9
Duy Trì Lối Sống Tối Giản
Nếu bạn vừa đọc quyển sách này vừa thực hiện theo các lời khuyên của tôi, hẳn bạn đã bắt đầu quá trình tối giản hóa của mình bằng cách làm những việc dễ trước, đó là dẹp bỏ những món đồ mà rõ ràng mình không cần. Sau đó bạn tiếp tục “tấn công” vào những khu vực khó xử lý hơn trong nhà, từng phòng một. Trong quá trình đó, bạn cải thiện kỹ năng thực hiện thử nghiệm của mình bằng cách sống thiếu một thứ gì đó để xác định xem mình có thật sự cần nó hay không.
Cuối cùng, bạn đạt đến một cột mốc nhất định, ở đó lượng đồ đạc của bạn giảm xuống một con số phù hợp, mức độ sống tối giản ấy cho phép bạn tối đa hóa những giá trị quan trọng trong đời mình.
Điều đó thật tuyệt vời.
Nhưng bạn sẽ duy trì hiện trạng đó bằng cách nào? Bạn làm sao để ngăn đống bừa bộn quay lại?
Tôi có câu trả lời cho bạn: hãy đồng thời hình thành các thói quen có thể giúp bạn giữ vững thành quả của mình.
Khi người ta cố thay đổi các thói quen xấu trên bất kỳ phương diện nào trong cuộc sống, lời khuyên khôn ngoan là đừng chỉ từ bỏ thói quen có hại, mà hãy thay thế nó bằng những hành vi hữu ích hơn. Ví dụ, những người cố cai thuốc lá thường sẽ chuyển sang nhai kẹo cao su. Nếu không tăng cường hành vi thay thế này, có thể họ sẽ quay lại với thuốc lá khi cơn nghiện nicotin trỗi dậy.
Thiên nhiên không thích sự trống rỗng. Sẽ luôn có thứ gì đó nhanh chóng lấp đầy khoảng trống. Bản tính con người cũng vậy.
Nếu bạn không muốn lấp đầy đồ đạc vào các khoảng trống mà bạn mới dọn dẹp được trong nhà, hãy hình thành các thói quen không chỉ có khả năng đưa bạn đến được nơi mình muốn thông qua lối sống tối giản, mà còn giúp bạn đứng vững ở đó nữa. Tựa như người ăn kiêng đã đạt được cân nặng mong muốn, hãy thiết lập một chương trình duy trì nhằm giữ vững lối sống tối giản.
Tôi muốn đề xuất năm thói quen mà ai cũng có thể đón nhận để củng cố các lợi ích của chủ nghĩa tối giản. Tôi sẽ hướng dẫn bạn:
những quy trình hàng ngày và hàng tuần có thể giữ cho nhà bạn được sạch sẽ;
một phương pháp chắc chắn nhằm phá vỡ sức ảnh hưởng của các cửa hàng đối với bạn;
một thay đổi hữu ích nhất mà bạn có thể làm trong lúc rảnh rỗi;
cách xử lý những dịp nguy hiểm như Giáng sinh, sinh nhật và những dịp lễ lạc đi kèm quà tặng khác; và
cách lật ngược tình thế và xem xét những gì bạn đang sở hữu từ một góc nhìn khác.
Tôi sẽ bắt đầu với mười thói quen dễ làm và hữu ích nhất mà bạn có thể đưa vào thời gian biểu của mình để ngày nào nhà bạn cũng là một thiên đường an bình và trật tự. Đó là những thói quen thường nhật của gia đình tôi. Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng chúng sẽ có hiệu quả.
Công Phá Sự Bừa Bộn
Có những người thấy choáng ngợp trước đống bừa bộn trong nhà và nghĩ giải pháp là sử dụng thùng chứa và các dụng cụ lưu giữ đồ đạc khác. Tôi từng bác bỏ quan niệm sai lầm ấy trong Chương 2, nhưng vẫn còn một quan niệm sai lầm khác, đó là nghĩ rằng dọn dẹp sẽ giải quyết được vấn đề. Họ cứ nghĩ chỉ cần dọn dẹp đống bừa bộn, để đồ đạc lại vị trí ban đầu là đã giải quyết được tình hình.
Trên thực tế, dọn dẹp thôi chưa đủ để giúp chúng ta thoát khỏi gánh nặng mà đồ gia dụng gây ra. Muốn giải quyết được gốc rễ vấn đề, chúng ta phải tối thiểu hóa - thật sự cắt giảm lượng đồ đạc trong nhà mình. Chúng ta phải sở hữu ít đi.
Tuy nhiên, một khi đã tối giản theo cách mình muốn, việc dọn dẹp có thể giúp bạn duy trì thành quả.
Bí quyết là đưa thói quen dọn dẹp vào quy trình hàng ngày, để sự bừa bộn không bao giờ có cơ hội quay lại. Bạn sẽ thấy việc dọn dẹp cũng không đến nỗi khó khăn hay nặng nhọc. Nói cho cùng, nếu bạn đã tối giản rồi thì chẳng còn bao nhiêu thứ cần cất giữ nữa. Mỗi vật dụng đều có mục đích riêng và có nơi để phù hợp.
1. Dọn giường mỗi sáng. Đống bừa bộn sẽ ngày một bừa bộn thêm. Phòng ngủ là một ví dụ điển hình. Chiếc giường của bạn là tâm điểm của phòng ngủ, và nếu bạn bỏ mặc không dọn, đồ đạc sẽ bắt đầu tích tụ lộn xộn quanh giường. Khi dọn dẹp phòng ngủ, bước đầu tiên và hiệu quả nhất là phải dọn giường. Và bước đầu tiên và hiệu quả nhất để cuộc sống hàng ngày được ngăn nắp là mỗi sáng phải dọn giường trước tiên.
2. Rửa chén ngay. Rửa ít chén đĩa bằng tay thì đỡ mất thời giờ hơn là cho chúng vào máy rửa chén. Nguyên lý này cũng áp dụng cho ly tách, tô ăn sáng, đĩa ăn tối và dao nĩa. Nếu tự rửa chén ngay sau khi ăn xong, bạn sẽ chẳng mất bao nhiêu thời gian cả. Tuy nhiên, nếu việc tự rửa chén là không khả thi, hãy đảm bảo bạn sẽ cho chén đĩa vừa sử dụng vào máy rửa chén ngay lập tức. Chẳng ai thích bước vào một gian bếp có chén đĩa chồng chất trong bồn rửa hay trên bàn bếp cả, và ngồi ăn trong một gian bếp như vậy thật sự căng thẳng.
3. Đổ đầy thùng rác. Hãy xem ngày đổ rác là cái cớ để đổ đầy thùng rác và thùng đựng rác tái chế của bạn. Hãy vơ lấy thùng đồ ve chai trên gác xép, mớ đồ chơi hỏng trong phòng của các con, thực phẩm hư hỏng trong tủ bếp, tài liệu quá hạn trong phòng làm việc, bất cứ thứ gì đang chất đống. Sau đó hãy đem chúng đến chỗ bỏ rác. Bạn sẽ chóng quen với việc này. Có khi bạn còn mong đợi đến ngày đổ rác nữa ấy chứ. (Được rồi, có lẽ tôi không nên đi quá xa.)
4. Luôn chừa chỗ để treo áo khoác. Có một nguyên nhân giải thích vì sao áo khoác, ủng và áo choàng cứ vương vãi khắp nhà. Đó là vì tủ treo áo khoác của bạn đã quá đầy, đến mức cất đồ vào trong tủ hoặc lấy đồ ra khỏi tủ một cách nhanh chóng là cả một sự phiền toái. Thế nên hãy chừa chỗ trống dưới đáy tủ treo áo khoác, trên giá treo đồ và trên những kệ đồ dành cho các thành viên trong nhà, để có thể nhanh chóng cất đồ hoặc lấy đồ.
5. Giữ các mặt phẳng được gọn gàng. Bàn bếp, bàn lavabo, tủ đồ trong phòng ngủ, mặt bàn, bàn làm việc… là những nơi dễ trở nên bừa bộn. Hãy cất đồ dùng nhà bếp có kích thước nhỏ đi. Nhặt và cất tiền xu vương vãi. Lưu trữ biên lai. Cho đồ dùng tắm rửa vào trong tủ đựng. Hãy để mắt đến các mặt phẳng trong nhà và can thiệp khi cần để giữ chúng được ngăn nắp.
6. Hoàn thành ngay những việc chỉ tốn một hai phút để làm. Bừa bộn thường là kết quả của sự chần chừ, những quyết định bị trì hoãn hoặc những việc vặt còn dang dở. Hãy đối phó với sự chần chừ trong nhà bằng quy tắc đơn giản sau: nếu có việc gì có thể hoàn thành trong vòng hai phút trở xuống, hãy làm ngay. Đổ rác, cọ rửa ấm nước, để điều khiển từ xa lại chỗ cũ hoặc cho quần áo bẩn vào sọt. Mỗi lần hoàn thành rốt ráo một việc nào đó, bạn đã chặn đứng quá trình phát triển của đống bừa bộn rồi đấy.
7. Khi đọc xong một tờ báo hay tạp chí, hãy xử lý nó ngay. Trong đó có công thức món ngon à? Vậy cho vào hộp đựng công thức và bỏ phần còn lại vào thùng đựng rác tái chế. Có một bài báo mà có lẽ chồng bạn sẽ thích đọc? Vậy cắt mẩu báo đó ra và bỏ phần còn lại vào thùng đựng rác tái chế. Có mấy phiếu giảm giá quá sức hời mà không thể bỏ qua? Vậy cắt nó ra và bỏ phần còn lại vào thùng đựng rác tái chế. Những chồng báo và tạp chí chẳng được ích gì ngoài việc khiến nhà bạn bừa bộn.
8. Vứt ngay thư rác vào thùng đựng rác tái chế. Hãy để ý đến trình tự lưu thông thư từ bình thường trong nhà. Một chiếc thùng đựng rác tái chế đặt gần chỗ bỏ thư có thể đón lấy hầu hết thư rác, không để chúng mon men lên bàn. Và còn một cái lợi nữa, đó là dần dà bạn sẽ bớt liếc mắt đến thư rác, nhờ đó đỡ bị mấy tờ quảng cáo dụ dỗ mua những thứ mình không cần.
9. Xử lý quần áo ngay lập tức. Nói đến quần áo, trước kia tôi hay vứt bừa quần áo trên sàn. Giờ đây, tôi xử lý từng món trang phục ngay khi vừa thay ra. Quần áo bẩn thì cho vào máy giặt. Quần áo sạch thì đem treo lại lên giá hoặc cho vào ngăn kéo. Thế thôi.
10. Hàng đêm, hãy cất đồ đạc lại vị trí vốn có của chúng. Hãy bảo các con cất đồ chơi vào cuối ngày. Bạn cũng phải làm điều tương tự với những vật dụng thuộc trách nhiệm của mình. Chỉ cần lướt quanh nhà một vòng, vơ lấy bất cứ thứ gì bạn thấy đang nằm sai chỗ và cất chúng về chỗ cũ. Hãy làm vậy hàng đêm, không sót hôm nào, thế thì mỗi sáng bạn sẽ bắt đầu ngày mới trong một căn nhà thoáng đãng, sạch sẽ và gọn gàng.
Tiếp theo, để khỏi phải dọn dẹp nhiều hơn mức cần thiết, hãy dựng lên một rào cản trên tuyến đường ngắn nhất đưa bạn đến thói tiêu dùng quá trớn: con đường dẫn đến cửa hàng ưa thích của bạn.
Để Chiếc Ví Được Nghỉ Ngơi
Sarah Peck đang chật vật tìm cách thoát nợ. Cô tốt nghiệp ngành kiến trúc của một trường đại học thuộc nhóm Ivy League danh giá, nhưng với công việc dành cho người mới tốt nghiệp và tiền thuê nhà đắt đỏ tại San Francisco, cứ cuối tháng là Sarah chỉ còn vài đô-la trong túi.
Hơn nữa, cô còn chán nản vì mình và bạn bè phải chi rất nhiều tiền để duy trì hình tượng trong một xã hội coi trọng vẻ bề ngoài.
Sarah chia sẻ: “Nghĩ lại, tôi nhận ra những bộ cánh trị giá bốn trăm đô-la như những bộ được đăng trên trang bìa tạp chí có thể dồn lại thành một khoản tiền to. Nếu mỗi ngày ta phải mặc một bộ trang phục mới trong một tháng liền, thế là phải mất mười hai ngàn đô-la chỉ để sắm quần áo. Có lẽ anh nghĩ tôi đang đùa, nhưng tôi biết có những người đang nợ thẻ tín dụng từ hai mươi đến ba mươi ngàn đô-la chỉ vì mua sắm quần áo. Sức ép của việc duy trì hình tượng đối với phái nữ có thể rất khủng khiếp”.
Thế là trong suốt cả năm, Sarah tinh gọn tủ quần áo của mình và giảm xuống chỉ còn một vài món đồ ưa thích. Cô đi đến hội từ thiện hơn hai mươi chuyến, mang theo những bao quần áo và những đôi giày hơi cũ mà mình không cần nữa.
Không chỉ vậy, cô còn quyết định ngừng mua sắm quần áo mới trong cả một năm. Đây không phải là một thử nghiệm tương tự như những thử nghiệm được đề cập trong chương trước. Sarah hoàn toàn tin tưởng mình có thể sống mà không cần đến quần áo mới trong một năm. Thay vào đó, đây là cách cô cố gắng xóa bỏ triệt để thói quen mua sắm quần áo của mình trước kia và hình thành những thói quen mua sắm lành mạnh hơn, có trách nhiệm hơn.
Đương nhiên, giai đoạn không sắm sửa quần áo đã thay đổi quan điểm của cô về cuộc sống. Điều này giúp cô củng cố cam kết gắn bó với chủ nghĩa tối giản.
Cô kể lại: “Nhờ không mua quần áo mới, tôi bắt đầu cảm thấy mạnh mẽ lên. Đây là cuộc sống của tôi và tôi có thể sống theo cách mình muốn. Tôi bắt đầu có dư tiền vào cuối tháng. Tôi có được sự tự do mới để dùng món tiền đó (và cả thời gian nữa) cho những thứ mình thật sự mong muốn trong cuộc sống. Tôi có điều kiện để dành thời gian bên bạn bè và tham gia các hoạt động điền kinh, những việc mà tôi cực kỳ yêu thích”.
Thời kỳ ngừng mua sắm quần áo kéo dài mười hai tháng của Sarah Peck đã thay đổi toàn bộ quan điểm của cô về những gì quan trọng nhất trong đời. Tôi biết một số người đã thực hiện những cam kết không mua sắm theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, Katy Wolk-Stanley quyết định không mua bất cứ món đồ mới nào (trừ đồ lót và thực phẩm) và đến nay cô đã sống như thế được hơn tám năm. Assya Barrette không mua sắm gì mới trong suốt hai trăm ngày. Cait Flanders không mua gì trong suốt một năm, trừ hàng tạp phẩm và tiêu dùng; thậm chí trong thử nghiệm của mình, cô còn từ chối mua cà phê mang đi. Nói đến thực phẩm, Jeff Shinabarger và vợ từng có lần không mua tí thực phẩm nào trong bảy tuần liền (trừ sữa), thay vào đó họ muốn xem thử số thực phẩm có sẵn trong nhà có thể đủ ăn trong bao lâu. Điều này làm thay đổi vĩnh viễn thói quen mua hàng của vợ chồng họ.
Khi nói chuyện với những người đến từ khắp nơi trên đất nước, tôi nhận thấy việc tự cấm bản thân mua sắm đã phổ biến đến mức sắp thành trào lưu. Đủ kiểu người đang quyết định không mua sắm trong một thời gian để có thể thiết lập lại thói quen mua sắm mới của mình.
Tôi khuyến khích bạn nên làm điều tương tự. Hãy tìm đến với sự tự do thoải mái thông qua việc ngừng mua sắm. Khi làm thế, bạn sẽ phá vỡ vòng lẩn quẩn mua sắm không cần thiết trong ngắn hạn và đặt nền tảng cho những thành tựu lớn lao hơn về lâu dài.
Tiếp theo, với khao khát tránh sa ngã lần nữa vào thói sắm sửa thừa thãi và phung phí, ta có thể tiến hành một thay đổi khác trong cuộc sống, vốn dễ thực hiện và nhanh chóng mang lại những lợi ích quan trọng. Trên thực tế, gần như tất cả những người mà tôi biết, những người đã thay đổi được thói quen mua sắm của mình, đều đề xuất việc này.
Đó là hãy bớt xem ti-vi lại.
Phá Vỡ Lời Nguyền Thôi Miên Của Quảng Cáo
Ti-vi giống như một nhà thôi miên độc nhãn, chuyên dụ người xem làm theo những gì nó muốn. Thông qua những đoạn quảng cáo thường được phát sóng, các chương trình truyền hình không ngừng cố gắng thuyết phục chúng ta mua những thứ mình không cần. Người ta tán dương sự giàu có và lối sống xa hoa trên nhiều chương trình truyền hình. Các loại hình truyền thông khác, chẳng hạn như quảng cáo trên mạng, cũng dụ dỗ ta chi tiêu quá đà. Nhưng không gì sánh bằng mức độ khủng khiếp của truyền hình trong việc truyền bá loại chủ nghĩa tiêu dùng mà chúng ta đã đọc trong Chương 4. Chúng ta phải tránh nhìn vào con mắt không biết chớp mà mình đã đón vào nhà.
Bây giờ, tôi xin được nhắc lại, ít hơn không phải là không có gì. Thế nên bạn đừng xù lông nhím nữa. Tôi ủng hộ việc bớt xem ti-vi chứ không phải là bỏ hẳn. Tôi nhận thấy một số chương trình truyền hình có thể mang tính giáo dục và các tiết mục giải trí không hẳn là vô bổ. Nhà tôi vẫn có một chiếc ti-vi để thỉnh thoảng cả nhà cùng xem với nhau. Nhưng tôi xem ti-vi ít hẳn đi, và tôi nghĩ bạn cũng có thể làm vậy. Có một số phương pháp thực tế để bạn làm được điều này.
Tuyên bố những câu chung chung như “Kể từ hôm nay, tôi sẽ không xem ti-vi nữa” có vẻ dễ hơn. Nhưng đối với tôi, sẽ dễ hơn nếu bắt đầu từ việc lọc ra vài chương trình truyền hình mà không xem cũng chẳng sao. Khi bắt đầu nếm được quả ngọt của cuộc sống chứ không chỉ đứng ngoài quan sát, việc cắt giảm thời lượng xem ti-vi sẽ còn dễ dàng hơn nữa.
Bắt đầu từ hôm nay, hãy liệt kê các chương trình truyền hình mà bạn thấy nếu không xem cũng chẳng sao. Hoặc tốt hơn nữa là hãy đưa ra một, hai chương trình truyền hình bạn thật sự muốn xem và tự giới hạn bản thân chỉ xem mấy chương trình đó trong hai mươi chín ngày kế tiếp.
Một bước nữa là hạn chế số lượng ti-vi trong nhà. Trước khi biết đến chủ nghĩa tối giản, gia đình tôi có bốn chiếc ti-vi. Nhưng ngày nay, tôi sẽ không bao giờ để trong nhà có hơn một chiếc ti-vi nữa. Khi đưa ti-vi ra khỏi bếp, tôi bắt đầu nhận ra mình thích nấu ăn đến mức nào. Và nhờ đưa ti-vi ra khỏi phòng ngủ, tôi nhận ra mình rất thích… (phần sau của câu này đã được xóa, thể theo yêu cầu kiên quyết của vợ tôi).
Nếu cần, bạn hãy giảm thời lượng xem ti-vi của bản thân mình thôi. Những thành viên khác trong gia đình có thể chưa sẵn sàng cắt giảm thời lượng xem ti-vi của họ. Hoặc có thể là họ thấy vấn đề này không đến mức tồi tệ như bạn nghĩ. Chuyện đó không sao cả. Hãy thay đổi cuộc sống của bản thân trước đã. Phỏng theo lời của Gandhi, hãy trở thành sự thay đổi bạn muốn nhìn thấy ở gia đình mình.
Tin tôi đi, mọi chuyện sẽ dần dần dễ dàng hơn. Các chương trình truyền hình tự quảng bá sức hấp dẫn của chúng bằng cách hùng hồn tuyên bố đây là Chương Trình Mới Hay Nhất, rồi thì Mạng Truyền Hình Được Nhiều Người Xem Nhất, Tập Phim Không Thể Bỏ Lỡ hay Trò Chơi Của Năm. Các nhà quảng cáo trên ti-vi thường đùa giỡn với nỗi sợ bỏ lỡ của chúng ta bằng cách rêu rao: “Ai cũng xem chương trình này!”. Nhưng khi quyết tâm bớt xem ti-vi lại, bạn sẽ ít bị thuyết phục bởi những lời tuyên bố đó vì không còn thường xuyên nhìn thấy chúng nữa. Nhanh thôi, bạn sẽ nhận ra mình cũng chẳng lưu luyến gì chúng.
Bớt xem ti-vi có thể chính là con đường tắt nhanh nhất đưa bạn đến với cuộc sống tốt đẹp hơn ngay lập tức.
Tỉnh Táo Trong Những Dịp Cần Tặng Quà
Tặng quà cho nhau là một truyền thống tốt đẹp, giúp lan tỏa niềm vui và tạo nên kỷ niệm cho mọi người. Quà tặng cũng giúp người ta gần nhau hơn. Tôi tôn trọng việc tặng quà nhằm thể hiện tình cảm và không muốn cướp đi niềm vui ấy của người khác. Và tôi cũng thích được nhận quà như bao người. Nhưng hỡi ôi, chúng ta đã đi quá xa với việc tặng quà khi xã hội ngày một phát triển thịnh vượng hơn.
Thử nghĩ đến toàn bộ số quà được trao và nhận trong suốt một năm mà xem. Bình quân một người tiêu dùng ở Mỹ chi tám trăm đô-la mua quà tặng trong dịp lễ Hanukkah (dịp lễ kéo dài tám ngày của dân tộc Do Thái). Thêm nữa, phần lớn chúng ta đều nhận được vài món quà vào sinh nhật của mình. Rồi còn bao dịp khác để tặng quà trong năm, chẳng hạn như lễ Tình nhân, lễ Phục sinh, Ngày của Mẹ, Ngày của Cha, Ngày Quốc tế Phụ nữ, thậm chí có nơi còn có cả Ngày của Sếp. Và đừng quên những dịp đặc biệt như kỷ niệm ngày cưới, tiệc đầy tháng, tân gia, lễ tốt nghiệp, tiệc mừng bình phục, tiệc cảm ơn, lễ rửa tội hay thêm sức, rồi lễ trưởng thành của các bé trai và bé gái.
Nếu có một dịp dù là nhỏ nhất để có cớ cho việc mua quà, bạn sẽ thấy ngay một nhà bán lẻ nào đó đăng quảng cáo cho dịp này.
Như thế đã đủ khiến những kẻ theo đuổi lối sống tối giản chúng ta giơ tay lên và hét: “Hãy dừng đống hỗn loạn này lại!”.
Chúng ta sẽ làm gì để những món quà mình không thích không bày bừa trong căn nhà giờ đây đã được tối giản hóa của mình? Gay go đấy, vì còn phải cân nhắc đến cảm xúc của người tặng quà nữa. Nhưng tôi tin chúng ta vẫn có thể thiết lập những quy tắc cơ bản về số lượng và loại quà mình muốn nhận.
Cho người khác biết bạn thích quà gì. Tuy không phải lúc nào làm thế này cũng có hiệu quả, nhưng người tặng quà sẽ muốn món quà mình tặng phù hợp với mong muốn và lối sống của người nhận quà. Hãy lập danh sách quà tặng mong muốn và đưa cho gia đình từ sớm trước kỳ nghỉ lễ, sinh nhật hay tiệc mừng. Đây có thể là một biện pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng bừa bộn mà quà tặng gây ra. Hãy cố gắng lập một danh sách quà tặng có mức giá đa dạng. Bạn nên làm theo công thức này: yêu cầu chất lượng hơn số lượng, đề cao nhu cầu hơn mong muốn và coi trọng trải nghiệm hơn là sản phẩm.
Đề nghị quyên tặng cho hội từ thiện. Tất nhiên người ta muốn tặng quà và chứng tỏ tình cảm của mình một cách thực tế. Nhưng họ không nhất thiết phải mua gì đó để bạn đem về nhà. Có một trào lưu là đề nghị quyên tặng cho một tổ chức từ thiện thay cho quà tặng vật chất. Nếu được, hãy thử làm theo cách đó. Thật tuyệt khi biết được số tiền lẽ ra dùng để mua một chiếc áo len mới mà bạn không cần giờ đây đã được trao cho một quỹ học bổng nào đó, nơi có thể làm thay đổi cuộc đời của một đứa trẻ tại một quốc gia khác.
Kiên nhẫn với gia đình mình. Nếu cách sống mới của bạn là sở hữu ít đi, vậy đừng kỳ vọng những người khác trong nhà sẽ thấu hiểu ngay từ đầu, đặc biệt là nếu trước kia bạn nổi tiếng là người “nay vầy mai khác”. Người nhà sẽ dần dần hiểu ra đây là lối sống bạn muốn duy trì, và có lẽ thói quen tặng quà của họ sẽ thay đổi.
Đừng thấy có lỗi khi lọc lại quà tặng. Có lẽ bạn và gia đình sẽ mất một thời gian để phân loại món quà nào đem lại giá trị cho nhà mình và món quà nào chỉ gây bừa bộn. Bọn trẻ có thể mất hàng tháng trời để quyết định món đồ chơi nào chúng không còn hứng thú và món nào chúng thực sự yêu thích. Hãy cho quá trình này chút thời gian. Nhưng khi những món quà bắt đầu bộc lộ giá trị của chúng, hãy bỏ đi những món quà mình không muốn giữ mà không cần cảm thấy có lỗi về chuyện đó. Đặc biệt là nếu những món quà ấy sẽ phát huy công dụng tốt hơn trong tay người khác thì bạn đừng chần chừ nữa, hãy cho chúng đi. Nếu người tặng quà biết chuyện, họ cũng nên thấy rằng bạn có quyền tặng lại món quà cho người khác, vì món quà ấy được trao đi mà không kèm theo ràng buộc gì.
Có qua có lại. Bạn hy vọng, ao ước và mong đợi người khác tặng quà đúng với nguyện vọng của mình. Hãy thực hiện điều đó khi bạn tặng quà cho người khác. Chẳng hạn, chỉ vì bạn tha thiết muốn có trải nghiệm hơn là sản phẩm không có nghĩa là anh chị hay cha mẹ của bạn cũng muốn như vậy. Nếu họ thích một đôi giày mới, hãy cân nhắc mua một đôi giày mới. Nếu họ nói rõ là muốn có phiếu quà tặng của một cửa hàng bách hóa làm quà sinh nhật, hãy cân nhắc tặng cho họ tấm phiếu đó. Tặng quà là dịp thể hiện tình cảm và sự trân trọng. Bạn có thể ủng hộ việc chống lại chủ nghĩa tiêu dùng vào lúc khác.
Kỷ Luật Đem Lại Niềm Vui
Nếu muốn giảm mức độ tích lũy đồ đạc của mình cũng như duy trì thói quen đó, chúng ta cần thay đổi lòng tham sở hữu, thứ được chính nền văn hóa của chúng ta truyền cảm hứng, bằng lòng biết ơn vì những gì mình có, điều chúng ta cần tự vun đắp cho mình.
Chúng ta không cần sở hữu thật nhiều mới có thể thấy biết ơn. Tôi từng đến các quốc gia đang phát triển trên khắp thế giới và thấy người nghèo sinh sống ra sao. Xét theo chuẩn Mỹ, nhiều người trong số họ gần như nghèo đến mức không tưởng. Nhưng tôi vẫn gặp được những con người cảm thấy biết ơn và mãn nguyện tại những khu vực nghèo khổ nhất mà tôi từng đặt chân tới.
Một lần nọ ở thành phố San Salvador, tôi ngồi trong căn nhà chỉ có độc một phòng của Lucilla và hai con gái, một đứa mười lăm tuổi, đứa còn lại vừa lên ba. Gia đình này gần như chẳng có gì, họ chỉ sống nhờ tiền bán trứng của sáu con gà nuôi ngoài sân sau. Ấy thế nhưng họ tiếp đón tôi tại nhà với lòng hào hiệp và mến khách thuộc hàng bậc nhất trong số những người tôi từng biết.
Tất cả chúng ta đều có thể thấy biết ơn. Dù hoàn cảnh có ra sao, ta vẫn có thể lựa chọn làm vậy mỗi ngày.
Tuy nhiên, tôi biết trong thực tế có những lúc chúng ta dễ thấy biết ơn hơn bình thường. Khi ngôi nhà của bạn thật ấm cúng, khi bạn đang ăn một bữa ngon, khi con bạn có một bảng điểm ấn tượng, khi mọi thứ được sắp xếp đúng như bạn hình dung, bạn sẽ dễ thấy biết ơn. Nhưng vào những lúc khác, thật khó mà tìm được lòng biết ơn. Khi giông tố cuộc đời ập đến, lòng biết ơn không xuất hiện một cách nhanh chóng như vậy. Nhưng đó lại là thời điểm ta cần đến lòng biết ơn nhất, vì khi ấy sức mạnh, tính lạc quan và lăng kính của lòng biết ơn sẽ giúp ta vượt qua sóng gió.
Kết quả là, nếu ta biến lòng biết ơn thành một thói quen có chủ định chứ không chỉ là một phản ứng tùy ý, nó sẽ đem lại nhiều giá trị hơn. Thật tốt khi ta có thể vun đắp lòng biết ơn thông qua sự tập trung và tuân thủ kỷ luật. Chúng ta cần tập biết ơn khi cuộc sống êm đẹp, và nỗ lực tập biết ơn hơn nữa khi sóng gió nổi lên. Càng nỗ lực rèn luyện thói quen biết ơn thì chúng ta sẽ dễ vận dụng nó khi cần thiết.
Bạn có biết lòng biết ơn giúp cải thiện mức độ hạnh phúc và khỏe mạnh của chúng ta không? Các nghiên cứu đã nhiều lần xác nhận điều ta vốn đã cho là đúng: người có lòng biết ơn sẽ hạnh phúc hơn. “Lòng biết ơn giúp người ta có những cảm xúc tích cực hơn, tận hưởng những trải nghiệm tốt đẹp, cải thiện sức khỏe, đương đầu với nghịch cảnh và xây dựng các mối quan hệ bền vững.” Thêm nữa, những người có lòng biết ơn cao độ thường có mức độ ham mê vật chất thấp hơn mức trung bình.
Lòng biết ơn là vấn đề kỷ luật chứ không phải cảm xúc. Hãy chăm chỉ bồi đắp thói quen này trong cuộc sống của bạn. Hãy xem xét những tư tưởng bổ ích sau đây để khích lệ bản thân phát triển thói quen mới này:
Tìm kiếm những niềm vui đơn giản và biết ơn vì điều đó.
Nhớ lại những chuyện tốt đẹp trong quá khứ (đặc biệt là nếu như cuộc sống hiện tại của bạn đầy sóng gió).
Dành vài phút trong ngày để viết nhật ký về lòng biết ơn của mình.
Bày tỏ sự biết ơn khi trải qua những bất tiện nho nhỏ của cuộc sống (chờ đèn đỏ, xếp hàng và những dịp tương tự).
Khi cầu nguyện, hãy mở đầu mỗi lời cầu nguyện bằng những từ ngữ cụ thể để tạ ơn Chúa.
Lòng biết ơn giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vị trí của mình trong thế giới này. Nó thúc đẩy ta ngợi khen những người xứng đáng. Nó khiến ta tập trung vào những điều tốt đẹp mình có trong tay, cho dù hoàn cảnh hiện tại của ta ra sao. Nó cải thiện hạnh phúc của ta gần như trên mọi phương diện. Kết quả, lòng biết ơn chính là con đường vững chắc nhất dẫn đến sự mãn nguyện.
Muốn Sở Hữu Ít Hơn
Sở hữu ít đi là một điều tuyệt vời. Nhưng tôi nhận thấy rằng có thứ còn tuyệt hơn: đó là muốn có ít hơn. Có lẽ bạn cũng khám phá được điều tương tự.
Thật tuyệt khi nhận ra mình không còn bị ảnh hưởng bởi khao khát có được nhiều hơn! Tựa như Phù thủy xứ Oz, chủ nghĩa tiêu dùng nói với chúng ta: “Đừng để ý đến người đàn ông phía sau tấm màn!”. Nhưng ta lại nhìn trộm phía sau tấm màn và thấy việc tích cóp đồ đạc không giống như lời quảng cáo. Chúng ta có thể sống tốt hơn khi không có nó. Không ai có thể yêu cầu chúng ta quay lại con đường cũ. Ta sẽ chỉ hướng đến sự tối giản mà thôi.
Chúng ta đã có được những giá trị mới và những thói quen mới đi kèm theo đó:
Làm mới căn nhà của mình bằng cách dọn dẹp hàng ngày.
Tự áp dụng “lệnh cấm mua sắm” theo cách của mình.
Bớt xem ti-vi lại.
Để tâm nhiều hơn khi tặng quà.
Rèn luyện thái độ biết ơn như một kỷ luật.
Đây là năm cách thức đơn giản để hình thành những thói quen mới hữu ích, nhằm thay thế những thói quen xấu trước đó, loại thói quen chỉ đem lại gánh nặng cho bạn. Tôi khuyên bạn thử hết cả năm cách trên, cùng với bất kỳ thói quen nào khác mà bạn nghĩ có khả năng đưa chủ nghĩa tối giản đi vào lối sống của mình.
Nếu sống cùng người nhà, bạn sẽ cần làm một việc nữa để chủ nghĩa tối giản có thể bén rễ lâu dài trong cuộc sống của bạn: bạn phải tìm cách đưa người nhà đi cùng mình trên hành trình sở hữu ít đi và yêu lối sống này. Tôi sẽ chỉ bạn cách làm được điều này.