6
Bắt Đầu Tinh Gọn Đồ Đạc
Khi tôi phát biểu ủng hộ lối sống tối giản với những người chỉ mới bắt đầu cân nhắc về lối sống này, tôi gần như có thể nhận ra được họ đang cố mường tượng cảnh mình bỏ hết đồ đạc trong nhà. Thế rồi họ phản đối. Họ hỏi:
“Thế còn những kỷ vật và đồ gia truyền của tôi thì sao?”
“Thế còn sách của tôi thì sao?”
“Thế còn đồ chơi của các con tôi thì sao?”
“Tôi phải làm gì với mớ vật liệu thủ công của mình đây?”
“Chồng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận ý tưởng này đâu. Tôi phải xử lý đồ đạc của anh ấy thế nào?”
Các câu hỏi kiểu này rất đa dạng, nhưng nếu quan sát kỹ, ta có thể thấy chúng có cùng một điểm chung. Và điểm chung này chính là nguyên nhân khiến cho rất nhiều người bị sa lầy trong hành trình hướng về cuộc sống tự do hơn ngay từ khi còn chưa bắt đầu.
Hãy xem xét những câu hỏi này lần nữa. Mỗi câu hỏi tập trung vào những thứ rõ ràng là khó tinh giản nhất trong nhà chúng ta, dù đó là đồ gia truyền, sách, đồ chơi, vật liệu thủ công hay đồ đạc của một người mình yêu thương. Những người đặt câu hỏi nghĩ ngay đến nơi có vẻ khó tối giản hóa nhất trong nhà. Điều này cũng dễ hiểu thôi. Nhưng nó cho thấy họ đều tập trung vào chướng ngại vật, chứ không phải là cơ hội. Và tôi nghĩ có cách khác hay hơn.
Câu trả lời của tôi dành cho những câu hỏi ấy lúc nào cũng vậy: “Bạn không cần bắt đầu từ những món khó xử lý. Hãy làm từ việc dễ dàng trước. Hãy khởi đầu nhẹ nhàng thôi. Hãy cứ bắt đầu ở đâu đó.”
Đây cũng là thông điệp tôi muốn gửi đến bạn.
Lúc này bạn đừng lo lắng về những nhiệm vụ cam go nhất trong công cuộc đơn giản hóa của mình. Thay vì vậy, hãy bắt đầu hành trình “sở hữu ít nhưng đạt được nhiều” của bạn từ chỗ dễ dàng nhất có thể. Hãy bồi đắp động lực bằng cách dọn dẹp đống bừa bộn trong ô-tô, tủ ngăn kéo, phòng khách hay tủ nhà tắm. Bạn sẽ bắt đầu được nếm trải hương vị thành công và thấy được lợi ích của việc sở hữu ít đi. Khi làm vậy, bạn sẽ học được các kỹ năng cần thiết để đương đầu với những khu vực nhiều thử thách hơn trong căn nhà của mình và cả trong cuộc sống nữa.
Trong các chương sau, chúng ta sẽ đi sâu vào những câu hỏi sâu sắc hơn và định vị những khu vực khó tinh giản trong cuộc sống của bạn. Tôi sẽ trả lời các câu hỏi của bạn và đề xuất các phương pháp giúp bạn vượt chướng ngại vật. Nhưng ở đây, tôi muốn đưa ra những bước nhỏ để bạn có thể bắt đầu giành lại cuộc sống đang bị mớ đồ đạc chiếm giữ. Như tôi đã đề cập trước đó, định nghĩa và cách áp dụng chủ nghĩa tối giản vào cuộc sống của bạn sẽ khác với tôi và cũng không giống với bất kỳ ai khác. Nhưng chúng ta có thể bắt đầu bằng một số phương pháp chung. Bạn sẽ thấy những phương pháp này rất dễ thực hiện, dễ sử dụng và mang tính động viên cao đến mức bạn muốn bắt đầu ngay hôm nay.
Đó là điều bạn sẽ có được.
Tuyên Bố Lý Do
Trước hết, hãy xem lại sống tối giản là gì. Sống tối giản chính là ủng hộ những gì ta coi trọng nhất một cách có chủ đích và loại bỏ bất cứ thứ gì khiến ta xao nhãng những điều đó. Dù bây giờ ta đang nói về việc giảm bớt đồ đạc, nhưng mục đích sau cùng là dọn chỗ để chúng ta dễ hoàn thành mục tiêu của đời mình hơn.
Điều này dẫn chúng ta đến với bước nhỏ đầu tiên trong hành trình tối giản hóa.
Trước khi loại bỏ dù chỉ một món đồ ra khỏi nhà, tôi đề nghị bạn nên ngồi xuống và nêu ra một hoặc nhiều lý do khiến bạn muốn theo đuổi lối sống tối giản. Hãy dành thời gian suy nghĩ về điều này. Có vô số lý do, và lý do nào cũng có ý nghĩa riêng đối với bạn, với mục đích và các giá trị của bạn.
Tôi không nói rằng bạn phải ghi ra chi tiết từng mục tiêu ngay bây giờ. Như đã nói trong Chương 3, mục đích tối giản hóa cuộc sống và quá trình tối giản đó tác động qua lại với nhau. Cái này hỗ trợ cho cái kia trong quá trình khám phá. Nhưng giờ đây bạn đã biết mục đích của mình rồi, hãy xác định và ghi nhớ những lý do khiến bạn muốn cắt giảm và tinh gọn đồ đạc. Hãy viết các lý do đó ra. Sau đây là một vài ví dụ:
Tôi muốn thoát cảnh nợ nần và bắt đầu tiết kiệm tiền an dưỡng tuổi già.
Tôi muốn thời gian biểu đỡ căng thẳng hơn.
Tôi muốn có khả năng hỗ trợ cha mẹ lúc họ về già.
Tôi muốn leo lên các ngọn núi ở mỗi châu lục trên thế giới này.
Tôi muốn dành một năm làm tình nguyện viên tại một phòng khám ở Haiti.
Tôi muốn chuyển sang căn hộ nhỏ hơn.
Tôi muốn có thời gian rảnh để huấn luyện cho đội thể thao của con mình.
Tôi muốn nghỉ dạy nhạc và tham gia một dàn nhạc thính phòng.
Tôi muốn dành các buổi tối ở bên gia đình thay vì dọn dẹp nhà cửa.
Tôi muốn mời khách đến nhà chơi mà không phải lo lắng về căn nhà bừa bộn của mình.
Khi bạn đã viết ra (các) mục tiêu của mình, hãy đặt nó ở chỗ nào bạn thường nhìn thấy. Đây sẽ là động lực quan trọng giúp bạn tiến về phía trước. Và sẽ có những lúc bạn rất cần cảm hứng. Không có nó, có khi bạn sẽ quên mất vì sao mình lại chất đồ đạc vào thùng và gửi đến tổ chức từ thiện.
Trước khi tối giản hóa nhà cửa và cuộc sống của mình, chúng ta phải tin rằng lối sống ấy đáng để nỗ lực. Việc tuyên bố vì sao bạn muốn đơn giản hóa nhà cửa và cuộc sống sẽ nhắc nhở bạn muốn gì từ quá trình mình đang thực hiện. Và việc này dễ làm thôi mà.
Nhưng đây chỉ mới là khởi đầu.
Áp Dụng Nguyên Tắc 80/20
Sau khi lập danh sách mục tiêu và đối mặt với đống đồ đạc vây quanh, bạn định bắt đầu xử lý đồ đạc của mình từ đâu?
Chọn điểm khởi đầu không khó. Bạn từng nghe về quy tắc 80/20 chưa? Đây chỉ là một quy tắc chung nhưng đã được chứng minh là đúng trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Áp dụng vào đồ đạc, quy tắc này có nghĩa là ta sử dụng 20% đồ đạc của mình trong 80% thời gian, còn 80% đồ đạc còn lại chỉ được sử dụng trong 20% thời gian mà thôi. Thế nên trong số 80% đồ đạc chỉ nằm không đó sẽ có nhiều món mà bạn có thể thu dọn dễ dàng khi bắt đầu quá trình tối giản hóa nhà cửa và cuộc sống của mình.
Tôi đề nghị bắt đầu từ những khu vực thường được sử dụng trong nhà, đặc biệt là phòng khách, phòng ngủ, nhà tắm, đó đều là những điểm khởi đầu lý tưởng. Việc tinh gọn đồ đạc ở những nơi này có đặc điểm là dễ dàng và ít mất thời gian hơn so với nhà bếp, phòng làm việc hay gác xép. Nhưng quan trọng hơn thế, vì bạn thường xuyên dùng đến những căn phòng này nên bạn sẽ nhanh chóng được trải nghiệm lợi ích mà lối sống tối giản mang lại sau khi đã thay đổi các khu vực ấy. Loại bỏ đống bừa bộn trong phòng khách giúp khoảng thời gian thư giãn hoặc quây quần bên gia đình của bạn trở nên thanh tĩnh hơn, ít bị phân tâm hơn. Căn phòng tắm tối giản sẽ giúp việc sửa soạn vào buổi sáng được dễ dàng hơn. Căn phòng ngủ gọn gàng sẽ đem lại lợi ích cả ngày lẫn đêm. Bạn sẽ thấy được tác động tích cực của việc loại bỏ đồ đạc thừa thãi ra khỏi những khu vực ấy gần như ngay lập tức.
Hãy nhớ là bây giờ bạn đang tập trung lựa chọn những cuộc chiến dễ dàng, nhanh chóng để hình thành động lực cho hành trình tinh gọn đồ đạc của mình. Hãy triệt để dọn dẹp những nơi bạn thường ở nhất. Chắc bạn sẽ hoàn thành bước đầu tiên chỉ trong vài giờ đồng hồ thôi. Bạn chưa cần phải đưa ra quyết định khó khăn nào đâu. Cứ chộp lấy một cái bao rỗng và cho vào đó hết những thứ có thể dễ dàng bỏ đi, cùng với bất cứ thứ gì bạn không muốn giữ trong nhà nữa, những vật dụng bạn vốn nên tống khứ từ lâu. Cứ cho vào bao rồi tạm để sang một bên. Bạn sẽ phân loại chúng sau.
Thế này chưa phải là dọn dẹp kỹ càng. Bạn còn chưa giải quyết toàn bộ căn nhà. Nhưng bạn đã có thể lùi lại một chút để nhìn thành quả và bắt đầu cảm nhận được sự thanh bình nhờ sống trong một căn nhà có đồ đạc vừa đủ chứ không quá nhiều.
Để tôi kể bạn nghe về khoảng không gian đầu tiên tôi dọn dẹp nhé. Đó cũng là khoảng không gian đồng hành cùng tôi trên các chặng đường.
Bên Trong Chiếc Corolla
Như đã nói trong Chương 1, lần đầu tiên tôi được biết về ý tưởng sở hữu ít đi là vào một chiều thứ Bảy nọ, khi đang dọn dẹp nhà để xe. Câu chuyện còn có phần sau nữa.
Tối hôm ấy, tôi lên chiếc Toyota Corolla của mình để lùi nó vào trong nhà để xe. Ngồi trong xe, tôi nhận ra một điều trước kia mình chưa bao giờ thật sự để ý: chỗ nào cũng có những món đồ không cần thiết. Những cặp kính mát tôi không bao giờ mang. Những chiếc đĩa CD chẳng bao giờ nghe. Những tấm bản đồ chẳng mấy khi dùng đến. Lục lọi một hồi, tôi thấy ở băng ghế sau có nào là thú nhồi bông, đồ chơi của hãng Happy Meal, mấy gói tương cà, mấy chồng khăn ăn và sách truyện trẻ em. Chỉ riêng cửa bên mé ghế tài xế không thôi cũng vương vãi bút bi, hóa đơn và mấy đồng xu rơi vào ngăn chứa đồ.
Xét nhiều mặt, chiếc xe này là phiên bản thu nhỏ cuộc sống của tôi. Chỗ nào cũng có đồ đạc lộn xộn và thừa thãi. Cũng chỉ có đống bừa bộn này là đồng hành cùng tôi đi khắp nơi.
Tôi hít một hơi thật sâu. Rồi tôi quyết định (xin nhớ cho, ấy là sau khi được nghe về chủ nghĩa tối giản chỉ vài giờ trước đó) rằng lấy đây làm hạng mục đầu tiên ắt cũng dễ thôi. Tôi vớ lấy một chiếc túi nhựa và nhét vào đó tất cả những món không cần phải để trong xe. Tôi chỉ để lại giấy tờ xe, giấy bảo hiểm và cẩm nang bảo dưỡng xe trong ngăn đựng găng tay. Tôi dọn hết mấy thứ còn lại. Rồi tôi lôi chiếc túi đi để phân loại đồ đạc trong đó sau.
Từ một hành động đơn giản là dọn dẹp xe ô-tô, hành trình tối giản hóa của gia đình tôi đã chính thức bắt đầu. Toàn bộ quá trình diễn ra trong khoảng mười lăm phút.
Tôi bắt đầu được hưởng lợi ích của việc này gần như ngay lập tức.
Sáng hôm sau, tôi thức dậy sớm. Nhà thờ chỗ tôi làm việc cách nhà mười sáu cây số, và tôi đã quen lái xe đi từ sớm vào những ngày Chủ nhật. Trong cái yên tĩnh của buổi sớm mai, tôi thay quần áo, ăn sáng rồi đi ra xe.
Tôi nhớ như in cảm giác khi ngồi vào chiếc xe giờ đây đã gọn gàng ngăn nắp. Không gian xung quanh cho tôi cảm giác khác hẳn. Mọi thứ không chỉ gọn gàng mà còn thanh tĩnh hơn, tôi cảm giác như được hít một hơi không khí trong lành vậy. Trong xe có ít đồ đạc nên tôi ít bị phân tâm hơn, và mỗi món đồ còn lại đều có lý do chính đáng. Trong lúc lái xe, tôi thấy đầu óc được thư thái, điều đó giúp tôi tập trung vào một ngày mới đang chờ phía trước.
Tôi biết mình muốn có cảm giác thanh tĩnh và tập trung như thế này trong mọi khía cạnh cuộc sống. Tôi không tài nào tin nổi mình lại có thể cảm nhận được lợi ích của việc sở hữu ít đi một cách dễ dàng và nhanh chóng đến vậy.
Từng Phòng Một
Sau khi thực hiện cuộc “càn quét” đầu tiên để dọn dẹp không gian sống của mình (hoặc trong trường hợp của tôi là không gian lái xe), giai đoạn tiếp theo là thực hiện quy trình tối giản hóa đồ đạc triệt để hơn. Hãy tiến hành theo từng phòng một, cho đến khi xử lý xong toàn bộ căn nhà.
Giờ đây, bạn sẽ bắt đầu tự hỏi một số câu hóc búa hơn: Trên thực tế, món đồ nào cần giữ lại? Món đồ nào có thể bỏ đi? Những món đồ nào đem lại giá trị cho đời mình? Và những món đồ nào đang khiến ta xao nhãng cuộc sống của mình?
Hãy nhớ bạn không cần phải giải đáp tất cả một lượt hay xử lý toàn bộ căn nhà trong chốc lát. Mỗi lần thực hiện, cứ tập trung vào một khu vực nhất định: một căn phòng, một tủ quần áo hoặc thậm chí là thứ gì đó có quy mô nhỏ như ngăn kéo thôi. Tôi nhắc lại lần nữa, hãy làm từ dễ đến khó. Nếu bạn không chắc phải xử lý ra sao một món đồ nào đó thì hãy tạm cho qua. Ta sẽ bàn về những lựa chọn khó khăn trong chương sau.
Mỗi khi xử lý một chỗ mới, hãy phân đồ đạc thành ba đống:
1. Những thứ cần giữ
2. Những thứ cần sắp xếp lại trong nhà
3. Những thứ cần loại bỏ
Sau khi phân loại, hãy đặt những thứ cần giữ về chỗ cũ, nơi phù hợp nhất. Hãy cất những thứ đó khuất tầm mắt khi có thể, vì làm vậy sẽ giúp ta đỡ bị phân tâm. Ngoài ra, khi đem đồ đi, nên đặt những món thường dùng nhất ở hàng ngoài cùng trên kệ, còn những món ít dùng thì dời ra phía sau. (Đây là lời khuyên miễn phí về cách bố trí đồ đạc tôi dành tặng bạn đấy.)
Tiếp theo là xử lý đống đồ cần được sắp xếp lại bằng cách di dời chúng đến vị trí phù hợp trong nhà. Chẳng hạn, nếu bạn lấy đồ chơi ở tiền sảnh, hãy cất lại vào thùng đựng đồ chơi. Nếu bạn thấy quần áo của bọn trẻ vắt trên ghế, có lẽ đó là đồ cần giặt. Nói đến đây, hãy bảo con bạn tự đem quần áo bỏ vào giỏ đựng đồ cần giặt.
Cuối cùng, phân loại đống đồ “cần loại bỏ” của bạn thành bốn đống nhỏ: đồ để quyên tặng, để bán, để tái chế và đồ bỏ đi. Sau đó, hãy xử lý mỗi đống bằng biện pháp thích hợp. Đừng bỏ mặc chúng lâu quá, vì nếu làm vậy, mấy đống đồ ấy sẽ phân tán và biến trở lại thành mớ bừa bộn mà bạn đang cố gắng giải quyết.
Khi xử lý bất kỳ không gian nào, điều quan trọng là phải tận tay sờ đến từng vật dụng một. Hầu như mọi chuyên gia bố trí đồ đạc đều sẽ khuyên bạn làm thế, vì cầm một vật dụng trên tay sẽ khiến bạn phải đưa ra quyết định về vật dụng ấy. Nếu chỉ nhìn lướt qua, bạn sẽ rất dễ để nó nằm yên đó.
Nghĩ đến việc phải cầm lên từng vật dụng trong nhà nghe đáng sợ lắm phải không? Tôi ghét phải nói điều này, nhưng nếu bạn thấy việc đó đáng sợ thì chứng tỏ bạn đang sở hữu quá nhiều. Hãy lấy đó làm động lực để nhanh chóng đưa ra quyết định. Nếu bạn nghĩ vật dụng nào đủ quan trọng để đem vào nhà, bạn sẽ có sức mạnh để quyết định lần nữa xem có đúng là thế hay không.
Trong quá trình loại bỏ những món đồ thừa thãi không cần thiết, bạn sẽ muốn đưa ra định nghĩa phù hợp về sự bừa bộn cho riêng mình. Khi mới bước chân vào hành trình đến với chủ nghĩa tối giản, vợ chồng tôi định nghĩa bừa bộn là: (a) có quá nhiều đồ đạc trong một không gian quá nhỏ, (b) bất cứ thứ gì mà chúng tôi không cần hoặc không thích nữa, và (c) bất cứ thứ gì tạo cảm giác không ngăn nắp. Cứ tự nhiên sao chép định nghĩa này nếu bạn muốn. Nhưng có thể bạn sẽ tìm được các định nghĩa khác phù hợp với quan điểm của mình hơn. Chẳng hạn, Joshua Fields Millburn định nghĩa bừa bộn là bất cứ thứ gì không “đem lại giá trị” cho cuộc sống của anh. Marie Kondo thì mô tả bừa bộn là những đồ đạc không “lan tỏa niềm vui” trong nhà. Peter Walsh thậm chí còn đi xa hơn, anh phát biểu rằng bừa bộn là bất cứ thứ gì “can thiệp vào cuộc sống có thể có của bạn”. Còn William Morris thì nói thế này: “Đừng để trong nhà có thứ gì mình biết là không có ích hoặc không tin là nó đẹp”.
Hãy chọn định nghĩa bừa bộn nào hợp với bạn nhất, rồi loại bỏ mọi thứ theo định nghĩa ấy.
Trong một số trường hợp, bước này sẽ dễ dàng thôi. Ví dụ như xe ô-tô của bạn vương vãi những thứ không cần phải có trong xe. Ngăn kéo đựng đồ lặt vặt đầy những thứ không cần thiết, chẳng hạn như mấy sợi dây thun đã giãn, pin cũ hay những chiếc chìa mà bạn không còn sử dụng. Trên mặt tủ ngăn kéo có vô số đồ linh tinh. Tủ quần áo đầy ắp trang phục bạn không còn mặc nữa. Bằng khen đã chẳng còn ý nghĩa gì với bạn từ lâu. Những món đồ trang trí đã lỗi thời.
Trong những trường hợp khác, bước này sẽ mất nhiều thời gian và đòi hỏi bạn có ý chí mạnh mẽ hơn. Cứ nghĩ đến những hạng mục lớn hơn như nhà để xe, tầng hầm hay gác xép mà xem. Rồi các phòng chức năng như nhà bếp và phòng làm việc. Những vật kỷ niệm tích lũy qua năm tháng. Những vật dụng liên quan đến sở thích của bạn, nghệ thuật và thủ công, nấu ăn, thể thao hoặc âm nhạc - ấy là mới liệt kê một ít thôi đấy. Còn cả đống bừa bộn do các thành viên khác trong nhà đang bắt đầu xâm chiếm không gian chung nữa.
Chúng ta sẽ bàn về những khu vực này trong các chương sắp tới. Nhưng trước mắt, bí quyết quan trọng nhất để hoàn thành bước loại bỏ đồ đạc thừa là bắt đầu từ những hạng mục nhỏ và dễ dàng. Hãy bắt đầu từ đó. Hãy trải nghiệm và tập trung vào những thắng lợi nho nhỏ.
Và bây giờ tôi cần đưa ra cho bạn một lời cảnh báo.
Đối với mọi thứ trên đời, điều quan trọng là không nhầm lẫn giữa khao khát thay đổi với sự thay đổi thật sự. Nghĩ hay nói về việc tinh gọn đồ đạc sẽ không đem lại bất kỳ lợi ích nào. Bạn chỉ có thể trải nghiệm những lợi ích này khi đã thật sự loại bỏ đống bừa bộn thừa thãi.
Hôm nay, hãy nhắc nhở bản thân rằng nói tới sự thay đổi không đồng nghĩa với việc tiến hành thay đổi. Và vì thế, hãy bước một bước nhỏ theo đúng hướng.
Triệt Để Và Không Tái Diễn
Nhiều người sợ nếu bỏ đi món đồ nào đó thì họ sẽ phải hối hận về sau. Thế là họ cứ giữ lại để phòng “ngộ nhỡ”. Đây là nguyên nhân chính gây ra sự bừa bộn.
Nếu bạn lo sau này sẽ có lúc mình hối hận vì đã bỏ một món đồ nào đó, hãy thử giải quyết bằng phương pháp đơn giản sau đây: bỏ đi những thứ trùng lặp. Ưu điểm của việc loại trừ những thứ trùng lặp nằm ở chỗ bạn biết vẫn luôn còn một cái nữa phòng khi cần đến.
Hãy lấy khăn tắm làm ví dụ. Đương nhiên là gia đình bạn cần dùng khăn tắm. Nhưng bạn có thể dễ dàng đơn giản hóa cuộc sống của mình bằng cách giảm số lượng khăn mình có. Chẳng hạn, gia đình bạn có bốn người, nhưng bạn có đến một tá khăn tắm hoặc hơn. Trên thực tế, mỗi người có hai khăn tắm là đủ dùng rồi - một cái để dùng, trong khi cái kia đem giặt. Có thể bạn chưa sẵn sàng để sống mà chỉ có hai cái khăn tắm, nhưng khi nghĩ đến chồng khăn tắm trong tủ đựng khăn, chẳng lẽ bạn không thấy rằng mình nên bỏ bớt ít khăn cho rộng chỗ hơn hay sao?
Hãy làm tương tự đối với toàn bộ căn nhà. Có lẽ bạn sẽ thấy những món đồ trùng lặp có ở khắp nơi. Sự thật là ta rất dễ rơi vào lối suy nghĩ thế này: nếu có là tốt thì có nhiều sẽ tốt hơn. Thế là chúng ta có nhiều thứ trùng lặp. Chén dĩa, khăn trải giường, bút bi và bút chì, ly tách, móc treo quần áo, giày dép, áo khoác, thùng ướp lạnh, va-li, xẻng, ống nước, búa, máy vi tính… Danh sách đồ vật ta sở hữu quá nhiều còn dài lắm. Đôi khi ta còn có nhà và xe cộ dư thừa nữa kia!
Khi bắt đầu bỏ đi đồ đạc dư thừa, bạn sẽ nhận ra vài điều cực kỳ khó tin. Nhà bạn đột nhiên chỉ còn lại toàn là đồ bạn thích. Rồi tự nhiên bạn bắt đầu chăm lo đồ đạc của mình kỹ lưỡng hơn, vì bấy giờ bạn sẽ dễ để ý đến những vật dụng cần được sửa chữa hoặc thay thế hơn trước.
Hơn nữa, bạn sẽ nhận thấy có thể cắt giảm vô số món đồ khác trong nhà gần như ngay lập tức sau khi loại bỏ đồ đạc trùng lặp. Bạn sẽ đạt được bước tiến đáng kể trong hành trình đến với cuộc sống đơn giản dù còn chưa nhận ra điều đó. Đây chính là lợi ích khiến bạn muốn kể cho bạn mình nghe về việc tối giản hóa, và về cách lối sống tối giản cải thiện cuộc sống của bạn.
Chia Sẻ Câu Chuyện Của Bạn
Tôi nhớ như in ngày hai đứa con của tôi chào đời. Cả hai lần, tôi đều vớ ngay lấy điện thoại và thông báo cho toàn bộ thành viên trong gia đình và bạn bè thân thiết. Niềm vui nảy nở trong cuộc sống của vợ chồng tôi, và chúng tôi háo hức muốn chia sẻ điều đó với những người xung quanh. Nghe mọi người phấn khởi chia vui càng khiến tôi thấy hân hoan hơn.
Nhờ hai lần đó, tôi đã học được một bài học cuộc sống giá trị: niềm vui là để chia sẻ. Niềm vui chỉ trọn vẹn khi ta để người khác cùng chung vui.
Và ta không chỉ muốn chia sẻ những khoảnh khắc trọng đại trong đời với mọi người, chẳng hạn như ngày con mình chào đời, mà cả những điều nhỏ bé hơn. Tìm được một nhà hàng tuyệt vời, ta giới thiệu với mọi người. Đọc được một quyển sách hay, ta kể cho bạn mình. Khám phá được một con đường tắt, ta chỉ cho những người khác đi thử.
Việc chia sẻ những điều tốt đẹp với người khác sẽ giúp cải thiện cuộc sống của họ, bằng cách giúp họ khám phá ra niềm vui mà bạn có. Việc này còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho chúng ta, vì nó làm cho niềm hạnh phúc thêm vững chắc và củng cố tính tích cực của con đường ta đang dấn bước.
Vì vậy, khi bắt đầu thay đổi để đơn giản hóa cuộc sống tại nhà mình, tôi mong bạn sẽ thực hiện một bước đơn giản là chia sẻ câu chuyện của mình với bạn bè, người nhà, đồng nghiệp và hàng xóm. Hãy tìm cơ hội để kể về khao khát sở hữu ít đi mới nảy sinh của bạn, có thể là trong một bữa ăn, bên ly cà phê, hay vào những phút giải lao ngắn nơi công sở. Thử khơi mào câu chuyện đơn giản thế này: “Gần đây tôi nhận ra mình vui vẻ hơn nhờ sở hữu ít đi. Với tôi, chuyện bắt đầu từ lúc…”.
Có khi bạn sẽ thấy người ta háo hức muốn thử tối giản hóa cuộc sống của họ ngay. Dù không phải thì họ cũng sẽ cổ vũ cho quá trình học hỏi cách sở hữu ít đi của bạn. Họ sẽ tạo động lực cho bạn bằng cách thắc mắc vì sao bạn lại làm thế và lần sau gặp lại, họ sẽ hỏi thăm tình hình thế nào rồi. Khi chia sẻ câu chuyện của mình, bạn sẽ có thêm một lợi ích nữa, đó là được nhắc nhở về lý do ban đầu bạn quyết định tinh gọn đồ đạc.
Bắt Đầu Ngay Hôm Nay
Tóm lại, đây là các bước nhỏ bạn cần thực hiện để sở hữu ít đi:
Viết ra các mục tiêu của bạn.
Bắt đầu tinh gọn đồ đạc từ những mục tiêu dễ xử lý trong không gian sống của mình.
Sau đó hãy xem xét từng phòng một, bỏ bớt đồ đạc và dọn dẹp cho gọn gàng.
Bỏ bớt các món đồ trùng lặp trong khi đi vòng quanh nhà.
Chia sẻ câu chuyện của mình với người khác để duy trì động lực cho bản thân trong và sau khi thực hiện những bước đầu tiên.
Tôi vẫn còn nhiều điều muốn nói để đánh đổ suy nghĩ của bạn về số lượng đồ đạc bạn thật sự cần. Nhưng trước mắt, năm bước trên đều chẳng có gì đáng sợ và ai cũng có thể làm được. Ngoài ra, bạn có thể nghĩ đến một vài cách khác để thúc đẩy công cuộc theo đuổi lối sống không có gánh nặng do của cải vật chất thừa thãi mang lại. Hãy nhớ, điều quan trọng là ban đầu bạn phải tập trung vào những thứ dễ xử lý trước, chứ không phải là những thứ khó xử lý.
Hãy bắt đầu hành trình tinh gọn đồ đạc của bạn từ bước dễ nhất. Trước khi chuyển qua chương sau, hãy chọn dọn dẹp một ngăn kéo hay tủ quần áo nào đó, cái nào trông có vẻ khả thi là được.
Bước đi đúng hướng đầu tiên của bạn nên là một bước đi dễ dàng. Hãy bắt đầu ngay hôm nay.