Con người khi sinh ra đã phải chịu đau khổ, nhiều khiếm khuyết, "sứt mẻ". Họ sống để khắc phục những nỗi bất hạnh đó. Ân phúc từ Cội nguồn Thánh thiện, Suối nguồn Hoan lạc, chính là chất keo hàn gắn.
- Eugene O’Neill
Một giáo sĩ Do Thái tới thăm một đôi vợ chồng trẻ vừa mất con. Ông ta say sưa thuyết giảng "học thuyết" về sự mất mát, nỗi khổ đau với những lời trích từ Kinh thánh trong suốt hai giờ liền. Cuối cùng ông hỏi:
- Nào, các con có muốn ta giải thích lại không?
- Không, cảm ơn giáo sĩ. - Người chồng trả lời. - Chúng con đã chịu đựng đủ rồi.
Tôi theo đạo từ nhỏ và biết phải nói gì trong những tình huống xấu, khi thất vọng, lúc khổ sở hay đau đớn. Họ rao giảng cho tôi những lời trong Kinh thánh. Họ là những người bình Kinh thánh. Trong những trường hợp bi đát, tôi thường được bảo rằng tình huống của tôi là vấn đề cần giải quyết, chứ không phải là điều huyền diệu cần đón nhận.
Những lời thuyết giáo khiến tôi cảm thấy rối tinh, thậm chí làm cho đức tin của tôi lung lay bởi rõ ràng nó chẳng giúp tôi giải quyết được gì.
Thú thật là có những lúc tôi thấy mất phương hướng, cô đơn, đau đớn, mệt mỏi hay thất vọng. Vì lý do nào đó tôi không thể làm cho "công thức" giáo điều ấy phát huy tác dụng với mình. Những câu trả lời kia không giúp tôi thanh thản, thậm chí muốn tìm ngay đối tượng nào đó để trút nỗi bực dọc.
Tôi nhớ tới bức tranh biếm họa về hai người đàn ông bước lên đỉnh núi thiêng và nói chuyện với một chân nhân.
- Cuộc đời như một dòng sông. - Vị chân nhân nói.
- Chắc là ngài đùa. - Hai người đàn ông kia không đồng tình. Họ bắt đầu bắt bẻ vị chân nhân.
- Thôi được, thôi được. - Vị chân nhân nói. - Cuộc đời không như dòng sông.
Đúng vậy. Cuộc sống thật khó khăn - khó mà làm cho người khác vừa lòng.
Hầu hết mọi người thường hay thất vọng. Có thể do buồn chán, thiếu đam mê, ảo tưởng về tình thân, mất con, mệt mỏi tinh thần, hay do sự tàn ác, tuyệt vọng.
Hôm nay, một phụ nữ đến thăm tôi và cùng tôi đi dạo trong vườn. Con trai bà, 24 tuổi, chết trong một vụ tai nạn hồi đầu năm. Nỗi mất mát vẫn đè nặng cõi lòng bà. Không suy nghĩ nào có thể giúp cân bằng lại trạng thái. Khó có thể chấp nhận được chuyện "người đầu bạc phải tiễn kẻ đầu xanh"!
Đã có nhiều người, kể cả những người bạn tốt, khuyên bà nên vượt qua nỗi đau để tiếp tục sống.
Tôi không chắc đó có phải là mục tiêu hay không. Nếu đúng là vậy thì đó không phải là mục tiêu thích hợp.
Một người bạn khác tâm sự với tôi là cô ấy đang phát điên.
Người khác thì buồn vì tình trạng hôn nhân của anh ta, rằng cuộc sống không còn vui vẻ nữa.
Con người đang rơi vào cuộc chiến nội tâm điên rồ được khơi mào từ những kỳ vọng của chính mình. Một trong những điều khó khăn nhất là chấp nhận cuộc sống như nó vốn là vậy. Chúng ta thường tự nhủ mọi việc rồi sẽ khác. Hay theo cách nói của thuyền trưởng Jack Aubrey trong bộ phim Master and Commander: "Không phải tất cả chúng ta đều trở thành người mà chúng ta từng mơ ước".
Khi nhận ra điều đó, chúng ta cố làm mọi cách để bù đắp. Chẳng hạn, tôi giữ cho mình bận rộn, thậm chí làm việc chăm chỉ hơn để gây ấn tượng với người khác. Tôi muốn được mọi người yêu thích, ngưỡng mộ, đánh giá cao hoặc có lẽ chỉ là được chú ý. Nhất định sự hiện diện của tôi phải có ý nghĩa ở đâu đó.
Bằng việc cố gắng bù đắp cho những "sứt mẻ" của mình, tôi đã tiêu tốn quá nhiều năng lượng sống. Tôi tưởng rằng câu trả lời nằm vương vãi trên đường, quanh góc phố, hoặc hàm chứa trong các kinh thư. Mỗi khi không cảm thấy thoải mái, bấn loạn hay thất vọng trước những khiếm khuyết của bản thân, tôi lại tiêu hao nguồn nhiên liệu quý giá - năng lượng tinh thần, thể chất - nhằm khỏa lấp, chôn vùi, kiểm soát và xử lý chúng. Rồi tôi ngẫu nhiên trở thành "nhà ngoại giao" - bên ngoài cố tỏ ra điềm tĩnh, song trong lòng lại rối bời, bất an.
Tôi tin vào ân phúc nhiệm màu. Tôi đã tìm thấy điều kỳ diệu không phải từ nơi tôi mong đợi sẽ nhận được. Tôi tìm thấy điều kỳ diệu trong những thời điểm đầy áp lực. Điều kỳ diệu xuất hiện trong khoảnh khắc tôi cảm thấy thất vọng, bất an và bối rối. Rồi tôi đã quyết định để cho điều kỳ diệu dẫn dắt tôi đi; cho dù có thể không bao giờ tổ chức hội thảo, viết thêm cuốn sách hay tham dự các cuộc gặp gỡ nữa, tôi vẫn ổn.
Khi tôi hiểu về ân phúc diệu kỳ và Cội nguồn Thánh thiện, tôi tự nguyện dâng nộp cho Người, tự nguyện dừng việc cố gắng bù đắp, và tự nguyện để cho dòng đời giúp tôi chữa lành những vết thương lòng, hàn gắn những "sứt mẻ" ở bản thân, không phải bằng cách chối bỏ nỗi đau mà là cởi mở trái tim mình thừa nhận sự tồn tại của nó.
Tin và giao phó cho điều kỳ diệu, tôi có thể từ bỏ nỗ lực kiểm soát, không để nảy sinh những hư hỏng, mất mát. Tôi cứ thoải mái sống trọn vẹn cuộc đời này - cuộc đời tôi đang sống, chứ không phải là cuộc đời đẹp đẽ, hoàn hảo như tưởng tượng.
Lời truyền cảm
Khi tôi bước vào cánh cửa đó, đôi lúc người tôi bê bết máu nhưng họ vẫn ôm chầm lấy tôi. Họ yêu mến tôi, chăm sóc và đối xử với tôi như một con người thực sự. Rồi họ cho tôi ăn, mát-xa cho tôi, giúp tôi bình phục lại. Đây là những con người thân thuộc. Đây là chỗ của tôi.
- Lời chia sẻ của một lính cứu hỏa thành phố New York, kể về những người tình nguyện làm việc không mệt mỏi tại nhà thờ Thánh Paul, liền kề Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) - nơi những người lính cứu hỏa và nhân viên cứu hộ nương nhờ trong những ngày tháng sau thảm kịch 11/9.
Thực hành tạm nghỉ
Nhận ra điều (khiếm khuyết, bất hạnh, trái ý muốn) nào đó bạn thường cố kiểm soát, cố không để nó diễn ra. Tâm sự với một người bạn về điều đó để hai người có thể động viên nhau. Thế nào là buông bỏ để nhận được điều kỳ diệu?