11
Lối Tắt Dẫn Đến Những Điều Có Ý Nghĩa
Một ngày nọ, gia đình tôi đi mua hàng tạp phẩm, và khi rời khỏi cửa hàng thì chúng tôi thấy bên hông chiếc Minivan màu nâu hạt dẻ nhà mình có một vết xước lớn do bị một chiếc xe khác quẹt phải. Ngay lập tức, tôi thấy lòng mình chùng xuống. Dấu vết ấy mới xấu xí làm sao, lại còn nằm ngay phía ghế hành khách nữa chứ!
Tệ hơn cả là người gây ra vụ việc đã rời khỏi hiện trường mà không để lại thông tin liên lạc để chúng tôi có thể liên hệ với công ty bảo hiểm của người đó đòi phí sửa chữa. Thế tức là nếu định sơn lại chỗ bị xước, chúng tôi sẽ phải tự chi trả. Dù vậy, vì đây là loại xe cũ nên khả năng cao là vết xước vẫn sẽ lộ rõ và làm xấu chiếc xe.
Vợ chồng tôi lặng lẽ lái xe đi, ai cũng khó chịu trong lòng.
Trong sự yên lặng ấy, tôi ngẫm lại xem vụ việc này đã tác động đến mình như thế nào. Tại sao tôi lại buồn phiền đến vậy về một vết xước trên chiếc Minivan nhà mình?
Tôi nhận định rằng đó là vì đối với chúng tôi, chiếc xe là một khoản đầu tư lớn. Chúng tôi đã chi rất nhiều tiền mồ hôi nước mắt để mua chiếc xe này, cũng như bỏ ra kha khá thời gian và công sức để chăm sóc nó. Nếu chiếc xe đạp của mình bị xước một vết tương tự, tôi sẽ không bận tâm đến vậy. Nhưng vì chiếc ô-tô tượng trưng cho một khoản đầu tư tài chính quan trọng đối với chúng tôi (khoản đầu tư lớn thứ hai, sau căn nhà), nên tôi cũng dành rất nhiều tình cảm cho nó.
Và rồi tôi nhớ đến lời Chúa Jesus: “Của cải của ngươi ở đâu, lòng ngươi cũng sẽ ở đó”. Hãy để ý thứ tự trong câu đó: lòng ta đi theo của cải, chứ không phải ngược lại.
Không may thay, rất nhiều người trong số chúng ta đang ràng buộc trái tim mình nhầm chỗ. Ta đang dâng hiến cuộc sống của mình cho những thứ của cải vật chất vốn không bao giờ đem lại niềm vui lâu dài. Ta mua những căn nhà đồ sộ hơn, những chiếc ô-tô tốc độ cao hơn, quần áo hợp thời trang hơn và những thiết bị công nghệ xịn hơn, và rồi nhồi nhét ngày càng nhiều đồ đạc vào những chiếc tủ quần áo vốn đã đầy ắp. Hậu quả là sự bừa bộn ấy đòi hỏi chúng ta phải dành thời gian và công sức ngày một nhiều để chăm lo cho đống đồ đạc đó.
Nhưng chúng ta không bao giờ tìm được sự mãn nguyện dài lâu từ những thứ có bản chất tạm bợ. Và sự bất mãn chính là bằng chứng cho thấy chúng ta đã tích cóp đồ đạc quá đà.
Thay vì vậy, điều quan trọng là mỗi người chúng ta phải nhìn xung quanh để tìm những thứ đáng để đầu tư, từ đó ràng buộc lòng mình với những yếu tố đem lại niềm vui đích thực, mục đích vĩnh cửu và sự mãn nguyện dài lâu. Tôi đang nói đến gia đình, bạn bè, đời sống tâm linh và các nguyên tắc mà ta tin tưởng. Đó mới là nơi ta nên hiến dâng thời gian, công sức và tài chính của mình.
Sở hữu ít đi làm ta trở nên hào phóng và giàu tình cảm hơn. Thật ra, tôi đã nhiều lần nhìn thấy rằng lối sống tối giản có thể là lối tắt nhanh nhất dẫn đến cuộc sống có ý nghĩa lớn lao và lâu dài hơn. Có lẽ có rất nhiều người muốn trở nên hào phóng hơn, nhưng trước khi giải phóng bản thân khỏi gánh nặng chi tiêu quá đà và tích lũy của cải thừa mứa, họ sẽ không tài nào làm được điều đó. Biến những món đồ mình không cần thành những món đồ có giá trị đối với người khác sẽ giúp cuộc sống của chúng ta phong phú hơn, giàu có hơn. Và càng sớm cho đi thì chúng ta càng sớm khám phá được tiềm năng dồi dào ẩn chứa trong cuộc sống của mình.
Khi ấy, sự hào phóng sẽ không chỉ là kết quả của lối sống tối giản nữa, mà còn có thể biến thành động lực cho lối sống ấy.
Bạn có muốn tạo nên điều khác biệt để cuộc sống của những người xung quanh lẫn những người sống trên khắp thế giới trở nên tốt đẹp hơn không? Trong chương này, tôi sẽ nói với bạn: hãy cho đi những thứ bạn không cần đến, cùng với tiền bạc dư thừa và thời gian rảnh rỗi. Cả bạn lẫn người nhận đều sẽ gặt hái được lợi ích đáng kinh ngạc.
Hàng Thanh Lý
Khi tôi và Kim bắt đầu sống tối giản, chúng tôi đối mặt với câu hỏi phải làm gì với toàn bộ số đồ đạc mình muốn loại bỏ. Ban đầu, mục tiêu của chúng tôi là vớt vát được chừng nào hay chừng nấy từ những thứ mình bỏ đi. Suy nghĩ của tôi đại loại thế này: Mình đã chi nhiều tiền để sắm sửa đống đồ này, vậy thì cũng phải vớt vát lại chút đỉnh chứ.
Khi có mục tiêu đó trong đầu, vợ chồng tôi thử nhiều chiến lược khác nhau. Chúng tôi đăng bán vật dụng trên trang bán hàng online. Chúng tôi mang quần áo đến cửa hàng ký gửi. Chúng tôi lập tài khoản eBay. (Có lúc tôi còn bán đấu giá toàn bộ đồ đạc trong ngăn kéo đựng đồ lặt vặt của mình. Chẳng ai thèm tham gia đấu giá hết!)
Và tất nhiên chúng tôi đã tổ chức một buổi thanh lý đồ cũ tại nhà để xe.
Vợ chồng tôi quyết định tiến hành thanh lý vào một sáng thứ Bảy, chỉ vài tuần sau khi biết đến chủ nghĩa tối giản. Chúng tôi thức dậy từ sớm, ăn sáng vội vàng rồi bắt tay vào việc. Chúng tôi sắp xếp mấy chiếc bàn và bày lên đó chén đĩa, quần áo, đồ chơi, đồ trang trí, sách, đĩa CD và DVD (đó là tôi chỉ mới liệt kê một ít thôi) để người mua có thể dễ dàng lựa chọn. Trên mỗi món đồ, chúng tôi dán một mẩu giấy nhỏ ghi giá tiền.
Khi mọi thứ đã sẵn sàng, vợ chồng tôi giăng bong bóng ngoài đường. Cả hai cầu nguyện cho trời không mưa. Chúng tôi mở nhạc nhẹ như người ta hay làm ở các cửa hàng bách hóa. Và rồi chúng tôi mở cửa khai trương buổi thanh lý đồ cũ tại nhà để xe.
Trong lúc chờ khách đến, vợ chồng tôi bàn với nhau nên dùng món tiền to sắp kiếm được vào những việc gì. Gửi tiết kiệm? Cả nhà cùng đi du lịch? Hay là mua một tấm thảm mới cho phòng khách? Dường như có vô số phương án… cho đến khi hiện thực ập đến.
Tôi ngồi trên một chiếc ghế nhựa xanh, nhìn khách hàng chậm rãi đến và đi. Họ cầm các món đồ lên, lật tới lật lui, săm soi rồi đặt lại chỗ cũ. Vợ chồng tôi tán gẫu và giao tiếp bằng ánh mắt với càng nhiều khách hàng càng tốt, hy vọng làm vậy sẽ giúp họ có một trải nghiệm mua sắm thân thiện. Một số người có hứng thú với vài vật dụng, nhưng thường thì để bán được hàng, chúng tôi buộc phải giảm giá.
Khi mặt trời ngả về tây và bóng chiều kéo đến, chúng tôi hạ giá một số vật phẩm. Chúng tôi đã làm đủ cách để bán được nhiều hàng hóa hơn. Thậm chí có lúc tôi còn vờ đóng vai khách hàng trong buổi thanh lý của vợ chồng mình chỉ để người qua đường chú ý nhiều hơn.
Đến cuối ngày, chúng tôi kiếm được một trăm ba mươi lăm đô-la. Thật là nản. Chúng tôi bỏ túi được ít hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu. Tôi phải nói cho bạn biết là trên đời này hiếm có chuyện gì khiến bạn phải nghi ngờ gu thẩm mỹ nội thất của mình hơn việc chứng kiến những món đồ trang trí ưa thích của mình bán ế, mặc dù đã giảm giá rất nhiều.
Đêm hôm ấy, vì mệt đến mức chẳng buồn nghĩ đến chuyện nấu ăn, vợ chồng tôi dành một nửa số tiền kiếm được trong ngày chỉ để đưa cả nhà đi ăn tiệm. Buổi thanh lý đồ cũ tại nhà để xe đã giúp tình hình tài chính của chúng tôi tiến triển như thế đó!
Sau ngày hè hôm ấy cũng như nhiều trải nghiệm tương tự mà tôi đã nhiều lần gặp phải, tôi đúc kết được lời khuyên sau đây cho bạn: Nếu bạn đang loại bỏ đồ đạc để đơn giản hóa lối sống của mình, đừng cố bán chúng đi. Không đáng để phiền phức vậy đâu. Bán đồ đạc chỉ khiến cho quá trình tối giản hóa thêm nặng nề và căng thẳng. Có lẽ đối với một số thứ đắt tiền thì việc chịu đựng phiền phức để bán cũng đáng giá đấy. Nhưng với những món đồ vặt vãnh thì không - chắc chắn là không, nếu như bạn mong sẽ kiếm được bộn tiền từ buổi thanh lý đồ cũ tại nhà để xe!
May thay, chúng tôi đã tìm được biện pháp khác.
Cách Hay Hơn Để Bỏ Đi Đồ Đạc
Sau buổi thanh lý đồ cũ đầy thất vọng, mệt mỏi và lãng phí thời gian, vợ chồng tôi vẫn còn lại rất nhiều đồ đạc cần xử lý. Thế là Kim gọi điện đến Care Net, một tổ chức địa phương ở Burlington, Vermont, chuyên trợ cấp quần áo của mẹ và bé cho những bà mẹ sắp sinh. Kim muốn biết liệu họ có thể tận dụng một số đồ dùng em bé mà chúng tôi chưa bán được hay không.
Họ nhiệt tình đáp: “Có, có chứ. Chúng tôi luôn có nhu cầu.”
Nghe họ trả lời như vậy, tôi bèn gọi tiếp một cuộc điện thoại nữa. Lần này, tôi liên hệ với Chương trình Tái định cư cho Người tị nạn Vermont, nơi giúp đỡ những người tị nạn và di cư có thể tự lập và tự chủ về kinh tế.
Họ nói với vợ chồng tôi là họ rất cần khăn tắm, khăn trải giường và dụng cụ nấu nướng vì thường xuyên phải trang bị phòng ốc cho những người di cư, những người vốn chẳng mang theo bao nhiêu thứ khi đến đây, trừ mấy bộ quần áo.
Sau đó, chúng tôi gọi điện cho nhiều hội từ thiện khác trong vùng, trong đó có một mái ấm cho người vô gia cư.
Khi biết được những món đồ gia dụng của mình có thể trợ cấp cho bao nhiêu người đàn ông, phụ nữ và trẻ em trong cộng đồng, những người đang sống trong cảnh thiếu thốn những tiện nghi cơ bản, chúng tôi xúc động vô cùng. Chúng tôi nhận thấy nhiều năm nay mình đã để nhiều thứ nằm phủ bụi trong ngăn tủ hoặc dưới hầm, trong khi người khác lại rất cần chúng. Và vì sao chúng tôi lại làm thế? Chỉ để phòng trường hợp các nhà cung cấp khăn trải giường, dụng cụ nấu nướng hay quần áo đột ngột không đủ khả năng cung ứng hay sao?
Chúng tôi nhanh chóng khám phá ra rằng niềm vui đến từ việc chuyển những vật dụng không cần thiết đến các hội từ thiện địa phương lớn hơn nhiều so với khi kiếm được tiền nhờ bán những vật dụng ấy. Trải nghiệm này đã thay đổi quan điểm tối giản hóa của tôi và cũng làm tôi mãi mãi thay đổi lời khuyên dành cho những người đang muốn bước vào hành trình này.
Thay vì bán những vật dụng bạn không muốn, hãy đem cho chúng đi. Hãy thể hiện tính hào phóng và bạn không thiếu cơ hội để làm điều đó đâu.
Trên khắp thế giới này, có vô số hội từ thiện phục vụ cho các nhu cầu cấp thiết có thật. Họ cung cấp thực phẩm và chỗ trú cho những người thiếu thốn. Họ đưa nước sạch đến những ngôi làng không có giếng. Họ bảo vệ phụ nữ bị bạo hành. Họ đưa trẻ mồ côi đến những gia đình giàu lòng yêu thương. Họ cung cấp dịch vụ giáo dục và đào tạo nghề cho những ai cần hỗ trợ lập nghiệp. Và còn nhiều, nhiều nữa.
Bằng cách đưa những món đồ mình không còn dùng nữa đến các hiệp hội như vậy, bạn có thể dễ dàng và mau chóng tạo nên sự khác biệt chân chính. Đương nhiên khi cho đi theo cách này, bạn sẽ thấy thỏa mãn hơn bao giờ hết, kể cả khi nếu buổi thanh lý kiếm được nhiều tiền hơn cả mức kỳ vọng cao nhất của bạn.
Giảm thiểu lượng đồ đạc mình sở hữu là một công việc vất vả. Cố bán lại mớ đồ đạc bừa bộn sẽ khiến bạn mất nhiều thời gian và công sức, đồng thời khiến cho hành trình của bạn thêm căng thẳng. Nhưng đem cho đồ đạc sẽ đem lại niềm vui và sự mãn nguyện cho tâm hồn bạn, thứ mà tiền bạc không bao giờ mua được.
Thế nên hãy tìm một hội từ thiện nào đó phù hợp với các giá trị của bạn và trải nghiệm cảm giác hạnh phúc khi thấy những vật dụng dư thừa của mình có thể giải quyết nhu cầu của những người khác trong cộng đồng như thế nào.
Không mấy ai từng hình dung đến một trải nghiệm như của Ali Eastburn.
Những Chiếc Nhẫn Cưới
Năm 2007, Ali Eastburn tham gia một buổi tụ họp cuối tuần với vài người phụ nữ trong nhà thờ. Khi ấy cô bốn mươi tuổi, là một người phụ nữ dí dỏm có mái tóc đỏ, đã kết hôn và làm mẹ. Cô muốn nhân dịp này tái gắn kết với bạn bè và tập trung vào mối quan hệ của mình với Chúa. Cô không mảy may biết rằng buổi tụ họp này sẽ thay đổi cuộc đời của mình, và sau này là của đông đảo đàn ông và phụ nữ trên khắp thế giới.
Khi mọi người cùng ngồi trong phòng, trưởng nhóm hỏi: “Chúng ta có thể làm gì để thay đổi thế giới xung quanh?”
Cả phòng rơi vào yên lặng.
Sau cùng, Ali lên tiếng: “Nếu chúng ta bán một số đồ đạc của mình và dùng tiền ấy để giúp đỡ mọi người thì sao?”.
Ý tưởng của cô khiến cả phòng càng thêm trầm mặc.
Ali nói tiếp: “Nếu chúng ta bán một vài món đồ mình thích? Chẳng hạn như ô-tô, tàu thuyền, hoặc là…” Ali chợt im bặt vì có một ý nghĩ táo bạo lướt qua tâm trí cô, ý tưởng này sẽ thay đổi cuộc sống của cô và vô số người khác. Cô nói: “Tôi cá là nếu bán nhẫn cưới của mình, tôi sẽ có thể trợ cấp lương thực cho cả một ngôi làng ở châu Phi”.
Cô không thể tin được mình có thể phát ngôn như thế. Nhưng cô biết rõ rằng từ bỏ chiếc nhẫn chính là việc mình cần làm.
Mấy tuần lễ trôi qua, sau nhiều lần trao đổi với chồng, cả hai bán chiếc nhẫn và quyên tặng số tiền ấy để khoan giếng trong khu vực phụ cận sa mạc Sahara ở châu Phi, nơi có rất nhiều người khốn khổ vì thiếu nước uống.
Nhưng chuyện không dừng lại ở đó. Vài tuần sau, vào một sáng Chủ nhật, một người bạn của Ali kéo cô vào một góc và đặt chiếc nhẫn cưới của mình vào tay cô. Cô bạn ấy khẽ nói: “Cậu có thể dùng cả nhẫn của mình nữa”. Ali vô cùng ngạc nhiên khi không chỉ cô bạn này, mà thêm vài người bạn khác cũng cho đi nhẫn cưới của họ.
Nhân đó, Ali thành lập một tổ chức phi lợi nhuận có tên With This Ring (tạm dịch: Bằng chiếc nhẫn này), kêu gọi mọi người hãy hào phóng, nhiệt liệt đề nghị họ từ bỏ những tài sản quý giá nhất của mình vì người khác. Đến nay, With This Ring đã thu được hơn một ngàn chiếc nhẫn và cung cấp nước sạch cho hàng chục ngàn người ở châu Phi, Trung Mỹ và Ấn Độ.
Ali đã được trải nghiệm niềm vui có được nhờ việc cho đi, cùng với sự mãn nguyện do lòng hào phóng đem lại. Cô đã chứng minh rằng cho đi tốt hơn nhiều so với tích cóp.
Có lẽ bạn sẽ không bao giờ cảm thấy động lòng và muốn từ bỏ nhẫn cưới của mình để cung cấp nước sạch cho người dân châu Phi. Ali không phủ nhận hành trình đến với sự hào phóng của cô đã có một khởi đầu khá lạ thường. Nhưng có lẽ mỗi chúng ta sẽ cảm thấy xúc động khi có thể tương trợ cho những người nghèo và người túng thiếu, không chỉ vì họ mà còn vì chính mình nữa. Hiến tặng tài sản là cách nhanh nhất để bắt đầu hỗ trợ những người khốn khổ quanh ta.
Và câu chuyện về việc chủ nghĩa tối giản có thể củng cố lòng hào phóng của bạn chỉ mới bắt đầu.
Quyên Tặng Định Kỳ
Một khi việc tối giản hóa cuộc sống đã có tiến triển, bạn sẽ thấy rõ lợi ích mà nó mang lại. Vì đã ngừng mua sắm quá đà, chúng ta thường sẽ dành dụm được nhiều tiền gửi ngân hàng hơn. Tôi coi số tiền này là lợi tức của việc sống tối giản.
Ta có thể dùng số lợi tức này làm được nhiều việc, chẳng hạn như trả nợ, tiết kiệm hoặc đầu tư cho một tương lai vững chắc hơn, và mua những món đồ chất lượng chứ không chú trọng số lượng khi có nhu cầu chính đáng. Đây đều là những phương án tốt. Nhưng còn một phương án khác nữa, đó là bắt đầu hoặc tăng cường ủng hộ từ thiện.
Thử đoán xem người dân Mỹ quyên tặng bao nhiêu phần trăm thu nhập một năm.
Câu trả lời đúng là bình quân mỗi cá nhân quyên tặng khoảng 2% đến 3% thu nhập. Như vậy là cả nước Mỹ quyên tặng khoảng hai trăm sáu mươi tỷ đô-la mỗi năm. Nếu bạn tính thêm số tiền do các hiệp hội, doanh nghiệp và di chúc hiến tặng, con số tổng cộng lên được chừng ba trăm sáu mươi tỷ đô-la.
Đừng hiểu lầm ý tôi; tôi rất vui khi thấy tiền bạc được đưa cho những ai cần đến nó. Nhưng thành thật mà nói, tôi nghĩ đây là một con số thấp và thậm chí là đáng xấu hổ. Nếu mỗi cá nhân chúng ta quyên tặng 3%, tức là ta giữ lại 97% thu nhập cho bản thân. Trong khi người Mỹ là một trong những nước giàu có nhất hành tinh, liệu ta có thật sự cần phải chi 97% tiền bạc của mình cho bản thân không? Nhất là khi xét đến cảnh nghèo túng khủng khiếp trên khắp thế giới và những nước lân cận?
Tôi biết quyên tặng tiền bạc có thể rất đáng sợ, đặc biệt là nếu như trước đây chúng ta ít khi làm vậy. Hào phóng là một hành vi dũng cảm. Xòe rộng đôi tay và buông bỏ những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình là một việc khó khăn. Nhưng tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể cho đi một khoản tiền nhỏ, định kỳ hàng tháng, hay mỗi năm, để giúp đỡ những ai đang thật sự cần. Hãy thoải mái đi. Hãy học cách để số tiền ấy trở thành một phần trong dòng chảy tài chính vĩ đại đến với những ai cần nó.
Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy việc này mới tuyệt làm sao.
Có lẽ bạn cũng sẽ ngạc nhiên khi thấy mình trở nên hào phóng thế nào nhờ tham gia vào quá trình này. Hãy đặt của cải của mình vào một nơi phù hợp, và trái tim bạn sẽ theo sau.
Đừng bỏ công nghiên cứu các lựa chọn mua sắm và đi sắm những món đồ mình không thật sự cần nữa, thay vào đó, hãy dùng công sức ấy để tìm cách quyên tặng tiền bạc sao cho đạt được tác động lớn nhất. Nếu đây là một hoạt động mới đối với bạn, tôi muốn khuyên bạn vài lời dành cho người mới bắt đầu.
Quyên Góp
Trong chúng ta ít có ai hài lòng với mức độ hào phóng hiện tại của mình. Hầu hết những người tôi biết đều ước gì mình có thể cho đi nhiều hơn.
Vì vậy, tôi muốn đưa ra một số bước đơn giản mà chúng ta có thể thực hiện để trở nên hào phóng hơn. Nếu bạn chưa từng quyên tặng đồng nào, đây sẽ là cách thức rất tuyệt vời để khởi đầu (cho dù tình hình kinh tế hiện tại của bạn có ra sao đi nữa). Mặt khác, nếu muốn tăng cường mức độ hào phóng của mình, bạn cũng sẽ thấy những bước đơn giản này thật thích hợp và hữu ích.
1. Bắt đầu từ việc nhỏ, thật nhỏ. Nếu bạn chưa từng quyên tặng đồng nào, hãy bắt đầu bằng việc quyên tặng một đô-la. Đừng ngại vì chỉ quyên góp có một đô-la. Bạn chẳng cần phải lo lắng gì hết: trên mạng có rất nhiều hội từ thiện cho phép bạn quyên tặng bằng thẻ tín dụng, và bạn sẽ không bao giờ đi ngang qua những người đã ghi nhận số tiền ủng hộ một đô-la của bạn.
Đương nhiên, mục đích ở đây là để bạn có sự khởi đầu. Nếu bạn thấy quyên tặng năm, mười, hay hai mươi đô-la sẽ dễ chịu hơn thì cứ bắt đầu từ đó. Cho dù bạn chọn con số nào đi nữa, hãy cứ bước ra khỏi hàng ghế khán giả và thật sự làm điều gì đó. Bạn có thể làm được. Và cú hích nho nhỏ ấy có thể giúp bạn có động lực để trở nên hào phóng hơn.
2. Trước tiên, hãy cho đi. Khi nhận lương, bạn hãy quyên góp trước khi làm bất kỳ điều gì khác.
Chúng ta thường chờ xem mình còn bao nhiêu tiền rồi mới quyết định quyên góp. Vấn đề là khi chúng ta đã bắt đầu tiêu tiền thì sẽ không còn lại bao nhiêu, và tương lai luôn có nhiều khoản chi hơn nữa còn đang chực chờ. Thói quen tiêu hết tiền đã khắc quá sâu vào cuộc sống của chúng ta. Để phá vỡ vòng lẩn quẩn ấy, ta cần cho đi trước tiên.
Mỗi lần nhận lương, hãy viết một tấm séc cho nhà thờ, mái ấm cho người vô gia cư hoặc bất cứ đối tượng nào khác mà bạn chọn. Có lẽ bạn sẽ phải ngạc nhiên khi thấy mình thậm chí chẳng buồn nhớ đến khoản tiền này. Có lẽ bạn cũng sẽ ngạc nhiên khi thấy việc tăng dần số tiền quyên góp dễ dàng đến mức nào.
3. Chuyển đổi một khoản chi nhất định. Trong một thời hạn cụ thể, hãy chọn một hội từ thiện và quyên góp một khoản nhất định cho hội từ thiện ấy. Bạn có thể lựa chọn đem cơm đến chỗ làm thay vì ăn tiệm, đạp xe đạp đi làm mỗi tuần một lần thay vì đổ xăng để lái xe, hoặc bỏ uống cà phê Starbucks mỗi thứ Hai. Hãy tính toán số tiền tiết kiệm được rồi đưa khoản tiền ấy cho một hội từ thiện hay một phong trào nào đó.
Tôi đề nghị nên từ bỏ thứ gì đó thú vị và độc đáo, khiến bạn nhớ mãi không thôi. Việc đặt ra thời hạn cụ thể sẽ giúp bạn hoàn toàn có khả năng thực thi thử nghiệm này.
4. Gây quỹ cho một phong trào bạn thích. Có vô số hội từ thiện và phong trào cần bạn ủng hộ. Và trong đó có một số nơi tương thích với mối quan tâm tha thiết nhất của bạn.
Bạn quan tâm đến điều gì nhất? Môi trường, sự đói nghèo hay tôn giáo? Cũng có thể là hòa bình thế giới, dinh dưỡng cho trẻ em hay phúc lợi động vật. Còn giáo dục, quyền công dân hay nước sạch thì sao? Xác định xem điều gì khiến bạn thấy xúc động, tìm một tổ chức tận tâm hoạt động trong lĩnh vực đó và rồi vui vẻ hỗ trợ công việc của họ.
5. Dành thời gian ở bên một người hào phóng. Có lần, tôi ra ngoài dùng cơm trưa với một ông anh mà tôi đã ngưỡng mộ suốt nhiều năm nay vì cái tính hào phóng của anh, và tôi quyết định hỏi vài câu về cách xử sự hào phóng của anh ấy. Tôi mở đầu bằng câu hỏi “Xưa nay anh luôn hào phóng thế này ư?”. Khi anh trả lời “Không, không phải lúc nào cũng vậy”, tôi liền hỏi tiếp, “Anh bắt đầu trở nên hào phóng từ khi nào?”, “Chuyện bắt đầu ra sao?”, “Anh làm thế nào để quyết định quyên góp vào đâu?”. Nhờ cuộc trò chuyện ấy mà tôi bắt đầu đặt nền tảng cho việc rèn luyện tính hào phóng của mình. (Và cả anh chàng trả tiền bữa ăn cũng vậy. Đoán xem đó là ai nào?)
Sự hào phóng hiếm khi tình cờ xảy ra. Nó là một quyết định có chủ ý mà chúng ta đưa ra trong cuộc đời mình. Nhưng việc này không khó khăn như người ta vẫn nghĩ. Đôi khi, bắt đầu với những bước đơn giản chính là việc quan trọng nhất chúng ta có thể làm.
Khi sở hữu ít đi, ta sẽ thu được nhiều lợi ích, trong đó có một lợi ích quan trọng là tăng tính hào phóng.
Đầu Tư Lợi Tức Thời Gian
Khi nói về cách để trở nên hào phóng, đừng nghĩ là bạn chỉ có thể quyên tặng đồ vật.
Cũng đừng nghĩ bạn chỉ có thể quyên góp tiền bạc.
Hãy nghĩ đến chính mình.
Chủ nghĩa tối giản thường không chỉ đem lại lợi tức tài chính mà còn cả lợi tức thời gian nữa. Khi đã quyết định sở hữu ít đi một cách có chủ đích, bạn sẽ không còn bận rộn kiếm tiền để mua sắm, rồi thì bận rộn mua sắm và chăm lo cho những thứ đã mua. Thế là bạn có nhiều thời gian hơn để dành cho những việc khác. Hãy cân nhắc dùng một phần thời gian trong số đó để trực tiếp tham gia các hoạt động thiện nguyện.
Tôi biết bước này có thể đáng sợ hơn là quyên góp đồ đạc hoặc viết một tấm séc. Nó mang tính cá nhân nhiều hơn, dễ tổn thương hơn. Điều này có nghĩa là bạn phải tương tác với người khác, và quá trình này luôn tiềm ẩn rắc rối. Nhưng điều khiến tôi thích nhất trong hoạt động tình nguyện là nó nhắc tôi nhớ rằng những người cần được giúp đỡ là con người chứ không phải dự án. Và tôi biết mỗi lần chấp nhận rủi ro để cống hiến thời gian, công sức và khả năng của mình, tôi lại thấy mừng là mình đã làm như thế.
Tôi tin tính hào phóng có tác động ở nhiều mức độ. Quyên tặng đồ đạc là tốt. Quyên góp tiền bạc thường tốt hơn. Nhưng tuyệt hơn hết là tự mình tham gia giúp đỡ người khác.
Bạn e rằng mình chẳng có gì để cho đi ư? Tôi tin là có đấy! Bạn có điểm mạnh của mình. Bạn có lòng trắc ẩn. Bạn có tri thức từ những bài học đã qua. Có thể bạn có tài quản trị, óc sáng tạo, kỹ năng xây dựng hay bất cứ năng khiếu nào khác mà bạn có thể chia sẻ với người khác và các tổ chức từ thiện.
Khi tham gia công tác tình nguyện, bạn hãy đánh giá năng khiếu cũng như đam mê của mình. Sau đó, hãy kết nối hai yếu tố ấy với những nhu cầu bạn có thể tìm được. Bạn có hình dung ra cảnh mình tổ chức một buổi quyên tặng thực phẩm đóng hộp không? Dắt những chú chó ở trạm cứu hộ động vật đi dạo? Làm hướng dẫn viên ở khu di tích lịch sử? Dạy chữ? Xây nhà cho một gia đình nghèo?
Có rất nhiều tổ chức phù hợp mà bạn có thể lựa chọn tham gia. Hãy cân nhắc đến các hội nhóm tín ngưỡng, mái ấm cho người vô gia cư, ngân hàng lương thực, thư viện, bệnh viện, viện dưỡng lão, tổ chức bảo vệ môi trường, tổ chức cứu hộ động vật, công viên quốc gia, bảo tàng nghệ thuật, trường học...
Một khi đã trở thành tay kỳ cựu trong hoạt động tình nguyện, có lẽ bạn sẽ sẵn sàng để xông pha hơn nữa.
Nhưng đừng vội thấy các viễn cảnh trên nghe có vẻ đáng sợ, hãy để tôi nhắc bạn nhớ rằng hoạt động tình nguyện không hẳn phải trang trọng và có hệ thống như thế. Tất cả những gì bạn cần có là một tấm lòng vị tha, một đôi mắt thấy được nỗi khổ của người khác và thời gian để sát cánh cùng họ. Chỉ cần xúc tuyết khỏi con đường lái xe dẫn vào nhà cụ già hàng xóm, trông con hộ để người mẹ mệt mỏi có thể nghỉ ngơi, hoặc nấu ăn cho người bạn bị ốm là bạn có thể giúp cuộc sống của người khác trở nên tốt đẹp hơn rồi. Những hành động đơn giản giàu lòng trắc ẩn ấy giúp cho thế giới này trở nên tử tế hơn, bớt cô đơn hơn.
Những người hào phóng sẽ không ngần ngại thừa nhận rằng một người không bao giờ giải quyết được hết những điều tồi tệ trên thế giới này. Nhưng điều đó không khiến họ mảy may trì hoãn. Đối với họ, dù chỉ thay đổi được cuộc đời của một người theo chiều hướng tích cực hơn thì cũng đủ để khởi đầu rồi.
Như Anne Frank đã nói: “Thật tuyệt biết bao khi chúng ta không cần phải chờ đợi mà có thể lập tức bắt tay vào việc dần dần thay đổi thế giới!”.
Sự Đền Đáp Từ Tính Hào Phóng
Rõ ràng, khi cho đi những món đồ mình không cần nữa, tiền bạc và thời gian, chúng ta có thể giúp cuộc đời người khác trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng tính hào phóng cũng mang lại cho chúng ta những lợi ích tuyệt vời.
Tôi không nói chúng ta nên hào phóng để được lợi cho bản thân. Chúng ta nên hào phóng vì người khác, đó mới là động lực của chúng ta. Nhưng đồng thời, ta có thể kỳ vọng rằng mình sẽ nhận lại một số ích lợi vô hình và đón nhận những ích lợi ấy với lòng biết ơn.
Tôi có thể chứng minh tính hào phóng giúp tôi thấy dễ chịu hơn về bản thân và những việc mình đang làm. Và tôi biết mình không đơn độc. Những người hào phóng nói rằng họ thấy mãn nguyện và hạnh phúc hơn nhiều. Thậm chí các nghiên cứu còn cho thấy tính hào phóng giúp cải thiện sức khỏe thể chất. Thật tuyệt vời!
Hơn thế nữa, tôi quan sát thấy người hào phóng còn có được mối quan hệ tốt đẹp. Người ta luôn thích ở bên một người hào phóng và sẵn sàng cho đi, hơn là ở bên một kẻ ích kỷ chỉ biết khư khư giữ của và lúc nào cũng chỉ biết tính sao có lợi cho riêng mình. Người ta có khuynh hướng bị thu hút bởi những ai có tấm lòng rộng mở, muốn chia sẻ với người khác. Và làm một người bạn tốt là món quà tuyệt nhất mà bạn có thể dành tặng cho bản thân mình.
Những người hào phóng cũng có khuynh hướng trân trọng những thứ mình có. Những ai quyên tặng đồ đạc sẽ quý trọng số đồ đạc còn lại hơn. Những ai quyên tặng tiền bạc sẽ ít lãng phí số tiền còn lại. Và những ai cống hiến thời gian của mình sẽ tận dụng phần thời gian còn lại tốt hơn.
Không những vậy, người hào phóng sẽ tìm được ý nghĩa ở đâu đó bên ngoài số của cải vật chất họ có. Dù nhiều người đánh đồng giá trị bản thân với tài sản ròng (như thể chân giá trị của một con người có thể được cân đo đong đếm trên bảng cân đối tài sản vậy!), người hào phóng lại tìm thấy giá trị của mình trong việc giúp đỡ người khác. Họ mau chóng nhận ra rằng bảng sao kê tài khoản không nói lên điều gì về giá trị chân chính của mình.
Vì vậy, họ không quá khao khát có được nhiều hơn. Họ đã tìm được sự trọn vẹn, ý nghĩa, giá trị và tình thân từ nơi khác chứ không phải từ việc tích cóp đồ đạc. Họ học được cách tìm niềm vui từ những gì đã có và cho đi phần còn lại. Nói cách khác, họ tìm được sự mãn nguyện.
Nhưng lợi ích lớn nhất của tính hào phóng có lẽ là đây: người hào phóng nhận ra là mình đã có đủ rồi.
Chúng ta thường bị ràng buộc bởi khao khát muốn có nhiều hơn. Dù sở hữu nhiều đến mấy, dường như ta luôn cần nhiều hơn, nhiều đồ đạc và tiền bạc hơn nữa.
Chúng ta chọn nghề sao cho đảm bảo mình có thể có được nhiều hơn. Chúng ta dành phần lớn thời gian trong ngày để cố gắng có nhiều hơn nữa. Chúng ta ghen tị khi những kẻ “kém xứng đáng” dường như lại có nhiều hơn mình. Và ta luôn lo lắng về việc phải có bao nhiêu cho đủ.
Nhưng khao khát muốn có nhiều hơn này đang gây ảnh hưởng xấu đến xã hội chúng ta. 72% trong số chúng ta cảm thấy căng thẳng về vấn đề tiền bạc. Có những người phải lo lắng chuyện tiền nong vì có những nhu cầu tài chính chính đáng, nhưng đối với phần lớn chúng ta, sự căng thẳng này hoàn toàn không đáng có. Trong một thế giới có bảy tỷ người đang sống với mức thu nhập dưới mười ba ngàn đô-la một năm, hầu hết những nỗi căng thẳng liên quan đến tài chính của chúng ta chỉ nảy sinh vì các nhu cầu do chính con người tạo ra.
Tính hào phóng làm thay đổi những suy nghĩ ấy và giúp loại bỏ mưu cầu này. Nó cho chúng ta biết mình may mắn đến mức nào. Nó nhắc chúng ta nhớ mình đã sở hữu nhiều hơn mức cần thiết ra sao. Nó cho chúng ta thấy mình cần cho đi nhiều chừng nào và có thể đạt được biết bao điều tốt đẹp. Nó giúp ta thấy được sự túng thiếu của những người xung quanh. Và nó đưa ra một phương án sử dụng tiền bạc phù hợp hơn, thay vì tiêu tiền cho bản thân.
Nếu bạn lấy khao khát trở nên hào phóng làm động lực, hãy để khao khát ấy thúc đẩy bạn sở hữu ít đi. Và khi lối sống tối giản giúp bạn giải phóng được những nguồn lực mà bạn có thể chia sẻ, hãy đừng ngần ngại trao chúng cho người khác một cách thoải mái và vui vẻ. Bạn sẽ thấy ấm lòng hơn. Thế giới sẽ trở thành chốn tốt đẹp hơn. Và bạn sẽ nhận ra mình vốn không cần đến những món mình đã cho đi.
Thế nên ngay từ hôm nay, hãy quyên góp quần áo bạn không mặc, trang thiết bị thể thao bạn không dùng, sách vở bạn không định đọc hay món đồ nội thất không có tác dụng gì ngoài việc gây choán chỗ. Hãy quyên tiền cho một hội từ thiện bạn ủng hộ. Hãy hào phóng cho đi thời gian của mình bằng cách đi tình nguyện ở trường học địa phương, mái ấm cho người vô gia cư hay một tổ chức phúc lợi động vật mà bạn chọn.
Đây là lối tắt nhanh nhất tôi có thể đưa ra để có được một cuộc sống ý nghĩa.