Khi đã ra khỏi Esplanade, tôi bắt đầu đi theo hướng về thị trấn, cố gắng hồi tưởng lại con đường chúng tôi đã bị đưa đi từ Rennie Road. Tôi đi bộ suốt đêm, tránh cảnh sát và những con đường chính và thường đi những con đường hẻm sau hoặc đi qua những khu vườn. Ngày hôm sau tôi lang thang tìm kiếm những địa danh tôi đã nhìn thấy từ trên ô tô. Nhưng cuối cùng tôi đã bị lạc. Cho đến cuối ngày hôm đó tôi đã đi được vài dặm và tôi lạc vào một ngôi làng nhỏ ở ngoại ô thị trấn, gần với sông.
Tôi rất mệt và lạnh nhưng tôi vẫn quyết tâm đi tiếp. Đêm đó tôi nằm dưới một gốc cây, nhìn lên bầu trời sao cho đến khi ngủ thiếp đi. Sáng sớm hôm sau tôi lại lên đường, đi men theo bờ sông. Tôi đã không ăn suốt 36 tiếng và tôi đói kinh khủng. Tôi bắt đầu tưởng tượng mình được ăn những cái bánh to đùng được phủ kem mà người ta vẫn gọi là bánh kem.
Đột nhiên, tôi nhận ra thấp thoáng đằng xa vượt qua vài cánh đồng là đỉnh lâu đài dưới chân đồi Bunny. Tôi quá mừng rỡ. Nhưng tôi đang ở bên này sông và không biết làm cách nào để có thể đi qua sông.
Tôi tiếp tục đi, hi vọng sẽ tìm thấy một cây cầu, và lúc gần cuối ngày tôi đã đến một ngôi làng rất nhỏ ở Coxgreen và nhìn thấy một cây cầu bộ bắc qua sông. Vì trời đã tối, tôi chui vào cạnh một bụi cây và trốn ở đó suốt đêm, dù tôi gần như không thể chợp mắt vì đói và lạnh.
Sáng sớm hôm sau, trước khi bình minh lên, trời bắt đầu mưa lớn. Ướt sũng và lạnh thấu xương, tôi băng qua cầu tới một ngôi làng nhỏ khác. Dù trời vẫn còn tối tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng người vọng ra từ những ngôi nhà tôi đi qua, họ đang nói chuyện, chuẩn bị cho một ngày mới.
Đột nhiên một chiếc ô tô dừng lại bên cạnh tôi. Tôi đã không nghe thấy tiếng xe vì trời mưa to quá. Đó là một chiếc Minis nhỏ cảnh sát ngày đó thường dùng. Một viên cảnh sát bước xuống xe và nói, “Một cậu bé làm gì ngoài trời giờ này trong lúc mưa to thế? Cháu muốn đi nhờ không?”
Tôi không thể nói không. Ông ấy là một cảnh sát, bạn phải làm những gì họ bảo. Ông ấy chắc chắn nghĩ tôi hẳn đã bị lạc, vì thế tôi được cho lên ghế sau xe và đưa đến đồn cảnh sát. Ở đó họ hong khô người cho tôi và bảo tôi ngồi trên bàn, cho tôi ăn bánh sandwich và uống trà. Tôi bị hỏi rất nhiều. Cháu ở đâu? Sao cháu lại bỏ trốn? Có ai nói chuyện với cháu không? Cháu đã đi đâu? Liên tục những câu hỏi dồn dập, nhưng tôi không nói gì cả, chỉ nhét bánh mì vào miệng và uống trà.
Một lúc sau tôi lại bị tống lên chiếc Mini và đưa trở lại Esplanade. Khi về đến nơi, tôi thấy bác Kennedy đã đợi sẵn trên bậc thềm. Ông kéo tai tôi lôi thẳng vào văn phòng, đánh tôi một trận đòn nhử tử và bảo tôi về giường. Lát sau thì dì Matron đến mang theo đồ ăn nóng và trà. Bà nói chuyện với tôi, cố gắng tìm hiểu lý do tôi bỏ trốn. Nhưng sao tôi có thể nói đây? Bà có vẻ thật sự muốn biết, nhưng tôi đã cố tìm về với Irene và đó là chuyện bị cấm. Tôi biết mình sẽ gặp nhiều rắc rối hơn nữa nếu tôi nói ra. Vì thế tôi chỉ nói “Cháu không biết”. Tôi nghĩ dì Matron rất buồn khi tôi không nói cho bà những chuyện thực sự đã xảy ra, nhưng cuối cùng bà cũng thôi không hỏi nữa và đi ngủ.
Không bao lâu sau tôi lại bỏ trốn lần nữa, và lần này tôi đã sẵn sàng. Đó là một ngày tháng 12, trời rất lạnh, nhưng tôi đã mặc một chiếc áo khoác để giữ ấm và mặc thêm áo mưa ra ngoài để không bị ướt, sau đó tôi đến trường. Tôi đã để dành một ít tiền thay vì mua kẹo, và tôi có một ít bánh mì đã lén giấu vào bụng từ bữa xế ngày hôm trước và tôi đã bọc nó trong một tờ báo cũ. Tôi đã có mọi thứ tôi cần. Vì vậy sau giờ học, thay vì trở lại Esplanade cùng mọi người, tôi trốn đi.
Tôi đi theo con đường đã đi lần đầu tiên, nhưng lần này tôi đi nhanh hơn vì tôi đã biết mình sẽ đi hướng nào. Đêm đầu tiên tôi rời khỏi làng Coxgreen để đi qua sông. Trời lạnh nhưng chí ít thì cũng không mưa. Người tôi khô ráo và tôi có bánh mì.
Vào ngày thứ hai tôi cẩn trọng hơn. Tôi đi qua làng, nhưng chỉ đi bằng những con đường hẻm sau. Cuối cùng tôi đã lại ra đến bìa làng, băng qua những cánh đồng, nhằm thẳng hướng lâu đài Hylton nhưng vẫn cố gắng trốn sau những bờ rào và những cây lớn. Đến tôi hôm đó tôi đã rất lạnh và đói. Bánh mì của tôi đã hết và dù tôi có một ít tiền, tôi không thấy có cửa hàng nào gần đó. Tôi quyết định đi xuyên đêm, và khoảng hai giờ sáng tôi đã đến chỗ Lâu đài. Ngay sau đó, sừng sững trong ánh trăng, là đồi Bunny.
Tôi đã kiệt sức, nhưng rất hạnh phúc. Tôi đã làm được rồi! Tôi leo lên đồi trong đêm và sau khi dò dẫm xung quanh một chút tôi tìm thấy khe hở dẫn vào hầm trú ẩn của chúng tôi. Tôi không tìm lối vào rộng ở cuối hang, vì tôi không chắc mình có thể tìm thấy nó trong bóng đêm, tôi cũng không muốn bị cào bởi những cây tầm ma. Kế hoạch của tôi là vào đó và đợi đến sáng, sau đó xuống đường chính và sẽ gặp Irene lúc cô ấy đang đi bộ đến trường. Ý nghĩ sẽ được gặp Irene khiến tôi cảm thấy thật tuyệt vời. Cuối cùng tôi sắp có thể giải thích với cô ấy những chuyện đã xảy ra. Cô ấy sẽ biết tôi không hề muốn rời khỏi Rennie Road.
Tôi lách mình qua khe hở vào trong hầm như tôi đã làm rất nhiều lần trước đó. Nhưng lần này tôi suýt mắc kẹt. Tôi đã lớn hơn nhiều từ lần cuối cùng tôi lách qua đây. Khi đã ở bên trong, tôi nằm cuộn tròn trên nền xi măng ở một góc tối cách xa khe hở, cố gắng tự giữ ấm vì lúc này bên ngoài tuyết đã rơi. Tôi thiếp đi một hoặc hai giấc gì đó nhưng rồi cơn đói và cái lạnh lại đánh thức tôi. Dần dần, khi trời tang tảng sáng, tôi có thể nghe thấy tiếng chiếc xe buýt chuyến sớm đã đến trên đường chính, cả tiếng ồn vọng lại từ xa phát ra từ quầy báo dưới chân đồi. Đói và lạnh bủa vây, tôi quyết định đi ra ngoài, xuống những cửa hàng mua gì đó để ăn trong lúc chờ để gặp Irene ở bến xe buýt.
Tôi lại lách mình qua khe hở ra ngoài và đi xuống dưới chân đồi, người đông cứng vì lạnh, hai răng va vào nhau lập cập. Tôi đến cửa hàng và nhìn quanh. Người bán hàng để ý đến tôi nên tôi quyết định phải nhanh chóng lên. Tôi nhặt lấy một gói có chữ “dâu tây” trên vỏ, tôi không chắc đó là gì nhưng nhìn nó có vẻ ngon.
Thanh toán xong tôi đi bộ vòng ra phía sau cửa hàng để không bị bắt gặp, và mở gói kẹo dâu ra. Tôi cắn một miếng, nhưng nó có vị như cao su và chẳng ngon. Tôi quá đói nên vẫn phải nhai và nuốt, và tôi mau chóng nhận ra mình đã mua một gói thạch dâu tây sống.
Ăn xong tôi quyết định đến bến xe buýt đợi Irene. Nhưng khi tôi vừa vòng ra khỏi khúc quanh chỗ cửa hàng thì có hai cảnh sát tiến lại. Hẳn là người bán hàng đã gọi họ. Không còn cách nào khác, tôi nhìn quanh tìm lỗi thoát, nhưng họ đã giữ chặt tôi. Khi họ lôi tôi về phía xe của họ để đẩy tôi lên, tôi vùng vẫy và la hét giận dữ.
Khi đã ngồi trên xe, khi mọi hi vọng trốn thoát đã biến mất, tôi co rúm người ở ghế sau, như một đống bẩn thỉu nhỏ bé, và rồi tôi ôm mặt khóc nức nở. Irene đã sắp đến rồi. Cô ấy sẽ đi qua chỗ đó. Và tôi đã bỏ lỡ. Cô ấy sẽ không biết được rằng tôi đã đến đó đợi cô ấy. Cô ấy sẽ không biết tôi ở đâu, không biết rằng tôi muốn gặp cô ấy đến mức nào. Trái tim tôi đã tan vỡ.
Tôi bị đưa đến đồn cảnh sát, nơi mà lại một lần nữa tôi được cho ăn bánh sandwich và uống trà nóng, dù tôi không thể nuốt nổi.
“Cháu định làm gì thế, chàng trai?”, một viên cảnh sát hỏi tôi. Nhưng tôi không nói gì. Không ai có thể moi móc được bí mật của tôi. Tôi ngồi đó, yên lặng, nước mắt chảy dài, cho đến khi họ lại cho tôi lên xe và đưa tôi về Esplanade.
Bác Kennedy có vẻ đắc thắng khi ông nhìn thấy tôi. Ngay sau khi viên cảnh sát đưa tôi vào cửa đi khuất, ông bắt đầu túm lấy cổ áo tôi và lôi tôi đến bàn làm việc của ông và cầm dép đập tôi. Ông không dừng lại cho đến khi ông thấm mệt, và tôi đã đau đến nỗi phải bò lên cầu thang để về phòng ngủ.
Một lúc sau dì Matron đến, mang theo một cốc trà nóng. Tôi đã trùm chăn qua đầu, hy vọng có thể quên đi mọi thứ trong bóng tối. Bà tới ngồi bên giường tôi, nhẹ nhàng hỏi tôi tại sao lại trốn đi. “Cháu muốn về lại nhà cũ à?”, bà đã hỏi như vậy. “Tại sao cháu lại muốn về đó? Ở đây cháu không thích chúng ta à?”
Tôi đã không nói gì. Dì Matron hỏi lại lần nữa, nhưng sau một lúc không thấy tôi đáp lời bà đã bỏ đi. Tôi nằm đó, đau đớn, người đầy những vết thâm tím và trái tim đã vụn vỡ, nghĩ về Irene. “Mình sẽ tìm cô ấy”, tôi thầm nói với bản thân như vậy. “Mình sẽ không bỏ cuộc.”
Tôi chưa bao giờ ngừng cố gắng. Sau lần đó tôi còn nỗ lực nhiều lần hơn, nhưng giờ họ đã biết tôi định đi đâu nên tôi luôn luôn bị bắt lại trước khi đến được nhà cũ. Tôi đã có nhiều đêm ngủ trên cánh đồng hoặc khi trời quá lạnh hoặc mưa tôi sẽ ngủ trong những nhà kho trong vườn. Và lần nào tôi trở về bác Kennedy cũng đã cầm dép đợi sẵn.
Đúng lúc này anh trai Michael của tôi đến Esplanade.
Tôi đã không gặp anh kể từ kì nghỉ ở Whitby, đã được hơn một năm rưỡi. Thật tốt khi được gặp lại anh ấy, nhưng anh ấy lớn hơn tôi bốn tuổi và sở thích cũng như bạn bè của anh ấy khác tôi, vì thế chúng tôi không thể nào thân thiết. Tôi luôn gặp rắc rối với bác Kennedy và bất cứ ai gần gũi tôi cũng rất dễ bị bác ấy gây khó dễ. Nhưng một lần Michael đã làm một điều mà tôi không bao giờ có thể quên. Anh ấy đã đi xuống cầu thang đúng lúc bác Kennedy đang đánh tôi, và Michael nổi giận và hét lên bảo ông ta thả tôi ra. “Ông luôn nhắm vào nó”, anh ấy hét lên như vậy. Kết cục là hai người họ lao vào vật lộn và chỉ đến khi dì Matron tới can ngăn và kéo Michael ra thì họ mới dừng lại. Tôi há hốc miệng ngạc nhiên trước sự dũng cảm của anh ấy và càng ngưỡng mộ anh ấy hơn. Tôi biết sau đó anh ấy sẽ bị đòn. Nhưng rồi sau anh ấy lại tuyên bố rằng tôi đã khiến anh ấy gặp rắc rối và bảo tôi tránh xa anh ra. Tôi cũng không trách anh ấy vì chuyện đó.
Một ngày, không lâu sau lần Michael đứng lên bảo vệ tôi, khi tôi đang chơi với các bạn ở trường sau giờ học thì tôi chợt nhận ra đã muộn giờ về nhà. Đám con trai ở Esplanade chúng tôi phải về thẳng nhà sau giờ học, chúng tôi không được phép ở lại hay la cà đi chơi tới nhà các bạn khác. Nhưng khi tất cả bọn trẻ đều chơi, tôi đã muốn tham gia. Tôi chỉ định ở lại một vài phút thôi rồi sẽ chạy về nhà. Rắc rối ở chỗ tôi đã quên mất thời gian.
Thỉnh thoảng, khi tôi nhận ra mình đã muộn giờ, tôi sẽ theo các bạn tôi về nhà họ và ngủ ở nhà kho trong vườn nhà họ. Họ sẽ lén mang ra cho tôi một ít đồ ăn. Như thế còn hơn là tôi phải về nhà ngay, đối mặt với một trận đòn đang đợi sẵn.
Lần này tôi quyết định chạy về với hi vọng mình đủ nhanh để về kịp. Tôi cắm đầu chạy thẳng, và khi tới một trong những con đường đông nhất trong thị trấn tôi chạy vèo qua đường. Binh! Thanh đỡ va của một chiếc xe tải lớn đập trúng giữa hai mắt tôi. Tôi bị kéo lê bên dưới nó và xóc nảy trên đường. Và rồi đầu tôi va vào bánh sau và tôi nảy ra sang đường bên kia.
Hình như người lái xe không nhìn thấy tôi. Thanh đỡ va trên những chiếc xe tải ngày đó cao bằng đầu của một chàng trai trẻ, và lúc đó đường quá đông và ồn nên có thể người lái xe không biết rằng ông ta đã đâm phải tôi.
Có thể đó là một cú sốc, nhưng tôi chẳng cảm thấy gì cả. Tôi đứng dậy và nhìn quanh, vẫn còn choáng váng. Một nhóm phụ nữ đứng bên ngoài một cửa hàng gần đó gọi tôi đến. Tôi bước đến chỗ họ và họ bảo tôi ngồi xuống bên trong cửa hàng, một người hỏi tên tôi và một người khác đưa kẹo cho tôi. Đầu tôi ẩm và dinh dính trong lúc tôi ngồi mút kẹo và tôi nghe tiếng còi vọng lại từ phía xa - tiếng ding-a-ling quen thuộc của xe cứu thương và xe cảnh sát.
Tôi hẳn đã bất tỉnh, vì một lúc sau khi tôi tỉnh dậy thì đã ở trong bệnh viện. Đầu tôi đã bị vỡ từ trên đỉnh đầu xuống đến mũi. Hẳn người ta đã khâu và băng bó lại và tôi đã phải chịu một cơn đau đầu dữ dội kéo dài cả vài tuần.
Tôi không nhớ mình đã ở trong bệnh viện bao lâu, cũng không nhớ có ai đến thăm tôi không, nhưng khi tôi trở về Esplanade, tôi phải nghỉ học thêm vài tuần nữa. Phần lớn thời gian tôi chơi, xem bạn của bác Kennedy – bác Jack - làm những hộp nhạc tự động từ gỗ gụ trong nhà kho nhỏ cuối vườn. Ông khắc những hình thù phức tạp lên gỗ, lắp bản lề vào và chèn một cơ chế phát nhạc nhỏ vào một góc hộp, để khi bạn mở nắp hộp ra nhạc sẽ tự vang lên.
Thỉnh thoảng tôi giúp đầu bếp hái lá bạc hà non từ bụi cây lớn bên ngoài cửa sổ nhà bếp hoặc gọt khoai tây cho bà. Tôi còn kết bạn với một cậu bé sống ở nhà bên cạnh.
Khi cậu bé gọi tôi qua hàng rào, tôi sẽ chui qua những bụi cây và chơi cùng nó cả giờ đồng hồ. Nó có một bộ sưu tập những khẩu súng đồ chơi. Cha hoặc mẹ nó sẽ mang cho chúng tôi nước giải khát như một sự thết đãi. Một lần nó đề nghị cho tôi mượn khẩu súng máy trông giống như thật rất lớn của nó. Mẹ nó ở đó và bà gật đầu cho phép, vì thế, rất sung sướng, tôi ôm súng chui qua hàng rào. Nhưng bác Kennedy nhanh chóng tóm tai tôi và lôi tôi vào phòng ông, ở đó ông bảo rằng tôi đã ăn cắp khẩu súng và lại dùng dép đánh tôi một trận đòn nhừ tử.
Dì Matron đã bảo ông ngừng lại, bà lo vì đầu tôi vẫn còn băng bó chưa lành. Vì thế ông ta lại tóm lấy tai tôi, rồi lấy khẩu súng, dẫn tôi tới nhà hàng xóm để trả nó về cho chủ nhân của nó.
Khi mẹ thằng bé ra mở cửa, ông trao khẩu súng lại cho bà và nói, “Thằng bé này đã lấy trộm khẩu súng. Tôi đưa nó đến để xin lỗi.”
“Cậu bé không ăn trộm”, bà trả lời. “Chúng tôi cho cậu ấy mượn. Nó không nói với ông à?”
Bác Kenedy giật mình. “Ồ, hừm, nó cũng nói gì đó, nhưng bọn trẻ này toàn là những đứa dối trá cả”, ông lẩm bẩm.
“Ồ, nó không nói dối đâu”, bà ấy trả lời, “Cậu bé nói sự thật đấy, và ông nên tin chúng.”
Giận dữ và đỏ bừng mặt, ông lại lôi tôi về nhà và cấm tôi sang nhà hàng xóm. Nhưng từ ngày hôm đó người mẹ nhà hàng xóm là nữ anh hùng của tôi, và tôi ước mình có thể chuyển tới sống với bà. Dù tôi không thể qua đó chơi nữa, thỉnh thoảng bà vẫn nhìn qua hàng rào và mỉm cười với tôi, và mỗi lần như thế đều khiến tôi vui vẻ cả ngày.
Cuối cùng khi họ tháo băng, tôi đã thấy hình dạng đầu mình thay đổi, nó hơi nhọn lên ở trên đỉnh đầu. May mắn thay, vì tôi vẫn còn nhỏ, xương còn mềm, nên nó chỉ bị dập một chút chứ không vỡ. Nhưng hậu quả là nhìn tôi trông hơi giống một con yêu tinh.
Tôi đi học trở lại. Sau đó một vài tuần, vào một ngày thứ Bảy, có người gõ cửa nhà. Một người phụ nữ tóc vàng hoe bước vào và đứng nói chuyện với dì Matron một lúc. Sau đó tôi được gọi đến. Tôi tự hỏi không biết lại có rắc rối gì nữa đây, vì tôi thường xuyên gặp rắc rối, nhưng tôi không thể nghĩ ra được, tôi không hề quen biết người phụ nữ đó.
Dì Matron nói với tôi rằng người phụ nữ đó là “mẹ mới” của tôi và bà ấy sẽ đón tôi ra ngoài một ngày. Tôi rất bực bội - tôi chỉ có một người mẹ, sao người phụ nữ này có thể là mẹ mới của tôi được? Nhưng sự tức giận của tôi nhanh chóng tan đi khi người phụ nữ nói với tôi rằng cha tôi đang đợi tôi ở nhà. Thật không thể tin nổi, tôi quá phấn khích. Có thật là tôi sẽ được gặp lại ông không? Tôi đã không nhìn thấy ông kể từ lần ông đạp xe ngang qua Cottage Homes vài năm trước. Đã không biết bao nhiêu lần tôi tự hỏi ông đang ở đâu, và tại sao ông không đến thăm tôi. Và giờ đây người phụ nữ không quen biết này nói bà ta sẽ đưa tôi đi gặp ông.
Tôi mặc áo khoác và chạy ra cửa, lo sợ người ta sẽ đổi ý. Người phụ nữ - người đã tự giới thiệu tên bà là Anita - là một người thấp lùn đầy đặn, với gương mặt xanh xao và mái tóc vàng hoe dài qua vai. Hoá ra dì Matron lại nhận ra bà ta, vì bà ta cũng đã từng làm việc ở trại trẻ. Dì Matron cười rất nhiều trong lúc họ nói chuyện, vì thế tôi nghĩ dì ấy thích bà ta.
Chúng tôi đi bộ cỡ nửa giờ đồng hồ, và trong thời gian đó Anita hầu như không nói gì. Chúng tôi đi tới một khu cũ của thị trấn, tới một dãy những ngôi nhà xiêu vẹo và cha xuất hiện ở cửa một trong những ngôi nhà đó. Tôi quá vui mừng khi được gặp lại ông và tôi muốn lao vào vòng tay ông, nhưng tôi xấu hổ và dừng lại. Cha nhìn vẫn như lần cuối tôi thấy ông: ông cười tươi với tôi và nói “Đây rồi, đây rồi, con trai” và đưa tôi vào trong nhà.
Trong phòng khách là một bé gái đag chạy quanh la hét, và một em bé khác - cũng là con gái – đang nằm trong cái cũi ở góc nhà. Cha nói tên chúng là Sonia và Yvonne và chúng là em cùng cha khác mẹ của tôi. Thật bất ngờ. Trong khi tôi và các anh tôi bị đưa đi, cha đã có một gia đình khác. Nhưng những bé gái rất đáng yêu, và dù lạ lùng thì cảm giác có em gái thật thú vị.
Những chuyến ra ngoài vào thứ Bảy trở thành chuyện thường xuyên nhiều tuần sau đó. Dì Anita sẽ đến đón tôi đến nhà, nơi cha đang đợi. Sonia luôn la hét và Yvonne từng bám vào thành cũi và cười với tôi. Phần lớn thời gian tôi chơi bên ngoài với đá cẩm thạnh hoặc một quả bóng đá. Nhưng cũng tốt hơn nhiều so với việc ở trại trẻ, và tôi cũng rất vui khi được gặp cha.
Một hai lần gì đó Michael và Geogre cũng đến thăm cha. Được ở cùng nhau thật vui nhưng sau ngần ấy thời gian bị chia cách, không tránh khỏi có những khoảng cách giữa chúng tôi. Geogre đã được một người phụ nữ Đức nhận nuôi, dù mãi đến nhiều năm sau đó anh ấy mới kể cho tôi về những trận đánh đập dã man anh đã phải chịu. Chỉ có Brian là vẫn thất tin. Chúng tôi không biết em ấy ở đâu, và nếu cha có biết điều gì ông ấy cũng chưa bao giờ nói.
Ở nhà của cha, Geogre và Michael sẽ dính lấy nhau và hầu hết thời gian họ sẽ chơi bóng dưới lòng đường, trong khi tôi ngồi ở sân sau, cảm thấy sao sao đó. Cha chưa bao giờ có vẻ nhiệt tình với chuyện tôi ghé chơi và điều đó khiến dì Anita căng thẳng. Cha lại thất nghiệp, và việc phải nuôi chúng tôi, dù chỉ một ngày, cũng thật khó khăn. Và đôi lúc cảm giác như thể có một cuộc kéo co giữa cha và dì Anita về việc cha quan tâm tới dì Anita và những bé gái hay là chúng tôi - những đứa con trai của cha.
Một hoặc hai lần tôi gặp anh trai của dì Anita - bác John - một người thợ mỏ có niềm đam mê với xe máy. Tôi thích xem ông đặt chiếc xe của ông ở sân sau, tháo tung nó ra rồi lại lắp ráp lại, khiến dầu mỡ dính khắp nơi. Ông sẽ rồ máy để kiểm tra xem mọi thứ có chạy được bình thường không, và lần nào tiếng rồ máy cũng khiến những bé gái khóc thét. Dì Anita sẽ hét lên bắt ông dừng lại và dọn dẹp đống bày bừa, nhưng ông không bao giờ nghe.
Sau đó rất lâu dì Anita có kể với tôi rằng dì ấy và bác John đã sống ở London trước chiến tranh. Cha mẹ họ bị giết, họ sơ tán tới Sunderland và phải ở trong trại trẻ.
Tôi mong chờ đến mỗi thứ Bảy hàng tuần. Cuối cùng tôi đã có thể sum họp với cha và các anh tôi, và vì thế tôi không bỏ trốn nữa, tôi không muốn bác Kennedy vịn vào cớ đó cấm tôi ra ngoài.
Một hôm cha đến mang theo một cái cần câu và hỏi tôi có muốn đi câu cá không. Đi chứ!!!! Vì thế chúng tôi cùng bác John đi tới dưới chân cầu của thị trấn.
Đó là một nơi ồn ào, xe cộ chạy ầm ầm trên chiếc cầu cách chúng tôi 80 feet và có cả tiếng đập búa từ những người thợ tán đinh ở những nhà máy đóng tàu quanh đó. Nhưng cha bảo tôi đây là nơi tốt nhất để câu cá khi trời mưa - vì chúng tôi sẽ có mái che và đám cá cũng được cây cầu che khỏi mưa! Ông chỉ cho tôi cách móc mồi vào cần câu và cách giữ cần câu. Và tôi ngồi trên bờ sông, chân lơ lửng, cần câu trong tay, suốt hàng giờ liền.
Sau lần đó hầu hết những ngày thứ Bảy chúng tôi đều đi câu cá. Đó là những ngày tuyệt vời với tôi khi được tham gia vào một cuộc phiêu lưu với cha. Nhưng ngày ấy tôi đã không nhận ra rằng, ngoài chuyện lấy đó làm trò chơi, chúng tôi đã thực sự câu cá vì cần thức ăn. Cha lại thất nghiệp và số tiền trợ cấp thất nghiệp quá ít đến nỗi ông phải tìm cách khác để kiếm ăn.
Cha bảo tôi không được nói cho những người ở trại trẻ biết chuyện chúng tôi đi câu cá. Tôi thấy cũng không sao, tôi làm được, nhưng ông không nói với tôi rằng đó là vì có những quy định nghiêm ngặt rằng tôi phải ở trong nhà hoặc trên đường, phải được giám sát, và không được đi bất kì nơi nào khác. Tôi ước gì cha đã giải thích cho tôi, bởi vì sau đó tôi biết không chỉ có chuyện câu cá là tôi không được nhắc tới.
Đó là một ngày trời nắng. Dây câu của tôi bị vướng vào một khúc gỗ lập lờ trôi qua. Dòng chảy rất mạnh nên khúc gỗ trôi rất nhanh và nó lôi tôi theo. Dây câu quấn chặt quanh tay tôi nên trong lúc xoay sở tháo dây ra thì tôi đã chạy đến chỗ bến cảng nhỏ bên dưới cầu. Sợi dây vừa kịp nới lỏng ra cũng là lúc tôi đến một chỗ hẹp ở cuối bến cảng. Có một đám rêu xanh nhớt nháp ở đó và tôi bị trượt chân ngã cắm đầu xuống sông. May mà tôi biết bơi, nên khi trồi được đầu lên tôi bơi điên cuồng vào bờ trong khi dòng nước cứ đẩy chân tôi sang ngang.
Bác John đứng đó, ngậm tẩu thuốc trong miệng, cầm cần câu trong tay và hét to với cha, “Nó xuống rồi!” Không gì nữa, chỉ có vậy! Cha đã đi xa bờ sông nên gần như không thể nghe được bác ấy nói gì, liền hét lên “Gì cơ?”. Bác John lại la lên “Nó xuống rồi!” kèm theo một tràng cười “Haha” khi ông tiếp tục câu cá. Cuối cùng cha đột nhiên hiểu ra, ông hét lên “Thằng bé xuống rồi?” và rồi ông đánh rơi cần câu và chạy đến chỗ khe hẹp trên bến cảng. Lúc đó cha chạy đúng đến chỗ đám rêu xanh đó và ngửa mặt lên trời, ông kêu lên “Oa” khi ông lao về phía tôi với tốc độ nhanh nhất có thể. Tôi vẫn nhớ mình đã đếm từng chiếc đinh tán trên giầy cha khi chúng đến gần tôi hơn, cả tiếng kêu lạo xạo khi chúng đến chỗ tôi, và khi đó tôi lại chìm xuống lần nữa. Tôi vội bám chặt lấy ống quần của cha, gì lấy để trồi lên mặt nước.
Rủi thay chính lúc đó là giờ ống tháo nước ở phía trên cách chúng tôi 30 feet tháo xả những chất thải không xử lý được theo thủy triều. Chúng tôi cố gắng bám lấy bờ tường trơn loét trong khi đám rác thải hôi thối kéo đến, dính lấy chúng tôi.
Bác John chỉ đứng cười và nói “Giờ thải rác rồi, hia hia.” Ông không dịch chuyển dù chỉ một phân để cứu chúng tôi. Cha bắt đầu la hét gọi ông ấy giúp, và cuối cùng ông cũng buông cần câu xuống và tôi nắm lấy nó. Tôi men theo đó leo lên tường và cha theo sau. Trong suốt khoảng thời gian đó bác John vẫn chỉ cười, và khi chúng tôi lên được bờ rồi bác ấy lại lập tức quay về với việc câu cá của mình.
Toàn thân cha và tôi hôi rình nên chúng tôi thu dọn về nhà nhanh nhất có thể. Mọi người cứ nhìn chằm chằm khi chúng tôi đi qua, người chúng tôi bốc mùi ghê đến nỗi ai cũng phải bịt mũi. Về đến nhà chúng tôi đứng yên ở sân sau và bật ống nước. Đó là những gì tốt nhất chúng tôi có thể làm - vì không có nhà tắm và cũng không có nước nóng. Cha cố hết sức hong khô quần áo của tôi trước khi tôi về lại trại trẻ, nhưng dù có bếp than, tôi vẫn về nhà trong tình trạng quần áo còn hơi ẩm và bốc mùi. Mọi người đều ngửi thấy có mùi trong không khí nhưng họ không biết đó là từ tôi.
Như thường lệ, tôi phải thay quần áo để người ta mang đồ cũ đi giặt. Tôi không biết là họ luôn kiểm tra các túi áo và túi quần để xem có thứ gì bất thường. Khi họ thấy túi quần tôi ướt một cách bất thường trong một ngày trời nắng, họ gọi tôi tới văn phòng, và chính khi đó họ phát hiện ra mùi hôi thối là từ tôi mà ra. Tôi cẩn thận không nhắc tới chuyện đi câu cá, chỉ nói rằng tôi tự mình bị ngã xuống sông và đã vào nhà tắm kì cọ.
Một vài ngày sau đó, bác Kennedy gọi tôi tới văn phòng và thông báo rằng tôi không được phép về thăm nhà nữa. Tôi cảm thấy sụp đổ. Sao họ có thể cướp đi những ngày của tôi với cha, với dì Anita và các anh trai và em gái bé bỏng của tôi. Tôi cảm giác mình hẳn phải là một người rất tệ, một tên tội phạm - khiến họ phải tách tôi khỏi những người và những thứ tôi yêu mến nhất.
Tôi chẳng nói gì với Bác Kennedy. Tôi biết sẽ chẳng thay đổi được gì. Tôi rời phòng ông và đi lên kí túc xá, ngồi bên giường mình, ngồi bất lực. Tôi cảm thấy đau đớn đến nỗi không thể khóc. Tôi đã thích câu cá cùng cha biết bao, và việc rời khỏi đây, ở cùng với gia đình dù chỉ một ngày một tuần cũng có ý nghĩa với tôi biết bao. Cảm giác mất đi tất cả những điều đó đấm tôi một cú đổ nhào. Tôi đã mất Irene, và giờ đây tôi mất luôn cả cha và những người còn lại trong gia đình.
Tôi mới chín tuổi và điều đó khiến tôi có cảm giác như thể cả thế giới của tôi đã chấm dứt - thêm một lần nữa.
Phải đến suốt tám năm sau đó tôi không hề gặp lại bất cứ ai trong gia đình mình. Và trong suốt thời gian đó tôi cũng không nghe được tin tức gì về họ. Tôi không biết anh trai tôi, Michael, cuối cùng đã về nhà sống cùng cha và dì Anita, trong khi đó Brian, cũng giống như tôi, phải ở lại trong trại trẻ.
Có vẻ như những người trông coi trại trẻ sẽ đợi đến khi tôi hạnh phúc để rồi phục kích, lấy đi của tôi tất cả mọi thứ - hoặc tất cả những người tôi yêu thương. Đau khổ tột cùng, tôi thầm tự dựng lên một cuộc chiến chống lại họ. Tôi quyết định sẽ vờ ngoan ngoãn cho đến khi họ lơ là cảnh giác, rồi tôi sẽ phục kích họ để họ biết cảm giác bị tóm là như thế nào. Dĩ nhiên, vấn đề là người chắc chắn sẽ bị tổn thương là tôi. Nhưng khi ấy tôi không hiểu điều đó.