Ngồi ở ghế sau của một chiếc xe nữa, tôi tự hỏi cuối cùng mình sẽ bị đưa đến đâu. Một giờ sau chúng tôi đến trước một dãy có vài toà nhà lớn, được bao quanh bởi bức tường cao. Chúng tôi đi qua cổng trước và dừng lại bên ngoài toà nhà cao nhất. Ở đó tôi được dẫn vào một căn phòng chắc là kiểu phòng chờ. Trên tường có những tấm áp phích, trong phòng thì có ghế và một chiếc bàn cà phê trên đó đặt mấy tờ báo.
Sau khi tôi ngồi một mình ở đó một lúc thì cánh cửa bật mở và một quý bà to lớn mặc đồng phục y tá bước vào. Bà đứng trước mặt tôi, hai tay khoanh trước ngực, nhìn khá đáng sợ.
“Ta là quản lý ở đây”, và nói, “và quy định ở đây là cháu sẽ phải luôn im lặng, chỉ được nói khi người khác hỏi. Cháu phải làm những gì được bảo ngay lập tức và không được thắc mắc. Cháu sẽ gọi các nhân viên là Ngài hoặc Cô, ngoại trừ ta; cháu phải gọi ta là Quản lý. Chuyện không nghe lời sẽ không được dung thứ và nếu phạm lỗi sẽ bị trừng phạt ngay và rất nghiêm khắc. Bây giờ hãy đứng dậy đi theo ta.”
Lúc đó, vì sợ hãi và băn khoăn không biết đây là nơi nào, tôi đi theo bà ấy vào một căn phòng đầy những giá chứa đầy chai lọ. Ở đó bà ta bảo tôi cởi đồ ra và cho quần áo của tôi vào một cái túi. Bà ta kiểm tra từ đầu đến chân tôi một lượt, viết gì đó lên giấy và bảo tôi mặc vào một bộ đồng phục gồm áo sơ mi và quần dài màu xám. Đẩy tôi ngồi xuống một chiếc ghế gỗ, bà đeo một đôi găng tay cao su và lấy ra một vốc kem màu trắng từ một cái bình lớn. “Hãy nhớ,” bà ta nói trong lúc thoa kem vào đầu tôi, “im lặng nếu không sẽ bị phạt.”
Chải kem đều lên tóc tôi, bà nói thêm, “Đừng có chạm vào bọt. Phải để trên đầu ít nhất 4 tiếng, hiểu chưa?”
“Vâng, thưa cô.”
“Gọi ta là Quản lý”, bà gắt lên.
“Vâng, thưa Quản lý.”
Sau đó bà ta dẫn tôi tới một căn phòng lớn nơi có khoảng 20 cậu bé khác, tầm chín, mười tuổi - đang ngồi cuối phòng sau một chiếc bàn. Hai cậu bé trước mặt tôi cũng bị bôi bọt trắng trên tóc và một đứa đang khóc, trong khi đứa còn lại đang nhăn nhó như thể có gì đó đã làm nó bị đau. Bà ta hét vào mặt đứa bé đang khóc “đừng có làm ồn”. Tôi tự hỏi tại sao nó lại khóc và cái thứ kem này là gì vậy.
Chúng tôi xếp hàng đợi khoảng 10 phút, trong lúc đó tôi cảm thấy da đầu của mình bắt đầu ngứa và bỏng rát. Đến khi chúng tôi được dẫn tới phòng ăn để ăn bữa xế thì đầu tôi đã cảm giác như đang bị thiêu, nhưng tôi quyết tâm sẽ không khiến họ thoả mãn khi thấy tôi khóc. Tôi nghĩ loại kem bôi trên đầu đó là một hình phạt vì tôi đã cư xử không tốt. Tôi không hề biết mình đã bị dẫn đến một trại tạm giam cho trẻ con, và thứ kem đáng sợ đó là bắt buộc dùng cho mọi đứa trẻ mới đến đây.
Chúng tôi ăn trong im lặng. Sau đó tôi được dẫn đến phòng ngủ để sắp xếp đồ đạc. Tôi đã phải chịu đựng sự đau đớn trên da dầu mình suốt vài giờ, nên đến khi được đi tắm tôi gần như chạy như bay vào nhà tắm để giũ sạch đống kem đó ra khỏi đầu. Cậu bé nhỏ vừa khóc lúc trước cũng chạy vào và vò đầu. Tóc cậu bé cũng màu trắng đến nỗi ngay cả khi đã gội đầu xong nhìn cậu ta cũng như thể vẫn còn đầy kem trên đầu. Ngoại trừ chuyện đó thì giờ có thể thấy da đầu cậu đã đỏ ửng và trầy cả da.
Tắm xong chúng tôi được dẫn lên lầu uống trà và ăn bánh quy trước khi lên giường đi ngủ. Tôi không ngủ được nhiều vì đầu vẫn đau nhức, và tôi có thể nghe thấy tiếng khóc của cậu bé tóc màu trắng ở phòng bên, chắc chắn không chỉ vì đau.
Đến hôm sau, sau bữa sáng, chúng tôi được lặng lẽ dẫn vào một phòng học lớn, có những bộ bàn ghế gỗ cổ lỗ. Người ta đưa cho chúng tôi bút chì và sách bài tập, sau đó bảo chúng tôi làm bài tập trong sách. Cửa phòng có một thầy giáo ngồi sau bàn, vừa đọc sách vừa trông chừng chúng tôi. Việc chúng tôi có làm bài tập hay không không quan trọng, miễn là chúng tôi ngồi đó sao cho nhìn có vẻ bận bịu cho đến giờ ăn trưa và rồi lại tiếp tục như thế cả buổi chiều cho đến giờ bữa xế, không được nói gì hết. Khi làm hết sách rồi người ta mới kiểm tra một lượt, và cứ viết đầy đủ những câu trả lời là ổn. Tôi đã vẽ nguệch ngoạc ra sách của mình, và khi thầy giáo không nhìn tôi lại liếc ra ngoài cửa sổ, mơ mộng về những ngọn đồi, những cánh đồng và những ngày ngập tràn nắng ấm.
Đó là những ngày dài lê thê với những đứa trẻ, và chắc chắn không tránh khỏi sẽ có ai đó bị bắt quả tang đang nhìn ra ngoài cửa sổ, hoặc đang thì thầm hay lén cười thầm. Chỉ cần có ai đó gây ồn - ho hay đánh rơi bút thôi - thầy giáo sẽ la lên “Đứng lên!” và tất cả chúng tôi phải đứng dậy, dời tất cả bàn tới bên kia phòng. Sau đó từng đứa sẽ nâng ghế của mình lên, giơ lên trên đầu, vừa giơ vừa đi hoặc chạy vòng trong quanh phòng. Thầy giáo sẽ đứng đó, như một người dạy sư tử, cầm một cây gậy trong tay và khi có ai đó thấm mệt lỡ hạ thấp ghế xuống, ông ta sẽ chạy đến vụt gậy vào chân hoặc lưng họ. Cứ như vậy cho đến khi cả những đứa to khoẻ cũng không thể giữ ghế trên đầu được nữa, và chúng cũng bị ăn đòn, để tất cả tóm lại đều ăn một hoặc hai cú đánh, hoặc có khi nhiều hơn nếu bạn không tránh xa ông ta. Sau một tháng tôi đã có những vết sọc vàng, xanh và thâm đen trên chân và lưng tôi.
Tôi chẳng bao giờ kết bạn với ai ở đó, và những đứa khác cũng vậy. Chúng tôi biết rất ít về nhau vì phần lớn thời gian chúng tôi bị buộc phải im lặng. Đó là một nơi tồi tệ đáng sợ dạy chúng tôi phải phục tùng.
Đến một ngày khi đang ăn bữa xế, tôi bị gọi ra và được thông báo rằng bác Kennedy ở Esplanade đã chết vì lên cơn đau tim. Dù tôi không mấy thân thiết với ông nhưng tôi vẫn thấy buồn, và còn có chút tội lỗi. Tôi tự nhủ không biết dì Matron sẽ cảm thấy thế nào khi chồng bà đã qua đời. Tôi biết dì ấy sẽ nhớ ông. Tôi tự hỏi không biết liệu giờ đây mọi thứ có tốt hơn không, và tôi bắt đầu mong mỏi được trở về. Nếu không còn bác Kennedy ở đó trừng phạt tôi thì cuộc sống hẳn sẽ rất khác. Dì Matron luôn quan tâm tới chúng tôi và tôi thích bà. Tôi sẽ nỗ lực ngoan ngoãn, tôi quyết tâm như vậy, vì tôi không muốn làm bà buồn.
Khoảng sáu tuần sau đó tôi được đưa đến phòng y tế, ở đó người ta đưa lại cho tôi quần áo cũ của tôi và bảo tôi thay đồ. Một chiếc ô tô tiến đến cổng chính, và người đàn ông đã đưa tôi đến trại giam dẫn tôi ra xe và đưa tôi đi. Thật sự tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi đã thoát khỏi nơi tồi tệ nhất, chẳng đâu kinh khủng như nơi này, chắc chắn là như vậy.
Trên đường đi tôi lại bị hỏi những câu hỏi thường lệ. “Cháu có biết cháu đang đến đâu không?”
“Nhà Esplanade”, tôi trả lời.
“Không”, người đàn ông nói, đoạn ông ta thông báo rằng tôi đang được đưa đến một trại trẻ khác ở bên kia thị trấn. Tôi rất buồn, tôi đã nghĩ mình sắp trở về với dì Matron, thế mà giờ tôi lại chuẩn bị đối mặt với một trại trẻ khác, một trường học khác, và một đám trẻ khác.
Khi đến nhà mới, ở Grindon, dì và bác ở đó đã đợi để chào đón tôi. Họ có vẻ tốt bụng, và sau khi tôi đã được nếm trải cuộc sống ở trại giam thì nơi đây giống như thiên đường - chúng tôi được cho phép chơi ngoài đường với những đứa trẻ khác. Chỉ có một chuyện. Không lâu sau khi tôi đến, một trong những cậu bé hỏi tôi “Cậu đã bị bác nhìn chưa?”
Tôi không biết ý cậu ta là gì, vì thế cậu ta bảo tôi hãy cảnh giác vì bác thường thích “kiểm tra” những đứa con trai mới đến. Nếu ổn thì ông sẽ “chọn” người đó. Cậu ta nhắc tôi “cố gắng đừng bao giờ ở một mình với ông ấy”.
Khi đó tôi không biết ý cậu ta là gì, nhưng không lâu sau tôi đã sớm hiểu ra. Ngày hôm sau đó, khi dì không ở nhà, bác đã gọi tôi lên lầu tới phòng ông và nói rằng ông làm việc ở bệnh viện. Điều đó nghĩa là ông cũng gần giống như bác sĩ và người ta thì luôn tin tưởng bác sĩ. Ông ta bảo ông luôn kiểm tra các cậu bé mới đến để đảm bảo họ khoẻ mạnh và ông ta bảo tôi cởi quần ra. “Quá trình kiểm tra” của ông ta liên quan đến cơ quan sinh dục của tôi, điều đó khiến tôi rất khó chịu. Sau đó ông ta bảo tôi rằng ông ta có thể giúp nếu ai đó muốn thủ dâm để chắc chắn người đó không thủ dâm quá nhiều. Ông ta bảo tôi khi nào làm thế thì hãy đến nói với ông ấy.
Lúc đó, tôi đã không làm gì cả. Tôi mới chín tuổi và chẳng hiểu những gì ông nói. Nhưng tôi biết mình không thích những gì ông ấy làm, vì thế tôi giằng ra, kéo quần lên và đá vào ống chân ông ta. Ông ta nổi giận và tát dép vào sau đầu tôi. Nhưng sau đó ông ta không bao giờ gọi tôi đến nữa. Mấy tuần sau đó tôi mới biết có một vài cậu bé đã ở trong phòng ông ta rất lâu. Đặc biệt có một đứa thỉnh thoảng còn tới phòng ông ta vào buổi tối khi mà các dì đã đi ngủ, và sau đó rất muộn mới trở về và khóc ròng cho đến lúc thiếp đi. Thỉnh thoảng cậu bé đó còn vắng mặt cả hai ngày cuối tuần, và cậu ta không bao giờ kể cho chúng tôi những chuyện đã xảy ra với cậu.
Không ai dám tố giác ông ta. Tôi ước chúng tôi có thể nói ra điều đó biết bao nhiêu, nhưng chúng tôi không có người lớn nào có thể tin tưởng. Chúng tôi chỉ gặp những người cùng làm trong hệ thống những trại trẻ, và chúng tôi biết việc nói ra sẽ chỉ đổ thêm một đống rắc rối lên đầu mình. Có một số đứa cũng thường về thăm gia đình họ, nhưng chúng cũng không dám kể với gia đình vì kết quả chắc chắn là sẽ bị mất quyền về thăm nhà. Những người quản lý luôn biết cách kiểm soát chúng tôi.
Ban đầu Grindon có vẻ là một nơi thoải mái hơn. Nhưng tôi không thể ở yên ở đó. Tôi biết mình không nên trốn, bởi gì tôi sẽ không tránh khỏi rắc rối. Nhưng cuối cùng sự thôi thúc phải lên đường tìm lại Irene đã trở nên quá mạnh mẽ.
Dì và bác đều đã đang trong kì nghỉ phép và có một người dì mới đến thay họ trông nom chúng tôi. Dì mới rất tốt với chúng tôi, nhưng khi đó tôi đã quyết định sẽ đi, và một buổi sáng tôi đã bước ra khỏi cổng trước khi những người khác thức dậy. Tôi đã lấy một ít đồ ăn trong bếp cho vào cặp sách rồi lên đường.
Cách đó không xa có một bãi đỗ xe, và có một cửa hàng di động thường dừng ở đó. Ngày hôm đó, khi tôi nhìn thấy nó, tôi đã quyết định vào mua một ít kẹo để làm lương thực lấy sức. Cửa hàng vẫn chưa mở cửa vì còn quá sớm, vì thế tôi đi ra phía sau để mở cửa sau của nó ra. Tôi lục lọi ở những giá để kẹo bên trong và nhét đầy kẹo vào cặp sách. Tôi còn lấy một cái bánh khá đẹp và rồi rời đi, băng qua đường, nhét nó vào miệng. Tôi không nghĩ đó là ăn trộm, đó chỉ là cách để tôi tiếp tục cuộc hành trình phía trước.
Tôi đi thẳng băng qua những cánh đồng ngô dẫn về phía cuối dòng sông và rồi đi bộ qua rừng, tận hưởng sự ấm áp của mùa hè. Tôi nhìn những con nhạn biển bay là là trên mặt nước đang gọi nhau, thỉnh thoảng cánh của chúng khẽ chạm vào mặt nước làm gợn lên những đợt sóng lăn tăn. Đôi khi một con cá hồi sẽ nhảy lên trên mặt nước. Tôi đã nghĩ nó thật hạnh phúc vì không phải kiềm chế bản thân khi muốn nhảy. Và lúc đó tôi cũng cảm thấy như vậy khi chạy qua những cánh động, tôi cũng được tự do như loài chim, loài cá.
Tôi ngồi bên bờ sông và nghĩ đến Irene, tự hỏi không biết bây giờ cô ấy đang ở đâu. Đã gần hai năm kể từ lần cuối chúng tôi nhìn thấy nhau, nên tôi chắc chắn họ có thể đã chuyển cô ấy tới một nơi nào khác. Nhưng tôi biết rằng, dù ở đâu, cô ấy cũng sẽ ngẩng nhìn lên cùng một bầu trời xanh với tôi.
Tôi lang thang qua những khu rừng, những cánh đồng, ngủ trong những ruộng ngô ấm áp. Tôi tự hỏi những con bướm đến từ đâu và sao chúng có thể sống được những khi có gió to. Tôi nhìn ánh mặt trời soi xuống làn nước lấp lánh, khiến tôi chói mắt, nên khi nhìn vào đó tôi sẽ bị mất thị lực rất lâu mới nhìn rõ lại được. Ngập tràn quanh tôi là những mùi hương và những âm thanh của mùa hè, và tôi nuốt trọn chúng.
Được bốn ngày thì hai cảnh sát bắt được tôi khi tôi đang đi bộ dọc một ngôi làng nằm bên một con sông nhỏ của Coxgreen – nơi có kí ức ám ảnh tôi. Tôi bị đưa tới đồn cảnh sát, ở đó họ tìm thấy đám kẹo bị mất trộm trong cặp tôi. Người chủ cửa hàng đã trình báo việc có người đột nhập, và tôi bị kết tội trước khi họ đưa tôi về Grindon.
Người dì mới đang đợi ở cửa và khi tôi bước lên bậc thềm bà giơ tay ra. Tôi nhắm lại lại, đợi bị tát. Khi bà nắm lấy người tôi và dành cho tôi một cái ôm thật chặt, tôi đã chết lặng. Lần đầu tiên kể từ khi bị đưa vào trại trẻ tôi mới được ai đó ôm. Tôi há hốc miệng vì ngạc nhiên. Khi buông tôi ra, bà ấy nói, “Đừng tỏ vẻ bất ngờ thế chứ, cháu chưa từng được ôm à!”
“Lạy Chúa cháu không sao”, bà nói thêm. “ta đã rất lo cho cháu”. Tôi lại ngạc nhiên thêm lần nữa, cũng chưa ai từng thể hiển bất kì sự lo lắng nào dành cho tôi. Tôi đang được yêu thương!
Một trong những người cảnh sát đưa tôi về nói, “Sao cháu lại bỏ trốn khi ở đây có người yêu thương cháu chăm lo cho cháu như vậy?” Tôi hoàn toàn đồng ý.
Có vẻ như từ khi phát hiện tôi biến mất dì ấy chưa từng chợp mắt. Lúc đó tôi đã thề với bản thân mình sẽ không bao giờ bỏ trốn nữa. Tôi muốn ở đây với dì ấy và ngoan ngoãn. Dì không hề phạt tôi. Dì ấy không cần làm thế, vì nhìn thấy dì ấy bị tổn thương đã đủ với tôi rồi. Tôi bắt đầu nghĩ cách làm dì ấy vui và cải thiện tính cách của mình.
Ngày hôm sau mọi thứ trở về quy trình như ngày thường, nhưng đã có sự thay đổi: Tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi thoải mái làm việc nhà và quyết tâm thứ hai tới khi đi học tôi sẽ bảo cô giáo giúp tôi học đọc và viết. Đó là một chuyện rất lớn với tôi, vì tôi chưa từng nhờ cô giúp. Nhưng trước ngày tôi đi học trở lại một chiếc xe màu đen tiến đến và một người đàn ông rất cao bước xuống. Dì khóc và tôi nhận ra chuyện gì đang xảy ra. Dì lại đến chỗ tôi, trao cho tôi một cái ôm nồng nhiệt nữa. “Dì xin lỗi”, đó là tất cả những gì dì ấy có thể nói.
Tôi nhanh chóng bị đưa lên xe đi. Sau đó lại là câu hỏi “Cháu có biết cháu đang đi đâu không?”
“Không,” tôi nói.
“Cháu chuẩn bị đến nơi mà cháu sẽ không thể gây rắc rối cho bất kì ai được nữa,” ông ta nói, và ông ta dựa người vào lưng ghế, cố gắng tát tôi bằng một tay trong khi tay kia vẫn điều khiển vô lăng.
Tôi thực sự sợ hãi. Ý ông ta là sao? Có phải tôi sắp vào tù không?
Không lâu sau, chúng tôi lại dừng lại ở trại giam. Trái tim tôi chùng xuống. Chẳng có nơi đâu tệ như nhà giam. Tôi tự nhủ phải mạnh mẽ kiên cường trước những chuỗi ngày khó khăn sắp tới, bắt đầu sẽ là kem của bà Quản lý.
Cậu bé có mái tóc màu trắng vẫn ở đó. Và tôi tự đặt nickname cho cậu ta là Đầu trắng. Cậu ta không còn khóc nữa. Cậu ta đã thay đổi, gương mặt đanh lại và trở nên cáu bẳn giận dữ hơn. Ngày hôm đó chúng tôi đã có những cuộc ẩu đả đầu tiên. Chẳng có lý do gì thực sự, đơn giản vì hầu hết chúng tôi thấy đánh nhau là một cách tốt để giải toả cảm xúc.
Nhiều tuần trôi qua, và sau khi rời phòng học tôi gần như chẳng bận tâm đến những trận đòn nữa. Sau đó một hôm người ta mang đến một chiếc ti vi và họ bảo rằng chúng tôi được phép xem ti vi một tiếng đồng hồ mỗi tối. Tuyệt vời! Chúng tôi được dẫn vào một căn phòng tối nhỏ có ghế đặt thành hình cung quanh một cái ti vi màu nâu có một cái màn hình rất nhỏ. Chúng tôi vẫn phải tuân theo những quy tắc im lặng như thường. Chúng tôi chỉ được xem hai chương trình: tin tức và một show truyền hình mới tên là Coronation Street. Chúng tôi phải ngồi và xem Ena Sharples quấn mớ lưới bao tóc của cô ấy, mặc đồ trắng đen lộng lẫy. Thật quá khó với trí tưởng tượng của những cậu bé chúng tôi. Ít nhất ở Esplanade và Grindon chúng tôi còn được xem The Lone Ranger hoặc Robin Hood. Nhưng ở đây chúng tôi buộc phải im lặng ngồi đó và xem Ena cho đến khi tới giờ uống cacao và đi ngủ.
Có những ngày chúng tôi được đưa ra ngoài chơi bóng đá. Sau nhiều giờ đồng hồ im lặng nghiêm ngặt thì thật sung sướng khi được ra ngoài. Chúng tôi thường chơi với một casey - một quả bóng làm bằng da, và khi trời mưa nó sẽ ngấm nước nên càng nặng thêm. Lần đầu tiên tôi làm một cú đội đầu, quả bóng ướt sũng nước và nó suýt chút nữa khiến tôi bổ ngửa ra sau. Lúc đá cũng suýt ngã như vậy nên cuối cùng tôi đã phải đi khập khiễng. Sau lần đó chiến lược của tôi là vừa chạy quanh vừa hô to “ở đây, ở đây”, sau đó tránh quả bóng khi nó được đá đến chân mình, để tôi không phải đá nó.
Thường cứ vài tuần lại có người mới đến, tóc họ lại bị ngâm trong bọt kem, nước mắt lại chảy dài trên má họ. Có hai kiểu con trai. Một loại không thực sự thuộc về nơi này, họ gặp rắc rối nhưng sẽ sớm được về nhà và sẽ không trở lại. Còn một loại sống trong hệ thống các trại trẻ và thường là những đứa cứng đầu hay phạm những tội lặt vặt như một cách sống.
Hầu hết những đứa trẻ sống trong các trại trẻ đều vô hại và chúng chỉ hành động thô bạo để bảo vệ chính mình. Nhưng có một số đứa mà bên trong chúng ẩn chứa sẵn những thứ đen tối. Những đứa này sẽ đánh người khác chẳng cần lý do và có vẻ điều đó làm chúng vui thích. Đầu Trắng là một trong số đó. Dù nó mới chỉ chín tuổi nhưng chúng tôi đều nhìn thấy sự tức giận phừng phừng ở nó và tránh nó bất cứ khi nào chúng tôi có thể.
Chẳng có ai trong số chúng tôi biết mình sẽ ở đó bao lâu, hay chúng tôi sau đây rồi sẽ đi về đâu. Nhưng sáu tuần sau đó tôi bị đưa đi. Sáng hôm đó người ta đưa tôi tới phòng y tế, lại bảo tôi thay quần áo, sau đó không được nói lời tạm biệt với ai, tôi phải lên một chiếc xe đợi sẵn bên ngoài và thế là đi.
Tài xế là một người đàn ông trung tuổi mở cửa kính xe và hút thuốc suốt dọc đường. Ông ta không nói gì với tôi, vì thế tôi chỉ ngồi nhìn những cánh đồng lướt qua bên ngoài cửa sổ và tự hỏi không biết chuyện gì sắp đến.
Cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi. Nơi tôi đến trông có vẻ giống như một bệnh viện. Nó có một hành lang dài với một mặt sàn bóng loáng chạy khắp toà nhà, một bên hành lang có rất nhiều cánh cửa. Tôi được dẫn tới phòng Hiệu trưởng, ở đó người ta bảo tôi đây là Trung tâm đánh giá Aycliff và nơi tôi được đưa đến tiếp theo sau đây sẽ tuỳ thuộc vào hành xử của tôi. Tôi ngạc nhiên khi thấy có người giải thích cho tôi rằng tôi đang ở đâu và chuyện gì sẽ xảy đến tiếp theo. Chuyện này chưa từng xảy ra trước đó.
Toàn bộ nơi này nhìn còn rất mới. Tôi sớm được biết một bên là Trung tâm an toàn dành cho những đứa trẻ nhỏ phạm phải những tội nguy hiểm như giết người. Đầu bên kia là rất nhiều những ngôi nhà lớn nối với nhau bằng những con đường bê tông. Ở giữa là các phòng học và một sân bóng.
Một thầy giáo dẫn tôi tới nhà của tôi. Ông hỏi tôi về chuyến đi của tôi tới đây, và tôi vốn không quen với việc được hỏi chuyện một cách thoải mái dễ chịu như thế nên tôi gần như không biết nói chuyện nói thế nào.
Có khoảng 10 cậu bé sống cùng nhà với tôi, tất cả đều sêm sêm tuổi nhau. Mỗi đứa chúng tôi có một phòng ngủ nhỏ và hàng đêm người ta sẽ khoá cửa phòng ngủ từng đứa. Mỗi một thầy giáo đều có một xâu chìa khoá giắt ở thắt lưng và mỗi đêm sẽ có một thầy trực ở dưới lầu. Nếu ai đó muốn đi vệ sinh thì ấn nút trong phòng. Ở đầu bên kia của ngôi nhà có một phòng giam có cửa thép và một cửa sổ kính hẹp. Bên trong phòng có một cái chăn và một tấm đệm trần. Thỉnh thoảng khi có đứa nào nổi khùng hoặc đánh nhau, nó sẽ bị lột hết quần áo tống vào đó vài tiếng đồng hồ, hoặc có những trường hợp là ở trong đó cả ngày.
Tôi cố gắng tránh không phải vào trong phòng giam đó. Nếu được tôi không muốn phải quay lại trại giam hay bất cứ nơi nào tệ hơn nữa. Tôi muốn được đến nơi nào đó tử tế, vì thế tôi quyết tâm phải tránh xa mọi rắc rối và thật ngoan ngoãn.