5
Mong Muốn Trong Thâm Tâm
Một buổi tối nọ, hai vợ chồng Anthony và Amy Ongaro càng lúc càng trở nên bực bội khi ngồi trong phòng khách bàn bạc về vấn đề tài chính của cả hai. Hai người được mời đi du lịch cùng họ hàng và thật sự rất muốn đi, nhưng chi phí cho những dịp thế này đối với họ là hơi tốn kém. Tài khoản ngân hàng của họ không còn đủ tiền.
“Tại sao mỗi khi định làm chuyện gì tốn hơn vài trăm đô-la thì mình đều phải bó tay? Em không hiểu nổi”, Amy nói.
“Anh hiểu”, Anthony đồng tình. “Đâu phải là vợ chồng mình không có công việc ngon lành. Chúng ta có thu nhập tốt. Nhưng tiền chảy đi đâu hết rồi?”
Ngay lúc đó, chuông cửa vang lên. Anthony ra mở cửa vừa lúc thấy bóng lưng người giao hàng bước trở lại vào trong chiếc xe tải màu nâu. Ngay trước cửa là một gói hàng từ Amazon.
Mắt Anthony sáng lên. Đây hẳn là chiếc ốp lưng điện thoại chống va đập mà anh đã đặt. Hoặc cũng có thể là cục sạc dự phòng anh đang chờ.
Anh háo hức mở gói hàng trước mặt Amy. Quả nhiên, đó là chiếc ốp lưng.
Mải mê kiểm tra món hàng mới mua, Anthony không để ý là Amy chợt im lặng và ngồi yên đấy. Cô đang trầm tư. Một mối liên hệ hình thành trong đầu cô. Cuối cùng cô nói với Anthony: “Có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến chúng ta không thể đi du lịch được”.
“Sao? Món phụ kiện điện thoại này à? Em yêu, nó chỉ có giá ba mươi lăm đô-la thôi.”
“Không chỉ cái này, mà là nó và đủ thứ khác anh mua qua mạng đấy.”
“Đúng là anh thích mua hàng trên mạng thật”, Anthony thừa nhận.
Sau khi làm vài hớp trà, hai vợ chồng lên mạng tra cứu lịch sử mua hàng của mình trên Amazon trong bốn năm qua. Kết quả khiến họ bị choáng. Họ đã chi ra hơn mười ngàn đô-la trong khoảng thời gian bốn năm chủ yếu để mua các vật dụng có giá dưới bốn mươi đô-la. Những món đồ này không thật sự quan trọng đối với hai vợ chồng. Có nhiều món Anthony và Amy thậm chí còn chẳng nhớ được.
Hai vợ chồng nhìn chăm chăm lịch sử mua hàng với cảm giác bàng hoàng khó tin. Đây cũng là khởi đầu cho quá trình tìm hiểu rõ hơn về bản thân của họ. Một lý do chính khiến cặp vợ chồng này không đủ sức chi trả cho những thứ thật sự có ý nghĩa, dù họ chưa có con cái và cả hai đều có thu nhập, đó là vì họ luôn phung phí tiền bạc. Cứ vài ngày là họ lại đặt mua vài đơn hàng nhỏ trên mạng. Mỗi lần mua sắm như vậy đem lại cho họ một liều dopamine - một chất dẫn truyền thần kinh khiến ta có cảm giác hưng phấn - giúp họ vui vẻ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, bây giờ họ đã hiểu những khoản chi ấy một khi tích tụ lại sẽ có sức tàn phá khủng khiếp đến dường nào.
Mỗi người trong chúng ta cũng cần có quá trình tự tìm hiểu bản thân như vậy. Nếu chúng ta muốn sống ý nghĩa hơn nhờ vào sở hữu ít đi, ta cần nhìn sâu vào nội tâm mình và xem xét những động cơ khiến ta đưa ra quyết định mua hàng.
Trong chương trước, chúng ta đã thấy được cách thức mà những người làm marketing nói riêng và cả nền văn hóa nói chung tác động đến thói quen mua sắm và tiêu dùng của chúng ta. Áp lực xã hội tạo ra quả thật rất lớn. Nhưng phân tích của chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu nếu chúng ta chỉ biết đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài. Điều đáng chê trách nhất (tôi xin lỗi vì buộc phải chỉ ra điều này) nằm ở chính chúng ta. Không ai buộc ta phải mua sản phẩm của họ cả. Chính chúng ta quyết định chi tiêu quá mức và tích cóp đồ đạc quá đà.
Bạn có đồng ý không?
Bạn có thể có nhiều lý do để biện minh cho việc mua sắm quá nhiều. Cũng như vợ chồng Ongaro, có lẽ bạn mua sắm chỉ để cảm thấy phấn khích trong giây lát. Trong chương này, ta sẽ xem xét một số động cơ khả dĩ của bạn; có lẽ bạn mua sắm nhằm thỏa mãn một nhu cầu cơ bản nào đó từ bên trong, chẳng hạn như muốn cảm thấy an toàn, muốn cảm thấy được người khác chấp nhận, hay chỉ là muốn cảm thấy mãn nguyện.
Nhưng tôi cho là thật ra tất cả các động cơ nói trên đều có chung một khuyết điểm trí mạng: bạn tìm đến của cải vật chất với hy vọng chúng sẽ mang lại cho bạn những điều vốn chỉ có thể được tìm thấy ở nơi khác. Chẳng có gì lạ khi bạn cảm thấy thất vọng và bị lừa dối!
Tôi hứa với bạn điều này: một khi bạn hiểu được nguyên nhân của những lần mua sắm không cần thiết của mình, những động cơ còn đang ẩn giấu khiến bạn mua sắm, thì của cải vật chất sẽ bắt đầu mất dần sức ảnh hưởng đến bạn. Bạn sẽ có thể tìm được niềm hạnh phúc đích thực và theo đuổi những điều quan trọng trong đời nhờ sống tối giản. Nhưng trước hết, như các nhà tư vấn thường nói, bạn phải thực hiện một số bài tập để hiểu chính mình đã.
Chủ Nghĩa Tối Giản Phản Chiếu Con Người Thật Của Ta
Trong Chương 3, tôi đã giải thích rằng việc theo đuổi một cuộc sống tối giản sẽ giúp tiết lộ hoặc làm sáng tỏ những mục tiêu trong đời bạn. Quá trình khám phá những động cơ trong nội tâm của chúng ta cũng diễn ra tương tự. Khi chúng ta bắt đầu bỏ đi những thứ mình không muốn có, quá trình này buộc chúng ta tự khám phá bản thân và đối mặt với một vài động cơ còn bị ẩn giấu của mình.
Khi vợ chồng tôi bắt đầu xem xét khắp nhà và bỏ bớt đồ đạc, chúng tôi chở nhiều đống đồ đến các tổ chức từ thiện trong vùng. Lúc chở xe đồ đầu tiên đến chỗ các hội từ thiện, chúng tôi thấy tâm trạng mình rất tốt. Ở chuyến thứ hai và thứ ba, chúng tôi cũng cảm thấy như vậy. Chúng tôi cảm thấy tự do hơn, thư thái hơn qua mỗi chuyến xe, và tôi sẽ nói rõ về giá trị của việc quyên tặng trong một chương ở phần sau.
Nhưng khi đánh chuyến xe thứ tư chở những món đồ không cần thiết đến một trung tâm thu gom đồ đạc, chúng tôi bắt đầu tự hỏi bản thân một số câu hỏi hóc búa, như: “Vì sao đồ đạc không cần thiết mà chúng ta sở hữu lại chất được những bốn xe? Vì sao trước kia chúng ta lại mua mớ đồ thừa thãi này? Khi ấy chúng ta nghĩ gì nhỉ?”.
Dần dà, tôi bắt đầu tự nhủ: Chà, có lẽ mình thích mua sắm đồ đạc hơn mình tưởng. Có lẽ mình dễ bị ảnh hưởng bởi thế giới bên ngoài hơn mình nghĩ. Có lẽ mình đang cố gắng tìm niềm vui từ những thứ mình sở hữu dù liên tục phủ nhận điều đó. Có lẽ mình đã tin vào nhiều lời dối trá.
Đấy là đáp án đầy khó khăn cho những câu hỏi hóc búa nói trên. Chẳng ai thích khám phá những điều như vậy về bản thân cả. Nhưng tôi đã khám phá được những điều đó khi bắt đầu bỏ bớt đồ đạc của mình.
Và đó chính là lý do lối sống tối giản lại đóng vai trò quan trọng trong việc khám phá bản thân của chúng ta. Khi dẹp bỏ đống bừa bộn trong nhà, ta biết thêm nhiều điều về bản thân và đặt nền tảng cho những điều quan trọng hơn, cho dù chúng ta định nghĩa những điều ấy như thế nào đi nữa.
Hãy đến với cuộc sống tối giản, hãy cẩn thận đánh giá bản thân, rồi từ đó vạch trần những động cơ sâu thẳm bên trong bạn khiến bạn phải tìm kiếm cảm giác an toàn. Đây là một trong ba nhu cầu cơ bản của con người, nhưng nếu dùng cách thức sai lầm để thỏa mãn nhu cầu này thì chúng ta sẽ rơi vào tình trạng tích cóp đồ đạc quá mức.
Từ Bỏ Việc Xây Dựng Thành Lũy Của Cải
Hãy tự hỏi bản thân: Có phải mình mua sắm vô độ vì thật sự nghĩ rằng việc này sẽ bảo vệ mình trước những nguy cơ đến từ thế giới bấp bênh ngoài kia? Và nếu mình làm vậy, cái giá phải trả là gì?
Trong xã hội ngày nay, rất nhiều người trong chúng ta tin là có thể tìm được sự an toàn từ những tài sản mà mình sở hữu. Tất nhiên niềm tin ấy cũng có phần đúng. Chắc chắn là để sinh tồn thì chúng ta cần có nước và thực phẩm, quần áo và chỗ ở. Nhưng danh mục những thứ thật sự cần thiết trong cuộc sống lại tương đối ngắn, và hầu hết chúng ta đã có đủ những thứ đó rồi.
Trên thực tế, chúng ta thường lẫn lộn giữa nhu cầu với mong muốn, giữa sự an toàn với sự thoải mái. Kết quả là nhiều người trong chúng ta thu thập hàng đống đồ đạc trên danh nghĩa tìm kiếm sự an toàn, dù thực chất là để được thoải mái hơn (hoặc có được niềm vui mình mong muốn). Ta làm việc miệt mài để sắm sửa những món đồ đó. Và ta xây nhà ngày càng lớn để chứa đồ.
Chúng ta mơ về một tương lai có lương bổng hậu hĩnh và có của để dành dư dả. Chúng ta ấp ủ dự định và lên kế hoạch để đạt được điều đó, vì ta nghĩ làm vậy thì mới có được sự an toàn bền vững. Nếu điều đó khiến ta phải trả giá bằng những phần khác trong cuộc sống của mình, chẳng hạn như gia đình và bạn bè, thì cũng đành chịu thôi. Dường như sự an toàn quan trọng đến mức ta luôn mong muốn có được nhiều hơn.
Một ngày nọ, tôi nhận được một e-mail vô cùng xúc động từ một người phụ nữ. Trong e-mail, cô viết:
Tôi đang đi làm và có ba cậu con trai. Tôi tình cờ truy cập trang web của anh trong lúc tìm hiểu xem người ta làm cách nào để lo liệu cho một nhà năm miệng ăn chỉ với một nguồn thu nhập.
Vợ chồng tôi đã làm việc cật lực trong mười lăm năm qua để thăng tiến trong sự nghiệp. Trong quá trình ấy, chúng tôi tích lũy được rất nhiều của cải vật chất. Thật ra, ban đầu chúng tôi không phải là người theo chủ nghĩa vật chất. Nhưng năm tháng trôi qua, chúng tôi nhồi nhét đủ thứ vào cuộc sống của mình, trong đó có một căn nhà lớn và thậm chí còn có cả một căn nhà nghỉ mát nho nhỏ bên hồ nữa.
Hai tuần trước, chúng tôi tình cờ nghe cậu con trai tám tuổi của mình nói với bạn nó: “Cha mẹ mình ít khi có nhà lắm. Anh em mình chẳng mấy khi được gặp cha mẹ”.
Vợ chồng tôi ngây người. Chúng tôi đau lòng quá đỗi. Toàn bộ mớ đồ đạc này có thật sự đáng giá để chúng tôi phải đánh đổi như thế không? Đương nhiên là không rồi.
Vợ chồng tôi cố gắng nghĩ cách giải quyết. Chúng tôi đang kiểm kê lại túi tiền của mình, tìm người thuê căn nhà nghỉ mát bên bờ hồ và thu xếp sao cho chồng tôi có thể nghỉ việc và ở nhà chăm sóc gia đình. Tôi tự hỏi liệu anh có lời khuyên nào giúp chúng tôi qua được chặng đường này không?
Người phụ nữ này và chồng của cô ấy cảm thấy họ cần làm việc. Họ cảm thấy mình cần nhiều tiền hơn, nhiều đồ đạc hơn. Họ tin gia đình mình sẽ không được an toàn, chẳng có gì đảm bảo và không được chu cấp đầy đủ nếu không có thành quả từ những ngày dài vất vả làm lụng..., mãi đến khi họ nhận ra những điều gia đình mình thật sự cần lại khác hoàn toàn với những thứ họ đem về.
Chạy Theo Cảm Giác An Toàn
Cuộc sống vốn mong manh, còn sự đời thì vô thường. Chẳng có gì lạ khi ai nấy đều khao khát cảm giác an toàn.
Nhưng ta không bao giờ tìm được sự an toàn lâu dài từ của cải trần tục. Cuộc đời có quá nhiều chuyện ngẫu nhiên, và của cải không thể bảo vệ chúng ta trước tất cả những điều đó. Vì thế, ta luôn khao khát có được nhiều hơn. Ta chẳng bao giờ cảm thấy mình đang an toàn tuyệt đối cả.
Vậy chúng ta nên làm gì với nhu cầu chính đáng là tìm được cảm giác an toàn này đây?
Ta nên tìm kiếm cảm giác an toàn từ những thứ thường bị hy sinh để ta có thể theo đuổi của cải vật chất: các mối quan hệ.
Giáo sư tâm lý học Margaret Clark tại Đại học Yale phát biểu rằng cảm giác an toàn có thể xuất phát từ cả của cải vật chất lẫn những mối quan hệ mang lại cho ta sự hỗ trợ tinh thần. Nhưng tình trạng mất cân bằng rất dễ xảy ra. Theo lời Giáo sư Clark thì:
Con người là những sinh vật xã hội dễ bị tổn thương. Những mối quan hệ thân thiết mang lại cho con người cảm giác được bảo vệ. Ví dụ, trẻ sơ sinh sẽ không thể sống sót nếu không có người khác chăm sóc. Của cải vật chất cũng có thể mang lại cho ta cảm giác an toàn và được bảo vệ. Để sinh tồn, con người cần có thực phẩm, quần áo và chỗ trú. Vậy nên để có được cảm giác an toàn, ta cần đến nhiều yếu tố khác nhau. Nhưng nếu ta đặc biệt đề cao một yếu tố nào đó thì tự khắc ta sẽ ít quan tâm đến các yếu tố còn lại.
Cơ sở cho lập luận này của Giáo sư Clark là hai công trình nghiên cứu mà bà và đồng sự đã thực hiện. Các nhà nghiên cứu kết luận những ai không tìm được cảm giác an toàn nội tại từ những mối quan hệ của mình thường sẽ coi trọng của cải vật chất nhiều hơn.
Tôi cho rằng trường hợp ngược lại thường cũng đúng: những ai đánh giá quá cao những gì của cải vật chất có thể mang lại sẽ có khuynh hướng đánh giá thấp các quan hệ của mình và không dành nhiều nỗ lực cho các mối quan hệ đó.
Nếu bạn xác định một trong các động cơ tích lũy đồ đạc quá mức của mình là vì bạn hy vọng chúng sẽ đem lại cảm giác an toàn cho bạn, vậy thì tôi khuyên bạn nên nhanh chóng cắt giảm việc mua sắm để sở hữu ít lại, và thay vào đó hãy dốc thêm tâm sức để cải thiện quan hệ với những người xung quanh. Những mối quan hệ thân thiết với gia đình và bạn bè không chỉ đem lại cho bạn niềm vui, mà còn giúp bạn thấy an toàn khi được quan tâm nữa. Đồng thời, bạn cũng góp phần mang lại cảm giác an toàn và thỏa mãn cho người khác, hiệu quả hơn nhiều so với việc xây dựng thành lũy của cải của riêng mình.
Vậy nên đừng quá tin rằng tiền bạc và của cải vật chất sẽ đem lại sự an toàn cho bạn. Chẳng bao giờ có chuyện đó. Hãy tối giản hóa đồ đạc của bạn, và bạn sẽ được tự do tìm kiếm sự an toàn đích thực.
Đây là một động cơ có khả năng ảnh hưởng đến tình trạng tích lũy đồ đạc quá mức của bạn. Một động cơ khác nữa là khao khát được xã hội chấp nhận.
Khi Món Đồ “Thích Hợp” Không Còn Phù Hợp
Tôi và Kim khá chắc là các con của mình cần đeo kính. Cả Salem và Alexa đã bắt đầu nheo mắt khi nhìn đồng hồ kỹ thuật số hay những dòng chữ nhỏ. Thế là vợ chồng tôi đưa bọn trẻ đến chỗ bác sĩ nhãn khoa. Bác sĩ xác nhận đúng là bọn trẻ cần đeo kính.
Điều thú vị là phản ứng của bọn trẻ với cặp mắt kính mới của mình.
Cô con gái Alexa đang học tiểu học thì chọn gọng kính màu tím và khá thích đeo kính, một phần nhờ bạn bè con bé khen cặp kính “dễ thương”.
Nhưng cậu con trai Salem đang bước vào tuổi dậy thì thì sao? Thằng bé thấy thế nào về việc đeo kính?
Khi ở nhà, thằng bé thấy việc đeo kính cũng không có vấn đề gì. Nó có thể nhìn màn hình máy tính rõ hơn, có thể đọc sách dễ dàng hơn và có thể xem giờ từ chiếc đồng hồ nằm trên lò nướng mà không cần phải đứng dậy và bước lại gần. Nhưng khi ở bên bạn bè, thằng bé ghét phải đeo kính và chỉ đeo khi đặc biệt cần thiết. Cặp mắt kính làm thằng bé lúng túng trước mặt bạn bè.
Tôi nhớ hồi mình bằng tuổi Salem cũng có nhiều việc khiến tôi lúng túng như vậy.
Tôi ước phải chi mình có thể nói là chỉ có người trẻ tuổi mới dễ bị lúng túng. Nhưng sự thật là ngay cả khi đã trưởng thành hơn, chúng ta vẫn tiếp tục thấy lúng túng hoặc sợ hãi khi rơi vào tình huống có thể khiến ta bối rối. Điểm khác biệt duy nhất là nguyên nhân gây ra sự lúng túng của chúng ta đã thay đổi. Trong nhiều trường hợp, ta thấy lúng túng vì mình không có những thứ người khác có hoặc không có những món đồ đủ đắt tiền.
Điều tôi muốn chỉ ra ở đây là cảm giác lúng túng này bắt nguồn từ cách lý giải tiêu chuẩn của chúng ta về sự bình thường. Chẳng ai thấy lúng túng vì mình chỉ là người bình thường cả. Chỉ đi chệch đường ray thì ta mới có thể thấy lúng túng. Nhưng cách lý giải của chúng ta về sự bình thường hoàn toàn mang tính chủ quan, dựa trên quy chuẩn thường gặp nhất của cộng đồng xung quanh ta. Hãy thử xem xét trang phục của chúng ta.
Tôi sẽ đánh bạo đoán rằng bạn và phần lớn bạn bè mình mặc quần áo na ná nhau. Không phải là tất cả các bạn đều có cùng một gu ăn mặc, nhưng nhìn chung, cả số lượng lẫn chất lượng quần áo trong tủ đồ các bạn đều xấp xỉ nhau. Các bạn mua sắm trong những cửa hiệu giống nhau. Kho quần áo của các bạn có quy mô tương tự. Định mức chi tiêu cho một bộ trang phục bất kỳ của các bạn có lẽ cũng không khác nhau là mấy.
Vì sao lại thế?
Đó là vì phần lớn chúng ta lựa chọn dành thời gian bên những người có nhiều điểm tương đồng với mình. Ta thấy thoải mái và thấy mình được chấp nhận khi ở bên những người đó.
Nhưng khi bạn bị kéo ra khỏi vòng giao tiếp xã hội bình thường của mình, có thể bạn sẽ bắt đầu chú ý đến những thứ mà bình thường bạn chẳng buồn nghĩ đến lần thứ hai.
Thử tưởng tượng bạn đi dự một buổi tiệc hoặc một cuộc họp với những người thuộc tầng lớp xã hội có điều kiện kinh tế cao hơn mình. Họ mặc đầm váy thời thượng hoặc âu phục may đo vừa vặn. Đột nhiên, bộ trang phục bạn vẫn hay mặc mà không chút băn khoăn giờ đây lại có vẻ không còn phù hợp nữa. Bạn để ý thấy nó đã bạc màu, sờn cũ, không vừa người hoặc rẻ tiền hơn trang phục của những người xung quanh. Và khoảnh khắc ấy, một tia lúng túng bắt đầu len lỏi trong bạn, không phải vì bộ trang phục ấy có gì khác với những bộ bạn thường mặc, mà là vì chuẩn mực về sự bình thường ở ngay trước mắt bạn đã thay đổi đáng kể.
Phản ứng đó là một kiểu phản ứng điển hình. Nhưng điều đó khiến ta nhận ra cảm giác “bình thường” của mình võ đoán đến mức độ nào. Và điều đó cũng cho thấy chúng ta mua sắm quá nhiều thứ vì hy vọng những thứ này sẽ giúp người khác chấp nhận mình, giúp mình thấy thoải mái và “bình thường”.
Vì chúng ta đang sống trong một xã hội bình thường hóa việc theo đuổi ngoại hình, của cải và thành tựu cá nhân, nên khi ta không đạt chuẩn trong những phạm trù đó, cảm giác ngượng ngùng và xấu hổ sẽ trỗi dậy trong lòng ta. Chúng ta lúng túng vì quần áo của mình là mốt từ năm ngoái, vì xe của mình rẻ tiền hơn xe nhà hàng xóm, hoặc vì nhà mình nhỏ hơn nhà của khách đến thăm. Ta xin lỗi vì tấm thảm đã sờn, biện hộ cho căn bếp toàn vật dụng lỗi thời hoặc giải thích vì sao ta chưa đổi tấm bàn bếp mới.
Chúng ta đang xấu hổ sai chỗ! Những chuẩn mực xã hội và sự chấp nhận của nó không thật sự là điều mà chúng ta nên thấy xấu hổ.
Nếu chúng ta thấy xấu hổ vì sự tàn nhẫn ẩn chứa trong tủ quần áo của mình thay vì nhãn hiệu quần áo mình mặc thì sao?
Nếu chúng ta thấy xấu hổ vì thường chẳng để tâm về sự xa xỉ của việc sở hữu một chiếc xe hơi thay vì loại xe mình lái thì sao?
Nếu chúng ta thấy xấu hổ vì khoảng không gian trống trong nhà mà mình chẳng sử dụng đến thay vì quy mô căn nhà của mình quá nhỏ thì sao?
Nếu chúng ta thấy xấu hổ vì số tiền mình đã chi ra để thỏa mãn sự ích kỷ của bản thân thay vì chất lượng và số lượng của những món đồ mình sở hữu thì sao?
Nếu sự thừa mứa trở thành nguyên nhân khiến chúng ta thấy xấu hổ thì sao? Và nếu lối sống có trách nhiệm, đề cao sự hào phóng trở thành chuẩn mực thì sao?
Có lẽ khi ấy chúng ta có thể tự hào hơn một chút vì mình “bình thường”.
Có phải bạn đang mua sắm quá đà và vung tay quá trán vì muốn mình được người khác yêu thích và chấp nhận hay không? Hãy thay đổi quan điểm về điều gì được xem là chấp nhận được, điều gì được coi là bình thường, và bạn sẽ được giải thoát khỏi cảm giác lúng túng, được thoải mái khác biệt một cách tích cực trong thế giới này.
Cảm Giác Mãn Nguyện
Khát khao sự an toàn và mong muốn được chấp nhận là hai nhu cầu cơ bản của con người, và có khi ta sẽ ngây ngô cố gắng thực hiện nhu cầu bằng cách tích trữ đồ đạc quá mức. Nhưng tôi muốn làm rõ một nhu cầu nữa, đó là sự mãn nguyện. Ai cũng muốn có cảm giác “về đích”. Giống như cảm giác ta đã có được mọi thứ mình muốn và thấy hài lòng. Ai cũng muốn đặt chân vào vùng đất mang tên Mãn Nguyện.
Người ta tìm kiếm sự mãn nguyện ở khắp nơi. Có người tìm kiếm sự mãn nguyện qua công việc được trả lương cao nhưng vẫn không hài lòng khi được duyệt tăng lương lần đầu. Có người tìm kiếm sự mãn nguyện qua việc sở hữu nhà cao cửa rộng nhưng vẫn không hài lòng mỗi lần căn nhà cần sửa chữa hoặc bảo dưỡng. Nhiều người tìm kiếm sự mãn nguyện ở cửa hàng bách hóa, họ tin rằng rốt cuộc chỉ cần một món đồ nữa thôi là mình sẽ có được cảm giác thỏa nguyện, nhưng khi mang món hàng đó về nhà, họ vẫn thấy còn thiếu điều gì đó.
Như thể sự mãn nguyện là một cái đích biết lùi ra xa mỗi lần ta lại gần. Đây là điều tất yếu khi mà khái niệm mãn nguyện của chúng ta phụ thuộc vào sự dồi dào của cải vật chất. Có khi nào bạn nghĩ chúng ta đã được dạy để tìm kiếm sự mãn nguyện nhầm chỗ?
Nếu sự mãn nguyện được tìm thấy ở những nơi hoàn toàn trái ngược với những nơi chúng ta đang tìm thì sao? Nếu như ta tìm được sự mãn nguyện khi đáp ứng nhu cầu của người khác chứ không phải khi tích cóp đồ đạc cho mình thì sao?
Đúng là nhu cầu của chúng ta ít bao nhiêu, những thứ ta có thể trao đi càng nhiều bấy nhiêu. Nhưng nếu điều ngược lại cũng đúng thì sao? Nếu trao đi càng nhiều, nhu cầu của chúng ta sẽ càng ít lại thì sao? Nói cách khác, nếu sự hào phóng có thể mang lại cho ta cảm giác mãn nguyện thì sao?
Những ai phân phát bớt đồ đạc sẽ trân trọng số đồ đạc còn lại của mình nhiều hơn trước. Những ai dành thời gian cho người khác sẽ tận dụng thời gian còn lại của mình hiệu quả hơn. Và những ai quyên tặng tiền bạc sẽ ít lãng phí số tiền còn lại hơn.
Khi bắt đầu giúp đỡ người khác, chia sẻ tiền bạc, đồ đạc và thời gian của mình (ta sẽ khám phá sâu hơn về chủ đề này trong Chương 11), bạn sẽ thấy mãn nguyện hơn. Làm vậy, bạn sẽ biết trân trọng những gì mình có, cũng như con người thật của mình và những gì mình có thể trao đi.
Người rộng rãi thường không quá khao khát có được nhiều hơn. Họ tìm thấy sự trọn vẹn, ý nghĩa và giá trị của cuộc sống từ những việc khác, chứ không phải từ việc gom góp tài sản. Họ học được cách tìm niềm vui từ những thứ mình đã có và cho đi phần còn lại. Họ khám phá được bí quyết đạt đến sự mãn nguyện. Thật ngạc nhiên là bí quyết ấy vốn dĩ rất gần tầm tay.
Vậy nên nếu việc tìm kiếm sự mãn nguyện sai cách đang là động cơ thúc đẩy bạn mua sắm quá mức thì lời khuyên tôi dành cho bạn là hãy kiểm soát thái độ của mình. Đừng suy nghĩ theo kiểu “nếu-thì”: Nếu mình có … thì mình sẽ được hạnh phúc. Thay vì vậy, hãy nhớ hạnh phúc của bạn không phụ thuộc vào việc có được bất cứ món đồ nào. Nền tảng duy nhất cho hạnh phúc của bạn là bạn tự thấy mình hạnh phúc, và đây có lẽ là bài học cuộc sống quan trọng nhất mà bạn có thể học được.
Có nhiều lý do khiến tôi và Kim lựa chọn theo đuổi lối sống tối giản và đơn giản hóa cuộc sống. Chúng tôi quá mệt mỏi với sự bừa bộn. Chúng tôi bế tắc về tài chính. Chúng tôi phát hiện mình đang lãng phí thời gian để quản lý đồ đạc. Chúng tôi nhận ra mình chẳng thấy vui vẻ gì khi làm thế. Và chúng tôi xác định mình coi trọng những thứ khác hơn nhiều so với của cải vật chất.
Khi bắt đầu đơn giản hóa ngôi nhà của mình và bỏ đi những đồ đạc không cần thiết, sự hào phóng xuất hiện một cách tự nhiên: chúng tôi cần giảm bớt nhiều thứ đồ đạc và nhanh chóng tìm thấy những người đang cần chúng.
Nhờ làm như vậy, chúng tôi mới thấy việc quyên tặng có ích hơn việc sở hữu nhiều. Quan điểm của chúng tôi về của cải vật chất và sự dư dả mà nhiều người ao ước đã thay đổi hoàn toàn. Chúng tôi không muốn có thêm đồ đạc. Chúng tôi muốn có thêm những trải nghiệm phong phú khi trao tặng đồ đạc.
Sự mãn nguyện đã đến cư trú trong nhà chúng tôi.
Thực Hiện Bước Chuyển Đổi
Muốn có cảm giác an toàn, muốn thấy mình “bình thường” giữa mọi người, muốn cảm thấy mình đã đến đích, tất cả các động cơ này đối với con người chúng ta đều là tự nhiên. Không có gì là sai trái cả. Nhưng nếu nghĩ cứ kiếm thật nhiều tiền và mua thật nhiều đồ là sẽ đạt được những mục tiêu đó thì chúng ta sẽ luôn phải thất vọng.
Cảm giác an toàn, được chấp nhận và cảm giác mãn nguyện không phải là những động cơ duy nhất có khả năng lôi kéo ta mua sắm quá mức. Khi chúng ta bỏ đi được càng nhiều đồ đạc, những động cơ không lành mạnh khác sẽ dần lộ diện. Bóc trần những động cơ ấy là một công việc khó khăn, nhưng bạn nhất thiết phải làm vậy. Có những người mua sắm nhiều hơn mức cần thiết vì họ cảm thấy thiếu thốn và cố bù đắp cho cảm giác ấy bằng cách tích cóp đồ đạc. Lại có những người vì ghen tị với bạn bè hoặc người quen và mua sắm để cố bắt kịp người khác. Và đa số chúng ta đều ích kỷ.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, khao khát có được sự an toàn, sự chấp nhận và cảm giác mãn nguyện là ba động cơ gần như phổ biến nhất trong việc thúc đẩy chúng ta mua sắm.
Chúng ta phải nhận ra động cơ nào bên trong đang khiến chúng ta muốn mua sắm, vì chỉ có như thế chúng ta mới có thể loại bỏ quyền năng của chủ nghĩa vật chất, điều khiến ta xao nhãng những thứ đem lại hạnh phúc và ý nghĩa đích thực.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng những thứ như cảm giác an toàn, được chấp nhận và cảm giác mãn nguyện không phải là xấu. Chỉ là năng lực thỏa mãn những nhu cầu này của của cải vật chất là có hạn. Đó là lý do chúng ta cần thay đổi các động cơ tự nhiên của mình:
Thay vì tìm kiếm cảm giác an toàn từ việc mua sắm thật nhiều, hãy tìm cảm giác đó trong các mối quan hệ thân thiết.
Thay vì cố gắng có được sự chấp nhận từ người khác bằng cách sở hữu những món đồ y hệt của họ, hãy xác định lại định nghĩa thành công của bạn.
Thay vì theo đuổi cảm giác mãn nguyện bằng cách liên tục bổ sung đồ đạc mới, hãy để cảm giác mãn nguyện tự đến với bạn bằng cách trân trọng những gì mình có và trao đi những thứ mình không cần nữa.
Cuộc chiến giành quyền kiểm soát động cơ của chúng ta sẽ không bao giờ chấm dứt, kể cả nếu như chúng ta có theo đuổi lối sống tối giản được một thời gian đi chăng nữa, chủ nghĩa vật chất vẫn có thể chiếm giữ trái tim ta.
Bất cứ khi nào chuyện đó xảy ra, hãy tận dụng cơ hội để vạch trần những động cơ còn ẩn giấu bên trong bạn và lèo lái những động cơ ấy đi hướng khác để tìm được hạnh phúc mình thật sự mong muốn, chứ không phải niềm hạnh phúc giả tạo mà tiền bạc và của cải hứa hẹn.
Và giờ đây bạn đã sẵn sàng bắt đầu quá trình tối giản hóa cuộc sống của mình một cách đúng đắn rồi!
Quá trình này sẽ rất thực tế. Ngôi nhà của bạn trông sẽ khác đi nhiều. Trong quá trình đó, khi những đồ vật không cần thiết bị bỏ đi, những tiềm năng mới sẽ xuất hiện trong cuộc sống của bạn.
Tôi sẽ hướng dẫn bạn:
Bắt tay vào công cuộc tinh gọn đồ đạc một cách dễ dàng (Chương 6)
Tiếp tục xử lý các khu vực nhiều thử thách hơn trong nhà mình (Chương 7)
Thực hiện các thử nghiệm để biết thật ra bạn cần ít đồ đạc đến mức nào (Chương 8)
Hình thành các thói quen mới để duy trì những thành tích bạn đạt được (Chương 9)
Lời khuyên của tôi là trong lúc đọc các chương sau đây, bạn nên bắt đầu luyện tập các nguyên tắc được đề cập trong đó. Cứ đọc một chương, rồi bỏ đi vài vật dụng không cần thiết. Sau đó đọc chương nữa, rồi bỏ đi thêm vài món đồ nữa.
Nếu bạn vẫn chưa bắt đầu tối giản hóa căn nhà của mình và vì thế vẫn chưa có được cuộc sống tốt đẹp hơn thì bây giờ đã đến lúc bắt đầu rồi đấy.