Ngàn muôn sự vật trên thế gian này, mỗi sự mỗi vật đều không phải là chỉ có một, hình này sắc kia muôn vàn khác biệt.
Cha chỉ có một, mẹ cũng chỉ có thể có một, gia đình mới có thể bình yên vô sự. Trong một gia đình, nếu như đông con nhiều cháu, cho dù là máu mủ ruột già cũng sẽ tranh cãi đánh lộn lẫn nhau.
Ngược lại, sinh con đẻ cái cho nhiều, là để mong có người chăm sóc khi về già, nhưng con cái lại đùn đẩy lẫn nhau, không ai muốn nhận trách nhiệm chăm nuôi cha mẹ già về mình. Bởi thế, “ba nhà sư thì không có nước uống”1, đông con nhiều cháu chưa hẳn đã là phúc.
1 Xưa kia, trên ngọn núi nọ, có một ngôi chùa đổ nát, một ngày kia, có một nhà sư gầy gò đến tu ở trong chùa, thấy vại nước cạn khô, nhà sư gầy liền đi gánh nước đổ đầy vại nước. Nhà sư gầy ở trong chùa mỗi ngày đều gánh nước, tụng kinh, gõ mõ, đêm thì thức đuổi chuột. Không lâu sau, một nhà sư cao lớn khác tìm đến chùa, nhà sư cao này khát quá, uống hết nửa vại nước trong chùa mới đã khát. Nhà sư gầy mới bảo nhà sư cao đi gánh nước về đổ vào vại, nhà sư cao cảm thấy một mình mình phải đi gánh nước thì quá bất công, cho nên mới bảo nhà sư gầy cùng đi, hai người cùng khiêng một thùng nước, thùng nước đặt ở giữa cây gậy, không ai chịu bỏ sức nhiều hơn. Một thời gian sau, một nhà sư to béo tìm đến chùa, nhà sư béo khát quá nhưng nước trong chùa vừa hết, nhà sư gầy và nhà sư cao nhờ nhà sư béo đi lấy nước. Nhà sư béo gánh về chùa một gánh nước, đặt gánh xuống liền ừng ực uống một hồi đến hết sạch cả hai thùng nước. Sau đó, ba người, không ai chịu đi lấy nước nữa, dẫn tới cả ba nhà sư đều không còn nước uống. Ba nhà sư cùng ở trong chùa nhưng ai làm việc nấy, nước hết không ai đi lấy, chuột vào chùa không ai đuổi. Cho đến một ngày, con chuột vào chùa phá phách làm đổ cây nến khiến chùa bị cháy, ba nhà sư cùng nhau dập lửa, lửa tắt, ba nhà sư bừng tỉnh ngộ. Về sau ba nhà sư đồng tâm hiệp lực, chia nhau làm việc, trong chùa tự nhiên không còn thiếu nước nữa.
Con đường nếu chỉ có một thì sẽ không đi vào ngã rẽ; đường biển dành cho thuyền, đường băng dành cho máy bay, sẽ không phải sợ đi sai tuyến đường.
Giới doanh nghiệp cho dù đã sớm phân cao thấp, nhưng vẫn có cạnh tranh không lành mạnh, giả sử cả giới doanh nghiệp vô số nhà có thể quy về một mối, bầu chung một lãnh đạo, vậy cả giới sẽ được yên ổn, sẽ không còn cảnh thương trường như chiến trường nữa.
Chỉ sinh một con, thì một người con ấy, có thể nhận lấy tất cả sự yêu thương. Tuy rằng nói “một cây không thể thành rừng” thế nhưng cây cối ở trong rừng không hề chèn ép chết nhau mà có thể nương tựa lẫn nhau. Vạn đóa hoa đào cùng chung một gốc, chính là cách nói của Đạo gia Trung Quốc, ý nói từ một sinh hai, hai sinh ba và ba sinh vạn vật. Trong Phật giáo cũng nói “nhất tâm pháp giới”, chữ “nhất” mới là gốc vạn pháp.
Năm ngón tay trên một bàn tay nếu tính riêng từng ngón sẽ không có sức mạnh, nhưng năm ngón tay hợp lại thành một nắm đấm thì liền có sức mạnh đáng kể. Thế nên, “nhiều” cũng chưa chắc là sẽ tranh chấp lẫn nhau, nhưng “nhiều” cần phải hợp làm một mới được! Chỉ có hợp tác mới có thể thống nhất.
Một mặt trời khiến cho con người cảm nhận được sự ấm áp, một mặt trăng khiến cho con người cảm thấy mát mẻ, ngàn vạn vì sao trên bầu trời chẳng phải cũng khiến cho người ta cảm thấy thật đẹp hay sao?
Lời nói có ích, một câu là đủ, một câu liền có thể khiến cho mọi người đều được hưởng lợi, lời nói vô ích thì dù có nói trăm nghìn câu cũng chỉ tổ vô vị. Con người có hai con mắt, nhưng người thợ mộc khi làm đồ mộc lại nhắm một mắt lại để ngắm cho chuẩn hơn. Con người chỉ có một cái miệng, nhờ nó mới mới có thể ăn uống, hấp thu được chất dinh dưỡng và mới có thể sinh tồn.
Cây tùng cây trúc được con người ca ngợi bởi nó mọc từng cây độc lập, không nương không dựa vào đâu. Mong muốn của con người thì vô cùng tận, sau khi thành lập được một công ty, lại muốn phát triển thành cả chuỗi hai, ba công ty, nhưng khi gặp phải hiệu ứng Domino1 thì hậu quả khó mà tưởng tượng được. Chùa chiền có thể có nhiều nhưng Phật Tổ thì chỉ có một, hệ thống giới luật cũng chỉ có một. Đoàn kết là sức mạnh, một không hẳn là ít, nhiều cũng chỉ là một, chỉ có điều “một” ở đây có gì khác thường? Ngón chân vốn có năm nhưng chúng đều nằm chung trên bàn chân không tách rời nhau cũng không chèn ép nhau nên được tính chung là một.
1 Hiệu ứng Domino: Là phản ứng chuỗi hay phản ứng dây chuyền, các quân cờ Domino được xếp cạnh nhau khi một quân cờ bị đổ thì sẽ khiến cho toàn bộ quân cờ khác đổ theo.
Tục ngữ có câu: “Không sợ hổ có ba miệng, chỉ sợ người mang hai lòng”, xem ra là một lòng một dạ thì không phải sợ điều gì, muôn pháp đều quy về một, muôn sự trên thế gian chỉ cần thâu tóm hết thảy làm một, ví như một lòng từ bi, một lòng làm điều thiện, một lòng tôn kính, như vậy chẳng phải là thiên hạ sẽ thái bình hay sao? Muôn việc trên thế gian có hợp ắt có tan, nhưng tan rồi chắc chắn lại hợp. Chúng ta hy vọng xã hội, quốc gia, dòng tộc đều có thể hợp mà không tan, tan rồi có thể hợp, vậy mới trở thành một cõi đời tốt đẹp.