Sau bữa sáng của ngày đầu tiên của tôi ở Stanhope, thầy Hiệu trưởng gọi tôi tới phòng. Ông bảo tôi rằng hành xử của tôi tối hôm trước cho thấy tôi cần phải được kiểm soát chặt chẽ và họ sẽ làm như vậy. Sau khi nhận được một trận đòn từ thầy quản lý ký túc, và nghĩ đến thái độ của anh trưởng, tôi nghĩ đúng là họ đã làm như vậy.
Suốt cả ngày hôm đó tôi được học về những luật lệ, luật lệ và luật lệ - và cố gắng tìm đường. Ngôi trường này có chút giống như một mê cung và phải mất một thời gian để học về bố cục các toà nhà, phải nhớ rằng sân ở giữa và các toà nhà khác ở xung quanh. Những kí túc xá nằm ở tầng một của các toà nhà, nối với nhau bằng một hành lang mở, vì thế để tới một phòng nào đó bạn phải đi qua các phòng khác.
Mỗi sáng tất cả các cậu bé sẽ tập hợp ở hội trường, tập trung theo 4 nhóm của 4 nhà và theo thứ tự từ bé đến lớn. Những đứa nhỏ nhất đứng trước để các anh trưởng sẽ nhìn thấy được tất cả mọi người. Những cậu bé nhỏ tuổi hơn sẽ tới phòng học - ở đó chúng tôi được dạy những thứ cơ bản như đọc, viết, khoa học và toán học, được dùng những chiếc bút mực bằng gỗ vót đầu với những lọ mực và giấy thấm. Ở đây không có kì thi nào, nên rời khỏi đây chẳng ai có bằng cấp gì cả. Tất cả chúng tôi đều được xác định sẽ làm những ngành nghề lao động chân tay. Khi 13 tuổi, việc học sẽ bị cắt bỏ và mỗi người chúng tôi sẽ được giao cho những công việc trong trường - làm việc ở xưởng giặt là, trong bếp hoặc ngoài vườn, hoặc bảo trì bảo dưỡng, sửa chữa và lau dọn - những công việc được coi như để chuẩn bị hành trang cho chúng tôi sau này ra ngoài kiếm sống.
Có rất nhiều bài tập - thầy Hiệu trưởng lúc nào cũng muốn bọn trẻ chúng tôi phải hoạt động. Chúng tôi có một sân chơi rất rộng chia làm 3 sân bóng đá, và hầu hết mọi người đều thường xuyên chơi ở đó. Nhưng Ngài Maddison thích đi bộ, vì thế khi những nhà khác chơi bóng đá hay các trò chơi khác thì chúng tôi lại phải đi bộ - bất chấp thời tiết có thế nào. Ông ấy và thầy Hiệu trưởng tin rằng các cậu bé cần những kỉ luật nghiêm ngặt và những công việc nặng nhọc để rèn luyện bản thân. Thỉnh thoảng tôi tự hỏi sao hai người họ không nghĩ rằng họ đang rèn luyện để chúng tôi đi chiến đấu thì đúng hơn.
Chúng tôi phải hành quân rất lâu, thường kéo dài cả vài tiếng đồng hồ. Ngài Maddison thường mặc một chiếc áo mưa chùng cổ lỗ, đi đôi giày đi bộ màu nâu sẫm và đội một chiếc mũ y hệt như trong những bộ phim thời 1930. Đương nhiên ông lúc nào cũng mặc com lê và thắt cà vạt, trang phục luôn đúng chính xác như vậy.
Phần lớn thời gian chúng tôi phải đi hành quân, nhất là đi qua các ngôi làng. Chúng tôi xếp thành hàng theo thứ tự, đứa nhỏ nhất đứng phía trước, một bên là anh trưởng hô to “Trái! Phải! Trái! Phải!”. Ngài Maddison sẽ đi phía sau với cây gậy trong tay. Những người dân trong làng nghĩ ông ta ở đó trợ giúp chúng tôi, nhưng chúng tôi đều biết đó không phải mục đích thật sự của ông ta.
Khi đã tới vùng quê bên ngoài, chúng tôi sẽ được phép dừng hành quân và chỉ đi bộ thôi. Và dù những chặng đường rất dài, chúng luôn làm tôi thích thú. Tôi yêu những ngọn đồi, những làn hơi nước và thích được nhìn ngắm những bóng mây đuổi nhau bên kia đồi. Chúng tôi nhìn thấy những thác nước và trên những cánh đồng hoang chúng tôi nhìn những con diều hâu sà xuống săn mồi, lắng nghe những tiếng kêu đơn côi của chim dẽ và sự hoảng loạn của những con gà gô khi chúng tôi đến gần. Thỉnh thoảng bọn cú sẽ nhào qua và chúng tôi sẽ nghe thấy tiếng sủa của những con cáo đuổi theo chúng ở phía xa. Tất cả những âm thanh đó thật thần kì đối với thính giác của tôi, và tôi dần thân thiết với những ngọn đồi, những thung lũng và cả những mùa thay đổi nơi đây.
Ngay bên ngoài khu làng là một ngọn đồi dốc đến nỗi đường lên đồi phải xây thành những hình vòng cung từ bên này sang bên kia, giống con đường chúng tôi nhìn thấy trong những bức hình về dãy núi Alps ở Thuỵ Sĩ. Con đường đó dẫn tới một cánh đồng hoang ở trên cao và Bollihope Common, rồi sau đó tới một thôn làng nhỏ gần đó, phía trên thung lũng, trước khi xuống đến trường học. Thường thì một ngày chuyến hành trình này sẽ khiến chúng tôi mất ba đến bốn tiéng đồng hồ. Nhưng một ngày mùa đông lạnh giá, dù tuyết đã rơi, ngài Maddison quyết định chúng tôi vẫn phải hành quân trên chặng đường này như chúng tôi đã lên kế hoạch từ trước.
Tất cả chúng tôi đều mặc áo mưa, bên trong là áo khoác, áo sơ mi, áo chui đầu và bên dưới mặc quần ngắn, không có găng tay và chỉ có mũ đồng phục trường học. Ngay khi được biết sẽ phải đi đâu, đã có những tiếng thì thầm lén lút giữa mọi người, vì chúng tôi đều biết trời rất lạnh và cuộc hành quân sẽ rất khó khăn. Khi chúng tôi lên tới đồi, tuyết rơi càng nhiều hơn, nên khi đến được chỗ một mỏm đá bỏ hoang ở trên cánh đồng có gà gô để dừng nghỉ, thì chúng tôi đã ở trong tình trạng đối mặt với bão tuyết.
Ngài Maddison hẳn đã nhận thấy thời tiết dần trở nên nguy hiểm nên ông đã nhanh chóng gọi chúng tôi vào lại hàng và đi tiếp. Nhưng không được bao lâu thì cuộc hành quân không thể tiếp tục được nữa vì tuyết quá dày. Chúng tôi phải phá vỡ hàng lối và cố hết sức bước đi. Con đường đã bị tuyết lấp hết không còn nhìn thấy nữa và chúng tôi phải chật vật tìm hướng, dựa vào những mỏm đá cũ và những điểm đánh dấu dọc theo cánh đồng. Nhưng một quãng đường bốn dặm vẫn còn phía trước và bão tuyết vẫn hoành hành, khi ấy chúng tôi đã đóng băng và kiệt sức. Chúng tôi cố ấn người xuống, đầu cúi xuống để tuyết khỏi bay vào mắt, nhưng bước đi trong cấp gió này thật vật vã quá sức, khi mà mỗi bước đi của chúng tôi giờ đã chìm trong lớp tuyết dày. Lớp da ở đầu gối chúng tôi chạm vào lớp băng tuyết phía dưới lạnh buốt và chúng tôi rất muốn dừng lại, nhưng dừng lại hẳn sẽ bị phạt đến chết. Các cậu bé lớn hơn động viên những đứa nhỏ bằng cách hát, rồi hét to cổ vũ hoặc đỡ chúng.
Mất gần sáu tiếng đồng hồ chúng tôi mới về tới trường. Kiệt sức, đói kinh khủng và tê cứng người vì lạnh, chúng tôi đến phòng ăn - ở đó có một người phụ nữ chịu trách nhiệm nấu bữa tối sẽ bày biện mọi thứ - nhưng khi đó đã là mấy tiếng sau giờ ăn bình thường. Do vậy thay vì những đĩa đồ ăn nóng hổi chúng tôi khao khát là những đĩa thức ăn đã đông cứng và lạnh lẽo chẳng còn ngon lành gì. Thêm vào nữa, khi chúng tôi cố gắng ăn thì tay chúng tôi đã đông cứng vì lạnh đến nỗi không sử dụng dao dĩa được nữa.
Đêm đó chúng tôi lên giường đi ngủ trong cơn đói, đau nhức ê ẩm và buốt lạnh. Đầu gối, má và tay chúng tôi đau rát và nứt nẻ cả hàng tuần sau đó. Chúng tôi đã phải đến bệnh xá mỗi sáng để các y tá bôi i-ốt lên trên những vết thương nặng. Nó xót đến nỗi từ ngoài đường cũng nghe thấy tiếng thét của chúng tôi. Dù sau đó chúng tôi đã phải tham gia vào nhiều cuộc hành quân vất vả khác nữa, nhưng không lần nào kinh khủng như lần đó.
Giữ vững lòng tin rằng càng cho chúng tôi ra ngoài bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, các nhân viên đã tổ chức những chuyến cắm trại cho tất cả đám con trai chúng tôi vào mỗi tháng sáu hàng năm. Chúng tôi luôn luôn tới một khu cắm trại nhỏ phía trên thung lũng, nơi đó gần với một con suối rộng. Có hai chiếc lều kiểu quân đội làm bằng vải bạt, một cho bọn trẻ và một cho các thầy. Mỗi đứa chúng tôi có một chiếc túi ngủ cũ kĩ, một chiếc chăn gây ngứa, một bộ quần áo để thay đổi, giày đế mềm nhưng không có tất, bộ đồ ngủ và quần soóc thường ngày, và trừ khi thời tiết ấm áp bất thường còn không thì phần lớn thời gian chúng tôi đều rét run.
Bữa sáng là cháo nóng. Nhưng để được ăn sáng chúng tôi phải chạy xuống đồi, lội qua suối và chạy sang ngọn đồi bên kia. Chuyện này khó khăn hơn bạn nghĩ, vì một bên đồi phủ đầy những cây thạch nam và chúng tôi phải giẫm lên nó, chân trần sẽ bị lá cây chạm vào cào rát. Nếu đi chậm quá thầy giáo sẽ giao các nhiệm vụ khác, thường liên quan tới việc mang vác những hòn đá nặng.
Bên kia đồi thì hơi cong, do vậy các thầy đợi ở dưới chân đồi không quan sát được chúng tôi. Vì thế để chứng minh đi đúng con đường yêu cầu, chúng tôi phải mang về một chiếc lá từ một cái cây trên đường. Chúng tôi nhanh chóng nghĩ ra một mánh lới cho chuyện đó. Một đứa được chọn sẽ chạy đi và hoàn thành nhiệm vụ, hái về một vốc lá để chia ra, còn những đứa còn lại đợi, tránh không để các thầy trông thấy. Khi đứa được chọn đi trở về, một số đứa khác sẽ cõng nó đi xuống nếu nó quá mệt để chạy tiếp. Chuyện này rất hiệu quả và các thầy không bao giờ phát hiện ra, dù sự thật là chân của một đứa sẽ xước xát còn những đứa còn lại chẳng làm sao.
Thỉnh thoảng ở Stanhope có những phần thưởng để bù đắp lại cho chế độ hà khắc. Một trong số đó là chuyến đi hằng tuần của chúng tôi tới bể bơi ở thành phố Durham. Chúng tôi ngồi trên những chiếc xe buýt một tầng kiểu cũ, đi cả một chặng đường dài hàng tiếng đồng hồ. Nắp ca-pô của xe bị kẹt cứ mở ra đằng trước, và giữa những cái đèn pha có một lỗ đặt tay quay. Nếu pin hết - chuyện này thường xuyên xảy ra - chúng tôi sẽ thấy người tài xế dồn hết sức giận dữ quay tay nắm để khởi động máy. Đó là một chuyến hành trình chậm rãi và đẹp như trong tranh một cách quá tuyệt, vì chúng tôi chạy ình ình qua những thung lũng và những ngọn đồi. Nhưng bạn phải cầu Chúa nếu muốn đi vệ sinh, vì người tài xế sẽ không dám dừng lại vì sợ chiếc xe sẽ không thể khởi động trở lại.
Phần thưởng lớn nhất của chúng tôi là chuyến đi tới rạp chiếu bóng mỗi tháng một lần, vào tối thứ Bảy. Tất cả chúng tôi sẽ xếp thành hàng và bị kiểm tra xem đã ăn mặc đúng chưa. Đúng có nghĩa là đi giày, mặc áo mưa và đội mũ nếu trời mưa, hoặc đi giày và mặc áo thun nếu trời không mưa. Sau đó chúng tôi sẽ hành quân tới cổng chính và bước lên đường để tới hội trường của thị trấn, nơi những hàng ghế gỗ giống như ở nhà thờ đã được sắp sẵn. Phía trước là một sân khấu, trên đó có một màn hình lớn được hạ xuống từ trên trần.
Tất cả trẻ con trong khu làng cũng tới tạp chiếu bóng. Chúng luôn được ngồi phía trước, còn chúng tôi bị dẫn vào những hàng ghế phía sau. Trước khi tới đó chúng tôi được dặn không được nói chuyện với bọn chúng. Nếu chúng hỏi gì chúng tôi chỉ được trả lời có hoặc không mà không được nói gì thêm, và có một thầy giáo sẽ ở đó để ngăn chặn bất cứ cuộc nói chuyện nào.
Một ngày những đứa trẻ sống trong làng quyết định bày chút trò vui, vì thế có vài đứa trong số chúng ngồi ở những hàng ghế sau, nơi chúng tôi đã được định sẽ ngồi. Điều đó có nghĩa là chúng tôi phải tách ra, và một số đứa trong chúng tôi phải ngồi cạnh những đứa trẻ trong làng và thậm chí - lạy Chúa trên thiên đường - đó là con gái. Thầy giáo không vui vẻ gì vì chuyện đó, nhưng họ không thể ra lệnh cho bọn trẻ trong làng, nên dù mặt đầy tức khí nhưng họ vẫn không nói gì.
Tôi là một trong những đứa trẻ may mắn ngày hôm đó, tôi ngồi ở giữa một hàng ghế phía trước, cạnh một cô bé trong làng nhìn có vẻ trạc tuổi tôi. Những người bạn ngồi bên cạnh cô bé đều thì thầm và cười khúc khích khi tôi ngồi xuống bên cạnh cô bé ấy.
Đèn tắt và bộ phim bắt đầu. Ngay sau đó cô bé quay sang tôi và thì thầm “Cậu thích phim này không?” và đặt tay lên đầu gối trần của tôi. Tôi có thể cảm thấy tim mình dựng lên khi tôi thốt ra một câu trả lời trong âm giọng cao vút “Có”. Cô bé bỏ tay ra và quay sang đám bạn của cô ấy tiếp tục thì thầm và cười khúc khích. Nhưng chỉ vài phút sau cô ấy lại đặt tay lên trên đầu gối tôi và một lần nữa nhiệt độ trong người tôi lại lên cao đến mức tôi hẳn đã phát sáng trong bóng tối.
Đến giờ giải lao, những cậu bé lớn tuổi hơn đã tranh giành nhau và thoả thuận đổi chỗ với những đứa chúng tôi. Chuyển xuống ghế sau cạnh một anh lớn tuổi hơn, tôi đắm mình trong hồi tưởng về cuộc gặp gỡ bất hợp pháp của mình.
Trở lại trường, đã có những lời đồn đến tai thầy Hiệu trưởng về việc chúng tôi tiếp xúc với những đứa trẻ địa phương. Chắc chắn sẽ có hành động ngăn chặn chuyện này, nhưng đó là gì? Chúng tôi sớm được biết. Trong cuộc tập hợp thầy Hiệu trưởng đã tuyên bố rằng “Thay vì tới rạp chiếu phim, rạp chiếu phim sẽ tới chỗ chúng ta!” - Lúc đó một màn chiếu lớn được một chiếc xe đẩy đưa vào. “Sau này chúng ta sẽ chiếu những bộ phim của chúng ta ở hội trường vào mỗi tháng. Thế có tốt không nào, các chàng trai?”, ông phấn khích hỏi. “Vâng, thưa Ngài”, tất cả chúng tôi đều trả lời, nhưng trái tim đã tan nát.
Vào một buổi tối được định trước, màn chiếu lớn trong hội trường sẽ được thả xuống và chúng tôi sẽ ngồi thành hàng, nhìn vào màn chiếu. Chúng tôi ngồi trật tự trong lúc một trong số các thầy mò mẫn với chiếc máy chiếu, cố gắng tải cuộn băng đầu tiên. Ngay khi bộ phim chuẩn bị bắt đầu, thầy Hiệu trưởng đứng dậy tuyên bố, “Ta hi vọng các cậu sẽ thích bộ phim này. Ta chọn nó đặc biệt dành cho các cậu và ta đang sắp xếp cho một số người trong số các cậu sử dụng nó như một máy chiếu ở trường.” Bạn có thể cảm nhận được sự trầm lắng đột ngột tràn qua đám đông khán giả. Nếu ông ấy chọn phim hẳn nó sẽ là bộ phim chán nhất trên đời, chúng tôi đều hiểu rõ người đàn ông này.
Trong không khí im lặng bao trùm chúng tôi nhìn màn chiếu bắt đầu chạy và dòng tên phim xuất hiệu trên màn hình: Man of Arran. Đó là một bộ phim tài liệu đen trắng về cuộc sống ở đảo Arran ở Scottish Hebrides. Một tư liệu giáo dục tuyệt vời, chẳng cần nghi ngờ gì. Nhưng không phải kiểu chúng tôi nghĩ mình sẽ được xem vào một tối thứ Bảy.
Chúng tôi đã sợ rằng chuyện này có nghĩa là niềm vui xem phim của chúng tôi đã chấm dứt, nhưng may cho chúng tôi là thầy Hiệu trưởng sau đó không bao giờ xuất hiện ở những buổi chiếu phim nữa và thầy quản lý luôn có một danh sách những bộ phim khá khẩm để chọn chiếu.
Sau khi ở trường đó được khoảng 18 tháng, tôi lại nảy sinh ý định bỏ trốn đi tìm Irene.
Có hai anh lớn đến gặp tôi, lên kế hoạch bỏ trốn. Họ biết tôi đã đi bộ cả hàng dặm trong vùng này, nên họ hỏi tôi liệu tôi có thể chỉ cho họ cách đi qua đồi để đến Gateshead không. Tôi biết đường đi, và tôi còn biết chìa khoá khoá cửa sổ có đường đi lên trên mái trường học nằm ở chỗ nào, nên tôi hứa sẽ giúp. Sau đó tôi quyết định mình sẽ thực hiện một cuộc bỏ trốn tốt hơn, và đi cùng họ. Tôi đã mơ về chuyện được trở lại Sunderland để tìm Irene. Đây là cơ hội của tôi.
Vài đêm sau đó ba chúng tôi trèo ra ngoài cửa sổ và bước vào làm không khí buổi đem lạnh lẽo. Tôi vẫn nhớ mình đã dừng lại một chốc để ngước nhìn lên vô số những vì sao lấp lánh trong đêm tối và cảm nhận không gian chúng dành cho tôi. Chúng tôi len lỏi qua cửa sổ phòng thầy hiệu trường, chui qua đường ống thoát nước và cẩn thận đi qua lối đi cho xe để ra khỏi cổng chính. Đi trên những con đường ngách sau, chúng tôi đã lên được tới cánh đồng hoang phía trên đồi cao.
Khi đã ở trên cánh đồng chúng tôi bắt đầu chạy. Gió thổi rất mạnh ở trên đỉnh đồi và tôi đã đánh rơi mất mũ của mình ở đâu đó, nhưng cứ chạy như vậy khiến tôi thấy nóng người và khi ấy những cơn gió lạnh khiến tôi rất sảng thoái. Màn đêm khá trong trẻo, và trên bầu trời sao tôi nhìn thấy một ngôi sao bang. Và giây phút đó tôi nhận ra tôi đang đi một chuyến đi ngốc nghếch. Lần cuối tôi nhìn thấy Irene đã cách đây cả năm năm, và tôi gần như chắc chắn giờ hẳn cô ấy đã rời khỏi Rennie Road. Tôi cũng kiệt sức khi cố chạy theo hai người kia và có thể sẽ không đi xa them được nữa. Vì thế tôi bảo họ dừng lại, và sau khi thảo luận chúng tôi đồng ý rằng tôi sẽ quay lại và cố gắng xoá dấu vết bỏ trốn của họ.
Việc quay về mất ít thời gian hơn một chút, vì đó là chặng đường chạy xuống đồi. Khi đó bình minh đã lên, vì thế tôi vội vã bỏ trờ lại theo đường ống nước, trèo qua cửa sổ, khoá nó lại phía sau tôi, trước khi lặng lẽ trở lại giường. Tôi mệt đến nỗi có thể ngủ cả tuần, nhưng chỉ vài phút sau thầy giáo đã tới gọi chúng tôi dậy. Mặc dù tôi đã hoàn toàn kiệt sức, tôi vẫn cảm thấy mình đã thắng lợi lớn khi xuất hiện được ở bữa sáng. Tôi đã làm được những điều tưởng như không thể.
Cả ngày hôm đó chủ đề duy nhất là cuộc bỏ trốn trong đêm và tin tức rằng cảnh sát đang lùng sực cánh đồng hoang để tìm những cậu bé mất tích. Tôi cảm thấy may mắn sao mình đã trở lại được. Nhưng ngày hôm sau, trong bữa sáng, hai thầy giáo bước vào và thì thầm gì đó với thầy Hiệu trưởng. Sau đó một trong số họ giơ ra một chiếc mũ đồng phục, và tôi biết tôi đã xong đời rồi.
Không lâu sau đó tôi đã đứng bên ngoài văn phòng thầy Hiệu trưởng. Ông gọi tôi vào và ngay khi tôi quay lại đóng cánh cửa sau lưng mình tôi đột nhiên nhìn thấy một luồng ánh sáng khi một cơn đau rát tột cùng ập đến sau gáy, rồi sau đó là trên lưng tôi. Sự choáng váng làm tôi mất phương hướng và tôi ngã khuỵu về phía trước. Tôi cảm thấy có nhiều tiếng bình bịch lên lưng và chân mình, và sau đó có một tiếng gãy vỡ lớn và một âm thanh bong tróc khi cơn đau không thể tả nổi ập lên lưng tôi và dưới chân tôi.
Tôi nghe thấy tiếng thầy Hiệu trưởng la lối ở đâu đó và có những âm thanh khác nữa tôi không còn nhận thức rõ. Sau đó toàn bộ cơn đau ghê gớm ập tới và tôi bắt đầu la khóc. Có một cảm giác tê buốt từ sống lưng tới tận những ngón chân tôi. Những tiếng bình bịch dừng lại và tôi thoáng nhìn thấy chiếc gậy trong tay ông ta. Nó đã vỡ làm đôi.
Sau đó tôi không nhớ gì nhiều, ngoại trừ chuyện một thầy giáo đã cố bế tôi lên giường bệnh - khiến tôi hét lên kinh khủng hơn nữa. Tôi không được chạy chữa gì hết và bị để cho tự hồi phục. Đó là một khoảng thời gian đau đớn đáng sợ. Tôi biết lưng mình đã bị thương nặng, nhưng tôi không thể làm gì. Bằng cách nào đó tôi đã cố gắng đứng dậy và bước đi, nhưng tôi đi khập khiễng suốt vài tuần và cổ và cột sống của tôi đã phải chịu những tổn thương vĩnh viễn.
Đó là lần cuối cùng tôi cố gắng về với Irene. Vết thương của tôi đồng nghĩa với việc tôi không thể đi đâu suốt một thời gian, và hẳn giờ cô ấy đã không còn ở Rennie Road nữa. Tôi sẽ chẳng biết phải tìm cô ấy ở đâu. Dù bằng cách nào đó, sâu trong lòng tôi vẫn tin rằng một ngày nào đó tôi sẽ gặp lại cô ấy.
Nhiều tuần sau lần bỏ trốn đó, chúng tôi nghe nói hai chàng trai bỏ trốn đã bị bắt ở Newcastle, nhưng họ không bao giờ trở lại trường. Chúng tôi chỉ có thể đoán xem liệu họ đã gặp phải chuyện gì.
Một hôm có một thầy giáo khoa học mới đến trường. Ông được giới thiệu là thầy Bumby và chúng tôi nhận thấy ngay rằng thầy ấy rất khác biệt. Tóc thầy ấy dài hơn kiểu cắt ngắn đằng sau và hai bên thông thường của các thầy giáo khác, và phong cách của thầy ấy thoải mái hơn nhiều. Đó là những năm 60, và bên ngoài cánh cổng trường tôi cuộc cách mạng xã hội đang diễn ra. Và thầy ấy mang theo hơi thở của cuộc cách mạng ấy trong mình. Thầy ấy luôn nói chuyện với chúng tôi và giải thích mọi thứ thay vì giao cho chúng tôi những thứ để học rồi đánh đập chúng tôi khi chúng tôi không làm. Thầy ấy truyền cảm hứng cho chúng tôi và cho chúng tôi thấy rằng thế giới tràn ngập những người hiểu biết và những người không có học, và rằng những người có kiến thức luôn có quyền thế, vì thế để có quyền lực bạn phải là người có kiến thức. Chúng tôi từng nghĩ những bài học thật chán nản và chẳng có tác dụng gì, nhưng thầy ấy khiến chúng tôi thấy rằng mình cần phải hiểu được thế giới xung quanh. Đột nhiên chúng tôi muốn học tập, nhưng hầu hết chúng tôi đều không có những kiến thức căn bản, vì thế tất cả chúng tôi đều bắt đầu học hành chăm chỉ hơn.
Chúng tôi yêu mến thầy Bumby, nhưng những giáo viên già hơn thì không lấy gì làm vui vẻ. Chúng tôi từng thấy thầy ấy giữ tay của một giáo viên khác khi ông ta đang định đánh một cậu bé bằng gậy của mình. Họ đều bỏ đi, nhưng chúng tôi đã nghe nói về một cuộc tranh cãi sau đó về trẻ em và sự ngược đãi, và giờ đây thế giới đã đổi thay.
Không lâu sau đó lại có thêm một giáo viên mới nữa. Đó là một thầy giáo dục thể chất, và thầy ấy cũng rất khác biệt. Khi đó chúng tôi chỉ chơi bóng đá vào mùa đông và cri-kê vào mùa hè, nhưng thầy giáo mới đã giới thiệu về bóng bầu dục, phóng lao, nhảy cao và nhảy xa, và đề nghị có thêm những cơ sở vật chất mới - mà cuối cùng chúng tôi cũng có. Khoảng một năm sau đó, phòng thể chất trong nhà được xây dựng, với cơ sở vật chất cho cầu lông và tennis cũng như sân cri-kê dành cho 5 người một đội.
Các trường khác được mời đến đá bóng giao hữu - điều không thể tưởng tượng được cách đó một năm. Buồn thay, đội bóng trường tôi quá kém cỏi, vì thế chúng tôi đã đưa ra một kế hoạch để cải thiện khả năng của mình. Một đàn cừu được đưa vào sân bóng, và khi cần chúng tôi sẽ dồn quay chúng lại vào cuối sân. Kết quả là có một đống cừu chạy khắp nơi và bạn phải trông chừng chúng khi chơi bóng. Nếu chúng tôi thua trong một trận đấu với một đội khác, chúng tôi sẽ lăn bóng trong bùn trước khi đá sang phía bên kia. Sẽ có những tiếng than khóc “khốn kiếp” khi quả bóng trúng vào họ, và sẽ tệ hơn nữa nếu không may quả bóng trúng vào đầu ai đó. Sau đó các thủ môn đội họ sẽ thường tránh xa quả bóng. Phương pháp này thực sự đã mang lại cho chúng tôi một vài lần chiến thắng.
Tới kì nghỉ dài mùa hè, hầu hết mọi người dành 10 ngày về nhà, nhưng tôi đã mất liên lạc với gia đình, và có lẽ các nhà chức trách đã quyết định không cần thiết phải nối lại, vì thế tôi ở lại trường. Tôi không lấy gì làm phiền muộn, tôi đã quen với việc ở một mình, không có sự liên hệ của gia đình. Nhưng sau đó tôi nghĩ đó là do cảm giác mất mát quá lớn với tôi và tôi chỉ đơn giản chôn giấu mọi thứ trong long.
Giáng sinh cũng vậy, hầu hết mọi người về nhà. Chính lúc đó thầy Hiệu trưởng thể hiện chút hào phóng của mình khi làm một con gà tây rất lớn mời tất cả những người già trong làng tới ăn bữa tối Giáng sinh miễn phí, và chúng tôi sẽ giúp phục vụ bữa tiệc.
Vào kì nghỉ hè, khi tất cả các chàng trai đã trở về sau kì nghỉ ở nhà, chúng tôi sẽ đi cắm trại. Tôi rùng mình khi nghĩ đến lần cắm trại trước của chúng tôi trên đồi, nhưng bất ngờ và sung sướng làm sao khi chúng tôi được thông báo sẽ được tới Whitby. Tôi hy vọng, tràn ngập phấn khích, nghĩ rằng Irene cũng sẽ đi cắm trại và tôi có thể tìm thấy cô ấy.
Chúng tôi tới bằng xe khách và cắm trại trên trận địa của một lữ đoàn nằm trên ngọn đồi nhìn xuống thị trấn. Chúng tôi ở trong những chiếc lều hình quả chuông, giống lều của người da đỏ ở Mỹ nhưng cái cột chống giữa dày hơn. Cứ tám người ở một lều, khi ngủ thì đầu hướng ra ngoài và chân hướng vào cột. Những túp lều của chúng tôi xếp thành một vòng tròn quanh trận địa và ở giữa có một cột cờ màu trắng với lá cờ quốc gia phấp phới - chúng khiến tôi nhớ đến Custer và những người Ấn Độ. Mỗi buổi sáng chúng tôi tập trung ở đó, được phát tiền tiêu vặt và chỉ dẫn trước khi bắt đầu một ngày “tuần tra”.
Chúng tôi sung sướng tận hưởng, thật tuyệt làm sao khi được tự do, ngay cả khi chúng tôi đi đến đâu cũng nổi bật vì mặc đồ màu xanh lá từ đầu đến chân. Quần soóc màu xanh, áo sơ mi màu xanh và tất cũng màu xanh.
Tôi thích lang thang trên những con đường rải sỏi và vào những cửa hàng kì lạ. Chúng tôi trèo lên những bậc thang nổi tiếng để lên tới Tu viện ở bên kia thị trấn, đứng dưới mái vòm làm bằng phiến sừng ở hàm cá voi, và chơi trên bãi biển. Mọi nơi tôi đến tôi đều tìm kiếm Irene, hi vọng sẽ bắt gặp cô ấy. Tôi cố tưởng tượng xem bây giờ cô ấy trông thế nào, và ngoái nhìn tất cả những cô gái tóc đỏ để xem liệu đó có phải chính là cô ấy, nhưng buồn thay chẳng bao giờ tôi gặp may.
Trong suốt năm năm ở Stanhope, hè năm nào chúng tôi cũng tới Whitby - từ năm 1963 tới năm 1967. Và năm nào tôi cũng ngồi trên bờ biển, nghĩ tới Irene, tự hỏi không biết bây giờ cô ấy đang ở đâu. Nhưng mặc dù không tìm thấy cô ấy, những kì nghỉ đó cũng là những điểm nhấn trong suốt cả năm của chúng tôi.
Sau kì nghỉ chúng tôi lại trở về chế độ hà khắc ở Stanhope. Và khi đủ 13 tuổi, tôi được giao những công việc ở trường, bao gồm lấy và mang vác đồ cho các bà ở phòng may đồ và phòng giặt là, hoặc làm việc trong bếp hoặc trong vườn trường. Những công việc bảo trì bảo dưỡng bao gồm tìm và mang vác đồ cho những quản gia, xúc than vào lò, sơn và trang tí, cắt cỏ trên đồng, quét lá và giúp bơm nước và bảo dưỡng đồ điện.
Công việc thú vị nhất là làm vườn. Trường học có một khu vườn rộng cỡ ba hay bốn lần sân bóng và có tường xây từ thời Victoria bao quanh. Ở đó trồng rau cho trường và có hầu hết các loại cây ăn quả. Chúng tôi hái táo ở những cây trồng dọc theo bờ tường, sau đó đặt chúng lên những khay gỗ lớn ngoài cửa hàng nằm trên những chòi ban công lớn. Công việc khá vất vả, mất nhiều giờ làm cỏ và đào xới, nhưng đó là việc khiến chúng tôi có thể “ở đâu đó khác” nhiều nhất, khiến cho thời gian ở trường thoải mái hơn. Tôi dành nhiều thời gian làm việc trong vườn, tay chân lấm bẩn, đầu óc mơ mộng và trái tim đi lạc tới nơi nó vẫn hướng về - nơi có Irene.