10
Cả Nhà Cùng Theo Lối Sống Tối Giản
Khi nói về chủ nghĩa tối giản với mọi người, tôi thích nhận được câu hỏi từ những người mới tiếp cận hoặc mới chuyển sang lối sống này. Tôi đã có kinh nghiệm, nên tôi biết người ta sẽ đặt ra những câu hỏi gì. Một số câu hỏi chân thành nhất người ta đặt ra cho tôi là về gia đình. Chẳng hạn như:
“Joshua, anh đã thuyết phục được tôi theo đuổi lối sống tối giản, nhưng vợ (hoặc chồng) tôi không bao giờ chịu bỏ bớt đồ đạc. Chỉ có một mình tôi theo đuổi lối sống tối giản thì không có ý nghĩa gì. Tôi phải thuyết phục vợ/chồng mình thế nào đây?”
“Nhà tôi có con nhỏ. Chúng sẽ không hiểu được sống tối giản nghĩa là gì. Chúng chỉ muốn có thật nhiều đồ chơi mới mà thôi. Tôi có thể tưởng tượng tiếng la hét của chúng khi tôi thử lấy đồ chơi đi. Anh có thể cho tôi vài lời khuyên không?”
“Con gái tôi sắp mười bảy tuổi. Con bé gần như phát cuồng vì quần áo và muốn có những món đồ giống bạn bè cùng trang lứa. Có khắt khe quá không khi bắt nó phải khác với bạn bè? Hơn nữa, bây giờ tôi mới bắt đầu lối sống tối giản với con bé thì có quá muộn không, vì đằng nào nó cũng sắp rời khỏi nhà rồi?”
Có mối bận tâm nào kể trên có vẻ quen thuộc với bạn không?
Nếu bạn có gia đình, tôi hiểu bạn muốn gia đình mình đồng ý đón nhận lối sống tối giản đến mức nào, để cả nhà có thể cùng nhau hướng tới một lối sống đơn giản hơn. Thậm chí nếu bạn chỉ đang có ý định lập gia đình vào một thời điểm nào đó thì chương này cũng sẽ có ích cho bạn.
Lời khích lệ tôi dành cho bạn được dựa trên nhiều năm tôi làm việc cùng các gia đình tương tự như gia đình bạn, và tôi khuyên thế này: Bạn có thể thuyết phục cả nhà cùng sống theo lối tối giản. Gia đình bạn không chỉ có thể nhất trí về mục tiêu sở hữu ít đi mà có khi còn phấn khởi về những thay đổi đang chờ phía trước. Có thể sẽ mất thời gian, nhưng đây là quá trình hướng dẫn cả gia đình cùng học hỏi, bàn bạc và bước những bước thực tế trên con đường đến với lối sống tối giản. Trong chương này, tôi sẽ hướng dẫn bạn cách làm điều đó, bất kể mối bận tâm lớn nhất của bạn về việc thuyết phục cả nhà cùng sống theo lối tối giản có liên quan đến vợ, chồng hay các con của bạn.
Và quan điểm của tôi đối với quá trình này có lẽ sẽ là một điều mà bạn chưa từng nghĩ tới: chia sẻ lối sống tối giản với gia đình là một hành động xuất phát từ yêu thương!
Cũng giống như bạn, người bạn đời và các con của bạn cũng sẽ thấy chủ nghĩa tối giản đem lại tự do và sức sống. Họ cũng sẽ cảm thấy đỡ căng thẳng hơn, mãn nguyện hơn và có điều kiện tốt hơn để theo đuổi ước mơ của mình. Đó chẳng phải là điều bạn mong muốn hay sao? Chia sẻ lối sống tối giản là một trong những điều tuyệt vời nhất bạn có thể làm cho gia đình mình.
Đừng để thử thách làm bạn nản lòng. Hãy lấy tình yêu thương dành cho gia đình làm động lực. Hãy bắt đầu từ bây giờ để giúp gia đình mình nhận được món quà của lối sống đơn giản hơn, trọn vẹn hơn.
Người Đồng Hành Trên Hành Trình Sở Hữu Ít Đi
Những người lựa chọn lối sống tối giản có thể phải đối mặt với sự hoài nghi từ rất nhiều người. Đó có thể là bạn bè, đồng nghiệp hay cha mẹ. Nhưng bạn sẽ làm gì khi người hoài nghi nhiều hơn ai hết thường lại là chỗ dựa lớn nhất của bạn? Chuyện gì sẽ xảy ra khi người bạn đời của bạn không đón nhận con người mới của bạn? Vấn đề càng thêm phức tạp khi các bạn sống chung với nhau. Nói cho cùng, hai bạn đang dùng chung một không gian sống, và cả đồ đạc nữa.
Trước tiên, các bạn cần nói chuyện với nhau. Hãy giải thích chủ nghĩa tối giản là gì và tại sao nó lại thu hút bạn. Hãy chia sẻ cuốn sách này với người mà bạn muốn đồng hành trong hành trình tối giản. Hãy mô tả hình dung của bạn về viễn cảnh tốt đẹp mà chủ nghĩa tối giản có thể đem lại cho cả hai. Bạn cũng cần nói rõ là bạn cổ vũ cho chủ nghĩa tối giản không phải để công kích hay phê bình đối phương, mà là vì bạn yêu thương họ và nghĩ chủ nghĩa tối giản cũng sẽ có ích cho họ. Sau đó, hãy lắng nghe xem đối phương đáp lại thế nào.
Hãy cẩn thận suy xét thời gian và cách thức hợp lý để mở lời. Thông thường, những cuộc trò chuyện của chúng ta về đống bừa bộn trong nhà bắt nguồn từ sự bực dọc, thế nên nó sẽ được thể hiện như một cuộc công kích lẫn nhau. Lúc bạn bực bội vì tủ quần áo đầy ắp hay vì một ngăn kéo không đóng lại được không phải là lúc thích hợp để bắt đầu cuộc nói chuyện. Thay vào đó, hãy tìm một thời khắc yên tĩnh, chẳng hạn như khi cả hai đang uống cà phê hoặc dùng bữa tối ngoài tiệm, để chia sẻ những gì bạn học hỏi được cũng như những lợi ích mà bạn cho là chủ nghĩa tối giản có thể đem lại cho căn nhà của mình. Hãy luôn tập trung vào lợi ích và những thay đổi tích cực mà lối sống này mang lại.
Và hãy nhớ, cuộc trò chuyện về lối sống tối giản không chỉ diễn ra một, hai lần là xong. Chủ đề này luôn cần được đề cập trong nhiều cuộc trò chuyện. Do đó, ngay có khi đối phương có vẻ kháng cự, hãy cứ tiếp tục nói về nó một cách bình tĩnh và hợp lý. Sau khi xóa bỏ một số quan điểm sai lầm và giải quyết một số điểm khác biệt, có lẽ bạn sẽ thấy đối phương bắt đầu nắm bắt được vấn đề.
Trong lúc đó, hãy kiềm chế ham muốn bỏ đi đồ đạc của đối phương khi bạn chưa được phép. Cứ bắt đầu từ đồ đạc của bạn trước và tối giản hóa hết mức có thể mà không xâm phạm đến khu vực chung. Có khi bạn sẽ phải ngạc nhiên trước lượng đồ đạc mà bạn có thể dọn ra khỏi nhà dù chỉ mới xử lý những món thuộc sở hữu của mình thôi đấy.
Hành động tinh giản đồ đạc của bạn không phải để cố gắng thực hiện lối sống tối giản trước sự kháng cự của đối phương, mà là một cách để thể hiện cho họ thấy những ích lợi của chủ nghĩa tối giản. Trăm nghe không bằng mắt thấy, thế nên hãy để những ích lợi của lối sống ngăn nắp thuyết phục họ. Không gian ngăn nắp, gọn gàng của bạn trong tủ quần áo dùng chung sẽ có sức thuyết phục cao hơn bất kỳ lời giải thích nào về quy tắc 80/20. Bàn làm việc hay kệ đầu giường gọn gàng sẽ thu hút đối phương ngay lần đầu tiên họ để một thứ quan trọng không đúng chỗ.
Làm gương là một phương pháp hữu hiệu. Đừng bỏ qua biện pháp này. Chúng ta thường nghĩ rằng làm vậy chẳng đem lại hiệu quả gì tích cực và tốt hơn là cứ áp đặt ý chí bản thân lên đối phương thôi. Nhưng hãy kiên nhẫn và tiếp tục tiến hành những việc bạn có thể làm với đồ đạc của mình để hướng đến lối sống tối giản. Cách này sẽ mang lại hiệu quả. Một người phụ nữ từng chia sẻ với tôi là cô ấy mất năm năm làm gương về chủ nghĩa tối giản rồi chồng cô ấy mới bắt đầu thấy được ích lợi của nó. Bạn không thể nóng vội trong chuyện làm gương được; bạn chỉ có thể kiên nhẫn thực hiện ngày này sang ngày khác.
Theo thời gian, các bạn sẽ tìm được điểm chung trên hành trình đến với lối sống tối giản. Thường thì các bạn sẽ nhất trí rằng một số khu vực chung mà cả hai thường sử dụng trong nhà cần được tinh gọn. Kể cả những người tích cóp đồ đạc dữ dội nhất cũng có thể đồng ý rằng có vài món đồ cần được dọn đi, dù đó là trong ngăn kéo đựng đồ lặt vặt, tủ đựng khăn trải, bàn bếp hay nhà để xe (bất kể không gian đó nhỏ đến mức nào đi nữa). Hãy hỏi đối phương xem họ muốn tinh gọn đồ đạc ở những khu vực cụ thể nào trong nhà. Chẳng hạn, bạn có thể hỏi: “Chúng ta có nhất trí là có quá nhiều đồ trong hộc tủ phòng tắm không?”. Hãy bắt đầu từ đó, và bạn sẽ ngạc nhiên về sự nhiệt tình ủng hộ của đối phương khi bạn cụ thể hóa thành quả mình muốn đạt được.
Nếu bạn thấy đối phương chậm tiến triển trên con đường tối giản hóa, trong khi bạn đang mòn mỏi mong chờ không gian và sự tự do mà việc sở hữu ít đi có thể đem lại, hãy cố tìm một căn phòng (hoặc một góc phòng cũng được) rồi xem đó là thánh địa tối giản của mình. Đó có thể là không gian không có sự bừa bộn, âm thanh ồn ào và sự phiền nhiễu. Khi đắm mình trong không gian này, bạn được xoa dịu và tràn đầy sức sống trở lại để có thể trở thành người bạn đời tuyệt vời nhất, bậc phụ huynh mẫu mực nhất có thể. Hãy bảo vệ khoảng không gian này và hãy tận dụng tối đa lợi ích từ nó trong lúc chờ bạn đời của mình bước vào hành trình.
Cuộc Chiến Khuôn Rau Câu
Khi vợ chồng tôi quyết định theo đuổi lối sống tối giản, chúng tôi nhất trí sẽ thực hiện lối sống đó cùng nhau. Nhưng như thế không có nghĩa là mọi chuyện đều xuôi chèo mát mái. Xuyên suốt quá trình, có rất nhiều lần chúng tôi bất đồng ý kiến về việc loại bỏ bao nhiêu, giữ lại bao nhiêu và nên thay đổi thói quen mua sắm của mình thế nào.
Ngay từ đầu, tôi muốn loại bỏ 80% đồ đạc trong nhà, còn vợ tôi thì muốn tỷ lệ này là 60%. Thế nghĩa là những đợt dọn dẹp đầu tiên diễn ra êm đẹp, nhưng cuối cùng, khi tôi muốn tiếp tục tinh gọn hơn nữa thì vợ tôi bắt đầu kháng cự.
Tôi học được một bài học đáng nhớ về sự khác biệt giữa hai chúng tôi vào ngày 22 tháng Tám, chỉ bốn tháng sau khi hai vợ chồng bắt tay vào cuộc. Tôi nhớ chính xác ngày tháng vì hôm ấy là sinh nhật con trai tôi, và vợ chồng tôi định tổ chức một bữa tiệc theo chủ đề thể thao cho thằng bé. Tuần trước, tôi đã lén dọn dẹp ngăn kéo trong bếp mà vợ tôi không hay biết. Khi đó tôi đã dẹp bỏ bộ khuôn rau câu chủ đề thể thao mà vợ tôi định dùng cho bữa tiệc. Tiếng la của cô ấy vang lên trong bếp cho thấy một nỗi thất vọng không lẫn vào đâu được.
Sáng hôm ấy, tôi đã học được một điều về công cuộc tối giản hóa cùng gia đình, một điều mà đến nay tôi vẫn luôn khắc ghi: chúng ta dễ thấy sự bừa bộn của người khác hơn là của chính mình. Ép người khác phải tối giản hóa cuộc sống bằng cách vứt bỏ thứ gì đó khi chưa được phép của họ tuyệt đối không phải là ý hay. Thay vào đó, chúng ta nên tập trung tối giản hóa đồ đạc của chính mình trước khi đụng tới đồ đạc của người khác, hay thậm chí là đồ đạc chung của cả nhà. (Tôi cũng học được một điều là những đứa trẻ năm tuổi sẽ hài lòng với món rau câu có khuôn hình sân bóng cũng như với bất kỳ khuôn nào khác liên quan tới thể thao, dù có lẽ vợ tôi sẽ phản đối điều này.)
Các cặp đôi hiếm khi nhất trí 100% về bất cứ điều gì, vậy nên sự thỏa hiệp là nền tảng để có tình cảm bền vững. Chủ đề tối giản cũng không phải ngoại lệ. Đến nay, vợ chồng tôi vẫn còn bất đồng về một số thứ liên quan đến lối sống tối giản. Hai vấn đề chúng tôi thường bất đồng với nhau nhiều nhất dường như là quần áo và đồ dùng của bọn trẻ. Nhưng chúng tôi đã học được cách phối hợp với nhau ở những khu vực mà chúng tôi nhất trí là cần duy trì sự gọn gàng ngăn nắp trong nhà. Thế nên bạn và bạn đời của mình cũng có thể làm được như vậy.
Nếu các bạn có con, một trong những bước quan trọng nhất hai bạn có thể thực hiện tiếp theo đó là cùng thống nhất cách đưa chủ nghĩa tối giản vào cuộc sống của bọn trẻ. Cũng như những phương diện khác trong việc nuôi dạy con, các bậc phụ huynh phải cùng đứng trên một chiến tuyến khi thuyết phục các con đồng hành cùng gia đình trong lối sống tối giản. Do đó, hãy bàn bạc điều này trong những lần nói chuyện với người bạn đời của mình.
Tôi muốn nói về chủ nghĩa tối giản với những đứa con nhỏ tuổi trước khi nói những vấn đề đặc biệt liên quan đến những đứa đã đến tuổi thiếu niên. Nhưng với cả hai độ tuổi, bạn ghi nhớ đôi điều.
Hãy làm gương trước khi yêu cầu người khác làm theo.
Nếu bạn muốn các con mua sắm ít lại, bạn hãy ít mua sắm lại. Nếu bạn muốn bọn trẻ quyên tặng đồ đạc không cần đến, bạn hãy làm gương trước.
Tại sao đứa trẻ phải từ bỏ món đồ chơi của nó trong khi bạn mua một chiếc thuyền mà bạn chỉ dùng hai lần một năm?
Tại sao đứa trẻ phải phân loại quần áo của nó để quyên tặng những bộ đồ đã chật trong khi tủ quần áo của bạn thì chật cứng đồ?
Nhờ có người bạn đời cùng đồng hành với mình trong lối sống tối giản, hai người các bạn có thể cùng nhau làm gương về lối sống này cho các con để chúng thấy đây là một mục tiêu đáng giá và khả thi mà không khiến chúng chán ghét.
Những Chiến Sĩ Nhí Trong Công Cuộc Tối Giản Hóa
Khi tôi và Kim bắt đầu tối giản hóa cuộc sống, hai đứa con của chúng tôi đang ở độ tuổi lên hai và lên năm. Hiện tại hai đứa nó đã được mười và mười ba tuổi. Tôi đã chứng kiến bọn trẻ lớn lên và trưởng thành trong một ngôi nhà có ít đồ đạc hơn hầu hết bạn bè sống trong vùng. Chúng thoải mái với lối sống của nhà mình và phát triển khỏe mạnh. Chúng không hề thấy thiếu thốn. Ngược lại, chúng có cuộc sống phong phú và đang dần trở thành những thanh thiếu niên giàu trí tưởng tượng, tham vọng và sáng tạo.
Tôi và Kim có mắc phải một số sai lầm (cũng như bao bậc cha mẹ khác), nhưng trong quá trình đó vợ chồng tôi cũng học được một số bài học quan trọng. Bài học quan trọng nhất chúng tôi học được là đây: Có lẽ hành trình theo đuổi lối sống tối giản sẽ khó khăn hơn khi có con, nhưng đồng thời cũng quan trọng hơn. Những đứa trẻ không học được cách đặt ra giới hạn cho bản thân thường cũng trở thành những người lớn không biết đặt ra giới hạn cho bản thân.
Nhưng trên thực tế, làm thế nào chúng ta có thể giúp các con thực hiện quá trình này?
Chuyện này còn tùy vào việc con bạn đã lớn hay còn nhỏ. Với cả hai độ tuổi này, bạn đều phải hướng dẫn các con mình, cũng như cách bạn dẫn dắt người bạn đời còn lạ lẫm với chủ đề này vậy. Theo đó, bạn có thể thẳng thắn hơn với những đứa còn nhỏ, và thuyết phục một cách khéo léo hơn với những đứa đã lớn.
Trẻ nhỏ có lẽ chưa từng nghe đến chủ nghĩa tối giản, và càng không nghĩ ngợi nhiều về đề tài này. Vậy nên hãy mở đầu bằng cách dùng những thuật ngữ đơn giản để mô tả chủ nghĩa tối giản. Hãy giải thích tại sao bạn và người bạn đời của bạn lại chọn lối sống đơn giản cũng như những ích lợi mà bạn hy vọng cả nhà có thể có được nhờ lối sống ấy. Trẻ con thường thông minh hơn ta tưởng. Bọn trẻ sẽ nhanh chóng nhận ra không phải là bạn đang phạt chúng; bạn làm thế vì yêu thương chúng mà thôi.
Hãy lắng nghe những câu hỏi và mối bận tâm của con, rồi đưa ra câu trả lời thích hợp nhất có thể. Hãy đảm bảo với chúng rằng sống tối giản không có nghĩa là bạn không bao giờ mua sắm gì nữa. Chỉ là bạn sẽ suy nghĩ cẩn thận hơn về những lần mua sắm trong tương lai. Ngoài ra, bạn sẽ tìm cách nào đó để bỏ đi những món đồ bọn trẻ không cần nữa.
Một khi bọn trẻ đã hiểu được mục tiêu và phần nào sẵn lòng tham gia vào hành trình này, hãy phối hợp cùng chúng để xác định những vật dụng dễ loại bỏ nhất trong số những thứ chúng đang sở hữu. Chẳng hạn, bạn có thể bắt đầu bằng cách bỏ những bộ quần áo chúng không còn mặc nữa, những món đồ chơi chúng không còn chơi, những cuốn sách chúng không còn đọc và những đồ dùng làm thủ công chúng không còn sử dụng. Chúng sẽ thấy mình hoàn toàn có thể sống thiếu những thứ thừa thãi ấy.
Kết quả là, bọn trẻ sẽ bắt đầu tự hỏi: Mình thật sự cần những món đồ khác đến mức nào? Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy những đứa con nhỏ của mình nhanh chóng đón nhận lối sống mới cũng như sáng tạo và tự tin đến mức nào trong việc tinh gọn đồ đạc. Có lẽ bạn sẽ sớm có được những chiến sĩ nhí trong công cuộc tối giản hóa cuộc sống của mình.
Để truyền động lực cho bọn trẻ trong công cuộc tối giản hóa và khuyến khích một không gian sống gọn gàng hơn trong tương lai, bạn hãy thiết lập giới hạn, những chỉ dẫn rõ ràng về món đồ nào được mua hay được giữ, món đồ nào thì không được. Ví dụ, chúng tôi đã đồng ý với con gái rằng con bé muốn giữ bao nhiêu đồ chơi cũng được, miễn là con bé có thể cất số đồ chơi đó trong tủ áo của nó. Con bé cũng có thể giữ bao nhiêu tranh ảnh cũng được, miễn là chúng có thể đặt vừa trong chiếc thùng nhựa dưới gầm giường. Một khi những bộ sưu tập của nó bắt đầu vượt quá giới hạn (chuyện dĩ nhiên sẽ xảy ra), vợ chồng tôi sẽ cho phép con bé quyết định xem giữ lại thứ gì và loại bỏ thứ gì. Trong nhà tôi, những cuộc trao đổi như vậy thường diễn ra hai lần một năm.
Giới hạn có sức tác động lớn lao đến chúng ta, đặc biệt là với trẻ nhỏ, vì chúng thường suy nghĩ khá cứng nhắc. Giới hạn sẽ giúp chúng nhận ra bản chất hữu hạn của tiền bạc, không gian và thời gian. Giới hạn sẽ giúp chúng biết được cần làm gì và mong đợi điều gì. Với tư cách là cha mẹ, bạn hãy tận dụng giới hạn làm lợi thế cho mình và khen ngợi bọn trẻ bất cứ khi nào chúng đang áp dụng các giới hạn đó một cách hiệu quả.
Một cách để chúc mừng tiến bộ trong việc duy trì giới hạn là thưởng cho các con những trải nghiệm vui vẻ. Nếu bạn đã tối giản hóa xong phần mình (bạn nên thế, hãy nhớ tầm quan trọng của việc làm gương), vậy thì hẳn bạn sẽ có dư ít tiền tiết kiệm và có thời gian để tiêu khoản tiền ấy. Hãy dùng khoảng thời gian và tiền bạc dư ra đó để đem lại cho cả nhà những trải nghiệm vui vẻ. Đó có thể là một chuyến đi biển, tận hưởng một ngày ở công viên giải trí hay đi chơi ở thành phố gần bên vào dịp cuối tuần. Bạn không cần phải tiêu hết khoản tiền mình mới dành dụm được cho một chuyến đi, nhất là nếu bạn đang cố thoát khỏi cảnh nợ nần, nhưng việc tạo nên một trải nghiệm nhấn mạnh những lợi ích của chủ nghĩa tối giản có thể giúp bạn thành công thuyết phục các con hiểu được quyết định của mình và giữ chân chúng trong hành trình này.
Rắc Rối Khi Biến Nhà Mình Thành Tiệm Đồ Chơi
“Tôi không biết phải làm gì nữa, Joshua. Dường như con bé chẳng bao giờ vui vẻ cả.” Câu nói này của anh bạn Santiago đã khiến tôi chú ý và ngồi thẳng lưng trên ghế hơn.
Santiago lớn hơn tôi vài tuổi và thành công hơn tôi về mọi mặt, xét trên phương diện tài chính: thu nhập cao hơn, có nhiều ô-tô hơn, nhà cửa rộng rãi hơn, nhiều đồ chơi hơn. Chúng tôi đang thưởng thức món ngon ở một nhà hàng nằm trong khu trung tâm và trò chuyện về hôn nhân cũng như vấn đề nuôi dạy con cái. Chúng tôi bắt đầu nhắc tới cô con gái đang học tiểu học của anh.
Gương mặt anh lộ vẻ chán nản. “Tôi không hiểu nổi. Con bé có một ngăn kéo đầy video game, phòng ngủ đầy búp bê và có cả một căn phòng trong nhà chỉ dùng để cất đồ chơi. Nhưng dường như con bé không lúc nào vui. Con bé cứ liên tục than chán.”
Anh bắt đầu đổi hướng chú ý. Mỗi lần nói đến việc nuôi dạy con cái, anh thường nghĩ về tuổi thơ của mình.
Anh bắt đầu kể: “Hồi tôi còn nhỏ, gia đình tôi chẳng có gì cả. Ý tôi là nhà mình rất nghèo, Joshua à. Tôi chỉ có ba món đồ chơi và phải chơi chung với ba người anh em trai. Nhưng chúng tôi đã xoay xở ổn thỏa với những gì mình có và chơi đùa rất vui vẻ. Thậm chí tôi còn nhớ mình chưa từng đòi cha mẹ mua đồ chơi”.
Tôi đã có sẵn câu trả lời cho vấn đề này. Tôi đã dành nhiều năm suy nghĩ về chủ đề này và mới viết xong quyển sách Clutterfree with Kids (tạm dịch: Dọn dẹp với con trẻ).
“Có lẽ con gái anh không thỏa mãn vì nó có quá nhiều đồ chơi đấy”, tôi nói với Santiago. “Anh thử nghĩ mà xem. Hồi còn nhỏ, anh chỉ có ba món đồ chơi. Nhưng quan trọng hơn, anh biết điều đó sẽ không thay đổi. Anh có ba món, chỉ vậy thôi. Nên anh buộc phải xoay xở với những gì mình có và tìm được niềm vui từ đó. Đó là lựa chọn duy nhất của anh.”
Anh bạn tôi gật đầu, thế là tôi biết anh đã đồng tình với tôi rồi.
Tôi nói tiếp: “Ngược lại, con gái anh sống trong hoàn cảnh khác hẳn. Bất cứ khi nào muốn có thứ gì mới, dù là thấy trong quảng cáo hay thấy bạn bè mình có, con bé chỉ cần đòi là sẽ nhận được. Anh cho phép nó tiếp tục tìm kiếm niềm vui trong món đồ chơi mới, trò video game mới hoặc trong lần mua sắm tiếp theo. Thực tế là anh khích lệ điều đó. Có lẽ nếu con bé bị buộc phải tìm niềm vui trong những món đồ chơi hiện có thì nó sẽ tìm được thôi. Nhưng bây giờ, có thể con bé đã quen nghĩ rằng món đồ chơi mới sẽ đem lại niềm vui”.
Mặt anh càng rầu rĩ hơn vì biết tôi nói đúng. Những quyết định của chính anh đã góp phần không nhỏ vào mối quan hệ không lành mạnh giữa con gái mình và đồ đạc.
Đây là điều tôi muốn gửi đến các bậc phụ huynh: Bọn trẻ cần có giới hạn! Nếu chúng ta không giúp chúng nhận thức được bao nhiêu là quá nhiều, chúng sẽ không ngừng đòi hỏi nhiều hơn. Và nếu chúng ta để chúng lớn lên mà không suy xét đến mặt trái của việc tích lũy quá đà, ta có thể khiến chúng lặp lại những sai lầm của việc sở hữu đồ đạc thừa thãi vốn hết sức phổ biến trong thế giới ngày nay.
Đương nhiên là bạn không muốn đẩy các con của mình vào cảnh làm nô lệ cho đồ đạc, đúng không? Hãy dạy cho chúng biết nguyên lý “có ít được nhiều” từ sớm, để chúng có được nhiều niềm vui hơn, vậy đó! Đây là một trong những cách tốt nhất để thể hiện tình yêu thương con cái.
Trước Khi Chim Non Rời Tổ
Theo kinh nghiệm của tôi, thường thì chúng ta sẽ dễ định hướng cho những đứa con còn nhỏ tuổi đi theo con đường tối giản. Đối với lứa tuổi thiếu niên thì không được như vậy. Chúng có khuynh hướng chống cự nhiều hơn. Thế nhưng việc giúp chúng hình thành thói quen sống đơn giản hơn là một mục tiêu quan trọng mà bạn cần thực hiện trong những năm tháng chúng còn ở nhà.
Tôi từng làm việc với các em thiếu niên tại các nhà thờ ở Nebraska, Wisconsin, Vermont và Arizona và hiểu chúng khá rõ. Tôi có thể hiểu được lý do chúng phản đối thông điệp về lối sống tối giản. Thanh thiếu niên muốn được người khác chấp nhận bằng cách noi theo những người bạn đồng trang lứa. Các công ty quảng cáo thường cố tình nhắm đến nhóm đối tượng này với hy vọng tạo được ảnh hưởng đến thói quen chi tiêu cả đời của chúng. Hơn nữa, lứa tuổi này bắt đầu muốn có những quyết định riêng. Thường thì chúng không còn muốn tiếp thu ý kiến từ người lớn, đặc biệt là từ cha mẹ.
Nếu con bạn đang ở độ tuổi dậy thì, bạn hẳn đã biết đây là giai đoạn thử thách đến mức nào. Nhưng bạn cũng cần nhận ra những lợi ích mà các con nhận được khi chúng vào đại học với hành trang là lối sống tối giản. Chúng vẫn còn nhiều quyết định quan trọng nhất trong đời cần được thực hiện. Vì vẫn chưa bắt đầu dùng thẻ tín dụng, chúng không bị trói buộc bởi gánh nặng nợ tín dụng (hy vọng chuyện này sẽ được duy trì mãi!). Dù thói quen chi tiêu của chúng đang được tác động bởi nhiều yếu tố từ bên ngoài, những thói quen đó vẫn chưa hoàn toàn cố định.
Cách đây không lâu, tôi đã tập hợp một nhóm phụ huynh, cố vấn và các nhà lãnh đạo cộng đồng mà tôi tôn trọng để cùng chia sẻ một vài kinh nghiệm về việc nuôi dạy nên những đứa trẻ vị thành niên theo lối sống tối giản giữa thời đại tôn sùng sự dư thừa hiện nay. Tôi biết tri thức của tập thể mang lại giá trị vô cùng to lớn. Sau đây là một vài suy nghĩ của họ:
Cổ vũ lý tưởng. Nhiều thiếu niên ước ao làm nên điều gì đó để thay đổi thế giới. Nhưng người lớn thường hiểu lầm và thậm chí còn làm chúng nhụt chí. Chúng ta cần cổ vũ cho lý tưởng đó! Bằng cách kể ra những tiềm năng mà chủ nghĩa tối giản đem lại, ta có thể giúp những đứa trẻ đang ở độ tuổi dậy thì mơ về những hoài bão lớn lao hơn, chứ không chỉ biết thèm muốn những thiết bị đời mới nhất, những chiếc ô-tô hào nhoáng nhất và ngôi nhà lớn nhất.
Yêu cầu trẻ vị thành niên tự chi trả cho các vật dụng đắt tiền. Cha mẹ chu cấp thức ăn, quần áo, chỗ ở và các nhu cầu cơ bản khác cho các con của mình. Họ cũng nên tặng quà cho con cái, trong chừng mực hợp lý. Nhưng việc yêu cầu những đứa trẻ vị thành niên tự bỏ tiền ra mua các vật dụng đắt đỏ sẽ tạo cho chúng ý thức mạnh mẽ hơn về quyền sở hữu và hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa lao động và sự thỏa mãn.
Khuyến khích trẻ vị thành niên nhận ra những thông điệp ngầm trong quảng cáo. Quảng cáo sẽ không biến mất và chúng ta không thể tránh được việc phải xem quảng cáo xuất hiện nhan nhản mỗi ngày. Nhưng hãy giúp con bạn đọc được thông điệp marketing đang ẩn giấu bằng cách hỏi, “Người ta đang cố lôi kéo con mua cái gì qua quảng cáo này? Con có nghĩ sản phẩm này sẽ mang lại những giá trị đúng như nó hứa hẹn không?”.
Tìm đồng minh. Khi con cái đến tuổi thiếu niên, vai trò của cha mẹ đã thay đổi đáng kể. Trong hầu hết các gia đình, trẻ dậy thì bắt đầu thể hiện sự độc lập của chúng trong mối quan hệ với cha mẹ. Nhưng thế không có nghĩa là chúng sẽ không bao giờ lắng nghe người lớn. Hãy tìm ai đó trong cộng đồng (có thể là một huấn luyện viên, người cố vấn hay ai đó trong nhà thờ) ủng hộ các giá trị của bạn, rồi tạo cơ hội để người đó trò chuyện với con của bạn.
Bớt nuông chiều con. Thường thì các bậc phụ huynh sẽ lao động cật lực để đảm bảo các con có được lợi thế đáng kể, bằng cách chu cấp cho chúng bằng mọi giá. Nhưng làm vậy đồng nghĩa với việc chúng ta đang tạo ra rủi ro lớn vì không trang bị cho con hành trang cần thiết khi vào đời, vì ta không dạy cho các con biết về tinh thần trách nhiệm. Quá trình duy trì những món tài sản của chúng ta đòi hỏi rất nhiều công sức, bãi cỏ cần được cắt tỉa, ô-tô phải được chùi rửa và bảo dưỡng, quần áo phải được phân loại trước khi giặt, phòng ốc phải được dọn dẹp. Hãy để các con biết được điều này. (Gợi ý: hãy phân công chúng làm việc nhà.)
Dẫn con đi du lịch ở những quốc gia kém phát triển hơn. Tôi từng dẫn nhiều thanh thiếu niên đi đến các khu vực còn nghèo khổ trên thế giới, và đứa trẻ nào cũng bị chấn động trước sự chênh lệch giữa những gì mình đang sở hữu và những gì người khác có được. Hơn nữa, tuổi dậy thì là lứa tuổi hầu như luôn bị ấn tượng khi thấy người khác có vẻ hạnh phúc đến dường nào dù họ sở hữu rất ít đồ đạc. Nếu bạn để chúng được mở mang tầm mắt về điều kiện sống ở các quốc gia kém phát triển, chúng sẽ thấy sự coi trọng chủ nghĩa tiêu dùng ở các quốc gia phát triển là thật ngớ ngẩn và sai lầm.
Dạy các con biết rằng điều quan trọng nhất không phải là người ta có gì trong tay, mà là con người họ. Một phẩm chất cao quý có giá trị lớn hơn nhiều so với của cải vật chất. Hãy tin tưởng sự thật này. Hãy tự mình chứng minh điều đó. Và hãy nhắc nhở những đứa con đang ở độ tuổi dậy thì của bạn như vậy mỗi khi có dịp dạy dỗ chúng.
Trong lúc thực hiện những điều trên, hãy nhẫn nại và kiên trì với con cái. Càng lớn, bọn trẻ càng khó chuyển sang lối sống tối giản. Nói cho cùng, nếu giống tôi thì bạn cũng phải mất đến ba mươi năm để đón nhận lối sống tối giản còn gì. Thật ngớ ngẩn nếu cho rằng con của bạn sẽ đón nhận điều đó trong ba mươi phút, hay ba mươi ngày. Nhưng rồi sẽ đến lúc bạn thấy, cũng giống những đứa con nhỏ tuổi hơn của mình, những đứa con lớn tuổi hơn sẽ bắt đầu thích sự tự do mà lối sống tối giản mang lại. Hoặc ít ra thì chúng sẽ có tấm gương và lời dạy của bạn để thay đổi trong tương lai, vào lúc chúng cần những điều đó nhất.
Cô Học Trò Theo Lối Sống Tối Giản
Jessica Dang bắt đầu đọc những quyển sách Phật giáo có đề cập đến các nguyên tắc của lối sống tối giản khi còn là một cô gái mười lăm tuổi đang sống cùng cha mẹ ở Anh. “Tôi lập tức bị cuốn hút”, cô kể với tôi. “Lối sống tối giản hấp dẫn tôi nhờ tính hợp lý cao độ. Ai cũng muốn được hạnh phúc, và bạn không cần đến của cải vật chất mới có được hạnh phúc, dù đa số mọi người đều nghĩ thế.”
Tuy nhiên, trong lúc Jessica đang say mê chủ nghĩa tối giản, cha mẹ cô kiếm được tiền hơn bao giờ hết, và tiêu tiền cũng nhiều không kém. Jessica kể: “Chúng tôi mua một căn nhà đồ sộ hơn, nhiều quần áo hơn, một chiếc ô-tô mới, những món phụ kiện điện tử sáng bóng và đủ thứ khác mà người ta thường sắm sửa khi giàu lên. Nhưng rất nhiều thứ chúng tôi đã sắm rốt cuộc nằm chỏng chơ và phủ đầy bụi, dù tỷ lệ ấy chưa đến mức quá đáng. Tôi đặc biệt hối hận vì đã giúp bố mua một chiếc máy tập thể dục mà đến nay cả nhà tôi chưa từng sử dụng! Căn nhà ngày càng chật chội và các gian phòng có vẻ nhỏ đi, điều đó khiến tôi thấy lo âu khi ở nhà bởi cảm giác bồn chồn khi bị quá nhiều đồ đạc vây quanh”.
Tôi hỏi Jessica xem nhóm bạn tuổi dậy thì của cô phản ứng thế nào với lối sống tối giản của cô. Cô đáp: “Có lúc tôi thấy mình và các bạn đang sống trong hai thế giới khác nhau. Bọn họ bận tâm đến rất nhiều thứ, chẳng hạn như mốt thời trang mới nhất, còn tôi thì chẳng buồn để ý. Ban đầu, tôi cố nói đôi điều, rằng họ nên thư giãn một chút và đừng để tâm đến những yếu tố vật chất như vậy nữa, và trên đời còn nhiều điều quan trọng hơn. Nhưng tất cả chỉ như nước đổ lá môn, và cuối cùng tôi học được cách im lặng. Tôi đã chọn sai đối tượng để chia sẻ”.
Thay vì cố gắng thuyết phục các bạn, Jessica lập một trang blog có tên Minimal Student (tạm dịch: Cô học trò tối giản), trong đó cô viết về những suy nghĩ và trải nghiệm liên quan đến lối sống tối giản của mình. Tại đây, cô tìm được cộng đồng những người trẻ tuổi khác trên mạng, những người có cùng chí hướng với cô.
Khi vào đại học, Jessica gói ghém mọi thứ mình cần vào cốp xe và chuyển đến sống ở một thành phố khác. Cô thích được tự do theo đuổi lối sống giản đơn và thấy quả thật mình có thể sống mà không cần quá nhiều thứ.
Chỉ sau năm đầu đại học, cô đã cắt giảm số đồ đạc của mình chỉ còn lại một va-li và chuyển đến Nhật Bản một năm. “Đó là năm tuyệt vời nhất đời tôi”, cô nói. “Tôi đã làm, quan sát và trải nghiệm rất nhiều điều mới mẻ và thú vị, và thậm chí chẳng còn phải vác theo gánh nặng đồ đạc nữa. Tôi không cần chúng! Sau năm ấy, cuộc đời tôi đã thay đổi mãi mãi. Khi quay lại Anh để hoàn thành việc học, tôi lại có chỗ ở riêng và chuyển đến đó cùng với số đồ đạc ít ỏi của mình. Đấy là những năm tháng hạnh phúc nhất đời tôi.”
Bạn nghĩ liệu có khả năng nào khiến Jessica sẽ trở thành một người tiêu tiền như nước và tích lũy đồ đạc quá đà không? Tôi nghĩ là không. Bởi cô ấy đã tìm được con đường phù hợp hơn và sẽ gắn bó với nó cả đời. Và chủ nghĩa tối giản bén rễ trong cô từ thuở dậy thì.
ưu tiên cho các mối quan hệ
Từ rất lâu, các gia đình ở khắp nơi trên thế giới đều theo đuổi loại “hạnh phúc” do của cải vật chất và sự giàu có mang lại. Đã đến lúc chúng ta phải nuôi dạy một thế hệ biết tạo dựng cuộc sống tốt đẹp từ một góc độ khác. Và hãy để tôi khẳng định với bạn lần nữa: cả nhà cùng theo đuổi chủ nghĩa tối giản là chuyện hoàn toàn khả thi. Gia đình tôi và nhiều gia đình khác mà tôi biết chính là bằng chứng.
Hãy tìm hiểu về lối sống tối giản. Hãy nói về nó. Thực hành nó. Hãy đặt ra những giới hạn để định hình lối sống tối giản. Hãy gặt hái lợi ích mà nó mang lại.
Hãy cùng cả nhà theo đuổi lối sống tối giản, bạn sẽ thích điều này!
Và giờ đây, trước khi khép lại chương này, tôi phải làm một phép so sánh để bạn hiểu rõ hơn, kèm theo đó là lời nhắc nhở về một điều mà tôi hy vọng bạn đã hiểu rồi: mối quan hệ với người bạn đời và các con của bạn quan trọng hơn nhiều so với tiến độ đến với chủ nghĩa tối giản của bạn.
Tôi từng nghe một số người kể rằng họ đã dấn bước vào hành trình tối giản hóa cuộc sống của mình, nhưng trong quá trình ấy, họ bực bội với vợ chồng hoặc con cái mình đến mức để xảy ra cãi vã và giận dỗi. Tệ hơn, trong một số trường hợp, việc đơn phương theo đuổi chủ nghĩa tối giản còn khiến gia đình tan vỡ.
Có lần tôi nhận được một e-mail làm tôi phát hoảng.
Joshua, tôi muốn được nghe lời khuyên của anh về chuyện này. Tôi thấy hình như tất cả đồ đạc vợ chồng tôi sở hữu đang khiến tôi khó thở theo đúng nghĩa đen. Chồng tôi không chịu lắng nghe tôi, cũng không chịu bỏ bớt bất kỳ món đồ nào. Anh nghĩ tôi có nên ly hôn không?
Tôi vội hồi âm nhanh nhất có thể. Một phần trong thư tôi có viết:
Tôi có thể hiểu vì sao chị cảm thấy bức bối, nhưng chắc chắn là tôi KHÔNG khuyên chị ly hôn. Lối sống tối giản nên mang người ta lại gần nhau hơn, chứ không phải gây ra khoảng cách giữa đôi bên.
Cô ấy đã suýt phạm phải một sai lầm khủng khiếp!
Bạn đừng mắc phải sai lầm tương tự. Đừng để những vấn đề về đồ đạc chia cắt các thành viên trong gia đình, dù là về phương diện tình cảm hay pháp lý.
Hãy nhớ, bạn đã chọn chủ nghĩa tối giản vì lý do nào đó. Thường thì bạn chọn lối sống tối giản vì coi trọng các mối quan hệ hơn đồ đạc. Nếu vậy thì thật ngớ ngẩn khi để cho chủ nghĩa tối giản chen vào giữa bạn và những người thân yêu của mình. Các mối quan hệ thân thiết là rất quan trọng.
Hãy chấp nhận một điều, đó là bạn không thể thay đổi người khác. Bạn chỉ có thể hướng dẫn, khích lệ và hỗ trợ khi được phép mà thôi. Có lẽ bạn không hoàn toàn hài lòng về phản ứng của người nhà đối với chủ nghĩa tối giản. Khi ấy, hãy tự nhủ rằng tối giản một phần còn tốt hơn là chẳng tối giản tí gì. Và nếu bạn đã thề ước với người bạn đời là sẽ gắn bó bên nhau cho đến khi nào cái chết chia lìa đôi bên, hãy giữ vững lời thề ấy.
Một trong những điều vĩ đại nhất của tình yêu là sự kiên nhẫn. Khi bạn thấy ngày càng bực bội và sắp nổi trận lôi đình với ai đó trong nhà, hãy hít một hơi thật sâu. Hãy nhắc mình nhớ rằng chính bạn cũng không hoàn hảo. Hãy điểm qua tất cả những điều tốt đẹp mà bạn trân trọng ở vợ/chồng và con cái mình. Tôi xin nhắc lại lần nữa, bạn không thể thay đổi người khác; bạn chỉ có thể thay đổi cách mình tương tác với người khác.
Bên cạnh đó, có thể một thành viên trong gia đình bạn từ chối tối giản hóa cuộc sống vì những vấn đề sâu xa hơn. Những vết thương lòng sâu sắc có thể khiến vợ/chồng hoặc con cái bạn trở thành kẻ cuồng tích cóp đồ đạc. Thậm chí hành vi của người đó còn có thể là triệu chứng của hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế hoặc một bệnh lý nào khác. Trong trường hợp đó, biện pháp đúng đắn là thận trọng và giúp người đó tìm được sự ủng hộ và giúp đỡ cần thiết. Đôi khi bạn sẽ cần tới sự hỗ trợ của chuyên gia.
Hãy cố gắng hết sức để truyền đạt thông điệp của lối sống tối giản trong gia đình mình. Không gì tuyệt vời bằng việc biết người thân ở ngay bên cạnh mình đang theo đuổi những thay đổi hết sức ý nghĩa. Nhưng dù điều gì xảy ra đi nữa, hãy nhớ các mối quan hệ luôn là ưu tiên hàng đầu.
Và giờ đây, khi chúng ta đã học được các bước của quá trình tối giản hóa, trong đó có việc dẫn dắt cả nhà cùng đồng hành với mình, đã đến lúc ta tập trung vào những vấn đề quan trọng hơn, thành quả của công cuộc tối giản hóa. Hãy nhớ, đống đồ đạc thừa thãi không chỉ khiến ta không được hạnh phúc, mà tệ hơn, chúng còn khiến ta xa rời những thứ đem lại hạnh phúc cho mình. Một khi đã bỏ được những thứ không quan trọng, chúng ta sẽ được tự do theo đuổi những thứ thật sự quan trọng.
Tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về cách trở thành những người hào phóng hơn (Chương 11), sống có chủ đích ở mọi phương diện (Chương 12) và ấp ủ những hoài bão lớn lao trong đời (Chương 13).