Một người muốn thành công trong mọi việc, thì có bốn chữ bạn không thể không chú ý đến, đó chính là: “Nghĩ - nói - nghe - làm”.
Con người không thể không có ý tưởng và không có suy nghĩ. Phải có suy nghĩ như: Tôi muốn làm một người tốt, tôi muốn làm một người giàu có, tôi muốn làm một người con ngoan, tôi muốn làm một người vợ tốt, tôi muốn làm một người chồng tốt, tôi muốn có một căn nhà, tôi muốn có quần áo và thức ăn, thậm chí là tôi muốn làm lãnh tụ, tôi muốn làm lãnh đạo, tôi muốn làm nhân vật quan trọng, v.v. Lý tưởng chính là nhân của hiện thực mà hiện thực chính là quả của lý tưởng, bạn không có nhân của lý tưởng thì làm sao có được quả trong hiện thực đây?
Suy nghĩ thôi chưa đủ, đã nghĩ rồi thì phải nói ra. Ví dụ như nói: Tôi muốn uống trà, tôi muốn ăn cơm, tôi muốn đi xe, tôi muốn đọc sách, tôi muốn tìm việc, tôi biết làm gì và tôi có thể làm gì? Nếu bạn không nói ra thì người khác làm sao biết được đây? Như trẻ sơ sinh còn chưa biết nói thì khi muốn uống sữa nó liền dùng tiếng khóc để thay cho lời nói; con chó khi bị đói thường ve vẩy đuôi để thay cho lời nói; bạn muốn được cha mẹ yêu thương, muốn được bạn bè quan tâm, muốn người yêu săn sóc, muốn được cấp trên trọng dụng, vậy thì nhất định bạn phải biết cách nói chuyện. Đương nhiên nói chuyện không phải là nói nhảm nói xàm, mà phải nói lời có nội dung, nói đúng trọng tâm và nói lời dễ nghe.
Chỉ biết nói chuyện thôi vẫn chưa đủ, quan trọng là phải biết lắng nghe. Có một câu chuyện vui như thế này: Có anh chàng nọ muốn học nghệ thuật diễn thuyết, học phí cho mỗi giờ học là 10 đô, nhưng buổi học đầu tiên, vừa thấy diễn giả bước vào lớp, anh chàng đã chém gió ào ào về tầm quan trọng của nghệ thuật ăn nói. Chờ anh ta thao thao bất tuyệt xong, diễn giả gọi anh ta đến và bảo anh ta nộp 20 đô học phí. Anh chàng khó hiểu hỏi lại: “Học viên khác đều nộp 10 đô, sao riêng em phải nộp 20 đô?” Diễn giả trả lời: “Tôi chỉ phải dạy người khác cách nói chuyện, nhưng đối với cậu, tôi còn phải dạy thêm cho cậu cách im lặng và cách lắng nghe, bởi thế cậu phải trả học phí gấp đôi học viên khác”.
Biết lắng nghe là môn học khó nhất trong đời. Bởi vậy, khi nghe ai nói gì, phải chú tâm lắng nghe, phải nghe hết từ đầu đến cuối, phải nghe cho rõ ràng, phải nghe cho kỹ càng, còn phải nghe ra được ý ẩn trong lời của mỗi câu nói, còn phải nghe ra được sự được mất đúng sai trong mỗi câu nói.
Cha mẹ thường trách mắng con cái là không biết nghe lời, người lớn cũng phàn nàn đám trẻ không chịu nghe lời, hoặc là dạy cho mười câu giỏi lắm nghe được hai, ba câu. Bạn nói về cái này họ lại nghe thành cái khác, quá đáng nhất chính là cắt câu lấy nghĩa, bóp méo ý tốt. Không nghe lời khuyên nhủ chắc chắn là không tốt, nhưng mà nghe sai lại càng nguy hại hơn. Cho nên có thể nghe hiểu đúng ý từng câu, sau đó “làm theo lời dạy” mới là đáng quý nhất.
Có một số người từ trước đến nay luôn luôn điên đảo vọng tưởng, nói mà không nghĩ, nhìn mà không thấy, nghe mà không ra, tất nhiên những người như vậy “làm” gì cũng vấp rồi.
Thấy người khác được thuận buồm xuôi gió, làm việc gì cũng dễ dàng suôn sẻ, vạn sự như ý, thoáng nhìn qua thì tưởng chừng đơn giản, kỳ thực thành công của mỗi người đều đi kèm điều kiện cần và đủ. Ngày ngày làm việc tốt, thấy việc nhân nghĩa đều ra sức làm, đó chính là làm việc thiện; tin Phật, lễ Phật, không bằng làm theo Phật, cho người nương nhờ, cho người phương tiện, ấy chính là việc thiện tốt nhất.
Biết nghĩ, biết nói, khéo nghe, giỏi làm, đây chính là bốn nhân tố quan trọng làm nên thành công của mỗi người trên đời này.