Tôi học xong lớp năm, trượt kì thi lên trung học, nghĩa là tôi sẽ phải vào trường phổ thông. Nhưng trước khi vào năm học mới lại là chuỗi ngày nghỉ hè trải dài trước mắt, và hơn tất cả là lại một chuyến đi nữa tới Whitby.
Một lần nữa tôi lại ngồi đếm ngày. Đã hai năm tôi ao ước được gặp lại Alan. Lần này tôi tự hứa với bản thân mình sẽ phải tìm thấy cậu ấy. Nếu cần tôi sẽ hỏi từng người ở Whitby.
Tôi dành tất cả thời gian trong tuần đó để tìm kiếm. Bất cứ khi nào có thể tách ra khỏi đám trẻ và các dì, tôi đều đi dọc những con đường rải sỏi và những bãi biển, nhìn vào các cửa hàng, nói chuyện với những người đánh cá và đuổi theo bất cứ cậu bé nào tầm cỡ mười tuổi - chỉ để nhận lại một núi thất vọng khi họ quay mặt lại. Đến cuối tuần đó, tôi chỉ còn lại một trái tim đau khổ, biết rằng lại mất một năm nữa tôi mới có thể lại đi tìm Alan. Và chẳng có ai giúp tôi hết.
Vậy nên, tôi lại trở lại Rennie Road, về với những ngày ngu ngốc kéo dài vô tận, những việc nhà giống hệt nhau ngày này qua ngày khác, và lại đến trường.
Trước khi vào trường mới, dì Doris dẫn tôi tới cửa hàng bán đồng phục trường học ở trung tâm thành phố để chuẩn bị đồng phục: áo cộc tay màu xanh nước biển có gắn phù hiệu tên trường trên túi ngực và một chiếc váy xếp li cùng màu dài qua đầu gối một chút. Trên phù hiệu có hình một lâu đài, có thể nó dựa trên hình ảnh lâu đài Hylton ở chân đồi Bunny. Tôi còn có một chiếc áo sơ mi màu xanh nhạt và một chiếc cà vạt màu xanh biển với những sọc kẻ màu xanh lá, vàng, đỏ, và xanh biển nhạt. Mỗi sọc tượng trưng cho một trong số bốn ngôi nhà trong trường; người ta bảo của tôi là nhà Bắc và biểu tượng bằng màu xanh biển nhạt. Cuối cùng để tươm tất tôi còn có thêm một đôi giày da màu đen rất cứng - thứ tôi đặc biệt ghét.
Margy cũng vào trường phổ thông cùng tôi nên buổi sáng đầu tiên đi học tôi đi cùng cô ấy. Trường cách đó khoảng hai dặm nhưng chúng tôi không được đi xe buýt trừ khi trời mưa. Quãng đường đi bộ phải mất đến một giờ đồng hồ, và tôi sung sướng khi Margy chỉ tôi một con đường tắt có thể tiết kiệm được ít nhất 15 phút. Vấn đề duy nhất là chúng tôi phải đi qua những cánh đồng nên tôi phải cẩn thận để không khiến đôi giày kinh khủng của tôi nhìn quá bẩn, không thì tôi sẽ gặp rắc rối với các dì.
Tôi đến ngôi trường Redhouse của mình vào tháng Chín năm 1962, trong bộ đồng phục mới, hi vọng rằng mình có thể có cơ hội kết bạn với những người bạn mới. Trường học rất rộng đến nỗi mất vài ngày tôi mới biết hết các lối đi. Tôi chưa bao giờ thấy các môn học ở trường dễ dàng gì, nên tôi luôn thuộc tốp đứng cuối ở hầu hết các môn học, thêm vào đó cũng nằm trong nhóm học sinh luôn gặp khó khăn và gây rắc rối.
Tôi ao ước được là một người hòa vào trong đám đông. Những cô gái lớn tuổi hơn tôi thường mặc đồng phục rách rưới mà họ tự chỉnh sửa bằng cách cắt ngắn váy lên hoặc may phù hiệu lên áo khoác. Họ thường thả tóc và đeo những chiếc cặp màu sắc sặc sỡ chéo qua vai. Tôi sẽ tình nguyện đánh đổi bất cứ thứ gì để được tham gia vào nhóm đó và có thể làm cho đồng phục của mình nhìn có vẻ “rách rưới” để trông thật ngầu và có chút nổi loạn. Nhưng các dì luôn muốn tôi ngày nào nhìn cũng phải sạch sẽ không tì vết, quần áo không có cả một nếp nhàu, giày phải sáng bóng và tóc vẫn phải cắt theo quy định, kiểu tóc như cái mũ nồi chụp lên. Trong khi những người khác được mặc những bộ đồng phục được để lại từ người này cho người khác hàng năm trời, thì chính quyền địa phương, tôi đến chán ghét khi họ cứ bỏ tiền để năm nào tôi cũng có một bộ đồng phục mới hoàn toàn.
Với vẻ ngoài chẳng có gì là ngầu của mình thì cách duy nhất tôi có thể kết bạn với những người khác là phải chứng minh rằng tôi dữ dằn hơn vẻ bề ngoài. Tôi bị thu hút bởi sự ngang bướng của các cô gái, bị cuốn hút bởi cá tính nổi loạn của họ, và tôi thuyết phục họ để tôi nhập hội với họ bằng cách đứng canh giúp họ khi họ hút thuốc đằng sau bức tường bể bơi. Tôi vẫn còn quá đạo đức nên không thực sự dám làm điều gì đó chứng tỏ bản thân mình thật nghịch ngợm - chắc chắn tôi không dám hút thuốc - nhưng tôi tha thiết mong mỏi được chấp nhận tham gia vào hội đến nỗi tôi vờ như mình chẳng quan tâm đến chuyện có thể gặp rắc rối.
Sau giờ học các cô gái đó sẽ gặp nhau ở cửa hàng bánh ngọt gần trường và nói chuyện về âm nhạc và thời trang trong khi mắt vẫn để ý tới các chàng trai đi ngang qua. Tôi cố gắng tham gia, đi cùng họ tới cửa hàng bánh. Nhưng tôi chỉ có thể ở lại vài phút vì tôi phải về Rennie Road đúng giờ, không thì sẽ bị phạt.
Phù hiệu mới là cái khó nhất. Cái phổ biến nhất là “Ban the Bomb” (Cấm ném bom) viết theo hình chữ Y. Tất cả các Hippie đều sử dụng biểu tượng đó vì hoà bình. Sao tôi có thể mong thêu một cái lên đồng phục của tôi mà không để các dì biết được cơ chứ?
Cuối cùng, tôi đã tìm ra cách. Tôi tự làm cho mình một phù hiệu kim loại, in biểu tượng “Ban the Bomb” lên trên và gắn mắc cài phía sau. Tôi gắn nó bên dưới cổ áo ngắn tay của mình, để khi tôi lật cổ áo lên người ta sẽ thấy nó, và thế là đủ. Những cô gái khác sẽ bị bắt quả tang khi đeo phù hiệu của họ và gặp rắc rối, nhưng tôi thì không!
Tôi không được phép cho bạn đến nhà hay ở lại nhà các bạn, và tôi thấy chuyện này thật khó khăn. Sao tôi có thể hoà nhập với hội nhóm nếu tôi không thể đến nhà một cô bạn gái, dù chỉ một hoặc hai giờ đồng hồ? Các cô bạn khác sẽ hẹn hò nhau mỗi ngày sau giờ học, trong khi tôi phải đi về với những công việc thường nhật thê thảm kéo dài bất tận. Chuyện đó khiến tôi buồn, tức giận và đôi khi còn cảm thấy cô đơn.
Margy cũng thế. Cô ấy lớn hơn tôi một tuổi, nhưng vẫn phải tuân theo những quy tắc đó và không bao giờ được phép đến chơi với một bạn khác hay tự chỉnh sửa đồng phục của mình. Tôi biết cô ấy cũng tức giận khi phải đứng bên ngoài thế giới đổi thay đầy thú vị đó. Nhưng, có lẽ cũng thật kì lạ, chúng tôi không bao giờ tâm sự chia sẻ với nhau về chuyện đó. Mỗi người trong chúng tôi tự gặm nhấm nỗi cô đơn thống khổ của mình trong im lặng.
Giáng sinh năm đó, sau khi tôi bước sang tuổi 12, tôi được tặng một lọ nước hoa rẻ tiền nhỏ từ chương trình Giáng sinh của một trong những tổ chức xã hội của tầng lớp lao động. Tôi sung sướng tột độ; được sở hữu nó khiến tôi cảm thấy mình đã trưởng thành và có rất nhiều cảm xúc phức tạp. Rất không muốn phải chia sẻ món quà của mình, tôi đã giấu nó dưới gối. Tôi biết chắc chắn các dì sẽ tịch thu nếu tôi xịt nó, vì thế tôi chỉ mở nó vào ban đêm và ngửi mùi hương của nó. Nó khiến tôi nhớ đến những người phụ nữ quyến rũ vẫn đi quanh thị trấn trên những đôi giày cao gót, tay mang một chiếc túi mua từ những cửa hàng sành điệu nhất ở Sunderland.
Tôi giữ lọ nước hoa đó suốt nhiều năm, giấu nó cùng với cái vòng cổ thẻ tên quý giá của tôi. Chỉ có hai thứ quý giá đó là thực sự của riêng mình tôi, và tôi lo lắng bảo vệ chúng. Mỗi ngày giặt đồ cuối tuần tôi lại chuyển chúng vào một trong những chiếc dép đi trong nhà của tôi, rồi sau đó khi đồ đạc ga gối được giặt xong, tôi lại giấu chúng xuống bên dưới gối.
Khi chúng tôi đến tuổi thiếu niên, những cô gái ở trường bắt đầu rủ nhau đi chơi tối ở những trung tâm cộng đồng, hoặc tới những bữa tiệc, những màn nhảy hoặc các vũ trường. Lúc nào họ cũng kể về chuyện đó - họ mặc gì, họ nhảy với ai và những thứ khác nữa. Tôi ghen tị với họ khi nghe họ kể về những khoảng thời gian vui vẻ mà họ có và cố gắng hình dung ra mọi thứ qua lời kể của họ. Họ biết tôi đến từ “trại trẻ” nên họ không bao giờ rủ tôi đi cùng: họ biết câu trả lời sẽ là không. Vì thế tôi thu mình lại, buồn bã vì sự xuất hiện của tôi chẳng khác gì một kẻ ngoài cuộc, như thể cả thế giới này đều đi ăn tiệc, nhảy nhót và vui vẻ vậy.
Xu hướng âm nhạc mới xuất hiện để phục vụ cho một nhóm người mới nổi lên trong xã hội - đám thanh thiếu niên! Những nhóm nhạc lớn thịnh hành vào thập kỉ năm mươi giờ nhường chỗ cho những ban nhạc nhỏ như "Freddy and the Dreamers". Trong khi Elvis nổi lên ở Mĩ, những ca sĩ đầy gợi tình như Billy Fury và Adam Faith dần thay thế các ca sĩ nhạc sến xưa kia.
Cho tới cuối những năm 50 mới chỉ có một kênh truyền hình duy nhất, nhưng sau đó xuất hiện thêm một kênh thứ hai, gọi là iTV, chuyên phát những chương trình âm nhạc như là Ready Steady GO! và Thanh Your Lucky Stars. Đây là một sự phát triển mới hay ho, vì nó khiến các ngôi sao nhạc nhẹ có mặt trong phòng khách của mỗi nhà.
Hầu như chúng tôi đều không được phép xem những chương trình này ở Rennie Road, nhưng tôi đã tìm cách để được phép tới nhà chị Joan vào những tối thứ Sáu. Chúng tôi sẽ xem Ready Steady Go! cùng nhau, nhảy nhót trên sàn nhà và lắc lư đầu theo nhạc. Khi tôi đến nhà chị ấy vào những ngày khác, chị Joan lúc nào cũng mở radio và chúng tôi nghe những bản nhạc được phát trên đó. Có vài cô gái sống ở các ngôi nhà gần đó đã sở hữu một chiếc đài bán dẫn xách tay: lần đầu tiên có những chiếc đài chạy bằng pin và có thể sạc, người ta có thể mang chúng ra ngoài. Họ sẽ ngồi trên đồi Bunny, nghe đài Luxembourg và sau đó là kênh Caroline - một trong những sóng phát thanh hải tặc được phát sóng từ những con tàu đang chu du trên biển.
Vào năm mới 1964, không chịu thua kém, BBC cũng tung ra bảng xếp hạng các bài hát được yêu thích. Đó ngay lập tức là một cú hit đình đám, và có tất cả các ban nhạc nổi tiếng nhất nằm trong danh sách, trong đó có hai nhóm thực sự tôi rất thích - Rolling Stones và Animals. Với ngoại hình phong trần và giọng hát đầy gai góc, họ là hai nhóm thu hút phần muốn nổi loạn trong tôi.
Và sau đó là Beatles, nhóm nhạc nổi lên thứ hạng số 1 vào năm 1963 và giữ vững ngôi vị suốt nhiều năm sau đó. Họ không phải kiểu tôi thích, nhưng không ai có thể bỏ qua Fab Four và tất cả mọi người đều yêu mến Paul, John, Ringo hoặc Geogre.
Không giống như tất cả các cô gái chúng tôi biết, ở Rennie Road chúng tôi không được phép dán bất cứ cái gì lên tường phòng ngủ, vì thế chuyện mang poster thần tượng về không cần hỏi cũng biết không được phép. Cả trang điểm hay váy ngắn cũng vậy. Trong khi các mép váy ngày càng ngắn lên vùn vụt xung quanh chúng tôi, ngay cả chuyện nói chuyện về chuyện mặc váy siêu ngắn cũng khiến các dì nổi cơn giận dữ điên cường chỉ trích đạo đức về “loại con gái đó”. Điều tốt nhất tôi có thể làm là mỗi buổi sáng khi ra khỏi tầm mắt các dì tôi sẽ gấp thêm nếp cạp váy đồng phục để nó có thể cao qua đầu gối. Nhưng chỉ được một lúc rồi nó lại tự tuột ra trở về độ dài bình thường. Khi váy ngắn hơn một chút tôi cảm thấy mình cũng có chút giống các cô gái khác, nhưng chuyện đó khá mạo hiểm với tôi. Khi các cô gái ở trường ăn tiệc, mặc váy siêu ngắn và kẻ mắt đen như Dusty Spring Field, thì thế giới của tôi hầu như cũng chẳng thay đổi gì.
Quyền lợi duy nhất tôi có được khi lớn thêm một chút nữa là các dì cho tôi xem tivi khi có các chương trình ca nhạc. Bù lại tôi bị giao thêm nhiều việc nhà hơn, phải giúp các dì chăm sóc những đứa trẻ nhỏ hơn. Tôi không ngại chuyện đó, tôi thích tắm cho những em bé gái và đưa chúng lên giường đi ngủ. Biết rằng mình sẽ không được quá thân thiết với chúng hay thể hiên tình tình cảm với chúng, tôi thường cố gắng kìm nén cảm xúc. Nhưng chúng còn quá nhỏ và tôi rất buồn khi thấy chúng đã mất mẹ, nên đôi khi khi chúng đã ngủ, tôi lại dành cho chúng những cái ôm và bảo chúng phải giữ bí mật đừng nói với ai.
Khoảng thời gian này tôi đã gặp một chuyện rất buồn. Một buổi chiều tôi ở trong phòng chơi nhìn ra cửa sổ thì thấy cha và bác Bob đang đi rất chậm ở bên kia đường. Thông thường nếu họ đi ngang qua, trên đường tới nhà chị Joan hoặc ở đó về, họ sẽ nhìn lên và vẫy tay với tôi, nhưng lần này họ không làm thế. Tôi rất bối rối và lo lắng? Tại sao họ lại đi chậm như vậy? Và tại sao họ không ngẩng nhìn lên để xem có thấy tôi đang nhìn họ hay không?
Vài ngày sau khi tôi đang nhìn qua cửa sổ thì lại thấy chị Greta xuất hiện trên đường. Tôi chạy tới chỗ dì Doris, xin phép ra ngoài gặp chị. Và khi dì ấy đồng ý tôi chạy ra chỗ chị Greta.
Chị quàng tay qua vai tôi, và tôi cảm giác có chuyện gì đó đã xảy ra. Sau đó chị nói với tôi rằng bác Bob đã mất. Tôi đau điếng. Tôi yêu mến bác ấy rất rất nhiều. Tôi không thể quen với ý nghĩ rằng bác ấy không còn sống trên đời nữa. Tôi quay về nức nở và ngồi một mình trong phòng ngủ cho đến khi nước mắt ngừng rơi. Không ai nói với tôi tại sao bác Bob mất và tôi không được tới dự đám tang bác ấy. Và thời đó khi có ai chết, người ta sẽ không nhắc đến người đã mất nữa. Nhưng ngày nào tôi cũng nghĩ đến bác và thường cầu mong mình có thể lại thấy bác bước đi trên đường, đến đón tôi ra ngoài chơi với chiếc mũ đội trên đầu và một nụ cười rộng mở trên khuôn mặt hiền lành.