Vừa thấy Kỳ từ trong buồng bước ra, Thứ đã cất giọng lanh lảnh đọc: “Anh có nhà có cửa. Nhưng không vợ không con. Sợ cái bếp không lửa. Sợ cái cửa không đèn...”(1). Quả là những âm thanh có hồn. Kỳ sững lại, bần thần. Thứ biết nhưng vẫn giả vờ đọc tiếp, giọng rành rọt một cách sắc lạnh. Đợi Thứ đọc dứt bài, Kỳ bước vào:
(1) Bài thơ Khung cửa sổ của Xuân Diệu
- Bài thơ hay lắm mà cậu đọc thì dở lắm.
Thứ chìa tờ giấy có bài thơ chép tay cho Kỳ, nét chữ con gái thật nắn nót.
- Thơ của ai vây? - Đón tờ giấy, Kỳ hỏi.
- Xuân Diệu. Và phi Xuân Diệu thì không ai viết được như vậy - Thứ gật gù rồi cầm trên bàn bao thuốc Hero gần như còn nguyên, mời Kỳ. Tổ trưởng chăm chú vào tờ giấy, lắc đầu. Thứ đặt một điếu vào mép, bật quẹt ga, đốt.
Kỳ đọc lại và lẩm nhẩm thành tiếng:
- Em là sao của cửa. Em là hồn của nhà...
Thứ đét một cái vào đùi mình, cười ầm lên:
- Trời ơi, ông Kỳ đọc thơ thật tuyệt! Một khám phá của thập kỉ.
Mặc Thứ trêu, Kỳ vẫn thật thà nói:
- Cho tao mượn chép.
- Lại một phát hiện nữa. Đây bút đây, giấy đây, xin mời ông anh chép. À mà chắc là ông anh có cắc-nê(1) kiểu “kỉ niệm quê hương” ấy, về lấy sang chép luôn một công... - Thứ chợt đùa.
(1) Carnet: Cuốn sổ tay
Kỳ rất thật:
- Ờ, đúng.
Khi Kỳ bước mau bước về phòng mình, Thứ khoái chí cười ha hả. Chiều nay Tuyết Sương mang đến cho Thứ bản chép này, cậu ta đọc xong nghĩ ngay đến chuyện, lúc nào ông Kỳ thư thả đọc cho nghe, chọc chơi. Ai dè, nghe xong ổng cảm bài thơ quá, tâm đắc quá, đòi chép.
Lát sau Kỳ sang, mang theo quyển sổ tay cũ, sờn gáy, sờn bìa. Đúng loại sổ tay “kỉ niệm quê hương” mà Thứ đoán. Một đặc hiện vật của thời kỳ “thanh niên quê tôi làm chiếc gậy Trường Sơn”. Khi chia tay tiễn các chàng trai vào chiến trường đánh Mỹ, các bạn gái ở quê thường kỉ niệm họ những quyển sổ tay như thế. Hàng chữ đầu tiên các cô thường nắn nót: “Nhớ mãi quê hương”, “Hẹn về chiến thắng”, “Tấm lòng hậu phương”... Quyển sổ tay này của Kỳ là Thêm tặng. Còn đây nét chữ vợ anh.
Nhìn thấy ngón tay của Kỳ lật nhẹ từng tờ giấy, Thứ đoán, chỉ những cái gì thật quan trọng trong đời anh ấy mới được ghi vào đấy. Bài thơ mà mình định chọc ai ngờ... lại được diễm phúc đến như vậy.
Kỳ ngồi chép một cách nghiêm túc, thỉnh thoảng dừng bút đọc nhẩm lại:
- Những đêm đi xa về. Tận xa nhìn cửa đóng. Không ánh sáng đón mình. Chẳng có ai trông ngóng... Ôi cái khung cửa sổ. Của kiếp anh đời anh...
Đặt bút xuống đọc xuôi đọc ngược mấy lần, Kỳ thán phục:
- Ông Xuân Diệu tài thật, cứ như là ông ấy viết riêng để tặng tao, Thứ ạ.
Khuôn mặt Thứ không hể hả được nữa:
- Ông ấy viết để tặng đời riêng ông ấy đấy!
- Tao cũng nghe nói thi sĩ bất hạnh trong đời riêng lắm.
- Thường những người bất hạnh mới thương người khác, mới thông cảm với người khác - Ngưng một lát Thứ lại lã bã đúng với tính cậu ta - À mà, làm thơ là bán trái tim cho đời. Một thằng cha nào đó nói vậy cũng chả ngoa đâu - Thứ vuốt mớ tóc lòa xòa trước trán, điệu bộ thật nghệ sĩ, rồi lại rút một điếu Hero nữa châm. Cậu ta làm ra vẻ am tường vấn đề mà mình sắp diễn giải lắm - Từ bảy lăm (1975) đến giờ, nhất là mấy năm khốn khổ này, đốt đuốc không kiếm ra thơ hay. Anh biết vì sao không? - Chẳng đợi ý kiến người đối thoại, Thứ ào ạt: - Vì hiếm có thằng nào dại mang bán trái tim cả!
- Bậy - Kỳ nghiêm nhắc nhở ngay - Mày lại cà rỡn cà rỡn rồi đấy Thứ.
Thứ nhún vai, huơ hai tay lên trời, bắt chước kiểu cách dân Tây:
- Đúng là nói chuyện với ông anh khó thật. Không thể tiên liệu trước được!
Kỳ với gói thuốc Hero lấy một điếu hút, mắt vẫn không rời bài thơ, vẻ mặt bần thần của một kẻ đang say.
Thứ đi đi lại lại trong phòng cứ tủm tỉm cười một mình. Khi Kỳ ngẩng lên, Thứ liền hỏi:
- Chắc anh thuộc lòng bài thơ rồi hả?
Kỳ công nhận:
- Thơ hay dễ nhớ lắm - Hứng lên, Kỳ tiếp: - Tao đọc lại, mày soát xem nhé...
Và Kỳ gập cuốn sổ tay lại, đọc hai khổ thơ đầu khá lưu loát. Đến khổ thứ ba, thứ tư thì hơi ngắc ngứ, Thứ liền gợi nhắc. Và đến khi hết bài thì cả hai anh em cười rộn lên vui vẻ.
Dứt cười, Thứ tò mò:
- Cho em coi cuốn cắc-nê của anh được không?
Kỳ lắc đầu và vội giữ lấy cuốn sổ tay.
Thứ trêu:
- Mai mốt em phải bảo Tuyết Sương đóng tặng một cuốn cắc-nê như của anh Kỳ để chép thơ hay và những lời hoa ý ngọc...
Kỳ không nhận ra là Thứ trêu mình, nói:
- Việc ấy thì nên - Và anh đặt cuốn sổ tay vào nơi ngực trái, vui vẻ tiếp: - Phần hồn của mình đấy. Phải nuôi dưỡng!
Thứ láu cá nói:
- Để kháng thể lại các vi-rút thực dụng?
- Ừ, đúng.
Thứ sa sả như quạt một băng AK:
- Em nói thật nhé. Anh thì ghét cay ghét đắng chủ nghĩa thực dụng, lợm giọng khi nghe nhắc đến nó. Nhưng anh có thấy chị Trinh dạo này đẹp rỡ ràng kỳ lạ so với chính chị ta cách đây nửa năm không?
- Mày hỏi để làm gì? Ừ, đúng. Nhưng...
- Không có nhưng gì cả - Thứ ê a bắt chước lẩy Kiều - Đói ăn rách mặc (thì) như ma. No cơm đẹp áo (thành) tiên sa giáng trần...
Kỳ tán thành:
- Vấn đề chính là làm sao để có no cơm đẹp áo.
- Cái đó đáng quan tâm hơn hay cái phần hồn đáng quan tâm hơn? - Thứ vặn hỏi.
- Cả hai cái. Nhưng phần hồn cần giữ gìn hơn.
- Là con người thế anh có muốn giàu không?
Kỳ ậm ừ:
- Chỉ cần đủ ăn đủ mặc...
- Trong hoàn cảnh hiện nay chứ gì?
- Lên chủ nghĩa cộng sản cũng vậy.
- Thế thì anh sẽ bị chủ nghĩa cộng sản đào thải.
- Ơ...
- Chủ nghĩa cộng sản là tương lai của nhân loại. Thiên hướng của nhân loại là vươn tới cái cao đẹp, cao đẹp về ý tưởng, cao đẹp về vật chất... Không có thiên hướng đó không có phát minh khoa học, không có lịch sử, và loài người bị diệt vong ngay tức khắc - Thứ như bỗng chốc trở thành triết gia.
Kỳ bị cuốn vào cuộc tranh luận mà thường là hay bị Thứ dẫn dắt, chủ động. Anh cũng chẳng chịu:
- Cứ coi như là chấp nhận đi. Nhưng giàu có vật chất phải lương thiện, tức là phải bằng chính bàn tay khối óc của mình. Chứ như cậu - Kỳ được dịp phê phán luôn - giàu có bằng mánh mung, cơ hội.
Thứ lắc đầu:
- Tất cả tại chúng ta chưa đạt được sự công bằng và hợp lý. Em làm việc tận tụy đến mấy thì đồng lương em cũng vậy. Đồng lương đó chỉ đủ ngày ăn hai bữa cơm chay. Mà em lại không phải phật tử mộ đạo. Em là thằng thanh niên cần sống một cách đàng hoàng có cuộc sống tạm đủ đầy - Cậu ta nhoẻn cười một cách rất khó chịu đối với Kỳ - Mua vé số mãi không trúng. Lính lát không có đặc ân đặc sủng, vì vậy suốt ngày em phải loay hoay kiếm cách xoay xoay...
Kỳ chưa kịp tìm được những câu thích hợp để “lên lớp” thì Thứ bất chợt đặt câu hỏi:
- Theo anh, cảnh sát Hoa Kỳ, cảnh sát các nước tư bản phát triển, những nơi mà chúng ta quen gọi là nơi chủ nghĩa đế quốc đang giãy chết, xã hội ung nhọt đầy rẫy tệ nạn... họ làm việc như thế nào? Và anh có nghĩ rằng, nếu họ làm việc một cách tắc trách, bỏ bê thì xã hội các nước đó liệu còn kỉ cương, còn trật tự tối thiểu để tồn tại không?
- Tao tin Đảng, tin báo chí của Đảng, tin tuyên huấn của Đảng. Những điều này đôi lúc tao cũng muốn biết, nhưng chưa được nghe, đành chịu.... - Kỳ thú nhận.
- Bữa nọ - Thứ kể - thầy dạy Anh văn có cho em mượn một cuốn tiểu thuyết viết về một thằng cha cảnh sát trưởng Hoa Kỳ. Tác giả là Pi-tơ Be-sơ-li(1). Đọc xong em thấy có thể tự lý giải được khá nhiều vấn đề. Tại sao thằng cảnh sát trưởng dám đấu tranh cho việc thiện, dẫu biết làm việc này có thể nguy hiểm đến tính mạng, cuộc sống, công danh. Vì lương tâm. Đúng, vì lương tâm, bản năng thánh thiện của loài người - Ngưng một chút rồi tiếp - Nhớ lại hồi nọ giúp đỡ chị Trinh có cơ kiếm sống, anh có nói đến căn nguyên của sự việc là tại cái bổn phận.
(1) Tiểu thuyết Jams (Hàm cá mập) của Peter Benchley
Kỳ chộp ngay được:
- Mỗi người hãy làm tròn bổn phận của mình đi thì xã hội chúng ta sẽ khá lên, kỉ cương nề nếp, an ninh đảm bảo, kinh tế cường thịnh.
Kỳ nói được câu tâm đắc liền tiếp:
- Mày làm bổn phận một cảnh sát, được, tao công nhận mày làm việc hay, nắm tình hình giỏi, nhưng tại sao mày cứ lợi dụng công việc để xoay sở thêm? Một. Hai, bổn phận mày là đồng chí đồng sự của anh em trong đơn vị, sao mày hay ganh tị, ganh ghét với thằng Nghĩa, thằng Lượng làm vậy?...
Thứ liền nhếch mép cười, đáp ngay:
- Thứ nhất, như lúc nãy đã nói, tại vì có những cái vô lý nằm chềnh ềnh. Bây giờ nếu em là thợ thủ công có tay nghề hoặc là nông dân có mảnh ruộng, em muốn sống khá giả một cách lương thiện, em tập trung trí óc, căn cơ tận lực, chăm bẵm làm ra nhiều sản phẩm, và như thế có thể thực hiện được điều mình mong muốn. Nhưng em là cảnh sát, là viên chức, lương ba cọc ba đồng, em làm giỏi mấy, cũng vậy, ba đồng lương chết tiệt... Em nghĩ mãi rồi, nên em phải dựa vào việc nắm tình hình ở khu phố, biết người cần bán biết người cần mua, âu cũng giúp lưu thông phân phối trong nhân dân và để tự cải thiện đời sống của mình - Trong khi Kỳ khó chịu với cái triết lý ngụy biện của Thứ thì Thứ cứ cười bã lã - Thứ hai, chuyện ganh ghét... Thưa với anh, nó cũng như bất cứ bản năng xấu nào của con người, nhiều khi tồn tại ngoài ý muốn của ta. Em cũng chẳng che giấu gì việc so bì với thằng Nghĩa, bạn đồng khóa đồng niên. Thì cũng như chuyện anh với anh Liễn, ngày xưa tình cảm thế mà bây giờ vậy. Việc đó, em nghĩ, con người ta hay có cái nhìn so bì cùng trang lứa. Chuyện này em thường nghe kể, trưởng phường này thường ganh tị với trưởng phường kia, trưởng quận này thường ganh tị với trưởng quận kia chứ có ai nghe nói trưởng quận ganh tị với trưởng phường bao giờ đâu?
Thằng này ghê thật. Thế mà mình cứ nghĩ những vấn đề này nó không quan tâm đến. Kỳ thầm nghĩ.
Hai anh em tiếp tục tranh luận một cách hào hứng.
*
Cùng buổi tối ấy, tại buồng trực chỉ huy của Công an phường, Trung úy Năm Liễn và Chuẩn úy Nghĩa đang nhậu.
Nghĩa không phải dân nhậu, uống nửa ly bia là bừng mặt, uống một ly là chuếnh choáng, hai ly là đi tàu vũ trụ. Chiều nay cơm nước xong xuôi - Nghĩa ăn bếp tập thể - đang cầm cây ghi ta bật bông và khe khẽ ca một mình thì Năm Liễn vào rủ sang buồng làm việc của anh ta. “Đêm nay trực, bà đầm lo tổ hợp quá không làm cơm nước gì cho chồng ráo - Anh ta bịa - Tao bực mình chơi sang một bữa - Và cười rổn rảng - Chú mày ngồi đây với anh Năm nghe?”. Nghĩa biết từ chối cũng không được, nể, đành ngồi. Năm Liễn dẹp sạch bàn làm việc, chồng lên sáu chai bia và cái làn nhựa đựng đồ nhậu. Trong làn, đồ nhậu được gói từng bịch, chắc là anh ta vừa mua ở tiệm. Nghĩa qua buồng mình mang sang được hai cái chén, hai đôi đũa. Năm Liễn vừa mở cọng thun từng bịch vừa hể hả: “Khỏi chén đĩa, khỏi chén đĩa. Dã chiến, dã chiến... Anh Năm khoái chơi vầy, Nghĩa à”. Lại chuỗi cười rổn rảng, Năm giới thiệu các món: “Anh Năm ham món bê thui trộn thính ăn với chuối chát khế chua, nhưng phải của mấy cha dân Quảng làm mới thiệt đã. Còn thịt quay bánh hỏi thì phải của mấy bà My Cà Tho, Cái Lậy...”. Khi các bịch được mở hết bày ra thì cũng gần chật mặt bằng cái bàn tiếp khách. Thấy vậy, Nghĩa hỏi: -“Mời ai nữa mà nhiều quá vậy”. Năm Liễn đùa: -“Thêm bồ của Nghĩa nữa. Lấy xe gắn máy của anh Năm đi rước các nàng đi...”. Nghĩa cũng đùa lại: -“Bảy tám nhỏ bạn biết đón nhỏ nào giờ cà?”. “Nhỏ nào chịu chơi, chơi chịu gì đó”. Và hai người cười lảng bảng với nhau. Đúng là Năm Liễn chưa cơm nước nên ăn uống ngon lành, chén thì anh ta dùng đựng tương mắm, đũa thì quẳng ra bên, hai ngón tay nhón đồ ăn thật bén lẹ. Nghĩa đã ngang bụng rồi, ăn uống cầm chừng. Thỉnh thoảng Năm Liễn vừa giục vừa bốc đồ ăn bỏ vào cái chén của Nghĩa...
Cứ thế họ lai rai hết buổi tối, vừa ăn vừa chuyện trò bù khú. Đủ thứ chuyện. Chuyện ăn, chuyện tếu hứng lên Năm Liễn còn kể cả chuyện tục vui.
Khi mà tàn tiệc rồi, dọn dẹp rồi, ngồi uống nước thì Năm Liễn mới lái dần vào chuyện cần nói. Tuy có men bia nhưng Nghĩa nhanh nhạy nhận ra ý đồ của người đang dẫn chuyện.
- À bữa nọ - Giọng Năm dềnh dàng - vợ chồng anh Tư Mây lại nhà tao chơi - Cả phường này chả ai lạ cái trò phô trương quan hệ tình cảm huynh đệ của Năm Liễn với đồng chí phó quận. Năm tiếp: - Anh Tư phàn nàn ảnh rất áy náy về việc hồi rồi ảnh kí quyết định nhập khẩu lại cho số hộ ở phường ta đi kinh tế mới bỏ về. Anh biểu thấy thằng Nghĩa cầm lên, nể mày, tao kí đại.
Chuyện là thế này: Kỳ bàn với Nghĩa về việc xin nhập khẩu lại cho mười hộ đi kinh tế mới bỏ về mấy năm nay đã ổn định ăn ở kiếm sống và đăng kí tạm trú thường xuyên rồi (đúng theo tinh thần chỉ đạo của thành ủy). Kỳ nói, việc này với danh nghĩa phó phường, Nghĩa trao đổi với ông Nghi, rồi lên thẳng ông Tư Mây chứ đừng cho Năm Liễn biết, vì Năm biết trong danh sách này có gia đình chị Trinh, anh ta dễ coi đây là việc làm của Kỳ mà phá thì tội cho cả trăm con người kia. Nghĩa thấy Kỳ nói đúng. Năm Liễn dạo này rất xấu tính. Thời gian lo cho tổ hợp là chính, thời gian làm việc ở phường là phụ. Không làm nhưng lại không để người khác làm. Cứ thấy Kỳ làm việc gì, dù đúng thế nào, cũng tìm cách phá. Cũng may là còn ông Nghi tỉnh táo nhận ra phải trái, trên nữa, chị Hai Liên rất ủng hộ những việc làm giúp dân của Kỳ. Mặc dù trong tình cảm riêng, Năm Liễn luôn tỏ ra ưu ái đối với Nghĩa, nhưng trước những việc làm ngang phè này của anh ta, Nghĩa cũng không chịu được. Nghĩa ủng hộ các đề xuất của Kỳ, như việc cùng phường cho ông tài “lúc lắc”, bà Chi “My mẽ” - những đối tượng hình sự - đứng ra lập các tổ hợp sản xuất thu hút lao động số thanh thiếu niên hư, bụi đời. Và gần đây như việc mở lớp dạy chữ cho trẻ bụi đời của cô Thy... Chị Hai Liên đã tuyên dương Kỳ ngay trong cuộc họp Đảng ủy phường bằng một câu chí lý: “Phường ta chỉ cần thêm một người nhiệt tâm với dân như đồng chí Kỳ nữa thì bộ mặt của phường sẽ thay đổi khác hẳn”. Câu nói đó đã kích thích Nghĩa ghê gớm. Mình là đảng viên trẻ, mình là sĩ quan trẻ, là chỉ huy trẻ, luôn được nhắc trong các cuộc họp về tổ chức (thành tích về mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ sở tại). Chẳng lẽ mình chỉ là người mẫu trong tủ kính thời trang chính trị? Động cơ đó, ý nghĩ đó đã thôi thúc Nghĩa làm việc nhiều hơn, cố gắng hơn và vì thế ngày càng gần gũi Kỳ hơn. Và khi nghe Kỳ nói vậy, Nghĩa vừa mến mộ lòng thương dân, lo cho dân của Kỳ, cảm phục về sự nén chịu để được việc chung của anh ấy, vừa bực bõ về thói xấu ganh ghét lạ đời của Năm Liễn. Đúng là khi Nghĩa cầm tờ trình có chữ kí của ông Nghi lên, ông Tư chỉ hỏi han qua loa mấy câu là kí. Bình tĩnh trước câu giáo đầu của Năm Liễn, Nghĩa tìm lý, cẩn trọng đáp:
- Tôi ngỡ việc này đơn giản, người trình, người kí đúng theo chỉ thị của thành ủy mà làm.
Năm chặn liền:
- Trời chú mày ngây thơ vậy. Chỉ thị là giấy tờ. Công việc là cụ thể. Cũng như việc cần phải đề bạt cán bộ sở tại, cán bộ trẻ... là chủ trương của trên, nhưng ở cơ sở chọn ai lại là...
Anh ta ca cái bài vọng cổ cũ rích về ân nghĩa ra với mình. Tự dưng tai Nghĩa thấy ù ù. Và nhịp tim đột ngột tăng. Nghĩa căng thần kinh ra chống đỡ với chút ma men bắt đầu tác oai tác quái. Phải nói toạc với anh ta thôi. Phải nói...
Thấy Nghĩa im lặng, Năm Liễn ngờ là cậu ta bị điểm huyệt, đắc chí, cả cười. Bất ngờ Nghĩa lớn tiếng hỏi:
- Đề bạt cán bộ là công việc hay ban ơn?
Năm Liễn thật trâng tráo:
- Cả hai.
Nghĩa đứng phắt dậy:
- Nếu thế đêm nay tôi sẽ viết đơn xin từ chức.
Thấy cử chỉ của Nghĩa khá quyết liệt, Năm Liễn liền xuống thang, giả bộ mềm:
- Nghe chưa hết chuyện chú mày đã nổi quạu rồi cà. Đúng là có chút men con người ta mất quân bình khà... khà...
Nghĩa lại ngồi xuống, đĩnh đạc:
- Tôi không say đâu. Anh Năm cũng vậy. Ta tiếp tục chuyện đi. Tôi biết hồi nay anh Năm có nhiều chuyện tính nói với tôi nhưng chưa có lúc để nói. Bữa nay ta nói hết đi!
Năm Liễn rất khôn ngoan, giả bộ say, lè nhè:
- Bữa nay anh có chút men, chú mày cũng có chút men, thôi, ta uống trà, hút thuốc, chuyện trò chơi khơi. Còn công việc bữa khác nha - Tuy vậy anh ta vẫn ra ý răn đe: - Mà công việc thường là dài dài, trường kỳ cách mạng mà, nên thôi, ta uống trà, rồi đi ngủ, tỉnh dậy đầu óc sảng khoái, nghĩ ra mới thấy nhiều cái hay...
Nghĩa gõ nhẹ lên mặt bàn:
- Tánh tôi khác anh Năm có tí men nói mới hăng... - Năm đang định chặn “chú mày lúc nào cũng nhiệt với huyết”. Nghĩa tiếp: - Bởi vậy tôi nghĩ gì, thấy gì tôi nói hết nha - Chiêu một ngụm nước lấy giọng - Người Việt Nam mình có một đặc tính tốt là nặng ơn huệ. Tôi rất biết ơn chú Nghi, anh Năm, cất nhắc tôi lên loại cán bộ lãnh đạo trẻ. Tôi chịu ơn và hứa sẽ không bao giờ phụ ơn các chú, các anh, nghĩa là lúc nào cũng làm việc hết mình, làm việc vì cách mạng - Năm Liễn dướn cổ, trố mắt, rồi ngúc ngoắc cái cổ bự thịt, gật gật gù gù. Trông không giống con gì. Nghĩa không thèm để ý vẫn nói liền một mạch: - Chứ tôi không chịu ơn bằng cách phải quỵ lụy, dễ nghe dễ biểu người ban ơn. Nghĩa là, với cái tốt của các anh tôi ủng hộ hết mình nhưng với cái xấu của các anh tôi cũng phản đối hết mình.
- Thế chú mày đã thấy anh có cái gì xấu? - Năm Liễn giả vờ đưa đẩy đôi tròng mắt lờ đờ của người say.
- Có. Có cái thấy thiệt rõ, có cái mới lờ mờ... Trước nhứt xin nói cái thấy thiệt rõ là quan hệ giữa anh với anh Kỳ...
- Ơ... ơ... - Năm Liễn như chạm phải lửa - Nói gì kì cục thế cha nội!
Nghĩa hăng lên hỏi:
- Anh Kỳ có cái gì mà anh thù dữ vậy? Có phải như một vài ông nào đó, nặng đầu óc cục bộ địa phương thì đó là vì ảnh người Bắc?
- Tao không có chuyện cục bộ đâu nha.
- Nói zdậy nhưng không phải zdậy!
- Thôi tao mệt, thèm ngủ quá, à mà mày tỉnh nhớ trực chỉ huy thay tao nha.
Nói xong, Năm Liễn lăn ra cái giường một. Nghĩa biết anh ta giả vờ, sức nhậu anh ta thì năm chai bia này nhằm nhò chi. Thôi cũng được, anh ấy không muốn nghe nữa nhưng đã rõ chính kiến của mình. Nghĩa bỏ về phòng mình.
Còn Năm Liễn nằm trên giường, nghĩ lại, anh ta chửi thề. Mình nhầm hết sức nhầm, mấy năm qua mình gầy dựng cho nó, nâng đỡ cho nó, ai dè, bây giờ cứng cáp chút nó quay “phản” mình, theo thằng cha Kỳ.
Chà thằng Kỳ ghê thiệt, gớm thiệt, vợ mình nói đúng, mình chỉ lơ lãng việc công một thời gian thằng chả đã nắm hút mọi người, mọi việc trong tay. Chà... chà... Coi chừng cái ghế trưởng phường sắp tới không an toàn đâu nha?...
*
Cũng buổi tối hôm ấy, chị Trinh không ngồi quán, chị ở nhà một mình. Thằng Hòa, con Nhơn coi quán. Thằng Hiệp, con Tình dẫn em sang hàng xóm xem ti vi.
Trên gác xép chị đang toan tính một việc dị thường. Xung quanh chị là hộp kem, thỏi son, chì kẻ, gương lược... Tất nhiên chị đang mải mê với việc trang điểm như là để đi dự một cuộc vui, một đại lễ sang trọng hằng ước mơ. Sửa soạn cả buổi vậy mà cứ nhìn vào gương là chị lại thấy chưa ưng. Chị tập liếc, tập nhìn, tập cười trước gương. Hệt như ngày nào cách đây gần hai chục năm chị ở nhà bà Cẩm Thạch. Tự dưng chị tủm tỉm cười. Cười mình đấy. Có ai đi trả ơn một cách thích thú như mình thế này? Hay là mình cảm anh ấy rồi. Kỳ lạ từ bữa ấy đến nay mình hay nghĩ đến anh ta thế? Ngồi quán lâu lâu đưa mắt kiếm tìm chung quanh xem có thấy bóng dáng anh ta. Lại nữa khi ảnh tới gần thăm hỏi, người mình bỗng chốc run run. Trời, có lúc nóng ran gò má tựa như thiên hạ họ cũng thấy bụng dạ mình.
Có tiếng lục tục mở cửa, thằng Hiệp, con Tình dẫn đám lau nhau về. Ti vi bữa nay hết sớm. Chúng đặt em lên giường, mắc mùng. Nhà con đông dễ bảo. Đứa em nghe thằng anh con chị răm rắp. Có tiếng con út khóc hu huơ đòi mẹ, nó đã cai sữa mấy tháng nay, nhưng cứ tối là đòi được nằm bên mẹ. Thằng Hiệp hù em:
- Ngủ đi... Con cọp rằn ri vô tha kìa!
Con bé sợ co rúm, ôm chặt lấy con Tình, rồi ngủ.
Lại tiếng mấy đứa trẻ cãi cọ nhau, thằng Hiệp trừng mắt:
- Im ngay... để em ngủ... má bệnh má ngủ chút kìa.
Thằng Hiệp nói vậy là vì buổi chiều cơm nước xong chị Trinh giả đò suốt ngày ngồi hàng đau lưng mệt quá muốn đi nằm.
Trên gác xép lúc này chị Trinh đã thu gọn đồ trang điểm, rón rén chăn mùng, nằm giả bộ ngủ.
Lát nữa thì thằng Hòa, con Nhơn ở quán về. Dạo này xe nước mía gửi nhờ nhà bà Bảy Sời cạnh đấy, nên không phải đẩy về.
Mấy anh em thằng Hòa, thằng Hiệp nói chuyện thì thào một chút rồi quay ra ngủ. Thường ngày thì hai cái giường lớn kê dưới nhà mỗi giường ba đứa, còn má chúng và con út nằm trên gác xép. Bữa nay cả bảy đứa nằm dưới nhà cả, để mình má “bệnh” nằm trên gác.
Trước khi đi ngủ con Nhơn còn gọi vóng lên: “Má ơi”. Thằng Hòa liền gạt:
- Để má ngủ. Có việc gì gọi?
- Coi má bệnh sao rồi? - Con bé phân trần.
- Má chẳng bệnh gì, ngồi nhiều quá mỏi lưng, mệt, để má ngủ một giấc dài là sáng mai khỏi.
Nói thế nhưng ngay sau đấy thằng Hòa cũng lần cây thang tre lên, ngó qua mùng thấy mẹ nằm ngủ ngon lành mới yên tâm xuống. Rồi chúng chốt cửa tắt đèn.
Chị Trinh nằm thoải mái trở lại, chờ lũ con ngáy đều...
Và trước mắt chị lại mường tượng ra cảnh chốc nữa sẽ diễn ra. Mình sẽ... Mình sẽ... Anh ấy... Anh ấy sẽ... Trong bóng đêm đen kịt, hình ảnh anh cảnh sát hiện lên, hiện rõ thế. Khuôn mặt hơi vuông, cằm lại nhọn... zdậy mới đàn ông! Hố mắt trũng sâu... zdậy mới đàn ông! Cánh mũi rộng hơi bè... Môi hơi dày và thâm, chắc vì hút thuốc đen dữ... zdậy mới đàn ông! Dáng cân đối nhưng hơi gầy... zdậy mới...
Liệu anh ấy có bất ngờ không? Có chứ! Không quan trọng. Anh ấy có chấp nhận không? Ồ lạ, đến lúc này sắp vào hành động cụ thể mình mới lại hỏi mình câu này. Và chị cảm thấy chợt lo ngại, nếu anh ấy không chấp nhận thì mắc cỡ chết... Nhưng liền chị nhớ đến cái tiếng cười bữa nọ (con gái mười tám chạy xa a...a...), cái hơi ấm của bàn tay anh ấy đặt lên tay mình khi từ chối xấp vải... Thì chính từ tiếng cười ấy, hơi ấm ấy gợi cho mình ý nghĩ anh ấy đòi đền ơn bằng cái khác kia. Và, chính mình cũng thấy thú vị nếu được đền ơn như vậy kia mà...
... Bọn trẻ đã say ngủ, tiếng ngáy của chúng đã bắt đầu hòa âm thật rộn. Trinh nhón dậy, thay đồ (bộ đồ bà ba, xoa Pháp, màu boọc đô, thêu hoa kim hương vàng, đã ủi phẳng treo trên mắc áo). Rồi gần như nín thở Trinh lựa đặt chân từng nấc thang tre. Rồi mở chốt cửa... Lách ra khỏi nhà. Ngực đập thồm thộp. Đứng tựa vào cánh cửa né vệt hắt sáng đèn đường, Trinh cố lấy lại nhịp thở bình thường và đưa mắt nhìn quanh hẻm. Đã lâu lắm chị không ra khỏi nhà về khuya. Đêm yên tĩnh quá, dạo này con hẻm đã được bóc lớp đường rầy, rải đất đá cao lên, không còn chỗ mấp mô lầy lội, cũng không còn cảnh lô nhô mùng chiếu giữa đường như trước nữa. Cách đều cách đều từng bóng đèn đường rọi chiếu và dãy cây bã đậu mới trồng đầy sức lực. Bốn bề nhà nhà khép cửa tắt đèn. Thỉnh thoảng có tiếng trẻ nhỏ khóc hu huơ... Hẻm Đường Rầy bình yên quá!
*
Kỳ đang ngủ mơ. Lại chuyện tranh luận với thằng Thứ. Không biết nó xúc phạm đến tự ái, đến danh dự điều chi, anh vung tay tát nó một cái, nó nằm lăn cu lơ ra đất. Không ngúc ngắc. Kỳ chồm đến ôm lấy nó, ân hận lắm, bật khóc...
Có tiếng gõ cửa, rộn dần, Kỳ bừng tỉnh và biết là mình đang mơ ngủ.
- Ai? - Kỳ lên tiếng hỏi nhưng không thấy tiếng trả lời. Bên ngoài vẫn gõ cửa nhưng lần này gõ nhẹ hơn, gấp hơn.
Hay là buồng bên, thằng Thứ cũng nằm mơ thấy bị mình tát tai, sưng má, sang ăn vạ. Vừa ngồi dậy, bật đèn vừa nghĩ vui như vậy Kỳ ra mở cửa.
- Chị đi với ai? - Thấy Trinh, bất ngờ và ngạc nhiên, Kỳ liền hỏi.
- Dạ... - Trinh bước nhanh vào nhà và khép cửa lại: - Lạnh quá.
- Mời ngồi... - Kỳ chỉ cái ghế rồi bước vội vào buồng tắm bận quần áo dài. Gần mười hai giờ khuya. Đi một mình. Quần áo. Trang điểm... Anh thầm nghĩ...
Bước ra trong tư thế nhà chức trách, rất đàng hoàng, Kỳ rót nước lọc mời khách và hỏi:
- Có việc gì không chị Trinh?
- Dạ... không có chi... - Chị ta đón ly nước, ngón tay chạm ngón tay Kỳ, nóng rẫy.
- Chị mới đi dự tiệc về? - Kỳ lại hỏi.
- Không...
- Chị từ đâu lại đây? - Giọng Kỳ hơi gắt.
- Dạ, từ nhà...
- Có việc gì không? Khuya khoắt thế này chị không ngại à?
- Dạ, không... ngại gì ạ?
- Hừm... - Anh cảnh sát sẵng giọng. Nãy đến giờ anh chợt lo, lo ngày mai cả chợ Đường Rầy người ta kháo nhau, khuya qua, con mẹ Trinh đến buồng cha cảnh sát Kỳ, đi một mình, nhiều người thấy...
- Chị có việc gì cần nói mau đi! - Kỳ vẻ giục.
- Dạ - Trinh xích ghế lại gần - Tôi nằm không ngủ được...
Tiếng chị ta rên rỉ - Tôi cứ nghĩ đến anh, anh Kỳ ạ. Anh là Chúa, là Phật, là Trời... Hơn thế nữa, vì nhiều năm nay tôi thành tâm cầu nguyện các đấng thiêng liêng nhưng chẳng vị nào giúp tôi cả - Ở nhà chị Trinh tính là đóng kịch nhưng bây giờ diễn thì những lời nói ấy, những cử chỉ ấy lại là thật của lòng chị. Đến mức Kỳ nghe cũng thẫn thờ người ra, chẳng biết chị ta đã xích cái ghế lại gần sát anh như thế. Khi biết anh chỉ cho là chị ta vô tình đụng vào người mình, và anh khẽ xoay người để giữ một khoảng cách.
- Đừng nghĩ như vậy chị Trinh ạ - Kỳ nhỏ nhẹ khuyên: - Tôi chả có gì mà ban ơn làm phúc cho chị đâu. Đó là công việc, đó là bổn phận của người cảnh sát khu vực... Tôi còn chưa làm hết bổn phận đâu... Đừng... Đừng... - Những tiếng cuối anh nói trong hơi thở, bắt đầu phải chống đỡ với mùi vị quyến rũ của mỹ phẩm, của thân thể người khác giới.
Người đàn bà đã phấn khích, chị ta nhắm nghiền mắt, hai bàn tay chới với quờ vào người anh đàn ông, cặp môi mọng run rẩy đầy khêu gợi, mấp máy:
- Cho em được thương anh, anh Kỳ ơi, cho em được trả ơn anh, anh Kỳ ơi...
- Ớ, ớ... chị này! - Kỳ như sực tỉnh, đẩy dựng tấm thân rừng rực nóng đang ngả vào người mình lên - Chị có say xỉn không đấy?
- Em say, say anh, cho em được một lần thương anh đi... Tội nghiệp em, anh Kỳ...
- Sao thế này? Sao thế này? - Kỳ bật dậy chạy thoát khỏi chị ta. Tiếng anh rít gầm lên: - Thôi chị về nhà đi cho tôi đi ngủ. Chị về đi! Tâm thần rồi hả?
Chị ta không nói gì nữa, đôi mắt si mê đến cuồng dại như phóng những chùm tia vô hình chụp giữ lấy người đàn ông. Tấm áo bà ba xẻ cao tà để hở một mảng da trắng mịn càng nổi bật giữa hai vạt vải màu boọc đô. Kỳ nhận thấy điều đó, cố tránh nó đi, nhưng mảng trắng trần trụi kia cứ chói lói trước mắt...
Và vài phút giây giằng xé của bản năng nhanh chóng chấm dứt ở con người anh cảnh sát. Kỳ lấy thuốc lá đốt, hít sâu một hơi phả đầy khói, trấn tĩnh.
Khi chị Trinh đã ra về rồi, anh cảnh sát không thèm thay đồ, để nguyên vậy mà ngả xuống giường. Đặt hai tay ra sau gáy, anh bần thần suy nghĩ. Có ai xúi chị ta không? Đấy là câu hỏi đầu tiên. Anh suy tính rồi quả quyết, không! Chị ta say xỉn! Cũng không có mùi rượu men gì. Thế thì chị ta bị tâm thần? Sao lâu nay chưa có biểu hiện... Hay là bệnh đàn bà... nổi cơn... vì vắng chồng lâu ngày? Đến câu hỏi này thì anh như có vẻ chấp nhận.
Và anh chợt nhớ, cũng tại phòng này, hồi đằm thắm, có một lần Huyền đã thủ thỉ: “Em nghe mấy nhỏ bạn nói, ngộ lắm, thử... đi anh”. Lúc đó anh cảm giác như mình bị xúc phạm. Thì... trò bản năng đó là người anh cũng có đòi hỏi chứ. Nhưng anh quan niệm đó không phải là trò chơi, trò giải trí... Đó là nhân phẩm, là đạo đức, phải gìn giữ, có thế con người mới là con người.
À... hay là chị ta tính trả ơn! Sau cùng thì Kỳ nghĩ ra nguyên cớ đó. Có thể! Vì bữa trước chị ta biếu mình cặp vải mình không nhận. Chị ta tính mình lớn tuổi rồi chẳng vợ con nếu biếu... cái trò khỉ này. Cái chị này lạ thật! Đúng là con người của chế độ tư bản! Anh làu bàu kết luận.