Sau khi bị cấm đến nhà cha, tôi khép mình, cố gắng không gây bất kì sự chú ý nào nữa. Tôi đã mất hết hứng thú với trường học và chỉ đối phó cả ngày bằng cách ngồi mơ mộng hoặc nhìn ra ngoài cửa sổ cho đến khi giáo viên nhắc nhở. Nỗi đau vì lại một lần nữa mất đi gia đình khoét thành vết thương sâu hoắm trong tôi. Giờ đây tôi không còn tin ai nữa. Tôi chỉ nghĩ đến chuyện bỏ trốn, đi tìm Irene hoặc cha, hoặc có thể là cả hai người họ. Vấn đề chỉ là khi nào và làm thế nào để không bị bắt lại mà thôi.
Bất chợt tôi nghĩ ra một chuyện. Tôi có thể trở lại cây cầu chỗ tôi đã câu cá cùng cha. Tôi không biết đường đến nhà cha, và kể cả có biết tôi cũng không muốn mang lại rắc rối cho ông. Nhưng tôi biết chỗ cây cầu. Biết đâu tôi có thể gặp ông ở đó. Và tôi có thể trốn dưới chân cầu một lúc, sau đó khi mọi người không còn đi tìm tôi nữa thì tôi sẽ đi ngược lên đến chỗ Irene. Tôi hào hứng hẳn lên. Tôi có thể bắt cá để ăn. Tôi không hề nghĩ đến chuyện mình cần nấu chúng lên.
Vài ngày sau đó tôi khởi hành, hướng thẳng đến chỗ cây cầu. Tôi hy vọng có thể thấy cha đang câu cá chỗ bến cảng, nhưng chẳng thấy bóng dáng ông đâu. Tôi nghĩ tốt nhất mình nên trốn đi để không ai nhìn thấy, do vậy tôi trèo theo đường ống lớn gắn dọc bờ tường bê tông. Tôi khá nhanh nhẹn, nên chuyện leo trèo không quá khó khăn. Tôi bám chặt vào những khung sắt gắn cố định vào tường, sử dụng nó như những bậc thang.
Khi tôi leo lên đến nơi, cách mặt nước khoảng 30 feet, tôi trèo qua gờ tường chui vào một khoảng trống nền bê tông bằng phẳng khá rộng. Chỗ này gắn những cột thép chống cầu, được xếp dọc ngang như như một bộ Meccano khổng lồ để đỡ cây cầu bên trên, cách cỡ 50 feet. Nếu tôi trèo lên những đầm thép đó tôi có thể chạm tới ngay bên dưới mép cong của cây cầu - ở đó có một lối đi hẹp. Chắc chắn nếu ở đó tôi sẽ an toàn, không ai tìm ra tôi cả. Nhưng dù tôi khá nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và đầy quyết tâm thì việc trèo lên đó cũng khá khó khăn. Những thanh sắt lạnh giá chạm vào tay tôi, và chân tôi phải đặt trên những góc hình chữ V kì quặc. Cố gắng không nhìn xuống bên dưới, tôi dần dần leo lên và đến chỗ lối đi phía trên ngay dưới cầu.
Tôi cảm tưởng như mình đã chinh phục đỉnh Everest. Tôi đứng đó, nhìn ra khung cảnh bên kia sông, nhìn những con tàu đang đi bên dưới, nhìn những nhà máy đóng tàu ở hai bên bờ sông. Tiếng ầm ầm của xe cộ đi trên cầu ngay phía trên đầu tôi được phối hợp thêm bởi tiếng còi tàu bên dưới lòng sông.
Tôi đi bộ tới chỗ thẳng với bờ bên kia sông rồi trèo xuống những dầm thép bên đó. Bên dưới đó có một mỏm đá và hai ô vuông nhỏ trên tường, cách mặt đất khoảng 50 feet. Trèo xuống khó hơn nhiều vì những dầm thép này chĩa ra bên ngoài nên tiếp xúc với thời tiết nhiều hơn, chúng ẩm ướt và trơn trượt. Có vài lần tôi không tìm được chỗ nào để bấu chặt, đành đứng chênh vênh đến khi tìm được chỗ để chân.
Cuối cùng tôi cũng chạm được tới chỗ hai cái ô vuông. Tôi bò vào và thấy một hang tối rất lớn có sàn là mặt đá bê tông. Ánh sáng duy nhất lọt vào trong đó là từ một nắp cống trên đường cầu, cách sàn khoảng 30 feet lên phía trên. Ở đó buốt lạnh và rất kỳ quái, nên tôi lại chui ra và leo trở lại lên các dầm về chỗ ban đầu.
Về lại phía bên này, tôi phát hiện trên bờ tường bên này cũng có hai ô vuông tương tự. Tôi trèo xuống rồi lại bò vào. Hang bên này nhỏ hơn, và phía bên này cầu được che chắn nhiều hơn nên không khí trong hang cũng ấm áp hơn. Tôi quyết định sẽ ở lại đây. Đây sẽ là thế giới bí mật của tôi.
Tất cả những gì tôi cần bây giờ là thức ăn, và tôi không định tìm kiếm đâu xa. Cứ cách mỗi tám tiếng đồng hồ, còi sẽ vang lên báo hiệu thay ca trong nhà máy đóng tàu. Hồi còi đầu tiên vang lên, rồi sẽ lần lượt thêm hồi nữa và nữa, âm thanh sẽ vang vọng khắp trên sông, từ nhà máy này sang nhà máy kia. Chỉ trong vài phút, hàng ngàn người thợ sẽ tỏa ra hai bên bờ sông để về nhà. Cùng với hai, ba đứa trẻ rách rưới nữa, tôi sẽ tụ tập gần đường và khi những người thợ có quàng khăn và đội mũ nồi dẹt đi ngang qua, chúng tôi sẽ hỏi xin đồ ăn.
Lúc nào chúng tôi cũng được cho đống đồ ăn thừa những người thợ còn bỏ lại trong hộp đồ ăn trưa của họ. Tôi sẽ chộp lấy những mẩu bánh sandwich và trở lại bên dưới gầm cầu, ở đó tôi tống hết vào miệng nhai ngấu nghiến. Đám chúng tôi - những đứa đói kém lúc nào cũng xin ăn - chẳng bao giờ nói chuyện với nhau. Chúng tôi đều tự hỏi những đứa còn lại là ai, và liệu nó có quan tâm đến mình như mình để ý tới nó không.
Thỉnh thoảng tôi cũng hỏi những người thợ rằng họ có thể cho tôi cái gì đó khác không, và dù phần lớn mọi người sẽ bảo “cút đi”, đôi khi vẫn có ai đó sẽ cho tôi vài xu và tôi sẽ tới cửa hàng mua chút đồ uống để nuốt trôi đám bánh sanwich xuống dưới dạ dày.
Tôi cứ sống dưới gầm cầu như một kẻ lang thang như vậy suốt hai tuần. Ban đêm trời rất lạnh, nhưng co cụm trong góc một căn phòng xi măng bên dưới gầm cầu vẫn thích hơn ở trại trẻ - nơi có sự kiểm soát của bác Kennedy.
Sau hai tuần tôi chắc họ đã quên tôi. Có vẻ như một thời gian cũng dài rồi, tôi quyết định chui ra ngoài, về với Rennie Road và Irene. Vì thế khi trời tối tôi men theo con đường nhỏ bên cạnh cầu và bắt đầu băng qua đường ray xe lửa, ngó quanh để chắc chắn không có ai ở đó. Khi tôi đến đầu đường ray, một bàn tay tóm lấy cổ áo tôi. Tôi đã bước ngay đến chỗ một cảnh sát đang đứng. Tôi nghĩ ông ấy còn ngạc nhiên hơn cả tôi. Nắm chặt cánh tay tôi, ông ta lôi tôi vào đồn cách đó không xa lắm. Tôi biết chẳng ích gì khi kháng cự, nhưng trái tim tôi đã tan vỡ. Chừng ấy thời gian trốn chạy và chỉ trong một phút lơ là tôi đã tự đâm đầu vào rọ. Thật cay đắng làm sao.
Ở đồn cảnh sát, một trung sĩ trực bàn tên là Emerson - người khi đó đã biết rõ về tôi - bảo tôi ngồi xuống và đưa cho tôi một cốc trà, cố gắng khuyên nhủ tôi đừng gây phiền hà cho mọi người nữa. Dù rất buồn nhưng tôi vẫn rất mến ông, vì ông luôn mỉm cười, gọi tên tôi và dành thời gian để xem liệu tôi có ổn không. Nhiều năm sau đó tôi đã gặp một cô gái có cùng tên với ông. Cô chính là con gái ông và cô kể với tôi ông đã trở thành một thám tử - một sự thăng chức mà tôi nghĩ ông hoàn toàn xứng đáng.
Như thường lệ, khi tôi trở về bác Kennedy đã đợi sẵn. Ông vô cùng tức giận vì tôi đã chạy trốn được quá lâu và trận đòn ông dành cho tôi chắc chắn là minh chứng cho điều đó. Ông nhất quyết muốn tìm ra người đã giúp tôi ở bên ngoài một thời gian dài như vậy, và dù tôi nói với ông rằng không có ai giúp tôi cả, ông vẫn cố ép tôi nói ra thông tin. Đến khi ông tra hỏi xong, cả người tôi đã bầm dập.
Lúc này dì Matron xuất hiện lo nốt phần còn lại, và tôi thấy dì ấy có vẻ đau khổ. Tôi cảm giác dì ấy đã nghĩ tôi đã đi hẳn, hoặc thậm chí chết rồi. Dì vỗ nhẹ vào đầu tôi và cho tôi lên giường đi ngủ, nước mắt trào ra trên mắt dì. Một phần trong tôi muốn nói hết tất cả với dì, nhưng tôi không dám tin tưởng. Tôi sợ dì ấy sẽ nói với bác Kennedy và tôi sẽ gặp nhiều rắc rối hơn. Tôi nghĩ tốt hơn hết là không nói gì cả.
Dù sâu trong lòng tôi vẫn buồn vô hạn, đúng lúc đó tôi được giới thiệu với hai hoạt động mới thực sự đã khiến cuộc sống của tôi thay đổi - Đội đồng ca nhà thờ và Nhóm hướng đạo. Đương nhiên tôi được tham gia vào cả hai vì mọi người hi vọng những việc đó sẽ gây ảnh hưởng tốt tới tôi, và trong một khoảng thời gian, chiến lược này thật sự đã hiệu quả.
Nhóm hướng đạo tập hợp ở sảnh nhà thờ, và hầu hết những đứa trẻ ở trại trẻ đều tham gia. Không giống như ở trường, ở đây có rất nhiều hoạt động vui vẻ, và tôi thích thu thập phù hiệu thông qua việc hoàn thành các nhiệm vụ. Tôi rất tự hào về đồng phục của mình, mỗi khi tôi có được một phù hiệu mới, dì Matron sẽ khâu nó vào ống tay áo của tôi, điều đó mang lại cho tôi một niềm tự hào về bản thân mà trước đó tôi chưa từng có.
Những buổi tối khi chúng tôi ngồi quanh lửa trại, nướng khoai tây và xúc xích, hát những bài hát về lửa trại tôi cảm thấy mình là một phần của cái gì đó đặc biệt. Tôi thích cảm giác chia sẻ cùng những cậu bé khác - những người đến từ mọi thể loại gia cảnh khác nhau. Ở trong nhóm chúng tôi đều như nhau, tất cả đều là anh em, và tôi không còn cảm giác mình là một đứa đến từ trại trẻ.
Sau khi tôi vào nhóm được vài tháng, có vài cậu bé mà gia đình mới chuyển tới vùng này cũng gia nhập vào nhóm. Tôi thấy những đứa trẻ này rất khác với phần lớn đám con trai tôi quen biết. Họ ăn nói rất lịch sự và thường nói về những chuyện hoàn toàn tôi không hiểu lắm. Một đứa có một chiếc kính thiên văn và ngắm những ngôi sao, một đứa khác thì đi đua thuyền. Họ đều nói về những kì nghỉ, đi tới những nơi tôi chưa bao giờ nghe tên, và tôi bị những câu chuyện đó cuốn hút. Nếu ở ngoài xã hội tôi không thể hòa nhập với họ vì mỗi tầng lớp có xu hướng chơi riêng rẽ thì khi ở trong nhóm này, một khi một đứa đã tuyên thệ lời thề trung thành, nó sẽ trở thành một phần của chúng tôi và chúng tôi đều biết mình ở cùng một chiến tuyến.
Một trong những trò chơi chúng tôi rất thích là British Bulldog. Tất cả mọi người phải chạy từ cuối hành lang bên này tới đầu bên kia, trong lúc một hoặc hai “hậu vệ” cố gắng bắt họ. Người bị bắt sẽ tham gia bắt những người còn lại, và người còn sống cuối cùng là người chiến thắng. Trò chơi rất ầm ĩ và đôi khi thô bạo, vì chúng tôi thường xuyên dùng bóng bầu dục để ném nhau cho ngã xuống đất và có vài đứa khi bị bắt vẫn cố đẩy “hậu vệ” ra để chạy được tới bờ bên kia. Những nhìn chung thì rất vui và thường thì chẳng có ai bị thương cả.
Không lâu sau khi những cậu bé mới đến tham gia vào nhóm, có một lần chúng tôi chơi trò Bulldog và tràn đầy hào hứng - những cậu bé nhỏ vẫn luôn như vậy. Tôi muốn thể hiện với một trong những đứa mới đến để nó biết tôi chơi giỏi thế nào, nên khi nó chạy về phía tôi tôi liền ôm chầm lấy nó, đè nó xuống nền. Chắc hẳn nó đã bị đau nên hét lên, rồi sau đó nó nhảy dựng lên và gọi tôi bằng một cái tên gì đó. Tôi không nhớ cụ thể, có khi tôi còn không hiểu nó nói gì - nhưng tôi chỉ cảm thấy tức giận khi nó ở trong đội chúng tôi mà lại yếu ớt như vậy. Vì thế trong cơn tức tối bùng nổ không kiểm soát được, tôi đã đấm cho nó một cú, khiến một bên mắt nó thâm tím.
Có người kéo tai tôi ra giữa sự nhục nhã ê chề, và mẹ thằng bé đó chính thức khiếu nại. Tôi bị ép rời khỏi nhóm Hướng đạo. Vài ngày sau bộ đồng phục quý giá của tôi cũng phải trả lại cho họ, chỉ trừ cái phù hiệu, nhưng rồi tôi cũng sớm ném nó đi.
Không có sự phản kháng nào hết. Không ai muốn đứng về phía tôi hay quan tâm đến chuyện tôi cảm thấy thế nào. Tôi chính là một đứa nhóc nghịch ngợm thô lỗ đã đánh một cậu bé ngoan. Tôi nhớ bộ đồng phục, nhớ những bạn khác, rất nhớ. Nhóm Hướng đạo đã cho tôi mục đích sống, cho tôi cảm giác mình thuộc về nơi nào đó, và khi cảm giác ấy bị tước đoạt tôi cảm thấy trống rỗng. Tôi hầu như không bao giờ gặp lại những cậu bé trong nhóm nữa, trừ một vài đứa cũng ở trong đội Đồng ca.
Tôi vẫn tham gia trong đội Đồng ca, dù nó không vui như nhóm Hướng đạo nhưng tôi vẫn thích đội. Tôi thích hát, và cũng giống như nhóm Hướng đạo, đội Đồng ca cũng cho tôi tận hưởng cảm giác mình thuộc về nơi nào đó và làm được gì đó. Điều đó thực sự rất có ý nghĩa đối với một đứa trẻ đã trải qua quá nhiều mất mát. Nhưng nó cũng chẳng kéo dài.
Lần này tội của tôi là đã cười khẩy ở một đám tang. Không phải tôi có ý không tôn trọng, nhưng có cái đã khiến tôi buồn cười và tôi không thể kiềm chế được. Tôi cố gắng dừng lại, cố gắng hát to hơn để át đi cái suy nghĩ đã khiến tôi cười khúc khích. Nhưng nó cứ đến trong đầu tôi. Tôi giờ quyển thánh ca lên trước mặt để người chỉ huy hợp xướng không nhìn thấy. Khổ nỗi ông ta luôn muốn nhìn chúng tôi để điều khiển chúng tôi bằng ánh mắt và cả bàn tay. Kiểu như vào lúc cần, khi chúng tôi hát không đúng, ông sẽ nhướn mày ra hiệu chúng tôi hát cao hơn hoặc nhíu mày ra hiệu hát thấp xuống. Khi ông nhìn tôi và thấy cuốn thánh ca rung rung trước mặt tôi, ông đã gật đầu ra hiệu cho cậu bé đứng cạnh tôi. Nó huých tôi bằng khuỷu tay. Tôi hạ thấp cuốn sách xuống, và khi ông nhìn thấy mặt tôi đang nỗ lực để không cười, mặt ông bốc hỏa và ông ta nhăn nhó giận dữ nhìn tôi.
Sau buổi lễ vài người ở gia đình tang sự đã gặp cha xứ và nói với ông rằng họ thấy một vài cậu bé còn nhỏ nhưng đã thể hiện sự đau buồn suốt đám tang. Gia đình họ rất cảm động khi những cậu bé ấy có thể cảm nhận sâu sắc nỗi đau buồn đến như vậy. Họ tặng cho mỗi đứa trẻ nhỏ một đồng nửa crao để cảm ơn.
Có ai đó dùng một tay đưa cho tôi một đồng nửa crao, còn tay kia cho tôi một cái tát, rồi lột áo thầy tu của tôi ra và bảo tôi biến đi. Những đứa khác thì chúc mừng tôi vì đã dạy cho họ một mánh hay. Nhưng cũng như với Nhóm Hướng đạo, tôi không bao giờ gặp lại họ nữa.
Cảm giác như thể tôi đã mất mọi thứ - và mọi người. Cuộc đời tôi càng thêm lạnh lẽo, cho đến một ngày có hai người khoảng gần 30 tuổi đến trại trẻ. Họ mặc đồ như đi đua xe - áo khoác da, đội mũ bảo hiểm. Người ta bảo tôi rằng người đàn ông là chú Rex và họ đi từ Kent đến đây chỉ để gặp tôi. Tôi rất ngạc nhiên, vì tôi không biết là mình còn có chú ấy. Nhưng khi họ đề nghị đưa tôi ra ngoài chơi một ngày tôi đã rất sung sướng.
Xe máy của họ có chỗ ngồi bên cạnh yên sau, và họ bế tôi vào đó ngồi cùng người phụ nữ đi cùng chú. Đầu tiên chú Rex bảo hay là đi đến Scotland, nhưng người phụ nữ bảo nơi đó xa quá và họ cần tính thời gian kịp quay trở lại, nên chúng tôi đi vòng quanh thị trấn và tới công viên địa phương.
Chú Rex bảo tôi rằng họ sống ở quê và họ có những vườn táo lớn ở Kent, họ đến thăm tôi vì họ muốn đón tôi về ở với họ. Họ nói tôi sẽ thích nơi đó, rằng dù sao những kkhu vườn đó cũng là của tôi và họ chỉ chăm sóc chúng giùm tôi thôi. Chưa bao giờ tôi sung sướng đến thế. Có thật là tôi sẽ được đến sống cùng những con người tốt bụng này, ở một vườn táo? Viễn cảnh quá tuyệt vời đến không thể chịu nổi.
Cuối ngày họ đưa tôi về rồi đi. Tôi tự hỏi không biết bao lâu nữa họ mới đến đón tôi, và từ đó tôi luôn mơ về việc được sống cùng họ, Nhưng ngày lại ngày trôi qua, và rồi hàng tuần, cuối cùng là hàng tháng trôi qua. Tôi đợi, đợi mãi, đợi họ quay lại, nhưng họ không bao giờ đến nữa. Cuối cùng tôi cũng hỏi dì Matron về chuyện đó, và dì bảo rằng họ không được phép đón tôi vì tôi đã không ngoan ngoãn. Tôi cảm thấy như xé ruột gan, vì tôi đã muốn đến sống cùng họ biết bao nhiêu.
Sự thất vọng ê chề này, sau khi mất đi Irene và bị cấm gặp cha, đã dạy tôi rằng bạn càng muốn thứ gì đó bao nhiêu thì khi không có được nó bạn càng đau đớn bấy nhiêu. Sau đó tôi cố gắng chẳng hy vọng gì nữa; tôi không bao giờ muốn trải qua cảm giác tuyệt vọng kinh khủng đó lần nữa.
Về phần những vườn táo mà chú Rex nói chúng là của tôi, mãi cho đến nhiều năm sau tôi mới hiểu. Người ta kể cho tôi rằng ông ngoại của tôi rất giàu có và hình như ông đã gặp một tai nạn xe máy rất kinh khủng khiến ông phải sống cuộc đời còn lại trong viện tâm thần. Anh cả nhà tôi - Michael đã đến thăm ông trước khi ông qua đời, dù khi đó ông tôi không thể nói chuyện minh mẫn được nữa. Có rất nhiều lời đồn đại về những khoản đầu tư khổng lồ và một bản di chúc đã bị thất lạc, bao gồm cả những vườn táo ở Kent. Nhưng tất cả nhưng chuyện này cũng có thể chỉ là lời đồn đại, vì chẳng ai từng nghe đến tên một chú Rex nào cả.
Sau lần đó, tính tình tôi ngày càng tệ hại hơn. Đau đớn và tức giận khi gặp phải toàn những mất mát và bị từ chối, tôi càng trở nên thô bạo, và những cậu bé ở trường bắt đầu tránh tôi vì sợ gặp rắc rối. Tôi đã bị bắt quả tang trốn trong một nhà kho trong vườn nhà một cậu bé, và nó đã bị đánh cho một trận nên thân vì chuyện đó. Một đứa nữa bị phạt vì liên tục về muộn do bận chơi với tôi sau giờ học ở trường.
Càng lúc tôi càng trở nên cô độc. Tôi thường chỉ chơi một mình và chìm đắm với thế giới của riêng tôi. Một, hai lần tôi đã lại bỏ trốn, ngủ dưới những gốc cây và trong những bụi cây. Một đêm mùa đông, tuyết rơi, tôi nằm dưới một bụi cây trong bóng tối, cảm thấy lạnh lẽo hơn bao giờ hết. Rồi đột nhiên trời sáng, ấm áp và nắng ráo, và một người bạn ngồi cạnh tôi ở trường nói chuyện phiếm gì đó với tôi. Tôi cảm thấy ấm áp trở lại và thật vui khi được nói chuyện về những thứ chúng tôi đã làm và những trò chơi chúng tôi đã chơi. Sau đó, lại đột nhiên, cậu ấy biến mất, trời lại tối đen và tôi lại cóng lạnh trở lại.
Lúc đó tôi không biết, nhưng hóa ra tôi đã bị ảo giác và có dấu hiệu của bệnh giảm thể nhiệt. Không chỉ lạnh, tôi còn không ăn uống trong hai ngày, nên tôi vô cùng đói. Khi tôi nằm đó trong bóng tối, tự hỏi nên làm gì bây giờ, tôi chợt nhớ ra có một tiệm bánh mì ở một con đường gần đó. Và một chiếc xe giao hàng mỗi sáng sớm sẽ đều đến đứng trên làn đường phía sau cửa hàng.
Nghĩ đến chiếc bánh mì nóng hổi mà nhỏ nước dãi thèm thuồng, tôi đứng dậy tiến đến cửa hàng. Có thể vì thế nên tôi đã không bị chết cóng đêm hôm ấy. Tôi lần đường đến phía sau cửa hàng và đợi ở một con hẻm gần đó, và không lâu sau thì chiếc xe tải đến.
Người tài xế xuống xe và đi vào cửa sau của cửa hàng, sau đó ông trở ra và mở cánh cửa phía sau thùng xe. Cảnh tượng thật giống như ở thiên đường! Tôi có thể thấy hàng khay hàng khay bánh mì, bánh ngọt và bánh kem. Ông ta kéo ra một khay bánh mì, nhấc nó lên vai và đi vào trong cửa hàng. Tôi bắt đầu đếm xem khoảng bao nhiêu giây thì ông ấy quay lại. Khi tôi đếm đến giây thứ 20 thì cũng là lúc ông ấy trở ra.
Ông ấy lại lấy ra một khay nữa và đi vào trong cửa hàng, và lần này tôi chạy tới chỗ chiếc xe, chộp lấy một cái bánh ngọt lớn bằng cả hai tay, nhưng nó quá nóng nên tôi đã làm rơi!
Tôi lấy một cái nhỏ hơn từ cái khay phía trên, và cảm ơn trời đất nó không quá nóng như cái trước. Tôi nhét nó vào miệng, nhưng nó nóng quá và khiến lưỡi tôi phát bỏng, nên tôi vừa nhai vừa thổi phù phù điên cuồng.
“Ô!” Người lái xe la lên, và tôi bắt đầu chạy, trong lúc đó vẫn cố nuốt miếng bánh trong miệng. Chưa chạy được bao lâu thì người lái xe đã tóm được tôi, nhưng ngay cả khi ông ta đã tóm chặt lấy tôi và gầm lên rằng cuối cùng cũng bắt được tôi, thì tôi vẫn mải mê ngấu nghiến cái bánh.
Hóa ra xe bánh của ông thường xuyên bị đột kích ăn trộm hai lần một tuần. Những đứa trẻ ở các trường học gần đó đều biết chuyện chiếc xe sẽ đến giao bánh và đã lần lượt lấy trộm bánh mì và bánh ngọt hàng tháng trời. Nhưng ông ta bắt được có mình tôi. Tôi bị túm chân cẳng mang lên đầu đường chỗ có một đồn cảnh sát nhỏ nằm ở góc phố.
Tôi bị đưa về lại trại trẻ nhưng lần này, vì tôi đã gần như chết cóng, tôi thoát được một trận đòi và được mang lên giường nằm đó 3 ngày để hồi phục lại. Tôi đã hi vọng mọi chuyện như thế là xong. Nhưng vài tuần sau tôi đã có mặt ở tòa án, nơi có những vị quan tòa. Khi tôi ngồi đó, nhìn những cánh tay khoác áo giáp trên tường, mơ mộng về những hiệp sĩ, thì tòa đã quyết định phải có một chuyên gia tâm lý trẻ em tìm hiểu xem thực sự có chuyện gì xảy ra với tôi. Tôi chỉ biết chuyện đó khi tôi được đưa đến Esplanade kia - ở phía bên kia đường - nơi chúng tôi đã tới đó khám sức khỏe.
Tôi được dẫn vào một căn phòng lớn, ở đó có rất nhiều đồ chơi, và rồi người ta bỏ tôi lại một mình. Có một pháo đài lớn ở một bên và bên kia là một ngôi nhà búp bê - những trò chơi câu đố rải rác trên sàn nhà. Bằng cách nào đó qua một tấm gương trên tường tôi biết người ta đang quan sát tôi. Tôi nghĩ mình sẽ thông minh, nên tôi bỏ qua pháo đài và nhòm vào bên trong nhà búp bê - tôi thấy có một chiếc chăn chắp vá đặt trên chiếc giường bên trong nhà - trong một thoáng nó gợi nhắc tôi về trại trẻ - và rải rác những câu đố trên sàn nhà. Tôi mau chóng thấy chán và chỉ ngồi ở góc phòng nhìn tấm gương lớn, đợi đến khi họ thả tôi ra.
Trong suốt vài tháng sau đó, tuần nào tôi cũng tới ngôi nhà ấy. Buổi học luôn bắt đầu như vậy - tôi được đặt ngồi trên một cái bàn trong một phòng làm việc nhỏ và được đưa cho một bảng câu hỏi dài để trả lời. Tôi không được ra khỏi căn phòng cho đến khi tôi trả lời hết câu hỏi và cái bảng câu hỏi đó thì dài như vô tận. Tôi không còn nhớ bất kỳ câu hòi nào, tôi chỉ nhớ thời gian tôi đã bị giam giữ ở căn phòng nhỏ đó còn ghê hơn là ở trường học. Tôi tích bừa vào những ô trống mà chẳng thèm đọc câu hỏi, chỉ để tôi có thể làm xong và được ra ngoài.
Sau đó tôi phải gặp một người đàn ông tôi không hề có cảm tình. Ông ta rất đáng sợ, và ông ta hỏi tôi rất nhiều câu hỏi, về những ngôi nhà tôi đã ở, những ngôi trường, về cha và các anh tôi. Thật sự rất chán, và tôi chẳng có nhiều thứ để nói. Tôi không thể hiểu tại sao tôi lại phải ngồi với ông ta. Khi đã gặp ông ta xong, tôi sẽ bị cho trở lại ngồi trong phòng chơi - ở đó tôi sẽ lại ngồi nhìn vào gương và nghĩ “Tôi sẽ không kể cho họ về Irene”.
Đến một ngày những cuộc gặp với người đàn ông đó cũng chấm dứt, và một chiếc ô tô màu đen xuất hiện trước cửa nhà Esplanade. Người lái xe bước xuống, và khi ông ta nhìn về phía tôi, tôi biết ông ta đến vì tôi. Ông ta nói chuyện rất lâu với bác Kennedy về nghiên cứu của ông ta, và một lúc sau dì Matron đến chỗ tôi, đưa tôi lên lầu, bắt đầu gói ghém đồ đạc của tôi. Dì ấy nói sẽ không lâu đâu, nhưng tôi phải cố ngoan ngoãn, và đó là cơ hội cuối cùng của tôi để mọi thứ ổn thỏa.
Tôi hoàn toàn không hiểu dì ấy nói thế là ý gì. Khi đã gói xong đồ đạc, chúng tôi xuống nhà và người lái xe dẫn tôi đi, ông ta để tôi ngồi ghế sau cùng với đồ đạc của tôi. Từ trên bậc cửa, dì Matron vẫy chào tạm biệt tôi, và chúng tôi đi đến nơi có trời mới biết.