tìm kiếm giải pháp cho tình trạng hiện tại của Raun. Thi thoảng, vào lúc 2 hay 3 giờ sáng, Samahria và tôi đánh thức người còn lại để tiếp tục phân tích mọi khía cạnh trong chương trình của mình, tìm kiếm những dấu hiệu giúp kết nối lại với con. Chúng tôi tận tâm, cố gắng để ý tới bất kỳ thông điệp nào ẩn giấu dưới hành động của con.
Những cơn giận của Raun tăng lên cả về số lượng và cường độ. Con bắt đầu ném đồ vật quanh nhà. Chúng tôi để con làm vậy, nghĩ rằng rồi nó sẽ qua đi, và quyết định là – ít nhất là vào lúc đầu – không cản trở con. Không may là, con tăng cường tấn công làm hỏng cả những cái ghế và ghế bành. Lần đầu tiên chúng tôi cho con thấy những từ ngữ mang nghĩa phản đối. Mỗi lần con ném thứ gì đó, chúng tôi nói “KHÔNG!”. Nhưng chẳng ích gì. Thực tế, sự trách mắng của chúng tôi càng làm ngọn lửa bùng lên. Nó mang lại sự chú ý cho hành động của con. Raun kiểm soát tình hình và, theo tôi đoán, có được những gì mình muốn. Chúng tôi thấy mình bị gạt sang bên lề.
Mỉa mai thay, những hành động của chúng tôi làm cho phản ứng của con mãnh liệt hơn. Chúng tôi chưa bao giờ dùng những câu rầy la để giáo dục con cái. Mỗi lần làm vậy, chúng tôi cảm tưởng như mình đang đập báng súng vào chính mặt mình. Những cú dội ngược ấy được cảm nhận theo nhiều cách. Raun sẽ tiếp tục thời gian biểu của mình khi chúng tôi la rầy con. Con vẫn mỉm cười khi con hoàn thành hành động cắt ngang này. Con đã sắp đặt một chuỗi hành động để điều khiển chúng tôi và chúng tôi đã mắc bẫy, trở thành vừa là đồng đảng vừa là đối tác của con.
Vì sự an nguy của chính mình, đồ nhạc trong nhà và Raun, chúng tôi loại bỏ tất cả những đồ nội thất mà con có thể hất đổ rồi cất hết vào nhà kho. Nhờ đó, chúng tôi có được hai điều: cứu những đồ nội thất và giảm chiều hướng dùng sự bất bình như một cách để giao tiếp. Raun dường như cảm thấy lo lắng về việc những đồ vật biến mất trong khoảng một tuần. Con không thích thay đổi môi trường. Mặc dù đã cố gắng giải thích cho con về mọi chuyện xảy ra, con vẫn nhìn vào những khoảng trống trong phòng khách, trông giống một cậu bé tìm kiếm chú chó của mình hơn là một tên đạo tặc trẻ tuổi tìm kiếm những chiếc bàn, chiếc ghế để hất đổ.
Con ngày càng ngang bướng và không hợp tác hơn trong các buổi học, từ chối tham gia những hoạt động mà vài tuần trước đó vẫn còn yêu thích. Chúng tôi làm chương trình chậm hơn một chút nữa, dành nhiều thời gian cho những trò chơi không theo cấu trúc và quan sát Raun để tìm manh mối.
Lịch trình: Tuần thứ 16
Quan sát:
• Raun thu mình, không hợp tác, cứng đầu, ném đồ đạc.
• Vẫn dùng rất ít từ như “nước”, “bình”, “xuống”, “nóng”, “ra”, “mama”. Không chịu nói những từ trên nếu bị yêu cầu.
• Vẫn thích âm nhạc. Tự hát thì thầm cho bản thân nghe, di chuyển người theo nhịp điệu dù không được yêu cầu. Ngồi cùng Samahria khoảng 10 phút và lắng nghe Bản giao hưởng số 5 của Beethoven.
• Cười lớn khi làm gì đó mà con tin rằng chúng tôi không muốn con làm vậy.
• Những buổi học trong bồn tắm cùng Nancy diễn ra tốt đẹp.
• Dễ bị thu hút bởi tranh ảnh, chỉ tay vào người này người kia khi được hỏi.
Không thay đổi:
• Tiếp tục xoay và lắc lư người.
• Vẫn lơ đãng và thu mình khỏi xã hội.
Tâm trạng của Raun thất thường hơn. Hành vi của con thường bị ngắt quãng bởi những lúc trở nên cứng đầu. Những chuyện này kéo dài hàng tuần liền. Chúng tôi giảm những buổi học hằng ngày xuống còn ba tiếng rưỡi mỗi ngày, ít hơn một nửa so với chương trình can thiệp. Chúng tôi dành thời gian còn lại để giám sát 1 – 1 khi con chơi những trò chơi tự do. Trong những trò chơi ấy, Raun luôn sắp xếp tình huống, nghĩ ra những hoạt động và kiểm soát tương tác.
Khi càng thoải mái và thay đổi chương trình, tâm trạng của Raun càng dịu đi. Con bắt đầu phản ứng lại. Có thể hình dung được rằng sự cứng đầu và tâm trạng lên xuống của con chính là cách con tiếp cận chúng tôi – nói lên mong muốn kéo chúng tôi lại và thúc giục thay đổi lịch trình để con có thời gian nghỉ ngơi. Chúng tôi càng tiếp nhận những manh mối của con, con càng phản hồi lại tích cực.
Chúng tôi hào hứng với những thay đổi quan sát được ở con. Nhưng rồi vẻ hào nhoáng ấy nhạt dần. Con bắt đầu phản kháng lại những tương tác, kể cả trong những buổi học từ ngữ rút gọn. Bóng đêm ập tới con khiến chúng tôi không hiểu được. Một sự rút lui hoàn toàn. Con trai chúng tôi dường như lạ lẫm và xa lạ rõ rệt cũng như ít nhạy cảm hơn với những tác động âm thanh và lời nói. Tôi cảm giác giống như con đang trượt dần khỏi mình và không có cách nào để ngăn lại.
Con nhỏ dãi nhiều hơn. Lưỡi của con có vẻ không kiểm soát được. Mắt con nhìn chằm chằm vào khoảng không, đông cứng và vô hồn. Con bị ốm sao? Có phải những dấu hiệu trên là biểu hiện của bệnh cúm hay cảm lạnh? Một cuộc kiểm tra sức khỏe xác nhận rằng con hoàn toàn khỏe mạnh nhưng có viêm họng nhẹ. Có thể chỉ là một cơn viêm họng “nhẹ” nhưng với cơ thể con cũng là một gánh nặng. Có lẽ nó làm suy yếu hệ thần kinh của con hơn với chúng ta. Chúng tôi đã lưu ý rằng trước đây mỗi khi bị ốm, dù chỉ nhẹ thôi, con sẽ rơi vào một trạng thái hoàn toàn khác hoặc xuất hiện tình trạng “thoái lui rõ rệt”.
Bây giờ, trước khi đặt miếng ghép vào đúng chỗ của nó, con sẽ ngừng lại, nắm lấy nó trong không khí vài phút và nhìn chằm chằm vào nó. Một sự chiêm nghiệm sâu sắc. Một cậu bé đứng yên ở trong lực quán tính xa xôi của mình. Sự trì trệ kéo dài này làm lặp lại những gì chúng tôi đã quan sát hồi tháng trước. Chúng tôi cùng quan sát thấy độ trễ giữa những yêu cầu và phản hồi của con. Việc kết nối với mọi người lại trở nên khó khăn. Tuy vậy, khi con tập trung, con chuyển động tỉnh táo và quyết liệt. Samahria và tôi nghi ngờ rằng con đã tự chặn hệ thần kinh của mình, giữ lại, đặt rào chắn vào đó để có thể câu giờ – để cân nhắc hành trình của mình và, có lẽ, quyết định có nên cố gắng hết sức tiến về phía trước hay không.
Bằng cách nào đó, cậu bé 22 tháng tuổi này đã tự nhìn lại bản thân mình và chẳng còn ngây ngô nữa. Chúng tôi tự hỏi con sẽ hỏi mình những câu gì, nhưng thế giới gần như câm lặng mà con chiếm đóng đã ngăn cản chúng tôi can thiệp hay giúp con. Thậm chí là cường độ và tần suất khóc của con đã tăng lên khi con không nói nữa. Con không cười. Nét mặt trở nên vô hồn và cứng đờ. Cơ thể con giống như cỗ máy bị rỉ sét buộc phải di chuyển. Thậm chí cả ánh sáng chúng tôi từng thấy trong mắt con cũng mờ dần.
Khi nhìn con, tôi cảm thấy bối rối và vô dụng; con bắt đầu đưa ngón tay ra trước mắt mình và vỗ vỗ mắt. Rồi con lắc lư trước sau trên sàn nhà, tạo ra những âm thanh hừm hừm kỳ lạ như 5 tháng trước đây. Tôi ngồi trước con và tham gia vào chuyển động của con. Tôi cố gắng bắt chước âm thanh của con, thi thoảng gián đoạn bản thân chỉ để nói với con: “Chúng ta ở đây Raun ơi. Chúng ta yêu con. Yêu con. Con có nghe thấy không?” Chẳng có câu trả lời. Chẳng có dấu hiệu nào cho thấy con nghe chúng tôi nói. “Này, bố đang làm giống con này”. Con nhìn tôi vô hồn. “Này, anh chàng dễ thương, con có thể dẫn bố vào không? Chỉ vài giây thôi được không? Con có thể cho bố một dấu hiệu gì không? Bố yêu con Raun à.” Chẳng biết làm thế nào. Chẳng làm được gì ngoài ở đó cùng con trai của mình. “Được rồi, bố sẽ để con đi. Bố sẽ làm theo cách của con.” Tôi ngừng trò chuyện và tạo ra âm thanh giống con. Trong khoảng một giây, chỉ một giây thôi, tôi nghĩ là con thừa nhận sự hiện diện của tôi bằng một cái gật đầu nhẹ. Tôi có thực sự thấy vậy không hay chỉ là ảo ảnh do tôi dựng nên trong giấc mơ? Raun đã thay đổi cực kỳ. Vòng xoay cuộc đời của chúng tôi đã bất ngờ đảo chiều.
Báo cáo: Tuần thứ 18 − Lịch trình được giãn ra
Quan sát:
• Lại có nhiều hành vi tự kích thích hơn: lắc lư người, vỗ tay và xoay người theo vòng tròn.
• Ít dùng ngôn ngữ hơn, dù thỉnh thoảng vẫn phản hồi với những yêu cầu bằng lời nói và những gợi ý của người khác.
• Tránh những đụng chạm cơ thể và vuốt ve.
• Cảm nhận mọi thứ bằng miệng nhiều hơn, đưa lưỡi qua lại, mút môi và chảy dãi.
• Thường đi lên tầng trên một mình.
• Có lúc tự chơi đồ chơi và thỉnh thoảng tương tác với gia đình.
Không thay đổi:
• Hứng thú với việc xoay đồ vật gia tăng đáng kể.
• Tránh giao tiếp xã hội.
Tất cả chúng tôi cố gắng nhanh chóng thay đổi tình hình. Mọi người thay đổi phản ứng của mình với Raun, cố gắng đạt được mức mà con có thể hiểu được. Nhưng sự căng thẳng vẫn bao trùm ngôi nhà. Mỗi ngày, tính khí của con càng thất thường hơn, hành vi của con càng khó đoán hơn. Thỉnh thoảng con chơi giỏi, nhưng rồi lúc khác, con chẳng hợp tác nữa – giống như con đang thử thách chúng tôi vậy. Chúng tôi để cho con có không gian, cho con được sai lệch và thu mình.
Tuy thế sự trốn tránh của con ngày càng nghiêm trọng hơn, như một căn bệnh đang dần gặm nhấm con và đó là tất cả những gì chúng tôi có thể có được. Những hành vi đặc biệt bắt đầu tái xuất hiện và gia tăng cường độ: Con lắc lư nhiều hơn, xoay người và nhìn chăm chăm nhiều hơn, thường tránh những đụng chạm, và né xa khi ai đó đụng vào con. Raun khóc nhiều hơn, tiếng khóc the thé mỗi khi con thức dậy. Chúng tôi phải bỏ đi nhiều trò chơi và nhiều bài tập tương tác phức tạp. Rồi bánh xe cuộc đời lại bất ngờ chuyển hướng. Sáng thứ Bảy, Samahria bế con ra khỏi cũi, để ý đến sự thờ ơ vẫn đang tiếp diễn của con và bầu không khí nghiêm túc. Cô ấy hướng dẫn con đi vào bếp rồi đi đánh thức những đứa trẻ khác. Từ phòng ngủ, tôi nghe thấy tiếng một hộp đồ ăn bằng kim loại lăn trên sàn nhà. Raun đang xoay đồ vật – liên tục. Tôi sững sờ. Chờ đợi. Cuối cùng, dù đang cạo và tỉa tót bộ râu, tôi quyết định ngừng lại để xem mình có thể tham gia cùng Raun hay khiến con hứng thú đến thứ khác. Cảm giác rằng Raun đang ở một mình, tôi tự hỏi những người khác đâu hết rồi.
Khi bước vào nhà bếp, Samahria đứng bất động trước tủ, nhìn vào cậu bé ở giữa phòng, Bryn và Thea ngồi trên ghế tại bàn ăn im lặng dõi theo Raun, một bầu không khí bứt rứt. Raun dường như đang cực kỳ bận rộn và dành hết tâm trí vào việc đang làm. Mỗi khi thấy hào hứng, con đứng nhón chân, cong người về phía vật đang xoay và cong cánh tay theo kiểu giật cục rồi chuyển động khác thường. Mức độ tập trung vào hành động này của con làm mọi người đầu hàng. Con dường như thể hiện tính tự kỷ và bị động hơn trước đây. Kim đồng hồ không chỉ là xoay thời gian trở về y như trước, mà có thứ gì đó sâu thẳm và đầy bối rối biểu lộ trước đôi mắt chần chừ của chúng tôi.
Tôi ngồi cạnh con trai và khe khẽ gọi tên con. Chẳng trả lời. Tôi gọi to hơn. Một lần nữa, chẳng có câu trả lời. Điếc ư? Không thể nào. Tôi chộp lấy cuốn sách trên kệ và vỗ nó vào tay mình cách đầu con chừng 15 phân. Chẳng có lấy một cái liếc mắt. Chẳng có dấu hiệu nào cho thấy con nghe được âm thanh này, dù chỉ một phần. Chẳng có lấy thậm chí là một chuyển động nhẹ nhất.
Khi con tiếp tục xoay, tôi vẫy tay trước mắt con. Con không nháy mắt. Tôi búng tay, suýt nữa chạm vào mặt con. Con chẳng phản ứng – không có dấu hiệu nhận biết nào, con cứ tập trung vào món đồ đang được xoay tròn.
Tôi đứng dậy, thấy lòng mình trống rỗng. Con trai tôi – ngay lúc này đây đã hoàn toàn rời bỏ chúng tôi. Tránh ánh mắt của Samahria, tôi đề nghị mọi người cùng nhau ăn sáng.
Samahria đi đến chỗ Raun để bế con lên nhưng con kháng cự bằng cách ghì người xuống và đẩy cô ấy ra. Cô ấy đi đến bàn ăn một mình. Chúng tôi trầm ngâm dùng bữa trong khi Raun tiếp tục trò chơi kỳ lạ và màn kịch câm cách cái bàn khoảng một mét. Chúng tôi liên tục đưa đồ ăn cho con. Con lờ tít đi và tiếp tục xoay cái nắp hộp.
Phải làm gì bây giờ? Trở lại, trở lại từ đầu. Can thiệp bằng đồ ăn, tác động một cách nhẹ nhàng. Ngồi cùng con. Bắt chước con. Chấp nhận con và hành vi của con.
Đúng ra thì chuyện này phải dễ hơn chứ, chúng tôi đã trải qua chuyện này nhiều lần rồi cơ mà. Nhưng nó lại chẳng dễ dàng gì. Đầu tiên chúng tôi phải đánh giá lại cảm xúc và nghiên cứu thật kỹ lưỡng niềm tin của mình. Liệu có phải tình cảm và cảm giác tốt đẹp về Raun còn tùy thuộc vào tiến triển và thành tựu của con? Chúng tôi có cần được đảm bảo rằng sự tiến triển của con sẽ tiếp tục, rằng con sẽ luôn tiến triển và sẽ chẳng bao giờ trở lại trình trạng ban đầu của mình? Và có phải chúng tôi nghĩ đó chính là ngày đánh dấu sự kết thúc? Rằng mọi thứ đều vô nghĩa sao? Chúng tôi có lạc mất con sau bức tường vô hình và không thể xuyên thấu ấy không? Dù cho tôi hay Samahria đều chẳng có bất kỳ mong đợi gì với con, thì đã có khó khăn nào đó bên trong làm giảm hiệu quả của những buổi học với Raun. Khi tìm hiểu về những trăn trở và vấn đề của mình, tôi nhận ra rằng nếu vẫn coi tình trạng thu mình của con là tệ, chúng tôi vẫn sẽ đưa thái độ này vào trong toàn bộ chương trình. Chúng tôi đã thấy nhiều quan điểm cho rằng tình hình của con và của gia đình mình thật tồi tệ và bi thảm. Chúng tôi biết kiểu xét đoán này chẳng tồn tại “ngoài kia” mà phản ánh suy nghĩ và niềm tin bên trong chúng tôi. Chúng tôi phân loại con người và mọi chuyện theo lựa chọn của mình. Thực tế thì, hầu hết chúng ta đều cố chạy đua tìm kiếm câu trả lời cho một câu hỏi hấp dẫn: Điều này tốt hay tệ cho tôi? Chúng tôi có xem việc Raun thu mình là việc xấu với con và với chúng tôi không?
Dù biết rằng con trai tôi có làm gì đi nữa, chúng tôi vẫn phải tìm kiếm hạnh phúc, bình yên và một nơi đầy yêu thương bên trong con, để thái độ chấp nhận và tình yêu chạm được đến con. Hơn bao giờ hết, chúng tôi phải củng cố thái độ ấy, để nó bám rễ sâu bên trong, rồi mang nó đến với cuộc đời này một cách mạnh mẽ. Việc tự khám phá bản thân và tiếp tục dốc sức mình lại từ đầu cho một quan điểm không xét đoán đã truyền cho chúng tôi một sức sống mới. Thêm vào đó, trải qua những ngày này, Raun chẳng thay đổi gì. Chúng tôi dường như dần lạc mất con qua mỗi ngày. Vẫn vậy, do tính khí của con dần mất cân bằng và hành vi của con ngày càng thất thường hơn, chúng tôi vẫn giữ nguyên khóa học – yêu thương con, đồng hành cùng con, để khiến chúng tôi dễ tiếp cận và dễ hiểu nhất có thể.
Chúng tôi chưa chắc chắn được gì cả, ngoài việc yêu thương con và tiếp tục cố gắng. Vượt qua tất cả, chúng tôi biết rằng đây là thời điểm để Raun ở cùng chính bản thân mình, có lẽ là để trở lại lối sống trước đây, trở lại cuộc đời trước.
Con dường như chú tâm vào cuộc trò chuyện kỳ lạ và u sầu với chính bản thân mình, như thể đang giằng xé trước quyết định dừng lại tại đây, trở lại hành vi cũ hay tiến về phía trước – bước vào thế giới lạ lẫm và có lẽ là khó khăn.
Phải thay đổi mọi thứ. Phải trở lại như cũ. Đầu tiên chúng tôi trao đổi với Nancy và Maire. Họ ít nhiều lo lắng, bối rối nhưng chấp nhận. Cả hai đều muốn làm những điều tốt nhất cho Raun. Maire có giờ học buổi chiều đầu tiên với Raun từ khi con thu mình sâu hơn. Samahria ở ngay gần cô ấy, ngồi trong phòng khách với một người bạn. Từ khóe mắt, vợ tôi thấy Maire đứng ngay lối vào phòng. Samahria hỏi cô ấy xem mọi chuyện có ổn không. Maire gật đầu quả quyết. Vài phút sau, Samahria nhận ra rằng Maire vẫn đang đứng ở chỗ cũ; nhưng cô khum tay che mắt. Ngay lập tức, Samahria đi đến chỗ cô ấy. Cô ấy có thể thấy dòng nước mắt trên má Maire.
“Sao vậy Maire? Có chuyện gì sao?
“Em không thể chịu được. Em thương Raun lắm và thấy cậu bé như vậy sau những tiến triển vừa rồi làm em không chịu được.”
Samahria ôm cô ấy cho đến khi cô ấy ngừng khóc.
“Thôi nào Marie, ngồi xuống đây, mình nói chuyện về Raun nhé.”
Marie cảm thấy rằng “sự thoái lui” của Raun – như cách cô ấy gọi – thật là kinh khủng. Cô ấy rất muốn tình trạng cậu bé sẽ tiếp tục cải thiện. Với tình yêu thương của mình, cô ấy cần cậu bé phải khỏe mạnh và biết quan tâm đến thế giới bên ngoài. Cô ấy hiểu cái bẫy do chính mình tạo ra, hiểu nỗi buồn của mình, khăng khăng rằng sẽ chẳng tốt lành gì nếu để lạc mất Raun. Và tuy thế nên cô ấy cũng hiểu là vì chẳng tốt lành gì nên trên một vài phương diện nào đó, bây giờ cô ấy lại phản đối những hành vi của Raun và cuối cùng là phản đối chính bản thân Raun. Cô ấy muốn cảm thấy ổn với tình trạng thu mình của cậu bé, một tình trạng kéo cậu bé càng ngày càng sâu vào chứng tự kỷ. Cũng như chúng tôi, cô ấy biết rõ rằng nếu chúng tôi có những kỳ vọng với con, chúng tôi sẽ đưa ra những mục tiêu cụ thể và tự làm mình thất vọng.
Samahria trò chuyện với Maire về những nền tảng, về phong cách chơi cùng Raun mà không phán xét, cũng không kỳ vọng. Họ cùng nhau khám phá thái độ “Yêu là hạnh phúc với những gì mình yêu”. Mấu chốt là: yêu thương Raun nghĩa là hạnh phúc cùng con – ngay lúc này, ngày này, như con vốn dĩ vậy! Đúng vậy, có lẽ chúng tôi cũng mơ mộng con sẽ trở thành người nọ người kia, như vậy nghĩa là đặt mình vào tương lai. Tất cả những gì chúng tôi có là hiện tại. Và đó chính là thời điểm để yêu thương con, để hạnh phúc với con, chúc mừng cuộc đời của con. Cô ấy cố gắng truyền cảm hứng cho Maire bỏ qua những ngày vừa qua và bắt đầu ngày mới. Không có định kiến. Không buồn rầu. Không cảm giác mất mát. Chúng tôi vẫn có Raun, vẫn có bản thân mình và những người khác. Chúng tôi có giấc mơ của mình và còn có đam mê giúp bản thân kiên định trong việc chạm đến những vì sao.
Nếu đó là vì Raun, tạo vật tuyệt vời của thế giới này, chúng tôi có thể cảm thấy ổn thỏa với cậu bé và những gì chia sẻ cùng cậu được không?
Chẳng hứa được. Chỉ hôm nay thôi. Maire nhìn vào mắt Samahria và cố gắng nhoẻn miệng cười. Quyết tâm tận tụy với Raun đã làm cho tầm nhìn của cô ấy rõ ràng hơn. Cô ấy đã học cách yêu thương đầy tự do hơn. Maire gọi to tên của Raun và trở lại với cậu học trò hết sức đặc biệt của mình.
Chúng tôi trao đổi cùng vấn đề với Nancy, Bryn và Thea. Tôi đã thực hiện một loạt trao đổi với mọi người trong chương trình, giúp họ khám phá những thắc mắc, lo lắng và thất vọng cùng nỗi sợ dâng lên từ việc thay đổi hành vi của Raun. Tôi biết rằng ai trong chúng tôi cũng có thể đưa ra một con đường trở lại cùng Raun và tôi muốn con đường này rõ ràng nhất có thể: phải vươn mình xa hơn; trở lại rãnh sâu của mình, bỏ hiện thực vào đó cho đến khi có thể lấp đầy rãnh sâu đó; hết lần này đến lần khác; chẳng có cách nào để đoán trước được kết quả, chỉ có mong muốn và hành động; đẩy xa khỏi giới hạn; ở cùng Raun, yêu thương con, hạnh phúc cùng con – dù con ở đâu; hạnh phúc với chính bản thân mình.
Chương trình trở lại giai đoạn đầu tiên. Chúng tôi nỗ lực với ý định truyền đạt cho con hiểu sự chấp nhận, tình yêu thương, cố gắng thúc đẩy Raun và một lần nữa khơi lên mong muốn ở con. Mỗi buổi sáng và buổi chiều lại giống như mùa hè trước.
Trong hơn một tuần, chúng tôi bắt chước những hành vi tự kích thích của Raun. Âm thanh của những cái đĩa xoay tròn vang lên dọc theo cả căn nhà. Bryn và Thea làm bạn cùng Raun khi lắc lư. Nancy và Maire bắt chước cậu học trò nhỏ vỗ vỗ ngón tay trước mặt trên sàn phòng tắm với vẻ thuần thục và đầy hào hứng. Samahria lại ngồi cùng con trong phòng tắm và cùng con nhìn chăm chăm vào ánh sáng trên tường. Khi tôi tham gia cùng con trong thế giới xoay tròn bằng cách tạo thành một vòng tròn ngay sau con, tôi cảm thấy một sự giải thoát tận sâu bên trong – giống như ý nghĩa cuộc sống và tình yêu chẳng liên quan gì đến những gì chúng ta làm mà liên quan mọi mặt đến cách chúng ta thực hiện nó. Những lúc như thế này, tôi có thể nghĩ về nhiều thứ có ý nghĩa hơn và đầy tình yêu thương hơn là chỉ xoay vòng và lắc lư.
Chín ngày kể từ ngày Raun thu mình. Sáng sớm, Samahria bước đến cũi của cậu bé để mang con đi ăn sáng. Khi cô ấy bước vào phòng, cậu bé hát hừm hừm. Khi cô ấy đến bên giường của con, con nhìn thẳng vào mẹ mình. Sau khi trải qua một tuần không giao tiếp bằng mắt, cô ấy hết sức hào hứng và vui vẻ. Cô ấy chạm vào má của Raun và con không đẩy ra. Cô ấy hôn vào bàn tay đang mở ra của con, cậu bé nắm lấy mũi cô ấy. Samahria cười và bắt đầu cù con khi con nằm xuống và cười khúc khích. Thốt nhiên, tiếng cười của Samahria chuyển thành tiếng nức nở.
Tôi có thể nghe thấy từ phòng mình. Âm thanh ấy khiến tôi giật mình. Tôi nhảy ra khỏi ghế và bay lên lầu, cố gắng gạt bỏ những tưởng tượng đang nhảy nhót trong đầu về nguyên nhân khiến Samahria khóc. Khi bước vào phòng, tôi thấy cô ấy đang bế Raun và đi qua đi lại quanh phòng. Cô ấy vuốt tóc và xoa lưng cho Raun. Con dường như cực kỳ minh mẫn và bắt đầu bắt chước khuôn mặt buồn bã của mẹ. Theo bản năng, tôi hiểu chuyện gì đã xảy ra. Raun đã trở lại với chúng tôi. Cậu bé của chúng tôi đã trở lại từ vùng đất lưng chừng của chạng vạng.
Chúng tôi bế con vào phòng ngủ của mình. Tâm trạng con đang cực kỳ vui tươi. Ngay khi tôi ngồi lên giường, con đến chỗ tôi, tìm kiếm bàn tay của tôi. Tôi cười với con, bế và nâng con lên cao. Thằng bé bắt đầu cười và nói: “Nữa, “nữa”.
Giọng nói của con như tiếng nhạc vậy – từ đầu tiên con thốt ra sau cả tuần. Thật là TUYỆT DIỆU! Không thể tin được! Raun đã vượt qua. Hôm nay, con đã tái thiết cả thế giới, chọn ở cùng chúng tôi cởi mở hơn trước. Con dễ đồng ý cho chúng tôi cù lét và ôm ấp. Con nhảy nhót trên giường trong lúc nắm tay tôi. Rồi tôi gãi mũi, con nói: “Mũi”.
Khi Samahria chạm vào tóc cô ấy rồi hỏi con đó là gì, con trả lời: “Tóc”.
Một trong những chú chó của chúng tôi bước vào phòng, con gọi: “Sacha”.
Con chưa bao giờ nói những từ này trước đây. Đúng là con thường xuyên nghe và đã từng lặp lại theo gợi ý, nhưng con chưa bao giờ là người chủ động nói, là người đầu tiên gợi ra nó. Trong nhà bếp, Raun đòi uống nước bằng cách nói: “Nước” chứ không chỉ “Nư”.
Rồi khi uống hết nước trong ly, con nói rõ ràng: “Nữa”.
Màn trình diễn của con làm chúng tôi choáng váng. Chúng tôi chẳng thể đi chuyển đủ nhanh mỗi khi con đưa ra yêu cầu. Con chỉ vào cái ấm đang bốc hơi trên lò và nói một từ mới toanh: “Nóng”.
Giống như con không thể giữ được, không thể kìm hãm bản thân khỏi việc gọi tên và nói mọi thứ con biết. Không giới hạn mình trong năm từ đã học trong vài tháng qua nữa, giờ đây con phản ứng lại bằng lời nói với mọi từ mà chúng tôi đã cẩn thận lặp đi lặp lại với con trong suốt năm tháng ấy. Cuối tuần đó, Samahria ngồi xuống và ghi lại mọi từ con đã nói. Danh sách này thật ngoạn mục. Từ vựng của Raun trong một tuần tăng từ bảy lên 75 từ.
Lúc sau, vào buổi sáng, Raun nắm tay Samahria và nói: “Đến”.
Và bạn biết Raun dẫn mẹ mình đến đâu không? Vào phòng, để bắt đầu giờ trị liệu, để giao tiếp những gì con muốn. Con đi đến tủ quần áo và hỏi bộ xếp hình một cách rõ ràng. Cô ấy phản ứng ngay. Khi cô ấy lấy ra một bộ, con ra hiệu là con muốn hết – tất cả. Cô ấy mang hết đồ đạc trong tủ xuống sàn nhà. Con ngồi xuống trước mặt cô ấy và chờ đợi. Trước khi Samahria kịp gỡ những miếng ghép ra, con đã nắm lấy hình con bò và nhanh chóng kêu lên âm thanh quen thuộc: “Bòooooo”, “Bòooooo”.
Raun đưa ra cho chúng tôi một thông điệp to và rõ ràng. Con muốn tiếp tục chơi, để học, để tương tác, để trò chuyện. Nhiều lúc, mong muốn và nhiệt tình của con đã mãnh liệt hơn. Con cho thấy một sức mạnh mới. Mong muốn và hứng thú đối với con người đã thể hiện rõ ràng ở con, như bong bóng sục lên khỏi bề mặt.