7
Xử Lý Vướng Mắc
Sau khi bắt đầu tinh gọn đồ đạc trong nhà, chúng ta sẽ bắt đầu gặp phải những quyết định khó khăn. Đó là chuyện không thể tránh khỏi. Sau khi bỏ được phần lớn đồ đạc không cần thiết, chúng ta sẽ đối mặt với những món đồ mà ta đã trì hoãn xử lý bấy lâu. Đây là những vướng mắc đầy thử thách trong quá trình tối giản hóa của chúng ta.
Trong chương này, tôi sẽ nhấn mạnh một số loại vật dụng khó xử lý mà chúng ta thường gặp nhất trong lúc tối giản hóa nhà cửa:
sách
giấy tờ
thiết bị công nghệ
kỷ vật
và hai loại khó ngờ đến hơn, tôi sẽ giới thiệu vào thời điểm thích hợp.
Tôi sẽ xác định vấn đề của từng nhóm vật dụng, nêu lý do vì sao nên sở hữu những món đó ít lại và cung cấp một số ý tưởng thực tiễn giúp bạn vượt qua vướng mắc. Trong chương này, có lẽ bạn sẽ thấy một số phần có liên quan đến mình nhiều hơn so với các phần khác, nhưng mỗi phần đều có chung một chủ đề: bạn sẽ nhận lại nhiều hơn những thứ mình bỏ đi.
Kết Thúc Cũng Là Khởi Đầu
Quyển sách Thử thách 100 Vật dụng của Dave Bruno có một chương mang tựa đề “Thứ khó vứt bỏ nhất”. Trong chương đó anh viết về quyết định bán hết đồ nghề làm mộc đang cất trong nhà để xe của mình. Anh đã tích cóp những bộ đồ nghề ấy trong nhiều năm và rất yêu thích chúng, nhưng anh phải bỏ chúng đi, vì anh đã thách thức chính mình phải cắt giảm đồ đạc xuống còn một trăm vật dụng. Xuyên suốt câu chuyện, Dave làm rõ một điều, đó là thời gian anh dành để mơ mộng về tiệm mộc bé nhỏ hoàn mỹ của mình cũng nhiều như khoảng thời gian anh không đụng tới bộ đồ nghề ấy. Anh biết mình phải buông bỏ ước mơ này.
Dave tìm người mua bộ đồ nghề làm mộc và giúp người đó chất chúng lên chiếc Minivan của anh ta, rồi nhìn bộ đồ nghề rời xa cuộc sống của mình mãi mãi. “Tôi không theo đuổi nghề mộc nữa”, Dave tuyên bố. “Bên cạnh mục tiêu chỉ sử dụng một trăm vật dụng cá nhân trong một năm, tôi không còn muốn vờ làm thợ mộc vào dịp cuối tuần nữa.”
Với Dave, việc loại bỏ bộ đồ nghề ấy tượng trưng cho cái chết của một giấc mơ. “Tôi sẽ cố gắng ngừng mơ mộng trở thành một thợ mộc bậc thầy… Trên thực tế, tôi không hợp với nghề đó… Thật khó từ bỏ hy vọng trở thành một hình mẫu con người không phải là mình và mình cũng không có khả năng trở thành.”
Đôi khi, từ bỏ một món đồ nào đó cũng có nghĩa là từ bỏ hình mẫu mà mình muốn trở thành. Đôi khi, tối giản hóa đồ đạc cũng có nghĩa là một giấc mơ sẽ phải lụi tàn.
Nhưng chuyện này không phải lúc nào cũng xấu. Thời điểm ấy có thể khó khăn, nhưng biết đâu đó là chuyện cần phải xảy ra. Đôi khi, ta buộc phải từ bỏ hình mẫu con người mình hướng tới để hoàn toàn trân trọng hình mẫu nằm trong khả năng của mình.
Và đây chính là điều tôi muốn bạn ghi nhớ khi đối mặt với thử thách trong quá trình cắt giảm đồ đạc. Bỏ bớt đồ đạc thường được coi là một thử thách, không chỉ vì trên thực tế việc này khó thực hiện, mà còn vì khi làm vậy ta cảm thấy như thể mình đang từ bỏ thứ gì đó quan trọng. Không phải lúc nào những thứ ta từ bỏ cũng có tầm cỡ như một ước mơ, nhưng dẫu sao ta cũng đang phải đối mặt với việc mất đi một thứ dường như đặc biệt giá trị hoặc quan trọng đối với mình.
Thế nên cách để vượt qua những thời điểm gay go là hãy nhắc nhở bản thân rằng mình đang tiến về phía trước bằng cách bỏ đi những thứ khó dứt bỏ, và nhờ vậy mình sẽ đạt được lợi ích lớn lao hơn. Lợi ích có được từ cuộc sống đơn giản sẽ lớn hơn nhiều so với việc níu giữ những thứ tưởng chừng đáng quý nhất nhưng thật ra lại chẳng hữu ích gì.
Khi đối mặt với sự kháng cự trong thâm tâm vì phải từ bỏ những thứ bạn biết mình thật sự cần buông bỏ, hãy đặc biệt nghĩ xem ít có thể hóa nhiều như thế nào trên phương diện này của cuộc sống, và cách làm này thường sẽ tháo bỏ gút mắc khiến bạn chần chừ.
Kệ Sách
Không đầy sáu tuần sau khi biết đến lối sống tối giản, tôi bất ngờ nhận được một e-mail. Đó là e-mail do sếp gửi với một thông báo nội bộ rằng sẽ có một ngày dọn dẹp văn phòng bắt buộc dành cho toàn thể nhân viên. Công ty sẽ thuê một chiếc xe thu dọn rác. Điện thoại sẽ được tắt máy. Các cuộc hẹn sẽ được dời lại. Cơm trưa sẽ được giao tận nơi. Và mỗi nhân viên sẽ được hướng dẫn để dành cả ngày dọn dẹp văn phòng của mình cùng với các khu vực chung trong tòa nhà.
Hãy tưởng tượng mà xem. Chúng tôi được trả công để tối giản hóa cuộc sống ở công sở! Chuyện này gần như tốt đẹp đến mức khó tin.
Thành thật mà nói, hồi ấy văn phòng tôi lộn xộn lắm. Bàn làm việc, ngăn kéo và giá sách đều chất đầy đồ đạc bừa bộn đến đáng ngại. Có lẽ hơn ai hết trong số các đồng nghiệp, tôi cần một ngày để loại bỏ tất cả những thứ không thật sự cần thiết trong văn phòng mình.
Vào ngày dọn dẹp, tôi đến sớm và quyết tâm loại bỏ toàn bộ những thứ không cần hiện diện tại nơi làm việc của mình. Sách là ưu tiên hàng đầu trong danh sách.
Tôi phải tự hào nói rằng trong quá trình làm việc ngày hôm ấy, tôi đã tinh gọn bộ sưu tập sách của mình từ ba tủ sách xuống còn một.
Sách tham khảo lỗi thời là những món ra đi đầu tiên. Tôi tự nhủ dù sao tôi cũng có thể tìm được hầu hết thông tin trong đó ở trên mạng, mà lại còn nhanh chóng hơn.
Tiếp đến là những quyển sách tôi chưa bao giờ đọc (và thực tế cũng không định đọc). Tôi thấy nhẹ nhõm khi bỏ chúng đi. Tôi sẽ không cảm thấy nặng nề vì những cuốn sách mình “vốn nên đọc” nữa. Thay vào đó, tôi được tự do tìm đọc những cuốn sách mới.
Khi nghĩ đến những quyển sách mình từng đọc, tôi tự hỏi liệu đó có phải quyển mình thường sử dụng hoặc giới thiệu cho người khác hay không. Nếu câu trả lời là có, tôi sẽ giữ nó lại để sau này tham khảo. Nếu câu trả lời là không, tôi sẽ loại nó ra khỏi nơi làm việc.
Cũng ngày hôm ấy, tôi tháo hết mớ bằng cấp đang treo trên tường, cả bằng đại học lẫn chứng chỉ hành nghề. Khi làm thế, tôi nhận ra mình treo bằng cấp trên tường chỉ để lấy tiếng, một dấu hiệu cho khách đến thăm biết là nên tôn trọng tôi.
Rồi tôi có một phát hiện khác. Tôi cũng làm điều tương tự với sách vở của mình. Một phần động lực khiến tôi nhồi nhét cả đống sách trên kệ là để cho những ai ghé qua văn phòng mình biết được tôi là người đọc nhiều sách, thông minh và đáng quý.
Tôi xấu hổ khi hiểu ra điều đó về bản thân. Và khi loại bỏ hai phần ba sách vở vì không thật sự cần đến, tôi kiên quyết không gây ấn tượng với người khác bằng lượng sách có trên kệ nữa.
Làm thế nào để tối giản hóa sách vở là một trong năm câu hỏi hàng đầu tôi thường được hỏi, và thường những câu hỏi này đến từ những người mê sách. Họ là kiểu người có cả chồng tiểu thuyết bên giường, nhồi nhét sách vào cặp táp để đọc một chút trong giờ ăn trưa và nhiều phòng trong nhà họ chứa đầy kệ sách.
Dù bộ sưu tập của bạn có đến hàng ngàn cuốn sách hay chỉ vài chục, và dù bạn mua để nghiên cứu chuyên môn hay chỉ để đọc giải trí, thì bạn đều sẽ được lợi nếu cắt giảm bớt. Hãy nhớ, bạn đã vạch ra những kế hoạch trọng đại cho cuộc đời mình, và sự bừa bộn, dù là sự bừa bộn đầy trí tuệ đi nữa, có thể cản trở bạn thực hiện những kế hoạch ấy.
Nếu bạn nhận thấy sách vở là một hạng mục khó xử lý, sau đây là một vài ý tưởng hữu ích giúp bạn bắt đầu tinh gọn bộ sưu tập của mình.
Nhận ra rằng sách không định nghĩa con người mình. Sách chỉ bổ sung giá trị. Sách góp phần tạo nên con người bạn. Nhưng sách không định nghĩa bạn là ai, dù số sách bạn có là nhiều hay ít.
Nhắc bản thân nhớ rằng ký ức về một quyển sách không phải là chính quyển sách đó. Đôi khi ta không thể bỏ một cuốn sách nào đó vì nó khiến ta nghĩ như thế. Thông thường, dành thời gian viết ra những cảm xúc và mối liên kết ấy sẽ giúp ta dễ chuyển cuốn sách đó cho một ai khác cũng mê sách không kém gì mình.
Xem việc tặng những quyển sách hay là một cách thể hiện tình cảm. Giữ một quyển sách hay trên kệ nghĩa là bạn cũng đang ngăn cản nó đến với một người nào khác. Hãy chia sẻ niềm vui.
Thiết lập giới hạn hợp lý cho bộ sưu tập của mình. Giới hạn giúp ta nhanh chóng phân biệt những thứ quan trọng nhất với những thứ chỉ quan trọng phần nào. Đây là yếu tố hữu ích trong nhiều khía cạnh khác nhau; hãy vận dụng yếu tố này để đem lại lợi ích cho mình. Tôi chọn phương án tối giản hóa bộ sưu tập sách trong văn phòng mình từ ba tủ sách xuống còn một, nhưng trước mắt, mức độ bỏ đồ như thế có lẽ quá sức chịu đựng đối với bạn. Chẳng sao cả. Đây đâu phải một cuộc đua. Hãy lựa chọn giới hạn của riêng mình và thử áp dụng giới hạn ấy. Bạn luôn có thể điều chỉnh lại sau.
Cho mình quyền được giữ lại những quyển sách yêu thích. Hãy nhớ, ít hơn không có nghĩa là không còn gì. Hãy xác định những quyển sách yêu thích của mình và giữ chúng lại. Bạn sẽ thấy thoải mái khi biết mọi quyết định đều do mình đưa ra và chẳng có ai áp đặt lên bạn cả.
Đọc sách điện tử thay vì sách giấy. Với các thiết bị đọc sách điện tử ngày nay, bạn có thể lưu trữ hàng chục quyển sách trong một thiết bị còn mỏng hơn nhiều so với một quyển sách bìa mềm bình thường. Nếu bạn lưu trữ chừng ấy sách trong thư viện của thiết bị, về mặt nào đó, như vậy vẫn là bừa bộn, sự bừa bộn trong dữ liệu kỹ thuật số. Nhưng sách điện tử ít gây phân tâm hơn, bớt phiền toái hơn, dễ tiếp cận và lưu trữ hơn sách giấy.
Tạm Biệt, Ông Giấy
Hồi tôi còn nhỏ, dì Sharron đặt biệt danh cho tôi là Ông Giấy. Ngày nay dì vẫn còn đùa về chuyện đó, dù trò đùa này đã trở nên hơi lạc hậu sau ba mươi lăm năm. Nhưng vào thời ấy, dì đùa cũng có lý. Tôi quả thật rất thích giấy.
Tôi mê sổ tay đủ loại: lục, lam, vàng, một-chủ-đề, ba-chủ-đề, loại có lò xo. Tôi dùng sổ để viết các mẩu chuyện, vẽ tranh, ghi chép số liệu, liệt kê những việc phải làm hoặc làm toán. Phần lớn các cuốn sổ được tôi chất thành một đống lộn xộn trên sàn phòng ngủ.
Khi lớn lên, tôi dần bớt say mê sổ tay. Tuy vậy, tôi vẫn bị hàng đống giấy bao vây. Đống giấy đó là hóa đơn cần thanh toán, biên lai thuế cần sắp xếp, phiếu giảm giá chưa sử dụng, bảng phân công công việc cần làm, tạp chí để xem và núi thư từ chất đống không có điểm dừng cần được phân loại.
Giải quyết đống giấy tờ bừa bộn không phải là dễ. Và nếu nói tôi đã hoàn toàn chinh phục hạng mục khó khăn này thì quả là chẳng thành thật gì cả. Dường như giấy tờ ùa vào nhà tôi hàng ngày, từ vô số nguồn, thư từ, trường học, nhà thờ và công sở, đó là tôi chỉ mới liệt kê một ít thôi đấy. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đống bừa bộn trong nhiều ngôi nhà và là một chướng ngại vật khó vượt qua.
Trong nhà bạn có bao nhiêu giấy tờ? Hãy thử thí nghiệm này: ước lượng xem bạn có thể nhét số giấy tờ trong nhà vào bao nhiêu ngăn kéo của tủ đựng hồ sơ. Rồi làm một phép toán. Trung bình một ngăn kéo tủ đựng hồ sơ sẽ chứa được bốn ngàn năm trăm tờ giấy nếu nhét đầy.
Nhiều quá, đúng không?
Chắc là bạn sẽ không xếp toàn bộ giấy tờ ngay ngắn trong ngăn kéo. Phần đông chúng ta có khuynh hướng chần chừ, chất đống giấy tờ và chuyển chúng từ nơi này qua nơi khác chứ không sắp xếp, ngay cả các nhà quản trị doanh nghiệp cũng cầm một tờ giấy ba mươi đến bốn mươi lần trước khi xử lý nó.
Ngoài việc phải mất thời gian và không gian cần thiết để phân loại, sắp xếp và lưu trữ, đống giấy tờ bừa bộn còn chiếm chỗ về mặt tinh thần trong tâm trí chúng ta nữa. “Bừa bộn là dấu hiệu có thể thấy được của… sự chần chừ, và chúng cũng khiến chúng ta thêm lo âu”, Leo Babauta viết. Và lời khẳng định này chính xác vô cùng khi nói đến đống giấy tờ bừa bộn.
Cơ hội thoát khỏi giấy tờ nhờ lưu trữ toàn bộ tài liệu dưới dạng điện tử ngày càng dễ thực hiện hơn, kể cả với những gia đình không rành kỹ thuật.
Nhưng kể cả nếu như bạn không định triệt để thoát khỏi giấy tờ đi nữa, bỏ bớt giấy tờ không cần thiết vẫn khả thi. Dù có khuynh hướng phản đối việc này, tôi vẫn có tiến bộ đáng kể trong việc tiến hành một số quy trình đơn giản. Quy trình loại bỏ giấy tờ bừa bộn trong nhà tương đương với việc trả lời ba câu hỏi đơn giản: Tại sao? Cái gì? Làm thế nào?
Tại sao?
Để mở đầu, hãy tự hỏi: Tại sao mình lại lưu trữ giấy tờ? Câu trả lời có thể là bất kỳ lý do nào:
Bạn là người hay do dự, và đống giấy tờ đại diện cho những quyết định bạn đang trì hoãn.
Bạn thiếu tổ chức, và đống giấy tờ bừa bộn là kết quả của sự yếu kém trong phương pháp sắp xếp giấy tờ của bạn.
Bạn không am hiểu và giữ quá nhiều tài liệu vì không biết cần giữ cái gì, bỏ cái gì.
Bạn quá bận rộn nên không thể xử lý hay đọc qua mớ giấy tờ đó, vì vậy bạn lưu lại để làm sau.
Bạn gắn bó với những vật mang tính kỷ niệm bằng giấy, chẳng hạn như thư tình, tranh vẽ của con cái và các mẩu nội dung cắt ra từ báo.
Bạn sẽ không thể tìm được giải pháp cho mớ giấy tờ bừa bộn của mình, cho đến khi nào bạn giải mã được vì sao giấy tờ lại tích tụ trong nhà.
Cái gì?
Sau khi khám phá ra lý do tại sao, bạn có thể trả lời câu hỏi sau dễ dàng hơn: Thật sự thì mình cần giữ những giấy tờ gì trong nhà?
Trước khi theo đuổi lối sống tối giản, tôi cất giữ vô số giấy tờ tài chính. Chỉ cần nhìn lướt qua tủ đựng hồ sơ của tôi sẽ thấy sao kê thẻ tín dụng và hóa đơn điện nước từ cả chục năm trước. Tôi giữ mớ giấy tờ đó vì tôi nghĩ mình cần làm thế.
Nhưng trên thực tế, chuyện không phải như vậy. Dù tất nhiên bạn phải xem lại các điều luật cụ thể ở địa phương mình, nhưng nhìn chung thì nhiều quốc gia thường chỉ yêu cầu ta phải giữ chứng từ tài chính cá nhân trong vòng ba năm. Và các cơ quan ngày càng ban hành nhiều chứng từ tài chính có thể truy cập qua mạng, nhờ vậy mà việc lưu trữ hồ sơ giấy không còn cần thiết như trước.
Hãy xem nhà mình như một viện bảo tàng khi xử lý mớ giấy tờ bừa bộn không liên quan đến tài chính hay luật pháp. Một yếu tố góp phần tạo nên vẻ đẹp của viện bảo tàng là những tác phẩm không được trưng bày trên tường, vì có vậy thì mới làm nổi bật được các tác phẩm nghệ thuật còn lại đang được trưng bày. Thế cho nên hãy làm người quản lý cho những thứ được giữ lại, có thể là kỷ vật hoặc sách vở thuộc nhiều đề tài. Hãy tối giản hóa đống giấy tờ bừa bộn của bạn bằng cách chỉ chọn giữ lại những bức bạn thích trong số tranh ảnh mà con cái vẽ, bài tập của học sinh hoặc các ấn phẩm bạn hy vọng mình sẽ đọc trong tương lai.
Làm thế nào?
Sau khi trả lời hai câu hỏi vì sao và cái gì, bạn sẽ dễ hình thành các thói quen mới hơn. Bây giờ bạn cần hỏi: Mình sẽ kiểm soát đống giấy tờ bừa bộn bằng cách nào?
Hai trọng điểm là (1) hành động nhanh chóng và (2) lưu trữ một cách phù hợp.
Khi một tài liệu được gửi đến nhà bạn, hãy đưa ra quyết định và xử lý nó. Vứt thư rác đi. Sử dụng phiếu giảm giá. Thanh toán hóa đơn. Cất bảng điểm của trường học. Sắp xếp chứng từ tài chính. Mỗi việc như vậy chỉ cần vài giây thôi, cùng lắm là vài phút. Thay vì bỏ mặc mớ giấy tờ trên bàn bếp để rồi càng lúc càng bừa bộn thêm, hãy xử lý chúng ngay.
Hãy lưu trữ các tài liệu chưa thể giải quyết ngay trong một chỗ nhất định để sau này còn xử lý. Ở một thời điểm nào đó trong tương lai, hãy ngồi xuống và tìm hiểu nội dung tài liệu đó trong một lần, có thể lưu trữ hoặc vứt tài liệu đó đi nếu cần.
Quy trình hành động nhanh chóng và lưu trữ ngay lập tức khá đơn giản và sẽ có hiệu quả với hầu hết các loại giấy tờ bừa bộn trong nhà bạn. Bạn sẽ không nhớ nhung gì đến mấy chồng giấy đâu. Thay vào đó, bạn sẽ yêu cảm giác tự do, thoải mái có được nhờ thoát khỏi đống giấy tờ khiến bạn xao nhãng những việc mình muốn làm.
Đối Với Các Thiết Bị Công Nghệ
Công nghệ thay đổi rất nhanh. Và các cải tiến trong công nghệ thường được thông báo rất rầm rộ. Lời hứa hẹn về việc thay đổi cách chúng ta tương tác với thế giới nghe thật êm tai, và thế là số lượng thiết bị mà ta liên tục mua lên đến một con số khó tin. Đồng thời, các thiết bị cũ bị ta bỏ xó vì không biết phải làm gì với chúng. Chẳng lẽ đống thiết bị công nghệ ngày càng bừa bộn là điều không thể tránh khỏi?
Các chuyên gia trong thế giới công nghệ phân biệt giữa lỗi thời về công nghệ với lỗi thời về tính năng. Lỗi thời về công nghệ xảy ra ngay khi một thiết bị mới tung ra có thông số ưu việt hơn thiết bị cùng loại của bạn. Chẳng hạn, nhà sản xuất của chiếc điện thoại thông minh tung ra một dòng máy mới sau khi bạn mua điện thoại được sáu tháng. Còn lỗi thời về tính năng chỉ xảy ra khi thiết bị của bạn không còn hoạt động theo ý muốn được nữa, chẳng hạn khi phần mềm của thiết bị không thể hoạt động bình thường và không còn được nhà sản xuất hỗ trợ.
Nhiều người trong số chúng ta bị dụ mua một thiết bị mới nào đó không lâu sau khi thiết bị mình đang xài trở nên lỗi thời về công nghệ. Nếu biết được món đồ điện tử thật ngầu mình mới mua tháng trước đã bị thay thế bằng một cái khác ngầu hơn, có lẽ ta sẽ muốn có cái mới! Nhưng tôi cho là chúng ta nên đợi đến khi những món đồ công nghệ của mình sắp lỗi thời về tính năng rồi hãy đổi cái mới. Nếu ta không có được thứ mới nhất thì sao nào? Ai thật sự quan tâm cơ chứ?
Tôi không phản đối việc phát triển hoặc sử dụng công nghệ. Thật ra, tôi rất vui khi được nói rằng ngày nay lối sống tối giản trở nên khả thi hơn bao giờ hết nhờ có công nghệ. Trong điện thoại, tôi lưu trữ phim ảnh, sách, nhạc, bản đồ, lịch, thẻ Starbucks và sổ địa chỉ (tôi chỉ mới liệt kê sơ sơ thôi) - tất cả những thứ tôi không cần phải lưu trữ dưới dạng cồng kềnh hơn. Công nghệ là yếu tố giúp lối sống tối giản tiếp tục phát triển; chưa bao giờ việc sở hữu ít đi lại dễ dàng như bây giờ. Nhưng ngày nay, nhiều người cho rằng công nghệ tự động khiến mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn và chỉ đem lại sự thuận tiện mà thôi. Điều này không đúng. Trên thực tế, khi sử dụng công nghệ mà không để tâm, chúng ta thường khiến cuộc sống của mình trở nên bừa bộn thêm. Công nghệ nhanh chóng hút cạn sức lực, thời gian, không gian và tiền bạc của chúng ta. Ai trong số chúng ta chưa từng lãng phí nguyên một buổi chiều để cố gắng thực hiện một việc có vẻ đơn giản bằng máy vi tính?
Khi quyết định mua món mới hay tiếp tục dùng cái cũ, cả ở hiện tại và tương lai, chúng ta cần sử dụng câu hỏi này để làm bộ lọc: “Món đồ này giải quyết được vấn đề gì?”.
Công nghệ vốn nên giúp cho cuộc sống của chúng ta được dễ dàng hơn, giải quyết vấn đề cả ở nhà và ở công sở một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Nhưng nếu các thiết bị công nghệ không giải quyết được những vấn đề cụ thể cho chúng ta, chúng sẽ chỉ gây ra thêm rắc rối.
Loại bỏ sự bừa bộn do cất giữ các thiết bị cũ (cùng với dây nhợ và pin của chúng) mà ta không còn sử dụng nữa thường chỉ là vấn đề dành thời gian để xử lý sao cho phù hợp mà thôi. Hầu hết các nơi đều có những trung tâm tái chế và nhận đồ điện tử.
Nhưng còn những lần mua sắm của chúng ta trong tương lai thì sao?
Thật kém khôn ngoan khi mua một chiếc điện thoại mới chỉ vì có bản nâng cấp, mà bản nâng cấp này lại không cải thiện cuộc sống của bạn một cách rõ rệt. Tương tự đối với máy ảnh, thiết bị giải trí gia đình và máy vi tính. Bạn không cần một chiếc ti-vi có màn hình lớn hơn nếu như bạn có thể xem truyền hình bình thường bằng chiếc ti-vi hiện có. Người ta hiếm khi hối hận vì đã đợi lâu hết mức có thể để nâng cấp thiết bị công nghệ của mình. Bạn không cần xếp hàng mua sản phẩm mới chỉ vì nhà sản xuất nói rằng bạn cần sản phẩm này.
Thay vào đó, việc bạn cần làm là tính tổng chi phí cơ hội của những lần mua sắm của mình. Nếu không mua một món đồ công nghệ, bạn có thể làm gì với số tiền đó? Để trả nợ chăng? Đi nghỉ mát vào dịp cuối tuần? Thay tấm nệm cũ mà bạn dùng còn lâu hơn cả chiếc điện thoại mới nhất của mình?
Hãy bắt đầu tự hỏi liệu công nghệ mới có thật sự cải thiện cuộc sống của bạn không, hay đang khiến bạn xa rời những điều quan trọng.
Gắn bó lâu dài với các thiết bị công nghệ không phải là đặt dấu chấm hết cho một giấc mơ. Đây là khởi đầu để có bước tiến mạnh mẽ hơn về phía những gì bạn mong muốn trong đời.
Chỉ Những Thứ Tốt Nhất
Đối với vợ chồng tôi, việc tinh gọn đồ đạc trong tầng hầm là một trong những bước cuối cùng của quá trình tối giản hóa. Không chỉ vì chúng tôi cất quá nhiều thứ dưới đó (dù đúng là thế thật), mà quan trọng hơn, bước này sẽ là bước chứa đựng nhiều cảm xúc nhất đối với chúng tôi. Nói cho cùng, những thứ đựng trong thùng cất dưới hầm kể lại những câu chuyện về cuộc đời của chúng tôi. Đó là kỷ yếu hồi học phổ thông, giáo trình hồi đại học và những món quà cưới chưa dùng đến. Đó là những hộp đựng giày chứa đầy ảnh và đồ lưu niệm từ những chuyến đi nước ngoài. Đó là những món đồ thủ công gắn liền với rất nhiều ký ức tuổi thơ. Bỏ đi bất kỳ thứ gì trong số đó đều không phải là chuyện dễ dàng.
Quá trình này sẽ mất hàng tháng trời và đòi hỏi ta bỏ ra nhiều tâm sức. Nhưng chúng tôi đã được tôi luyện. Sau khi cắt giảm số đồ đạc ở những nơi khác trong nhà, chúng tôi đã được củng cố niềm tin rằng sở hữu ít đi mới là tốt. Và thế là chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần để vượt qua bài kiểm tra quan trọng nhất: quyết định xem mình sẽ bỏ đi những gì trong số các kỷ vật mà chúng tôi đã tích lũy hai mươi năm nay.
Chúng tôi đặt ra một chiến lược mà tôi gọi là “chỉ những thứ tốt nhất”. Tôi sẽ đề xuất phương pháp này với bất cứ ai đang đau khổ trước viễn cảnh phải bỏ đi một số đồ vật gắn liền với kỷ niệm trong đời. Vợ chồng tôi không từ bỏ mọi thứ, cũng không giữ lại tất cả. Chúng tôi chỉ giữ lại những thứ tốt nhất, tức là những thứ có chất lượng cao nhất và nhiều ý nghĩa nhất, những vật dụng gợi nhớ đến thời quá khứ và những người thân yêu. Sau đó, thay vì giữ những vật dụng đặc biệt ấy trong thùng, chúng tôi tìm chỗ trưng bày chúng trong nhà, đặt chúng trong tầm mắt. Làm vậy, tâm trí chúng tôi được trở về với những ký ức thân thương thường xuyên hơn.
Để tôi cho bạn một ví dụ minh họa.
Đối với Kim, một trong những khoảnh khắc xúc động nhất trong quá trình phân loại đồ đạc dưới tầng hầm là lúc vợ chồng tôi mở đến chiếc thùng đựng những kỷ vật được Kim thu thập từ căn hộ của bà nội Irene thương yêu của cô ấy sau khi bà qua đời. Bà là người hùng trong lòng Kim. Vợ tôi kính trọng bà vì bà là người yêu đời, yêu thương gia đình, nhiệt tình cầu nguyện thành kính với Chúa. Thế nên đối với Kim, những kỷ vật trong thùng là rất quý. Nhưng chúng tôi vẫn áp dụng tiêu chí “chỉ những thứ tốt nhất” như những trường hợp khác.
Kim chọn ba vật dụng trong thùng mà theo cô ấy là tiêu biểu nhất cho cuộc đời của bà Irene. Cô ấy chọn một chiếc đĩa đựng kẹo, hiện được đặt trong phòng khách để đựng đồ ngọt tiếp khách, cũng như cách mà bà cô ấy đã dùng. Cô ấy lựa một chiếc ghim cài áo hình con bướm để cài trên áo khoác, giống như bà Irene thường đeo mỗi lần ghé chơi nhà. Và cô ấy giữ lại cuốn Kinh Thánh của bà, hiện được đặt trên chiếc bàn đầu giường của chúng tôi, cũng chính là nơi bà cô ấy từng đặt.
Khi lọc lại số kỷ vật của bà Irene, chúng tôi khiến cho ký ức về bà có giá trị hơn trước. Quan trọng hơn, chúng tôi đề cao các giá trị mà bà có, cũng như các giá trị mà chúng tôi muốn phản ánh. Nhờ chọn ra những thứ quan trọng nhất từ những thứ không quan trọng bằng, di sản bà để lại trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Bạn đã thấy chiến lược “chỉ những thứ tốt nhất” có thể giúp mình quyết định phải xử lý những kỷ vật mình đang lưu trữ như thế nào chưa?
Nếu bạn vẫn thấy khó từ bỏ một số kỷ vật của mình, để tôi đưa ra một vài bí quyết giúp việc đó dễ dàng hơn. Hãy xem đây là những trạm dừng chân trên con đường giữ lại những thứ tốt nhất.
Bí quyết: Tạm thời thử giữ lại một nửa số kỷ vật
Nếu bỏ bớt số kỷ vật đang có là một việc khó khăn đối với bạn, hãy thử giới hạn số kỷ vật xuống còn một nửa số lượng hiện tại xem sao. Ví dụ, nếu bạn có hai thùng đựng kỷ vật thời cấp ba, bạn có thể giảm xuống còn một thùng không?
Từ bỏ một nửa tốt hơn nhiều so với chẳng từ bỏ thứ gì. Tự đặt ra giới hạn cho bản thân kiểu thế này thường giúp ta nhanh chóng nhận ra vật dụng nào có ý nghĩa nhất đối với mình. Dần dần, bạn có thể thấy việc cắt giảm bớt đồ đạc và chỉ giữ lại những thứ có giá trị nhất cũng dễ dàng hơn.
Bí quyết: Chụp hình lại trước khi bỏ
Bạn có giữ một số kỷ vật vì sợ mình sẽ nhớ đến chúng hay không? Nếu là vậy, bạn có thể giải quyết bằng cách lưu trữ ảnh kỹ thuật số của một số vật dụng trước khi loại bỏ chúng. Thế là bây giờ bạn đã có dữ liệu về chúng, chúng không hề biến mất hoàn toàn.
Hãy nhớ, ký ức của bạn không được lưu giữ trong đồ vật, mà là trong đầu bạn. Đồ vật chỉ giúp bạn nhớ đến ký ức ấy mà thôi. Vì vậy, một tấm ảnh cũng có thể có tác dụng như một đồ vật hữu hình.
Một số người có thể phản đối bí quyết này vì chụp hình cũng tạo ra những thứ khác ta phải lưu trữ, đó là ảnh chụp. Và đúng là thế, như tôi đã nói về sách điện tử, sự bừa bộn về dữ liệu cũng là bừa bộn. Nhưng nếu được sắp xếp hợp lý, dữ liệu bừa bộn có tính xâm chiếm thấp hơn nhiều và cũng ít phiền phức hơn là đồ đạc bừa bộn. Dữ liệu dễ di chuyển, dễ quản lý, dễ định vị và dễ tiếp cận hơn.
Vậy nên cứ chụp hình cái rương hỏng mà bà cố bạn từng mang lên tàu hơi nước, sợi dây chuyền rẻ tiền mà người chồng tương lai tặng bạn làm món quà đầu tiên, hay bức tranh đầu tiên con bạn vẽ được. Có thể tấm ảnh cũng sẽ gợi nhớ đến kỷ niệm một cách hiệu quả như bản thân vật dụng được chụp lại trong đó vậy.
Bí quyết: Để món đồ đó có một cuộc đời mới
Nếu bạn đang cất giữ những kỷ vật là những món đồ người khác có thể dùng được, hãy tôn vinh kỷ niệm của mình bằng cách để cho những vật dụng ấy có được cuộc đời mới. Hãy trao tặng món đồ đó sao cho bạn có thể yên tâm rằng những vật dụng này sẽ đem lại kỷ niệm mới cho người nhận.
Ví dụ hoàn hảo cho trường hợp này là đồ em bé.
Tôi thấy các bậc phụ huynh hay gặp khó khăn trong việc dọn dẹp quần áo, đồ chơi và các vật dụng em bé đủ loại mà con mình từng dùng. Điều này cũng dễ hiểu thôi. Những món đồ này chứa đựng kỷ niệm quý báu về những năm tháng ấu thơ không thể quay trở lại.
Bạn có thể giữ lại “những thứ tốt nhất”, chẳng hạn như chiếc áo choàng trong lễ rửa tội. Nhưng chắc chắn là bạn không cần giữ từng cái trống lắc, yếm dãi hay giày em bé. Cuộc đời bạn đã bước sang một giai đoạn mới, và bạn đang tạo nên những kỷ niệm mới cùng con cái.
Bên cạnh đó, có rất nhiều người vừa mới làm mẹ (cả mẹ đơn thân lẫn những bà mẹ đã kết hôn) sẽ vui sướng nếu nhận được những bộ quần áo cho trẻ sơ sinh và đủ loại đồ dùng cá nhân của em bé. Vì sao ta phải giữ lại những vật dụng ấy và giấu niềm vui cho riêng mình? Chẳng phải sẽ vui hơn khi biết những bộ quần áo đó sẽ được sử dụng ở một nơi khác, để tô điểm cho một đứa bé đáng yêu đang rúc vào lòng mẹ hay sao?
Khi bạn trao tặng ai đó một thứ thật ý nghĩa, và người đó cũng trân trọng nó hệt như bạn, thì…
Người nhận sẽ rất vui sướng.
Bạn cũng sẽ rất vui sướng.
Và món đồ được trao tặng sẽ có một cuộc đời mới.
Chúng ta cất giữ kỷ vật vì chúng gợi nhớ đến những gì đem lại niềm vui và ý nghĩa cho cuộc đời ta: những người xung quanh ta, những trải nghiệm ta chia sẻ với nhau cũng như những thành tựu và sự tiến bộ mình đạt được. Không may thay, thường thì những món đồ ta tích cóp khiến ta phải gánh vác áp lực, trách nhiệm chăm nom và nghĩa vụ tài chính không cần thiết. Thế nên đừng chần chừ gì nữa, hãy chỉ giữ lại những thứ tốt nhất trong số các kỷ vật của bạn thôi. Bạn không thể có được những trải nghiệm và mối quan hệ mới nếu mãi bận rộn lưu giữ những thứ của ngày hôm qua.
Và bây giờ tôi muốn bạn chú ý đến hai phương diện mà có lẽ bạn chưa từng nghĩ phải tối giản hóa, nhưng bạn nên làm thế. Cụ thể là chiếc xe bạn đang lái và ngôi nhà bạn đang sinh sống. Chúng ta đang nói đến những món đồ có giá trị lớn. Cùng với một số phương án hiệu quả cao để từ bỏ một giấc mộng không có kết quả và sống tốt hơn trong hiện thực.
Niềm Tự Hào Lúc Lái Xe
Trong xã hội này, người ta (không phải tất cả, nhưng phần đông) bị ám ảnh về xe ô-tô. Ở một mức độ nào đó, sự hứng thú của chúng ta với xe ô-tô cũng hợp lý. Các thành phố và thị trấn của chúng ta được xây dựng theo cách buộc ta phải dùng xe để di chuyển. Nhưng đam mê mà chúng ta dành cho những chiếc xe đã vượt quá nhu cầu. Với chúng ta, chiếc xe không chỉ đại diện cho một phương tiện để đi từ điểm A đến điểm B.
Thông thường, người mua xe hoặc quan tâm đến địa vị và danh tiếng hoặc quan tâm đến kích cỡ và sự thoải mái. Chúng ta muốn chứng tỏ mình thành công bằng chiếc xe mình đi. Tôi thấy có thể còn những lý do khác khiến ta chọn chiếc xe nào đó - hoài niệm, đam mê tốc độ, ưa thích công nghệ ô-tô mới nhất, nỗ lực hàn gắn vết thương lòng nào đó. Nhưng phần lớn là để tự hào về chiếc xe mình đi.
Số liệu về tình hình sử dụng và chi phí dành cho xe cộ củng cố lập luận rằng ô-tô không chỉ là phương tiện để đi từ nơi này sang nơi khác nữa. Theo Hiệp hội Ô-tô Mỹ, chi phí thường niên trung bình để sở hữu một chiếc xe vào năm 2014 là 8.698 đô-la. Đối với những người đi xe SUV, chi phí lên đến 10.624 đô-la. Bình quân, chi phí sở hữu và vận hành xe ô tô đứng thứ hai trong số những chi phí sinh hoạt đáng kể nhất (sau chi phí mua nhà), chiếm 15% thu nhập thường niên. Mức vay bình quân để mua xe mới là trên 27.000 đô-la, còn vay để mua xe cũ thì trung bình gần 18.000 đô-la. Nhưng người Mỹ chúng tôi vẫn muốn có xe xịn.
Mấy năm trước, tôi phát biểu tại một sự kiện ở thành phố Phoenix về đề tài theo đuổi lối sống tối giản. Sau đó, một thanh niên đi đến chỗ tôi và trình bày tình thế tiến thoái lưỡng nan của mình.
“Joshua, tôi đồng ý với mọi điều anh nói. Thật ra, cuộc sống của tôi đã được tối giản kha khá rồi. Nhưng tôi chỉ có một câu hỏi thôi. Thật lòng tôi thích sở hữu một chiếc xe tốt. Ý tôi là, tôi thật sự muốn sở hữu một chiếc xe tốt khi có thể. Như vậy có sai không?”
Khi anh ấy nói, tôi nhớ đến một câu trong bài báo của Harvey Mackay mà tôi đã lặp lại nhiều lần: “Nếu có thể mua một chiếc xe xịn thì bạn có thể tạo ra tác động lớn hơn khi lái một chiếc xe bình thường”.
Tôi lý giải câu nói của Mackay thế này: dù bạn có thể chi 60.000 đô-la mua một chiếc xe sang để lái lòng vòng trong thành phố, tốt hơn là bạn nên chi 30.000 đô-la mua một chiếc xe khiêm tốn hơn nhưng chạy vẫn ổn, và dùng 30.000 đô-la còn lại để giải quyết một vấn đề thực tế nào đó trên đời này. Rốt cuộc, mua chiếc xe 30.000 đô-la quả thật đem lại niềm vui to lớn hơn và sự mãn nguyện dài lâu hơn.
Tôi đã đề nghị anh thanh niên đó cân nhắc một điều, đó là anh ấy có thể dùng thời gian và tiền bạc của mình vào những mưu cầu khác có giá trị cao hơn so với một chiếc xe xịn. Tôi không rõ rốt cuộc anh ấy quyết định thế nào. Anh ấy đang đấu tranh để thay đổi suy nghĩ về việc sở hữu xe, và tôi cũng khuyên bạn nên làm thế.
Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, trừ khi nơi bạn sống có hạ tầng giao thông công cộng thuận tiện, còn không thì bạn sẽ cần có một chiếc xe. Và tôi khuyên bạn nên mua dòng xe tốt của một nhà sản xuất có tiếng. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên sở hữu một chiếc xe mà đội ngũ marketing của hãng xe đó thuyết phục rằng bạn cần sở hữu nó. Bạn nên sở hữu một chiếc xe đáng tin cậy, đem lại cho bạn sự tự do và điều kiện cần thiết để đạt được các thành tựu lớn lao hơn.
Nói về xe ô-tô, việc chọn chiếc xe bình dân hơn thật sự có thể là một bước tiến cao hơn nếu nhờ vậy bạn có thể theo đuổi những điều quan trọng hơn. Trong trường hợp đó, bạn có thể thấy tự hào theo một kiểu khác trong lúc lái chiếc xe của mình.
Lâu Đài Giảm Giá
Cũng giống với việc người ta thường có khuynh hướng mua chiếc xe cao cấp và đắt đỏ hơn mức cần thiết, người ta cũng thích mua nhà lớn hơn nhiều so với nhu cầu của mình.
Sống trong một căn nhà nhỏ có mang lại nhiều lợi ích hơn sống trong một căn nhà to không? Hãy cùng xem xét vấn đề này.
Người ta mua nhà lớn hơn vì một số lý do. Chẳng hạn như căn nhà nhỏ “không vừa” với họ nữa. Hay họ bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn. Hoặc nhân viên môi giới nhà đất hay nhân viên tín dụng thuyết phục họ rằng họ đủ sức chi trả cho căn nhà. Họ hy vọng có thể gây ấn tượng với người khác. Hoặc là họ nghĩ căn nhà lớn hơn chính là “căn nhà trong mơ” của mình.
Một lý do khác khiến người ta cứ tiếp tục mua nhà ngày càng lớn hơn là vì chẳng ai bảo họ đừng làm thế cả. Câu thần chú của xã hội chúng ta lại một lần nữa vang lên: Mua càng nhiều, càng hoành tráng càng tốt, vì đây là những việc ta vốn nên làm khi kiếm được tiền.
Chẳng ai khuyến khích ta theo đuổi những thứ nhỏ bé cả. Và chẳng ai vạch ra các lý do vì sao trên thực tế ta có thể được hạnh phúc hơn khi sống trong một căn nhà nhỏ hơn. Nhưng có nhiều lý do để ta sống trong một căn nhà nhỏ hơn.
Nhà nhỏ dễ chăm nom hơn. Bất cứ ai có một căn nhà đều biết lượng thời gian, năng lượng và công sức phải bỏ ra để chăm nom nhà cửa tỷ lệ thuận với diện tích căn nhà. Vì vậy nhà nhỏ hơn thì bạn cũng bớt mất thời gian và công sức hơn.
Nhà nhỏ ít tốn kém hơn. Chi phí sắm sửa và duy tu (bảo hiểm, thuế, hệ thống sưởi, hệ thống làm mát, điện, v.v.) của những căn nhà nhỏ đều thấp hơn. Nhờ vậy mà ta tiết kiệm được nhiều tiền hơn để chi cho các khoản khác. Kết quả là ta ít phải nợ nần hơn, không phải chịu nhiều rủi ro, bớt căng thẳng, ít gây tác động đến môi trường và đỡ sa đà vào đam mê tích cóp của cải vật chất.
Không gian sống nhỏ hơn giúp cả gia đình thêm gắn bó. Các thành viên trong gia đình sẽ giao tiếp với nhau nhiều hơn khi sống trong nhà nhỏ. Và quây quần bên nhau là chuyện tốt mà đúng không?
Nhà nhỏ dễ bán hơn. Đó là vì nhà nhỏ phù hợp với túi tiền của đa số người mua nhà tiềm năng. Và khi cần chuyển nhà, việc có thể bán nhà nhanh chóng sẽ loại bỏ một trong những yếu tố hàng đầu gây căng thẳng khi sở hữu một căn nhà.
Khi chuyển từ Vermont đến Arizona, gia đình tôi cần bán căn nhà cũ và mua một căn mới. Thị trường nhà đất giữa hai nơi có sự khác biệt đáng kể, và chúng tôi có thể dễ dàng tậu một căn nhà lớn hơn mà vẫn giảm bớt được số tiền trả góp hàng tháng. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện mua một căn nhà lớn hơn cả. Thay vào đó, chúng tôi háo hức mong chờ được dọn vào ở trong một căn nhà nhỏ hơn.
Chúng tôi vẫn có những tiêu chí dành cho căn nhà mới. Nhỏ hơn không phải là mục tiêu duy nhất. Nhà mới phải có đặc điểm phù hợp với gia đình trẻ này và đề cao các giá trị của chúng tôi. Danh sách những tiêu chí không chấp nhận thương lượng của chúng tôi là phải có ba phòng ngủ, một phòng ăn, một phòng sinh hoạt chung thích hợp để giải trí, có không gian đẹp ngoài trời, thuộc một học khu chất lượng nằm trong một khu vực tuyệt vời, và được xây dựng với chất lượng cao.
Chúng tôi vô cùng sung sướng khi tìm được một căn nhà hoàn toàn phù hợp với mong muốn của mình. Diện tích nhà ở của chúng tôi giảm đi 30%, từ bốn tầng xuống còn một. Chúng tôi giảm mức vay thế chấp gần 50%; ưu tiên chất lượng hơn là số lượng (đây lúc nào cũng là lựa chọn khôn ngoan); loại bỏ nỗi lo âu cố hữu của gánh nặng trả góp hàng tháng; tìm được một căn nhà có tất cả các phòng đều được sử dụng hàng ngày; và chúng tôi yêu mến từng tấc của căn nhà mới.
Mua nhà là một quyết định cá nhân đòi hỏi bạn phải cân nhắc rất nhiều yếu tố, và tôi không thể liệt kê từng cái được. Chỉ có bạn mới biết hết mọi biến số tác động đến lựa chọn của mình. Nhưng tôi cho bạn một lời khuyên chung thế này: hãy chọn nhà dựa trên nhu cầu của mình, chứ không phải căn nhà mà người môi giới nhà đất nói là bạn đủ sức chi trả. Hãy chọn phương án đem lại sự thoải mái, chứ không phải gánh nặng.
Tôi không nói bạn phải mua một căn nhà nhỏ hơn. Tôi chỉ nghĩ bạn sẽ hạnh phúc hơn nếu làm như thế. Ít ra đó là trường hợp của gia đình tôi.
Đừng Bỏ Cuộc
Sách vở, giấy tờ, thiết bị công nghệ, kỷ vật, xe ô-tô và nhà cửa rõ ràng là những khu vực khó tối giản nhất. Ta nghĩ mình có lý do chính đáng để giữ lại những thứ mình có trong những khu vực này. Ta tự hỏi, nếu mình bỏ chúng đi, liệu có phải mình đang từ bỏ thứ gì đó quan trọng hay không?
Sự thật là chúng ta sẽ từ bỏ thứ gì đó quan trọng nếu không nỗ lực tối giản hóa các khu vực trên. Ta sẽ từ bỏ quyền tự do được sống trọn vẹn theo cách mình muốn. Đó là một ước mơ chân chính, và ước mơ này xứng đáng với bất cứ hy sinh nào.
Vậy nên lời cuối cùng tôi muốn nói với bạn khi phải đối mặt với những thời điểm khó khăn trong công cuộc tinh gọn đồ đạc là “đừng bỏ cuộc”.
Nhiều năm trước, tôi suýt từ bỏ việc viết về lối sống tối giản. Tôi đã viết blog được gần một năm và thấy trang web tiến triển, nhưng không có gì quá phấn khởi. Và thế là vào tháng Hai năm 2009, tôi gác bút. Không hẳn là tôi ôm tâm trạng “Chẳng ai thèm đọc blog của mình cả, bỏ thôi!”. Đúng hơn là có những thứ khác bắt đầu gây cản trở. Tôi gạt việc viết blog sang một bên và không dành thời gian cho nó nữa. Blog của tôi rất có thể đã chìm vào quên lãng trên mạng nếu không có một đoạn quảng cáo trên đài truyền thanh, phát sóng tối ngày 3 tháng Ba năm 2009.
Trong lúc lái xe đến Massachusetts để tham dự một hội nghị, tôi mở đài và nghe được một thông báo rằng có một cửa hàng nội thất đang thu gom trang phục dự tiệc cũ để quyên tặng cho các thanh thiếu niên không đủ khả năng mua sắm. Tôi nghĩ ý tưởng đó thật tuyệt vời. Tôi vẫn còn cảm động khi nghĩ đến cảnh những cô nữ sinh không có điều kiện được tặng váy đầm đẹp để dự buổi dạ vũ cuối cấp.
Thế là tôi quay lại với blog của mình, viết một bài ngắn với nội dung khuyến khích mọi người quyên tặng trang phục dạ tiệc cũ. Đó là bài đăng đầu tiên của tôi sau nhiều tuần lễ.
Chỉ trong tích tắc sau khi đăng bài, Christy bình luận (tôi chưa gặp cô ấy bao giờ): “Quay lại đi, Josh”. Cô ấy đã theo dõi từ khi blog của tôi mới thành lập chưa được bao lâu, tìm được cảm hứng từ các ý tưởng trên đó và bây giờ cô ấy đang khích lệ tôi tiếp tục viết.
Bình luận của cô ấy rất ngắn, chỉ vỏn vẹn bốn từ. Nhưng bình luận ấy đủ sức khích lệ tôi viết và đăng bài về lối sống tối giản lên trang blog. Tôi quyết định duy trì việc này. Tôi rất mừng mình đã làm vậy, vì tôi nhận thấy viết và phát biểu về những niềm vui mà lối sống tối giản mang lại là một phần trong mục đích sống và sứ mệnh của mình.
Tôi biết chủ nghĩa tối giản đôi khi rất khó theo đuổi. Tinh gọn đồ đạc trong nhà vừa khiến bạn kiệt quệ thể lực, vừa mệt mỏi tinh thần. Một đống việc khác có thể phát sinh - và bạn có thể dễ dàng gác việc theo đuổi lối sống tối giản qua một bên.
Nhưng những bài học quan trọng nhất trong cuộc sống đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Ít ai làm được ngay lần đầu tiên.
Những lúc bạn muốn bỏ cuộc, hãy vận dụng tính kiên trì. Bởi vì bạn sẽ không bao giờ phát huy được toàn bộ tiềm năng của mình nếu không học được cách vượt qua sự chán nản, dù tình huống của bạn có khó khăn đến đâu đi nữa.
Để tôi khích lệ bạn một chút: Bạn có thể làm được! Tôi biết bạn có thể. Tôi đã thấy nhiều người đến từ mọi nẻo đường đời thành công trong hành trình này.
Để giúp bạn tiếp tục tiến lên và thành công, trong chương sau tôi muốn chia sẻ với bạn một công cụ hỗ trợ bạn đưa ra những lựa chọn khó khăn: một thử nghiệm để đánh giá xem bạn có thể sống thiếu một thứ nào đó hay không.