“Hãy là biểu hiện sống của lòng nhân từ; nhân từ trên khuôn mặt, nhân từ trong ánh mắt, nhân từ trong nụ cười, nhân từ trong lời chào hàng ngày.”
- Mẹ Teresa
Thiện nguyện và hàm ơn là hình ảnh phản chiếu của nhau.
Thiện nguyện là giúp đỡ những người cần được giúp đỡ và bao dung khi xem xét những nhu cầu đó. “ Charity ” (thiện nguyện) bắt nguồn từ chữ “ carus ” trong tiếng La-tinh, có nghĩa là “ được quý trọng ”, “ được yêu thương ”. Quả thật, ta thường mở rộng vòng tay, mở rộng trái tim, rộng lượng và vị tha đối với những người chúng ta yêu quý. Sự mở lòng như thế chính là tinh thần của Thiện nguyện.
Trong khi đó hàm ơn lại là một khía cạnh khác. Bạn cảm tạ khi nhận vật trao tặng, khi nhận được sự thấu hiểu, lòng vị tha và bày tỏ thái độ cảm kích trước lòng tốt của người khác.
Cả thiện nguyện và hàm ơn đều xuất phát từ lòng trắc ẩn mà bạn đã khám phá trong chương trước. Hai hành động này được xem như là hơi thở tâm linh: hàm ơn là hít vào , nhận lấy năng lượng sống từ bên ngoài, còn thiện nguyện là thở ra , đền đáp lại cho đời.
Khi thực hành cả thiện nguyện và hàm ơn, ta đang thực sự nuôi lớn sức mạnh Trí tuệ Tâm linh của mình. Ta học cách “hít vào” và “thở ra” nhịp nhàng, chứ không phải lúc nào cũng “kìm giữ hơi thở”. Làm vậy ta sẽ cảm thấy thoải mái, hạnh phúc và “hòa nhập” hơn với thế giới này.
Phần thưởng cho việc trao - nhận tự nhiên ấy là ta sẽ được kết giao với nhiều bạn mới, có sức khỏe tốt hơn và sống sung túc hơn – loại “tiền tệ” được dùng để trao đổi ở đây là nụ cười của bạn! Đương nhiên những hành động tốt đẹp này cũng mang lại lợi ích không thể đo đếm được cho cộng đồng và cho thế giới.
“Người này thật cao quý với lòng thiện nguyện cao cả của mình.”
- Thomas à Kempis
“Chiến dịch của Trevor”
Vào năm 1983, cậu bé Trevor Ferrell đã gặp một người đàn ông vô gia cư sống vất vưởng trên đường phố Philadelphia. Về tới nhà, Trevor hỏi ba mẹ cậu rằng tại sao người đàn ông đó lại ngủ qua đêm ngoài hè phố lạnh lẽo như vậy. Và khi được giải thích rằng vì ông ta không có nhà cửa và chẳng có ai chăm lo cho ông, Trevor đã xin bố mẹ chở cậu vào lại thành phố để cậu có thể tặng ông chiếc gối và chiếc chăn màu vàng của cậu. Bố mẹ cậu đã thực hiện theo lời thỉnh cầu đó.
Từ hành động giàu lòng trắc ẩn khởi sinh từ một cậu bé 13 tuổi với trái tim nhân hậu, “Chiến dịch Trevor” bắt đầu lan tỏa mạnh mẽ. Kể từ ngày đó, cứ mỗi đêm, các tình nguyện viên, cả người lớn và trẻ nhỏ, đi dọc khắp các con phố ở Philadelphia để mang đến những bữa ăn nóng hổi, chăn ấm, quần áo, sự quan tâm và yêu thương cho những con người khốn khổ.
Trevor đã phát biểu về chiến dịch của cậu ở trường học, hội trường thành phố và các cuộc họp thị trấn. Khi được hỏi rằng sự lớn mạnh của chiến dịch có làm cậu ngạc nhiên không, Trevor đã khẳng định: “ Khi làm việc đó, tôi không trông mong sẽ có 1.100 tình nguyện viên, 3 chiếc xe tải lớn và 1 ngôi nhà chung cho những người vô gia cư. Tôi chỉ mong muốn giúp đỡ người đàn ông đáng thương kia, một lần duy nhất ”.
Quan điểm của cậu cũng giống như quan điểm của Mẹ Teresa (Trevor đã làm việc cho Mẹ khi còn ở Ấn Độ). Mọi người thắc mắc tại sao Mẹ vẫn tiếp tục công việc của mình – đón nhận những người hấp hối và giúp đỡ những đứa trẻ đường phố – khi mà những vấn đề này cứ tiếp diễn, và tất cả những gì Mẹ làm chỉ giống như “mang muối bỏ biển” vì có đến hàng ngàn mảnh đời khốn khó đang cần được giúp đỡ. Mẹ bình thản trả lời rằng: “ Vâng, hoàn toàn chính xác, những gì tôi làm chỉ như đổ nước vào biển, nhưng chính nhờ những giọt nước ấy mà đại dương đang ngày một rộng lớn hơn ”.
Lớp học tung hứng
Trong những lớp học hướng dẫn cách Tìm hiểu và Phát huy Sức mạnh Tâm trí của tôi trên khắp thế giới, một trong những trò chơi mà chúng tôi thường chơi là Tung hứng , dựa trên phương pháp của Mike Gelb. Tung hứng là một cơ hội để học tập và là một công cụ giảng dạy tuyệt vời, vì nó phản chiếu ngay tức thì cách bộ não chúng ta thu nạp bất kỳ kỹ năng mới nào.
Song, điều đáng buồn ở bài tập thử nghiệm này đó là cách phản ứng của các học viên khi tôi đánh giá cao sự tiến bộ của họ. Mặc dù tung hứng được 3 trái banh, thậm chí làm chủ được cả kỹ thuật tung hứng phức tạp, nhưng phản ứng của họ trước lời khen tặng “ Làm tốt lắm! ” của tôi luôn là:
- “ Không đâu thầy ơi, em chỉ mới thử thôi nên còn vụng lắm! ”
- “ Chẳng có gì hay ho! Em bị vướng chỗ này nè! ”
- “ Chỉ là do may mắn thôi, thầy ạ! Lần sau chưa chắc đã được! ”
- “ Lẽ ra em phải làm tốt hơn thế! ”
Điểm chung của tất cả những phản ứng trên là gì?
Chối bỏ bản thân!
Điều kỳ khôi đó là cho dù đã làm rất tốt nhưng họ vẫn luôn phủ nhận sự xuất sắc của mình.
Nếu tôi thốt lên “ Ôi, thật phi thường! Không thể tin nổi! ” khi ai đó đang tung hứng 7 trái banh, 1 bánh răng cưa và 1 con gà còn sống thì họ sẽ đáp lời ngay: “Chẳng có gì là to tát! Tôi chỉ đang cố tập để tung hứng 8 trái banh, 2 cái bánh răng cưa và 2 con gà đây! ”.
Nếu đã từng bị chỉ trích và bị phạt cho những lỗi lầm mắc phải khi còn nhỏ, và bị chê trách rằng thật ngạo mạn khi hài lòng với thành công của bản thân, chúng ta trở nên quen với việc tự trách phạt mình, bất kể đã làm tốt như thế nào. Không chỉ có thế, chúng ta còn gạt bỏ cả những lời ngợi khen mà mọi người dành cho mình.
“Ghi nhận những hành động tốt đẹp cũng quan trọng không kém việc thực hiện những hành động tốt đẹp đó.”
- Seneca
Bảo rằng “ Tôi rất bình thường ”, chúng ta đã vô tình xúc phạm người đang khen ngợi mình. Khi tôi đánh giá cao sự xuất sắc của các học viên, chính xác những gì họ đáp lại với tôi là: “ Tony, thầy sai rồi. Thầy thật ngớ ngẩn. Sao thầy lại cho rằng tôi đang làm rất tốt trong khi tôi biết là tôi chẳng làm nên trò trống gì ”.
Chẳng phải đây là thái độ xúc phạm người đang cố gắng tỏ ra hiền lành, ôn hòa và nhún nhường hay sao?!
Bài học từ câu chuyện này đó là hãy trân trọng đón nhận lời cảm ơn và những món quà từ người khác, đồng thời cũng thể hiện thái độ cảm kích và tôn trọng họ.
“Bản thân sự hàm ơn đã là điều tuyệt diệu nhất rồi.”
- William Blake
Cậu bé khốn khó & nền giáo dục toàn cầu
Giữa thế kỷ XIX, một cậu bé 12 tuổi người Scotland, tên Andrew Carnegie, đã di cư đến sống ở thành phố Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania. Xuất thân từ gia đình nghèo khó nên cậu phải ra đời kiếm sống từ rất sớm, đầu tiên là làm việc trong một xưởng kéo sợi, rồi chuyển sang đưa tin điện báo, và làm nhân viên đường sắt trước khi gia nhập ngành sản xuất sắt thép.
Chàng thanh niên Carnegie có một niềm tin rất lớn vào bản thân. Nhờ tinh thần làm việc chăm chỉ và biết rút ra bài học kinh nghiệm từ sai lầm của mình nên cậu nhanh chóng đạt đến đỉnh cao sự nghiệp. Carnegie đã phát triển Tập đoàn Sắt thép Liên bang Mỹ trở thành công ty lớn nhất thế giới, và bản thân ông trở thành người giàu có nhất thế giới.
Đối với những ai đang tìm cách phát triển Trí tuệ Tâm linh, có 2 điều nổi bật cần học hỏi từ người đàn ông này.
Thứ nhất, Carnegie cho rằng phần lớn thành công của ông ngày hôm nay là do không ngừng học tập và vận dụng sức mạnh phi thường của não bộ cho Trí tuệ Tâm linh và Trí tuệ Sáng tạo. Ông đã phát biểu rằng:
“Con người ta, với tất cả sự hợm hĩnh về nền văn hóa và giáo dục mà mình có được, hiểu rất ít hoặc hầu như không hiểu gì về sức mạnh vô hình của suy nghĩ. Họ biết nhưng rất ít quan tâm đến bộ não và kết cấu phức tạp của nó – dù chính nhờ cấu trúc này mà sức mạnh của suy nghĩ được chuyển thành lời nói, hành động; tuy nhiên, hiện nay con người đang tiến vào thời đại nhận thức thấu suốt hơn về những điều này.”
Carnegie đề nghị mọi người nên tìm hiểu về bộ não và các loại hình trí thông minh.
Điều thứ hai cần học hỏi ở ông là vào năm 1901, khi ấy đã 66 tuổi, ông quyết định nghỉ hưu nhưng vẫn trăn trở cần phải làm gì đó với khối tài sản khổng lồ tích lũy được nhờ lao động hăng say, trí thông minh và sự sắc sảo của mình.
Vậy ông đã quyết định làm gì?
Mang tất cả đi làm từ thiện!
Cụ thể là làm gì?
Đẩy mạnh cho giáo dục và đào tạo.
Nếu tính theo giá trị hiện nay, Carnegie đã đóng góp trên một trăm triệu đô-la Mỹ cho nền giáo dục toàn cầu, các thư viện, các trường đại học ở Scotland và Mỹ, các bảo tàng, các phòng triển lãm nghệ thuật, các nhà thờ ở khắp châu Âu và cho Viện Carnegie của mình, nơi đóng góp hàng triệu đô-la hàng năm cho việc giao lưu văn hóa.
Andrew Carnegie đã chuyển mình từ một nhà tư bản công nghiệp thành công nhất thế giới thành một nhà giáo dục thiện nguyện. Từ trước đến nay, có lẽ ông là người cống hiến nhiều tài sản nhất cho mục đích nâng cao các tiêu chuẩn giáo dục và tạo cơ hội học tập cho các thế hệ sau.
Thắp sáng “Địa ngục”
Florence Nightingale được ghi nhận là người đã làm cho công việc điều dưỡng trở thành một nghề được tôn vinh như hiện nay, và cũng đã khuyến khích hàng triệu người bước tiếp con đường của mình.
Bà làm việc không ngừng nghỉ, tận tâm và hy sinh bản thân mình để cứu lấy mạng sống con người, làm vơi nhẹ nỗi đau trong hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc chiến Krym (1853 – 1856).
Đối với những binh sĩ phải chịu đựng gió lạnh, mưa rơi, tuyết phủ và nhịn đói triền miên, cũng như phải mang trên mình những vết thương đang mưng mủ kinh khiếp trong một môi trường chẳng mấy vệ sinh, Florence Nightingale là niềm hy vọng của họ. Chính những hành động thiện nguyện thiết thực của bà đã gieo niềm tin và truyền ý chí cho những con người khốn khổ này.
Sau chiến tranh, Florence Nightingale tiếp tục cống hiến sức lực của mình để giúp đỡ và chăm sóc mọi người. Bà đã cải cách nghề điều dưỡng và hệ thống các bệnh viện – chịu trách nhiệm thiết kế các bệnh viện sao cho thông thoáng và đầy đủ ánh sáng. Bệnh viện St. Thomas nổi tiếng ở London là một trong những minh chứng cho công việc này của bà.
Chính việc làm của những cá nhân giàu Trí tuệ Tâm linh như Andrew Carnegie và Florence Nightingale đã đặt nền móng cho sự ra đời của các tổ chức từ thiện ngày nay. Vào những năm đầu thế kỷ XXI, mỗi năm, hàng ngàn tổ chức đã quyên góp được những khoản tiền rất lớn cho hoạt động từ thiện trên khắp thế giới, tất cả đều nhằm mục đích nâng cao điều kiện sống của con người.
Tuy nhiên, không phải chỉ có những hoạt động từ thiện quy mô mới được tính đến; những món quà nho nhỏ từ các mạnh thường quân như tiền bạc, sự quan tâm chăm sóc hoặc thời gian cũng có ý nghĩa không thua kém gì mà ngược lại, điều này ngày càng quan trọng trong cuộc sống bận rộn hiện nay.
“… Phần đóng góp ý nghĩa nhất trong cuộc đời một người tốt chính là những hành động dù hết sức nhỏ nhoi, không thể gọi tên, không được nhớ đến nhưng đầy tử tế và chan chứa tình yêu thương…”
- William Wordsworth
Rèn luyện Trí tuệ Tâm linh
Hãy thực hành theo những gì mà Tiên tri Muhammad, nhà lãnh đạo tâm linh vĩ đại, đã khuyên bảo:
“Hãy đối xử tốt với cha mẹ,
với bà con họ hàng,
với những đứa trẻ mồ côi và người nghèo khó,
với những người hàng xóm gần bên,
với những người cùng làng cùng xóm,
với những người bạn đồng hành,
với những người xa lạ,
và với những lời nói của mình.”
Thực tế, bố thí là một trong những phần thực hành quan trọng đối với nhiều tôn giáo lớn trên thế giới. Thiện nguyện là một trong năm “trụ cột” của đạo Hồi, là giáo lý trung tâm của Do Thái giáo và Công giáo, cũng như đạo Phật và đạo Hindu.
Kiểm tra quá trình độc thoại nội tâm của bạn (như đã thực hiện ở chương 3), nhưng lần này thì thay đổi hoàn toàn khác. Hãy mang thái độ khoan dung độ lượng với bản thân, và thử nghiệm “trò chơi” sau đây:
Mỗi khi bạn sắp tìm hiểu về điều gì đó mới mẻ, hãy tưởng tượng bạn được chia thành 2 con người: người thứ nhất là bạn - trong vai trò cha/mẹ , người thứ hai là bạn - trong vai trò là một đứa trẻ 5 tuổi .
Bạn - cha/mẹ giữ vai trò là người hướng dẫn, còn bạn - con trẻ thì đang học hỏi. Bạn - cha/mẹ đối xử với bạn - con trẻ bằng tất cả tình yêu thương và sự quan tâm mà bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng sẽ đối xử như thế với con cái mình.
Bạn - cha/mẹ sẽ nói những lời động viên như: “ Đúng rồi con! ”; “ Phải rồi, như thế đó! ”, “ Giỏi lắm! ”, “ Con đúng là một tay chơi ghi-ta/một cầu thủ bóng đá/một tay tung hứng cừ khôi/v.v. ”, “ Sai lầm đó thật là thú vị! ”, “ Hãy cố lần nữa đi con! ”, “ Chắc chắn con sẽ làm được mà! ”…
Khoan dung độ lượng với bản thân theo cách này cũng là một hình thức động viên và tạo cảm giác thoải mái để học hỏi. Bạn sẽ phát hiện ra rằng bạn – con trẻ tiếp thu rất nhanh và hết mực yêu thương, biết ơn bạn.
Hãy vẽ một Bản đồ Tư duy cho tất cả những gì mà bạn cảm thấy trân trọng, biết ơn trong cuộc sống. Đừng chỉ tập trung vào những “đối tượng” hiển nhiên (như bạn bè, gia đình, sức khỏe), mà hãy nghĩ đến những “đối tượng” thầm lặng (như: cảm nhận ánh nắng trên gương mặt, làn gió thổi mơn man, vị giác, khứu giác, khả năng lắng nghe và chia sẻ với mọi người…).
“ Nhìn vào sâu bên trong đóa hoa, bạn sẽ thấy mây trời, ánh sáng, khoáng chất, thời gian, Trái đất, và những thứ khác nữa trong Vũ trụ này. Không có mây trời sẽ không thể có mưa, và không có mưa thì không hoa cỏ nào có thể tồn tại.”
- Thích Nhất Hạnh
Mỗi ngày, hãy bày tỏ sự cảm kích tới những người chung sống và làm việc cùng bạn, hay những người xa lạ gặp trên phố. Kỳ lạ là chỉ một lời khen, hay lời cảm ơn thôi cũng có thể làm cho một ngày của ai đó trở nên tốt đẹp.
Mọi người đều có nhu cầu đón nhận sự cảm kích và lòng trắc ẩn từ người khác. Vì vậy, hãy…
… bày tỏ sự cảm kích tới những người giúp đỡ bạn (như: người bán hàng, nhân viên phục vụ quán ăn, người thu gom rác, người quét đường, nhân viên lau dọn văn phòng, tài xế xe buýt v.v.), đặc biệt là những người đang phải làm những việc rất “khủng khiếp” bởi vì nếu không có họ, cuộc sống sẽ vô cùng khó khăn.
… bày tỏ sự cảm kích tới bạn bè, đồng nghiệp, nhà quản lý của bạn. Thú vị thay, trái với những gì mọi người thường nghĩ, người nắm giữ vị trí cao trong công ty thường ít nhận được sự cảm kích từ nhân viên cấp dưới. Sao lại thế? Vì mọi người cho rằng đã có người khác ca tụng những vị quản lý này.
Hãy hỗ trợ cộng đồng địa phương bằng cách quyên tặng quần áo, máy móc, vật dụng không còn dùng đến cho các trung tâm nhân đạo; hoặc bạn có thể đưa đón hay trông con giúp người hàng xóm trong vài giờ; hướng dẫn một đồng nghiệp tại cơ quan… Có rất nhiều việc thiện để bạn thực hiện.
Khi xảy ra những thảm họa như động đất, đói kém, lụt lội… ở đâu đó, hãy đóng góp một chút tiền bạc, quần áo ấm hay cống hiến thời gian cho nỗ lực giảm nhẹ thiệt hại. Những hành động nhỏ khi được tập hợp lại sẽ là sự đóng góp to lớn, giúp giảm bớt nỗi thống khổ của nạn nhân.
Ta sẽ không bao giờ biết được chuyện xảy đến với ta là tốt hay xấu, vì vậy hãy cố gắng xem mọi việc như là “phúc lành”. Tái ông mất ngựa là câu chuyện kinh điển minh họa cho cách nhìn lạc quan này:
Xưa có một lão nông rất giỏi nuôi ngựa. Một ngày nọ, con ngựa của ông đi lạc đâu mất, những người hàng xóm qua chia buồn và cho rằng chuyện này thật xui xẻo, nhưng lão nông chỉ đáp: “ Chưa chắc là họa hay phúc ”.
Ngày hôm sau, con ngựa trở về cùng với một con ngựa khác. Lần này những người hàng xóm lại hoan hỉ chúc mừng và cho rằng đây là điều may mắn, tuy nhiên lão nông vẫn thản nhiên đáp: “ Chưa chắc là phúc hay họa ”.
Ngày tiếp theo, con trai ông háo hức thử cưỡi con ngựa mới, nhưng lại bị ngã gãy chân. Hàng xóm lại qua chia buồn với sự “xui xẻo” này và cũng như bao lần, lão nông bình thản nói: “ Chưa chắc đó là họa ”.
Ngày hôm sau nữa, binh lính triều đình kéo đến làng, bắt hết thanh niên trai tráng trong làng phải tòng quân ra trận, chỉ riêng người con trai của lão nông đang bị gãy chân nên được miễn.
Lời khẳng định giúp củng cố Trí tuệ Tâm linh