Nhịp sống hối hả thời hiện đại là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh phổ biến nhất hiện nay mang tên: già trước tuổi.
Và không nghi ngờ gì nữa, bệnh táo bón chính là yếu tố quan trọng nhất góp phần gây ra hiện tượng lão hóa sớm ở cả phụ nữ và nam giới.
Có hai tội ác chống lại Tự nhiên đang được xã hội hiện đại ngày nay dung túng và biến thành một thói quen thường nhật: thứ nhất là sự lơ là trong việc nuôi dưỡng các cơ quan đảm nhận việc loại bỏ chất thải; và thứ hai là sự trù trừ của chúng ta (với lý do bận công việc) mỗi khi cơ thể giục giã ta đẩy phân ra khỏi hệ thống của nó. Cả hai tội ác này chính là nguyên nhân gây ra căn bệnh phổ biến nhất trong xã hội hiện nay: táo bón.
Rất ít người thực sự hiểu cơ chế diễn ra trong toàn bộ chu trình vận chuyển thức ăn từ dạ dày, tới ruột non, rồi tới đại tràng. Còn các bậc cha mẹ, do sự thiếu hiểu biết của chính bản thân họ, đa số đều không giáo dục con cẩn thận để chúng hiểu rằng việc chú ý đẩy phân ra khỏi cơ thể ngay khi nhận được tín hiệu là cực kỳ quan trọng.
Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh tới sự cẩu thả và lơ là của cả giáo viên lẫn các Hội đồng Giáo dục khi họ không dạy cho trẻ em một cách tỉ mỉ về cấu tạo và các chức năng của cơ thể người. Giờ thì bạn đã thấy những năm tháng qua bạn đã sống lay lắt thế nào chỉ vì không thực sự hiểu và trân trọng giá trị của những kiến thức tối quan trọng ấy. Và hãy dành ra ít phút để ngẫm xem bạn, chính bản thân bạn, sẽ phải quay ngược thời gian bao lâu để giúp cơ thể mình loại bỏ chất thải theo cách thuận Tự nhiên và đưa đại tràng của mình trở lại trạng thái bình thường.
Trong số hàng ngàn tấm phim X-quang chụp đại tràng mà tôi từng xem – gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em, cũng có những người có đại tràng gần đạt tới trạng thái bình thường. Đó là những đứa trẻ mà mẹ chúng cả trong lúc mang thai và sau khi sinh đều thực hiện chương trình ăn uống và thanh lọc của chúng tôi, và họ cũng áp dụng chương trình này cho con của mình.
Nếu bạn dốc toàn bộ sự cần mẫn và lòng kiên tâm để thực hiện một cuộc nghiên cứu, bạn sẽ thu thập được một lượng thông tin và dữ kiện khổng lồ về sức khỏe con người trong khoảng thời gian từ 40 – 50 năm. Còn tôi, tôi đã thu thập được một lượng phim chụp ruột già đủ để phủ kín toàn sàn và tường một căn nhà khá lớn. Và một trong những điều khiến tôi kinh ngạc nhất khi thực hiện nghiên cứu ấy là hết lần này tới lần khác, tôi đều phát hiện thấy sự tương quan giữa hình dạng các bộ phận của đại tràng với một số bệnh tật.
NHỮNG THỨ CHÚNG TA ĂN VÀ UỐNG HÀNG NGÀY SẼ TÁI TẠO HOẶC PHÁ HỦY CƠ THỂ TA... HÃY CẨN TRỌNG VỚI MỌI ĐỒ ĂN THỨC UỐNG MÀ BẠN ĐƯA VÀO HỆ THỐNG CỦA MÌNH NẾU BẠN MUỐN TRẺ HÓA!
Trong bức tranh mà tôi phác thảo ở trang sau, bạn có thể thấy hình dáng của một đại tràng thực sự khỏe mạnh. Tôi muốn bạn nghiên cứu bức tranh này thật kỹ lưỡng. Theo hướng chỉ của mũi tên, hãy đặc biệt chú ý tới tên của các bộ phận cơ thể, các tuyến và các loại bệnh tương ứng với các vị trí khác nhau trên đại tràng.
Lật sang trang tiếp theo, bạn sẽ thấy hình ảnh của một đại tràng hoàn toàn biến dạng và mất hết sinh khí so với bức tranh đại tràng khỏe mạnh ở trang trước. Tiến thêm một trang nữa, ở góc dưới cùng bên phải, bạn sẽ thấy những tác động đối với đại tràng lên khi bạn tích tụ chất thải trong cơ thể mình qua nhiều năm.
Nếu bạn cảm thấy có chút nào nghi ngờ về độ chính xác của những bức tranh đó, tôi khuyên bạn hãy tìm đến một bác sĩ hoặc một người chuyên chữa trị bằng liệu pháp Tự nhiên đáng tin cậy và nhờ họ chụp X-quang đại tràng CỦA CHÍNH BẠN.
Nếu một cá nhân chủ yếu tiêu thụ thực phẩm được nấu chín, tức nguồn sống của họ chủ yếu đến từ những thức ăn mà ta thường thấy trong các nhà hàng và hộ gia đình, thì đại tràng của anh ta sẽ không thể hoạt động hiệu quả, kể cả khi anh ta đi đại tiện tới 2 – 3 lần mỗi ngày. Thực phẩm được nấu chín không cung cấp dưỡng chất cho các dây thần kinh, các cơ bắp, mô và tế bào của thành đại tràng, mà trên thực tế nó khiến đại tràng bị “bỏ đói”. Đại tràng khi không được nuôi dưỡng đầy đủ vẫn có thể luân chuyển một lượng phân lớn, nhưng nó sẽ không thể làm tròn thiên chức của nó trong giai đoạn cuối của quá trình tiêu hóa và nuôi dưỡng.
HÌNH ẢNH ĐẠI TRÀNG KHỎE MẠNH
CÁC CƠ VÒNG, CÁC TÚI RUỘT VÀ MỐI TƯƠNG QUAN VỚI CÁC BỘ PHẬN TRUNG TÂM CỦA CƠ THỂ VÀ BỆNH HỌC
Trong cả đại tràng và ruột non, chất xơ là một yếu tố thiết yếu giúp cho quá trình tiêu hóa thức ăn được thực hiện một cách triệt để và đúng đắn. Tuy nhiên, đó PHẢI LÀ loại chất xơ còn ở dạng thô nằm trong các thực phẩm TƯƠI SỐNG. Nói một cách hoa mỹ, khi những chất xơ này đi qua hệ đường ruột, chúng vụt trở thành những thỏi nam châm có sức hút lớn và vì thế đóng vai trò vô cùng hữu ích không chỉ trong các chuyển động dưới dạng sóng của ruột (hay còn gọi là nhu động ruột) mà còn trong các quá trình và chức năng của toàn bộ hệ đường ruột.
Thế nhưng, khi thực phẩm bị nấu chín, chất xơ bên trong chúng đã hoàn toàn mất đi sức hút kể trên. Thứ chất xơ này sẽ di chuyển đi khắp bộ máy tiêu hóa mà hầu như không đem lại chút lợi ích nào. Kinh nghiệm cho thấy, cuối cùng những thức ăn này sẽ để lại trên mặt trong của thành đại tràng một lớp phủ giống như lớp vữa trát trên tường nhà vậy. Theo thời gian, lớp phủ này cứ dày lên mãi cho đến khi chúng chỉ chừa lại một lỗ rất nhỏ trong ruột cho thức ăn đi qua. Thế nhưng, chúng ta vẫn không hề nhận thức được điều này và thậm chí còn lấy làm vui khi thấy mình đại tiện tới 2 – 3 lần mỗi ngày mà không biết rằng, thực ra ta đã mắc chứng táo bón mạn tính, và trong đống chất thải được đào thải “đều đặn” ấy có thể còn lẫn rất nhiều thức ăn chưa tiêu hóa hết – những thức ăn ấy hầu như chưa kịp đem lại chút lợi ích nào cho cơ thể ta. Chẳng chóng thì chầy, chúng ta sẽ suy sụp, và cuối cùng sẽ vui vẻ xuống mồ cùng với ảo tưởng mình đại tiện “đều đặn” mà không hiểu rằng chứng táo bón mạn tính chính là yếu tố góp phần đưa ta tới cái chết.
HÌNH ẢNH ĐẠI TRÀNG BẤT THƯỜNG CỦA MỘT PHỤ NỮ 38 TUỔI
Trích từ hình ảnh phim X-quang của bà R.G – Los Angeles
NHẬN XÉT: Bệnh nhân là một người tiêu thụ tinh bột và thịt điển hình. Đại tràng bên dưới mang những đặc điểm rõ rệt của người tiêu thụ thực phẩm nấu chín hỗn hợp, với lượng tiêu thụ thịt và tinh bột ở mức trung bình.
CÁC CHỈ SỐ PHÂN TÍCH NƯỚC TIỂU
Lượng URE từ thận: 3,1 gam/1.000 cc (0,3%) (Mức bình thường: 30 – 35 gam)
TINH THỂ AXIT OXALIC: Nhiều không đếm xuể (cho thấy bệnh nhân đã ăn cải bó xôi nấu chín – cải bó xôi sống sẽ không gây lắng cặn tinh thể trong cơ thể như thế này)
TỔNG LƯỢNG CHẤT RẮN: 80,6 gam/1.000 cc (Mức bình thường: 40 – 50 gam) (Cho thấy thận đã làm việc không hiệu quả do bệnh nhân tiêu thụ bia, rượu, và các thức uống có cồn khác)
XÉT NGHIỆM PHÂN: (cho thấy có rất nhiều hạt tinh bột nhỏ)
Vi khuẩn Gram dương: 20% (mức bình thường: 35%) Khuẩn bacilus acidophilus: không có
Vi khuẩn Gram âm: 80% (mức bình thường: 65%) Khuẩn B. coli: rất nhiều
Đa số chúng ta mới biết về táo bón qua những biểu hiện như sự chậm hoặc dừng đào thải phân. Loại táo bón này phổ biến tới nỗi đã có hàng tỉ đô-la được chi cho các quảng cáo thuốc nhuận tràng và thuốc xổ ruột mà chúng ta vẫn thấy xuất hiện nhan nhản cả trên báo hình và báo giấy hằng ngày. Gần đây, một chuỗi cửa hàng dược phẩm đã bỏ ra một khoản tiền khổng lồ để đăng nguyên một trang quảng cáo trên các tờ báo ở Los Angeles với dòng tít: HỌC CÁCH TỰ HỒI SINH. Những món tiền lớn như vậy chắc chắn còn được tung ra ở nhiều thành phố khác, bởi vì những người mắc chứng táo bón thường không muốn động não chút xíu nào để tự suy nghĩ mà chỉ nháo nhào thử hết liệu pháp này tới liệu pháp khác hòng thoát khỏi cơn bức bối đang hành hạ họ tưởng muốn chết đi sống lại.
Thông qua tuyên truyền quảng cáo, ngành kinh doanh thuốc nhuận tràng và những thứ tương tự đã cực kỳ khéo léo truyền đi thông điệp về tác hại của việc thụt phân và rửa ruột, rằng vì những lý do tưởng tượng nào đó, hai thủ thuật này sẽ gây hại và hình thành thói quen xấu ở cơ thể con người. Nhưng thực tế đã chứng minh, điều này là hoàn toàn sai lầm. Ngược lại, theo quan sát của chúng tôi, trong tất cả các trường hợp sử dụng thuốc nhuận tràng và thuốc xổ ruột, cơ thể bệnh nhân đều không những hình thành thói quen xấu mà màng ruột của họ dứt khoát cũng phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề.
Trên đây là hình ảnh sao chép lại từ phim chụp X-quang đại tràng của một cô gái trẻ. Cô luôn cho rằng đại tràng của mình hoàn toàn bình thường, rằng cô KHÔNG HỀ bị táo bón bởi vì hầu như ngày nào cô cũng đại tiện “đều đặn” 3 lần… Thực tế là: đại tràng của cô đang ở trong tình trạng cực kỳ nghiêm trọng – bạn hãy nhìn vào khối nén đặc trên mặt cắt ngang của đại tràng lên (thể hiện ở điểm cắt rời đại tràng lên trên hình vẽ), tại đó chỉ có một lỗ rất nhỏ nằm ở chính giữa cả một khối vỏ đen đặc… Đó là toàn bộ chỗ phân tích tụ trong hơn 20 năm!!!… và là hậu quả của việc ăn quá nhiều thực phẩm nấu chín mà đặc biệt là thực phẩm chứa tinh bột như bánh mì, các chế phẩm từ ngũ cốc, bánh ngọt… Toàn bộ hình ảnh đại tràng là minh chứng rõ rệt của sự thiếu hụt trầm trọng THỰC PHẨM MANG SINH KHÍ. Để cơ thể được TRẺ HÓA, đại tràng phải thật sạch, tức phải thật khỏe mạnh, và phải được nuôi dưỡng bằng những THỰC PHẨM THIẾT YẾU VÀ TRÀN ĐẦY SINH KHÍ. Hỗn hợp nước ép cà rốt và cải bó xôi tươi sống chính là thứ thức ăn hữu cơ hảo hạng nhất dành cho nó.
Khi chất thải tích tụ trong đại tràng không được hậu môn tống ra ngoài theo phương thức tự nhiên, sẽ có hai khả năng xảy ra: hoặc là đường đi của phân đã hoàn toàn bị tắc nghẽn, hoặc là lớp màng hay thành ruột đã trở nên quá mềm nhão và yếu ớt, dẫn đến ruột bị thắt nhỏ lại hoặc thậm chí hai bên thành ruột dính vào nhau và chia ruột thành hai khoang nhỏ, khiến cho phân không thể đi qua dễ dàng.
Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta đưa thuốc nhuận tràng vào đại tràng? Nó sẽ KHÔNG hỗ trợ khôi phục nhu động ruột, mà chỉ kích thích các dây thần kinh và cơ bắp của đại tràng, buộc chúng phải co thắt hòng trục xuất khỏi cơ thể thứ chất đang khiến chúng khó chịu. Tất nhiên, trong quá trình ấy, một lượng phân cũng sẽ được đẩy ra ngoài cùng với thuốc. Nếu nhu động ruột bị kém hoặc thậm chí dừng hoàn toàn, thì cơn co thắt trên hoàn toàn chỉ xuất hiện dưới tác dụng của thuốc. Chính vì thế, tôi cho rằng thật khó có thể tìm thấy một ca nào từng uống thuốc nhuận tràng mà không phải chịu những kích thích khó chịu của chúng, bất kể những lời quảng cáo có tuyên bố điều ngược lại.
Giá như tôi chỉ được chứng kiến vài ca rửa ruột đạt kết quả thành công, có lẽ tôi đã có lý do để không đánh giá tốt như vậy về hiệu quả của thủ thuật này. Nhưng cũng chính bởi tôi đã chứng kiến, theo đúng nghĩa đen, hàng nghìn ca rửa ruột cho kết quả mỹ mãn mà không cần dùng đến bất kỳ một viên thuốc nhuận tràng hay thuốc xổ ruột nào, nên tôi đành phải thừa nhận rằng, BẤT KỲ AI tỏ ra nghi ngờ giá trị hoặc hiệu quả của thủ thuật này cũng đều sẽ khiến tôi chết lặng. Trên thực tế, từ lâu tôi đã tự mình rút ra một kết luận: không một biện pháp điều trị của bất kỳ một loại ốm đau bệnh tật nào có thể phát huy tác dụng nếu chất thải trong cơ thể người bệnh chưa được rửa sạch khỏi ruột bằng thủ thuật rửa ruột hoặc thụt phân (nếu không thể rửa ruột).
Tất nhiên, hiểu về hệ đường ruột là một chuyện, nhưng thực hiện thủ thuật với chúng lại là một việc hoàn toàn khác. Người tiến hành rửa ruột phải được đào tạo bài bản về giải phẫu cơ thể và đặc biệt phải thành thạo với đủ loại hình dạng (đã bị bóp méo) bất thường của đại tràng. Theo quan sát của tôi, không một chất vô cơ nào được phép có mặt trong nước rửa ruột. Thay vào đó, tôi sẽ dùng nước cốt chanh vàng đã lọc kỹ để trung hòa lượng axit dư thừa rất có thể đang tồn tại trong chỗ phân đang lèn chặt ruột.
Có một sự chênh lệch giữa lượng axit dư thừa trong các chất nằm trong ruột và tỷ lệ axit – kiềm của toàn cơ thể. Bác sĩ D. C. Jarvis đã thực hiện một nghiên cứu vô giá về đề tài này. Tôi nhận thấy, khi phối hợp những kết quả của công trình nghiên cứu ấy với nước ép rau quả tươi sống để đạt tới và duy trì một trạng thái sức khỏe cùng năng lượng tối ưu, chúng ta sẽ thu được những giá trị khó lòng đong đếm xuể. Theo khuyến cáo của vị bác sĩ này, mỗi người mỗi ngày nên uống 2 thìa cà phê giấm táo cùng 2 thìa cà phê mật ong hòa với một cốc nước. Tôi nhận thấy đây quả là một lời khuyên vô cùng bổ ích. Bạn hãy tìm đọc cuốn Arthritis And Folk Medicine (Chứng viêm khớp và y học dân gian) của bác sĩ Jarvis và đặc biệt hãy nghiên cứu thật kỹ về đề tài này ở trang 78 và 79 (xuất bản năm 1960). BÊN CẠNH ĐÓ, hãy đọc thêm chương mà tôi viết về GIẤM trong cuốn Ăn xanh để khỏe.
Giờ thì chúng ta hãy quay lại với thủ thuật rửa ruột.
Trung bình, một ca rửa ruột sẽ phải mất từ 45–60 phút. Hầu như tất cả các thiết bị rửa ruột đều thực hiện thủ thuật này rất tốt, tất nhiên với điều kiện người vận hành phải có tay nghề thành thạo.
Tôi nhận thấy phim chụp X-quang đại tràng chính là trợ thủ vô giá của người thực hiện rửa ruột. Nó cho phép họ lựa chọn biện pháp tối ưu một cách chính xác và thông minh. Hơn nữa, nếu bạn tự chụp X-quang đại tràng của mình rồi đem so với hình ảnh đại tràng “khỏe mạnh” mà tôi đã phác họa ở trên, bạn có thể tự mình xác định đâu là những rối loạn nghiêm trọng nhất trong cơ thể mình để có biện pháp điều chỉnh.
Khi tự nghiên cứu hình ảnh phim X-quang đại tràng của mình, bạn có thể sẽ thấy rất nhiều điểm xoắn vặn kỳ dị. Đừng hoảng sợ. Chúng xuất hiện ở đại tràng của hầu như tất cả mọi người. Điều mà bạn cần suy ngẫm là đại tràng của bạn đã phải mất chừng đó năm tháng mới biến đổi thành hình dạng như vậy. Bởi thế, bạn đừng mong có thể sắp xếp lại nó chỉ trong 24 giờ, hoặc thậm chí một năm. Đồng thời, hãy tỉnh thức, hãy đặt cho mình mục tiêu TRẺ HÓA, đồng thời hãy nỗ lực thật bền bỉ và hết mình để đạt mục tiêu ấy. Hãy hiểu rằng việc “tháo nút thắt” và điều chỉnh tình trạng của đại tràng cũng sẽ đem đến cho bạn nhiều lợi ích hệt như việc bạn ăn uống hợp lý và uống nước ép rau quả.
Để đem đến cho bạn một cái nhìn triệt để và toàn diện về bệnh táo bón cùng những nguyên nhân và cách điều trị, có lẽ sẽ cần đến rất nhiều chương sách. Trong cuốn sách này, tôi không thể sắp xếp đủ không gian để dành cho đề tài thiết yếu và cực kỳ quan trọng này một sự công bằng tuyệt đối. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều khía cạnh cần được đề cập, mặc dù ở mỗi khía cạnh tôi chỉ có thể phân tích những điểm đáng quan tâm nhất.
KHÔNG MỘT AI có thể hoàn toàn khẳng định rằng họ không bị táo bón, cho dù họ có đại tiện đều đặn vài lần mỗi ngày. Tôi xin được gửi đến bạn hồ sơ bệnh án của một cô gái trẻ vào lúc cô gần chuyển sang tuổi 30 mà hiện tôi đang giữ trong tay. Kể từ khi bắt đầu có kinh nguyệt năm 13 tuổi, đều đặn cứ mỗi tháng cô lại vài lần lên cơn động kinh co giật. Không một biện pháp điều trị chính thống nào tỏ ra có tác dụng, và không một bệnh viện hoặc phòng khám trị liệu nào có thể giúp bệnh tình của cô thuyên giảm, dù chỉ đôi chút. Gia đình cô đưa cô đến gặp tôi, và tôi khuyên họ nên đưa cô tới gặp một bác sĩ chữa bệnh bằng liệu pháp tự nhiên để được rửa ruột thường xuyên. Theo lời khuyên của bác sĩ, cô nên rửa ruột hằng ngày, 6 ngày mỗi tuần, đều đặn như vậy trong vòng 5 – 6 tuần. Đầu tiên, gia đình cô phản đối vì cho rằng cô chẳng những không bị táo bón mà ngược lại còn đại tiện trên mức đều đặn. Tuy nhiên, phim chụp X-quang đại tràng của cô (đây cũng là lần đầu tiên trong đời cô chụp X-quang đại tràng) cho thấy có rất nhiều xáo trộn, và vấn đề nghiêm trọng nhất mà tôi đọc được từ đó là sự xuất hiện của giun. Cô bắt đầu thực hiện liệu trình rửa ruột. Ban đầu, ngày nào cũng vậy, chỉ có phân và vài sợi dịch nhầy xuất hiện trong ống chỉ thị thủy tinh. Sau 2 – 3 tuần, cha cô cùng cả gia đình bắt đầu nghi ngờ rằng họ đang tốn tiền vô ích. Nhưng rồi ông cũng thuận theo lời thuyết phục của tôi và kiên nhẫn tiếp tục thực hiện toàn bộ liệu trình. Đến một ngày trong tuần thứ 5, cô gái trẻ đột nhiên ngồi bật dậy trên bàn thủ thuật và chỉ 1 – 2 phút sau, một khối giun to bằng cả nắm tay tôi đã xuất đầu lộ diện. Trong vài ngày tiếp theo, có thêm vài chú giun nữa chui ra và theo lời cô nói, thì cô bắt đầu cảm thấy mình như được “lôi lên từ vực thẳm”. Sau khi kết thúc liệu trình rửa ruột hằng ngày, trong nhiều tuần sau đó cô vẫn tiếp tục rửa ruột một lần mỗi tuần.
Khi toàn bộ chỗ giun được tống hết ra ngoài cũng là lúc những cơn co giật của cô hoàn toàn biến mất. Cách đây 1 – 2 năm (tức là khoảng 10 – 12 năm sau lần chữa trị đó), tôi có gặp lại cô, trông cô vẫn trẻ trung hệt như ngày nào và theo lời cô kể, thì những rắc rối kể trên chưa một lần tái xuất hiện. Một cách rất tự nhiên, trong toàn bộ quãng thời gian đó, cô đã thực hiện chế độ ăn và uống nước ép rau quả tươi sống.
Một trường hợp khác là một thanh niên trẻ từng bị thải hồi khỏi quân đội. Trước khi nhập ngũ, anh từng đại tiện rất đều đặn và là một thanh niên luôn dồi dào năng lượng và sức lực. Sau khi được tiêm phòng theo đúng quy định của y tế quân đội, anh đại tiện rất thưa và dần mất đi cả năng lượng lẫn những tham vọng tuổi trẻ. Anh bị sút cân, mặc dù luôn trong trạng thái thèm ăn và sẵn sàng ăn ngốn ngấu tất cả mọi thứ. Sau khi chụp X-quang và được nghe phân tích, anh đã thực hiện rửa ruột liên tục mỗi ngày và tới tuần thứ 3, anh cho ra một con sán dây lớn cùng một đám sán nhỏ. Một tuần sau đó, anh luôn ở trong tình trạng buồn nôn, nhưng nhờ sử dụng nước ép rau quả tươi sống một cách khôn ngoan, anh đã sớm lấy lại được cảm giác thèm ăn, cùng với đó là một nguồn sức mạnh và năng lượng dồi dào.
Một trong những hiểm họa của việc tích lũy chất thải trong đại tràng là chúng sẽ thối rữa và tạo ra những chất độc, mà có lẽ nghiêm trọng nhất là axit carbolic và indol. Các chất độc này được cơ thể hấp thu chủ yếu trong lúc chúng ta ngủ. Ban đầu, chúng sẽ gây ra những cơn đau đầu, mệt mỏi, sau đó dần dần khiến ruột của chúng ta bị khó chịu, tê liệt, và dẫn đến viêm phúc mạc. Sự có mặt của indol cũng sẽ làm giảm tiết axit clohyđric trong hệ tiêu hóa. Giờ thì có lẽ bạn đã hiểu vì sao việc rửa ruột lại góp phần đẩy lùi những bệnh trạng trên nhanh chóng tới vậy.
Tống khứ chất thải khỏi cơ thể chỉ là một trong nhiều chức năng của đại tràng. Phần thứ nhất, tức đại tràng lên, có nhiệm vụ hấp thu tất cả những chất lỏng và các nguyên tố mà ruột non còn bỏ sót. Để thực hiện nhiệm vụ này, nó phải đánh tơi các nguyên liệu được ruột non chuyển đến rồi đưa chất lỏng và các nguyên tố có mặt trong đó vào máu thông qua thành ruột. Các chất còn lại khi đi tới đại tràng góc gan, hay phần cao nhất của đại tràng lên, đã trở nên đặc hơn, từ đây chúng tiếp tục đi vào đại tràng ngang. Với những thao tác tương tự như ở đại tràng lên, khối đặc này được biến thành phân và đã sẵn sàng để được đào thải thông qua đại tràng xuống.
Một khi phần vách của đại tràng lên bị che phủ, chúng hiển nhiên sẽ không thể thực hiện những thao tác xử lý cuối cùng đối với thức ăn. Kết cục, chúng ta đang bỏ đói cơ thể mình mà không hề hay biết, và cùng với đó, tuổi già như một con chiến mã hung hăng cũng sầm sập lao tới.
Như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, đại tràng lên bị suy yếu chính là nguyên nhân gây ra chứng táo bón. Nhưng đồng thời, nó cũng lại là thủ phạm dẫn đến tiêu chảy mạn tính. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng tôi xin được kể cho bạn một trong rất nhiều trường hợp mà tôi đã được trực tiếp chứng kiến.
Đó là một ca tiêu chảy mạn tính – người phụ nữ này thường xuyên bị tiêu chảy trầm trọng trong suốt 6 – 7 năm, và bệnh tình của cô không hề có dấu hiệu thuyên giảm. Hơn nữa, cô còn không thể tự tiểu tiện. Mỗi lần buồn tiểu, cô chỉ có thể xuất ra vài giọt nước tiểu, và hiện tượng này lặp lại rất thường xuyên. Cô đã thử mọi loại dược phẩm, thuốc uống và thuốc tiêm với hy vọng giảm nhẹ triệu chứng, nhưng tất cả đều bất lực. Lượng thuốc mà cô tiêm vào người đã nhiều tới mức có thể giết chết cả một con tê giác, và cứ mỗi lần tiêm, bệnh tình của cô lại càng trầm trọng hơn.
Cô tìm đến một bác sĩ đồng thời là bạn của tôi, và anh đã tìm đến tôi để xin lời khuyên. Cứ nhìn dáng vẻ bề ngoài của cô mà đoán, tôi cứ nghĩ cô phải tầm 55 – 60 tuổi, nhưng tấm danh thiếp đã cho tôi biết cô mới chỉ 42. Vừa trông thấy cô, tôi liền nói với bạn tôi rằng, ở địa vị anh, tôi sẽ ngay lập tức cho cô rửa ruột liên tục. Nhưng cả anh lẫn cô bệnh nhân đều phá lên cười trước ý kiến đó. Tuy nhiên, phim chụp X-quang đã khẳng định mọi nghi ngờ của tôi, nên cuối cùng anh cũng đồng ý thử rửa ruột cho cô vài lần dù vẫn khăng khăng tuyên bố rằng thủ thuật này chỉ dành cho chứng táo bón chứ không phải tiêu chảy.
Chỉ sau chưa đến 6 lần rửa ruột, cô đã thải ra khoảng 15 pound (gần 7kg) thứ phân đã thối rữa lâu ngày. Chứng tiêu chảy của cô dần biến mất, hơn nữa, việc rửa sạch khối phân nén đặc chật cứng trong đại tràng còn giúp đưa bàng quang về trạng thái bình thường và nước tiểu lại chảy ra ngoài thông suốt.
Chắc không cần nói bạn cũng có thể hình dung, khi tất cả những căng thẳng ấy được giải tỏa, khuôn mặt già nua của cô cũng dần hồi phục về tuổi thật của nó.
Tôi sẽ không từ bất cứ một cơ hội nào để nhấn mạnh với bạn điều này: Chừng nào bạn còn chưa chụp X-quang đại tràng của mình từ 1 – 2 lần để thực sự BIẾT chắc chắn về tình trạng của nó, chừng đó bạn chớ có tự dối mình mà “cho rằng” nó đang khỏe mạnh. Nếu bạn vẫn đang ăn thực phẩm nấu chín hoặc đã qua xử lý thì đừng nên chỉ dựa vào việc mình đại tiện nhiều lần mà vội kết luận rằng mọi sự vẫn ổn thỏa. Ngay bản thân tôi, dù đang thực hiện một chế độ ăn nghiêm ngặt như vậy nhưng chưa một phút nào tôi dám lơ là việc thải bỏ triệt để chất thải khỏi cơ thể. Nhịp sống hối hả hiện tại không cho phép chúng ta cá cược với những suy nghĩ mộng mơ. Tốc độ chóng mặt của xã hội văn minh ngày nay và những vấn đề đi kèm với nó luôn tạo thành một “liên minh ma quỷ” dồn chúng ta đến chỗ già trước tuổi. Bởi vậy, nếu muốn TRẺ HÓA, chúng ta phải thường xuyên canh giữ cơ thể mình thật cẩn trọng.
Tuy nhiên, tất cả những rắc rối mà chúng ta thường gặp và cả bệnh trạng của đại tràng đều không phải là nguyên nhân hình thành khí trong cơ thể. Một lần nữa, trong vấn đề này, chúng ta lại vấp phải những rào cản của thông lệ và phép tắc. Vì thế, mỗi lần cảm thấy muốn tống khứ ngay lập tức chỗ khí độc hại ra khỏi cơ thể, chúng ta lại cố nhịn để rồi tái hấp thu chúng. Tất nhiên, ở chốn đông người, việc xử lý chỗ khí này xem ra khó có thể thực hiện và không hợp với phép lịch sự cho lắm. Nhưng có một biện pháp có thể giúp bạn giảm sự hình thành khí trong cơ thể, đó là thụt phân.
Bằng quan sát thông thường, chúng ta cũng có thể nhận biết đâu là loại thực phẩm có xu hướng tạo nhiều khí. Hãy dừng ăn những thực phẩm mà bạn nghi ngờ một thời gian, nếu lượng khí giảm tới mức tối thiểu, thì đó chính xác là thủ phạm gây ra khí trong cơ thể bạn.
Có lẽ bạn sẽ muốn nghe câu chuyện về ca bệnh sau đây. Đó là một phụ nữ với thân hình nhỏ bé mà tôi ước chừng khoảng 50 tuổi, mặc dù tuổi thật của cô chỉ chưa quá 40. Tôi chưa bao giờ hỏi cô về điều đó, nhưng cô có một cậu con trai 18 tuổi. Khi đến gặp tôi, cô đang gặp rất nhiều vấn đề ở vùng bụng. Cả người cô cứ căng phồng lên tới nỗi da cô tưởng chừng như sắp vỡ toác. Tất cả những bác sĩ mà cô tìm đến trước đó đều nghĩ triệu chứng ấy là do cơ thể cô đang tích nước, và họ muốn “hút” chúng ra. Cô đại tiện đều đặn mỗi ngày một lần. Chưa có một bác sĩ nào khuyên cô thụt phân hoặc rửa ruột. Cô trở nên cực kỳ căng thẳng và gần như muốn phát điên. Sau khi thực hiện rửa ruột hằng ngày trong 1 – 2 tuần theo lời khuyên của tôi, rất nhiều, rất nhiều thứ phân cứng và bốc mùi hôi thối lần lượt thoát ra khỏi người cô – tất cả đều cho thấy chúng đã lưu cữu trong đó ít nhất là 20 năm. Khi lấy một chút mẫu phân đó và quan sát chúng dưới kính hiển vi, tôi có thể đếm được hàng triệu vi khuẩn tạo khí. Trong hai tuần rửa ruột đầu tiên, ngoài chỗ phân cứng thối rữa trên, cô còn thải ra một lượng khí cực lớn.
Tôi tin chắc một điều: thực phẩm chứa tinh bột chính là người bạn đồng hành thân thiết nhất của đại tràng bị phân kết vón. Tinh bột chính là mảnh đất béo bở cho các vi khuẩn tạo khí sinh sôi nảy nở. Nếu muốn tạo ra thật nhiều khí trong cơ thể mình, tôi chỉ việc dùng chút bánh mì nướng (dù là bánh mì trắng, bánh mì nguyên cám, bánh mì từ đậu nành hay bất kỳ loại nào khác) hoặc bánh rán vào buổi sáng, bánh vòng và cà phê vào bữa trưa, và đến tối thì ăn mì gạo, spaghetti, bánh ngọt… Tôi còn biết rằng những thức ăn đó sẽ đem đến cho tôi chứng táo bón hoàn hảo. Và hơn thế nữa, tôi tuyệt nhiên chắc chắn một điều: nếu đồng hành cùng chúng, tôi sẽ không bao giờ tìm ra được con đường TRẺ HÓA.
Một người phụ nữ đứng tuổi vóc dáng nhỏ nhắn khi tham dự lớp học của tôi và nghe tôi hùng hồn phản đối việc ăn tinh bột, bánh mì nướng và tất cả những thứ tương tự, đã đứng dậy và nói đầy tự hào: “Tôi nướng bánh mì trong lò cho tới khi chúng khô và cứng hẳn. Cách đó chẳng phải là tốt hơn nhiều hay sao?” Tôi đáp: “Thưa bà kính mến, chẳng có cách nào là tốt cho bà cả. Tuy nhiên, nếu bà nướng khô bánh mì rồi mới quẳng chúng qua cửa sổ, hẳn nhiên chúng sẽ bay nhanh hơn bánh mì chưa nướng đấy.”
Bản thân bánh mì là một thực phẩm chết, và việc nướng cho chúng khô giòn chỉ càng làm chúng trở nên chết chóc hơn. Nếu bạn muốn gọi tuổi già kéo đến thật nhanh, hãy cứ dùng thứ thực phẩm không chút sự sống đó.
Còn nếu bạn muốn TRẺ HÓA, hãy ăn những thực phẩm thiết yếu, tươi sống, bổ dưỡng và tràn đầy sinh khí.
Giữa thụt phân và rửa ruột có một điểm khác biệt quan trọng. Nếu chỉ thụt phân đơn thuần, chúng ta hầu như không thể rửa ruột sạch triệt để. Khi thực hiện rửa ruột, bệnh nhân sẽ nằm trên bàn trong tư thế tương đối thoải mái và để cho bác sĩ thực hiện mọi thao tác cần thiết. Trung bình, một lần thụt phân sẽ cần đến khoảng 2 lít nước. Tất nhiên, sau khi lượng nước này được đưa vào rồi thải hết khỏi cơ thể, bệnh nhân có thể tái thụt phân với số lần tùy ý. Nhưng họ sẽ thường xuyên phải đứng lên, ngồi xuống và chạy đi chạy lại – xét trong một hoàn cảnh nào đó, tất cả những hoạt động này cũng đem lại một lợi ích nhất định. Ngược lại, với thủ thuật rửa ruột, người tiến hành có thể liên tục đưa nước vào cơ thể bệnh nhân (với tổng lượng nước lên tới vài lít) cho đến khi từng bộ phận riêng biệt của đại tràng được làm sạch hoàn toàn. Mỗi lần bơm, từng chút nước sẽ lần lượt được đưa vào và ra khỏi cơ thể mà bệnh nhân không cần cử động. Toàn bộ quá trình này diễn ra trong khoảng 45 – 60 phút.
Khi thụt phân, dù nước được đưa vào cơ thể bao nhiêu lần, nhiệt độ nước cũng luôn không đổi. Ngược lại, khi rửa ruột, người tiến hành có thể điều chỉnh tùy ý nhiệt độ của nước trong mỗi bước điều trị, từ đó sẽ thu được những kết quả mà chỉ sự thay đổi nhiệt độ nước rửa mới có thể mang đến.
Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân tôi, một bộ thụt phân cá nhân còn quan trọng hơn cả chiếc bàn chải đánh răng, kể cả khi bạn ở nhà hay đi du lịch. Hơn nữa, không phải lúc nào rửa ruột cũng là việc khả thi, trong khi bạn có thể tự thụt phân mọi lúc cần thiết. Nếu bạn muốn khẳng định chắc chắn giá trị của việc thụt phân, hãy thử đọc hoặc nghe quảng cáo thuốc điều trị đau đầu, mệt mỏi, đau lưng, rồi sau đó thay vì sử dụng những sản phẩm ấy, bạn hãy thực hiện thụt phân. Bạn sẽ thấy mình đang nắm trong tay một liệu pháp giải quyết tình huống hoàn toàn Tự nhiên mà không phải dùng đến những thứ chắc chắn sẽ làm thần kinh bạn tạm thời bị tê liệt, mất cảm giác, đó là chưa kể đến những rắc rối hệ lụy sau đó.
Trong những trường hợp khẩn cấp, có lẽ dùng tạm một loại thuốc nào đó vẫn tốt hơn là chịu đựng cơn đau. Thế nhưng, ngay trong những tình huống như vậy, tôi vẫn thấy thụt phân là giải pháp vô giá.
Điều làm nên sự khác biệt giữa thụt phân thuần túy và rửa ruột nằm ở loại thiết bị được sử dụng và cơ chế làm việc của chúng.
Các thiết bị thụt phân bao gồm: 1 chai nước, 1 ống chuyển tiếp, 1 ống dẫn dài, 1 kẹp khóa dòng và 1 đầu ống thụt phân. Cách thao tác: đổ đầy nước ấm vào chai nước, gắn ống chuyển tiếp vào miệng chai, sau đó gắn ống dẫn cao su vào ống chuyển tiếp, lắp kẹp khóa dòng vào đầu ống dẫn ở chỗ nối với ống chuyển tiếp. Gắn ống thụt phân vào đầu còn lại của ống dẫn, thoa gel bôi trơn vào ống thụt phân rồi treo túi nước lên cao nhưng không cao quá 3 feet (gần 1 mét) so với hông. (Chú ý mở khóa kẹp dòng để xả hết khí trong ống dẫn trước khi gắn vào ống thụt phân.) Khi bạn đã nằm vào vị trí, hãy đưa ống thụt phân đã bôi trơn vào trực tràng rồi mở khóa kẹp dòng để nước bắt đầu chảy. Lặp lại toàn bộ quá trình này cho đến khi thấy nước thải ra từ ruột đã trong. Để rửa 45 cm dài đầu tiên của đại tràng, bạn sẽ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Nếu bạn cảm thấy khó chịu, bị chuột rút, hoặc cảm thấy bụng căng lên khi nước bắt đầu chảy, hãy khóa dòng, rút ống thụt phân và đi vào toilet để xả hết nước trong ruột. Hãy dừng lại kể cả khi bạn mới dùng được một chút hoặc chưa dùng hết chỗ nước trong túi. Khi cảm thấy đã thải hết những thứ cần thải, bạn có thể ngồi dậy, tiếp thêm nước với nhiệt độ tùy ý vào túi, bôi trơn ống thụt phân một lần nữa và tiếp tục thụt phân.
Sau nhiều lần thực hành thụt phân mỗi khi thấy cần thiết, bạn sẽ tự xác định được quy trình phù hợp với cơ thể mình nhất. Đối với tôi, thụt phân đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực xua đuổi tuổi già và TRẺ HÓA của chúng ta.
Bạn hãy tạo cho mình thói quen luôn rửa thật sạch túi đựng nước và ống dẫn bằng xà phòng và nước ấm, sau đó xả lại thật kỹ bằng nước lạnh trước khi cất chúng đi.
Khác với thụt phân, thủ thuật rửa ruột thường chỉ có thể được thao tác nhờ các Chuyên gia Trị liệu Đại tràng được cấp phép, bởi họ đã được đào tạo đặc biệt cho công việc này. Thiết bị rửa ruột gồm một dụng cụ bằng thép không rỉ nối với hai ống phẫu thuật bằng nhựa latex, một ống nhỏ được nối với bình đựng nước lớn (nước đã được lọc sạch để cho kết quả tối ưu), còn một ống lớn được cắm trực tiếp vào bộ phận xả chất thải. Khi rửa ruột, bệnh nhân nằm nghiêng sang trái và co đầu gối lên để nhà trị liệu đưa dụng cụ thép vào trực tràng. Sau đó, nhà trị liệu bắt đầu mở cho nước chảy, từng chút một, nước sẽ đi vào đại tràng rồi thoát ra ngoài, cứ như vậy, lượng nước có thể tăng dần lên cho tới khi toàn bộ đại tràng đã được hoàn toàn rửa sạch. Ban đầu, bệnh nhân nằm nghiêng về bên trái, sau đó quay người nằm ngửa và mát-xa nhẹ nhàng vùng bụng để giúp loại bỏ phân, cuối cùng lại quay trở lại tư thế nghiêng sang trái ban đầu để rút dụng cụ và đứng dậy vào nhà vệ sinh. Toàn bộ quá trình rửa ruột mất khoảng 30 phút.
Hiện nay, thủ thuật này đang được ưa chuộng hơn bao giờ hết. Và nếu như một người tự thụt phân phải lặp lại các thao tác khoảng 15 lần, thì chỉ cần một lần rửa ruột đúng cách đã đủ để giúp họ làm sạch ruột triệt để.