Không có Alan, thời gian như ngừng trôi. Tôi không còn là cô gái tomboy sôi nổi dũng cảm luôn tham gia vào những trận đánh nhau của bọn con trai nữa. Tôi trầm lặng và thu mình lại. Tôi không chơi với những đứa trẻ khác, tôi chỉ lang thang một mình và ngày càng cô độc hơn.
Rennie Road vốn luôn lặng lẽ. Người ta sẽ nghĩ một ngôi nhà có 13 đứa trẻ sẽ luôn ngập tràn tiếng cười, tiếng nói chuyện rôm rả thậm chí cả những tiếng lảm nhảm và tiếng khóc. Nhưng quy định bắt chúng tôi hầu hết thời gian phải giữ trật tự. Chúng tôi ăn uống, làm việc nhà trong một sự im lặng vô hình.
Giờ Alan đã đi, với tôi trại trẻ dường như càng yên lặng hơn. Một ngôi nhà yên lặng. Tôi lặng lẽ đi quanh nhà, và tôi thấy có vẻ như tất cả những người khác cũng vậy.
Hầu như tất cả chúng tôi đều cảm thấy việc mình phải ở đây là một sự trừng phạt. Hẳn chúng tôi đã không tốt, đã nghịch ngợm, nên cuối cùng phải sống trong một ngôi nhà không có bố mẹ, chỉ có những luật lệ bất tận. Tôi đương nhiên cũng cảm thấy như vậy. Và các dì luôn củng cố điều đó bằng cách thường xuyên kiểm điểm chúng tôi và trừng phạt bất cứ ai có thái độ khác.
Tôi đã từng nghe thấy tiếng những đứa trẻ khác - những đứa sống với bố mẹ trong một ngôi nhà đúng nghĩa - chơi ngoài đường mỗi buổi tối. Đôi khi tôi đứng ở cửa sổ nhìn chúng, ước gì tôi có thể ở đó cùng chúng. Tôi thấy cha mẹ chúng ra ngoài để gọi chúng về, ôm ấp hay xoa đầu chúng đầy yêu thương, và tôi đau đớn khát khao có một gia đình.
Tôi thường tự hỏi liệu bây giờ Alan có thực sự có một gia đình như vậy không. Một người mẹ tốt bụng mỉm cười và một người cha cùng cậu ấy chơi bóng đá hoặc đưa cậu ấy đi câu cá. Và nếu Alan thực sự đã có cha mẹ mới, liệu tôi cũng có thể có không? Tôi gần như không dám hi vọng rằng có ai đó tử tế sẽ muốn có tôi.
Vài tuần sau khi Alan đi, tôi chính thức bước sang tuổi thứ 10. Sinh nhật chưa bao giờ là một dịp đặc biệt, nhưng lần này ngày đó đặc biệt buồn tẻ. Không ai chúc mừng tôi khi tôi thức dậy vào buổi sáng, tôi chỉ đơn giản là vẫn đến trường như thường lệ. Vào bữa xế ở nhà, có bánh nướng - chẳng ai được mua bánh sinh nhật trừ khi có họ hàng mang tới. Tôi không bận tâm lắm chuyện đó - bánh nướng cũng được, bọn trẻ hát bài Chúc mừng sinh nhật. Sau đó dì Doris đưa cho tôi một tấm thiệp và một ít kẹo chị Joan đã mang đến. Kẹo phải được chia cho bọn trẻ - đó là nguyên tắc - còn chiếc thiệp thì tôi mang lên phòng, đặt nó bên cạnh giường.
Tôi rất hạnh phúc vì tấm thiệp của chị Joan, nhưng tôi cứ mong ước mình được nhận nó từ Alan. Thực ra trong thâm tâm tôi hi vọng cậu ấy sẽ nhớ sinh nhật tôi và tìm cách nào đó liên lạc với tôi, để tôi biết rằng cậu ấy không quên mình. Chắc chắn gia đình mới của cậu ấy sẽ cho phép cậu ấy gửi cho tôi một tấm thiệp, phải không? Đêm đó tôi nằm thao thức, lòng ngợp nỗi buồn. Tôi không nghĩ sau này mình có thể vui vẻ lại được nữa.
Một vài ngày sau có một cậu bé mới đến - cậu bé khoảng tám tuổi, có gương mặt luôn lo lắng, mái tóc đen và thân hình nhỏ bé - gọi là Tom. Cậu ấy đến thế vào chỗ của Alan, và dù tôi biết cậu ta không có lỗi nhưng tôi không thể chơi với cậu ta được. Sự xuất hiện của cậu ta dường như chính thức đánh dấu sự thật rằng Alan sẽ không trở lại.
Có thể tôi sẽ biết về cậu ta nhiều hơn, nhưng Tom đã không ở đó lâu. Vài tuần sau cậu ta chuyển đi - tôi không bao giờ biết là đi đâu. Có lẽ cậu ta đã cư xử không đúng và bị chuyển đi, hoặc đã được gia đình đón về. Dĩ nhiên chẳng ai nói với chúng tôi điều đó.
Có lúc tôi đã nghĩ đến chuyện làm điều gì đó thật tệ để mình cũng bị chuyển đi. Biết đâu tôi có thể bị chuyển đến nơi Alan đang ở, và sau đó tôi có thể gặp lại cậu ấy. Nếu chắc chắn được như vậy tôi sẽ không còn ngần ngại. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì - dù là ăn trộm, để được như vậy. Nhưng tôi biết có thể tôi sẽ không được chuyển tới Whitby. Thực tế là theo những gì tôi biết thì ở đó chẳng có trại trẻ nào. Vì thế cơ hội được chuyển đến nơi nào đó gần chỗ Alan hầu như không có.
Ngoài ra, tôi có một lý do quan trọng để ở lại - chị gái tôi Joan. Giờ Alan đã đi, tôi tha thiết muốn ở cạnh chị Joan càng nhiều càng tốt - chị ấy là tất cả những gì tôi có thể bám víu, và ý nghĩ phải xa chị khiến tôi không thể nào chịu nổi.
Tôi rất muốn dành mọi thời gian rảnh rỗi ở chơi nhà chị Joan, nhưng chuyện đó chưa từng được cho phép. Tôi có thể ghé qua nhà chị ấy, nhưng đặc quyền đó chỉ có khi tôi ngoan ngoãn và có sự dàn xếp chính thức của Sĩ quan Trại trẻ - người ngồi ở tòa nhà Cân nặng và Đo lường ở trung tâm thị trấn.
Quy định là người họ hàng phải có điện tín hoặc gọi điện đến văn phòng yêu cầu đón đứa trẻ của họ ra ngoài trong vòng vài giờ hoặc một ngày vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật - và quy định này được áp dụng cho cả chị Joan dù chị chỉ sống cách đó vài mét. Vào bữa xế ngày thứ Sáu, điện thoại sẽ kêu và dì Doris hoặc dì Nan sẽ có một danh sách những đứa được phép ra ngoài vào cuối tuần. Mỗi thứ Sáu tôi đều ngồi cạnh điện thoại, chờ xem liệu mình có là một trong số những người may mắn.
Các dì đều biết tôi rất muốn tới nhà chị Joan và điều đó tặng cho họ rất nhiều quyền lực. Họ cảnh cáo tôi nếu chỉ một lần phạm quy cũng bị mất quyền được đến chơi nhà chị gái. Vì thế lúc nào tôi cũng cố gắng hết mức có thể để ngoan ngoãn, tránh không làm mất bất cứ khoảng thời gian quý giá nào được ở cùng chị.
Tôi luôn nỗ lực làm những gì được sai bảo và không bảo giờ làm gì vượt quá khuôn phép, đến nỗi tôi gần như quên mất mình cũng có tiếng nói, có suy nghĩ của chính mình. Tôi được đào tạo tuân theo sự ngoan ngoãn vô thức này đến nỗi nó in sâu vào đời sống của tôi suốt nhiều năm. Kể cả khi lớn, tôi cũng thấy khó khăn khi tự ra quyết định hay không để những người khác kiểm soát mình.
Thỉnh thoảng tôi quá muốn gặp chị Joan và các cháu đến nỗi tôi lẻn ra ngoài, chạy tới nhà Joan, cầu xin chị ấy đến xin dì Doris cho tôi tới nhà chị chơi. Nếu đang là ca trực của dì Nan thì tôi không có cơ hội, vì dì ấy nghiêm khắc hơn, còn dì Doris thỉnh thoảng sẽ mềm mỏng hơn. Sau khi tôi quay về, chị Joan sẽ đến và nếu dì Doris đang vui vẻ, dì ấy sẽ nói theo quy định thì không được nhưng vì chị Joan ở ngay đường bên kia nên tôi được phép đi. Nhưng chỉ được đi cỡ nửa giờ, sau đó tôi phải về lại.
Nửa giờ là khoảng thời gian không dài, nhưng cảm giác tự do tiếp thêm cho tôi năng lượng sống. Tôi thích đến nhà chị Joan và trở thành một phần của gia đình chị. Tôi sẽ chơi với Elaine, khi ấy mới chập chững biết đi, và một Alan nhỏ, giúp chị Joan tắm cho chúng và ru chúng ngủ. Lúc nào tôi cũng ước mình có thể ở lại và ngủ cùng chúng sau khi ngồi uống sôcôla bên lò sưởi cùng chị. Nhưng tôi phải về, trở lại Rennie Road - nơi có dì Doris đang đợi.
Khi tôi gần như đã quen với sự cô đơn của mình thì một gia đình mới chuyển tới. Họ có hai con trai, hai con gái và họ ở lại Rennie Road vài năm. Hai cô con gái là Margaret - thường gọi là Margy, và Silvia. Và họ được xếp ở chung phòng ngủ với tôi.
Margy có mái tóc đen sậm, đôi mắt xanh và là có thân hình thấp đầy đặn. Cô ấy lúc nào cũng vui vẻ và tất cả mọi người đều dễ dàng làm quen bắt chuyện với cô. Cô ấy lớn tuổi hơn tôi, còn em gái cô - Silvy thì ít tuổi hơn tôi. Silvy có mái tóc vàng và rất xinh đẹp. Con bé chỉ im lặng đi theo Margy mọi lúc.
Tôi thích Margy và Silvy, nhưng tôi không biết làm cách nào kết thân với họ. Họ dính lấy nhau, và tôi thì quá trầm đến nỗi tôi cảm thấy họ hầu như không chú ý gì đến mình. Yên lặng đã trở thành thói quen của tôi đến nỗi tôi không biết làm gì khác. Thỉnh thoảng tôi đi bộ đến trường cùng họ, nhưng ngay cả khi đó tôi cũng không bao giờ cảm thấy mình có thể nói gì nhiều. Có thể họ nghĩ tôi tẻ nhạt, và tôi không trách họ được. Tôi muốn kết bạn, nhưng sau khi mất đi Alan, tôi cảm thấy mình không biết cách nói chuyện với những đứa trẻ khác.
Các anh trai của Margy và Silvy là những cậu bé thực sự hung tợn. Cậu bé lớn tuổi hơn là Joe, người có mái tóc đen giống Mardy, nổi tiếng khó chịu. Cậu bé nhỏ hơn là Kenny - có mái tóc màu vàng và cặp mắt xanh như cả bốn người. Nhìn bề ngoài Kenny rất dễ thương, trái ngược hẳn với tính cách của cậu. Cậu sẽ đánh nhau với bất cứ ai, bất cứ đâu, bất cứ nơi nào. Bất cứ khi nào có một cuộc chiến trên đồi với bọn Người nhà lâu đâì, hẳn sẽ là Kenny dẫn đầu và cậu luôn liều lĩnh đến mức khiến những người khác và cả chính bản thân mình gặp nguy hiểm.
Hai anh em họ trở thành thủ lĩnh của Redhouse và những cậu bé trong trại trẻ. Có cả những đứa trẻ sống trên những con đường quanh đó cũng theo sau hộ tống Joe và Kenny. Hai người họ sẽ dẫn đoàn tới vùng đất của bọn Người lâu đài bên dưới đồi.
Một lần đội Redhouse tấn công đội Người lâu đài khi chúng đang ngồi quanh một đống lửa lớn chúng đã dựng lên, giữa khu xây dựng dưới chân đồi. Hẳn đám đó phải có tầm 30 người. Đội của chúng tôi, với Kenny dẫn đầu như thường lệ, dùng đá ném chúng. Lúc đó tôi đang ở trên đồi, chứng kiến đội quân nhỏ phe mình, với sự vượt trội về số lượng, ít nhất là nhiều hơn quân địch mười người, rút chạy lên đồi với tốc độ nhanh nhất có thể, đá bay theo sau họ khi những người bên đội Người lâu đài theo sát phía sau.
Chính đám con gái bọn tôi đã cứu vãn tình thế. Vài đứa chúng tôi, có cả những đứa sống ở trại trẻ và những đứa sống ở những con đường gần đó, tham gia ném đá vào những kẻ đuổi theo để cho đám con trai bên đội tôi có cơ hội tập hợp lại về trên lãnh thổ của chúng tôi trên đồi. Tất cả chúng tôi đều mừng rỡ vì chiến thắng, trong khi bọn Người Lâu đài rút lui, không ngừng la hét và chửi rủa.
Cuộc sống ở Rennie Road lặp đi lặp lại và đầy ngu ngốc, hiếm lắm chúng tôi mới được đi chơi. Nhưng thỉnh thoảng chúng tôi sẽ được đưa đi thăm những trại trẻ khác trong một buổi tối. Tôi không rõ tại sao, nhưng có thể họ nghĩ việc gặp những đứa trẻ khác sẽ tốt cho chúng tôi. Tất cả chúng tôi sẽ được dồn tới phòng chơi của bất cứ trại trẻ nào chúng tôi tới. Ở đó những đứa nhỏ sẽ chơi với đám đồ chơi trong thùng và những đứa lớn hơn sẽ chỉ đứng đó buồn chán.
Chẳng có gì thú vị khi phải nhìn bọn trẻ con chơi, và chúng tôi chỉ mong được về chơi với những thứ chúng tôi đã quen. Trong những khoảng lặng kì quặc chúng tôi sẽ hỏi nhau những câu hỏi nửa vời kiểu như “Dì của các cậu thế nào?”, “Cậu học trường nào?”. Nhưng chẳng đứa nào muốn ở một trại trẻ khác - nơi cũng chỉ giống như trại của mình và tất cả chúng tôi đều cảm thấy như những người tù được đến thăm một nhà tù khác. Niềm vui thích thực sự chỉ dành cho các dì - những người sẽ uống trà và nói chuyện, với radio phát những bản nhạc nhẹ. Họ bận bịu kể cho nhau nghe về những màn nghịch ngợm của bọn trẻ chúng tôi.
Dù buồn chán và tẻ nhạt, những chuyến đi này là cơ hội duy nhất để chúng tôi hòa nhập với những bạn đồng trang lứa khác. Đám trẻ ở trường học đều biết chúng tôi sống ở trại trẻ - điều đó khiến chúng tôi trở nên khác biệt. Và dù chúng tôi có vượt qua rào cản này, những tình bạn thân thiết cũng sớm lụi tàn vì chúng tôi không được phép đến chơi nhà bạn hay rủ họ về nhà uống trà. Vào ngày Giáng sinh sau khi Alan đi được ba tháng rưỡi, tôi còn chẳng có tâm trí chúc mừng. Chúng tôi có một cái cây, trang trí vài thứ, nhưng không hiểu sao chẳng bao giờ có gì vui vẻ hay hào hứng ở Rennie Road. Như thường lệ vẫn là công việc, dù đó là Giáng sinh.
Tôi từng đi bộ dọc con đường, nhìn qua ô kính cửa sổ vào trong những ngôi nhà nơi có những cái cây bên trong được trang trí lấp lánh, có hàng đống quà và khung cảnh gia đình ấm cúng, tự hỏi tại sao chúng tôi lại khác họ như vậy. Tôi rất muốn được ở trong những căn nhà đó, với những gia đình đó, điều đó khiến trong lòng tôi đau nhói.
Lễ kỉ niệm Giáng sinh của chúng tôi là chúng tôi được đưa tới xem một vở kịch câm trong nhà hát thành phố vào tuần trước Giáng sinh. Đó là vở Chú mèo đi hia, và trong vài giờ đồng hồ tôi đã chìm đắm trong niềm vui la hét “Ở ngay sau kìa” và cười bà quản lý có gương mặt hắc ám và bộ đồ diêm dúa. Những lúc đó tôi ước gì có Alan ở đây. Chúng tôi sẽ có thể có nửa tiếng sau đó, ngồi trên bậu cửa sổ sau tấm rèm, hồi tưởng lại niềm vui khi xem vở kịch.
Một vài ngày sau đó tất cả chúng tôi đến dự một bữa tiệc của Hội Người lao động địa phương, cùng với những đứa trẻ đến từ những trại trẻ khác. Ở đó có mứt, kem và chúng tôi đã chơi những trò chơi, nhưng tâm trí tôi không đặt vào đó. Tôi rất nhớ Alan, và hơn nữa, tôi biết bữa tiệc này không giống những bữa tiệc đám con gái ở trường tham dự cùng gia đình và bạn bè của họ. Cả hai bữa tiệc đều có ý tốt, nhưng không hiểu sao tôi cảm thấy chúng không giống nhau.
Một trong những điều khiến tôi thực sự thích Giáng sinh là các ca sĩ hát mừng. Mọi người từ các nhà thờ địa phương hoặc những đứa trẻ ra ngoài cùng cha mẹ chúng sẽ tập hợp trên đường, hát những bài hát chúc mừng, tôi sẽ nhìn họ từ trên cửa sổ, muốn ở đó cùng họ.
Cơ hội hát mừng duy nhất dành cho chúng tôi là khi xếp hàng tới nhà thờ vào dịp hát mừng hàng năm. Chúng tôi - những đứa trẻ nhà Rennie Road được dẫn lên trước và được bảo hãy hát chúc mừng các giáo đoàn. Tôi ghét việc này, và những đứa khác cũng vậy. Phải đứng đó, giả vờ là những đứa nhỏ hạnh phúc tận hưởng Giáng sinh khiến chúng tôi bực bội. Phải sống trong trại trẻ đã tệ lắm rồi, giờ đây mọi người còn nhìn chằm chằm vào chúng tôi ở nhà thờ và đều biết chúng tôi đến từ trại trẻ, thật kinh khủng. Tôi chỉ muốn ngồi xuống ghế, cố gắng thu mình để tránh khỏi tầm nhìn.
Ngày trước Giáng sinh, dì Doris gọi tôi ra và nói tôi được phép đến nhà chị Joan một vài tiếng đồng hồ vào buổi chiều Giáng sinh. Điều đó thay đổi mọi thứ - đột nhiên khiến tôi trông chờ trong háo hức.
Ngày Giáng sinh chúng tôi có một bữa tối ăn đồ nướng - tất cả chúng tôi đều tham gia chuẩn bị, và sau đó mỗi đứa chúng tôi được tặng một món quà. Của tôi là một hộp nhạc nhỏ có một vũ nữ múa ba lê quay tròn khi tiếng nhạc cất lên. Tôi nghĩ nó thật dễ thương, nhưng tôi biết mình chẳng được chơi nó lâu vì cũng giống như những đồ chơi khác, nó sẽ phải được để vào hộp đồ chơi để chơi chung.
Các dì đã cố hết sức để cho chúng tôi một lễ Giáng sinh tốt lành. Nhưng vẫn có một nỗi buồn bao trùm giữa chúng tôi, vì đứa nào cũng mong được sống với gia đình mình. Tôi biết mình may mắn: ít nhất tôi cũng sắp được gặp chị tôi. Một vài đứa nữa cũng được phép đi thăm người nhà, nhưng những điều đó chỉ khiến những đứa còn lại cảm thấy tệ hơn.
Giáng sinh năm đó có một cô gái nhỏ tên là Julie mới đến Rennie Road được vài tuần. Tôi không biết tại sao cô bé bị đưa vào trại trẻ, nhưng cô bé không được về thăm nhà và cô bé đã khóc thương nhớ mẹ và các anh chị em của mình suốt cả một ngày hôm đó.
Tôi muốn an ủi Julie. Cô bé mới bảy tuổi và không hiểu tại sao mình lại bị tách khỏi gia đình. Tôi biết các dì sẽ không thích ai đó “ồn ào” - họ gọi như vậy. Họ nói nếu bạn khóc nỗi đau sẽ chỉ kéo dài thêm, và họ không muốn ai ôm ấp vỗ về bọn trẻ, họ nói rằng “Chúng sẽ sớm quen thôi.” Nhưng điều đó có vẻ không đúng với tôi - tôi cảm thấy khi bạn buồn, một cái ôm chắc chắn sẽ khiến bạn cảm thấy khá hơn. Đặc biệt là vào Giáng sinh. Vì thế khi dì Doris và dì Nan uống trà sau bữa trưa và chúng tôi ở lại trong phòng chơi, tôi đã ôm Julie. Cô bé sụt sùi nước mắt và cố nở một nụ cười ngượng ngùng. Và sau đó bất cứ khi nào các dì quay đi tôi lại cười với cô bé để động viên nó.
Hầu hết những đứa lớn chúng tôi không cố gắng an ủi bất cứ đứa trẻ nào nhỏ hơn chúng tôi khi chúng buồn. Không phải vì chúng tôi không tốt mà vì chúng tôi đã bị đối xử như vậy. Các dì luôn khuyến khích chúng tôi gạt đi những cảm xúc buồn. Thái độ của họ rõ ràng là “buồn cũng chẳng làm sao.” Họ nghĩ nhiệm vụ của họ là khiến bọn trẻ chúng tôi cứng cáp để đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống, và họ nghĩ cách tốt nhất để đạt được điều đó là không để ý tới những cảm xúc đau buồn. Nhưng có lẽ những đứa chúng tôi - những đứa đã có thời gian ở trong trại trẻ - còn có một sự sợ hãi rằng việc an ủi một đứa trẻ nhỏ hơn chúng tôi có thể khiến chúng tôi nhớ lại những cảm xúc buồn thương mất mát của chính mình.
Sau bữa ăn chúng tôi dọn rửa và chơi vài trò chơi. Tôi cứ để ý đồng hồ, cảm giác như chúng chạy chậm hơn nhiều so với mọi ngày. Cuối cùng cũng tới ba giờ và tôi được phép ra ngoài tới nhà chị Joan - và chắc chắn tôi phải về trước năm giờ. Tôi mặc áo khoác và ra ngoài, đóng cửa lại trước khi dì Doris có mặt để kiểm tra xem tôi đã chốt cửa chưa hay nhắc nhở tôi phải bước đi nhẹ nhàng.
Vài giây sau tôi đã gõ cửa nhà chị Joan. Chị ấy đang dọn bàn ăn, và chồng chị ấy đang ngủ ngáy trên ghế, vì thế tôi đến chơi với Elaine và nhìn những đồ chơi mới của con bé. Chị Joan pha một cốc trà và đến ngồi cùng tôi, và chị tặng tôi một hộp sôcôla mang về. Chị và tôi đều biết nếu chỉ muộn một phút thôi tôi sẽ bị cấm đến thăm chị một thời gian dài. Vì thế đúng năm giờ kém năm phút, tôi mặc áo khoác, ôm chị Joan và bọn trẻ rồi miễn cưỡng lê chân về lại Rennie Road.