“Tôi không thích mọi người ngồi đó chỉ để đồng tình với tôi, tôi muốn họ tranh luận.”
- Margaret Thatcher, Thủ tướng Anh từ 1979-1990
Gần đây, tôi gặp một biên tập viên, cô ấy kể cho tôi nghe quy trình chọn sách để xuất bản trong công ty của cô ấy: “Các biên tập viên kỳ cựu thay phiên tranh luận và phản đối các đề xuất của nhau ngay trước mặt năm biên tập viên điều hành, một phó giám đốc kinh doanh và cả vị chủ bút của chúng tôi”. Cô than phiền: “Tôi e rằng mình không không đủ sức thuyết phục họ. Tôi đang phạm sai lầm chăng?”.
Trong công việc, bất cứ ai cũng có thể thắng hoặc thua khi tranh luận về một dự án hoặc một đề xuất nào đó. Bạn có biết tại sao đối thủ của bạn thắng không? Có thể họ hiểu về vấn đề tranh luận sâu sắc hơn bạn, hoặc cũng có thể suy nghĩ, phản ứng của họ nhanh hơn bạn. Vậy làm thế nào để bạn có thể lật ngược tình thế và giành chiến thắng trong những cuộc tranh luận ấy? Câu trả lời là, bạn cần biết đưa ra những lập luận có sức thuyết phục. Bạn hãy áp dụng những bước sau:
• Xác định lập trường.
• Đưa ra những dẫn chứng thuyết phục.
• Nghiên cứu kỹ cơ sở lập luận và kết luận của đối phương.
• Giữ bình tĩnh khi bảo vệ quan điểm của mình.
• Tái khẳng định quan điểm của bạn với niềm tin vững chắc.
Cách đưa ra lập luận có sức thuyết phục
“Hãy lên giọng khi bạn muốn khẳng định quan điểm của mình.”
- Tiến sĩ Samuel Johnson (1709-1784), nhà biên soạn từ điển người Anh
Một vài năm trước, tôi từng làm việc với một giáo viên ở British Columbia - người rất thích tranh luận với đồng nghiệp về các phong trào “Lớp học mở”, “Toán học mới” và “Quay về với những khái niệm cơ bản” trong giáo dục. Quan sát kỹ, tôi nhận thấy rằng sau những cuộc trao đổi sôi nổi giữa anh và đồng nghiệp tại phòng ăn trưa, phần lớn các đồng nghiệp đều đồng tình với quan điểm của anh. Khi tôi hỏi anh bí quyết nào giúp anh thắng trong các cuộc tranh luận ấy, anh đã cho tôi những lời khuyên như sau:
1. Xác định lập trường
Bạn đang ủng hộ hoặc phản đối một đề xuất nào đó? Đó là một ý kiến hay hay dở? Theo bạn, những phương án giải quyết vấn đề đó là đúng hay sai? Liệu nó có giải quyết được vấn đề không? Lập trường của bạn là gì?
Để thuyết phục được mọi người trong cuộc tranh luận, bạn cần xác định lập trường và bảo vệ lập trường đó. Khi tuyên bố quan điểm của mình, hãy lưu tâm đến thính giả. Việc thấu hiểu các quan niệm và mức độ nhạy cảm của họ sẽ giúp bạn xây dựng các luận cứ có sức thuyết phục và tránh những phát ngôn mang tính kích động. Để nêu rõ quan điểm của mình, hãy mở đầu bằng những cụm từ như:
“Theo tôi,…”
“Quan điểm của tôi về vấn đề này là…”
“Tôi tuyệt đối tin rằng…”
2. Đưa ra chứng cứ thuyết phục hỗ trợ cho lập trường của bạn
Để thuyết phục người khác trong các cuộc tranh luận, bạn cần đưa ra cơ sở lập luận vững vàng, ví dụ minh họa sinh động, kết hợp với ý kiến của một số chuyên gia trên lĩnh vực ấy. Hãy củng cố quan điểm của bạn qua những gợi ý sau:
Hướng về truyền thống
Con người thích những gì an toàn và quen thuộc. Do đó hãy “phủ” lên quan điểm của bạn một “lớp áo truyền thống”, điều này giúp bạn thể hiện lập luận của mình dễ dàng hơn, còn của đối phương sẽ khó khăn hơn.
Ví dụ, khi bạn cho rằng công ty của bạn nên tài trợ xây dựng một trung tâm văn hóa địa phương. Bạn có thể nói: “Một trong những truyền thống tốt đẹp lâu nay của công ty chúng ta đó là tham gia vào hoạt động cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng. Chẳng hạn, chúng ta từng đóng góp tích cực cho việc mở rộng thư viện và sân chơi mới trong thành phố, đó là những việc làm rất đáng tự hào. Vì vậy, theo tôi, chúng ta nên tiếp tục phát huy truyền thống này bằng việc tổ chức một buổi tiệc tối nhằm gây quỹ cho dự án xây viện bảo tàng mới”.
Đưa ra những dữ kiện và con số xác thực
Cách hữu hiệu nhất để xây dựng cơ sở lập luận của bạn là đưa ra những sự kiện cụ thể, rõ ràng không chối cãi được. Ai? Việc gì? Ở đâu? Khi nào? Bao nhiêu? Khi bạn trình bày những dữ kiện và con số, hãy bảo đảm rằng chúng:
- Xác thực và được cập nhật mới nhất.
- Lấy từ một nguồn đáng tin cậy.
- Đơn giản và dễ hiểu.
Để các sự kiện và số liệu có sức thuyết phục mạnh hơn
Nhà văn nổi tiếng người Mỹ Rex Stout (1886-1975) từng nói: “Có hai loại số liệu, một loại bạn tìm thấy và một loại bạn tự bịa ra”.
Thực tế cho thấy, bạn sẽ đạt được mục đích của mình trong các cuộc tranh luận nếu biết trình bày những bằng chứng qua số liệu và sự kiện một cách có ý nghĩa.
• Những con số lớn có khả năng gây ấn tượng mạnh hơn các con số nhỏ, phần trăm hoặc phân số. Vì vậy, hãy chọn những cách nói như:
“Trong một cuộc khảo sát trên 10.000 sinh viên đã tốt nghiệp thì có đến gần 7.300 sinh viên cho biết...”
• Sau những tỷ lệ phần trăm, hãy liệt kê luôn con số tuyệt đối nếu những số liệu này có liên quan đến tiền hoặc lợi nhuận:
“Tăng 10% doanh thu bán hàng mỗi tuần tương đương với việc tăng 50.000 đô la lợi nhuận”.
• Tạo “hiệu ứng lôi kéo” bằng cách chứng minh rằng đa số ủng hộ quan điểm của bạn:
“Gần 900 trong số 1.000 người truy cập vào trang web của công ty chúng ta nói rằng họ tìm được rất nhiều thông tin hữu ích”.
Trích dẫn lời các chuyên gia uy tín trong ngành
Ý kiến của các chuyên gia cũng có thể giúp bạn củng cố và tạo “sức nặng” cho luận điểm của mình. Cố gắng tìm thật nhiều ý kiến của các chuyên gia để hỗ trợ cho quan điểm của bạn. Tuy nhiên, hãy chắc chắn là bạn chọn những chuyên gia:
- Được cả đối thủ lẫn khán thính giả của bạn tôn trọng.
- Có nhiều dự đoán chính xác hoặc bề dày thành tựu đạt được.
- Có nhiều kinh nghiệm về đề tài đang thảo luận.
Chẳng hạn, bạn có thể nói:
“Nếu chỉ là ý kiến của mình tôi thì có thể chưa đủ thuyết phục. Nhưng đề xuất của tôi đã được sự thông qua của giáo sư Alice Edgar - một luật sư tiếng tăm, vốn là tiến sĩ kinh tế Trường Đại học Harvard. Bà có rất nhiều bài viết bổ ích trên tờ tạp chí Harvard Business Review. Theo bà ấy thì…”
Trích dẫn những tình huống tương tự
Nhiều luật sư và nhân viên kinh doanh thành công biết rằng họ có thể dùng những tình huống tương tự hoặc tiền lệ để đưa ra bằng chứng thuyết phục nhằm củng cố luận điểm của họ hoặc để thuyết phục khách hàng. Điểm mấu chốt nằm ở chỗ bạn phải chọn đúng ví dụ nào có thể thuyết phục được đối phương và củng cố được quan điểm của bạn.
Giả sử bạn muốn cảnh báo khách hàng về một vấn đề bất ổn có thể xảy ra trong vòng sáu tháng tới, vì cho rằng “biết trước sẽ hạn chế được rủi ro”, nhưng đồng nghiệp của bạn không đồng ý và cho rằng tốt hơn nên chờ đến khi vấn đề thực sự phát sinh mới thông báo cho khách hàng, bởi rất có thể nó sẽ không bao giờ xảy ra.
Trong tình huống này, bạn nên dùng kinh nghiệm của bản thân để bảo vệ quan điểm của mình, chẳng hạn: “Năm ngoái, trong quá trình tư vấn, một tình huống tương tự như thế đã xảy ra. Và đây là cách mà chúng tôi đã làm... Điều đó tốt cho cả hai bên”.
Hướng đến đạo đức nghề nghiệp
Sẽ có lúc bạn gặp phải những đối thủ vô tâm thờ ơ trước quyền lợi của người khác, cũng như của công ty. Với những đối thủ này, bạn có thể làm cho họ phải “nhột” hoặc khiển trách họ khiến họ phải chấp nhận quan điểm của bạn. Ví dụ, bạn có thể nói:
“Phải, vấn đề lợi nhuận thật sự quan trọng, nhưng tôi tin rằng chúng ta có nghĩa vụ bảo đảm an toàn cho toàn thể nhân viên trong công ty, dù có phải cắt giảm lợi nhuận đi chăng nữa. Tôi nghĩ điều gì đúng thì chúng ta sẽ làm, phải không nào?”
3. Tự tin đưa ra kết luận của mình
Cách đưa ra kết luận có thể khiến người nghe ủng hộ quan điểm của bạn. Để thắng trong tranh luận, hãy phát biểu kết luận của bạn một cách rõ ràng, rành mạch. Sau đó, tìm kiếm sự tán đồng từ người nghe hoặc đối thủ. Dùng những cụm từ sau đây để báo hiệu rằng bạn sắp kết thúc vấn đề và rằng quan điểm của bạn là đúng:
“Rõ ràng quyết định đúng trong trường hợp này là…”
“Hoàn toàn có thể khẳng định rằng…”
“Tôi chắc anh/chị sẽ đồng ý với tôi rằng…”
Trình bày các luận điểm chặt chẽ, đưa ra dẫn chứng thuyết phục và kết luận rõ ràng là ba bước để đạt mục đích của bạn trong các cuộc tranh luận. Tuy nhiên, nếu muốn thuyết phục người nghe, bạn cần thăm dò quan điểm của đối thủ để chỉ ra điểm yếu của họ mà không bị cho là kiêu căng, ngạo mạn hoặc hống hách, độc tài.
Năm chiến thuật phản biện hiệu quả
Vào năm 1960, hầu hết các chuyên gia đều dự đoán rằng ứng cử viên Richard Nixon sẽ chiến thắng vang dội trước John F. Kennedy trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, Kennedy tin chắc ông có thể thuyết phục cử tri rằng ông mới là ứng cử viên xuất sắc nhất, và rằng ông có thể ứng phó tốt trong cuộc chất vấn tranh luận toàn quốc đầu tiên được phát sóng trên truyền hình.
Ngày hôm đó, hàng triệu khán giả đã ngồi trước màn hình ti-vi để chờ đợi và những gì họ được chứng kiến là một Kennedy với phong thái đĩnh đạc, ngôn từ thuyết phục và liên tiếp tấn công vào những điểm yếu trong các luận cứ của Nixon. Trong khi đó, Nixon trông có vẻ cứng nhắc, thậm chí nhiều người còn cho rằng ông thiếu tự tin khi đưa ra những câu trả lời của mình. Ngày hôm sau, một phụ nữ lớn tuổi nói với Nixon rằng: “Đừng lo, ngài Nixon. Kennedy thắng ông tối qua, nhưng lần tới ông sẽ là người chiến thắng”. Tuy nhiên, người phụ nữ ấy đã sai. Trong bốn cuộc tranh luận tiếp theo, Kennedy đều chiến thắng và đắc cử trong cuộc bầu cử sau đó. Ông chiến thắng vì đã dùng những chiến thuật sau:
Chiến thuật thứ nhất: Xác định điểm yếu và hạn chế tối đa điểm mạnh của đối phương
Lắng nghe để xác định điểm yếu trong luận điểm của đối phương. Sau đó, tập trung tấn công vào những điểm yếu ấy bằng cách đặt câu hỏi. Cùng lúc, hãy hạn chế tối đa những điểm mạnh của đối phương để làm giảm sức ảnh hưởng của họ.
Chẳng hạn:
“Những lời đề nghị của anh/chị sẽ làm cho bản thiết kế đẹp hơn (điểm mạnh), nhưng thay đổi theo ý tưởng đó lại quá tốn kém bởi công trình đã được khởi công (điểm yếu)”
“Tôi đồng ý với anh/chị rằng chúng ta cần phải gia tăng sản xuất (điểm mạnh), nhưng giải pháp thuê thêm lao động thời vụ sẽ tạo ra nhiều rắc rối về sau (điểm yếu).”
3 nguyên tắc tranh luận với đồng nghiệp
“Lời khuyên của tôi là: hãy khéo léo tạo thế cân bằng giữa lời nói sáo rỗng và sự thiếu suy xét.”
- Robert Runice (1921-2000), Tổng Giám mục người Anh
Chắc chắn bạn muốn đạt được phần thắng trong các cuộc tranh luận mà không làm bẽ mặt đồng nghiệp. Khi buổi thảo luận kết thúc, bạn vẫn cần sự hợp tác của họ. Sau đây là ba nguyên tắc cần bảo đảm trong lúc tranh luận:
Nguyên tắc thứ nhất: Đừng công kích cá nhân
Ba lý do sau đây khiến bạn không nên công kích cá nhân. Trước hết, việc công kích cho thấy lập luận của bạn không vững vàng (chẳng hạn bạn khẳng định rằng đồng nghiệp của mình không trung thực, không có năng lực hoặc không đáng tin). Thứ hai, việc công kích cá nhân khiến hình ảnh của bạn xuất hiện trong mắt mọi người chẳng khác nào một kẻ tuyệt vọng, bởi đó thường là phương sách cuối cùng người ta dùng đến. Thứ ba, công kích cá nhân sẽ biến cạnh tranh tích cực thành cạnh tranh tiêu cực, thậm chí còn làm nảy sinh sự thù địch.
Nguyên tắc thứ hai: Không bao giờ “dán nhãn” đồng nghiệp của bạn
Việc “dán nhãn” đối thủ có thể là một chiến thuật hữu hiệu trong chính trường, song nó lại dễ phản tác dụng ở nơi làm việc. Mỗi người sẽ có những định kiến và quan điểm của riêng mình và việc làm nổi bật những điểm khác nhau này nhằm giành phần thắng trong tranh luận cũng là lẽ thường tình. Tuy nhiên, việc “dán nhãn” cho đồng nghiệp – ví dụ như gọi anh ta là “người kỳ thị giới tính” – chỉ làm xấu đi hình ảnh của bạn mà thôi.
Nguyên tắc thứ ba: Không xuyên tạc quan điểm của đối phương
Khi tranh luận một vấn đề nào đó với đồng nghiệp, đừng bao giờ xuyên tạc, bóp méo quan điểm của đối phương bởi điều đó sẽ làm giảm sút sự tín nhiệm của bạn và có thể biến bạn thành kẻ thù của họ.
Chiến thuật thứ hai: Đưa ra nghi vấn đối với nguồn dữ liệu và yêu cầu làm sáng tỏ những dữ kiện
Trong suốt bài diễn thuyết hoặc cuộc tranh luận, có thể sẽ khó phân biệt đâu là sự thật và đâu là những lời bịa đặt. Vì vậy, việc chú ý đặt câu hỏi về giá trị hoặc độ chính xác của dữ liệu đối phương nêu ra sẽ làm tăng cơ hội chiến thắng của bạn. Sau đây là một số cách làm giảm đi sức ảnh hưởng của những dữ liệu trong luận điểm của đối phương:
Bạn có thể nói rằng những sự kiện và con số cần phải được giải thích. Ví dụ:
“Tôi hiểu về bản báo cáo hoàn toàn khác với cách hiểu của anh/chị.”
“Liệu những con số ấy có hỗ trợ cho quyết định này không.”
Nói rằng những dữ kiện họ trình bày đã dẫn đến cách hiểu sai. Ví dụ:
“Những dữ kiện của anh/chị chỉ nói lên một phần của sự việc.”
Xem xét giá trị của những sự kiện đó, liệu chúng có lỗi thời hay bị sai lầm không? Ví dụ:
“Những số liệu anh/chị đưa ra được thống kê cách đây bao lâu? Nếu đó không phải là những con số mới nhất, tôi tự hỏi làm sao nó có thể hữu ích trong tình hình hiện tại của chúng ta.”
Nói rằng những dữ kiện đó có thể phiến diện. Ví dụ:
“Nếu những con số đó chỉ được lấy từ một nguồn của một ngành kinh doanh, làm sao chúng ta có thể chắc rằng chúng không rơi vào phiến diện?”
Nói rằng một dữ kiện quan trọng đã bị bỏ qua. Hãy nói:
“Nếu số lượng nam và nữ tham gia vào cuộc nghiên cứu này không đồng đều, thì làm sao anh/chị có thể nói rằng nó chính xác?”
Luôn nhớ trong đầu là nếu bạn tranh luận hoặc đặt câu hỏi về những dữ kiện hoặc kết luận của đối thủ, hãy chuẩn bị thật tốt để có đủ thông tin cần thiết bảo vệ quan điểm riêng của mình.
Chiến thuật thứ ba: Không thừa nhận luận cứ dựa trên quan niệm phổ biến
Bạn có thể bẻ gãy một quan điểm phổ biến bằng cách so sánh nó với một tiêu chuẩn đạo đức hoặc tiêu chuẩn khoa học cao hơn. Ví dụ, bạn có thể nói:
“Những quan điểm phổ biến không phải lúc nào cũng là những quan điểm đúng. Chẳng hạn, trước khi đạo luật về Quyền công dân được thông qua năm 1964, hầu hết người Mỹ đều chấp nhận sự phân biệt chủng tộc trong các trường công như là một lẽ thường tình. Đó là một quan điểm phổ biến, nhưng điều đó không có nghĩa là nó đúng.”
Chiến thuật thứ tư: Đặt nghi vấn về sự phù hợp của các ví dụ
Đừng bao giờ bỏ qua việc đối thủ của bạn trích dẫn một ví dụ không ăn nhập gì với tình huống đưa ra. Sau đây là hai cách để nói rằng ví dụ được trích dẫn không thích hợp với luận điểm:
• Khẳng định rằng ví dụ hoặc tình huống đó không phù hợp với luận điểm đang bàn, cho nên nó không chứng minh được gì cả. Ví dụ:
“Tình huống mà anh chị mới miêu tả đã xảy ra dưới những hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt. Tôi thấy nó không áp dụng được cho vấn đề mà chúng ta đang thảo luận.”
• Đưa ra một ví dụ khác làm sáng tỏ quan điểm của bạn. Chẳng hạn:
“Tôi cho rằng mô hình kinh doanh vào thập niên 80 sẽ không hiệu quả trong thời đại ngày nay. Hãy để tôi đưa ra cho anh một ví dụ về cách thức chúng tôi đã xử lý một tình huống gần giống với tình huống chúng ta đang phải đối mặt hiện nay.”
Chiến thuật thứ năm: Đưa ra giả thuyết rằng đồng nghiệp của bạn đã đi đến một kết luận vội vàng dựa trên những lập luận sai lầm
Ám chỉ đối thủ của bạn đã đưa ra kết luận dựa trên chuỗi lập luận sai có thể giúp bạn hạ đối thủ để giành phần thắng trong cuộc tranh luận. Tuy nhiên, đừng bao giờ nói rằng: “Anh/chị đã sai rồi”, thay vì thế, hãy nói: “Anh/chị đã đưa ra số lượng ước đoán dựa trên giả định rằng năm nay chúng ta sẽ nhận được nhiều đơn hàng hơn năm ngoái. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu doanh thu của chúng ta giảm đi chứ không tăng lên?”.
Để giành thắng lợi trong các cuộc tranh luận, không phải chỉ đặt nghi vấn về những sự kiện và kết luận của đối thủ là đủ, bạn cần phải giữ bình tĩnh và lập trường vững chắc trước mọi thách thức. Bạn có thể thực hiện theo năm cách dưới đây.
5 cách giữ bình tĩnh khi có ai đó nghi ngờ quan điểm của bạn
“Tôi kiên định, bạn ngoan cố, còn anh ta thì cứng đầu, không ai chịu nhường ai cả.”
- Bertrand Russell (1872-1970), triết gia, nhà cách tân người Anh
Trong khi tranh luận, sẽ có lúc một người nào đó nghi ngờ dữ kiện bạn đưa ra, họ cho rằng bạn sai, thậm chí nghi ngờ năng lực của bạn. Có thể họ đang tìm cách thách thức sự tự tin của bạn hay cố đánh lạc hướng những luận cứ của bạn hoặc hy vọng bạn sẽ mất bình tĩnh. Trước tình thế như vậy, bạn hãy hít một hơi thật sâu để tập trung, nhưng không đưa ra bất cứ câu trả lời nào bạn cảm thấy không chắc chắn. Sau đây là những gì bạn nên làm và nên nói để giữ bình tĩnh, tự tin khi ai đó thách thức bạn:
1. Biết những điểm hạn chế trong lập luận của mình
Dự đoán và chuẩn bị cho những câu hỏi thách thức lập luận của bạn. Hãy nói:
“Câu hỏi đó không khiến tôi ngạc nhiên, bởi những người không hiểu được bản chất của vấn đề thường cho rằng đó là một điểm cốt lõi…”
2. Đừng hoảng hốt nếu bạn thua ở một luận điểm hay một lỗi sai ngớ ngẩn
Nếu đồng nghiệp chỉ ra sự mâu thuẫn trong luận điểm của bạn, bạn có thể nói:
“Điều bạn chỉ ra quả là hay, nhưng xét trên toàn kế hoạch thì nó chẳng mấy ảnh hưởng đến kết quả.”
3. Đừng trả lời vội vàng
Hãy từ tốn và bình tĩnh trả lời từng điểm một. Lặp lại các câu hỏi để bạn có thêm vài giây cân nhắc câu trả lời:
“Tôi sẽ trả lời các câu hỏi và những mối quan tâm của anh chị từng điểm một.”
4. Đừng phản ứng thái quá
Đừng bao giờ phản ứng lại những nhận định mang tính xúc phạm, những lời buộc tội hoặc những lời mắng nhiếc với chủ ý khiến bạn mất bình tĩnh, bạn hãy nói:
“Dường như anh/chị không có bất cứ ý kiến nào mang tính xây dựng cho cuộc thảo luận của chúng ta!”
5. Hạn chế tối đa những thách thức của đối thủ
Tránh đề cập đến những lời chỉ trích của đối thủ và chỉ lặp lại kết luận của bạn. Hãy nói:
“Những gì anh/chị nói không làm thay đổi được sự việc.”
Giữ bình tĩnh trước thách thức của đối thủ chứng tỏ bạn tự tin đủ để phản ứng nhanh mà không bị bối rối. Bằng cách kiểm soát cảm xúc của mình, bạn sẽ giành phần thắng trong nhiều cuộc tranh luận hơn mà không tạo ra bất cứ lỗi lầm nào khiến đối thủ trở thành kẻ thù của bạn.
8 lỗi cần tránh khi bất đồng ý kiến với đồng nghiệp
“Nếu tôi đã làm sai điều gì, tôi thành thật xin lỗi. Tôi rất mong được tha thứ.”
- Edward N. Westcott (1846-1898), nhà văn người Mỹ
Khi bạn không đồng ý với ý tưởng hoặc cách tiếp cận dự án của đồng nghiệp thì không đơn thuần là việc thắng hay thua trong tranh luận mà ngay cả mối quan hệ bạn bè và quan hệ công việc cũng có thể bị ảnh hưởng. Sau đây là tám lỗi cần tránh khi tranh luận với đồng nghiệp.
1. Nhạo báng, chế giễu hoặc làm bẽ mặt đồng nghiệp trước những đồng nghiệp khác.
2. Khơi lại những lỗi lầm trong quá khứ.
3. Chê trách nặng lời: “Anh sai bét cả rồi!”.
4. Nhại lại những nhận định tiêu cực của người khác.
5. Ám chỉ rằng quan điểm của đồng nghiệp là không thích đáng.
6. Biến một cuộc tranh luận công việc thành xung đột cá nhân.
7. Kết thúc cuộc thảo luận với những ngôn từ giận dữ và không thân thiện.
8. Vẫn giữ sự tức giận với đồng nghiệp khi cuộc tranh luận kết thúc.
“Hãy nói tốt về bạn bè, nhưng với kẻ thù - đừng nói gì cả.”
- Ngạn ngữ
Bất đồng với đồng nghiệp có thể tạo ra mâu thuẫn nếu bạn không xử sự khéo léo và lịch thiệp. Dù bạn biết là bạn đúng, song nếu muốn giữ cho mối quan hệ được tốt đẹp, tốt nhất bạn trình bày quan điểm của mình như những ý kiến chứ không phải là những sự kiện.