Những kỉ luật hà khắc của các thầy và sự bắt nạt không ngừng từ các anh trưởng là cách cuộc sống diễn ra ở Stanhope. Nhưng sâu trong lòng bọn trẻ chúng tôi đều tức tối và mong muốn được phản kháng lại. Vì thế khi một cậu bé bị tổn thương nghiêm trọng, mọi thứ như giọt nước tràn ly.
Đó là một cậu bé mới đến, cậu mới chỉ chín tuổi và đã bị thầy Hiệu trưởng đánh đòn vì vi phạm lỗi nhỏ nào đó. Sau khi đèn tắt chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng cậu bé ấy nức nở, và sáng hôm sau khi thức dậy chúng tôi nhận ra cậu đã biến mất. Cậu bé đã trèo ra ngoài cửa sổ để bước lên mái nhà, chui xuống đường ống thoát nước và trốn đi, chỉ mặc mỗi bộ quần áo ngủ khi mà ngoài trời đang bão tuyết. Ngày hôm sau người ta tìm thấy cậu bé trên đồi, đang co quắp trong tuyết lạnh, gần như chỉ còn thoi thóp, và cậu được đưa đến bệnh viện trong tình trạng thân nhiệt hạ thấp và người đã tê cóng.
Chuyện đó đã châm ngòi cho cuộc chiến. Chúng tôi không có ai đứng ra bảo vệ hay đấu tranh cho mình, thậm chí cũng chẳng có ai nghe chúng tôi than phiền, nên chúng tôi quyết định thế là quá đủ rồi. Vài đứa chúng tôi tổ chức một cuộc họp bí mật nói về chuyện làm cách nào để chống lại bọn họ. Chúng tôi quyết định sẽ bắt đầu một chiến dịch phá hoại trong nỗ lực khiến việc điều hành thông thường của ngôi trường này bị dừng lại, và chúng tôi bắt đầu vận động các thành viên bí mật, vận động những đứa mà chúng tôi tin tưởng.
Chiến dịch bắt đầu thuận lợi. Chúng tôi mở cửa sổ, tắt đèn, để cửa ra vào đóng hoặc mở, đặt đồ đạc lộn xộn sai chỗ, mở vòi nước và khiến những bóng đèn mất tích. Sau vài ngày đội ngũ giáo viên nhận thấy vấn đề không đơn giản chỉ là sự trùng hợp vô tình và thầy Hiệu trưởng bắt đầu một loạt những thông báo. “Có người đang làm trò trong trường học. Hừm, tôi nói với những trò có trách nhiệm đó, rằng các cậu biết các cậu là ai, và phải dừng trò này lại ngay lập tức. Nếu không chúng tôi sẽ bắt cậu và cậu sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Hiểu lời tôi nói không?” - ông thét lên ầm ầm. “Vâng, thưa Ngài”, tất cả chúng tôi đồng thanh trả lời. Nhưng chiến dịch vẫn tiếp tục.
Ngày càng nhiều cậu bé tham gia chiến dịch, vì thế thầy Hiệu trưởng đã trả đũa bằng cách trừng phạt toàn trường. Ông ta bắt đầu bằng cách bỏ đi một số quyền lợi của chúng tôi như là chơi trò chơi trong nhà vào buổi tối hay được phát kẹo trong túi vào ngày kẹo. Chúng tôi phải ngồi yên lặng cả buổi tối, đánh bóng giày hoặc cánh cửa trước khi phải lên giường đi ngủ rất sớm. Một quy định im lặng đã được áp dụng - có nghĩa là bạn chỉ có thể nói khi được hỏi, và nhiều cậu bé đã bị bạt tai hoặc ăn đòn vì vi phạm.
Thầy Hiệu trưởng mong rằng bằng cách trừng phạt như vậy, số đông sẽ gây áp lực lên kẻ làm trò khiến cậu ta phải dừng lại. Nhưng ông ta đã sai: chúng tôi càng quyết tâm đoàn kết hơn và tiếp tục chiến dịch.
Chuyện này khiến tôi nhớ đến bộ phim Spartacus. Khi các vị lãnh đạo đế chế La Mã yêu cầu đám đông tù nhân chỉ ra người cầm đầu nhóm nổi loạn Spartacus nếu không sẽ bị xử chết hết, họ đã lần lượt từng người một đứng dậy, hô vang, “Tôi là Spartacus”. Chúng tôi cũng như thế, chúng tôi đoàn kết lại và không ai bỏ cuộc.
Một hôm vào giờ ăn sáng, thầy Hiệu trưởng đã dùng một chiến thuật khác. Lần này ông thông báo rằng chúng tôi có thể xem TV vào buổi tối, và ngày mai ông sẽ bỏ quy định phải im lặng. Ông còn nói thêm rằng từ nay trở đi chúng tôi có thể biểu quyết chọn bộ phim mà chúng tôi muốn xem mỗi tháng. Cuối cùng để kết thúc ông ta nói, “Hãy để mọi thứ trở lại bình thường và dừng những trò ngớ ngẩn này lại và tất cả chúng ta sẽ quên chuyện này đi.”
Từ giây phút đó chúng tôi biết mình đã thắng. Chúng tôi tổ chức một cuộc họp nữa, quyết định chúng tôi sẽ tiến hành một nhiệm vụ lớn cuối cùng. Mục tiêu của chúng tôi là những nồi hơi phục vụ hệ thống sưởi của trường học, bao gồm cả khu nhà ở của thầy Hiệu trưởng. Tất cả chúng tôi đều biết ông ta luôn muốn có nhiệt độ ổn định cho những cây trồng trong nhà mà ông hết mực chăm chút.
Phòng nồi hơi ở đằng sau trường, dưới khu bếp và bị khoá. Nhưng tôi có đường vào. Ở sân sau có một đường trượt đẩy than đá vào, có nắp đậy bằng thép khá nặng. Họ dùng đường trượt đó để chuyển than tới hai tuần một lần. Nó có đường kính khoảng 14 inch, nhưng nó dẫn thẳng vào trong phòng nồi hơi.
Khi cả trường đã ngủ bốn đứa chúng tôi bắt đầu hành động. Chúng tôi mượn gối và đệm lên giường bốn đứa giả vờ như có người đang nằm đó, sau đó đi tới tủ bát đĩa nơi chúng tôi đã giấu vài bộ đồ ngủ cũ và thay đồ, để những bộ quần áo sạch sẽ của chúng tôi lại đó. Chúng tôi trèo ra ngoài từ cửa sổ tầng hai, chui xuống một đường ống thoát nước dẫn ra sân sau, và mở cái nắp ống bằng thép trên ống trượt than bằng một mảnh kim loại tôi đã giấu sẵn.
Tôi là đứa đầu tiên trượt xuống cái ống đó, vòng tay ôm đầu để tránh bị va quệt nếu có vật cản. Tôi không hề biết đường ống dài bao nhiêu, nên tôi thở phào khi thấy nó chỉ cỡ 10 feet và đầu ống bên này cách đống than bên dưới khoảng 5 feet. Khi tất cả đã vào hết, chúng tôi cào quét xung quanh trong bóng tối, tay và đầu gối đều chạm vào than, lần tìm cánh cửa. Khi tìm thấy cửa chúng tôi đẩy mở nó ra và vào bên trong phòng chứa nồi hơi. Chúng tôi đã làm được rồi.
Ở đó có hai nồi hơi lớn, bên trên có hai mặt đồng hồ. Có thể nghe thấy tiếng đồng hồ tích tắc. Chúng tôi quyết định cài lại đồng hồ, nghĩ rằng hơi nóng sẽ tăng lên hoặc giảm đi vào những lúc khác nhau giống như kế hoạch. Chúng tôi cũng lăn những bánh xe trên đường ống lớn tới những vị trí mới, hi vọng những thứ đang tắt thì giờ bật lên, còn những thứ đang bật thì đã bị tắt đi.
Ra khỏi đường trượt than khó hơn lúc trượt vào. Cậu bé nhỏ nhất trèo ra trước và dù nhỏ nhất cậu vẫn phải ép chặt người mới ra khỏi đường ống. Lúc ra ngoài cậu nằm hẳn xuống trên nền đất, chìa tay kéo người tiếp theo và những người phía sau hỗ trợ đẩy sau lưng. Hai đứa đã ra trước buộc áo ngủ của chúng với nhau và nép sát xuống thành ống kéo tôi ra tiếp theo, và với nỗ lực kéo cuối cùng, chúng tôi đã lôi được cậu bé còn lại ra khỏi đường ống.
Chúng tôi đứng đó, trần truồng, đen như vừa trèo ra từ mỏ than. Mắt và răng chúng tôi ánh lên màu trắng dưới ánh trăng và nhìn nhau chúng tôi phải cố gắng kiềm chế để không cười.
Chúng tôi cẩn thận đặt lại nắp đường ống, sau đó tháo nút buộc ở các áo ngủ ra và mặc lại. Trèo lại vào cửa sổ là phần khó nhất. Chúng tôi đã mệt, và trèo 30 feet ngược lên trên đường ống trên đôi dép đi trong nhà không dễ chút nào, nhưng bằng cách nào đó chúng tôi đã làm được điều đó. Chúng tôi trèo qua cửa sổ và đến phòng tắm, ở đó chúng tôi tắm rửa, giặt sạch đồ ngủ và dép đi trong nhà. Sau đó chúng tôi quay lại cửa sổ, dùng cây lau nhà và những miếng vải lau bát đĩa lau sạch bụi than dính ở mọi chỗ, bao gồm cả vết chân dẫn vào nhà tắm.
Cuối cùng chúng tôi mặc lại bộ đồ ngủ sạch sẽ của mình và vứt những bộ đồ ướt vào giỏ đồ giặt chuyên dành cho những đứa bị đái dầm, để những người chịu trách nhiệm giặt giũ sẽ xử lý. Chúng tôi dành một ít thời gian dùng khăn tắm lau khô đầu tóc và trở lại giường ngủ.
Khi một thầy giáo bước vào và la lối đã đến giờ thức dậy, tôi gần như vẫn chưa thể chợp mắt. Sáng hôm đó trời lạnh bất thường và khi chúng tôi làm vệ sinh cá nhân, nước cũng lạnh. Những lời thì thầm nhanh chóng được truyền đi, và các cậu bé nhận ra rằng có ai đó đã vào phòng nồi hơi - điều tưởng chừng như không thể.
Thầy Hiệu trưởng lớn tiếng ngay khi bước vào phòng ăn. “Có ai đó đã suýt giết chết tất cả chúng ta đêm qua. Kẻ ngu ngốc nào đó đã di chuyển điều khiển nồi hơi và suýt chút nữa hấp chin chúng ta. May mà thiết bị an toàn đã cứu chúng ta. Kẻ đó là ai? Ta muốn biết. NGAY BÂY GIỜ!” Sau đó giữa giờ ăn sáng một thầy giáo bước vào, đi tới bàn thầy Hiệu trưởng và thì thầm điều gì đó. Gương mặt ông ta sáng lên. Bụng tôi cuộn trào vì sợ hãi. Chúng tôi hẳn đã sơ hở chỗ nào đó, phải không?
Vào cuối bữa sáng, cánh cửa phòng ăn lại mở ra và 4 thầy quản lý của 4 nhà bước vào. Mỗi người bọn họ đều mang theo một đôi dép đi trong nhà. Tim tôi đập thình thịch. Sau đó chúng tôi biết rằng một cuộc truy tìm đã được thực hiện trên 80 đôi dép đi trong nhà, và có 4 đôi trong số đó có bụi than dính trong các khe đế dép. Không nhiều, nhưng đủ để kết tội chúng tôi.
Thầy Hiệu trưởng dùng hai cây roi để tráo đổi khi ông thấy mình chưa nhận được đủ sự đau đớn từ cậu bé đang gào thét trước mặt. Ông còn đẩy bàn sang một bên để lấy chỗ vung gậy. Mỗi đứa tôi lãnh đủ 12 đòn. Mãi nhiều ngày sau đó chúng tôi thậm chí vẫn không thể ngồi, không thể đặt lưng xuống giường hay thậm chí là ngủ vì đau nhức. Với tôi nó còn đau hơn vì lưng tôi vẫn còn đau từ trận đòn trước. Sau đó chúng tôi bị phạt lau hành lang mỗi tối, từ 6 giờ tới 11 giờ.
Dù vậy, chiến dịch vẫn tiếp tục. Thầy Hiệu trưởng đã thảnh thơi, vì ông nghĩ mình đã tóm được những kẻ cầm đầu. Nhưng khi ông đang ở cùng 4 đứa chúng tôi thì nhà vệ sinh bị lụt.
Khoảng một, hai tuần sau đó, khi đang lau cầu thang, tôi bỏ dở cái máy đánh bóng của mình và chạy theo một cậu bé khác tới góc hành lang. Ở đó có một công tắc điện kì lạ ở trên góc tường ngay trên tầng nhà. Tôi vừa ngồi lên vai một cậu bé khác, chạm tay vào công tắc chuẩn bị tắt nó đi thì đúng lúc thầy Hiệu trưởng đi qua. Tôi chưa bao giờ thấy ông mừng rỡ như vậy. Ông ta lẩm bẩm “Phải rồi, phải rồi!” và nắm chặt hai tay đặt trước ngực.
Chúng tôi lại nhận một trận đòn nữa. Vài ngày sau, khi tôi lại đang đánh bóng sàn thì thầy Hiệu trưởng lại đột nhiên bước ra từ góc hành lang, nhìn rất hoan hỉ. “Ah, cậu đây rồi,” ông nói. “Đi với ta. Ta có bất ngờ dành cho cậu đấy.”
Ông vui vẻ ngân nga khi chúng tôi đi bộ một quãng đường ngắn tới văn phòng của ông. Tôi bước vào và đứng trước bàn ông. Lúc đó ông đi tới lục lọi trong tủ cốc lớn nơi ông vẫn để những cây roi của mình. Ông ta tìm thấy những gì cần tìm và quay sang tôi. “Cậu thích dây, phải không?”, ông ta nói như vậy rồi nhanh như chớp vung tay và tôi nghe thấy một tiếng “ọp” khi cảm thấy một sợi dây vụt qua cổ mình. Ông ta đã đánh tôi bằng một sợi dây điện mềm, và trước khi tôi kịp phản ứng, ông lại quất thêm một roi nữa. Hẳn ông ta đã nung nấu suốt nhiều ngày nay, và cuối cùng ông ta đã chộp được cơ hội.
Ông ta đã đánh tôi vài đòn nữa, và tôi có thể cảm thấy vết thương đau đớn tột cùng và máu chảy xuống cổ tôi. Đó là lúc tôi cũng khùng lên. Tôi lao cả người vào ông và cả hai chúng tôi đổ nhào xuống bàn làm việc của ông ta, lật đổ ghế. Tôi biết tôi đã khiến ông ta bị thương khi ông ta kêu lên lúc chúng tôi ngã xuống đất, và tôi có thể thấy sự bàng hoàng trong mắt ông ta. Chúng tôi vật lộn và tôi đấm vào mắt trái của ông ta. Khi đó ông ta thậm chí đã phát điên, đả kích tôi với sợi dây cầm trên tay. Đúng lúc đó cửa phòng bật mở và ngài Maddison chạy vào, nhìn tôi và túm lấy cổ áo thầy Hiệu trưởng, hét lớn “Ông đang làm gì vậy?”
Ngài Maddison quay sang tôi và nói “ra ngoài ngay.” Tôi ra ngoài và khi đứng bên ngoài hành lang tôi có thể nghe thấy tiếng cãi lộn trong văn phòng. Tôi nhìn xuống và thấy áo sơ mi của mình đã thấm đẫm máu nên tôi cởi áo ra rịt lên cổ để cầm máu. Một lúc sau trong phòng yên ắng và thầy quản lý của tôi bước ra ngoài, đưa tôi tới phòng ý tế. Ngài Maddison lau sạch máu và băng bó cổ cho tôi - và chỉ có vậy. Chuyện đó không bao giờ được nhắc đến lần nữa.
Ngày hôm sau, thầy Phó Hiệu trưởng đến vào bữa sáng và nhiều tuần sau nữa cũng vậy. Ông là người ôn hoà hơn, có thái độ tuân thủ nguyên tắc theo cách hợp lý hơn, và tận dụng cơ hội này ông cho phép một số sự thay đổi linh hoạt hơn. Chúng tôi không cần phải ngồi tập trung lúc ăn nữa và được nói chuyện nhỏ như những đứa trẻ bình thường. Tôi nghe nói sau khi tôi rời đi, ông đã lên tiếp quản trường này, ông đã tập hợp tất cả các cậu bé vào trong hội trường, bảo họ cởi hết cả đồ lót ra. Những giỏ quần áo giặt là được mang tới, và tất cả quần áo, cả những chiếc quần soóc nhung đáng ghét đều bị bỏ đi. Những giỏ quần áo mới được mang vào, có cả đồ vải jean và quần dài, khiến tất cả các cậu bé đều vui sướng!
Từ hôm đó những cuộc phá hoại cũng chấm dứt. Sau sáu tuần vụ nổi loạn đã hoàn toàn qua đi và không có ai trong số các thầy nhắc đến chúng nữa. Chúng tôi không nhìn thấy thầy Hiệu trưởng suốt nhiều tuần. Có vài cậu bé thì nghĩ ông ta đã bị thâm tím một bên mắt và muốn đợi cho nó bình thường trở lại rồi mới xuất hiện lại trước mặt chúng tôi. Về phần tôi thì vết thương trên cổ tôi không quá sâu nên nó nhanh chóng lành lại.
Khoảng hai tháng sau vụ việc, ngay sau khi thầy Hiệu trưởng trở lại, tôi lại bị gọi tới văn phòng ông ta. Tôi rất cảnh giác khi gõ cửa phòng ông. “Mời vào”, ông nói. “Ngồi đi. Ta nghĩ đã đến lúc cậu nên ra ngoài một chút. Nhưng vì cậu không về nhà vào kì nghỉ như những người khác, nên ta có một ý này. Giờ cậu đã là một chàng trai lớn rồi, cậu có muốn ra ngoài chơi một ngày không?”
Tôi sững sờ buột miệng, “Có, thưa thầy.”
Vì thế từ đó trở đi, vào mỗi ngày thứ Bảy, tôi lại được cho vài bảng và bắt xe buýt tới Bishop Auckland. Những tháng tiếp theo sau đó tôi dành cả buổi chiều lang thang trong công viên, không thực sự hứng thú với cái gì, vì tôi chẳng biết phải làm gì. Nhưng chỉ việc được ở đó, tự do trong vào giờ, cũng tốt rồi.
Tháng 11 năm 1967 tôi tròn 15 tuổi và được thông báo rằng tháng Năm tới tôi sẽ rời trường học. Vui vẻ vì được ra khỏi đây, tôi chẳng hề biết mình sẽ làm gì tiếp theo, viễn cảnh tương lai với tôi thật mù mờ.
Ngay trước khi rời đi tôi nhận được thông báo rằng thầy Hiệu trưởng đã nghỉ hưu, và Ngài Maddison cũng thông báo ông cũng sẽ rời đi sớm. Cả ông và thầy Hiệu trưởng đều là những người cổ hủ đã hết thời, và họ biết điều đó.
Ngày khởi hành đến với tôi với một chút bối rối, như một câu đố chứ không phải một sự bùng nổ. Không ai thực sự quá để tâm đến chuyện có một người nữa rời đi. Sau năm năm rưỡi ở Stanhope, bị trừng phạt vì những tội lỗi tôi đã sớm quên hết, tôi chẳng biết gì khác. Và khi tôi xách túi đồ nhỏ có vài bộ đồ lót và một bộ suit cổ lỗ được tặng mừng cuộc sống mới, chào tạm biệt mọi người xong, tôi tự hỏi không biết rồi tôi sẽ trở thành người thế nào.
Tôi gần như đã không được học hành và chẳng có bất kì kĩ năng hay định hướng nào cho cuộc sống. Bây giờ sao tôi có thể sống đây, người ta nghĩ tôi có thể sống và cư xử như những người lớn à? Tôi chưa được dạy sự tự kỉ luật, dạy cách suy nghĩ độc lập, cách ra quyết định cũng chưa từng biết một cuộc giao dịch thực sự. Tôi chưa trưởng thành, vẫn còn ngây ngô và bốc đồng. Tôi rất muốn có một công việc, một ngôi nhà và một gia đình - nhưng tôi không biết làm thế nào mới có được những điều đó.
Đó là năm 1968 và thế giới đang thay đổi. Beatles và Stones đã bùng nổ trên màn ảnh, phong cách hip-pi thống trị, chiến tranh xảy ra ở Việt Nam và có một cuộc du hành lên Mặt Trăng. Nhưng tôi chẳng biết gì về những chuyện đó. Tôi đã bị giam giữ trong hệ thống hà khắc đó quá lâu, tách biệt khỏi thế giới bên ngoài đến nỗi tôi cũng không biết gì về cuộc cách mạng văn hoá đang diễn ra xung quanh mình.
Ngài Maddíon lái xe đưa tôi tới Sunderland. Hành lí của tôi để ngay dưới chân và tôi có 5 bảng trong túi - số tiền có vẻ đủ cho tôi đi đường. Tôi không biết chúng tôi sẽ đi đâu, vì chẳng ai nói gì với tôi và tôi cũng không dám hỏi. Tôi chỉ cảm thấy giống như tất cả những hành trình tôi đã đi trong quá khứ, chẳng biết cái gì đợi mình phía trước.
Chúng tôi dừng lại bên ngoài một ngôi nhà liền dãy ở phía tây thành phố và thầy Maddison bước xuống gõ cửa. Một người đàn ông cao lớn xuề xoà khoảng gần 70 tuổi ra mở cửa. Ông ta nhìn y hệt Fagin trong Oliver Twist, trong tư thế cúi mình và mặc chiếc áo đã sờn. Tôi nhìn thầy Maddison và nghĩ “Thầy ấy không thể để mình lại đây chứ?”. Nhưng thầy ấy đã có thể, và đã làm thế. Với một câu “Tạm biệt, và chúc may mắn” vội vã, thầy ấy trở lại xe và lái đi.
Chủ nhà chỉ cho tôi lên một phòng ngủ có giường đôi trên tầng hai, ông ta bảo tôi sẽ ở chung phòng với một chàng trai nữa. Căn phòng cũng giống như chủ của nó, có phần bừa bộn và không được sạch sẽ lắm. Giấy dán tường cũ đến nỗi những hoa văn trên đó đã phai hết từ lâu và thảm trải sàn cũng đã sờn. Nhưng chí ít thì giường cũng rộng rãi và dễ chịu một cách đáng kinh ngạc. Tiền thuê phòng theo như ông chủ nhà nói là 5 bảng một tuần, có thể trả trước, đã bao gồm bữa sáng và bữa tối. Và vì thế 5 bảng của tôi ra đi.
Ngôi nhà này rất rộng và có nhiều người thuê nhà. Hầu hết các phòng đều được thuê bởi những thủy thủ ghé vào cảng, họ chỉ ở lại một hoặc hai tuần. Nhưng căn phòng tôi ở là dành cho một chàng trai cũng giống tôi, mới ra khỏi trường cải huấn và không có nơi nào để đi. Ông chủ nhà có một người vợ nằm liệt giường trong một căn phòng ở tầng hai, nhưng tôi cũng không để ý tới bà trong suốt thời gian tôi ở đây. Ngôi nhà có một phòng bếp nhỏ với một chiếc nồi từ thời cổ đại nào đó và một chiếc bàn ăn có bốn ghế. Trên bàn đặt một chiếc đài phát thanh, và lần đầu tiên tôi đến, nó đang phát ra bài “Wonderful World” của Louis Amstrong. Còn có một phòng khách có TV, nhưng chủ nhà đã nói rõ nó phục vụ những người khách khác, không phải kiểu như tôi.
Chiều hôm đó tôi đã tới Sở Lao động Thanh niên để ký giao kỳ. Sau khi hỏi tôi những thông tin cá nhân, người phụ nữ ở đó đưa cho tôi thẻ Bảo hiểm Quốc gia của tôi. Tôi không biết nó là gì hay nó dùng để làm gì nhưng chị ta nói đừng làm mất nó nên tôi cất nó đi. Sau đó chị ta tìm kiếm trong chồng thẻ trên bàn, lấy ra một cái và nói “À, có việc cho cậu đây, học việc nhồi đồ nhé.” Chị điền những thông tin liên quan lên một tờ giấy, đưa nó cho tôi rồi hướng dẫn tóm tắt đường đi tới đó, sau đó nói “Người tiếp theo” và thế là tôi đã xong.
Tôi đi về phía bến cảng - nơi chị ấy bảo tôi đến, và được chỉ tới một nhà kho rất cao và cũ kĩ, kiểu nhà kho người ta thường thấy ở bất kì cầu cảng nào thời Victoria. Tôi gặp người quản đốc, ông ta chỉ vào một hộp gỗ nặng trên mặt đất và bảo “Nhấc nó lên”. Tôi làm như vậy, và ông ta nói “Cậu được nhận. Bắt đầu từ ngày mai, có mặt đúng 8 giờ.”
Tối đó tôi đã gặp bạn cùng phòng của mình, một chàng trai bằng tuổi tôi tên là Robinson. Cậu ta mới ở đây trước tôi vài ngày và cũng tới từ trường cải huấn. Cậu ra có mái tóc màu vàng hoe và rất gầy, sở hữu một giọng nói nghe như thể giọng mũi khiến mỗi khi cậu ta nói đều gây cho người nghe cảm giác cậu ta đang lo lắng điều gì đó.
Sáng hôm sau tôi có mặt ở chỗ làm đúng 8 giờ sáng. Công việc buổi sáng của tôi là vận hành máy “xé”. Tôi sẽ phải ép bông để nhồi vào ghế tựa và sô pha, và cái máy ồn ào này sẽ xé chúng ra bằng những trục quay có bánh răng, xới tung chúng lên. Công việc khác trong buổi sáng là khoan lỗ lên những tấm gỗ nhỏ dùng để nối các phần của ghế lại với nhau. Buổi chiều tôi sẽ cùng với một chàng trai trạc tuổi tôi vác những chiếc ghế đã hoàn thành đi ba dãy cầu thang xuống tầng hầm, sau đó lại nhặt những khung gỗ trần mang về chuẩn bị cho công việc hôm sau. Đó là một công việc nóng bức nặng nhọc, và dù tôi còn trẻ khoẻ - ngoại trừ những vết thương ở lưng vẫn nhói đau - thì đến cuối ngày tôi cũng mệt lử.
Trong xưởng được sưởi bởi lò sưởi đốt bằng khí ga cũ treo trên tường. Nó được điều khiển bật tắt bởi dây kéo - một dây để bật tắt ga và một dây để mở khoá ga. Không khí lúc nào cũng đầy bụi và những mẩu bông dễ cháy, và tôi lúc nào cũng nghĩ sẽ nguy hiểm biết bao nếu có ai đó quên tắt lò sưởi. Không may là, sau khi tôi bỏ việc ở đó, có người đúng thật đã quên và toàn bộ chỗ đó đã bị thiêu rụi.
Thứ Sáu là ngày trả lương và lương của tôi được 5 bảng. Số tiền đủ trả tiền thuê nhà nhưng đương nhiên tôi cũng cần tiền cho những thứ khác nữa. Để giải quyết vấn đề này, người ta sắp xếp để Văn phòng tập sự trả cho tôi thêm 10 si-linh mỗi tuần. Tôi phải hoàn thành công việc vào thứ Sáu và vào thị trấn kịp giờ để tới Văn phòng Tập sự trước giờ nó đóng cửa. Tôi được chào đón bởi một người đàn ông đưa cho tôi giấy biên nhận để tôi kí và kí xong tôi sẽ được nhận một tờ 10 si-linh trước khi ông ta khoá cửa.
Quần áo lao động của tôi cũng được cung cấp bởi Văn phòng Tập sự. Tôi được đưa cho một mảnh giấy để mang đến một cửa hàng địa phương. Ở đó họ sẽ trang bị cho tôi một bộ quần áo, thêm giày và áo đi mưa của công nhân. Lúc nào tôi cũng mặc bộ đồ đó, vì tôi ghét bộ đồ cổ lỗ đã được trường tặng trước khi rời đi và tôi cũng chẳng còn quần áo khác để mặc. 10 si-linh ít ỏi mỗi tuần không cho phép tôi mua những thứ xa xỉ như áo quần.
Cuối tuần tôi cũng phải làm việc chăm chỉ như những ngày trong tuần. Chủ nhà yêu cầu tôi và Robinson phải dọn dẹp phòng của những khách trọ khác, dọn cầu thang, bếp và phòng khách, dọn giường, rồi tới cửa hàng mua xì gà về cho ông ta và gói 200 điếu thuốc lá mang về cho vợ ông ta, và bất kì công việc nhà nào khác cần làm. Trong khi những người khách khác ngồi túm tụm trước màn hình TV và uống bia thì chúng tôi là những nô lệ không được trả công trong ngôi nhà đó.
Tại sao chúng tôi không bỏ đi chỗ khác? Bởi vì sau nhiều năm sống trong trường, chúng tôi không nghĩ mình thực sự được tự do bỏ đi. Dù chúng tôi có trả tiền thuê nhà, chúng tôi cũng không nghĩ mình giống những người khách trả tiền khác và chẳng có ai khai sáng cho chúng tôi. Vì thế chúng tôi đi làm vất vả ở nhà máy, nộp hết tiền lương cho chủ nhà, rồi lại làm việc cho ông ta cả ngày thứ Bảy. Ngày nghỉ duy nhất của chúng tôi là Chủ nhật, nhưng thời đó mọi nơi đều đóng cửa vào Chủ nhật, vì thế tất cả những gì chúng tôi có thể làm là lang thang qua thị trấn vắng vẻ hoặc ngồi trong công viên ngay cả khi trời mưa, chỉ để không phải ở nhà.
Tôi đã sống trong nhà trọ đó vài tháng, cho tới một ngày thứ Bảy, khi tôi và Robinson chuẩn bị làm việc nhà, Robinson phát hiện một ít tiền ở trên giường trong phòng của một trong những thuỷ thủ. Cậu ấy chạy vội đến thông báo với tôi và cả hai chúng tôi đi đến, nhìn vào một hàng những đồng 20 bảng trên giường. Tôi chưa từng nhìn thấy dù chỉ một đồng tiền loại đó, và giờ tôi nhìn thấy 10 tờ như vậy. 200 bảng là là món hời nhỏ với chúng tôi, tương đương với 40 tuần lương. Robinson và tôi nhìn nhau và có cùng ý nghĩ - tự do! Không phải chúng tôi nhìn thấy tiền mà chúng tôi còn nhìn thấy cơ hội trốn thoát. Chúng tôi có thể lấy tiền và thoát khỏi cuộc đời nô lệ.
Vài phút sau chúng tôi đã giấu xong tiền vào túi, gói ghém đồ đạc và rời khỏi ngôi nhà. Chúng tôi chạy nhanh hết sức tới trạm xe buýt và bắt chuyến xe đầu tiên vào thị trấn.