Hạnh phúc không phải là điều sẵn có. Nó đến từ hành động của chính chúng ta.
— ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Có vẻ như những người hạnh phúc và dễ thích nghi thì khỏe mạnh hơn. Nhưng lần gần nhất bác sĩ của bạn kê đơn “thuốc” ngăn ngừa bệnh tim bằng một chương trình học cách lạc quan, điều có hiệu quả tương đương với việc cai thuốc lá, là khi nào? Có khi nào bạn tự kê đơn những điều chỉnh trong lối sống và tập luyện để làm tăng hạnh phúc của mình như là một phần của chế độ phòng bệnh, điều đã được khoa học chứng minh là cách để kéo dài tuổi thọ thêm từ 7,5 đến 10 năm?
Trong y học hiện đại, mọi người thường ít quan tâm đến sức khỏe cảm xúc và tinh thần hơn so với sức khỏe thể chất có nguồn gốc sinh hóa. Chúng ta có xu hướng đẩy sức khỏe cảm xúc và tinh thần đến những hốc tối trong văn phòng của các bác sĩ tâm thần, và thay vào đó, tập trung vào các biện pháp phòng ngừa các căn bệnh về thể chất như chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục, cai thuốc lá và kiểm soát cân nặng. Nhưng những dữ liệu khoa học về sự gắn kết giữa cảm giác hạnh phúc và sức khỏe gây sốc đến mức có thể thuyết phục bạn rằng các phương pháp điều trị nhằm tăng hạnh phúc, cùng với người chị em sinh đôi của nó là sự lạc quan, nên được đặt ở vị trí trung tâm khi bạn muốn ngăn ngừa bệnh tật.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hạnh phúc và sức khỏe có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.1 Chắc chắn rồi, tất cả chúng ta đều biết rằng những người mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo lắng hay rối loạn lưỡng cực có nguy cơ tự tử, lạm dụng chất gây nghiện và mắc các bệnh đe dọa đến tính mạng khác cao hơn. Nhưng bạn có thể ngạc nhiên khi nhận ra rằng tâm trạng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cả khi bạn không trải qua các rối loạn sức khỏe tâm thần toàn diện, đáp ứng các tiêu chí DSM-IV cho chứng rối loạn lo âu tổng quát hay trầm cảm nặng. Chỉ riêng việc cảm thấy lo lắng, buồn bã, tức giận, bất lực, thất vọng hay vô vọng đã có thể kích hoạt phản ứng căng thẳng, và có ai trong chúng ta chưa từng trải qua cảm giác như vậy, ít nhất vài lần trong đời?
Các cuộc khảo sát người trưởng thành ở Mỹ cho thấy chỉ hơn một nửa (54%) tự đánh giá họ là “tương đối khỏe mạnh về tinh thần”, nhưng không thật sự khỏe mạnh.2 Tình trạng trầm cảm ảnh hưởng đến hơn 21 triệu người Mỹ mỗi năm và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật ở Mỹ đối với những người trong độ tuổi từ 15 đến 44. Đây cũng là nguyên nhân chính của 30.000 vụ tự tử ở Mỹ mỗi năm.3 21% người Mỹ sẽ mắc chứng rối loạn tâm trạng như trầm cảm trong cuộc sống của họ, 28% sẽ mắc chứng rối loạn lo âu và 1/5 dân số Mỹ dùng thuốc tâm thần, chủ yếu là thuốc chống trầm cảm.4
Rõ ràng là nhiều người cảm thấy không khỏe mạnh về tinh thần. Nhưng chính xác thì hạnh phúc là gì và nó có liên quan gì đến sức khỏe của cơ thể? Các nhà nghiên cứu hạnh phúc định nghĩa hạnh phúc là “sự trân trọng nói chung về mọi điều trong cuộc sống của một người”.5 Về cơ bản, nó là thước đo mức độ yêu thích cuộc sống của mỗi người và mức độ hào hứng khi thức dậy mỗi ngày.
Các dữ liệu chỉ ra rất rõ ràng là những người không hạnh phúc có khả năng bị bệnh về thể chất cao hơn. Ví dụ như trầm cảm làm tăng nguy cơ ung thư, nguy cơ chính của bệnh tim và có liên quan đến một loạt các rối loạn đau đớn.6 Lo lắng đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ ung thư và tăng xơ vữa động mạch cảnh, một trong những nguyên nhân gây đột quỵ.7
Hạnh phúc thậm chí còn ảnh hưởng đến tuổi thọ. Những người có mức “hạnh phúc chủ quan” cao hơn sống lâu hơn những người không hạnh phúc đến mười năm.8 Hạnh phúc cũng ảnh hưởng đến một số biểu hiện về sức khỏe, bao gồm tỷ lệ ghép tế bào gốc thành công, kiểm soát bệnh tiểu đường, tỷ lệ toàn phát AIDS ở bệnh nhân nhiễm HIV và sự hồi phục sau đột quỵ, sau phẫu thuật tim và gãy xương hông.9
Các nghiên cứu cho thấy những trạng thái tâm lý tích cực như niềm vui, hạnh phúc và năng lượng tích cực, cùng các đặc điểm như sự hài lòng về cuộc sống, niềm hy vọng, sự lạc quan và khiếu hài hước, giúp giảm tỷ lệ tử vong và kéo dài tuổi thọ ở cả người khỏe mạnh và người mắc bệnh.10 Trên thực tế, hạnh phúc và các trạng thái tinh thần liên quan làm giảm nguy cơ hoặc hạn chế mức độ nghiêm trọng của bệnh tim, bệnh phổi, bệnh tiểu đường, bệnh tăng huyết áp và cảm lạnh. Một nghiên cứu của Hà Lan về những bệnh nhân cao tuổi cho thấy trạng thái tinh thần lạc quan làm giảm 50% nguy cơ tử vong trong khoảng thời gian nghiên cứu chín năm.11
NGHIÊN CỨU GRANT
Mối liên hệ giữa hạnh phúc và sức khỏe thể chất đã trở nên thật rõ ràng trong một nghiên cứu dài hạn mang tên Nghiên cứu Grant, tìm hiểu về những sinh viên năm hai đặc biệt tài năng từ ba lớp học của Harvard, những người được cho là đỉnh cao của thể lực, sức khỏe tinh thần và hy vọng cho tương lai. Mục tiêu là để xem cách họ sống cuộc đời mình; tập trung vào sức khỏe, hạnh phúc, các mối quan hệ và những thành tựu của họ; và hy vọng học được cách dự đoán để từ đó có khả năng kiểm soát lý do một số người sống một cuộc đời hạnh phúc, khỏe mạnh, thành công trong khi những người khác thì không.
Để chọn đúng đối tượng cho Nghiên cứu Grant, nhóm của tiến sĩ Arlie Bock, đã kết hợp hồ sơ y tế, hồ sơ học tập và giới thiệu cá nhân từ trưởng khoa. Các nhà tâm lý học, nhân viên công tác xã hội, các nhà sinh lý học, các bác sĩ và khá nhiều người khác nữa mà Bock có thể tập hợp, đã đánh giá 268 sinh viên năm hai của Harvard, hầu hết từ các lớp của năm 1942, 1943 và 1944, để ghi lại dữ liệu về những nam sinh viên này.
Kiểm tra y tế toàn diện ghi nhận tất cả mọi thứ, từ chức năng nội tạng, chiều dài treo của bìu đến hoạt động của não được đo bằng điện não đồ. Nhân viên công tác xã hội đã ghi nhận lại thói quen đái dầm, cách các đối tượng tiếp nhận giáo dục giới tính và những thay đổi trong gia đình thời trẻ. Các chàng trai giải thích các vết mực Rorschach, chữ viết tay của họ được phân tích và họ trải qua một đánh giá tâm thần trên diện rộng. Tất cả đều được coi là “bình thường”, hay thậm chí là “tài năng”.
Các chàng trai trẻ sau đó tốt nghiệp đại học, nhưng Bock và những người thay ông tiếp quản nghiên cứu đã theo dõi họ cho đến hết cuộc đời. Họ được theo dõi bằng những bài kiểm tra thể chất sâu rộng, các cuộc phỏng vấn định kỳ và bảng hỏi, tất cả những nỗ lực này đã làm cho nghiên cứu thực sự là một mỏ vàng thông tin về những gì làm cho một người khỏe mạnh, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống.
Sau khi tốt nghiệp, các chàng trai ra chiến trận. Nhiều người đã phải chịu đựng những chấn thương trong chiến đấu. Dù vậy, bất chấp những thách thức mà họ phải đối mặt, nhiều người đã khá thành công. Bốn người trong số họ đã tranh cử Thượng viện Hoa Kỳ. Một người là tiểu thuyết gia có sách bán chạy nhất, một người trở thành biên tập của tờ Washington Post, một người là thành viên nội các và thậm chí là một người đã trở thành tổng thống. (Sau này, thông tin tiết lộ rằng John F. Kennedy là một trong những người tham gia Nghiên cứu Grant.)
Theo thời gian, một xu hướng bắt đầu xuất hiện. Vào năm 1948, 20 thanh niên có dấu hiệu bị bệnh tâm thần nặng. Khi họ tròn 50 tuổi, 1/3 trong số họ bị bệnh tâm thần. Hóa ra, bên trong vẻ bề ngoài đầy hứa hẹn của những sinh viên năm hai ưu tú trong danh sách của trưởng khoa ẩn giấu những bất thường không ngờ của tâm trí.
Được trích dẫn trong một bài viết trên báo The Atlantic, Bock nói: “Họ là những người bình thường khi chúng tôi chọn. Hẳn là các bác sĩ tâm thần đã làm cho họ bấn loạn.”12
Sự trầm cảm ở những người đàn ông này hóa ra có liên quan mật thiết với sức khỏe thể chất. Trong số những người được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm ở tuổi 50, hơn 70% đã chết hoặc bị bệnh mạn tính ở tuổi 63. Trong khi những người báo cáo là vô cùng hài lòng với cuộc sống có tỷ lệ mắc bệnh nặng hoặc tử vong chỉ bằng 1/10 so với những người bạn không hạnh phúc. Những dữ liệu này đã loại trừ các yếu tố đóng góp khác, chẳng hạn như rượu, thuốc lá, bệnh béo phì và tuổi thọ của tổ tiên.13
CÓ PHẢI NHỮNG NGƯỜI LẠC QUAN;THÌ KHỎE MẠNH HƠN NHỮNG NGƯỜI BI QUAN?
Nhiều năm sau, Martin Seligman, tác giả cuốn Learned Optimism (Học cách lạc quan), người nghiên cứu về sự lạc quan và những ảnh hưởng của nó đối với cuộc sống và sức khỏe, đã tìm cách nghiên cứu xem liệu những người lạc quan có sống lâu hơn những người bi quan hay không. Trong nhiều năm, ông đã nghiên cứu cách giải thích của mọi người về những điều may mắn hay rủi ro trong cuộc sống. Hóa ra, sự khác biệt giữa những người lạc quan và bi quan nằm ở sự lâu dài, sự lan tỏa và tính cá nhân khi cảm nhận những sự kiện tốt và xấu.
Vì người bi quan xem sự kiện tồi tệ là điều mang tính lâu dài (“Nó sẽ luôn tồi tệ như vậy”), có sức lan tỏa (“Điều này sẽ phá hỏng mọi thứ”), và mang tính cá nhân (“Tất cả đều là lỗi của tôi”), kết quả sẽ là cảm giác vô vọng. Khi bạn đưa ra những lời giải thích mang tính lâu dài, lan tỏa và cá nhân cho những sự kiện tồi tệ chắc chắn xảy ra với mọi người, bạn sẽ mở đường cho cảm giác bất lực thường trực và cuối cùng là bệnh tật. Những người bi quan cũng tin rằng sự thất bại của chính bản thân họ là nguyên nhân xảy ra những sự kiện tồi tệ. Mặt khác, họ tin những sự kiện tốt chỉ mang tính tạm thời, cụ thể và nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Trái lại, những người lạc quan có cách nghĩ hoàn toàn khác. Họ nhận thấy các sự kiện xấu chỉ mang tính tạm thời, cụ thể và do yếu tố bên ngoài tạo ra trong khi các sự kiện tốt lại mang tính lâu dài có sức lan tỏa và có sự đóng góp không hề nhỏ của bản thân họ.
Seligman và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu từ Nghiên cứu Grant để xem liệu họ có thể xác định bất kỳ mối tương quan nào giữa cách giải thích và rủi ro bệnh tật hay không. Đầu tiên, họ phải xác định liệu sự lạc quan và bi quan có ổn định trong suốt cuộc đời hay không. Có phải một khi là người lạc quan thì sẽ luôn luôn là người lạc quan? Hay con người có thể thay đổi?
Họ đã tìm ra là trong khi sự lạc quan có thể thay đổi theo thời gian, thì cách mà mọi người giải thích các sự kiện xấu có xu hướng cố định trong suốt cuộc đời. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không thể chuyển đổi nó. Tôi sẽ thảo luận về những gì bạn có thể làm để trở nên lạc quan hơn và tận hưởng những lợi ích sức khỏe đi kèm với sự lạc quan ở cuối chương này.
Khi họ nhận ra rằng cách mọi người giải thích các sự kiện xấu có xu hướng ổn định theo thời gian, Seligman và cộng sự của ông, Chris Peterson, đã nỗ lực xử lý dữ liệu của Nghiên cứu Grant. Họ đã tìm ra rằng ở tuổi 45, những người bi quan trong Nghiên cứu Grant đã không khỏe mạnh bằng những người lạc quan. Những người bi quan bắt đầu bị bệnh sớm hơn và bệnh cũng nghiêm trọng hơn so với những người lạc quan. Và đến tuổi 60, những người bi quan rõ ràng là ốm yếu hơn đáng kể.14
Hóa ra là những bệnh nhân lạc quan phục hồi tốt hơn sau phẫu thuật bắc cầu mạch vành, tận hưởng hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn và sống lâu hơn. Họ cũng đối phó tốt hơn khi mắc các bệnh như ung thư, bệnh tim và suy thận.15 Những người lạc quan cũng sống lâu hơn những người bi quan. Những người có cách nhìn tích cực có khả năng tử vong trong một khoảng thời gian xác định từ mọi nguyên nhân thấp hơn 45% so với những người có suy nghĩ tiêu cực (và khả năng tử vong vì bệnh tim thấp hơn 77%).16 Một thái độ tích cực cũng ảnh hưởng đến khả năng miễn nhiễm với bệnh của chúng ta. Trong một nghiên cứu, các tình nguyện viên khỏe mạnh đã được phỏng vấn về thái độ và sau đó họ được cho tiếp xúc với các vi-rút cúm và cảm lạnh thông thường. Những người lạc quan có khả năng hồi phục nhanh hơn những người còn lại.17
Sau đó có những nghiên cứu khác tìm hiểu về sự lạc quan và bi quan. Nhà tâm lý học Laura Kubzansky của Đại học Harvard đã theo dõi 1.300 người trong mười năm và thấy rằng tỷ lệ bệnh tim ở những người lạc quan chỉ bằng một nửa tỷ lệ tương ứng ở những người bi quan khi nghiên cứu về sự lạc quan. Sự khác biệt giữa hai nhóm thì cũng lớn như sự khác biệt giữa những người hút thuốc lá và những người không hút thuốc lá.18
Hóa ra, những người bi quan dễ bị trầm cảm, dễ gặp phải những rào cản đối với thành công trong công việc, ít trải nghiệm niềm vui, ít có khả năng chịu đựng những thách thức trong các mối quan hệ và dễ mắc bệnh hơn.19 Các nghiên cứu cho thấy những người lạc quan có số lần mắc bệnh ít hơn những người bi quan, có hệ miễn dịch khỏe hơn và áp lực máu thấp hơn, sống lâu hơn và ít mắc bệnh tim mạch hơn.20 Trong một nghiên cứu, những người bi quan có số lần mắc bệnh cao gấp đôi và số lần đến khám bác sĩ cũng cao gấp đôi những người lạc quan.21
Cảm giác vui vẻ tích cực đã được chứng minh là có khả năng bảo vệ trái tim của bạn. Những bệnh nhân có mức “cảm xúc nhiệt thành” có khả năng mắc bệnh tim mạch vành thấp hơn 19% so với những người có mức độ cảm xúc thấp hơn.22 Và hơn nữa, những người có lòng tự trọng cao, nhìn nhận bản thân ở một khía cạnh tích cực hơn, có mức phản ứng tim mạch đối với căng thẳng thấp hơn, phục hồi nhanh hơn và có mức nội tiết tố căng thẳng cortisol cơ bản thấp hơn.23
HY VỌNG GIÚP CHỮA LÀNH
Khi còn là sinh viên y, tôi đã chăm sóc cho một cậu bé bị ung thư giai đoạn bốn tên Joe. Từ khi chào đời, Joe chưa bao giờ được gặp bố mình. Khi đang trong giai đoạn hóa trị tích cực, cậu bé đã viết một lá thư cho bố, kể với ông là cậu đang bị bệnh và cầu xin ông bay đến Florida để họ có thể gặp nhau. Khi biết chỗ ở của người đàn ông đó, mẹ cậu đã hứa là sẽ gửi bức thư đi và Joe đã rất đỗi vui mừng khi bố cậu viết thư hồi âm và hứa sẽ đến gặp cậu lần đầu tiên trong đời tại bệnh viện.
Trong khi chờ đợi được gặp bố, bệnh ung thư của Joe đã không đáp ứng tốt với việc điều trị. Cơ thể cậu ngày càng yếu dần. Nhưng Joe là một người lạc quan. Cậu bé tin rằng mình sẽ khỏi bệnh, sống thật lâu và cuối cùng cũng sẽ được gặp bố, người mà cậu luôn mong nhớ dù chưa từng gặp mặt.
Có lúc các cơ quan của Joe đã bắt đầu ngừng hoạt động và chúng tôi chắc chắn rằng cái chết của cậu đang cận kề. Mẹ cậu gọi điện thoại cho người bố để bảo ông đến thật nhanh và tối hôm đó, Joe nhận được tin bố đã mua vé máy bay và sẽ đến trong một tuần nữa. Ngày hôm sau, bệnh tình của Joe cải thiện đáng kể, cậu đã đứng dậy, đi quanh phòng, hào hứng kể cho tất cả các y tá nghe về cuộc gặp gỡ sắp tới với bố.
Cuộc hội ngộ sẽ diễn ra vào thứ Bảy. Joe đã dành cả tuần để vẽ tranh cho bố, viết truyện và tập hát một bài ca trên máy ghi âm để mở cho bố nghe. Chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy Joe đột nhiên trở nên tràn đầy sức sống trong khi chờ đợi chuyến viếng thăm của bố mình.
Tối thứ Sáu, Joe đã không thể ngủ được. Bác sĩ phụ trách của tôi cuối cùng đã chỉ định một viên thuốc ngủ để Joe sẽ không hoàn toàn kiệt sức khi bố cậu đến. Sáng thứ Bảy, Joe nài nỉ chúng tôi cho cậu ra khỏi bệnh viện để có thể đến sân bay gặp bố ngay khi ông ấy bước xuống máy bay. Nhưng Joe vẫn cần truyền dịch và bác sĩ sẽ không đồng ý cho cậu đi. Thay vào đó, Joe ngồi đợi ở sân trước của bệnh viện trên chiếc xe lăn với bình dịch truyền cùng mẹ.
Máy bay của bố cậu sẽ đến vào lúc 2 giờ. Sân bay không xa bệnh viện. Không quá 3 giờ 30 phút, ông ấy sẽ đến nơi. Nhưng 3 giờ 30 phút đã điểm và trôi qua. Joe chờ đợi. Chờ đợi. Và chờ đợi. Nhưng bố cậu đã không đến. Mẹ cậu gọi nhưng không ai nhấc máy. Joe đã để lại tin nhắn nhưng không ai gọi lại.
Hôm đó là ngày làm việc của tôi và tôi vẫn tiếp tục theo dõi Joe, cậu đã khăng khăng rằng máy bay của bố bị hoãn hoặc bố bị kẹt xe. Nhưng mẹ cậu đã kiểm tra chuyến bay đó. Nó đã đến đúng lịch trình. Mẹ Joe đã cố gắng giải thích với cậu rằng bố cậu không phải là người trưởng thành và không biết cách làm bố. Nhưng Joe đã không chấp nhận điều đó. Cậu chắc chắn là bố đang trên đường đến. Không gì có thể lay chuyển niềm tin của cậu.
Tối hôm đó là ca trực của tôi, dù lo lắng cho Joe nhưng tôi đã rất bận bịu chăm sóc những bệnh nhân mới nhập viện ở khoa nhi, cuối cùng, vào lúc 11 đêm, tám tiếng sau thời gian dự kiến mà bố cậu sẽ đến, mẹ Joe đã có thể thuyết phục cậu trở về phòng. Khi thấy chiếc xe của Joe lăn qua sảnh, tôi đã nghiêng người ôm cậu bé, Joe bắt đầu khóc và nói với tôi rằng bố cậu đã giúp cậu đứng lên. Cả khu, tôi, các y tá, mẹ Joe đều ứa nước mắt khi nhìn cơ thể nhỏ bé gầy gò của Joe rung lên vì nức nở.
Vào khoảng nửa đêm, Joe cuối cùng cũng ngủ thiếp đi.
Khoảng năm giờ sau, khi tôi vẫn còn trong phòng cấp cứu, viết một bệnh sử và kiểm tra thể chất cho một bệnh nhi bị viêm màng não, tôi nghe loáng thoáng thông báo “Chín mươi chín, bác sĩ tim,” đó là dấu hiệu bí mật của chúng tôi cho mã màu xanh. Ai đó sắp chết, và vì là sinh viên trực nên nhiệm vụ của tôi là có mặt ở đó. Khi tôi gọi người trực tổng đài để biết nơi sự cố đang xảy ra, cô ấy cho tôi số phòng.
Tim tôi gần như ngừng đập khi nhận ra đó là phòng Joe. Dù tối hôm trước cậu rất khỏe, Joe đã ngừng thở và những nỗ lực hồi sức của chúng tôi đều thất bại. Bố Joe đã không bao giờ đến, cả khi mẹ cậu miễn cưỡng mời ông đến dự đám tang.
Bạn có thể nói rằng hy vọng đã giữ cho Joe sống sót, chứng minh sự lạc quan có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến dường nào. Nhưng trong khi câu chuyện về niềm hy vọng bị tan vỡ của Joe có một kết cục buồn, thì câu chuyện của Maria về cách mà hy vọng giúp chữa lành lại có một kết thúc có hậu. Maria lên tám khi được chẩn đoán mắc một dạng bệnh bạch cầu và các bác sĩ đã đề nghị chữa bằng hóa trị rồi ghép tủy xương. Tuy nhiên, họ không thể tìm được một mẫu ghép phù hợp. Vì vậy, bố mẹ Maria đã quyết định sinh em bé với hy vọng rằng hai chị em ruột sẽ có mẫu tương thích với nhau.
Lúc này, mẹ Maria đang mang thai, các bác sĩ đã điều trị cho Maria với liều hóa trị thấp hơn, bởi họ tin rằng điều này sẽ kiểm soát được bệnh bạch cầu chứ không chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Mục đích là để giữ cho cô sống đến khi em cô chào đời, lúc đó máu dây rốn được thu thập tại thời điểm sinh sẽ được sàng lọc và họ hy vọng có thể dùng để cấy ghép.
Maria, người luôn muốn có em đã vui mừng khôn xiết khi mẹ cô mang thai. Mặc dù hóa trị làm cô yếu đi nhưng tinh thần cô vẫn rất cao, và cô nói với tất cả các y tá rằng căn bệnh ung thư của cô sẽ biến mất để cô có thể trở thành một người chị tốt. Không muốn loại bỏ hy vọng hay can thiệp vào sự lạc quan của cô, các y tá gật đầu đồng tình dù các xét nghiệm máu cho thấy các tế bào ung thư vẫn còn đó.
Maria đáp ứng tốt với hóa trị liệu, và vài tháng sau, trước sự ngạc nhiên của các bác sĩ, số lượng tế bào máu của cô bắt đầu cải thiện vượt xa mức kỳ vọng với những liều hóa trị thấp mà họ đang sử dụng.
Khi em bé chào đời, Maria đã ở trong phòng sinh, mặc đồ bảo hộ để bảo vệ cơ thể yếu đuối, dễ bị tổn thương của mình khỏi bị nhiễm trùng. Khi cô đòng đưa em gái mới sinh trên tay mình, những người có mặt đã vô cùng xúc động.
Nhưng máu dây rốn được thu thập tại thời điểm sinh không đủ gần để ghép cho Maria. Bố mẹ của Maria đã rất sốc nhưng Maria bảo họ đừng lo lắng, và căn bệnh ung thư của cô rồi sẽ biến mất và cô không cần phải ghép tủy xương nữa. Các bác sĩ ung thư của cô lắc đầu. Họ nói điều đó là không thể. Những liều hóa trị mà cô đã nhận được không đủ để chữa khỏi bệnh.
Nhưng hóa ra là Maria đã đúng. Trong lần kiểm tra tiếp theo, người ta không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của bệnh ung thư. Mặc dù một số người có thể lập luận rằng những liều hóa trị thấp đã chữa khỏi cho cô, nhưng tôi tin rằng hy vọng và sự lạc quan đã làm điều đó.
VIỆC HỌC ĐỂ TRỞ NÊN BẤT LỰC VÀ BỆNH TẬT
Khi làm việc trong bệnh viện, bạn thường nghe những câu chuyện đầy cảm hứng về sự lạc quan giúp thuyên giảm bệnh trong khi sự bi quan đẩy nhanh tốc độ tiến triển của nó. Martin Seligman tuyên bố rằng điều phân biệt những người bi quan với những người lạc quan là “việc học để trở nên bất lực”. Khi mọi thứ diễn ra không theo cách mà chúng ta hy vọng, tất cả chúng ta, dù là người lạc quan hay bi quan, đều cảm thấy bất lực giống như nhau. Khi bạn trai chia tay bạn, sếp cho bạn nghỉ việc, vợ bạn qua đời, con bạn bị bắt cóc hay bạn được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư, bạn sẽ có cảm giác như bị hạ gục và có khả năng trải nghiệm những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, giận dữ, lo lắng và sợ hãi.
Tuy nhiên, khi những điều tồi tệ xảy ra, sự khác biệt giữa những người lạc quan và những người bi quan là những người lạc quan sẽ bắt đầu hồi phục ngay lập tức. Điều gì đó trong họ biết rằng họ sẽ luôn có thể đảo ngược tình thế, ngay cả khi họ đang trong thời điểm khó khăn nhất. Những người lạc quan có thể cảm thấy bị mất tinh thần, thậm chí là suy sụp trong ngắn hạn, nhưng họ sẽ tự đứng dậy, phủi bụi cho mình và quay trở lại với việc sống một cuộc đời hạnh phúc.
Trái lại, những người bi quan tiếp tục cảm thấy bất lực trong một khoảng thời gian dài, thường là theo một vòng xoáy đi xuống đến khi bị trầm cảm thật sự. Các nghiên cứu cho thấy rằng khi những người bi quan bị thất bại – trong các mối quan hệ, trong kinh doanh, trong việc đạt được các mục tiêu cá nhân – họ cảm thấy bất lực bởi trải nghiệm tiêu cực sẽ tồn tại mãi mãi và phá hỏng mọi thứ và nó xảy ra là do thất bại cá nhân. Theo thời gian, họ học được cách để trở nên bất lực, nên vẫn sẽ cảm thấy mình như là đồ bỏ đi trong một khoảng thời dài hoặc rất dài. Từ lâu, chúng ta đã biết rằng những suy nghĩ tiêu cực và các yếu tố gây căng thẳng có thể khiến chúng ta bị bệnh, và các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng niềm tin tiêu cực ảnh hưởng đến cơ thể thông qua việc kích hoạt phản ứng căng thẳng, tắt cơ chế tự sửa chữa tự nhiên của cơ thể và khiến nó bị bệnh.25
PHẢN ỨNG MIỄN DỊCH VÀ SỰ BẤT LỰC
Trong nỗ lực làm sáng tỏ thêm cơ chế thể hiện mối liên hệ giữa sự bất lực và bệnh tật, Madelon Visintainer, đồng nghiệp của Seligman, đã thực hiện một nghiên cứu trên ba nhóm chuột. Nhóm đầu tiên bị cho sốc nhẹ nhưng có thể thoát được, sau đó nhóm này sẽ học được cách để không bị sốc. Nhóm thứ hai cũng bị cho sốc nhẹ nhưng không thể tránh được, nên cảm thấy bất lực. Nhóm thứ ba không bị bất kỳ cú sốc nào.
Trước khi gây sốc cho những chú chuột đáng thương này, Visintainer đã cấy một vài tế bào ung thư vào sườn của từng con chuột. Tế bào ung thư sẽ giết chết con nào mà hệ miễn dịch không thể chống đỡ. Cô đã kiểm soát cẩn thận số lượng tế bào ung thư cấy ghép để có thể kỳ vọng là trong điều kiện bình thường, khoảng một nửa số chuột sẽ loại bỏ khối u và sống sót. Nửa còn lại sẽ chịu thua và chết đi.
Mọi yếu tố bên ngoài đều được kiểm soát một cách hoàn hảo – chế độ ăn, cách chúng được nuôi, gánh nặng của khối u. Sự khác biệt duy nhất giữa ba nhóm chuột là trải nghiệm tâm lý của chúng. Nhóm chuột trải qua những cú sốc có thể thoát được nhanh chóng học cách làm chủ cuộc chơi, cuối cùng tránh được những cú sốc. Trái lại, nhóm chuột bị sốc mà không thể tránh được, đã học được cách để trở nên bất lực. Và nhóm chuột không bị sốc chỉ quan tâm đến việc riêng của chúng, không phải tìm ra điều gì đó và cũng không có chấn thương nào sau cú sốc.
Đúng như dự đoán, trong vòng một tháng, 50% trong số những con chuột không bị sốc đã chết, trong khi 50% còn lại đã loại trừ được khối u. Nhưng thật kỳ lạ, 70% các con chuột bị sốc có thể thoát được, học được cách làm chủ cuộc chơi, loại bỏ khối u, có thể sống. Tuy vậy, nhóm chuột bị cú sốc mà không thể tránh khỏi đã trở nên bơ phờ và bất lực, và chỉ có 27% có thể loại bỏ khối u.26 Từ nghiên cứu này, có thể kết luận rằng ý thức của chúng ta về sự kiểm soát, khả năng tránh để trở thành nạn nhân và cảm giác bất lực về những kinh nghiệm của mình, đặc biệt là những chấn thương mà chúng ta gặp phải, có thể ảnh hưởng đến việc chúng ta khỏe mạnh hay không.
Dựa trên dữ liệu này, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng việc học để trở nên bất lực ở nhóm chuột không thể thoát khỏi những cú sốc đã ức chế phản ứng miễn dịch, vốn là nhân tố giúp chống lại những tế bào ung thư trong các khối u thuộc loại này. Nghiên cứu sâu hơn về nhóm chuột bất lực này cho thấy hệ miễn dịch của chúng bị suy yếu. Các tế bào T của nhóm chuột bất lực không còn nhân lên và cũng không thể chống lại các tế bào ung thư. Các tế bào tiêu diệt tự nhiên, giúp chống lại ung thư cũng mất đi khả năng. Những nghiên cứu này đã khẳng định những gì mà các nhà nghiên cứu đã nghi ngờ. Các trạng thái tâm lý có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự thuyên giảm của một số bệnh, ít nhất là những bệnh qua trung gian miễn dịch, chẳng hạn như nhiều loại bệnh ung thư.27
Điều này có thể giải thích lý do những người lạc quan khỏe mạnh hơn những người bi quan. Nhờ vào cách giải thích tích cực hơn khi đối mặt với những sự kiện tiêu cực trong cuộc sống, những người lạc quan có nhiều khả năng học hỏi cách thích nghi lành mạnh hơn, nhờ đó có thể đối phó tốt hơn với những cú sốc trong cuộc sống, khiến họ miễn nhiễm với tình trạng bất lực. Trái lại, những người bi quan cảm thấy dường như không thể tránh được những cú sốc trong cuộc sống và giống như những con chuột bơ phờ, bất lực, họ bị trầm cảm và hệ miễn dịch trở nên suy yếu. Nếu suốt cuộc đời có ít giai đoạn phải học để trở nên bất lực hơn thì hệ miễn dịch sẽ mạnh mẽ hơn, giảm các phản ứng căng thẳng, hạn chế những biểu hiện tiêu cực về sức khỏe và giảm khả năng mắc bệnh.
KHẢ NĂNG KIỂM SOÁT LÀ THUỐC CHỮA CHO SỰ BẤT LỰC
Nếu chuột có thể chống lại ung thư bằng cách kiểm soát môi trường sống của chúng nhiều hơn, vậy có bằng chứng nào cho thấy con người cũng phản ứng tương tự như vậy không? Vì tò mò không biết việc tăng cảm giác kiểm soát, lựa chọn và trách nhiệm cá nhân có thể giúp chống lại việc phải học để trở nên bất lực hay không, nên các nhà nghiên cứu đã làm việc với cư dân của một viện dưỡng lão để thiết kế một nghiên cứu đánh giá họ đã điều chỉnh cơ thể mình thế nào.
Họ chia cư dân thành hai nhóm, nhóm ở tầng một và nhóm ở tầng hai. Tất cả cư dân có thể tận hưởng những lợi ích mới mà viện dưỡng lão cung cấp – trứng ốp la với trứng chiên, xem phim buổi tối vào các ngày thứ Tư hoặc thứ Năm, trồng cây trong phòng riêng nếu muốn. Nhưng để tận dụng những cơ hội này, cư dân ở tầng một được trao thêm quyền lựa chọn và trách nhiệm: Họ phải chọn loại trứng mình muốn, đăng ký xem phim vào thứ Tư hay thứ Năm và tưới cây trong phòng mình.
Trái lại, cư dân tầng hai, cũng có những cơ hội tương tự nhưng không được trao quyền lựa chọn hay trách nhiệm cá nhân nào. Lịch trình của họ đã được thiết lập, khiến họ về cơ bản là bất lực. Thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu là những ngày ăn trứng ốp la. Thứ Ba và thứ Năm là những ngày ăn trứng chiên. Họ được chỉ định ngày chiếu phim buổi tối hay tưới cây trong phòng mình, chứ không được lựa chọn.
Một năm rưỡi sau, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cư dân ở tầng một, những người có sự lựa chọn và trách nhiệm cá nhân thì năng động hơn, hạnh phúc hơn và ít có khả năng chết trong thời gian nghiên cứu hơn.28 Hóa ra, sự lựa chọn, trách nhiệm cá nhân và cảm giác hữu ích rất tốt cho sức khỏe của bạn, rất có thể là do bạn cảm thấy hạnh phúc hơn và điều này khiến cơ thể có khả năng tự sửa chữa tốt hơn.
CẢM GIÁC VUI VẺ LÀ CHỈ BÁO CHO SỰ TRƯỜNG THỌ
Chúng ta biết rằng những người không hạnh phúc thường ít có khả năng ăn ngon miệng, tập thể dục và ngủ ngon. Nhưng những hậu quả đối với sức khỏe từ cảm giác buồn chán không thể chỉ giải thích bằng việc những người luôn có cảm giác này có bỏ bê việc chăm sóc cơ thể của họ hay không. Năm 1986, David Snowdon đã bắt đầu một nghiên cứu dài hạn khác, tương tự như Nghiên cứu Grant, nhưng lần này đối tượng nghiên cứu là các nữ tu Công giáo La Mã thay vì các sinh viên năm hai của Đại học Harvard.
Thông thường, nghiên cứu về những gì làm cho con người sống thọ hơn dễ bị sai lệch do các yếu tố gây nhiễu. Ví dụ, chúng ta biết rằng những người ở Utah sống lâu hơn những người ở Nevada. Nhưng tại sao lại như vậy? Có phải là do lối sống khổ hạnh của người Mormon thì lành mạnh hơn so với văn hóa đấu đá, rượu chè, bài bạc và hút thuốc ở Las Vegas và Reno? Có phải người dân Utah ăn nhiều thực phẩm bổ dưỡng hơn? Có phải không khí ở Utah sạch hơn? Có phải là người dân Utah ít bị căng thẳng hơn?
Các loại biến này làm cho việc diễn giải kết quả của những nghiên cứu về tuổi thọ trở nên khó khăn, do đó, việc nghiên cứu những nhóm người, như nhóm với nhiều biến số có thể kiểm soát được sẽ rất hữu dụng.
Những thói quen liên quan đến sức khỏe của các nữ tu này được kiểm soát khá tốt – về cơ bản, họ có cùng một chế độ ăn đơn giản, không hút thuốc hay uống rượu, không kết hôn, sinh con hay mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, có địa vị kinh tế và xã hội tương tự nhau, và đều được hưởng dịch vụ chăm sóc y tế tốt. Điều này giúp việc đưa ra kết luận về những yếu tố giúp họ sống lâu trở nên dễ dàng hơn. Bạn có thể nghĩ rằng một mẫu nghiên cứu có nhiều điểm tương đồng như vậy có thể sẽ có tuổi thọ như nhau, nhưng với tất cả các biến gây nhiễu điển hình đã được kiểm soát, tuổi thọ và sức khỏe của họ vẫn có sự khác biệt lớn.
Tại sao lại có sự chênh lệch như vậy? Khi vào tu viện, các nữ tu mới được yêu cầu viết lại câu chuyện về cuộc đời họ cho đến thời điểm đó (tuổi trung bình của những người viết tự truyện là 22 tuổi). Vào thời điểm thực hiện nghiên cứu, nhiều nữ tu đã già. Những cuốn tự truyện họ đã viết từ nhiều năm trước được sử dụng để đánh giá mức độ hạnh phúc của họ khi còn trẻ. Từ thời điểm đó, các nữ tu được theo dõi trong suốt quãng đời còn lại.
Trong tự truyện của Cecilia O’Payne, một nữ tu tập sự ở Trường dành cho các xơ Notre Dame vào năm 1932 có đoạn: “Chúa đã nâng đỡ cuộc đời con bằng việc ban cho con một ân huệ không gì so sánh được... Năm vừa rồi, thời gian con học dự bị tại Trường Notre Dame là quãng thời gian vô cùng hạnh phúc. Giờ đây, con mong đợi được đón nhận những Đức tính Thiêng liêng của Đức Mẹ và sống một cuộc đời hòa hợp với Tình yêu Thiêng liêng trong niềm vui sướng vô bờ”.
Ngược lại, một nữ tu khác cũng phát nguyện những lời thề tương tự, Marguerite Donnelly đã viết: “Tôi sinh vào ngày 26 tháng Chín năm 1909, là con cả trong gia đình có bảy người con, năm gái và hai trai... Tôi đã trải qua một năm dự bị ở Motherhouse, dạy hóa học và tiếng Latin cho học viên năm thứ hai ở Trường Notre Dame. Với ân sủng của Chúa, tôi dự định sẽ nỗ lực hết mình để phục vụ cho dòng tu của chúng ta, cho việc truyền bá tôn giáo và cho sự thánh hóa của cá nhân tôi.”
Bạn có thể nhận ra sự khác biệt giữa hai người? Cecilia đã sử dụng những từ ngữ sôi nổi như “vô cùng hạnh phúc” và “niềm vui sướng vô bờ,” trong khi văn viết của Marguerite không hề có sự vui sướng như vậy.
Vậy những nữ tu trẻ đó đã trở nên như thế nào? Như đã được tường thuật trong cuốn Authentic Happiness (Hạnh phúc đích thực) của Martin Seligman, đến năm 98 tuổi, xơ Cecilia O’Payne vẫn còn sống và chưa từng bị bệnh một ngày nào trong đời. Trái lại, xơ Marguerite Donnelly đã bị đột quỵ ở tuổi 59 và qua đời không lâu sau đó.29
Khi các nhà nghiên cứu tìm hiểu câu chuyện về cuộc đời của các nữ tu, họ thấy rằng 90% trong số những nữ tu vui vẻ nhất vẫn còn sống ở tuổi 84 trong khi tỷ lệ tương ứng chỉ là 34% ở những người ít vui vẻ nhất. Trên thực tế, 54% trong số các nữ tu vui vẻ nhất vẫn còn sống và khỏe mạnh ở tuổi 94, so với tỷ lệ 11% ở những người ít vui vẻ nhất. Nhìn chung, các nữ tu hạnh phúc sống lâu hơn 7,5 năm so với những người không hạnh phúc.30 Các nghiên cứu khác cho thấy rằng những người hạnh phúc sống lâu hơn đến 10 năm so với những người bất hạnh.31 Rõ ràng là hạnh phúc là thuốc phòng bệnh và vào cuối chương này, chúng ta sẽ thảo luận về cách thức bạn có thể làm tăng cảm giác hạnh phúc để hỗ trợ quá trình chữa lành của cơ thể.
KHÍA CẠNH SINH LÝ CỦA TÂM TRẠNG
Vậy điều gì xảy ra với cơ thể khi tâm trí đang u sầu? Sự đau khổ về mặt cảm xúc có thể khởi đầu trong tâm trí nhưng cuối cùng sẽ trở thành một trải nghiệm trong cơ thể. Bạn không chỉ trải nghiệm sự bất hạnh trong tâm trí. Bạn cảm nhận nó trong cơ thể mình vì sự đau khổ đổ ập xuống cơ thể bạn thông qua phản ứng căng thẳng. Khi bị tổn thương về cảm xúc, chuông báo động vang lên. Phản ứng căng thẳng được kích hoạt mặc dù không có bất kỳ mối đe dọa tức thời nào đối với cơ thể, chỉ là cảm giác tức giận, thất vọng, đau khổ, bi quan, phiền muộn, đau lòng và những cảm xúc khó chịu khác. Trong phần tiếp theo này, chúng ta sẽ thảo luận về khía cạnh sinh lý học lý giải sự lo lắng và trầm cảm ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể còn hạnh phúc có thể chữa lành cho nó thế nào.
Cảm giác lo lắng
Khi nói đến việc xử lý và lưu trữ ký ức của những cảm xúc khác nhau thì hạch hạnh nhân nằm trong hệ thống limbic, sâu bên trong thùy thái dương trung gian của não, là ông chủ. Trên thực tế, hạch hạnh nhân trải nghiệm cảm xúc trước cả bộ não có ý thức. Việc kích hoạt lặp đi lặp lại phản ứng căng thẳng làm cho hạch hạnh nhân phản ứng mạnh hơn với những mối đe dọa, kích thích phản ứng căng thẳng, do đó, lại tiếp tục kích hoạt hạch hạnh nhân, và cứ tiếp tục như vậy trong một vòng luẩn quẩn. Hạch hạnh nhân giúp hình thành “những ký ức ngầm”, dấu vết của những trải nghiệm trong quá khứ nằm bên dưới sự nhận biết có ý thức. Khi hạch hạnh nhân trở nên nhạy cảm hơn, thì xuất hiện ngày càng nhiều nỗi sợ hãi, khiến não bộ phải trải nghiệm nỗi lo lắng thường xuyên, dù nỗi lo này không liên quan gì đến hoàn cảnh hiện tại.
Đồng thời, thùy hải mã, vốn rất quan trọng cho việc phát triển “những ký ức rõ ràng” – những ghi nhận có ý thức về những gì thực sự xảy ra – bị làm suy yếu bởi phản ứng căng thẳng của cơ thể. Cortisol và những glucocorticoid khác làm suy yếu các khớp thần kinh trong não và ức chế sự hình thành của những khớp thần kinh mới. Khi thùy hải mã bị suy yếu, việc sản xuất ra các tế bào thần kinh mới sẽ khó khăn hơn, khó tạo ra ký ức mới. Kết quả là, những trải nghiệm đau đớn, sợ hãi làm cho sự ghi nhận của hạch hạnh nhân trở nên nhạy cảm được lập trình vào bộ nhớ ngầm, trong khi thùy hải mã vốn đã bị suy yếu lại không thể ghi nhận những ký ức rõ ràng mới.
Kết quả là, bạn sẽ không có ký ức thực sự nào về những gì khiến bạn bắt đầu cảm thấy như vậy nhưng lại có một cảm giác rất rõ ràng rằng một điều gì đó tồi tệ – rất tồi tệ – đang xảy ra. Điều này giải thích tại sao những người đã trải qua chấn thương có thể bị kích hoạt bởi các tình huống kích thích tiềm thức, trong khi tâm trí có ý thức lại không có manh mối gì về điều đang xảy ra. Bạn cảm thấy không an toàn và lo lắng mà không có bất kỳ manh mối nào về lý do mình cảm thấy như vậy.
Trầm cảm
Trầm cảm cũng dẫn đến việc kích hoạt lặp đi lặp lại các phản ứng căng thẳng theo kiểu chu kỳ, sau đó dẫn đến tâm trạng chán nản. Với toàn bộ lượng cortisol do phản ứng căng thẳng tạo ra đang chảy trong cơ thể, norepinephrine, hoạt chất thường giúp bạn cảm thấy tỉnh táo và tràn đầy năng lượng, bị cạn kiệt, khiến bạn cảm thấy lãnh đạm và mất tập trung. Cortisol cũng làm giảm việc sản xuất dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng, giúp bạn trải nghiệm các cảm giác dễ chịu.
Phản ứng căng thẳng cũng làm giảm serotonin, chất dẫn truyền thần kinh quan trọng nhất chịu trách nhiệm cho tâm trạng tích cực. Khi nồng độ serotonin giảm, nồng độ norepinephrine thậm chí còn giảm nhiều hơn khiến tinh thần bạn rơi vào vòng xoáy đi xuống.
Ngoài việc kích hoạt phản ứng căng thẳng, những cảm xúc tiêu cực cũng tăng cường việc sản xuất các cytokine gây viêm, dẫn đến tình trạng viêm, có thể là nguyên nhân của một số bệnh ung thư, bệnh Alzheimer, viêm khớp, loãng xương và bệnh tim mạch. Hơn nữa, cảm giác tiêu cực có thể góp phần làm chậm quá trình lành vết thương và nhiễm trùng.32
Khi những tâm trạng tiêu cực như bi quan, bất lực, vô vọng, lo lắng và trầm cảm chiếm ưu thế, phản ứng căng thẳng sẽ được bật lên và giữ nguyên như vậy, dẫn đến rối loạn tiêu hóa, dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm và ung thư, bệnh tim, rối loạn nội tiết và các bệnh khác.33 Những người hạnh phúc có vẻ như có hệ miễn dịch mạnh hơn, bởi tạo ra kháng thể nhiều hơn khoảng 50% để đáp ứng với vắc-xin cúm và kích thích các đáp ứng miễn dịch mạnh hơn như đã được chứng minh.34
Trái lại, khi bạn không hạnh phúc, hệ miễn dịch của bạn bị suy yếu, như được xác nhận trong một nghiên cứu về những người góa vợ đau khổ. Nghiên cứu cho thấy tốc độ nhân lên của tế bào T bị chậm lại trong giai đoạn đau khổ.35 Sự khác biệt về khả năng miễn dịch cũng được tìm thấy trong một nghiên cứu so sánh các phụ nữ dương tính với HIV lạc quan và bi quan.36
Hạnh phúc
Trong khi khoa học thần kinh về các trạng thái tinh thần không tốt đã được nghiên cứu rất nhiều thì trạng thái hạnh phúc lại ít được nghiên cứu hơn. Tuy nhiên, sự ra đời của máy MRI chức năng cùng với kỹ thuật điện não đồ đã giúp việc nghiên cứu về khoa học hạnh phúc trở nên dễ dàng hơn. Từ việc kiểm tra các đối tượng nghiên cứu, những người nói rằng họ cảm thấy rất hạnh phúc, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng hạnh phúc dường như nằm ở vỏ não trước trán bên trái của não bộ.
Nhưng điều gì kích hoạt khu vực này của não? Và chúng ta có thể làm gì để phần vỏ não trước trán bên trái hoạt động mạnh hơn? Rất có thể là câu trả lời liên quan đến các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, oxytocin, các endorphin, nitric oxide và serotonin.
Các nhà nghiên cứu chia “niềm hạnh phúc” thành hai loại cảm giác dễ chịu – việc dự đoán về một điều gì đó tích cực và niềm vui thuộc về giác quan khi thực sự trải nghiệm điều đó. Ví dụ, bạn có thể cảm thấy hạnh phúc khi tưởng tượng về kỳ nghỉ ở bãi biển sắp tới tại Bali, lên kế hoạch chi tiêu phần thưởng cuối năm bạn sẽ nhận được nếu làm tốt công việc hoặc hình dung ra cảm giác hồi hộp khi cuối cùng cũng hôn được người mà bạn theo đuổi. Nhưng bạn cũng có thể cảm thấy hạnh phúc khi đắm mình dưới ánh mặt trời ấm áp giữa làn nước trong xanh như pha lê đang vỗ quanh cơ thể, mặc chiếc áo len lông cừu mới mua từ khoản tiền thưởng cuối năm và vuốt ve đôi môi mềm mại của người yêu khi cơ thể bạn ngập tràn vui sướng.
Khi bạn cảm thấy hạnh phúc vì đang dự đoán điều gì đó thú vị, khu vực các hạt nhân accumben, trung tâm khoái cảm của não sáng lên. Việc kích hoạt phần não này rất có thể liên quan đến chất dẫn truyền thần kinh dopamine, chất trung gian truyền những cảm xúc tích cực giữa vỏ não trước trán bên trái và những trung tâm cảm xúc trong các hạt nhân accumben. Những người nhạy cảm với các thụ thể dopamine có xu hướng có tâm trạng tốt hơn.
Dopamine có thể là chất dẫn truyền thần kinh chính liên quan đến loại hạnh phúc bạn có được khi đang tiến đến mục tiêu và sau đó đạt được nó, trong khi các chất dẫn truyền thần kinh khác có thể chịu trách nhiệm về những loại hạnh phúc khác như cảm giác yêu thương hay sự dễ chịu đến từ các giác quan. Ví dụ như oxytocin, “nội tiết tố âu yếm”, có vai trò trong việc kết đôi và được giải phóng khi bạn yêu hoặc ôm ấp con bạn, có thể giải thích một phần về cách mà hạnh phúc ảnh hưởng đến sức khỏe. Được tạo ra ở vùng dưới đồi và được tuyến yên tiết ra, oxytocin làm giảm viêm bằng cách giảm các cytokine. Nó cũng gián tiếp ức chế giải phóng ACTH và do đó điều chỉnh trục HPA, nơi bị kích hoạt trong phản ứng căng thẳng, thấp xuống. Những người hạnh phúc được biết là có mức độ cortisol thấp hơn, rất có thể là vì họ ít cảm thấy căng thẳng, sợ hãi, tức giận và những cảm xúc được biết đến là sẽ kích hoạt phản ứng căng thẳng khác.
Oxytocin cũng kích hoạt các thụ thể serotonin, nâng cao tâm trạng và ức chế hạnh nhân não, khu vực mà nỗi sợ có thể kích hoạt phản ứng căng thẳng.37 Oxytocin cũng kích thích giải phóng các endorphin, morphine tự nhiên giúp giảm đau và có thể dẫn đến các cảm giác hưng phấn giống như trạng thái phấn khích của người chạy bộ. Các endorphin, được tuyến yên giải phóng trong khi tập thể dục, yêu thương và có cảm giác phấn khích, kích hoạt giải phóng dopamine, sẽ kích thích các hạt nhân accumben và dẫn đến cảm giác thoải mái. Những cảm giác dễ chịu đến từ các giác quan cũng kích thích giải phóng oxit nitric, một loại thuốc giãn mạch mạnh giúp tăng lưu lượng máu và được biết là rất quan trọng trong việc bảo vệ một số cơ quan khỏi tổn thương do thiếu máu cục bộ.
Nhiều khả năng là hạnh phúc cũng ảnh hưởng đến hệ miễn dịch như đã được chứng minh qua nghiên cứu những con chuột đầy khối u phải chịu những cú sốc có thể tránh được và không thể tránh được. Việc phải học để trở nên bất lực, không chỉ được trải nghiệm bởi chuột mà cả bởi những người bi quan, làm cho hệ miễn dịch trở nên thụ động hơn, khiến bạn dễ bị nhiễm trùng, mắc ung thư và các bệnh qua trung gian miễn dịch khác. Những người lạc quan, những người có xu hướng hạnh phúc hơn, ít có xu hướng phải học để trở nên bất lực và khiến hệ miễn dịch trở nên yếu ớt hơn trong suốt cuộc đời. Tác động của việc có ít phản ứng căng thẳng hơn trên cơ thể, cũng như hệ quả lâu dài của một hệ miễn dịch mạnh mẽ, có thể giải thích sự khác biệt về tuổi thọ giữa những người hạnh phúc và không hạnh phúc.
HẠNH PHÚC CÓ CHỮA ĐƯỢC BỆNH KHÔNG?
Trong khi có rất nhiều bằng chứng ủng hộ rằng hạnh phúc là thuốc phòng bệnh và giúp dự báo tuổi thọ ở những người khỏe mạnh38 thì việc hạnh phúc có thể giúp chữa trị bệnh hay không vẫn chưa thật sự rõ ràng. Các dữ liệu cho ra kết quả rất khác nhau. Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ phục hồi được cải thiện rõ rệt ở những người hạnh phúc.39 Chẳng hạn, một nghiên cứu nhỏ đã đánh giá sâu rộng về thể chất và tâm lý, bao gồm cả phân tích sự lạc quan ở 34 phụ nữ tái mắc bệnh ung thư lần hai tại Viện Ung thư Quốc gia (National Cancer Institute). Khả năng sống sót sau khi tái mắc bệnh ung thư vú là rất hiếm, sau khoảng một năm, hầu hết những phụ nữ này đã qua đời và chỉ có một số ít sống sót. Ai là người sống lâu nhất? Đó là những người hạnh phúc nhất.40
Một số nghiên cứu cho thấy thái độ vui vẻ và tinh thần chiến đấu giúp cải thiện khả năng sống sót ở bệnh nhân nhưng dữ liệu lại cho thấy thái độ tích cực, dù có thể ngăn ngừa bệnh tật, không phải lúc nào cũng đủ sức để chống lại bệnh tật.41 Trên thực tế, có một số người cho rằng ý tưởng chiến đấu với bệnh tật nghiêm trọng bằng hạnh phúc là một ảo tưởng phi lý và chỉ khiến bệnh nhân cảm thấy có lỗi.42
Vậy tại sao hạnh phúc có thể ngăn ngừa bệnh tật nhưng lại không thể điều trị nó?
Đó có thể là vì tác dụng của hạnh phúc, sinh ra những tác động sinh lý có lợi cho cơ thể hơn là có khả năng chữa trị cho cơ thể một khi bệnh đã xảy ra. Chẳng hạn, rõ ràng là cảm giác hạnh phúc có thể làm giảm sự tiếp xúc với phản ứng căng thẳng, giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong suốt cuộc đời nhưng là không đủ để giải quyết tình trạng các động mạch vành đã bị tắc nghẽn do xơ vữa động mạch.
Một lời giải thích khác cho sự khác biệt trong dữ liệu là các cơ chế gây bệnh và các cơ chế tự sửa chữa trong cơ thể là khác nhau. Chẳng hạn như hạnh phúc, đã được chứng minh là cải thiện chức năng miễn dịch, thay vì cảm giác bất lực. Nhưng đối với các bệnh không liên quan đến chức năng miễn dịch, tâm trạng có thể ít ảnh hưởng đến kết quả bệnh. Mặc dù trạng thái tinh thần, tâm trạng và thái độ của một người chắc chắn có thể cải thiện chất lượng cuộc sống nhưng chúng lại chỉ có thể hữu ích đối với một số bệnh nhất định. Nhưng vì dữ liệu là hỗn hợp và hạnh phúc còn có những lợi ích khác nữa, thì bạn cũng đâu có gì để mất khi hành động để cảm thấy hạnh phúc hơn?
ĐƠN THUỐC CHO SỰ BI QUAN
Nếu bạn là một người bi quan có xu hướng bất hạnh thì đừng tuyệt vọng. Theo các nhà nghiên cứu về hạnh phúc, những điều như sự lạc quan và hạnh phúc có thể học được và nhờ đó bạn có thể tận hưởng những lợi ích về sức khỏe thể chất và tinh thần. Trong cuốn Learned Optimism (Học cách lạc quan), Martin Seligman hướng dẫn một bài tập mà ông gọi là ABCs (Adversity, Belief and Consequences – Nghịch cảnh, Niềm tin và Những hệ quả). Khi đối mặt với nghịch cảnh, chúng ta nghĩ về sự kiện bất lợi và suy nghĩ đó nhanh chóng được chuyển thành niềm tin, điều này sẽ trở thành thói quen nếu chúng ta không chú tâm đến chúng. Hệ quả kéo theo là những niềm tin như vậy sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta cảm nhận và lựa chọn phương thức đối phó. Bằng việc học cách điều chỉnh phương thức chuyển đổi nghịch cảnh thành niềm tin và hành động theo niềm tin đó, chúng ta có thể chuyển đổi những suy nghĩ tiêu cực của mình thành những niềm hy vọng.
Ví dụ có ai đó chiếm chỗ đậu xe mà bạn đang nhắm đến (Nghịch cảnh). Bạn bực bội và nghĩ rằng, Người lái xe đó đã cướp chỗ đậu xe của tôi. Đó là một hành động thô lỗ và ích kỷ (Niềm tin). Bạn tức giận, hạ kính xe xuống và hét vào mặt người lái xe đó (Hậu quả).
Hay người bạn thân nhất đã không trả lời các cuộc điện thoại của bạn (Nghịch cảnh). Bạn giải thích điều này bằng cách suy nghĩ, Tôi đã luôn ích kỷ và thiếu quan tâm. Không có gì là lạ khi họ làm như vậy (Niềm tin). Bạn cảm thấy chán nản cả ngày (Hệ quả).
Seligman khuyên bạn nên giữ một cuốn nhật ký ABCs trong vài ngày để đánh giá cách bạn phản ứng với các sự kiện bất lợi. Để làm điều này, bạn phải tham gia cuộc đối thoại từ bên trong và nhận diện những niềm tin nảy sinh khi đối mặt với nghịch cảnh. (Hãy nhớ rằng niềm tin là suy nghĩ chứ không phải cảm xúc. Cảm xúc thực sự là hệ quả của suy nghĩ.) Sau đó ghi lại các hệ quả – cách bạn cảm nhận hay hành xử để đáp lại những niềm tin nảy sinh từ sự kiện bất lợi. Sau khi xem xét những niềm tin này, người bi quan có thể nhận thấy cách mà những niềm tin phát sinh kích hoạt các trạng thái cảm xúc hay hành vi tiêu cực, trong khi người lạc quan lại có thể nhận thấy rằng những niềm tin đã nhanh chóng giúp họ vượt qua nghịch cảnh.
Hãy lưu ý điều này. Nếu bạn có xu hướng bi quan tự nhiên, bạn có thể học cách thay đổi những niềm tin nảy sinh khi đối mặt với nghịch cảnh, và bằng cách thay đổi những niềm tin này, bạn có thể thay đổi hệ quả và cải thiện sức khỏe. Một khi bạn nhận thức được những niềm tin bi quan xảy đến đột ngột, Seligman đề xuất hai cách đối phó với chúng: đánh lạc hướng bản thân và suy nghĩ về điều gì khác hoặc tranh luận với chúng.
Để đánh lạc hướng bản thân khỏi một niềm tin bi quan, hãy thử những gì các nhà nghiên cứu gọi là “kỹ thuật dừng suy nghĩ” để làm gián đoạn các kiểu suy nghĩ theo thói quen, chẳng hạn như đập tay vào tường và hét lên “DỪNG!” Bạn có thể nhấn chuông reo thật lớn, mang theo một tấm thẻ nhỏ màu đỏ có chữ DỪNG lớn hoặc đeo dây cao su ở cổ tay của bạn và giữ chặt nó để dừng những suy ngẫm. Kết hợp các kỹ thuật như vậy với sự thay đổi có chủ đích có thể tạo ra những kết quả lâu dài hơn. Khi bạn hét lên “DỪNG” hay giữ chặt dây cao su, hãy chú ý tập trung vào một điều gì khác.
Nếu những hành động trên không thể loại bỏ những suy nghĩ đó, hãy dành thời gian trong ngày để suy ngẫm về những niềm tin bi quan của bạn. Hãy tự nói với mình: “Dừng lại. Mình sẽ nghĩ điều này sau”. Hãy viết suy nghĩ của bạn xuống. Việc làm này sẽ phá vỡ chu kỳ suy ngẫm và làm giảm sức mạnh của những suy nghĩ tiêu cực.
Việc tranh luận với những suy nghĩ tiêu cực thậm chí còn hiệu quả hơn là việc đánh lạc hướng chúng. Để làm điều này, bạn phải học cách tranh luận với chính mình. Xem lại niềm tin bi quan của bạn, khai thác nguồn trí tuệ thông thái hơn của bạn, một bản ngã yêu thương, giàu lòng trắc ẩn và tìm cách để chứng minh là bạn đã sai. Ví dụ, nếu bạn thân của bạn không gọi lại và suy nghĩ đầu tiên của bạn là Cô ấy ghét mình vì mình là một đứa bạn tồi tệ, hãy tranh luận với suy nghĩ đó. Hãy lập luận rằng cô ấy có thể đang bận, đã bỏ sót tin nhắn, hay đã muốn gọi nhưng lại bị phân tâm rồi quên mất, đặc biệt cần lập luận rằng cô ấy thực sự yêu quý bạn và bạn là một người bạn tốt. Nói cách khác, vấn đề bạn đang đối mặt không phải là lâu dài, lan tỏa và mang tính cá nhân; nó có tính chất tạm thời, cụ thể và do yếu tố bên ngoài tạo ra. Dựa trên niềm tin lạc quan mới này, bạn có thể chọn những hệ quả mới và loại bỏ vòng xoáy đi xuống mà những niềm tin bi quan kích hoạt.
Chìa khóa thành công trong việc tranh luận với những niềm tin tiêu cực của bạn bao gồm việc cố gắng tìm bằng chứng cho thấy niềm tin tiêu cực của bạn (nếu có) là sai, xem xét những cách giải thích khác về sự kiện bất lợi ngoài những giải thích bi quan mà bạn đã tưởng tượng, xác định cái giá phải trả cho một niềm tin tiêu cực như vậy, và nếu niềm tin này trở thành sự thật, hãy suy nghĩ về những hàm ý của nó. Hãy quay trở lại với người bạn tốt nhất, người đã không gọi lại cho bạn. Sau khi nghĩ về những lời giải thích khác cho lý do cô ấy không gọi lại, hãy xem xét lý do tại sao tâm trí bạn có thể chạy thẳng đến những giả định tiêu cực. Có lẽ bạn đã nhận ra được một điều gì đó từ cảm giác là một nạn nhân bị bỏ rơi. Có lẽ bạn bám lấy sự tức giận chính đáng của mình khi cô ấy không gọi lại và phần thưởng là bạn sẽ cảm thấy mình cao hơn người khác.
Nếu lý do cô ấy không gọi lại là vì cô ấy ghét bạn bởi bạn là một đứa bạn tồi tệ, thì bạn có thể học được điều gì từ niềm tin này? Làm thế nào bạn có thể sử dụng niềm tin này để học cách trở thành một người bạn tốt hơn? Cuối cùng, bạn sẽ nhận ra rằng, nếu tình bạn không thể kéo dài, bạn có thể học được điều gì đó về bản thân mình từ mối quan hệ này, và rất có thể là có một người khác ngoài kia đang mong muốn trở thành bạn thân mới của bạn.
Nói cách khác, hãy cố gắng để hướng bản thân ra khỏi niềm tin tiêu cực của mình, và nếu bạn không thể, hãy suy nghĩ thấu đáo về kịch bản tồi tệ nhất có thể để nhận ra rằng, ngay cả khi đó là sự thật thì nó cũng chẳng thể có nghĩa là ngày tận thế sẽ xảy ra.
Seligman cũng khuyên bạn nên tránh xa những niềm tin bi quan của mình, nhận ra rằng chúng chỉ là niềm tin chứ không phải là sự thật, và kết thúc cuộc đối thoại nội tâm của bạn bằng một suy nghĩ tràn đầy năng lượng, giúp nâng bạn lên thay vì kéo bạn xuống.
Bạn có phải là một người bi quan sẵn sàng tranh luận với chính mình và trở nên hạnh phúc hơn? Cơ thể bạn sẽ rất biết ơn bạn nếu bạn làm như vậy.
ĐƠN THUỐC CHO SỰ BẤT HẠNH
Chỉ đơn giản chuyển đổi cách giải thích các sự kiện bất lợi từ tiêu cực thành tích cực thì không đủ để trở nên hạnh phúc và khỏe mạnh, bạn cần nhiều hơn thế. Tin tốt lành là, theo nghiên cứu của Sonja Lyubomirsky, chúng ta dễ dàng kiểm soát 40% hạnh phúc của chính mình.
Đúng vậy, đúng là 50% hạnh phúc được quyết định bởi một điểm thiết lập di truyền định trước. Hạnh phúc liên quan đến hoạt động ở vỏ não trước trán bên trái của não và một số người trong chúng ta, một cách tự nhiên, có phần vỏ não này năng động hơn. Những nghiên cứu về các cặp song sinh cho thấy rằng tất cả chúng ta đều bị chi phối để có một loại khí chất nhất định. Một số người có bản tính vui vẻ trong khi những người khác vốn đã u sầu. Dù không thể thay đổi phần di truyền của phương trình hạnh phúc cá nhân, thì chúng ta vẫn có thể thay đổi hạnh phúc tổng thể và bí mật để trở nên hạnh phúc hơn có lẽ không giống như những gì bạn nghĩ.
Bạn có thể nghĩ rằng việc thay đổi hoàn cảnh sống sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn – khi cuối cùng bạn cũng gặp được “đúng người”, có một công việc hoàn hảo, đạt được thỏa thuận, ghi tên vào danh sách tác giả có sách bán chạy nhất, mang thai hay bất cứ điều gì trái tim bạn khao khát – nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng hoàn cảnh sống chỉ chiếm 10% hạnh phúc của chúng ta. Việc chúng ta khỏe mạnh hay ốm yếu, giàu sang hay nghèo khổ, xinh đẹp hay thô kệch, đã kết hôn hay độc thân, đang phải đối mặt với một sự chuyển đổi trong cuộc sống hay chấn thương, có ảnh hưởng đến chúng ta nhưng không nhiều như bạn có thể đã nghĩ.
Tại sao hoàn cảnh sống không chi phối nhiều đến hạnh phúc của chúng ta? Bởi vì có một lực tâm lý rất mạnh mẽ gọi là “sự thích nghi đối với lạc thú”. Khi bạn cuối cùng rồi cũng đạt được điều bạn muốn – đối tượng tình cảm, tiền bạc, địa vị, nhan sắc, tài sản, v.v. – bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn trong một thời gian ngắn. Nhưng bạn sẽ nhanh chóng quay trở lại mức hạnh phúc đã được thiết lập của mình. Khi những điều tốt đẹp xảy ra, hạnh phúc của chúng ta sẽ gia tăng, nhưng không bền vững. Ví dụ, các cặp vợ chồng mới cưới cảm thấy hạnh phúc hơn, thường là trong khoảng hai năm, và sau đó họ quay trở về mức hạnh phúc đã được thiết lập sẵn của mình.43
Nhưng có một tin tốt lành thực sự! 40% hạnh phúc của chúng ta không liên quan đến mức hạnh phúc di truyền thiết lập sẵn và không bị sự thích nghi đối với lạc thú chi phối. Các nghiên cứu khoa học cho thấy chúng ta có thể dễ dàng gây ảnh hưởng đến 40% hạnh phúc của mình bằng những điều rất đơn giản, chẳng hạn như viết nhật ký về lòng biết ơn mỗi tối.44
Như đã được mô tả trong cuốn Hạnh phúc đích thực, Martin Seligman đã thực hiện một nghiên cứu và hướng dẫn một chiến lược tạo ra hạnh phúc duy nhất cho một nhóm người bị trầm cảm nặng. Dù những người này trầm cảm nặng đến độ gần như không thể bước ra khỏi giường, họ đã được hướng dẫn làm một việc đơn giản mỗi ngày: vào một trang web và viết ra ba điều tốt đã xảy đến với họ trong ngày hôm đó. Trong vòng 15 ngày, tình trạng trầm cảm của họ đã được cải thiện từ “trầm cảm nặng” xuống mức “trầm cảm nhẹ đến trung bình”. 94% trong số họ báo cáo là đã cảm thấy tốt hơn!
Trong cuốn Cách để hạnh phúc, Sonja Lyubomirsky đã chia sẻ những phát hiện của cô từ một nghiên cứu kiểm tra những người hạnh phúc. Những gì cô tìm thấy là những người hạnh phúc nhất không phải là những người giàu có nhất, xinh đẹp nhất hay thành công nhất. Thay vào đó, tấm vé vàng cho hạnh phúc hóa ra không phụ thuộc nhiều vào việc chúng ta thay đổi xu hướng tự nhiên hay thậm chí là hoàn cảnh sống, mà ở việc áp dụng một số hành vi đã được khoa học chứng minh là giúp tăng hạnh phúc. Trong nghiên cứu của cô, những người hạnh phúc chia sẻ những đặc điểm tương tự nhau. Họ dành nhiều thời gian để nuôi dưỡng các mối quan hệ với gia đình và bạn bè, thoải mái bày tỏ lòng biết ơn về những gì họ có, là người đầu tiên chìa tay ra giúp đỡ, thực hành sự lạc quan khi tưởng tượng về tương lai, tận hưởng những niềm vui trong cuộc sống và cố gắng sống trong hiện tại, tập thể dục thường xuyên, cam kết sâu sắc với các mục tiêu và tham vọng trọn đời, đĩnh đạc và mạnh mẽ khi đối mặt với những thách thức không thể tránh khỏi của cuộc sống.
Cô cũng nhận thấy rằng bạn có thể hạnh phúc hơn bằng cách tránh suy nghĩ, dằn vặt quá mức, loại bỏ những so sánh xã hội, hành động để giải quyết vấn đề ngay khi chúng phát sinh, tìm kiếm ý nghĩa từ căng thẳng, mất mát hay chấn thương, thực hành tha thứ, tham gia các hoạt động giúp bạn cảm thấy thoải mái, cười nhiều hơn và chăm sóc tốt cho cơ thể bạn.
Tôi tin rằng việc sống phù hợp với con người thật của bạn cũng rất quan trọng đối với hạnh phúc và các nghiên cứu đã xác nhận điều này. Steve Cole và các đồng nghiệp của ông tại UCLA đã nghiên cứu những người đồng tính nam dương tính với HIV để xác định xem việc “công khai” hay “che giấu” tình trạng đồng tính của họ có ảnh hưởng đến sự tiến triển của bệnh hay không. Những người tham gia nghiên cứu được yêu cầu tự đánh giá là “che giấu hoàn toàn”, “gần như là luôn che giấu”, “nửa che giấu nửa công khai” hay “công khai hoàn toàn”.
Các nhà nghiên cứu sau đó đã theo dõi sự tiến triển của bệnh ở những người này. Họ đã tìm được gì? Về tất cả mọi phương diện, sự tiến triển của bệnh tỷ lệ thuận với mức độ “che giấu” của bệnh nhân. Càng sống đúng với con người thật thì họ càng khỏe mạnh. Và sự khác biệt giữa các nhóm là không hề nhỏ. Những người luôn luôn hay gần như che giấu hoàn toàn chạm ngưỡng CD4 cực kỳ thấp nhanh hơn 40% so với những người hầu như hay hoàn toàn công khai, và họ đã chết nhanh hơn 21%.45
Khi bạn nỗ lực để tăng hạnh phúc, sức khỏe cơ thể cũng sẽ có xu hướng tăng lên.