“Nụ cười là chìa khóa mở cửa trái tim mọi người.”
- Anthony J. D’Angelo
Hơn bốn mươi năm trước, tôi tốt nghiệp ngành y tá và quyết định đến Los Angeles lập nghiệp. Tôi được hứa hẹn vị trí y tá phòng cấp cứu tại một bệnh viện lớn, nhưng khi tôi đến đó, bệnh viện chỉ còn trống vị trí trực đêm ở khoa cách ly. Tôi đành miễn cưỡng nhận việc vì trở về nhà không phải là lựa chọn tốt.
Tôi ghét trực đêm và không thích khoa cách ly, vậy mà giờ đây tôi phải làm công việc kết hợp cả hai điều đó. Khoa này rất đông bệnh nhân và thường xuyên thiếu nhân viên y tế. Chúng tôi làm việc luôn tay luôn chân mà vẫn không đáp ứng nổi khối lượng công việc. Công việc rất căng thẳng nên phải thừa nhận là tôi hay cáu kỉnh và gắt gỏng với bệnh nhân.
Nhiệm vụ của tôi trong đêm trực là cho bệnh nhân uống thuốc giảm đau và truyền kháng sinh. Thật khó để làm điều đó một cách tuyệt đối yên lặng trong căn phòng tối. Tôi thường đánh thức ít nhất một bệnh nhân khi va vào vật gì đó hoặc lỡ chiếu đèn pin vào ai đó. Đêm nọ, tôi đang rón rén thay túi dịch truyền thì bỗng giật mình khi bệnh nhân đó ngồi dậy và nói, “Tôi có cái này cho cô”.
Đó là chàng trai trẻ đến từ Hawaii, nhập viện vì chứng nhiễm trùng da kéo dài ở một bên mặt và ăn vào tận xương hàm. Anh từng uống nhiều thuốc kháng sinh nhưng không hiệu quả, vậy nên bây giờ anh phải nằm viện để điều trị bằng kháng sinh truyền qua đường tĩnh mạch. Lúc đó tôi mới nhìn kỹ gương mặt anh. Nửa mặt bên phải sưng lên và biến dạng vì nhiễm trùng, chắc là anh đau đớn lắm. Nhưng điều đó cũng không thể ngăn anh nở nụ cười tinh quái khi đưa tôi mảnh giấy gấp vuông vức và nói, “Lá thư này tôi viết cho cô”.
Công việc bận rộn khiến tôi quên bẵng lá thư đó, mãi đến khi về nhà tôi mới mở thư ra đọc. Tôi thật sự ngạc nhiên trước điều anh viết. Trong thư, anh nói thật vui khi thấy ai đó mỉm cười ở một nơi thế này, không nhất thiết là cười với anh, chỉ cần mỉm cười là được.
Trong những đêm tiếp theo, chúng tôi có nói chuyện với nhau một chút. Lúc đó tôi mới biết anh từng phải ra vào viện nhiều lần vì bệnh nhiễm trùng quái ác kia. Vẻ ngoài vui vẻ lạc quan của anh khiến người ta ngạc nhiên khi biết anh đã phải chiến đấu với căn bệnh này trong khoảng thời gian dài và việc điều trị hầu như không có hiệu quả. Anh từng học đại học ở Los Angeles, làm thêm ở quán bar để kiếm tiền trang trải cuộc sống và đam mê lướt sóng. Tất nhiên thú vui đó đành tạm gác lại khi căn bệnh nhiễm trùng bộc phát. Các bác sĩ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân căn bệnh của anh nhưng anh chưa một lần oán trách số phận hay thương hại bản thân. Anh chỉ tập trung điều trị, tiếp tục sống lạc quan và không lãng phí thời gian vào những suy nghĩ tiêu cực.
Chúng tôi nói về “nụ cười” của tôi. Tôi không thể tin có người nói tôi luôn nở nụ cười. “Nhưng tôi thấy cô hay cười mà”, anh nói. “Cô mỉm cười với bệnh nhân khi lấy thuốc cho họ uống. Cô mỉm cười khi bước vào phòng lúc sáu giờ sáng để đo nhiệt độ cho bệnh nhân. Ở đây không ai mỉm cười cả. Họ hành xử như thể họ ghét nơi này và cảm thấy phiền phức khi phải chăm sóc bệnh nhân. Nhưng cô thì khác, cô lúc nào cũng cười. Chắc là cô yêu công việc của mình lắm.”
Tôi cố kìm lại những giọt nước mắt xúc động trước những lời anh nói.
Đến giờ tôi vẫn giữ lá thư đó và lấy nó ra đọc lại mỗi khi gặp chuyện khó khăn và nản chí. Lá thư đơn giản đó tác động lớn đến cách tôi làm việc, và giờ đây lúc nào tôi cũng nở nụ cười. Dù mệt mỏi hay không vui trong lòng, nụ cười luôn thường trực trên môi khi tôi đến gặp bệnh nhân. Và hóa ra, nụ cười có thể giúp khó khăn bạn đang đối mặt nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Phải chăng phần thưởng lớn nhất của việc làm tử tế là lời cảm ơn và sự công nhận của người khác? Đúng là chúng ta cảm thấy vui khi nhận được lời cảm ơn, nhưng có lúc việc làm tử tế thầm lặng lại mang đến cho chúng ta những cảm xúc thật sự đặc biệt. Đó là khi hành động tử tế xuất phát từ tận đáy lòng, và phần thưởng họ mong muốn chỉ là nụ cười của người mà họ đã âm thầm giúp đỡ.