T
hay đổi là một điều tất yếu. Không có cá nhân, tổ chức, lĩnh vực, ngành kinh doanh, nền văn hóa hay quốc gia nào không bị tác động vào lúc này hay lúc khác; mọi thứ sẽ bị phá vỡ và biến đổi. Sự thay đổi có thể mang đến những phát triển cần thiết, nhưng đồng thời cũng đem lại nhiều mất mát không thể tránh được. Trong chương này, chúng ta sẽ xem xét mối liên hệ giữa sức bật tinh thần với sự thay đổi, xáo trộn và mất mát. Chúng ta đảo ngược suy nghĩ tích cực và đương đầu với những thử thách không tránh khỏi trong công việc, vì bằng cách trực tiếp đối mặt với những khó khăn này - chẳng hạn như sự cắt giảm nhân sự, nỗi thất vọng và giải thể trong môi trường công việc - chúng ta có thể nắm bắt và đón nhận những cơ hội sẵn có. Thay vì sợ hãi điều tồi tệ nhất, chúng ta hình dung ra điều tồi tệ nhất và đón nhận thực tế.
Sự thay đổi, xáo trộn và mất mát trong công việc
Quá trình biến đổi không ngừng
Toàn cầu hóa, sự phát triển công nghệ, thay đổi phương pháp làm việc… là những bằng chứng cho thấy chúng ta đang sống trong kỷ nguyên “không ngừng biến đổi”. Sự thay đổi có thể tiếp thêm năng lượng, kích thích và tạo ra biến chuyển. Nó có thể đưa chúng ta đến những địa điểm mới, thiết lập các mối quan hệ mới và cho chúng ta cơ hội học hỏi kỹ năng mới. Chúng ta có thể đổi mới bản thân, điều chỉnh cảm xúc, và quá trình này có thể rất phấn khích và truyền động lực. Hãy nghĩ đến vô số những quyển sách về phát triển bản thân ngoài kia. Đó là loại sách đem đến cảm giác hào hứng và cho thấy một phiên bản mới mẻ, tốt đẹp và tài năng hơn của bạn; nó cho thấy phiên bản nâng cấp của bạn đang ở ngay trong tầm tay.
Mặt khác, sự biến đổi trong công việc có thể kích thích một loại phản ứng cảm xúc khác. Thay vì phấn khích và trông đợi, chúng ta căng thẳng, lo âu và sợ hãi. Cảm giác “biến đổi không ngừng” có thể khiến ta mệt mỏi và kiệt sức. Chúng ta có thể cảm thấy bất ổn và bị thử thách khi những điều quen thuộc bỗng thay đổi. Chúng ta có thể muốn trốn đi cho đến khi giai đoạn làm quen với sự thay đổi được hoàn thành. Chúng ta lo lắng không biết thay đổi này sẽ tác động như thế nào đến kế hoạch nghề nghiệp của mình, và liệu các nhà lãnh đạo mới có tôn trọng chúng ta hay không. Chúng ta không biết mình có thể hợp tác tốt với các đồng nghiệp mới hay không, hoặc bất an vì không chắc là mình có đủ kiến thức và kỹ năng phù hợp để làm việc trong môi trường mới này.
Những lợi ích mà sự thay đổi mang lại đồng nghĩa với việc chúng ta phải từ bỏ những thứ khác. Chẳng hạn, khi làm việc hiệu quả hơn, có thể chúng ta sẽ phải cắt giảm số nhân sự cho một dự án; khi phát triển các công cụ hỗ trợ kỹ thuật, chúng ta có thể sẽ làm giảm cơ hội tự mình nghiên cứu giải quyết vấn đề. Văn hóa kỹ thuật số làm mất đi vẻ đẹp của những bức thư viết tay, và mô hình làm việc linh hoạt thì tự do nhưng lại không có sự gắn kết đội nhóm chặt chẽ.
Cho dù chúng ta may mắn được làm một công việc mình thích, vẫn sẽ có những trở ngại, thay đổi, thử thách và chướng ngại thách thức chúng ta. Điều cần thiết nhất chính là khả năng cải biến, học hỏi để đương đầu với sự thay đổi và xây dựng hoặc duy trì sức bật tinh thần.
Sự thay đổi bị áp đặt
Khi chúng ta quyết định đã đến lúc nắm bắt cơ hội mới, hoặc chúng ta muốn học lên cao để phát triển kỹ năng và mở rộng kiến thức, đó có thể sẽ là một thử thách và chúng ta sẽ cần phải kiên cường để đi theo con đường đã chọn. Tuy nhiên, đây là sự thay đổi mà chúng ta mong muốn; còn những thay đổi mà chúng ta bị áp đặt phải thực hiện thì càng khó ứng phó hơn. Chúng ta có thể trì hoãn hành động quá lâu, và hậu quả là chúng ta bị khủng hoảng, mà khủng hoảng thì dẫn tới sự kiệt quệ. Nếu trung thành với công ty và cống hiến hết mình, chúng ta sẽ kỳ vọng công ty cũng trung thành với mình - nhưng chiều ngược lại này không phải lúc nào cũng diễn ra. Do vậy, việc bị mất việc, thay đổi dự án, thậm chí một sự thay đổi trong nhóm cũng có thể khiến ta mất tinh thần. Lòng trung thành và sự phù hợp thường được coi là tài sản đáng quý trong công việc, nhưng sự linh hoạt và trí tưởng tượng lại thường hữu ích hơn khi có sự thay đổi.
Dĩ nhiên, chúng ta không chỉ có một loại thái độ đối với sự thay đổi; chúng ta có thể vừa hào hứng vừa lo lắng, và chúng ta có thể phản ứng với giai đoạn biến động theo nhiều cách khác nhau - có thể là hào hứng và phấn khích, sợ hãi và tê liệt. Chúng ta đang sống trong giai đoạn chuyển giao, với những sự thay đổi có vẻ khiến chúng ta kiệt sức; nhưng đồng thời cũng có rất nhiều ý tưởng mới, cả tốt cả xấu, cùng với các nguồn lực công nghệ mà chúng ta có thể sử dụng. Chúng ta cần cởi mở đón nhận những thay đổi này, đồng thời xây dựng khả năng sử dụng sức bật tinh thần để phản ứng với chúng.
Tháp nhu cầu Maslow
Năm 1943, Abraham Maslow đưa ra một lý thuyết về động lực của con người, và thuyết này vẫn phù hợp với thế giới của chúng ta ngày nay. Ông cho rằng để chạm đến đỉnh cao của sự tồn tại, nơi chúng ta phát huy trọn vẹn tiềm năng của mình, ta cần đi qua các cấp độ phát triển cảm xúc từ thấp đến cao, từ nhu cầu sinh lý như chỗ ở và thức ăn, cho đến nhu cầu tinh thần như yêu thương và thể hiện bản thân.
Sức bật tinh thần có liên quan đến mọi giai đoạn phát triển theo các cấp độ nói trên; và bạn cần lưu ý rằng quỹ đạo của chúng ta không phải lúc nào cũng đi lên theo hình kim tự tháp. Chúng ta có thể tụt xuống cấp thấp nhất trong những lúc tuyệt vọng, chẳng hạn như khi mất việc hay mất nhà, hoặc khi gặp nguy hiểm.
Những phản ứng khác nhau khi đối mặt với sự thay đổi và xáo trộn (chúng ta có thể thay đổi để trở nên tốt hơn không?)
Triết gia Nietzsche nổi tiếng với tuyên bố: “Thứ gì không giết được tôi sẽ khiến tôi mạnh mẽ hơn”. Dĩ nhiên giữa lúc khó khăn, người ta có thể không thấy sự an ủi trong câu nói này. Tuy nhiên, có một điều quan trọng được thể hiện ở đây. Khi đương đầu với nghịch cảnh, chúng ta sẽ nhận ra mình có nguồn sức mạnh dự trữ bên trong, và có lẽ chúng ta kiên cường hơn mình nghĩ. Khi khó khăn hay sự xáo trộn ập đến trong công việc, chúng ta có thể phản ứng theo nhiều cách:
• chuyển sang chế độ hành động và làm mọi việc có thể để khắc phục vấn đề;
• suy nghĩ mọi chuyện thật kỹ càng, xem xét ý nghĩa thật sự của sự xáo trộn này, sắp xếp lại suy nghĩ và tìm kiếm các lợi ích ẩn chứa trong đó;
• né tránh tất cả và phủ nhận những gì đang diễn ra;
• giải tỏa ức chế bằng hành vi tiêu cực, chẳng hạn uống rượu hay dùng chất kích thích.
Ngoài ra, có một số cách phản ứng hữu ích mà chúng ta có thể dùng khi gặp thử thách. Chúng ta có thể tập trung suy nghĩ về lý do đằng sau sự thay đổi. Nietzsche từng nhận định: “Người biết lý do đằng sau sự việc thì có thể chịu đựng hầu hết mọi sự”. Từ câu nói này, chúng ta có thể hiểu vai trò quan trọng của việc lý giải đối với quá trình phát triển sức bật tinh thần: nếu hiểu tại sao lại có sự thay đổi, chúng ta có thể “lý giải” nó như nguyên nhân gây ra sự thất vọng của mình. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể cân nhắc trạng thái tinh thần của bản thân và người khác, hay nói cách khác, chúng ta có thể xử lý cảm xúc của mình.
Sau đó, chúng ta có thể bật dậy một cách mạnh mẽ hơn hoặc sáng suốt hơn trước đây. Nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt đã khám phá ích lợi của những mất mát to lớn, tổn thương tâm lý hoặc sự căng thẳng nghiêm trọng. Ông xem xét các nghiên cứu cũ về tác hại của sự căng thẳng, cũng như tìm hiểu những nghiên cứu trong thế kỷ 21 về lợi ích của những căng thẳng và xáo trộn đó. Theo ông, chúng ta không chỉ trở lại trạng thái hoạt động bình thường sau những trải nghiệm cam go, mà còn tiến xa hơn thế - chúng ta trưởng thành từ nghịch cảnh và khắc phục những tổn hại.
Bạn thường phản ứng với các sự cố và thử thách như thế nào? Hãy cùng xem xét một số cách ứng phó với sự thay đổi, xáo trộn và những tổn thất trong công việc, sau đó hãy làm một số bài thực hành ở cuối chương để suy ngẫm về vấn đề này.
Phản ứng với sự thay đổi, mất mát và xáo trộn trong công việc
Một số ý kiến xoay quanh sức bật tinh thần tập trung vào sức mạnh của thái độ tích cực. Đó là một ý tưởng phổ biến và được ưa chuộng, thường được tìm thấy trong các quyển sách phát triển bản thân, các phương pháp trị liệu và trên mạng xã hội: Chúng ta có thể thay đổi hoàn cảnh của mình! Chúng ta sẽ làm được! Chúng ta sẽ thành công! Chúng ta sẽ có được công việc mình muốn!
Tất nhiên, thái độ lạc quan là tốt. Phương pháp này phổ biến như vậy là có lý do: Nó hiệu quả với nhiều người trong nhiều hoàn cảnh. Chẳng hạn, suy nghĩ tích cực hữu ích trong việc xây dựng mạng lưới hỗ trợ vững chắc, trong việc chăm sóc bản thân và tạo ra kết quả tích cực từ nghịch cảnh. Tuy nhiên, đây không phải phương pháp duy nhất. Có một phương pháp khám phá sức bật tinh thần khác, đó là nghĩ đến mọi tình huống xấu có khả năng xảy ra. Hãy nghe tôi giải thích. Tôi biết điều này có vẻ lạ thường, nhưng tác dụng của việc cân nhắc các kết quả tiêu cực thay vì chỉ nghĩ đến kết quả tích cực sẽ hữu ích hơn trong một số tình huống. Trong Chương 1, chúng ta đã xem xét những gì mình có thể học hỏi được từ chủ nghĩa khắc kỷ Stoic, và tư tưởng Stoic vẫn có ích ở chỗ: Chúng ta có thể ghi nhớ vô số lý do khiến mọi thứ thất bại, để sẵn sàng đương đầu với thực tế là mình có thể thất bại vào lúc này hay lúc khác và hiểu rằng tình huống không phải lúc nào cũng thuận lợi cho mình. Tuy nhiên, thay vì để những suy nghĩ này đè nặng và khiến bản thân chán nản, chúng ta có thể học theo những người khắc kỷ và xem đây là một quan điểm có tính khai phóng.
Những bài học từ chủ nghĩa khắc kỷ Stoic
Chủ nghĩa khắc kỷ có thể dạy chúng ta rất nhiều điều về sức bật tinh thần. Nó nhắc nhở chúng ta về sự khó lường của thế giới và sự ngắn ngủi của cuộc sống. Đó là một lời nhắc nhở hữu ích để chúng ta thấy cần phải kiểm soát bản thân, phải mạnh mẽ và kiên định. Nó ủng hộ logic thay vì sự bốc đồng; nó không bàn tới những lý thuyết phức tạp về thế giới mà chỉ tập trung vào việc vượt qua những cảm xúc tiêu cực. Nó khuyến khích chúng ta chỉ lo lắng về những gì cần lo lắng, chứ không phải về những giả định “nếu như” và những điều vượt tầm kiểm soát.
Memento mori - lời nhắc nhở về cái chết
Suy ngẫm về cái chết có vẻ là điều chúng ta không ngờ tới khi xây dựng sức bật tinh thần, nhưng các triết gia, bắt đầu từ Socrates, đã thôi thúc chúng ta không suy nghĩ đến điều gì ngoài cái chết. Theo họ, điều này sẽ đảm bảo chúng ta sống trọn vẹn và không trì hoãn, vì cuộc sống ngắn ngủi và khó lường - vậy nên chúng ta hãy luôn tưởng tượng rằng cuộc sống của mình có thể chấm dứt ngay lúc này. Nếu điều đó xảy ra, chúng ta có hài lòng với cuộc đời mà mình đã sống không? Nếu không thì chúng ta sẽ thay đổi điều gì?
Phương pháp này giúp ích cho chúng ta tại nơi làm việc như thế nào? Ngoài việc suy ngẫm về mối quan hệ mở rộng của bạn với công việc, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cũng như cuộc đời của bạn, chúng ta có thể vận dụng các nguyên tắc này trong một số bối cảnh nhất định. Thay vì nghĩ đến cái chết như kết cục tất yếu, chúng ta hãy nghĩ về “cái chết” trong công việc. Nói cách khác, hậu quả tồi tệ nhất bạn có thể tưởng tượng ra là gì? Có phải là mất việc làm hay không? Hay là mất uy tín, tiền bạc và khách hàng? Nếu bạn biết những điều này sẽ xảy ra, thì các quyết định và lựa chọn hôm nay của bạn sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Phản ứng với điều thật sự xảy ra, thay vì với nỗi sợ của bạn
Triết gia Epicurus đã chịu đựng đời nô lệ để sáng lập ngôi trường của mình, nơi ông dẫn dắt nhiều học giả vĩ đại nhất của thành Rome. Epicurus sinh năm 341 trước Công nguyên - sau khi Plato qua đời, và tên tuổi của ông thường được gắn liền với việc tận hưởng niềm vui thông qua các giác quan, mà trong đó thường liên quan đến đồ ăn và rượu. Tuy nhiên, trọng tâm của ông không phải là khoái lạc mà là xoa dịu đau khổ, nỗi khổ mà theo ông là đến từ nỗi sợ cái chết. Do đó, ông đã tìm cách giúp con người vượt qua nỗi sợ cái chết để có thể đạt được sự bình yên trong tâm hồn (ngày nay chúng ta còn gọi là chánh niệm).
Đừng để sự hỗn loạn hoặc hậu quả nặng nề tiềm tàng của các biến cố nơi công sở khiến chúng ta hành động quá nhanh. Đối mặt với những khả năng xấu này có nghĩa là chúng ta có thể suy nghĩ thấu đáo và chuẩn bị cho viễn cảnh tồi tệ nhất - đây là một kết quả tốt và là điều vô giá trong quá trình phát triển sức bật tinh thần. Nhưng giải pháp này có thể đi quá xa và trở thành vô ích vào những giai đoạn biến động, khi những tin đồn và suy đoán tràn ngập ở nơi công sở. Cần nhớ rằng có nhiều lời suy đoán về khả năng thay đổi và xáo trộn hơn là sự thay đổi và xáo trộn trong thực tế.
Một cách để đối phó với những mệnh đề “nếu như” là chỉ cân nhắc những sự thay đổi mà bạn thấy đang hiện hữu. Nếu việc suy nghĩ về những viễn cảnh tồi tệ nhất không có ích, hãy thay đổi chiến thuật. Cụ thể, hãy thử đừng lo lắng về những khả năng có thể xảy ra, những sự xáo trộn trong tưởng tượng hoặc tin đồn. Hãy chỉ chuẩn bị cho sự thay đổi khi bạn biết nó đang trở thành sự thật. Như vậy chúng ta có thể dự trữ năng lượng cho những điều thật sự đang diễn ra, sẵn sàng đón nhận sự thay đổi có thật chứ không phải tưởng tượng. Bằng cách này, những bài học từ chủ nghĩa khắc kỷ sẽ đạt được thế cân bằng, tức là bạn sẽ có thể dự đoán viễn cảnh tồi tệ nhất, lên kế hoạch ứng phó với nó và chỉ tập trung vào điều thật sự diễn ra.
Những bài học từ phân tâm học
Chúng ta đã đề cập đến Freud và phân tâm học trong Chương 3, và nội dung đó có liên quan đến những gì chúng ta đang bàn: Suy ngẫm về cái chết là một bài học được rút ra từ chủ nghĩa khắc kỷ, và nó cũng được khám phá trong tư tưởng phân tâm học. Viễn cảnh quá sức chịu đựng về cái chết có thể khiến nhiều người ảo tưởng rằng họ sẽ bất tử. Xét về khía cạnh công việc, điều này có nghĩa là đôi khi người ta không thể nhận ra rằng sẽ đến lúc họ phải từ bỏ vai trò lãnh đạo, khép lại một dự án, hoặc công ty của họ có thể đóng cửa.
Các thị trường rất dễ sụp đổ, sự thiếu ổn định hiện diện khắp toàn cầu và các tổ chức thì không trường tồn. Ví dụ, những thay đổi trên các tuyến đường trung tâm và sự phát triển của mô hình bán lẻ trực tuyến đã làm thay đổi sâu sắc cách thị trường bán lẻ vận hành. Cắt giảm nhân sự, đóng cửa, sáp nhập và chịu sự quản lý là một phần của đời sống công việc. Công việc ở phân khúc ngành nghề nào cũng sẽ đến hồi kết thúc. Không có tổ chức nào đảm bảo cung cấp công việc trọn đời. Mối quan hệ giữa chúng ta với công việc ngày càng mang tính tạm thời và mất tính bền vững, và điều này tạo ra một sự mất mát đáng để chúng ta lưu ý và tìm hiểu.
Sự kết thúc mang đến cơ hội để suy xét lại, ngẫm nghĩ về phần đời đã qua, cùng với những thành tựu, nuối tiếc và triển vọng của phần đời đó. Tương tự, sự sụp đổ của một tổ chức cũng là cơ hội để suy ngẫm. Cuối chương này có một bài tập giúp bạn xem xét về đời sống công việc của bạn trong một ngày và trong một năm.
Sự than khóc và bệnh u sầu
Năm 1917, Freud nghiên cứu về “sự than khóc và bệnh u sầu” trong bài luận cùng tên, bàn về phản ứng của con người khi đối diện với nỗi mất mát. Ông viết về quá trình mất mát và than khóc, đồng thời sử dụng kết quả điều tra về phản ứng đối với sự mất mát để giúp chúng ta hiểu phản ứng nào là bình thường. Mục đích của Freud là làm rõ sự khác biệt giữa sự than khóc và bệnh u sầu.
“Bệnh u sầu” mà Freud đề cập là khái niệm mà giờ đây chúng ta hiểu như chứng trầm cảm. “Than khóc” được mô tả là một phản ứng bình thường trước các sự kiện và sẽ phai đi theo thời gian. Hai cách phản ứng với mất mát này có ích trong việc khám phá sức bật tinh thần của chúng ta khi đối mặt với những tổn thất trong công việc.
Trong giai đoạn than khóc, người ta nhận ra người thân yêu hoặc đồ vật yêu thích của họ đã thật sự mất đi, và họ phản ứng bằng cách quay lưng lại với hiện thực. Việc quay lưng này được biểu hiện bằng sự chán nản, mất hứng thú và trì hoãn mọi hoạt động. Những triệu chứng này cũng xuất hiện trong bệnh u sầu. Tuy nhiên, theo thời gian, người than khóc sẽ trở lại trạng thái bình thường, còn người u sầu thì không thể tách ra khỏi sự mất mát và họ thu mình lại.
Nhận ra sự khác biệt giữa than khóc và u sầu có thể giúp chúng ta xây dựng sức bật tinh thần vững chắc hơn. Điều này có ích khi chúng ta tìm hiểu hành vi của bản thân và của người khác. Khi quy trình hay hoàn cảnh làm việc thay đổi, một số người sẽ trải qua “giai đoạn than khóc” bình thường - họ buồn rầu, có thể là tức giận, và khó lòng toàn tâm cho công việc trong một khoảng thời gian nào đó. Tuy nhiên, khi xử lý cảm xúc của mình, họ bắt đầu chấp nhận tình trạng mới và “tái hòa nhập” vào đời sống công việc. Mặt khác, một số người sẽ tiếp tục làm việc như thể không có gì thay đổi; họ chống cự với việc từ bỏ cách thức làm việc cũ, thứ vốn rất quen thuộc và thoải mái đối với họ.
Thay đổi đôi khi là rất khó khăn, và điều đó hoàn toàn dễ hiểu; chúng ta được phép trải qua một giai đoạn để điều chỉnh và thích nghi. Tuy nhiên, khi chúng ta mắc kẹt với những lề thói cũ, không nhận ra mình đang làm gì hoặc hậu quả mà “sự mắc kẹt” này gây ra cho người khác thì sự khác biệt giữa sự than khóc và bệnh u sầu sẽ hiện lên rất rõ ràng.
Thay đổi, giới hạn và lối tư duy
Trong công việc, làm theo quy trình và những hướng dẫn có sẵn tất nhiên là rất quan trọng. Chúng ta cần các quy định và thủ tục, cấu trúc và hệ thống. Tuy nhiên, việc khư khư giữ lấy “cách mọi việc được làm từ trước đến giờ” có thể gây ra vô số căng thẳng và sự trì trệ khi có sự thay đổi. Chuẩn bị hoàn hảo để tuân theo phương thức làm việc hiện tại đồng nghĩa với việc chúng ta có thể cực kỳ khó đón nhận sự thay đổi. Do đó, khi thói quen, phương pháp và thực tế thay đổi thì tính có thể dự đoán lại trở thành trở ngại. Nơi nào yêu cầu lối tư duy mới và sự cải tiến, nơi đó cần có sự cởi mở với ý tưởng mới, sự sáng tạo và cách tư duy khác.
Có nhiều yếu tố quan trọng khác khiến việc thay đổi trở nên khó khăn với một số cá nhân. Ngược với quan điểm tư duy cầu tiến và nghiên cứu của Carol Dweck mà chúng ta đã tìm hiểu trong Chương 2, có ý kiến cho rằng phần lớn cách chúng ta phản ứng với sự thay đổi phụ thuộc vào bộ gien của mình. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta không thể làm gì để phát triển năng lực ứng phó với sự thay đổi và xáo trộn, nhưng nó cho thấy một số người có thể khó đón nhận sự thay đổi hơn những người khác cũng như một số người có sức bật tinh thần tốt hơn những người khác.
Người Hy Lạp cổ đại coi sức mạnh của vận mệnh là trên hết, và quan niệm này vẫn còn giá trị. Trong quyển Science of Fate: Why Your Future is More Predictable Than You Think (tạm dịch: Khoa học của Vận mệnh: Tại sao tương lai dễ đoán hơn bạn nghĩ), nhà thần kinh học Hannah Critchlow mô tả vai trò của khoa học thần kinh trong việc giúp chúng ta hiểu thêm về cách vận hành của sức bật tinh thần, cũng như cách chúng ta tự tạo ra vận may thông qua việc chọn lựa môi trường hay mối quan hệ mà mình sẽ vun đắp. Bà nghiên cứu lý do mỗi người có một quỹ đạo sống khác nhau, xem xét điều gì tạo ra sức bật tinh thần và điều gì giúp bộ não phát triển. Theo bà, gien di truyền và kinh nghiệm dẫn chúng ta đến với một cuộc sống mà trong đó chúng ta có ít khả năng kiểm soát hơn mình nghĩ.
Tư duy cầu tiến ngấm vào xã hội… củng cố tư tưởng rằng mọi mục tiêu hay mong muốn của chúng ta đều có thể được thực hiện. Chúng ta được thuyết phục để tin vào khái niệm hành động và năng lực không giới hạn, một viễn cảnh coi trọng tự do ý chí, thứ bác bỏ những quan điểm về giới hạn trong sinh học cũng như trong khía cạnh kinh tế xã hội.
Trong công việc, có những lúc chúng ta nhận ra thay đổi là cần thiết. Đó có thể là lúc chúng ta không còn chịu được việc đi công tác nước ngoài nữa, hoặc chúng ta gặp vấn đề sức khỏe và cần được hỗ trợ, hoặc chúng ta cạn kiệt nhiệt huyết và đam mê dành cho một điều mình từng thích. Thay đổi thì thường vất vả, thậm chí đau đớn, nhưng chúng ta vẫn chọn sự thay đổi. Ngay cả Critchlow, người tin vào số phận, cũng tập trung vào triển vọng xây dựng sức bật tinh thần chứ không nhấn mạnh vào những giới hạn.
Sự linh hoạt, kiên cường và thay đổi
Công việc từng rất ít thay đổi trong nhiều thế kỷ. Chúng ta sinh ra với con đường sự nghiệp được định sẵn, và chúng ta - cùng những thế hệ kế tiếp - tiếp tục đi theo cách này. Chúng ta là nông dân, thợ mỏ, hoặc công nhân nhà máy. Nơi sinh quyết định loại công việc mà chúng ta thường sẽ theo đuổi cả đời. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi hoàn toàn và triệt để.
Năm 1776, khi nhà kinh tế học Adam Smith công bố công trình đột phá của mình, ông cho thấy sự phân công lao động có thể giúp một doanh nghiệp đạt năng suất cao hơn nhiều so với việc mỗi công nhân chịu trách nhiệm hoàn thành một sản phẩm. Các công nhân hy sinh cảm giác thỏa mãn của việc sản xuất ra một sản phẩm hoàn chỉnh, và các doanh nghiệp đã phát triển vượt bậc. Công nhân phải thích ứng với sự thay đổi trọng tâm trong công việc này, cũng như với việc giảm bớt sự hài lòng và kiểm soát nói chung.
Không chỉ có hình thức làm việc được chuyển đổi từ lao động thủ công, từ sản xuất trọn vẹn sang lao động theo phân công, mà công nghệ, văn hóa và hoạt động giao tiếp cũng tạo ra một sự chuyển dịch lớn trong phương pháp làm việc của chúng ta. Chúng ta đã phải thích ứng và trở nên linh hoạt. Giờ đây, chúng ta cần hoạt động có hiệu quả trong nền văn hóa kỹ thuật số “không bao giờ ngủ”, học cách ứng phó với sự thay đổi nhanh chóng trong gần như mọi môi trường làm việc, đồng thời thường xuyên tiếp thu các kỹ năng và thử thách mới.
Mối liên hệ giữa sức bật tinh thần, sự thay đổi và tính linh hoạt
Khi công việc đã thay đổi từ tất yếu và gian khổ sang không chắc chắn và đầy thách thức, chúng ta kỳ vọng cao vào những gì công việc mang đến; và đến lượt mình, chúng ta được kỳ vọng sẽ nhanh chóng vun đắp kỹ năng và năng lực. Có thể chúng ta được tuyển vào một dự án nào đó nhưng lại được phân công làm việc ở nơi khác, phát huy những kỹ năng và kiến thức khác. Hoặc chúng ta chuyển công tác để được làm việc với một nhà lãnh đạo nào đó, nhưng sau đó họ lại rời đi. Hoặc các quy định mới đòi hỏi chúng ta phải có những phương pháp và quy trình mới. Mỗi sự thay đổi có thể là một bài kiểm tra sức bật tinh thần. Chúng ta thoải mái với vị trí của mình, an tâm với kiến thức và các mối quan hệ của bản thân, để rồi sau đó chúng ta phải nỗ lực lần nữa để xây dựng lại uy tín và các mối quan hệ đáng tin cậy.
Hãy nhắc bản thân nhớ về những thay đổi mà bạn đã gặp và vượt qua: công nghệ, địa điểm, lĩnh vực hoạt động, con người, v.v. Hãy nghĩ đến sự linh hoạt bạn đã thể hiện khi thích ứng với môi trường, mô hình và văn hóa làm việc mới. Hãy ghi nhận sức bật tinh thần mà bạn đã thể hiện khi đương đầu với những thay đổi này. Và nếu công việc của bạn đã ổn định nhưng sức bật tinh thần của bạn vẫn chưa được thử thách, hãy chuẩn bị sẵn sàng cho những thay đổi trong tương lai.
Tầm quan trọng của các mối quan hệ
Như chúng ta đã thấy, thích nghi tốt với thay đổi là một ưu điểm vượt trội của sức bật tinh thần. Công việc thường đòi hỏi nhiều sự thay đổi, cho dù là về thứ tự ưu tiên, chính sách, sản phẩm, trọng tâm hay công nghệ. Sự thay đổi là điều có thể được dự đoán và thường xuyên xảy ra, và chúng ta đã biết là nó đòi hỏi chúng ta phải có sức bật tinh thần. Thế nhưng một nghiên cứu thú vị được thực hiện vào năm 2015 cho thấy có tới 75% sức bật tinh thần của chúng ta được dùng để đối phó với những cá nhân khó chịu và với chính trị nơi công sở. Những người được hỏi nói rằng việc xử lý những mối quan hệ khó khăn và chính trị nơi công sở khiến họ tốn nhiều sức bật tinh thần hơn việc bị thử thách trong công việc hay đối mặt với biến động trong đời sống cá nhân. Vì vậy, chính các mối quan hệ - chứ không phải sự thay đổi - mới là thử thách lớn nhất. Chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn mối liên hệ giữa xung đột và sức bật tinh thần ở chương tiếp theo.
Một thế giới làm việc linh động
Làm việc linh động khác với làm việc với thời gian linh hoạt. Làm việc với thời gian linh hoạt liên quan đến khung thời gian làm việc của nhân viên, bao gồm làm việc bán thời gian và các tùy chọn linh hoạt khác. Làm việc linh động không chú trọng đến giờ giấc thỏa thuận và chấm công, mà chú trọng kết quả. Lối làm việc này khuyến khích và coi trọng khả năng thích ứng cũng như sự tự do, và nó được sử dụng trong nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, từ ngành dịch vụ tài chính, công nghệ cho đến chính phủ. Làm việc linh động là phương pháp dựa trên niềm tin, cho phép mọi người được chọn thời gian làm việc phù hợp, đồng thời hun đúc trong họ niềm tin rằng họ có thể tự thân vận động để đem lại kết quả cần thiết. Việc tin tưởng nhân viên có thể làm việc mà không cần đến sự quản lý vi mô hay sự can thiệp liên tục có thể mang lại sự khai phóng, nhưng nó cũng đòi hỏi sức bật tinh thần và sự tự tin vào bản thân. Bạn được cung cấp công cụ, thông tin, sự chỉ dẫn và được tin tưởng sẽ hoàn thành nhiệm vụ, nhưng điều này cũng có nghĩa là bạn phải tự mình làm tất cả. Bạn phải tạo ra hệ thống hỗ trợ cho riêng mình.
Khi làm việc dưới sự lãnh đạo và quản lý của người khác, chúng ta có thể cho rằng thà bị phó mặc còn hơn là bị chú ý một cách thái quá. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát hơn hai ngàn nhân viên Na Uy về năng lực lãnh đạo đã chỉ ra tác động tiêu cực của phong cách lãnh đạo buông lỏng, đó là việc bị “phớt lờ” có hậu quả tiêu cực hơn việc bị đối xử tệ. Sự lãnh đạo buông lỏng không chỉ là một trải nghiệm không giúp ích cho tinh thần lãnh đạo, mà còn là một hành vi hủy hoại gây ra căng thẳng và sự khổ sở về mặt tâm lý.
Điều này cho thấy chúng ta thật sự có nhu cầu được nhìn thấy, được chú ý trong công việc và được cấp trên công nhận. Việc này gợi nhớ đến các thí nghiệm của Harry Harlow và khám phá có ảnh hưởng sâu rộng của ông về “sự tiếp xúc xoa dịu”, một nhu cầu cơ bản về tiếp xúc da thịt ở động vật nhỏ có vú - bên cạnh những nhu cầu sơ đẳng ở đáy tháp nhu cầu. (Có một điều thú vị là Abraham Maslow từng là nghiên cứu sinh đầu tiên của Harlow, và lý thuyết của ông đã được “gieo” trong thời gian nghiên cứu cùng Harlow.)
Dĩ nhiên, chúng ta không phải là những đối tượng bị theo dõi trong thí nghiệm khoa học, nhưng chúng ta cũng cần được xoa dịu trong công việc. Chúng ta không chỉ cần được đáp ứng những nhu cầu thiết thực như được hướng dẫn và trả lương mà còn cần được xoa dịu ở một mức độ nhất định, được khen ngợi khi làm tốt và được dẫn dắt để quay về lối đúng khi đi sai đường. Vì vậy, khi làm việc độc lập và tự chủ, bạn nên cân nhắc những điều này, bởi nếu không có những tương tác thường xuyên như vậy nơi công sở, sức bật tinh thần của chúng ta có thể bị thử thách.
Tốc độ thay đổi nơi công sở và nơi làm việc trong tương lai đòi hỏi con người phải linh động, biết đón nhận và vui vẻ với sự thay đổi. Chúng ta sẽ cần điều chỉnh để thích nghi với sự chuyển dịch của nơi làm việc, đáp ứng các kỳ vọng, mang lại kỹ năng mới, đổi mới và thích nghi.
Duy trì
Chúng ta đã biết sự thay đổi có thể đặt ra nhiều thử thách đối với sức bật tinh thần. Một trong những thử thách mà chúng ta gặp khi đương đầu với nghịch cảnh là duy trì khả năng hoạt động hiệu quả trong công việc lẫn trong gia đình. Chúng ta có thể dễ dàng rơi vào lối suy nghĩ rằng mình đã chinh phục xong thử thách mà không nhận ra mình còn cần dành thời gian để duy trì sức bật tinh thần của bản thân.
Bạn có thể sẽ nghĩ đến một đồng nghiệp dễ nổi nóng và có xu hướng bạo lực. Sau một khóa học kiểm soát cơn giận, hành vi của người này đã cải thiện đáng kể. Nhưng sự cải thiện này chỉ có thể được duy trì nếu các bài học liên tục được ôn lại và vận dụng. Nếu không duy trì thường xuyên, bạn sẽ thụt lùi. Hoặc có thể chúng ta biết tập thể dục đều đặn giúp nâng cao sức khỏe, và thế là chúng ta hăng hái thực hiện một chế độ tập luyện nào đó và bỏ cuộc chỉ sau vài tuần đầu - bất cứ ai từng đăng ký tập gym vào tháng một rồi lặng lẽ hủy thẻ hội viên vào tháng ba sẽ hiểu được điều này. Khi thay đổi, bạn cần nỗ lực để duy trì sự thay đổi đó.
Điều này cũng đúng với sức bật tinh thần. Có thể chúng ta nỗ lực để phát triển sức mạnh và năng lực ứng phó với sự thay đổi, nhưng một biến cố hay sự xáo trộn nhỏ có thể đánh bật chúng ta khỏi lộ trình này. Hãy thông cảm với bản thân khi điều này xảy ra và nhắc bản thân nhớ về khả năng ứng phó của mình. Bạn đã từng làm được và bạn có thể làm được lần nữa - bạn nên hướng tới mục tiêu “bảo vệ thành quả” của mình.
Sức bật tinh thần của chúng ta cũng có thể thay đổi theo thời gian. Điều này một phần là do những thử thách mà chúng ta phải đối mặt, ví dụ như sự kém may mắn và việc phải đương đầu với nhiều tình huống căng thẳng có thể thử thách sức bật tinh thần của bất cứ ai. Chúng ta có thể đối mặt với một mối quan hệ đổ vỡ, nhưng sẽ thật quá sức nếu cùng một lúc chúng ta phải xử lý mối quan hệ đổ vỡ, tình trạng cắt giảm nhân sự, sự quấy rối và những khó khăn trong sức khỏe tâm thần. Emmy Werner, người có ba mươi hai năm nghiên cứu tại đảo Kauai, Hawaii, từng theo dõi cuộc sống của 698 trẻ em và đặt ra câu hỏi: “Vế nào của phương trình này có sức nặng hơn: sức bật tinh thần hay các yếu tố gây căng thẳng?”. Nói cách khác, ai cũng có một điểm sụp đổ.
Catharsis - trị liệu bằng cách viết
Catharsis (thanh tẩy) là một từ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, đề cập đến việc thanh lọc hay gột rửa cảm xúc, một hình thức làm sạch tinh thần để từ đó có được sự phục hồi và tái sinh. Trong quá trình xây dựng sức bật tinh thần, sẽ có ích nếu chúng ta đối diện với những cảm xúc của mình khi đối mặt với những thay đổi và sự xáo trộn. Bằng cách chỉ ra điều chúng ta sợ hãi trong những thay đổi sắp tới, chúng ta hiểu được những nỗi sợ sâu kín nhất của mình. Việc sắp xếp các suy nghĩ lộn xộn thành một câu chuyện mạch lạc giúp chúng ta nhìn nhận phản ứng cảm xúc của mình đối với sự thay đổi và biết điều gì cần được lưu ý. Cuối chương này có một bài thực hành mang tên “Liều thuốc thanh tẩy” để giúp bạn thực hiện việc này.
Trong quyển sách Opening Up (tạm dịch: Đón nhận), tác giả Jamie Pennebaker từng nói về giá trị của việc viết ra những cảm nhận, suy nghĩ và cảm xúc của bản thân khi trải qua nghịch cảnh. Ông nghiên cứu về tổn thương, sức khỏe sau tổn thương, cũng như mối tương quan chặt chẽ giữa việc đón nhận trải nghiệm với các lợi ích sức khỏe. Thí nghiệm của ông khuyến khích người tham gia viết thật chi tiết về những sự kiện đau buồn hoặc tổn thương của họ. Sau đó, ông theo dõi sức khỏe của nhóm này, cùng với tình trạng của một nhóm đối chiếu - nhóm này viết về một chủ đề khác. Nghiên cứu của Pennebaker củng cố quan điểm của Freud về sự thanh tẩy: bằng cách viết ra hoặc nói về cảm xúc của mình, chúng ta có thể xử lý được chúng và “tống chúng ra khỏi lồng ngực” theo đúng nghĩa đen.
Bật dậy mạnh mẽ hơn sau khi thay đổi
Chúng ta không hoàn toàn dễ bị tổn thương hoặc hoàn toàn kiên cường. Tương tự, chúng ta không hoàn toàn chấp nhận hay hoàn toàn từ chối sự thay đổi. Trên thực tế, chúng ta linh hoạt và có thể học cách đón nhận thay đổi sao cho có ích với sự phát triển và tiềm năng phát triển của mình.
Chúng ta thật sự không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, và công việc trong tương lai chắc chắn sẽ đầy bất ổn và có nhiều xáo trộn. Tuy nhiên, đó cũng có thể là một sự thay đổi đem đến cho chúng ta tương lai như mong muốn, một tương lai mà chúng ta có thể hình dung ra và tác động đến. Có những lúc chúng ta cần can đảm để làm việc này. Như lời khích lệ của Barack Obama: Chúng ta chính là sự thay đổi mà chúng ta tìm kiếm. Trong bài phát biểu tranh cử, ông thuyết phục người Mỹ rằng sự thay đổi sẽ không diễn ra nếu chúng ta chờ đợi người khác hay thời điểm khác: Chúng ta chính là người mà mình chờ đợi. Hay như Brené Brown từng nói: “Khi làm chủ câu chuyện của chính mình, chúng ta phải viết cái kết”. Chúng ta có thể hưởng lợi từ khó khăn, chúng ta có thể tạo ra thay đổi, chúng ta có thể “bật dậy” không chỉ ở vị trí cũ, mà ở một vị trí có sức mạnh và hiểu biết hơn.
Bài tập
Đương đầu với sự thay đổi và xáo trộn không mong muốn
Hãy nghĩ về một sự cố gần đây nhất mà bạn gặp phải trong công việc. Nếu không tìm được ví dụ trong công việc, hãy chọn một ví dụ trong cuộc sống cá nhân, hoặc một ví dụ tưởng tượng. Hãy trả lời các câu hỏi sau một cách cởi mở nhất có thể. Bạn có thể tưởng tượng mình đang trò chuyện với một người bạn biết khích lệ và không phán xét, một người muốn tốt cho bạn và lắng nghe chăm chú mọi lời của bạn.
1. Tại sao sự thay đổi này khó khăn?
2. Nếu bạn là người phụ trách, bạn sẽ làm gì?
3. Bây giờ ngẫm lại, bạn nghĩ mình đáng lẽ nên làm gì?
4. Bạn rút được kinh nghiệm gì từ việc này?
5. Bạn có đổ lỗi cho ai về sự việc này không?
6. Bạn sẽ mô tả phản ứng cảm xúc của mình đối với cuộc khủng hoảng này như thế nào?
7. Hiện tại bạn cảm thấy như thế nào?
8. Bạn có thường cảm thấy như vậy không?
9. Bạn có muốn cảm thấy khác đi không?
10. Sự thay đổi này có đem lại lợi ích gì không?
Các câu trả lời sẽ cho bạn biết về cách bạn ứng phó với sự thay đổi. Hãy lưu ý xu hướng hành vi của mình: Bạn hiểu được điều gì về bản thân từ bài tập này? Bài học đó sẽ tác động đến cách bạn ứng phó với sự thay đổi trong tương lai như thế nào? Ví dụ, nếu bạn nhận ra vì mình gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ mới nên bạn rất sợ làm việc với một nhóm mới, hãy suy nghĩ phương pháp để phát triển sự tự tin và các kỹ năng cần thiết. Bạn có người hướng dẫn trong công việc không? Bạn có thể tự khám phá các nguồn lực xung quanh không? Bạn có thể chia sẻ mối bận tâm của mình cho sếp trực tiếp không? Đôi khi chỉ xác định được thứ khiến chúng ta cảm thấy khó khăn cũng có thể giúp ích rất nhiều, bởi chúng ta có thể tự khích lệ bản thân: “Đúng vậy, đây là một thử thách đối với tôi, nhưng tôi có năng lực và tôi có thể đương đầu với nó”.
Liều thuốc thanh tẩy
Viết ra những nỗi sợ hãi tưởng tượng là cách hữu ích để xử lý mớ suy nghĩ lộn xộn của chúng ta. Hãy dành mười lăm phút để viết ra mọi thứ liên quan đến những thay đổi sắp tới ở nơi làm việc. Đừng lo lắng về chất lượng nội dung, hãy cứ viết ra tất cả. Bạn có thể sử dụng một vài hoặc tất cả những câu hỏi sau đây làm gợi ý:
• Chuyện gì đang xảy ra?
• Bạn nghĩ điều gì đang xảy ra?
• Chuyện này có ảnh hưởng như thế nào tới bạn?
• Kết cục tồi tệ nhất là gì?
• Kết cục tốt đẹp nhất là gì?
• Bạn lo lắng về điều gì?
• Bạn háo hức về điều gì?
• Bạn có kỹ năng và tài năng nào để ứng phó với điều này?
• Bạn cần học hỏi điều gì?
• Ai có thể giúp bạn?
• Bạn có thể hỗ trợ ai?
• Các thế mạnh của bạn là gì?
• Bạn muốn đạt được điều gì?
Vượt qua mất mát và tổn thất
Sự mất mát và tổn thất có thể khiến chúng ta buồn bã và đau khổ, nhưng điều này có thể giúp chúng ta phát triển trong tương lai. Đây còn được gọi là giai đoạn than khóc. Khi chúng ta đắm chìm trong sự mất mát và không thể nhìn thấy cuộc sống sau dấu chấm hết, chúng ta rơi vào trạng thái u sầu. Trạng thái này có thể khiến chúng ta tự hủy hoại bản thân và mất khả năng nhìn thấy tương lai.
Bạn có thể chấp nhận mất mát hoặc tổn thất nào?
• Hãy dành thời gian để viết về thứ bạn đã đánh mất - đó có thể là một công việc yêu thích, một vị trí trong đội dự án, một cơ hội, một kỹ năng bị mai một hoặc một mất mát vì bệnh tật hay tai nạn.
• Bạn bỏ lỡ điều gì?
• Bạn giận dữ về điều gì?
• Bạn có thể rút ra bài học gì từ mất mát này?
• Mất mát này đã dạy bạn điều gì?
Thay đổi sắp diễn ra!
Hãy tưởng tượng bạn đang xem hoặc đọc tin tức thì nhìn thấy một thông tin về nơi mình đang làm việc. Thông tin bắt đầu bằng dòng chữ: THÔNG BÁO VỀ THAY ĐỔI LỚN TẠI… Bạn sẽ phản ứng với thông báo này như thế nào? Trạng thái cảm xúc tức thời của bạn là gì?
• phấn khích
• hạnh phúc
• mong chờ
• vui vẻ
• sợ hãi
• phủ nhận
• giận dữ
• lo lắng
• muốn trốn đi
• hoài nghi
• bồn chồn
• tò mò
Hãy nghĩ xem phản ứng ngay lúc đó của bạn là gì. Điều này sẽ giúp bạn biết mối quan hệ giữa bạn và sự thay đổi, cũng như năng lực ứng phó với sự thay đổi tại nơi làm việc. Dĩ nhiên, không phải lúc nào suy nghĩ của bạn cũng cố định như vậy - bạn sẽ hiểu biết hơn, xử lý thông tin, xác định tác động của nó đối với bạn, đội nhóm, tổ chức của bạn và toàn thể xã hội. Biểu đồ cảm xúc của bạn sẽ thay đổi thế nào theo thời gian?
Memento mori - Hãy nhớ rằng bạn sẽ qua đời
Cuộc sống gói gọn trong một ngày
Nếu cuộc sống của bạn chỉ diễn ra một ngày, với giả định rằng “ngày mai bạn có thể sẽ không tỉnh dậy nữa”, cuộc sống và các quyết định của bạn sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
• Bạn sẽ làm gì nếu hôm nay là ngày cuối cùng của bạn?
• Nếu hôm nay là ngày cuối cùng, bạn sẽ hối tiếc điều gì?
• Làm thế nào để tạo ra cảm giác cấp bách hơn trong cuộc sống của bạn?
• Bạn thật sự muốn đạt được điều gì?
• Điều gì bạn có thể làm nhưng đã từ chối?
• Bạn sẽ nhìn lại cuộc đời mình như thế nào?
Hãy sử dụng những lời nhắc nhở trên và suy ngẫm về chúng mỗi ngày. Hãy coi đó là những viên gạch để xây dựng một cuộc sống trọn vẹn nhất và không lãng phí một giây phút nào.
Cuộc sống gói gọn trong một năm
Mặc dù chắc chắn ai rồi cũng chết, nhưng đó vẫn là một thực tế mà chúng ta thường bỏ qua. Khoảng thời gian giới hạn mà chúng ta có để sống, để theo đuổi sự nghiệp, để thăng tiến trong công ty… thường bị xem nhẹ. Hãy dành thời gian để thừa nhận điều này: memento mori - một ngày nào đó, bạn sẽ qua đời. Hãy lấy điều này làm động lực để suy nghĩ xem bạn muốn có đời sống công việc thăng hoa như thế nào. Hãy liệt kê những điều bạn muốn đạt được. Hãy trả lời câu hỏi: “Bạn sẽ làm gì nếu chỉ có một năm để làm việc?”.
Việc đối mặt với cái chết có thể khiến chúng ta trân trọng thời gian và các cơ hội hơn. Nó thôi thúc chúng ta suy ngẫm về những gì mình thật sự muốn đạt được, mình muốn thử thách bản thân như thế nào và điều gì là lãng phí thời gian. Bằng cách này, sự kết thúc mà chúng ta không tránh được sẽ trở thành động lực để chúng ta hành động, để làm việc hiệu quả và vui sống.
Bài học từ CRAB (con cua)
Cua biển là sinh vật có lớp vỏ bảo vệ dày. Loài cua bảo vệ lãnh thổ rất quyết liệt và có thể di chuyển sang ngang, cũng như lùi lại và tiến lên. Những đặc điểm này giúp cua có sức sống bền bỉ trong môi trường đầy thử thách nơi đại dương. Lần tới khi bạn đối mặt với sự thay đổi, dù có muốn hay không, hãy học theo con cua (CRAB):
C - sự thay đổi (change) diễn ra
R - sức bật tinh thần (resilient) của bạn phản ứng như thế nào?
A - bạn có thái độ (attitude) gì đối với sự thay đổi hay thử thách này?
B - bạn sẽ cư xử (behave) như thế nào?
Ví dụ:
C - sự thay đổi diễn ra
- Công ty mà bạn đang làm việc có nguy cơ phá sản, công việc của bạn bị đe dọa.
R - sức bật tinh thần của bạn phản ứng như thế nào?
- Các kỹ năng của tôi có thể vận dụng được ở nơi khác, tôi có thể mang theo những gì đã học hỏi được và tìm một công việc khác.
A - bạn có thái độ gì trước sự thay đổi hay thử thách này?
- Tôi sợ hãi và thất vọng nhưng tôi sẽ vượt qua và tìm một cơ hội khác tốt hơn.
B - bạn sẽ cư xử như thế nào?
- Tôi sẽ không tự trách mình, tôi sẽ thu thập nhiều thông tin nhất có thể, tôi sẽ dành thời gian tìm kiếm lời khuyên và khám phá các cơ hội.