Sáng nay “lớp học tình thương” - tên do chị Hai Liên, chủ tịch phường mới đặt cho - vui lắm, nhộn nhịp lắm, dù không học bài. Mới rạng sáng bà Chín đã phải mở cửa để Sơn cà phê mướn người chở toàn bộ số ghế có ở quán anh ta sang. Rồi đám học trò cầm đầu là thằng Thành “đen” rầm rầm chuyển số ghế quán nước mía nhà thằng Hòa tới. (Bữa nay học trò cô Thy phải ngồi học bằng ghế, dù ghế xếp quán cóc, chứ không được ngồi bằng bó củi chẻ - Đó là lệnh của Trung úy Năm Liễn). Căn phòng nhà bà Chín vốn sạch sẽ gọn gàng nhưng chiều qua vẫn được cả lớp tổng vệ sinh. Học trò đã được thông báo phải bận những bộ quần áo tử tế nhất. Cấm học trò ở trần. Thằng Quang “ù” phải mượn của thằng Dương “láng” cái áo pull (chỉ có mỗi cái áo ấy nó mới mặc vừa). Mấy dì mấy chị trong tổ phụ nữ khu phố được cô Thy nhờ giặt, vá lại số áo quần rách của các em. Không đẹp thì phải lành lặn! - Vẫn là ý kiến chỉ đạo của phó Công an phường Năm Liễn. Nhà cửa bàn ghế đã được lau chùi sắp xếp sạch sẽ gọn gàng. Công việc cuối cùng là, trang điểm cho đẹp hơn. Tất cả học trò phải chải tóc. Bảy cái lược nhựa lớn, quà của vợ Năm Liễn tặng, được tung ra liền một lúc cho đám trẻ trai. Chỉ mấy phút sau, ba rồi bốn cái gẫy răng. Những mớ tóc hoang của chúng gần như không biết đến lược. Và mỗi lần lược gẫy lại ha hả vang lên những chuỗi cười khoái trá.
Cô Thy đang bận sửa soạn cho hai bông hoa của lớp, Thanh “lai” và Phúc “bô”, thấy đám con trai cười như vậy, ngoài miệng thì cô cũng nhoẻn cười nhưng trong bụng cô thấy tội nghiệp chúng quá.
Tám giờ, Trung úy Năm Liễn đến, khệnh khạng bước vào giữa nhà, thấy mọi việc khá tươm tất anh ta khen:
- Cô Thy giỏi quá chừng! Việc gì vào tay cô cũng ngon lành...
Cô Thy vẫn bới tóc cho con Thanh “lai”, nhẹ đáp:
- Anh phải khen các cháu, chúng nó ngoan, chúng nó giỏi anh Năm ạ.
Năm Liễn vừa ngó nghiêng vừa gật gù:
- Không có cô thì chúng nó phá cả chợ Đường Rầy rồi. Ngoan gì tụi này. À mà thằng Ly “xỉa” đâu?
Lúc ấy cô Thy mới giật mình, cô hốt hoảng hỏi học trò:
- Em nào thấy bạn Ly?
Tất cả im lặng, cúi đầu hoặc ngoảnh đi nơi khác, không đứa nào nhìn cô giáo, mấy đứa lấm lét nhìn ông phó Công an phường.
- Lại trốn đi rồi, thằng... - Năm Liễn bực ra mặt nhưng cũng kịp kiềm mình, không văng tục. Anh ta nhìn chằm chằm vào cô giáo, đay giọng: - Không có nó là mất nhân vật chánh nha. Tôi kể với người ta cả buổi về việc cô đi tìm, khuyên nhủ, dụ nó về nhập học. Mấy cha đó mê chuyện quá, có tay còn tính viết tiểu thuyết hay làm phim truyện nữa đó! - Ngưng một chút anh ta hỏi: - Lần cuối cùng thấy mặt nó ở đây là lúc nào?
Cô Thy với vẻ người có lỗi:
- Sáng nay em Ly đến sớm lắm, lúc đó khoảng sáu rưỡi gì đó thôi.
Năm Liễn giơ đồng hồ lên:
- Còn chừng một giờ nữa họ đến khởi quay, cô cho tụi nhỏ đi lùng kiếm nó về đi!
Trung úy vội quay lưng. Nói thế chứ, anh ta cũng phải về Công an phường lệnh ngay cho các tổ tìm kiếm thằng Ly. Anh ta rất cần sự có mặt của nó trưa nay.
*
Khi Năm Liễn đi rồi, bọn học trò cũng không ầm ào trở lại, chúng lặng lẽ ngồi quanh cô giáo. Con Phúc “bô” nhanh nhảu:
- Cô cho tụi em đi kiếm anh Ly?
Cô giáo chưa trả lời, hai đứa gái lại giục:
- Không kiếm được anh Ly, ông Liễn không cho quay phim nữa, mất công sửa soạn.
Cô Thy đành “ừ”. Hai đứa con gái liền kéo tay đám con trai bủa đi tìm. Chỉ có mấy đứa ở lại, trong đó có thằng Dương, thằng Hòa. Cô giáo đưa mắt nhìn chúng. Những khuôn mặt rũ buồn khó hiểu.
Cứ nghĩ đến những cử chỉ lời nói vừa rồi của Năm Liễn, Thy bứt rứt khó chịu. Anh ta đúng là con người không ngay thật. Lâu nay anh ta nổi tiếng ở phường là quan cách, khó gần dân. Tự dưng khoảng hai tuần nay anh ta quan tâm đến Thy, đến lớp học của Thy một cách quá đáng. Tổ hợp cán đinh của vợ anh ta đứng ra nhận đỡ đầu cho lớp học. Nào cho tiền mua vở tập, sách giáo khoa. Nào cho tiền mua phấn, bút. Còn hứa đến cuối năm sẽ cho mỗi em một cái áo mới. Chính Năm ngày nào cũng chạy qua chạy lại xem tình hình lớp học, anh ta làm như bọn trẻ ngoan theo giờ, buổi sáng khác, buổi chiều đã khác. Có những buổi anh ta ngồi suốt để nghe cô dạy học và xen vào giờ nghỉ ba câu chuyện đùa tếu, lấy lòng. Trước đây có bao giờ anh ta nói chuyện với Thy đâu, dù chị là tổ phó an ninh, có việc gì thì đến gặp cấp dưới của anh ta. Còn bây giờ anh ta tỏ ra cởi mở đến thế, nhiệt tâm đến thế. Năm rất thích gợi ra cho Thy kể chuyện, từ chuyện cùng anh Kỳ giúp nhà chị Trinh, đến việc bàn nhau mở khóa học mới này... Đặc biệt là chuyện cô đi tìm gặp, nhủ khuyên thằng Ly chịu về phường nhập học. Anh ta luôn miệng khen Thy giỏi. Nhái câu chị Hai Liên khen anh Kỳ, anh ta nói: “Phường mình mà có được năm chục phần trăm tổ phó an ninh như cô Thy thì không còn một phần trăm vụ việc nào xảy ra nữa”.
Cách đây ba bốn hôm, lớp đang học thấy Năm Liễn dẫn đầu một đoàn cán bộ phường gồm phó chủ tịch phụ trách văn xã, bí thư thanh niên, hội trưởng hội phụ nữ... vô lớp, thăm, rồi tuyên bố: Sắp tới sẽ có đoàn nhà báo quay phim truyền hình của thành phố, của trung ương đến thăm phường. Phường đã chọn “lớp học tình thương” là một điểm, thậm chí là điểm chốt, trong chương trình đi thăm của đoàn. Cô và trò chuẩn bị đón.
Thy không thích chuyện lên ti vi, lên báo. Mình mới khởi xướng, chưa rõ có nên hoa nên quả gì không mà ăn nói khoe khoang với thiên hạ. Cô tâm sự điều ấy với Kỳ. Chính anh ấy lại khuyên Thy, đây là tuyên truyền cho phong trào, cho phường, nên tham gia cho tốt.
Như đoán được áy náy của cô, Năm Liễn giải thích: -“Khoái hay không khoái cũng không được! Đây là công việc. Công việc có mục đích. Thứ nhứt, rõ ràng việc mở “lớp tình thương” là một việc hết sức đúng đắn, sáng tạo của đảng bộ và nhân dân phường ta. Chúng ta cần phải lên báo, lên ti vi để xác lập vị trí khởi mào. Nếu không, nay mai phường nào đó họ nghe lỏm được, họ làm, họ lên ti vi, lên báo là họ trở thành nơi khởi xướng, còn ta có giỏi giang mấy cũng là làm theo. Thứ nhì, đây mới là mục đích chánh - Năm Liễn nhấn mạnh - phường thấy cần phải có cho các em một ngôi trường đàng hoàng, ban ngày là trường, ban đêm là nơi trú ngụ của số em vô gia cư, vô cha mẹ... Mà sức phường thì không làm thấu. Chẳng lẽ lại bắt dân đóng góp. Do vậy phải dựa vào tuyên truyền để dễ bề xin thành, xin quận kinh phí...”.
Điều này đánh trúng vào mong mỏi của Thy. Và thế là cô chịu. Và thế là Năm Liễn dẫn dắt được không khí háo hức của cả cô và cả trò vào việc chuẩn bị đón tiếp đoàn nhà báo.
- Tại sao các em không đi tìm bạn Ly với các bạn? - Cô Thy nhìn khuôn mặt rũ buồn khó hiểu của thằng Dương, thằng Hòa và hỏi. Đứa nọ nhìn đứa kia, ý như đùn nhau thưa.
Một lát sau thì thằng Dương lễ phép hỏi:
- Cô có cần gặp bạn Ly không ạ?
- Em biết?
- Dạ... Ly đang ở nhà... - Thằng Dương chỉ sang thằng Hòa.
Thằng Hòa vội thưa:
- Anh Ly đang ở nhà em. Ảnh nói, không được báo cho ai biết.
- Các em ở đây, cô đến gặp Ly - Cô giáo nói - nhưng có ai hỏi thì trả lời, không biết cô đi đâu nhé.
Mấy trò liền “dạ”.
*
Cô Thy vội vã đến nhà thằng Hòa. Cửa khép. Không có khóa ngoài. Cô gõ cửa. Im lặng. Cô lại gõ nhưng không ai lên tiếng hay mở cửa. Không nén được nữa cô gọi:
- Ly! Cô Thy đây.
Vẫn im lặng.
Đến lúc tủi thân quá cô khóc, thằng Ly mới chịu mở cửa cho cô vào. Nhưng nó vẫn lặng lẽ như một bóng ma.
- Sao em bỏ trốn? - Cô Thy ngồi xuống giường, lấy mùi xoa lau mặt.
Thằng Ly cũng ngồi xuống cái giường đối diện:
- Em có trốn đâu?
- Em xin nghỉ học bữa nay.
- Lý do?
- Em bệnh.
- Không có bệnh gì cả! - Cô giáo nói một cách gay gắt - Em vi phạm lời hứa với cô, không mắc cỡ à, Ly.
Thằng Ly đứng bật dậy đi đi lại lại, nói dằn từng tiếng:
- Khỏi vòng vo. Em không bỏ lớp bỏ cô. Nhưng em không thích và không thể có mặt ở lớp sáng nay.
- Vì sao?
- Vì em sợ giơ mặt lên khuôn hình ti vi, lên mặt báo lắm.
- Có gì mà sợ?
- Người ta lại lôi tông tích em ra. Nào bố em là lính ngụy chết trận, mẹ em làm điếm bệnh giang mai, chết bỏ bốn mặt con...
Thằng Ly chợt rùng mình:
- Cô nhớ không, cô cam kết gạt bỏ quá khứ, không nhắc chuyện cũ...
- Nhớ - Cô giáo gật - Em trở về lớp giờ đi, cô sẽ không kể cụ thể gì về em với các nhà báo đâu.
Thằng Ly lắc đầu:
- Trong việc này cô lại vẫn không có quyền.
Cô Thy cúi xuống, đưa tay ôm đầu, dấm dứt khóc. Tiếng khóc bất lực. Rồi trong tiếng nấc tiếng nghẹn, cô thổ lộ với trò:
- Cô có ưa gì cái chuyện lên ti vi, lên báo đâu. Em có tin cô không Ly?
Thằng Ly lại ngồi xuống giường cạnh cô, lầm lì.
- Em có biết vì sao chúng ta phải làm cái việc mà mình không ưng làm không? - Giọng cô giáo lắng lại - Vì chúng ta muốn được lòng họ để giúp ta xây một ngôi trường học. Ngoài học ra các em còn có chỗ mà trú ngụ, khỏi phải nằm bờ hiên nhà người nữa.
- Em không cần - Thằng Ly vặc liền.
- Em là đàn ông - Cô giáo nhấn mạnh hai tiếng “đàn ông”.
- Còn bạn Thanh, bạn Phúc, con gái lớn rồi nằm hiên nhà người ta... Em có lo hộ cho cô điều đó không, Ly? Lỡ xảy ra điều bậy bạ gì với các bạn gái đó thì cô chết mất...
Thằng Ly đứng bật dậy, khẳng khái:
- Thôi em chiều cô, chiều để mơ ước của cô thành hiện thực.
Thằng Ly lủi thủi sau cô giáo về lớp. Khi hai cô trò về đến nhà bà Chín thì xung quanh đấy người đông như hội. Người ta quây lại để coi mấy ông ký giả quay phim chụp hình lớp học của tụi bụi đời.
Thấy hai cô trò về, Năm Liễn mừng sáng mắt lên. Xé hàng rào người bao quanh anh ta chạy lại đón. Lại những lời khen:
- Đấy, tôi nói mà, cô Thy là hết xẩy!
*
Thấy chồng về, Năm Ngà chạy rầm rầm trên cầu thang bổ xuống. Tiếng chị ta reo réo:
- Lại nhậu rồi hả?
Năm Liễn dựng xe máy, cười khề khề, bản mặt đỏ vì nắng, đỏ vì bia:
- Phải đãi đám nhà báo chớ. Thời buổi này xuống mà không cho ăn, không cho quà ai người ta chịu đi cơ sở...
Hai điệu cười hi hí, khề khề hòa âm vào nhau. Rồi hai vợ chồng lên lầu.
- Em chưa ăn cơm à? - Năm Liễn nhìn cái mâm còn đậy lồng bàn.
Năm Ngà liếc xéo chồng:
- Ông biểu tui ăn với thằng nào cà?
- Anh xin lỗi mình...
- Bỏ trò nịnh đầm cho tui nhờ - Nói xong chị vợ tủm tỉm cười - Lau mặt đi, mình. Không ăn ra đây ngồi nhìn em ăn...
Lát sau Năm Liễn trong bộ pyjama thơm phức, bước ra. Năm Ngà mở hai lon Heineken để lạnh. Đặt lên môi cái vành lon lành lạnh với hương vị thơm quen, Năm Liễn xúc cảm lắm. Thật lạ, mỗi lần được vợ ban cho một cử chỉ chiều chuộng, được vợ lo cho một bữa ăn đúng ý, hay được vợ giao tiếp một câu chuyện tâm đầu (san sẻ được lo toan, tháo gỡ được áy náy) anh ta lại thầm tự hào, thầm sung sướng mình hơn đời, hơn người ở người vợ tài sắc, khôn ngoan này. Thật dễ lý giải tại sao anh ta không có bồ bịch gì, bởi anh ta quá say mê yêu vợ, bởi anh ta quá sùng bái vợ. Trong các câu tục ngữ, Năm khoái nhất câu “Giàu vì bạn, sang vì vợ”. Đôi khi anh ta hứng bất tử lẩm nhẩm rồi ngâm nga, ngâm nga theo kiểu nhâm nhai từng chữ một. Rõ ở đời, bao ông lớn nên công danh nên sự nghiệp là do nhờ cậy được ở người vợ khôn ngoan.
Cái trò quay phim, chụp ảnh vừa diễn ra sáng nay là của tác giả Năm Ngà đây. Cả cái bữa nhậu dã chiến với Nghĩa nọ cũng mưu kế của chị ta. Có điều lần đó “kép” Liễn diễn dở hoặc tại vì tác giả thiếu thực tế (Nghĩa không còn nể sợ như trước) nên viết “kịch bản” sai. Rất tháo vát, khi ông chồng còn đang rầu rĩ về chuyện bại keo “lôi kéo” thì bà vợ đã hiến ngay cho ông một “chưởng” mới. Nghe xong gã làm chồng chỉ còn biết ngửa cổ lên trời mà cười hô hố chịu vợ. Và anh ta liền đặt cho mưu kế đó một cái tên nửa Tây nửa ta: “Pat-sê(1) thành tích”.
(1) Passer: Chuyển qua
Cơ sở của “pat-sê thành tích”: Con người ta ai chả thích khen, thích được phô trương, được đề cao, nhất là phụ nữ. Mục tiêu của nó: Chuyển hết thành tích công lao của Kỳ sang cho cô giáo Thy, từ việc làm đèn đường, việc giúp chị Trinh đến việc mở “lớp học tình thương”... Xây dựng Thy thành điển hình của phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phương tiện thực hiện: Sử dụng số bạn bè quen cũ trong báo chí, truyền hình...
Rõ ràng kịch bản “pat-sêthành tích” này viết theo sở trường của “kép” nên Năm Liễn diễn nhập vai hơn, thể hiện đạt hơn.
- Suýt nữa thì bỏ mẹ - Năm Liễn tròn mắt kể cho vợ - đầu giờ sáng thằng Ly “xỉa” trốn đi đâu. May mà anh sâu sát, kiểm tra thấy, phát lệnh - Anh ta bốc - Chỉ một loáng cả cô cả trò lớp bụi đời truy được thằng Ly, lôi về. Vì mình đã nói trước, nên khi nó xuất hiện các ống kính thâu vô ngon lành. Nhưng không bằng con mụ Thy, ngon lành hơn, cười hoài à, cười hoài à... Đúng là, chỉ có đàn bà mới hiểu thấu đáo đàn bà! - Năm không quên một câu nịnh đầm cố hữu.
- Hí... hà... - Năm Ngà vừa nghe vừa hoan hỉ, mặt mày đỏ tưng bừng. Chị ta đưa tay nhéo chồng một cái làm bộ: - Đàn ông các ông khuya mới hiểu được bụng dạ đàn bà tụi tui!