12
Sống Có Chủ Đích
Cuộc sống ngày nay của tôi khác hẳn với thời 2008, và chủ nghĩa tối giản chính là chất xúc tác. Quyết định sở hữu ít đi đã đem lại nhiều thay đổi cho cuộc đời tôi, chứ không chỉ giúp tủ quần áo và ngăn kéo được gọn gàng hơn. Quyết định ấy đã thách thức nhiều giả định của tôi và truyền cảm hứng cho một lối sống hoàn toàn mới mẻ.
Bây giờ nhìn lại, tôi có thể so sánh cuộc sống của mình trong hai giai đoạn này.
Tôi từng thích xem ti-vi và chơi game hàng tiếng đồng hồ. Tôi ghét tập thể dục, uống rất nhiều soda và ăn quá nhiều thức ăn nhanh. Tôi thức khuya và ngủ bất cứ khi nào có thể. Tôi làm tất cả những việc tôi nghĩ mình muốn làm.
Nhưng giờ đây, tôi có thể hiểu vì sao lối sống trước kia của tôi không thể khiến mình thấy thỏa mãn. Trên thực tế, lối sống đó còn làm giảm mức độ thỏa mãn của tôi. Cuộc sống của tôi lúc ấy còn xa mới gọi là tuyệt nhất có thể, đối với tôi và với những người thân thương nhất của tôi. Chúng tôi trôi dạt giữa dòng đời mà chẳng có định hướng gì.
Đây chính là yếu tố khiến cho cuộc sống không cân nhắc trở nên nguy hiểm đến vậy. Ta nghĩ mình đang sống trọn vẹn nhưng nào phải thế. Đúng hơn thì ta thường đánh đổi những mục tiêu dài hạn để lấy niềm khoái lạc ngắn ngủi.
Khi ăn uống không lành mạnh, ta bỏ lỡ cơ hội nạp năng lượng một cách đúng đắn cho cơ thể.
Khi xem ti-vi hoặc lên mạng quá nhiều, ta bỏ lỡ cơ hội tương tác với mọi người trong thế giới thực.
Khi xao nhãng luyện tập thể dục, ta bỏ lỡ cơ hội tận hưởng các thú vui mạo hiểm mà một người khỏe mạnh có thể có.
Khi thức khuya và ngủ nướng, ta có thể bỏ lỡ một trong những giai đoạn làm việc hiệu quả nhất trong ngày.
Khi mua sắm nhiều hơn mức cần thiết, ta bỏ lỡ cơ hội sống tự do và không có gánh nặng.
Khi chi tiêu nhiều hơn mức mình kiếm được, ta trở thành nô lệ của nợ nần.
Khi tiêu quá nhiều tiền cho bản thân, ta bỏ lỡ cơ hội tìm được niềm vui lớn lao hơn khi hào phóng với người khác.
Cách tránh khỏi các sai lầm trên là phải sống có chủ đích. Tức là chúng ta phải xem xét các phương án lựa chọn của mình, đưa ra các quyết định ý nghĩa hơn và mục tiêu dài hạn hơn. Nếu một hành động, một quyết định hay thói quen nào đó không đưa ta tiến gần hơn với mục đích và đam mê của mình, vậy thì loại bỏ nó đi. Vì trong phần lớn thời gian, nó chỉ khiến ta bị phân tâm và xao nhãng những điều thật sự quan trọng mà thôi.
Cho đến chương này, tôi chủ yếu nói về đồ đạc của chúng ta, vì chúng có sức ảnh hưởng đáng kể đối với chúng ta và đây là một dự án quan trọng nhằm định ra quy mô phù hợp cho môi trường vật chất xung quanh mình. Nhưng phạm vi áp dụng của nguyên tắc có ít được nhiều không chỉ gói gọn trong đồ gia dụng.
Hãy cùng xem xét ba phương diện phổ biến mà ta có thể được lợi nhờ áp dụng lối sống có chủ đích: thời gian biểu, cơ thể và các mối quan hệ.
Nghiện Bận Rộn
Thế giới của chúng ta ngày một tăng tốc. Công nghệ và truyền thông không ngừng được cải thiện, và thông tin được truyền đi ngày càng nhanh hơn. Trong lúc đó, có vẻ như những người sử dụng lao động và mạng xã hội lại đề cao những ai luôn duy trì liên lạc.
Kỳ vọng, yêu cầu và khả năng tiếp cận không ngừng tăng lên, nhưng số giờ đồng hồ trong một tuần thì không. Kết quả là cuộc sống của chúng ta ngày càng bận rộn.
Số liệu nói lên nhiều điều. Ở Anh, 75% các bậc phụ huynh bận rộn đến mức không thể đọc truyện cho con cái nghe vào ban đêm. Số trẻ em được đưa đến các cơ sở trông trẻ ban ngày và “đẩy” đi tham gia hoạt động ngoại khóa sau giờ học tăng lên. Chúng ta đang gặp khó khăn trong việc tìm dịp đi nghỉ mát. Bình quân, người dân Mỹ đánh giá mức độ căng thẳng của mình là 4,9 trên thang điểm 10, chủ yếu là vì thời gian biểu bận rộn và áp lực kiếm tiền để chu cấp cho lối sống mà mình chấp nhận.
Nhịp sống vội vã này hiếm khi có lợi cho chúng ta về lâu dài, vì cuộc sống bận rộn là cuộc sống mà ít nhiều ta đã mất khả năng kiểm soát. Ta thường mải miết theo đuổi việc này đến việc khác mà chẳng để ý thời gian biểu của mình đang chèn ép bản thân mình như thế nào. Ta cũng không nhận thấy cuộc sống căng thẳng quá độ của mình có thể gây hại cho bản thân ra sao.
Dường như sự bận rộn đã trở thành trạng thái mặc định đối với rất nhiều người trong số chúng ta. Chúng ta nhồi nhét quá nhiều thứ vào lịch trình của mình, cũng hệt như cách ta vung tay quá trán và tích lũy của cải vật chất thừa thãi vậy.
Hiển nhiên, cuộc sống có những giai đoạn đòi hỏi chúng ta phải tập trung và cống hiến hết mình. Và chúng ta không bao giờ chỉ trích việc nỗ lực cho những điều quan trọng. Tuy nhiên, không may thay, hầu hết chúng ta lại bận rộn vì những việc không hợp lý và để cho những giả định sai lầm quyết định thời gian biểu của mình.
Có nhiều lời dối trá mà chúng ta được nghe từ bé đã xua đuổi những điều có ý nghĩa nhất ra khỏi cuộc sống của chúng ta. Thay vì tận hưởng ích lợi của cuộc sống thanh tĩnh, có chủ đích, ta lại hối hả chạy theo hết việc vụn vặt này đến việc vụn vặt khác.
Đừng mải bận rộn đuổi theo những thứ không cần thiết, để rồi lại bỏ lỡ những thứ quan trọng.
Không Còn Bận Rộn
Anh bạn Mike Burns của tôi đưa ra bằng chứng cho thấy việc đơn giản hóa thời gian biểu và biến cuộc sống trở nên hết bận rộn là chuyện khả thi. Anh kể:
Mười lăm năm trước, tôi cảm thấy cuộc sống thật quá sức chịu đựng.
Tôi làm việc ngày đêm, cố tìm chỗ đứng trong sự nghiệp. Tôi phải khéo léo cân bằng mối quan hệ với vợ, sáu đứa con, hàng xóm, bạn bè, gia đình và đồng nghiệp. Thời gian biểu của tôi khá kín. Có rất nhiều việc đang diễn ra và tôi không có đủ thời gian để hoàn thành.
Ý định của tôi là tốt đẹp. Trái tim tôi được đặt đúng chỗ. Nhưng cuộc sống của tôi là một cơn gió lốc. Tôi hối hả không kịp thở.
Tôi cần thay đổi điều gì đó. Tôi biết mình cần được giúp đỡ.
Thế là, gia đình tôi bước vào hành trình tìm hiểu xem làm thế nào để quản lý thời gian hiệu quả và tập trung vào những điều quan trọng nhất. Cuộc theo đuổi này đã diễn ra suốt mười lăm năm (và vẫn còn tiếp diễn). Và hành trình đó đã đem lại nhiều lợi ích to lớn!
Tôi không thể nói rằng ngày nào cũng diễn ra đúng y như kế hoạch. Điều đó gần như bất khả thi. Nhưng tôi có thể tự tin mà nói, bây giờ chúng tôi đang có cuộc sống mình mong muốn. Chúng tôi tập trung sức lực cho những thứ mình coi trọng nhất.
Nếu mười lăm năm nữa bạn muốn tóm lược cuộc đời mình bằng những tin tốt như trên, hãy để tôi chia sẻ với bạn bốn bước để đạt được điều đó.
1. Chừa khoảng trống trong lịch trình hàng ngày. Buổi sáng, hãy dành cho mình một ít thời gian tĩnh lặng trước khi bắt đầu ngày mới. Sắp xếp thời gian để ăn trưa. Tận dụng giờ giải lao ở công ty. Đầu tư thời gian để được yên tĩnh một mình, cầu nguyện hoặc thiền định. Ngay bây giờ, hãy bắt đầu dành ra những khoảng trống nho nhỏ trong cuộc sống bận rộn của bạn.
2. Giảm bớt sự phân tâm. Ngày nay, chỉ cần một cú nhấp chuột hoặc lướt ngón tay, ta sẽ lập tức được chuyển đến một thế giới khác, nơi vui vẻ đón nhận toàn bộ sự tò mò của chúng ta. Thế nhưng bạn không thể phát triển một khía cạnh nào trong cuộc sống nếu bạn cứ tò mò về mọi thứ. Hãy quyết tâm hạn chế những mối phiền nhiễu bằng cách tắt thông báo điện thoại và ứng dụng, chỉ kiểm tra e-mail hai lần một ngày và giảm bớt số lần đăng nhập vào các trang tin tức, giải trí và mạng xã hội.
3. Tìm tự do bằng cách nói “không”. Seneca viết: “Ai cũng đồng ý rằng một kẻ bận rộn với quá nhiều việc sẽ không thể nào theo đuổi điều gì thành công”. Hãy thừa nhận giá trị vốn có của từ ”không”. Học cách nói không với những nhiệm vụ kém quan trọng sẽ giúp bạn có thể theo đuổi những điều quan trọng nhất trong cuộc sống của mình.
4. Coi trọng và dành thời gian để nghỉ ngơi. Một trong những nguyên nhân khiến nhiều người trong số chúng ta mải bận rộn là vì chúng ta không thừa nhận giá trị của việc nghỉ ngơi. Nhưng nghỉ ngơi có lợi cho cơ thể, đầu óc và tâm hồn của chúng ta. Mỗi tuần, hãy dành ra một ngày để nghỉ ngơi và ở bên gia đình. Hãy lên lịch cho ngày hôm đó và bảo vệ nó bằng mọi giá.
Những nguyên tắc sở hữu ít đi có thể được áp dụng cho thời gian biểu của chúng ta, kêu gọi chúng ta loại bỏ những việc không cần thiết. Những nguyên tắc này cũng giúp ta chú tâm hơn đến việc chăm sóc sức khỏe và thân thể.
Không Chỉ Chú Trọng Vẻ Bề Ngoài
Ta sống trong một xã hội bị ám ảnh về cái đẹp. Hầu hết chúng ta vẫn dành ra lượng thời gian và công sức khổng lồ để suy nghĩ và nói về bề ngoài của mình, cũng như cố gắng trở nên đẹp hơn người khác. Đây là một phần chủ yếu của nguyên nhân khiến chúng ta sống trong sự bừa bộn, tốn kém và rối rắm.
Chỉ riêng người Mỹ đã chi hơn mười hai tỷ đô-la mỗi năm để phẫu thuật thẩm mỹ và hơn năm mươi sáu tỷ đô-la cho mỹ phẩm. Những trào lưu ăn kiêng mới xuất hiện và biến mất với tốc độ chóng mặt. Trang bìa các tạp chí trưng tại quầy tính tiền của cửa hàng tạp hóa hứa hẹn sẽ cho chúng ta thân hình sáu múi. Bình quân một phụ nữ dành hai tuần lễ mỗi năm để chăm chút bề ngoài.
Nhân tiện, không chỉ có phụ nữ mới có khuynh hướng dành nhiều thời gian để trở nên xinh đẹp. Các nhà sản xuất mỹ phẩm cho nam đang hân hoan vỗ tay chào đón xu hướng chú trọng vẻ bề ngoài của đàn ông. Trên thực tế, có một cuộc khảo sát được thực hiện tại Anh đã cho thấy đàn ông dành nhiều thời gian chải chuốt hơn phụ nữ.
Và rồi đến quần áo. Một gia đình Mỹ bình thường chi một ngàn bảy trăm đô-la mỗi năm để sắm quần áo. Đương nhiên chúng ta cần quần áo, nhưng chúng ta mua sắm quần áo chủ yếu vì nghĩ chúng sẽ khiến chúng ta đẹp hơn hoặc đẹp hơn người khác. Ngày nay, một người phụ nữ bình thường sẽ có ba mươi bộ trang phục, trong khi vào năm 1930 thì cô ấy chỉ có chín bộ. Mỗi năm, cô ấy dành hơn một trăm giờ đồng hồ cho ba mươi chuyến đi để đến tiệm quần áo, rồi bốn mươi giờ đồng hồ cho mười lăm lần đi sắm giày và năm mươi giờ đồng hồ để ngắm hàng hóa được trưng bày dù chẳng mua gì. Đồng thời, một người Mỹ bình thường sẽ vứt đi ba mươi mốt ký quần áo một năm.
Đó là chưa nói tới đồ trang sức, keo xịt tóc, đồ làm móng, mỹ phẩm dưỡng da, hình xăm và khoen các loại, tất cả những thứ người ta đổ thời gian và tiền bạc vào đó để có được vẻ ngoài hấp dẫn.
Buồn cười ở chỗ, toàn bộ những nỗ lực nói trên không hẳn sẽ đem lại kết quả mà chúng ta kỳ vọng. Một khảo sát cho thấy 77% phụ nữ trưởng thành vẫn than phiền về ngoại hình của mình, bất chấp lượng thời gian và tiền bạc đã bỏ ra. Một nghiên cứu khác tiết lộ rằng bình quân, nếu phụ nữ trang điểm ít đi 40%, cả đàn ông lẫn các phụ nữ khác sẽ thấy họ hấp dẫn hơn.
Điều quan trọng hơn trong dài hạn là bất chấp những quan niệm ám ảnh về cơ thể, ta hầu như chẳng hề khỏe mạnh như lẽ ra phải thế. Gần 69% người Mỹ bị thừa cân hoặc béo phì. Cứ năm người trưởng thành thì chỉ có một người thường xuyên rèn luyện thể chất. Chúng ta chi một trăm mười tỷ đô-la mỗi năm cho thức ăn nhanh và mỗi tuần xem ti-vi trung bình ba mươi bốn giờ đồng hồ. Vấn đề ở đây là chúng ta chú trọng vẻ đẹp hơn sức khỏe.
Bạn dành ra bao nhiêu thời gian và tiền bạc cho vẻ bề ngoài? Có lẽ là nhiều hơn mức cần thiết. Nếu tủ đồ của bạn chật ních quần áo, kệ nhà tắm đầy ắp sản phẩm làm đẹp, và sáng nào bạn cũng hối hả sửa soạn trước khi ra ngoài, đồng thời bạn biết mình không được sung sức và khỏe mạnh như lẽ ra phải thế, vậy thì có lẽ bạn có thể cải thiện cuộc sống trên phương diện chăm sóc cơ thể bằng cách sống có chủ đích hơn.
Cơ Thể Là Công Cụ Của Ý Chí
Quan điểm nào có thể thúc đẩy bạn chăm sóc cơ thể đúng đắn mà không bị ám ảnh về nó? Tôi thích phát ngôn sau đây của Gary Thomas, tác giả quyển sách Every Body Matters (Cơ thể nào cũng quan trọng): chúng ta phải “ngừng xem cơ thể như vật trang trí, bởi đủ loại động cơ lệch lạc thường thấy ở những ai xây đắp vẻ ngoài bởi sự cao ngạo và tham vọng, và hãy xem cơ thể là công cụ, là vật chứa riêng biệt nhằm phụng sự Đấng Tạo Hóa, người đã tạo ra nó”.
Ngoại hình không phải là điều có ý nghĩa nhất. Quan trọng hơn, cơ thể mới là công cụ giúp ta đạt được mục đích sống trên đời này. Dù chúng ta muốn làm một bậc phụ huynh tốt, một người dẫn dắt tâm linh, người du hành vòng quanh thế giới, doanh nhân thành đạt hay bất kỳ mục tiêu nào khác, tình hình sức khỏe sẽ là lợi thế hoặc gánh nặng của chúng ta.
Điều này cho thấy chúng ta cần có sự thay đổi quan trọng trong tư duy của mình. Chúng ta không chăm sóc cơ thể mình chỉ vì những lợi ích phù phiếm hay để trám vào một khoảng trống nào đó trong lòng. Chúng ta chăm sóc cơ thể là để làm được điều mình muốn thực hiện nhất trong đời một cách hiệu quả hơn.
Lối suy nghĩ này đưa ta đến với những lựa chọn có lợi cho sức khỏe:
Nó thúc đẩy ta nạp năng lượng đúng cách. Tôi không ăn chay, cũng không tuân thủ chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt nào cả, nhưng tôi có thể công nhận là ăn uống lành mạnh giúp tôi có được cuộc sống như ý và hiệu quả hơn. Quy tắc chung là trong bữa ăn phải có một nửa là rau quả. Mục tiêu của gia đình tôi là biến thịt thành món phụ thay vì món chính.
Nó kêu gọi ta bổ sung nước một cách hiệu quả. Mọi hệ cơ quan trong cơ thể bạn đều phụ thuộc vào nước. Theo tổ chức y tế phi lợi nhuận Mayo Clinic, mỗi ngày cơ thể bạn cần từ chín đến mười ba ly chất lỏng, mỗi ly có dung tích 250ml (tùy vào giới tính, thể trọng và mức độ hoạt động). Hãy xem việc uống tám cốc nước mỗi ngày là một khởi đầu tốt đẹp.
Nó mời gọi ta thường xuyên tập thể dục. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đề nghị chúng ta nên tập thể dục và rèn luyện cơ bắp một trăm năm mươi phút mỗi tuần, thực hiện trong hai ngày hoặc nhiều hơn. Nếu có ý định tập thể dục tức là bạn đang làm theo đề nghị này rồi đấy. Còn nếu không có ý định tập thể dục, bạn hãy bắt đầu ngay đi.
Nó đòi hỏi ta có chiến lược xóa bỏ những thói quen không lành mạnh. Hẳn là bạn không cần tôi phải nhắc lại lời khuyên quen thuộc nữa; bạn chỉ cần làm theo thôi. Đừng ăn uống vô độ. Bớt ăn vặt. Bớt uống rượu bia. Đừng ăn tiệm quá thường xuyên. Đừng hút thuốc. Hãy đọc và lưu ý đến nhãn thông tin trên bao bì thực phẩm.
Danh sách trên không phải là quá đặc biệt. Thứ đặc biệt là động lực đằng sau nó. Tôi không tuân thủ các quy tắc này vì ghen ghét, ganh tị hay muốn gây ấn tượng với người khác về ngoại hình của mình. Tôi tuân thủ các quy tắc này vì chúng giúp cơ thể tôi thực hiện mục đích sống của mình hiệu quả hơn. Sự thay đổi trong lối tư duy này tạo ra một khác biệt to lớn.
Hãy chọn một hạng mục trong danh sách này mà bạn có thể bắt đầu ngay. Hãy bắt đầu từ đó. Và nếm thử chút hương vị chiến thắng trước khi chuyển sang mục tiếp theo.
Vận Động Thể Chất
Sáu tháng sau khi khám phá ra chủ nghĩa tối giản, tôi chuẩn bị đón sinh nhật của mình vào ngày 11 tháng Mười Hai. Vợ tôi hỏi tôi thích quà gì, và tôi không biết trả lời ra sao. Sau khi bỏ ra sáu tháng để loại bỏ đống bừa bộn trong nhà, tôi không muốn đem thêm đồ đạc về nhà tí nào. Làm sao tôi có thể đòi một cái cà vạt khi vừa mới quyên tặng một tá? Hay là một chiếc đồng hồ khác, khi mà tôi mới bỏ đi ba chiếc?
Cảm hứng chợt ập đến vào một buổi tối lạnh lẽo, trong lúc tôi đang lái xe từ chỗ làm về nhà. Khi đi ngang qua dãy cửa hiệu mặt tiền ở khu phố gần nhà, tôi thấy một tấm băng rôn màu tím nổi bật mà trước kia không có. Trên đó viết: “Phòng tập Planet Fitness. Sắp khai trương! Đăng ký ngay hôm nay chỉ với mười đô-la một tháng”.
Giờ thì tôi đã biết chính xác món quà sinh nhật mình muốn: một tấm thẻ tập thể hình. Món quà này không chỉ không làm nhà tôi thêm bừa bộn, mà đây còn là lần đầu tiên tôi có thời gian, động lực và tài chính để duy trì vóc dáng và ưu tiên rèn luyện thân thể.
Ngày 12 tháng Mười Hai, tôi ghé Planet Fitness lần đầu. Kể từ đó, tôi thường xuyên tập luyện và gặt hái nhiều lợi ích nhờ thói quen mới này.
Trong trường hợp của tôi, chủ nghĩa tối giản khơi nguồn cho sự thay đổi trong cách tôi chăm sóc cơ thể, tương tự với cách nó thúc đẩy tôi đơn giản hóa thời gian biểu của mình. Giảm thiểu đồ đạc là cánh cửa dẫn tôi đến với lối sống có chủ đích.
Điều này đưa chúng ta đến với khía cạnh thứ ba mà chúng ta cần có chủ đích nếu muốn sống đơn giản hơn, đó là các mối quan hệ. Chúng ta có thể áp dụng quá trình cắt giảm và xóa bỏ ở phương diện này không?
Nói Lời Tạm Biệt
Rất nhiều người theo phong trào tối giản sẽ khuyên: “Hãy bỏ qua những người không mang lại lợi ích cho cuộc đời bạn”. Họ khuyến khích loại bỏ sự lộn xộn về mặt tình cảm, cũng như cách họ khuyến khích chúng ta dọn sạch đống bừa bộn trong tủ quần áo và trên kệ vậy.
Tôi hiểu quan điểm của họ, nhưng tôi lại nghĩ khác. Tôi cho rằng áp dụng cách sàng lọc của cải vật chất để sàng lọc các mối quan hệ là sai lầm. Con người không phải là đồ vật. Các mối quan hệ không phải là sự giao dịch. Tôi sẽ nói cụ thể hơn về vấn đề này.
Nhưng trước tiên tôi muốn thừa nhận có những lúc chúng ta nên buông bỏ một mối quan hệ nào đó, và khi cần làm vậy, chúng ta nên thực hiện một cách hiệu quả và đừng áy náy. Bạn có thể cần phải chấm dứt một mối quan hệ nếu như mối quan hệ đó có hại cho bạn về mặt thể chất hoặc tinh thần, nếu cả hai người không nhận được bất kỳ lợi ích đích thực nào từ mối quan hệ đó, hoặc nếu việc dành thời gian cho mối quan hệ này gây cản trở cho một mối quan hệ khác quan trọng hơn.
Đôi khi cách hay nhất là hoàn toàn cắt đứt quan hệ. Các mối quan hệ có tính lệ thuộc hoặc bạo hành là những ứng cử viên hàng đầu trong danh sách cần được loại bỏ, trừ khi bạn có thể thay đổi bản chất của chúng. Hãy chia tay một cách nhẹ nhàng nếu bạn có thể, nhưng hãy đảm bảo là bạn chấm dứt mối quan hệ đó.
Trong những trường hợp khác, có thể bạn chỉ cần hạn chế hoặc vạch rõ giới hạn. Chẳng hạn, bạn có thể quyết định, Mình sẽ chỉ nói chuyện với mẹ qua điện thoại mỗi tuần một lần thôi, trừ trường hợp khẩn cấp. Hoặc là nói với một người bạn thế này, “Tôi cần phải thành thật nói là tôi không muốn hẹn hò với anh nữa, trừ khi anh ngừng nói xấu bạn gái cũ. Đó thật là một hành vi độc hại”.
Có những nhịp độ, sự cân bằng và thỏa hiệp có thể giúp các mối quan hệ của chúng ta tốt đẹp lên. Mỗi sự kết thúc sẽ dọn chỗ cho một khởi đầu mới. Khi loại bỏ hoặc hạn chế một mối quan hệ có hại, bạn sẽ thấy mình ít bị phân tâm hơn và bình yên hơn. Bạn sẽ có nhiều thời gian, nhiều sức sống hơn, cũng như có thể chân thành đối đãi với những con người và sự vật quan trọng nhất đối với mình.
Và bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng có thể người mà bạn nói lời tạm biệt cũng sẽ có những tiến bộ mới trong tương lai đấy!
Dù sao đi nữa, tôi cần phải nhắc lại rằng con đường dẫn đến cuộc sống tốt đẹp hơn không nhất thiết buộc ta phải quay lưng với nhau, dù thỉnh thoảng ta cần làm thế. Con đường dẫn đến cuộc sống tốt đẹp hơn là phải biết cảm thông và dành chỗ cho tình yêu thương, kể cả với những người không xứng đáng. Chỉ dành thời gian cho những mối quan hệ có lợi cho mình không phải là tình yêu, mà là sự ích kỷ.
Trân Trọng Tình Bạn
Tôi có một người bạn, hãy gọi anh ấy là John. Nghĩ lại, tôi không chắc dùng từ bạn có đúng với anh ấy không, nhưng tôi chọn từ này.
Rất nhiều lần John không nghe điện thoại của tôi. Anh không hồi âm tin nhắn thoại của tôi. Và anh cũng không trả lời nhiều tin nhắn tôi gửi.
Nhưng cứ vài tháng một lần, điện thoại của tôi lại đổ chuông, và người ở đầu bên kia là John. Chuyện đó thường rất đột ngột và diễn ra vào buổi tối. Anh sẽ xin lỗi vì đã biến mất quá lâu. Anh sẽ bảo đảm với tôi rằng bây giờ anh đã khá lên và hỏi tôi có thể gặp anh để uống cà phê hoặc ăn trưa không.
Nếu có thể, tôi sẽ đồng ý.
Cuộc sống của John chẳng dễ dàng. Quá khứ của anh là quãng thời gian bị bỏ rơi, là chất kích thích, bia rượu và những đêm vất vưởng. Anh thoải mái nói ra những chuyện riêng tư của mình. Thất bại chiếm phần lớn trong câu chuyện đời anh, ám ảnh không kém gì ngôi nhà thời thơ ấu của anh vậy.
Mỗi lần gặp nhau, trông anh thật lôi thôi, râu ria lởm chởm, nhưng gương mặt lại lộ tia hy vọng. Anh sẽ kể tôi nghe về khao khát được quay về với Chúa và về các buổi cai nghiện anh đang tham gia. Tôi sẽ đảm bảo với anh vẫn có người đang ủng hộ anh, và tôi sẽ giúp đỡ bằng mọi cách có thể. “Có lẽ tuần sau chúng ta nên gặp nhau lần nữa” thường là lời cuối cùng tôi nói với anh… cho đến lần kế tiếp anh liên hệ lại với tôi vào mấy tháng sau.
Thành thật mà nói, tôi không được gì nhiều từ mối quan hệ của mình với John. Anh không cho tôi bất kỳ lời khuyên nào. Anh không có công việc hay kỹ năng sống cụ thể nào để tôi học hỏi. Chắc chắn là anh không có người bạn nào ở địa vị cao có thể giúp đỡ tôi trở nên thành công. Tôi nghĩ anh có quan tâm đến tôi với tư cách bạn bè, nhưng kể cả vậy đi nữa thì cách anh thể hiện điều đó cũng khá buồn cười.
Anh có đem lại một thứ, đó là những cơ hội thường xuyên để tôi trao đi yêu thương. Không phải kiểu tình cảm mong đợi được hồi đáp, mà là kiểu tình cảm thuần khiết và không ích kỷ. Kiểu tình cảm đòi hỏi chúng ta phải kiên nhẫn và tử tế, tận tâm và hy sinh. Đó là tình yêu thương đích thực. Mối quan hệ giữa chúng tôi cho tôi cơ hội để thường xuyên nhắc nhở John rằng dù anh có phiêu bạt đến đâu, tôi cũng kiên nhẫn đợi anh quay lại.
Có những người mà tôi đã quyết định sẽ ngừng liên lạc với họ. Nhưng cũng có những người mà tôi muốn giữ lại trong đời, như John chẳng hạn, cho dù mối quan hệ với họ không mang lại nhiều lợi ích.
Mục tiêu không phải là gạt bỏ tất cả những ai không đem lại ích lợi ra khỏi cuộc đời mình. Mục tiêu là để tâm hơn đến từng mối quan hệ. Tôi muốn tìm những người dẫn đường và tư vấn cho mình, yêu thương mình, nhưng cũng muốn đời mình có người để chăm sóc, yêu thương và dốc lòng vì họ. Vì ta cần cả hai để cuộc sống được cân bằng.
Triệt Để Theo Đuổi Lối Sống Tối Giản
Khi lối sống tối giản trở thành một phần con người bạn, bạn sẽ tìm được cách để áp dụng các nguyên tắc của lối sống này ở nhiều khía cạnh khác chứ không chỉ gói gọn trong của cải vật chất. Nó sẽ dạy bạn nói có và không một cách có chủ đích trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống. Chúng ta sẽ xem xét ba khía cạnh chính.
Đối với thời gian biểu: giảm mức độ bận rộn của bạn xuống mức an toàn và tập trung vào các hoạt động quan trọng nhất đối với bạn.
Đối với việc chăm sóc cơ thể: đừng cố gắng quá sức để biến mình trở nên đẹp hơn trong mắt người khác, mà thay vào đó hãy cố giữ cho cơ thể được khỏe mạnh và có thể thực hiện được những mục tiêu bạn muốn hoàn thành.
Đối với các mối quan hệ: nếu cần, hãy buông bỏ những mối ràng buộc không tốt hoặc không có lợi, nhưng giữ lại những người quan trọng với mình, cho dù đôi khi họ không đem lại lợi ích rõ rệt gì cho bạn.
Những người có được niềm vui to lớn nhất là những người nỗ lực thực hành những thói quen khôn ngoan và lành mạnh trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Bởi vì khi làm vậy, họ sẽ được trang bị để đạt được nhiều thành quả hơn những gì họ từng tưởng tượng.
Và đạt được thành tựu trong cuộc sống chính là mục đích của chủ nghĩa tối giản. Như tôi có nói ngay từ đầu: chủ nghĩa tối giản giải phóng chúng ta, để ta được tự do theo đuổi những mộng ước lớn lao trong đời. Để hoàn thành hành trình “có ít để được nhiều”, đây chính là điều tiếp theo ta sẽ xem xét.