Câu chuyện của Vice, Storyful và the New Business
NĂM 2012, TÔI CÓ DỊP THAM DỰ một Hội nghị thượng đỉnh về truyền thông lần đầu tiên ở Abu Dhabi, được vương quốc này tổ chức để tập hợp các lãnh đạo trong giới truyền thông, công nghệ và tài chính. Sự kiện được tổ chức ở khách sạn Emirates Palace lộng lẫy, chỉ vài tuần sau khi bộ phim ngắn chống Hồi giáo mang tên “The Innocence of Muslims”xuất hiện trên YouTube, được dịch sang tiếng Ả Rập và phát sóng trên phương tiện truyền thông Ai Cập. Biểu tình lan rộng khắp khu vực để phản đối bộ phim, mặc dù tôi không lo lắng gì về sự an toàn của bản thân, nhưng tôi nhớ lại đó là khoảng thời gian rất hỗn độn, khi chính trị, truyền thông và tin tức xung đột với nhau, che mờ mọi việc đang thật sự diễn ra.
Sau khi kết thúc phần trình bày của tôi tại một phiên hội nghị, tôi thả bộ một vòng quanh khách sạn khổng lồ này để tìm chỗ ăn. Khi tôi bước vào nhà hàng Hakkasan, tôi nghe một giọng rất nặng từ quầy bar. “Xin... chào... ngài... Kyyyynnn-cyllllll”, một người đàn ông gọi tên tôi, bằng một giọng cho thấy ông ấy rất vui khi nhận ra một người nào đó. Tôi quay sang và thấy một người đàn ông vạm vỡ bên cạnh một thứ mà tôi nhận ra ngay là một chai rượu đắt tiền. Đó là Shane Smith, CEO và nhà sáng lập Vice Media.
Tôi đã quen Shane vài năm trước, khi ký thỏa thuận với ông ấy để giới thiệu kênh YouTube dành cho thế hệ Millennial bằng những video thể loại về đời sống tình dục, nhạc rock và phê thuốc. Khi tôi gặp Shane ở Abu Dhabi, Shane đã bắt đầu chuyển hướng cho kênh Vice sang hướng nghiêm túc hơn.
Chúng tôi nói về những gì đã thấy ở những cuộc biểu tình gần đây, mặc dù báo chí vẫn đưa tin rầm rộ nhưng dường như không ai biết thật sự điều quái quỷ gì đang diễn ra. Shane cũng nói về chương trình tin tức trên HBO ông ấy đang làm và việc ông ấy có trong tay những tư liệu hình ảnh chưa sử dụng sau khi biên tập chương trình cho HBO. Lúc đó, Vice đã lập văn phòng ở hơn ba mươi quốc gia với hàng ngàn freelancer (người cộng tác tự do) đang làm việc cho Vice mở rộng thị phần khán giả. “Chúng tôi có cộng tác viên khắp thế giới để đưa tin”, ông nói với tôi. “Tôi có ý tưởng này”, Shane nói, và hơi chồm về phía tôi. “Tin tức trên YouTube.”
Shane nói về có một giả định sai lầm rằng những người trẻ tuổi bây giờ không còn quan tâm đến tin tức nữa, đặc biệt là tin tức thế giới, và họ sẽ không xem thứ gì dài hơn vài phút. Ngay tức khắc, nhận định này cộng hưởng với tôi bởi vì tôi đã biết giả định này sai khi trực tiếp xem dữ liệu truy cập của YouTube. Mặc dù thế hệ Millennial có thể không xem tin tức trên mạng truyền hình, nhưng rõ ràng họ hoàn toàn có xem tin tức. Họ tận mắt xem những phim tư liệu về cuộc khủng hoảng chiến sự tại Syria, xem tin tức gửi về từ phòng thí nghiệm trên con tàu Jet Propulsion của NASA sau khi các nhà khoa học đã đáp thành công chiếc Curiosity xuống Sao Hỏa, hoặc những hình ảnh bị rò rỉ khi ứng cử viên tổng thống Mỹ, Mitt Romney xác nhận 47% cử tri sẽ không bầu cho ông bởi vì họ phụ thuộc vào chính phủ. Shane nói dữ liệu riêng của ông ta cho thấy thời gian trung bình khán giả xem Vice vào khoảng mười bảy phút, dài hơn so với những website khác.
Cuộc trò chuyện tiếp tục hấp dẫn, và sau vài ly rượu, chúng tôi đồng ý mở một kênh mới. Chúng tôi sẽ sản xuất tin tức cho thế hệ Millennial. Vice News ra đời. Hôm sau, Shane sẽ công bố ý tưởng này ngay tại cuộc phỏng vấn trên sân khấu của hội nghị.
Sau khi tính tiền xong, lệch múi giờ cộng thêm những ly rượu vang đỏ đã giúp tôi sẵn sàng quay về khách sạn ngả lưng nghỉ ngơi một chút. “Ôi trời”, tôi nhớ lại, “tôi không có xe”.
“Không sao, tôi có xe, hãy dùng xe của tôi”, Shane nói. Ông ấy lưu trú tại khách sạn sang trọng này.
Tôi cảm ơn Shane và bước vào màn đêm ấm áp từ tiền sảnh lạnh lẽo của khách sạn sang trọng bậc nhất ở xứ sở sa mạc này. Tôi thả bộ đến quầy phục vụ đậu xe và nhờ gọi giúp tài xế xe của Shane Smith. Tôi nghĩ chắc cũng phải mất vài phút để đợi nhưng cậu hướng dẫn nói có ngay tức khắc vì tài xế đậu xe gần ngay cửa thôi. Khi tài xế của Shane xuống mở cửa xe đón tôi, tôi biết lý do tại sao xe được đậu gần cửa ra vào khách sạn: vì đó là một chiếc Rolls-Royce Phantom.
Hãy xem điểm xuất phát của Vice, và sự sang trọng, xa xỉ hiện tại của Shane đã cho thấy ông và các nhà sáng lập Vice đã đi xa đến chừng nào. Trước khi trở thành một công ty truyền thông, Vice là một trang nhận “bao cấp”. Ban đầu được thành lập như dưới hình thức một tạp chí miễn phí mang tên Voice of Montreal vào năm 1994 bởi Suroosh Alvi, Gavin McInnes, và Shane đã lợi dụng chương trình trợ cấp ưu đãi của chính phủ Canada. Voice of Montreal được chính phủ mong muốn trở thành một tờ tin chuyên về văn hóa cho thành phố Montreal, nhưng bộ ba này thích “chống lại văn hóa” hơn nên nội dung tập trung vào những chuyện về đời sống của giới trẻ ăn chơi đàn đúm, nhạc hip-hop và đời sống của giới mại dâm, hút chích tại Montreal.
Cuối cùng Voice trở thành Vice, theo quan điểm biên tập kiểu gân guốc và giật gân sẽ thu hút được độc giả. Ngay từ đầu, Shane cho thấy tài khéo léo của anh trong việc dàn xếp các thỏa thuận, giúp tạp chí này bảo đảm nguồn đăng ký quảng cáo trên trang báo từ các hãng đĩa và những nhãn hàng của giới trẻ. Nhưng khi mở rộng hơn, công ty cần thêm vốn. Trong một cuộc phỏng vấn với một tờ báo Canada, Shane nói một triệu phú về công nghệ, ông Richard Szalwinski, đang thương thảo để mua lại tạp chí của Shane. Đó là một lời nói dối, nhưng lại vô tình thu hút sự chú ý của Szalwinski và dẫn đến việc ông ấy mua cổ phần của tạp chí này, sau đó chuyển tạp chí đến New York.
Chiến lược đầu tiên của Vice là thâm nhập vào cửa hàng bán lẻ, thời trang tại New York, L.A. và Toronto sử dụng thương hiệu “gân guốc” này để bán quần áo. Nhưng cuộc khủng hoảng bong bóng các công ty dot-com khiến Szalwinski rời bỏ Vice, bán lại cổ phần cho các nhà sáng lập, dẫn đến đóng cửa các cửa hàng và di chuyển từ Manhattan đến Williamsburg, Brooklyn.
Mặc dù công ty trong tình trạng “nợ như chúa chổm”, nhưng động thái chuyển địa bàn hoạt động đã giúp các nhà sáng lập chuyển sự tập trung vào việc sản xuất nội dung, cả trong mảng báo in và trực tuyến, cùng với việc cho ra đời một thương hiệu mới về âm nhạc. Bằng giọng điệu mỉa mai, nhạy cảm thời trang (áo sơ mi ca rô, xăm trổ đầy mình và râu đầy mặt), khẩu vị âm nhạc tốt (Bloc Party, The Streets và Justice), cộng với thái độ nổi loạn đã giúp tạp chí định nghĩa kiểu văn hóa “hippy”, vượt khỏi Brooklyn đến khắp nơi trên thế giới qua trang web của tạp chí, Viceland.com. Trong khi phải cần đến mười năm trời tạp chí mới đạt được lượng báo phát hành một triệu cuốn, nhưng chỉ cần một năm thôi, trang web của họ đã đạt đến con số đó.
Khi công ty bắt đầu có lời trở lại và trả hết nợ nần, họ nhanh chóng mở rộng ra quốc tế, cộng tác với một lực lượng các nhà báo, nhiếp ảnh gia, nhà quay phim để cung cấp nội dung cho phiên bản online của Vice. Spike Jonze, một nhà làm phim có giải thưởng lớn, đã giúp chuyển hướng cho tạp chí từ bản in sang hình ảnh và video, trước tiên giúp công ty phát triển những kỹ năng sản xuất tại chỗ và sau đó giới thiệu các nhà sáng lập Vice với Tom Freston.
Tom là một huyền thoại trong ngành truyền thông, cũng là đồng sáng lập kênh MTV trước khi trở thành giám đốc marketing đầu tiên của MTV. Ông đã tung ra chiến dịch quảng cáo thành công nhất lịch sử ngành truyền hình cáp; những ngôi sao nhạc rock như Mick Jagger và Bill Idol xuất hiện kêu gọi những “bọn trẻ” hãy gọi cho nhà mạng và gào lên “Tôi muốn kênh MTV!”. Gần như ngay lập tức, MTV từ một kênh truyền hình đang “cầm hơi” để tồn tại ở một số thị trường nhỏ trở thành kênh phổ biến trên toàn nước Mỹ. Tom ngay sau đó đã thăng lên chức chủ tịch và CEO của MTV Networks và trong khoảng mười bảy năm điều hành tuyệt vời, Tom đã tung ra VH1, Comedy Central, và TV Land. Tom cũng giới thiệu cho thế giới những chương trình nổi tiếng nhưThe Real World, SpongeBob SquarePants, Beavis and Butt-head, The Daily Show và Jackass.
Cũng chính Spike đã dẫn Johnny Knoxville và nhóm Jackass đến gặp Tom. Spike đã gặp nhóm này trong một lần trượt ván ở miền Nam California và sau đó họ đã mở một tạp chí. Sau khi MTV mua Jackass, Spike trở thành giám đốc sản xuất. Vài năm sau, Spike lại tiếp tục làm việc “mai mối” Shane và Vice với Tom.
“Tôi phải thú nhận, tôi không hề biết về Vice ở thời điểm đó bởi vì trông giống như cuốn tạp chí quảng cáo ở các cửa hàng bán quần áo”, Tom nói. “Nhưng họ đã giải thích cho tôi nghe về tầm nhìn, đại khái như ‘YouTube mới bắt đầu và chưa có ai làm video chất lượng cao trên Internet có quan điểm, thái độ và phong cách đặc biệt nào đó’”.
Vào lúc đó, Vice chỉ mới làm một video, một đĩa DVD gồm các phóng sự về các chuyến đi khám phá mang tên The Vice Guide to Travel do chính tay Spike biên tập. Trong tập đầu tiên, Suroosh Alvi đi đến đèo Khyber để khám phá một trong những chợ bán súng phi pháp lớn nhất thế giới tại Peshawar, Pakistan. Một tập khác, một thông tín viên của Vice đi khắp các khu ổ chuột ở thủ đô Rio de Janeiro, mặc áo chống đạn hai lớp vì sợ bị bắn gục trước khi tham gia nhảy nhót tại một buổi tiệc ngoài trời của mấy tay bán ma túy địa phương. Một trong những tập đáng chú ý chiếu cảnh Shane còn khá trẻ với mái tóc dài và xỏ lỗ tai, đang say khướt trên chuyến xe lửa đến Chernobyl (nơi xảy ra vụ nổ lò hạt nhân tại Ukraine vào năm 1986). Khi đến nơi, Shane lang thang xung quanh những tòa nhà bị bỏ hoang và một công viên giải trí bị đổ nát, bình luận về sự ngu xuẩn của thời đại hạt nhân trong khi chiếc đồng hồ Geiger dò tìm chất phóng xạ cứ kêu tích tắc rất đáng sợ. Tập phim kết thúc bằng cảnh Shane và một thông tín viên nữ bắn súng máy vào những con quái thú mà Shane gọi là những con heo bị đột biến vì nhiễm chất phóng xạ.
“Tôi rất thích những tập phim đó”, Tom nói. “Tôi nghĩ những người này là tiên phong. Tôi không nghĩ là có ai trong công ty tôi làm được những điều như họ đã làm. Phim có sự xác thực và Shane gây ấn tượng nhất. Anh ấy là một tay giỏi thỏa thuận đấy và cũng là một người cầu tiến. Shane có kiến thức, chịu học hỏi, một sinh viên giỏi về lịch sử. Và quan trọng là có bản năng sáng tạo rất tốt”.
Shane nói với Tom, Vice muốn chuyển dần từ một tạp chí in thành một thương hiệu lớn dành cho giới trẻ, muốn khai thác sức mạnh của YouTube và Internet để “mài dũa” các kỹ năng sản xuất video cho Vice. Spike thuyết phục Tom và nhóm Viacom thành lập một liên doanh với Vice Media gọi là VBS.tv.
VBS.tv trở thành phòng thí nghiệm video trực tuyến lớn nhất của Vice Media. Các thành viên của họ sản xuất những phim tài liệu đem chiếu ở các liên hoan phim và ngay cả bắt đầu làm phim điện ảnh (hay còn gọi là phim nhựa). Tuy nhiên, Tom đã nhanh chóng rời khỏi Viacom********, và lãnh đạo mới của công ty “thật sự không thích làm việc với những tay xăm trổ đầy mình”, Shane nói với tôi. Nhưng hóa ra chuyện đó lại trở thành vận may của Shane. Anh mua lại 50% cổ phần của VBS.tv do Viacom sở hữu và bắt đầu đẩy video lên YouTube. Sau đó, Tom gia nhập Vice với tư cách là nhà đầu tư và nhà tư vấn, giúp cho công ty non trẻ này kiếm tiền và xác định được tầm nhìn trong việc xây dựng một thương hiệu sản xuất video cao cấp trên nền tảng Internet.
******** Sự ra đi của Tom là một quyết định bất ngờ. Sếp của Tom, Sumner Redstone, được cho là rất giận vì Viacom để vuột mất cơ hội mua MySpace với giá 580 triệu đô-la Mỹ. Cuối cùng, MySpace được bán cho News Corporation mà sau đó ông trùm truyền thông Rupert Murdoch cho rằng đó là một sai lầm lớn.
Năm 2009, Vice Media bắt đầu hợp tác với CNN để sản xuất tin tức video cho trang web của đài truyền hình, bao gồm một tập mới của The Vice Guide to Travel. Lần này, Shane và nhóm gồm thêm hai người nữa bay tới Liberia, một đất nước vẫn còn bị “giày vò” từ cuộc nội chiến thứ hai trong hàng chục năm qua. Cuộc chiến buộc trẻ em phải tham gia quân đội, khét tiếng với câu chuyện chúng bị ép buộc hút ma túy để dễ bị sai khiến. Mặc dù chiến tranh chấm dứt khi Shane đến và cựu tổng thống của quốc gia này, Charles Taylor cũng đang bị tòa án The Hague xét xử tội ác chiến tranh, nhưng những câu hỏi vẫn cứ lẩn quẩn đâu đó – Liệu có thêm một cuộc nội chiến xảy ra tiếp theo nữa hay không khi lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc chuẩn bị rút quân? Shane muốn tận mắt chứng kiến tình trạng hiện tại của đất nước này.
Trang website của CNN dẫn đến video bắt đầu bằng một ghi chú của ban biên tập: “Ban biên tập CNN.com gần đây đã bị hấp dẫn bởi tính báo chí của VICE, một công ty truyền thông độc lập và trang web đặt tại Brooklyn, New York. VBS.tv là mạng lưới truyền hình băng thông rộng của Vice. Những bài phóng sự do chính VICE sản xuất đã cho thấy cách tiếp cận vấn đề rất minh bạch gần với tính báo chí, nơi khán giả thấy được từng bước của quy trình thực hiện phóng sự. Chúng tôi tin rằng cách tiếp cận độc đáo này xứng đáng được chia sẻ với khán giả của CNN.com. Người xem thận trọng khi xem”.
Bắt đầu bằng việc Shane gặp một người lo liệu hậu cần tại đây, một phóng viên người Canada tên là Myles Estey, đến thẳng nơi đây từ bệnh viện sau khi vừa bình phục sau một đợt tiêu chảy. Ngay tức khắc, anh ta hướng dẫn nhóm quay phim đến một nhà tù trong một khu phố đèn đỏ để gặp một cựu lãnh chúa, mệnh danh là Tổng tư lệnh Bin Laden”********. Sau khi nói với vị lãnh chúa, nhóm sản xuất đã đến khu vực nghèo nàn nhất của Liberia, West Point, nơi không có nước sạch và hệ thống cống thải, người dân được phép dùng bãi biển như nhà vệ sinh công cộng. Họ quay được cảnh trẻ em hút heroin, đến một nhà thổ nơi các cô gái điếm nói về việc bị lính gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc lạm dụng như thế nào, và tất cả chuyện đó xảy ra trước khi họ gặp một lãnh chúa nay đã trở thành một mục sư, người trước đây đã ép trẻ em vào đánh trận nhưng bây giờ đang cố gắng để phục hồi cho chúng. Người đàn ông đó, tên Joshua Blahyi, từng mệnh danh là “tướng không quần” vì bắt đám lính không mặc quần áo khi xung trận. Trên camera, ông ấy nói đã từng ăn thịt người trong thời kỳ chiến tranh. Bộ phim, có thể tìm thấy trên YouTube dưới tựa đề The Cannibal Warlords of Liberia (tạm dịch: Lãnh chúa ăn thịt người ở Liberia), kết thúc với cảnh phục lễ, trong đó Blahyi nói về sự chuyển hóa từ một “tướng gian ác” trở thành một “tướng thiên thần”.
******** Để bảo vệ nhân thân, các lãnh chúa ở Liberia dùng những bí danh khiến kẻ thù khiếp sợ.
Cảnh phim đã thu hút sự chú ý của các tòa soạn tin tức lớn trên thế giới, trong lúc đang đối mặt với tình trạng tồi tệ của khủng hoảng kinh tế, tỏ ra thận trọng với việc một công ty ngoài ngành đang cố gắng thực hiện những tin tức nghiêm túc như thế. Trong một cuộc phỏng vấn, sau này trở thành bất hủ trên trang phóng sự Page One của New York Times, phóng viên David Carr, bản thân là một con nghiện vừa hồi phục, thách thức Shane chỉ trích bài viết gần đây về Liberia của thời báo này********.
******** New York Times đăng một phóng sự về du lịch “On Liberia’s Shore, Catching a New Wave” (tạm dịch: “Trên bãi biển Liberia, Đón đầu làn sóng mới”) nói về những bãi biển đẹp nhất để chơi lướt ván ở Liberia, trong đó có West Point.
“Nghỉ một lát, hết giờ rồi”, Carr nói, ngắt lời Shane. “Trước khi anh đặt chân đến, chúng tôi đã có phóng viên ở đó, đưa tin hết vụ diệt chủng này đến vụ diệt chủng khác. Và chỉ bởi vì anh đã đến đó và đội một cái mũ bảo hiểm quái dị, chọc ngoáy một số việc và anh không có quyền sỉ nhục những điều chúng tôi đã làm. Cứ tiếp tục nói thế nhé.”
“Xin lỗi. Tôi chỉ muốn nói”, Shane giải thích, “tôi không phải là nhà báo, tôi không đến đó để tường thuật”.
Carr ngắt lời Shane: “Tất nhiên, tất nhiên”.
Những trao đổi đó được một vài tờ báo tán dương, đã làm giảm những nỗ lực phát triển của Vice. Những tiếng nói ủng hộ Vice chỉ được lắng nghe khi Vice ký được một thỏa thuận với HBO sản xuất một tạp chí truyền hình tin tức cho họ, một dạng như chương trình 60 Minutes với Shane Smith thay cho Mike Wallace.
Shane giải thích sự chỉ trích khi chúng tôi gặp nhau ở văn phòng của Vice tại Santa Monica. Chúng tôi ngồi trên ghế nhung màu xanh lá cây trong một căn phòng kế bên thư viện của Vice, một vài tháng sau khi văn phòng này xuất hiện trên trang bìa tạp chí Wall Street Journal. “Không có ai nói chúng tôi đưa tin sai cả. Họ chỉ trích cách chúng tôi xuất hiện và cách chúng tôi nói... Nếu anh chỉ nói về cái quần jean chúng ta đang mặc, thì OK. Nhưng nếu chế giễu câu chuyện của chúng tôi hoặc chọc ngoáy chiếc quần của tôi, như vậy là có vấn đề.” Shane cho rằng các tòa soạn tin tức nhận thấy không thể làm yếu vị thế của Vice đối với khán giả thế hệ Millennial, vì vậy cách duy nhất để làm tổn thương Vice chính là tấn công vào tính chính trực của báo chí. “Chúng tôi phải ‘cài nút áo’, ‘thắt cà vạt’ hay ‘mặc áo chống đạn’ nhiều hơn người khác chăng?”
Nhưng trước khi chương trình trên HBO phát sóng, một cuộc tranh cãi đã nổ ra về những tư liệu của Vice xuất hiện trong tập cuối mang tên Basketball Diplomacy (tạm dịch: Ngoại giao bóng rổ). Vice đã sắp xếp một trận cầu giao hữu tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên giữa Harlem Globetrotters và đội tuyển bóng rổ quốc gia Triều Tiên với sự xuất hiện của Dennis Rodman với tư cách khách mời danh dự. Lãnh đạo trẻ tuổi Triều Tiên Kim Jong-un cũng tham dự như một trong những lần xuất hiện hiếm hoi trước công chúng. Trong lời phát biểu sau trận đấu, Rodman quay sang chủ tịch Kim, gật đầu chào và nói: “Cảm ơn ngài chủ tịch. Ngài là người bạn suốt đời của tôi”, trước khi bắt tay Kim Jong-un. Sau đó, nhóm làm phim Vice còn tham dự buổi quốc yến với chủ tịch Kim, họ trở thành những người Mỹ đầu tiên gặp Kim Jong-un kể từ khi ông quay lại chính trường.
Tất cả diễn ra chỉ vài tuần sau khi Triều Tiên thực hiện cuộc thử hạt nhân dưới lòng đất, gây lo lắng một ngày nào đó có khả năng tấn công Mỹ bằng đầu đạn hạt nhân. Vice bị báo chí đem ra “đốt” vì đã sắp đặt câu chuyện với một “nhà độc tài” như thế, những bình luận đại khái như những tân binh trong lĩnh vực tin tức đã bị chơi xỏ. Trên CNN, Dan Rather gọi bài phóng sự của Vice là “nhiều dáng dấp của Jackass hơn một bài báo”.
“Tôi đã làm hai phóng sự tại Triều Tiên và đã bị đuổi cổ ra khỏi đó bởi vì chúng tôi chỉ trích chế độ”, Shane nói (cá nhân Shane bị cấm quay trở lại Triều Tiên và không được tham dự trận bóng rổ giao hữu). “Nhưng chúng tôi biết điểm yếu của họ bởi vì chúng tôi đã ở đó, chúng tôi biết đội bóng của họ rất mạnh. Nên đã đưa ra một đề xuất: mang theo đội Chicago Bulls đến đó và chúng ta sẽ có cuộc phỏng vấn mà tất cả các tờ báo đều muốn có nhất. Và khi chúng tôi làm được điều đó, truyền thông cũ đã nổi nóng và chỉ trích. Có hai việc tôi muốn nói: lúc đó tôi không sung sướng gì cả nhưng khi nhìn lại thì thấy hài lòng vì chuyện đó đã đưa Vice News lên bản đồ của thế giới tin tức”.
Shane cũng nói hai điều giúp cứu vớt chương trình tin tức của Vice trên HBO không bị tan biến vì những vụ lùm xùm. Đầu tiên, phóng sự không hề tô vẽ cho Triều Tiên hoặc lãnh tụ mới của họ; thật ra là chỉ trích hình ảnh của Kim Jong-un và chính phủ Triều Tiên. Trong một cảnh quay tại một phòng máy tính ở Triều Tiên, nhóm làm phim cho thấy mặc dù phòng máy có đầy người ngồi, nhưng không có ai thật sự gõ hay nhấn gì cả. Họ quay cảnh một người thanh niên nhìn vào trang chủ Google khá lâu trong khi dấu nhắc vẫn cứ nhấp nháy liên tục ở khung tìm kiếm.
Thứ hai, một thời gian ngắn sau chuyến đi của Vice, thông tin rò rỉ cho hay BBC cũng đã “cài người” vào Triều Tiên trong một chuyến đi thực địa của nhóm sinh viên trường London School of Economics. Các sinh viên trong nhóm cũng nhận ra những phóng viên được cài vào trong chuyến đi chỉ sau khi đặt chân đến Bình Nhưỡng. “Anh cài người đằng sau những sinh viên”, Shane nói một cách bực bội, “và sau đó anh chỉ trích chúng tôi dàn dựng nhưng tỏ ra hiệu quả. Cái nào gây nguy hiểm hơn?”.
Cũng có những “chặc lưỡi” tương tự khi Vice “cài người” vào ISIS cho một phóng sự trên HBO, The Islamic State, ngay sau khi Vice News ra mắt trên YouTube. Nhưng lần này, David Carr – bốn năm sau khi anh ấy và Shane gặp nhau lần đầu – đã bảo vệ Vice trên New York Times:
“Phóng sự The Islamic State không chỉ là một chiến thắng cho Vice, mà còn của khán giả đang khao khát muốn hiểu tại sao một số người trên thế giới ghét chúng tôi nhiều dữ vậy... Khi tôi tranh cãi với ông Smith về bài viết của ai xứng đáng hơn, tôi đã không nhận thấy rằng trong một thế giới thù địch với báo chí, nơi những xung đột nguy hiểm dường như diễn ra hằng ngày, chúng ta không thể cứ ngồi đó trịch thượng về nguồn tin này xuất phát từ đâu. Tôi rất vui khi có người sẵn sàng thực hiện những công việc quan trọng như tiếp cận những nhân chứng, một công việc có thể khiến bạn có thể bị giết nếu có gì sai sót xảy ra.”
Bài viết này có nhan đề là Its Edge Intact, Vice Is Chasing Hard News (tạm dịch: Vẫn giữ nguyên chất, Vice tiếp tục theo đuổi tin tức ác liệt).
Trở lại nghiên cứu của Shane, tôi hỏi Shane tại sao suy nghĩ quá nhiều về thế hệ Millennial trong ngành tin tức. “Tôi nghĩ bởi vì thế hệ Y (tức thế hệ Millennial) lớn lên vào khoảng thời gian chúng ta bị tước đi nhiều quyền. Đó là thời gian nói về ‘vũ khí hủy diệt hàng loạt’, sự sụp đổ của chính phủ ở Iraq và Afghanistan, và hoàn toàn thất vọng với truyền thông chính thống.”
Đó có thể là lý do thế hệ này không tìm kiếm thông tin nhiều trên kênh truyền thông chính thống. Theo khảo sát vào năm 2016 của Pew Research Center, khoảng 50% người trong lứa tuổi từ mười tám đến hai mươi chín xem tin tức trực tuyến; chỉ khoảng 25% xem tin tức trên tivi. Đối với thế hệ Baby Boomer, tỷ lệ ngược lại; 72% người trong độ tuổi năm mươi đến sáu mươi bốn xem tin tức trên tivi, trong khi 29% xem trên website, ứng dụng di động và mạng xã hội.
Xem lại những video đầu tiên trên VBS.tv, nhìn thấy cách tiếp cận của Vice hiện tại là một điều gì đó có thể gọi là sự “hòa mình” vào sự kiện. Đó là cách tiếp cận nhấn mạnh vào sự hòa hợp theo lối làm phim tài liệu hơn là chỉ đưa tin và bình luận, mặc dù Vice luôn có những thông tín viên khắp thế giới.
“Điều mà chúng tôi nhận ra là thể loại tin tức hằng ngày thường hay đi cùng định kiến hoặc một góc nhìn đã có sẵn”, Shane phân tích. “‘Chúng ta biết điều gì đang xảy ra ở Ai Cập; Tổ chức Anh em Hồi giáo bị lên án. Nào lên đường quay thôi’. Trái lại, chúng tôi đến Ai Cập và nói ‘Chúng ta đi theo những người này và các sinh viên, họ tách ra từ những người Hồi giáo chính gốc và những người lính tách ra từ tổ chức Thánh chiến’. Chúng tôi đi theo câu chuyện hơn là đi theo một góc nhìn định sẵn.”
Tôi nói với Shane ý kiến này nghe giống như lời khen ngợi các YouTuber nhận được vì xuất hiện một cách xác thực hơn là xuất hiện một cách trịnh trọng như trên tivi. Cung cấp cho khán giả – thông thường những khán giả trẻ, nhưng chín chắn như thế hệ Millennial, những người cũng ăn mặc và nói chuyện như chúng ta – một sự hướng dẫn không thiên vị, Vice muốn xây dựng lòng tin với khán giả. Các thông tín viên muốn đưa khán giả đi cùng một hành trình và giới thiệu những nhân vật mới, hơn là đứng đó và giải thích cho họ điều gì đang xảy ra. “Câu chuyện quan trọng hơn là câu chuyện đó quan trọng ra sao”, Shane nói.
Cách tiếp cận của Vice thể hiện nhiều chiến thuật mà chúng tôi bàn trong cuốn sách này. Từ những ngày đầu tiên với chương trình The Vice Guide to Travel, tầm nhìn của công ty này đã là phạm vi toàn cầu. Khi tung ra những trang trực tuyến mới, họ quyết định theo đuổi những văn hóa trẻ và mạnh mẽ nhưng bị truyền thông chính thống bỏ sót, ví dụ như trượt băng hoặc mảng âm nhạc điện tử. Họ sẵn sàng nói về những chủ đề ở “thị trường ngách” như sự phối hợp võ thuật và nghệ thuật trong nhiều năm trước khi những chủ đề này được đưa lên truyền hình. Vice chọn những chủ đề đó làm trung tâm của chương trình – từ các thông tín viên đến các câu chuyện – về việc tôn trọng sự khác biệt, cảm nhận tích cực về cơ thể, và cả vấn đề linh hoạt giới tính.
“Tôi luôn nói điều này, thế hệ Millennial là những khách hàng am hiểu truyền thông nhất trong lịch sử và họ đã được ‘tiếp thị’ từ khi còn là những đứa trẻ, ví dụ như phim hoạt hình được làm ra để bán hạt ngũ cốc. Vì thế, họ cũng có bộ dò tìm rất ‘am hiểu’. Nếu điều gì đó xuất hiện, trông rất ‘ngầu’ và được chuyển tải bằng một cách cũng rất ‘ngầu’ với nhiều hình ảnh đồ họa, họ hiểu ngay tất nhiên sản phẩm đó đã qua nhiều bàn tay quay phim và biên tập. Tôi muốn nói rằng những điều như thế chỉ mới vừa xuất hiện và chúng ta đang sống trong thời kỳ như thế, có thể do không cảm nhận được đấy thôi.”
Nhận định của Shane làm tôi nhớ đến thời điểm được xem là cột mốc về cách Internet chuyển tải tin tức: đó là Green Movement (Phong trào Xanh) ở Iran. Giống như một cuộc tổng dượt biểu tình nổ ra khắp Trung Đông trong phong trào Mùa Xuân Ả Rập, hàng trăm ngàn người biểu tình đã tràn xuống đường phố ở thủ đô Tehran và một số thành phố khác sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2009, đòi Mahmoud Ahmadinejad từ chức và tố cáo chính phủ gian lận bầu cử. Bởi vì Iran khá quen thuộc với báo chí quốc tế, cho nên tin tức từ người dân trong nước đưa lên mạng xã hội lan truyền rất nhanh và hiệu quả hơn là chờ đợi xem tivi.
Khi tôi nhắc Shane về sự kiện này, anh ấy nói lúc đó anh đang ở Iran để dự một liên hoan phim. “Anh có thể thấy chuyện gì xảy ra qua những dòng tin của những người đang biểu tình trên mạng xã hội, hoặc cũng có thể xem YouTube từ New York. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, thế hệ Baby Boomer có thể mở tờ New York Times hoặc Washington Post, hoặc mở tivi xem chương trình 60 Minutes, hoặc trên NBC Nightly News, hoặc bất cứ tờ báo này; họ đều nghe thấy giọng điệu tương tự ‘Đây là những gì đang xảy ra’, và họ tiếp tục, ‘Ôi, rất tốt, điều đó đang xảy ra’.
Thế hệ Millennial thì khác, họ xem ở blog, video và những thứ đến từ chính nơi xảy ra sự kiện và từ những nguồn tin khác, sau đó họ nói ‘Ừ, thật ra đó là... giống như là...’. Họ lớn lên trong một môi trường như thế cho nên chúng ta không thể đơn giản chỉ nói ‘Đây, những gì đang xảy ra’.”
Với việc Internet đang cung cấp quá nhiều quan điểm khác nhau về một sự kiện – tin tức, tin cập nhật nóng hổi, bình luận, bài phân tích, tất cả thể hiện qua sự cung cấp không ngừng nghỉ hình ảnh, tweet, video từ sự kiện – định nghĩa về “nhận thông tin” đã thay đổi. Nhận thông tin không chỉ là đọc một bài báo hoặc xem một mẩu tin, bài phóng sự trên truyền hình mà thôi.
Nhưng với quá nhiều nguồn thông tin như vậy, chúng ta có thể tin ai?
Vào giữa thập niên 2000, nhiều thông tín viên nước ngoài người AiLen được gửi đến một thành phố miền Nam Lebanon trong cuộc xung đột với Israel. Thời gian rảnh giữa các bản tin, họ thường ngồi “nhâm nhi” ở bên hồ bơi, chờ chỉ thị từ các tòa soạn tin tức trở về Atlanta hay Dublin để cho họ biết khi nào có các cuộc đánh nhau tiếp theo. Vì thế, họ có thời gian quay những bản tin gửi về tòa soạn. Nhưng khi bắt đầu xem mạng xã hội càng nhiều, họ để ý thấy một điều khá thú vị: các tin nhắn trên Twitter thường cho họ biết trước khoảng ba mươi phút khi có đánh nhau, trước cả tin tức từ AP hoặc các hãng tin khác.
Họ nhận thấy ngành báo chí đang thay đổi cơ bản. Sự gia tăng sử dụng điện thoại di động và mạng xã hội đang “gặm nhấm” tính độc quyền về thông tin của báo chí, bằng việc người dân thích “ra tay trước” các hãng tin tức trong những sự kiện nào đó.
Trong sự chuyển đổi sâu sắc như thế, một trong những thông tín viên đó, Mark Little, bắt đầu suy nghĩ một hãng thông tấn như AP hoặc Reuters sẽ ra sao nếu mới thành lập trong giai đoạn này. Theo quan điểm của Mark, hãng thông tấn phải dựa vào mạng xã hội, phân tích các tweet, các mẩu tin và video được tải lên từ khắp nơi trên thế giới từng giây từng phút. Từ những phân tích này, họ sẽ cung cấp phần giá trị nhất bằng cách “tách tin tức ra khỏi những tín hiệu nhiễu”, chọn lọc trong đống nội dung đó để phối kiểm và xác thực cái nào là đúng, là thật. Và Mark đã lập ra một công ty như vậy vào năm 2010 tại Dublin mang tên Storyful.
“Giống như thời ‘Miền Tây Hoang Dã’ khi công ty này bắt đầu hoạt động”, Rahul Chopra, CEO hiện tại của Storyful nói với tôi. “Không có quy định, trách nhiệm, hoặc sự bảo vệ nguồn tin.” Để nhấn mạnh nhiều thách thức, một văn phòng tin tức phải đối mặt khi nhận những nội dung do người bên ngoài cung cấp, anh kêu tôi hình dung có một video về một vụ nổ bom ở đâu đó tại Trung Đông. “Tôi không biết video này được quay ở Aleppo hay ở Iran. Làm sao tôi có thể phân biệt sự khác nhau? Chỉ là một quả bom phát nổ ở giữa đường. Làm sao tôi đi phối kiểm là có thật hay không? Làm sao tôi biết người quay video này là người gửi video hay không và suy nghĩ có thể sử dụng video này hay không? Ngữ cảnh đằng sau vụ nổ này là gì? Đó có phải là một quả bom hay không, tôi thật sự không biết?”
Tất cả những câu hỏi đó làm mọi người ở đây khó chịu, nhưng nhiều người không biết trả lời như thế nào. Mục tiêu của Storyful là để trả lời những câu hỏi đó. Mô hình này đặt các nhà báo đầy kinh nghiệm ngồi bên cạnh các kỹ sư để tìm và phối kiểm liệu bức hình hay video này là giả hay thật. Quy trình sử dụng ở đây dựa trên các kỹ thuật báo chí truyền thống kết hợp với công nghệ. Thuật toán sẽ tự động xác định các “đám hành động” xuất hiện hoặc có liên quan đến video đó; nếu phát hiện được một sự kiện bùng lên từ mạng xã hội, các thuật toán tự động quét cơ sở dữ liệu để đối chiếu xem liệu video này là thật sự mới hay “bị xào lại”.
Nếu đoạn video này là duy nhất, các nhà báo sẽ đi bước tiếp theo, sử dụng Google Earth và Google Maps xác định một số quang cảnh tại hiện trường của đoạn video đó. Họ kiểm tra đoạn video so với dữ liệu thời tiết tại nơi video được quay để bảo đảm bóng của sự vật trong video là thật và gió thổi có đúng chiều hay không. Sau đó, họ nhờ chuyên gia dịch các ngôn ngữ và phương ngữ, xác định tiếng còi hụ ở khu vực đó có giống như trong video hay không, và xác định loại đạn được sử dụng trong video. Khi video đó đã được phối kiểm xác thực, nhóm làm việc sẽ liên lạc với người cung cấp video để hợp thức hóa và làm rõ quyền sử dụng video đó. “Tất cả những việc đó được thực hiện rất, rất nhanh”, Rahul kể.
Mục đích của các cộng sự kỹ sư ở đây là giúp tối đa hóa hiệu suất của cả quá trình, hạn chế thấp nhất các thao tác kỹ thuật mà các nhà báo phải thực hiện. “Chúng tôi cố gắng làm cho các nhà báo thông minh hơn và nhanh hơn, giúp họ tập trung vào ngữ cảnh, sự chính xác, xác thực, và tăng tốc độ công việc”. Tôi hỏi Rahul, với nhiều tin tức xảy ra trên thế giới, cần bao nhiêu nhà báo để phối kiểm mọi thứ. “Chưa tới bốn mươi nhà báo”, Rahul trả lời.
Tôi hỏi anh YouTube đóng vai trò gì trong đầu ra của Storyful, trong sự nở rộ các mạng xã hội và ứng dụng tin nhắn. “YouTube vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nội dung chúng tôi cung cấp cho khán giả mỗi ngày”, anh ấy nói. “Trong sáu năm qua, không có một mẩu tin nào không bị tác động bằng quy trình tôi vừa kể.”
Lùi lại xa hơn nữa, năm 2006, một thời điểm dường như có sự rẽ hướng trong chính trị ở Mỹ, ứng cử viên đảng Cộng hòa tranh cử chiếc ghế thượng nghị sĩ bang Virginia, George Allen, thua trong gang tấc sau khi những hình ảnh rò rỉ về việc ông đã sử dụng những từ ngữ phân biệt chủng tộc – hai lần – để mô tả một thành viên trong chiến dịch tranh cử của đối thủ.
Sự phổ biến của điện thoại thông minh và khả năng lan truyền của video trên mạng xã hội giúp định nghĩa lại tin tức toàn cầu là như thế nào. Nếu từng nghe người nào đó trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago phàn nàn chuyện tiền đóng thuế của người dân được sử dụng hỗ trợ những chủ nhà gặp khó khăn, có thể chúng ta không nghĩ điều đó đáng gọi là tin tức. Nhưng một phát biểu vào thời điểm đó của biên tập viên tin tức trên CNBC Rick Santelli được chia sẻ trên YouTube và Facebook đã làm Tea Party (đảng Trà ở Mỹ) dậy sóng. Nếu một số người cánh tả biểu tình ở Wall Street để phản đối bất công, vẫn không thể đủ sức gọi là tin nóng được. Nhưng nếu họ lan truyền thông điệp trên mạng xã hội và ngay lập tức mọi người đều nghe khẩu hiệu “Chiếm lấy Wall Street” lại là chuyện khác. Nếu một cảnh sát bắn một thiếu niên da đen không có vũ trang, ít khi tin này được đưa lên trang nhất. Nhưng nếu chia sẻ những hình ảnh biểu tình thật sự theo sau chuyện đáng tiếc đó sẽ khiến mọi người thương cảm và tạo ra một phương tiện để bày tỏ sự phẫn nộ, và phong trào Black Lives Matter ra đời.
“Tôi nói với mọi người với tư cách là một người đã từng có mặt ở những vùng chiến sự”, Mark Little phát biểu tại trường Đại học Truyền thông và Báo chí Florida. “Ngày xưa, chúng ta không bao giờ có khả năng chứng kiến chiến sự trong thời gian thực. Nếu Srebrenica, nếu Auschwitz, nếu Rwanda xảy ra vào lúc này, cả thế giới sẽ không thể nói là không biết được”.
Với sự lớn mạnh của video quay ngay tại chỗ và những tác động có thể làm thay đổi thế giới, tôi hỏi Rahul liệu điều này có làm giảm một số vai trò của các nhà báo đã từng có trong xã hội hay không. “Tôi nghĩ lý do anh thấy nội dung do người dùng tạo ra (UGC – user-generated content) càng ngày càng nhiều bởi vì chúng cho khán giả một góc nhìn hoàn toàn khác trên cùng một sự kiện... Tại sao tôi cần một phóng viên đứng ngay tại quảng trường Tahrir nói cho tôi biết về những gì đang xảy ra ở đó trong khi những video có thể cho tôi thấy được điều gì đang xảy ra và trải nghiệm của những người đang ở ngay tại quảng trường?
Bản thân video đó không phải là tin tức. Đó là nội dung. Đó là câu chuyện phóng viên có thể biến thành một thứ gì đó mạnh mẽ hơn. Và đó là lý do tại sao các bạn thấy các hãng thông tấn chào đón nội dung đó và xử lý nội dung đó khá tốt khi đó là sự thật.”
Khi được yêu cầu cho ví dụ, Rahul trích dẫn Vice News. “Họ đã xử lý rất tốt một số nội dung, nhanh hơn nhiều nhà xuất bản lớn truyền thống. Thế hệ trẻ hơn kêu gào tính xác thực khi họ xem tin tức trên các phương tiện truyền thông truyền thống. Và UGC là một cách khá tốt để thực hiện tính xác thực đó.”
UGC cũng khá rẻ. Một trong những rào cản lớn mà các hãng tin truyền hình phải đối mặt chính là chi phí đi quay hình. Những hãng tin hoặc mua dịch vụ từ các hãng thông tấn như AP hay Reuters, hoặc tự đầu tư máy quay, hệ thống truyền dẫn video vệ tinh và cả giấy phép cần thiết để tự quay hình. Đó là một trong những lý do nhiều công ty khởi nghiệp về tin tức trên YouTube đã thành công – nổi tiếng nhất có lẽ là The Young Turks, một kênh tin tức trên YouTube – có xu hướng về bình luận hơn là tường thuật sự kiện tin tức hằng ngày.
Mô hình “tự quay” dường như đang phát triển mạnh. Máy quay càng ngày càng rẻ và sử dụng các công nghệ mới như máy bay quay phim và dùng thiết bị di động quay trực tuyến đã giúp hạ chi phí quay tư liệu chất lượng cao và phát sóng toàn cầu. Với một nhóm nhỏ gọn (ví dụ như nhóm quay của Vice tại Liberia chỉ có ba người), các công ty sản xuất tin tức có thể sử dụng chính tư liệu của mình quay thay vì phải mua của các hãng thông tấn. Sau đó, nếu cần, họ sẽ bổ sung bằng các UGC rẻ hơn được quay bởi người dùng.
Những công ty như Storyful còn trả tiền cho những nội dung UGC. Năm 2016, Zdenek Gazda, một tài xế taxi nhập cư người Séc, đã quay được cảnh khá hay khi bà Hillary Clinton bị choáng và được hộ tống ra xe trong buổi lễ tưởng niệm ngày 11 tháng 9 tại Ground Zero. Trong quá khứ, một video như thế có thể sẽ lan truyền nhanh chóng và trở thành tin tức trên toàn thế giới, thường không được trả công. Trong trường hợp này, một số công ty sản xuất tin tức trên Facebook và Twitter ngay lập tức liên lạc với Gazda xin phép sử dụng. Ban đầu, anh ta cho phép video được sử dụng miễn phí, nhưng sau đó Storyful đã liên lạc được với Gazda qua anh trai của anh ấy vẫn còn đang ở Séc. Đại diện cho Gazda, Storyful bắt đầu làm việc với các công ty sản xuất tin tức để bảo đảm được một mức phí khi sử dụng video này, giúp Gazda có được một số tiền theo Rahul mô tả là lên đến sáu con số.
Mặc dù công việc chính của Storyful là xác thực các nguồn tư liệu từ người quay, nhưng gần đây công ty bị lôi vào một cuộc đối thoại rộng hơn về khái niệm “tin giả”. Trong giai đoạn bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, khái niệm này phủ khắp các tin tức về vận động bầu cử. Sau chiến thắng có phần bất ngờ của Donald Trump, nhiều người nhanh chóng chỉ ra những bài viết tai tiếng, lừa đảo làm tăng số lượng cử tri ủng hộ cho ứng cử viên đảng Cộng hòa. Mặc dù rất mơ hồ, nhưng những câu chuyện đó thu hút lượng độc giả lớn và nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội.
Hiện tượng tin giả phát triển dữ dội hơn khi các phóng viên từ BuzzFeed phát hiện hơn một trăm trang web chia sẻ tin tức xuất phát từ một nhóm thiếu niên ở một thị trấn nhỏ ở Macedonia mang tên Veles. Nhóm thiếu niên này thấy tin giả và sao chép vào các trang họ vừa mới lập để thu hút độc giả.
Theo một báo cáo điều tra của Wired, chiến lược này đầu tiên xuất phát từ hai người thanh niên trẻ ở Veles tên là Boris (biệt danh) và Aleksandar Velkovski. Aleksandar và người anh Boris đã thu hút được hơn mười triệu lượt khách ghé thăm trang web mang tên HealthyFoodHouse.com bằng cách quảng cáo những phương pháp chữa bệnh lừa đảo. Những thiếu niên “máu me” ở Veles bắt chước Velkovski nhưng áp dụng vào sự kiện chính trị, lợi dụng sự quan tâm dữ dội của mọi người trên thế giới về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, thu hút hàng trăm ngàn tài khoản Facebook chia sẻ và bình luận. Đổi lại, họ đã kiếm hàng ngàn đô-la Mỹ từ quảng cáo.
Khi Facebook và Google nhận biết điều gì đang xảy ra, họ nhanh chóng cắt đứt nguồn doanh thu từ những trang tin giả mạo này, nhưng vấn đề tin giả vẫn dai dẳng. Ở YouTube, chúng tôi đã làm việc để ngăn lại sự lây lan của những loại tin này, nhận thấy trách nhiệm phải bảo đảm có một nền tảng cho thông tin chứ không phải lạm dụng dẫn hướng sai lầm.
Phần lớn công việc này là nâng cao và nhấn mạnh những video đến từ các nguồn xác thực và được xác tín bằng các thuật toán, cùng lúc từ chối phát quảng cáo trên các nội dung có chủ đích lừa dối khán giả. Giờ đây, khi tin tức bùng nổ, chúng tôi chọn lọc một “bộ mặt” cho các video trên trang chủ YouTube, chỉ xuất hiện các clip có nguồn đã được phối kiểm. Cũng vậy, chúng tôi tạo một kênh YouTube dành riêng cho tin tức, chỉ cung cấp nội dung từ các đối tác đã qua quá trình xem xét bằng thủ công (không phải bằng thuật toán); hiện tại có khoảng ba mươi bốn triệu đối tác. Và chúng tôi tiếp tục rà soát việc đặt quảng cáo trên những nội dung có tính chất xuyên tạc, méo mó nhằm ngăn chặn những kẻ lừa đảo kiếm tiền bằng cách dụ dỗ khán giả.
Nhưng tách biệt sự thật và hư cấu – từng là một bài tập vỡ lòng rất hay ho – giờ đây trở nên gần như không thể khi một số người xem tính khách quan như một sự sỉ nhục đối với niềm tin và chính trị của họ. Tạp chí lừng danh Time gần đây có một bài, đặt ra câu hỏi ngay lời tựa Is Truth Dead? (tạm dịch: Sự thật đã chết rồi chăng?) để hiểu rằng phạm vi của thách thức này lớn đến dường nào, chủ yếu do các hãng tin tức có sứ mệnh thông tin đến độc giả của mình.
Câu hỏi “Điều gì là đáng tin?” cũng trùng hợp với tình hình phân hóa ngày càng tăng trong lĩnh vực tin tức tại Mỹ. Tính khách quan chính trị trong việc đưa tin trở thành tiêu chuẩn của hầu hết các tòa soạn của thế kỷ 20 khi theo đuổi việc thu hút khán giả. Không chỉ có những hãng tin lớn, tất cả đều phải hoạt động hợp pháp theo một điều luật của FCC (Ủy ban Truyền thông Hoa Kỳ) gọi là Fairness Doctrine (Học thuyết Công bằng) tồn tại từ năm 1949. Học thuyết này yêu cầu các đài phát thanh và truyền hình phải đưa tin cả những “vấn đề quan trọng gây tranh cãi trong cộng đồng” và “những nỗ lực... để tạo thuận lợi cho việc bày tỏ những quan điểm trái ngược của những thành phần có trách nhiệm trong xã hội về vấn đề tranh cãi đó”. Lý lẽ đằng sau học thuyết này chính là trong một thế giới không gian hữu hạn, người cầm trong tay “quyền lực thứ tư” (giấy phép phát sóng, xuất bản...) phải có trách nhiệm bảo đảm khán giả được bày tỏ những quan điểm đa dạng.
Khi “dải tần” của ngành truyền thông phát triển, đầu tiên là sự ra đời của tần số FM và sau đó là mạng truyền hình cáp, lý lẽ của học thuyết này bị suy yếu; lẽ ra người sử dụng có nhiều cơ hội để tìm kiếm những quan điểm đa dạng hơn, nhưng cũng gói gọn trong những phương tiện truyền thông được phép mà thôi. Năm 1987, FCC đã bãi bỏ điều luật này, dẫn đến sự xuất hiện nhiều hơn những hãng tin phục vụ cho một đảng phái trên cả radio và truyền hình cáp. Bất ngờ, với sự xuất hiện những chương trình trò chuyện của trường phái bảo thủ trên đài phát thanh, Fox News và MSNBC, lĩnh vực tin tức ở Mỹ bắt đầu tiến gần đến sự tương đồng như ở châu Âu, nơi tồn tại việc các hãng tin có mối quan hệ chặt chẽ với các đảng phái chính trị, hội đoàn và tôn giáo********.
******** Tại Ý, đài truyền hình quốc gia RAI nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Nghị viện nước này, các chương trình tin tức được chia ra từng phần cho các đảng phái chính trị.
Với Internet, cơ hội tạo ra một nền truyền thông phân cực nhiều hơn bao giờ hết đã bùng nổ. Một trang tin tức mới ra đời gần đây mang tên Axios, được hình thành từ tám mươi chín trang báo mạng lớn kể từ khi xuất hiện web, phát hiện ra rằng hầu hết các trang này đều theo chiều hướng ủng hộ các đảng phái chính trị nào đó. Ví dụ, những trang cánh tả như Huffington Post và Daily Kos phát triển mạnh dưới thời của chính quyền Bush, trong khi các trang cánh hữu phát triển theo phong trào của Tea Party dưới thời chính quyền Obama.
Mặc dù thời gian đã cho thấy sự hình thành những trang này xuất phát từ sự phân cực chính trị, nhưng một cuốn sách được viết bởi hai nhà xã hội học thuộc Đại học Tufts, Jeffrey M. Berry và Sarah Sobieraj, nghiên cứu xu hướng đang lên gọi là “ngành công nghiệp sỉ nhục” và kết luận truyền thông là một ngành kinh doanh làm ăn tốt. “Có sự phân cực phát triển mạnh trong dân chúng nhưng vẫn chưa đủ mạnh để định hình thành xu hướng”, Sobieraj nói với CNN. “Công nghệ, luật định và truyền thông hội tụ về một điểm, trong đó [tin tức phục vụ đảng phái] lợi ích là yếu tố dẫn dắt”.
Sau đó, tôi hỏi Shane điều gì khiến anh lập nên Vice trong thời điểm dường như áp lực kinh tế đang khuyến khích cho sự phân cực trong lĩnh vực tin tức tiến đến một phạm vi mà chúng ta thỏa hiệp với nhau đó là sự thật. “Tôi nghĩ chúng ta đang bước vào một thời kỳ điên rồ”, Shane nói. “Điều đó có tốt cho chúng ta hay không?”. Nếu thuần về kinh doanh thì tốt, nhưng buồn thay, ý tôi là, nếu nhìn vào cuộc chiến vùng Vịnh, cuộc chiếm đóng Afghanistan – đã tạo tên tuổi cho CNN. Đối với chúng tôi, sự điên rồ ví như vàng ròng. Nhưng thật ra không tốt cho nhân văn chút nào. Chúng ta phải nhìn vào tất cả những thách thức này và nói: “OK, đây là lúc của chúng ta. Tốt hơn hết hãy làm điều đúng và làm thật tốt”.
Lý lẽ mà Shane đưa ra có nghĩa là trong một môi trường siêu phân cực – càng ngày càng hy sinh sự thật cho mục đích khác – tính khách quan trong cách tiếp cận “dấn thân” của Vice sẽ trở nên có giá trị hơn đối với thế hệ Millennial đang bị thất vọng vì sự phân cực đó. “Đối với chúng ta, trong vai trò một hãng tin tức, khi ở trong một môi trường như thế, điều quan trọng là phải lấy được thông tin càng trung dung càng tốt, càng lô-gíc càng tốt; và khi bước ra khỏi hiện trường, chúng ta nói ‘Thật điên rồ. Không đúng. Đây là dữ kiện’”. Thay vì phải chọn một cực nào đó để ngả theo, Vice chọn đứng giữa.
Nhận định của Shane làm tôi nhớ lại khi anh ấy nói trên sân khấu tại một sự kiện về quảng cáo. Anh từng được các tờ báo trích lại câu nói trước đó của mình – “Vice News sẽ là một CNN kế tiếp” – nhưng lúc ở trên sân khấu, Shane đã thay đổi cách mô tả của mình: “Với phạm vi YouTube đang phát triển, chúng tôi không trở thành một CNN kế tiếp. Chúng tôi sẽ hơn gấp mười lần CNN kế tiếp”.
Tôi hy vọng Shane nói đúng, ít nhất về môi trường báo chí hiện tại đang có lợi cho những nguồn tin khách quan; để phát triển một nền dân chủ, cử tri cần một nền báo chí có thể tách rời dữ kiện và hư cấu. Báo cáo mang tên State of the News Media 2016 (tạm dịch: Tình hình Truyền thông Tin tức 2016) của Pew Research Center trích dẫn về mặt tài chính, năm 2015 “có lẽ là năm tệ hại nhất cho báo in kể từ thời kỳ Đại suy thoái”.
Nhưng kể từ khi Donald Trump đắc cử tổng thống, truyền thông tin tức cho thấy những dấu hiệu hồi sinh ấn tượng, đặc biệt những hãng tin tự hào là có tính khách quan. Quý 1 năm 2017, CNN trở thành kênh được xem nhiều nhất kể từ khi họ đứng thứ hai lúc xảy ra cuộc chiến Iraq năm 2003. Trong khi đó, Washington Post, New York Times, Los Angeles Timesvà Wall Street Journal đều tăng trưởng kỷ lục ở phiên bản trực tuyến.
Cùng lúc này, công nghệ đóng một vai trò lớn hơn trong cách tường thuật tin, giúp làm giảm chi phí sản xuất tin tức trong lúc mở rộng phạm vi phủ sóng. Cho dù một số người có thể hạ thấp giá trị loại hình báo chí theo kiểu BuzzFeed (dạng trang tin tổng hợp từ nhiều nguồn), những công ty xuất bản thông minh nhanh nhẹn tận dụng sức mạnh của công nghệ vào các trang tin tức xã hội và giải trí khá hoàn hảo, ví dụ như kiểm tra tính hiệu quả của cách đặt tít khác nhau cho một bài báo và hình ảnh trong thời gian thực, và chọn ra cách có kết quả tốt nhất. Các hãng tin cũng thử nghiệm các trò chơi kiểm tra, ô chữ, podcast, hay chatbot và các ứng dụng di động về phong cách sống (như nấu ăn và mua bán bất động sản), tất cả nhằm cung cấp những công cụ giúp kết nối nhiều hơn với độc giả, thu hút nhiều hơn người đăng ký thuê bao và giữ chân họ.
Một số ấn phẩm còn sử dụng AI để viết những tin tức dạng thường lệ một cách tự động, ví dụ bản tin chứng khoán và ý kiến khảo sát, giải phóng thời gian cho các nhà báo kỳ cựu tập trung vào những bài báo có giá trị cao hơn. Cách tiếp cận này cũng mở rộng sang lĩnh vực tin video, máy tính tự động ghép đôi hình ảnh và clip về chứng khoán với bản tin chữ và xuất hiện dưới hình thức chạy chữ bên dưới nền video, chạy rất hoàn hảo trên điện thoại thông minh và âm thanh tự động tắt tiếng.
Xu hướng bám vào video sẽ trở nên quan trọng đối với tương lai của tin tức. Khi hãng khảo sát Pew phỏng vấn người Mỹ rằng họ thích “tiêu thụ” tin tức như thế nào, 46% trả lời họ thích xem hơn, trong khi 35% nói muốn đọc hơn và 17٪ thích nghe hơn. Không chỉ video hấp dẫn nhiều người hơn, video cũng giữ sự chú ý của khán giả dài hơn. Đổi lại, video cũng trở thành môi trường hấp dẫn cho các nhà quảng cáo, cũng có nghĩa là các hãng tin tức có thể kiếm thêm doanh thu bằng cách chạy quảng cáo trên video thay vì chỉ treo những quảng cáo dạng hình ảnh. Điều này có nghĩa là sự tăng trưởng tiêu thụ nội dung video (theo số liệu của Cisco, video chiếm hơn phân nửa dữ liệu mà người dùng truy cập) càng hấp dẫn hơn đối với các hãng tin tức, miễn là họ sẵn sàng tạo ra nhiều video cũng như viết thêm nhiều tin tức.
Khi tôi hỏi Rahul anh ấy có lời khuyên gì cho các phòng tin tức ở các tòa soạn đang cố gắng muốn trở lại thời kỳ rực rỡ của mình, Rahul nói: “Hãy tháo dây an toàn ra và bước xuống xe. Các hiện tượng về video như thực tế ảo, video dạng đứng (chạy trên điện thoại) so với video dạng ngang, cách kể chuyện bằng những hình thức khác nhau, có rất nhiều tiềm năng. Có khá nhiều cơ hội để kể chuyện bằng những cách sáng tạo hơn, khác hơn và xác thực hơn.
Khi tôi lớn lên ở Tiệp Khắc, chúng tôi có một từ khác để diễn tả về tin tức giả: tuyên truyền. Hình thức này được sử dụng để kiểm soát các phương tiện truyền thông nhằm hình thành quan điểm của chúng ta về phía bên kia và tấn công những người kêu gọi có thêm tự do trong chính trị. Việc này thường thể hiện qua sự mô tả sai lệch một cách buồn cười về cuộc sống bên ngoài Bức Màn Sắt là như thế nào. Đặc biệt trên tivi – nhiều video hiện nay có thể tìm thấy trên YouTube – thường có những đoạn tư liệu về những buổi biểu diễn nhạc rock của Mỹ và gọi đó là “kẻ tôn thờ ma quỷ”, dễ dàng nhận diện qua cách để tóc dài thườn thượt của các nam thành viên ban nhạc.
Shane nói với tôi kiểu thông tin sai lạc như thế thường tồn tại từ cả hai phía và khiến anh ấy hăm hở muốn đến Triều Tiên và tường thuật từ nơi được ví như là vùng cấm. “Những lời sai lệch như ‘Cộng sản ăn thịt em bé, hay có thể mua căn nhà bằng một cái quần jean’ và đại khái như thế. Và chúng ta trở thành những nhà tư bản!” Những thông tin này vẫn cứ tồn tại ở cả hai phía bởi vì hai phía không được phép liên lạc với nhau. Những ai phân phát những điều tuyên truyền sai lệch đó biết rằng chỉ có sự thật mới là liều thuốc giải độc.
Khi tôi còn là một cậu bé, đã có những dấu hiệu rạn nứt của chính phủ Tiệp Khắc. Ban nhạc Guns N’ Roses’ đã có một chuyến lưu diễn lịch sử tại Tiệp Khắc thời kỳ Xô Viết mang tên “Use Your Illusion” (tạm dịch: “Hãy sử dụng ảo giác của bạn”); quả thật, mấy chàng trai đó để tóc dài thật nhưng không thấy họ tôn thờ ma quỷ gì cả. Các câu chuyện tuyên truyền tôi nghe về cuộc sống khủng khiếp ở Mỹ nhanh chóng bị xua tan sau khi tôi xem phim Beverly Hills Cop. Nếu có dịp xem phim đó, chắc chắn mọi người sẽ bị lôi cuốn bởi những màn pha trò của Eddie Murphy. Khi tôi xem phim đó hồi còn nhỏ, tôi hết sức kinh ngạc về những chiếc xe đắt tiền, quần áo thời trang, và những căn nhà tuyệt đẹp.
Chỉ vài chục năm sau, sau khi phỏng vấn xong và thả bộ qua con đường cỏ được cắt tỉa cẩn thận và lối vào được lợp mái ngói, tôi nhận ra một trong những căn nhà trong bộ phim đó nay đã thuộc về Shane.