Cảm thương thời thế hoa ướt lệ
Hận nỗi chia lìa chim tái tê1
“Hoa rơi hữu ý, nước chảy vô tình” cũng có thể nói là “Hoa rơi vô ý, nước chảy hữu tình”.
Thực ra, khi bạn đang ngắm hoa rơi thì hoa rơi đó đã nói cho bạn biết về sự vô thường của thế sự; khi bạn đang ngắm nhìn dòng nước chảy thì dòng nước chảy đó đã khiến cho bạn hiểu về sự biến chuyển của thời gian, bởi thế chúng ta cũng có thể nói rằng “nước chảy hoa trôi” đều là hữu tình vậy.
Hoa rơi thường được dùng để cảm thán trước sự biến đổi của thế gian. Nước chảy cũng dùng để nói về nỗi niềm nhớ thương trước sự dịch chuyển của thời gian. Bởi vậy, mà từ xưa đến nay, tao nhân mặc khách làm thơ đều không thiếu những bài ngâm vịnh về nước chảy, hoa trôi.
Như câu thơ của Đỗ Phủ:
Cảm thương thời thế hoa ướt lệ
Hận nỗi chia lìa chim tái tê1
1 Âm Hán Việt: “Cảm thời hoa tiễn lệ; hận biệt điểu kinh tâm”, trích bài Xuân vọng của Đỗ Phủ.
Hay câu thơ của Đường Dần2 viết:
2 Tức Đường Bá Hổ, là một thư họa gia kiệt xuất thời Minh.
Bao nhiêu hoa đẹp rụng rời
Cũng chưa từng gặp mấy người thưởng hoa
Hoặc của Tân Khí Tật3:
3 Tân Khí Tật (1140 -1207) tự Ấn An, từng phò tá nhà Nam Tống kháng Nguyên, các bài từ của ông rất hào phóng bi tráng.
Dưới đài Úc Cô nước sông Cám chậm chảy
Bao nhiêu nước mắt dân tình trong đó tuôn
Đây đều là những bài thơ mượn cảnh nước chảy hoa trôi để biểu đạt nỗi lòng thương cảm trước cảnh đời ly tán và tâm trạng chán chường của người tài không gặp thời.
Hoa rơi sẽ khiến cho một số người đa sầu đa cảm, càng cảm thấy cô đơn trong lòng, vì thế người ta thường dùng cảnh hoa rơi để ngụ ý cảnh tượng chia ly tan vỡ, giống như bài thơ Chôn hoa của Lâm Đại Ngọc1 rằng:
1 Xem thêm bài Táng hoa từ hồi 27 tiểu thuyết Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần.
Ngẫm khi xuân hết hoa tàn
Cũng là lúc khách hồng nhan về già
Má hồng thấm thoắt xuân qua
Hoa tàn người mất ai mà biết ai!
Nếu như hoa là vô tình thì Lâm Đại Ngọc cớ sao lại tự cảm thương cho mình đến như vậy? Cho nên mới nói: “Một bông hoa một thế giới, một chiếc lá một Như Lai”, đây là nói hết thảy mọi thứ trên thế gian này chính là thế giới được phản chiếu trong tâm chúng ta.
Trong Phật giáo cũng có một vài vị thiền sư bởi thấy hoa nở, hoa tàn mà ngộ đạo, giống như thiền sư Linh Vân Chí Cần1 viết:
1 Thiền sư Linh Vân Chí Cần (?-?) , tức Thiền sư Chí Cần ở núi Linh Vân, sư là môn đệ đắc pháp của thiền sư Quy Sơn Linh Hựu.
Từ khi thấy được hoa đào
Đến nay thấu tỏ còn nào ngờ chi2.
2 Xem thêm bài kệ ngộ đạo của ngài, âm Hán Việt: “Tam thập niên lai tầm kiếm khách; Kỷ hồi lạc diệp kỷ sưu chi; Tự tùng nhất kiến đào hoa hậu; Trực chí như kim bất cánh nghi”.
Thiền sư Thiện Hội3 cũng viết:
3 Thiền sư Thiện Hội (741 - 817) họ Liêu, quê ở Hiện Đình, Quảng Châu, Trung Quốc. Ngài là thiền sư thuộc đời thứ hai của dòng thiền Vô Ngôn Thông.
Vượn bồng con về lại núi xanh
Chim ngậm hoa trên đỉnh đá biếc
Đó chẳng phải là các vị thiền sư đều lấy hoa để nói về nhân duyên ngộ đạo của mình hay sao? Và cảnh Đức Phật “cầm hoa mỉm cười”1 khi truyền tâm pháp cho tôn giả Ca Diếp đến nay vẫn được người đời sau truyền tụng.
1 Xem thêm tích “niêm hoa vi tiếu”.
Trong khi nước chảy lại càng khiến cho lòng người rung động, Tả Tư2 có thơ rằng:
2 Tả Tư (250 - 305), tự Thái Xung, người Lâm Truy (nay là Truy Bác, Sơn Đông), tương truyền ông học tài nhưng không gặp thời, thơ Tả Tư hiện còn 14 bài.
Cần gì đến tơ với trúc
Nước non tự có âm thanh
Hay Lý Thanh Chiếu3 cũng có câu:
3 Lý Thanh Chiếu (1084 - 1155), hiệu Dị An cư sĩ, người Tế Nam, Sơn Đông. Bà là nữ thi sĩ xuất sắc thời Tống.
Sắc nước níu chân khách bộ hành
Cảnh đẹp khó gặp, sao đành rời đi.
Bởi thế, làm sao có thể nói nước chảy là vô tình? Trong bài Ngư Phủ của Khuất Nguyên1 còn có câu rằng:
1 Khuất Nguyên (khoảng 340 TCN - 278 TCN) người nước Sở thời Chiến Quốc. Khi nước Sở bị diệt, Khuất Nguyên nhảy xuống sông Mịch La tự trầm.
Nước Thương Lang trong suốt, thì ta giặt khăn đầu đội;
Nước Thương Lang đục ngầu, thì ta rửa chân vào thôi.
Cho nên, nước có đặc tính chính là giúp muôn vật sinh trưởng, ở nơi cao mà không sợ, ở chỗ thấp mà không hèn.
Vì hoa vừa thơm vừa đẹp nên khi nó tàn lụi có người sẽ xót thương. Đời người, cho dù không tươi đẹp như hoa nhưng lại gây thổn thức như “hoa rơi”, tức khi mất đi luôn khiến cho người ta ngậm ngùi thương tiếc. Đời người, cho dù không đẹp muôn vẻ như nước chảy, nhưng phải mang lại lợi ích cho mọi người giống như dòng nước chảy, thì mới có thể khiến cho người ta mến yêu thương tiếc.
Người đời ai cũng đều có cuộc đời như hoa, cũng không biết tháng năm cuộc đời dừng lại ở đâu, bởi thế chúng ta phải nên kịp thời nắm bắt thời gian để làm tốt những việc tốt nên làm, hoàn thành tốt những việc nên hoàn thành. Giống như hoa, chỉ sống trong một thời gian nhưng lại nở ra những bông hoa mang vẻ đẹp rạng rỡ khiến người ta hân hoan thưởng thức. Giống như nước, tuy rằng không biết điểm kết ở nơi đâu nhưng có thể hiển bày hết những đặc tính riêng của chính mình.
Hoa có khi tàn lại có khi nở
Người đã đi rồi biết trở lại chăng?
Nước sông Giang xuân về còn trở lại
Sinh mạng đến kỳ níu kéo được chăng?
Nếu như bạn không nắm bắt tốt từng khoảnh khắc trong đời, lại đợi đến khi sinh mạng mình như nước trôi xuôi, như hoa tàn rụng, thì bạn chỉ có thể thở dài than rằng cuộc đời giống như nước chảy hoa trôi vậy.