Thời đại thì có thời đại xưa và nay, con người có thế hệ mới và cũ, đồ vật cũng có loại cũ loại mới. Con người đều thích cái mới mà chán cái cũ, chẳng lẽ những gì đã “cũ” thì không có giá trị để nhớ chăng?
Triệu Vân1 liều chết xông vào trong doanh trại của mấy mươi vạn quân Tào đóng ở dốc Trường Bản để cứu con trai A Đẩu và vợ của Lưu Bị. Khi trở về, trước mặt tướng sĩ, Lưu Bị ném A Đẩu xuống đất và nói với Triệu Vân rằng: “Anh em như tay chân, vợ con như quần áo. Quần áo rách còn có thể vá, tay chân đứt sao còn có thể liền lại?” Quần áo càng mới càng quý, đạo nghĩa tình người thì càng cũ càng quý. Đạo đức con người cũng là như thế. Nếu như chúng ta hồ đồ vội bỏ nền tảng đạo đức cũ trong khi chưa xây xong nền tảng đạo đức mới thì xã hội sẽ trở lên hỗn loạn.
1 Triệu Vân tự Tử Long, là công thần khai quốc nhà Thục Hán.
Chúng ta thường nói phải “giữ gìn văn hóa truyền thống”, đó là nói về những nét văn hóa tốt đẹp, riêng với hủ tục thì phải dứt khoát bài trừ.
Rất nhiều di tích cổ trên thế giới nay đã thành biểu tượng của các quốc gia. Trường đại học cũng mở khoa Khảo cổ học khảo cứu di tích xưa giúp con người hiểu rõ cội nguồn văn minh. Trong xã hội cũng có nhiều người sưu tầm và khôi phục văn hóa cổ xưa, có thể thấy những cái “cũ” này đối với nhân loại vẫn rất quan trọng.
Người hoài cổ thường có lòng biết ơn, người hoài cổ tương đối có đạo nghĩa, người hoài cổ thường quý trọng phúc đức, người hoài cổ thường quý trọng tình cảm. Giống như Hàn Tín1 chịu ơn cho cơm của Phiếu mẫu2, đến khi sự nghiệp thành công liền báo đáp nghìn vàng; thiền sư Thanh Tố3 được tặng một trái cây mà đem tâm pháp truyền trao cho người, những điều này đều là “chịu ơn một giọt nước, báo đáp cả suối nguồn”, người có lòng báo ơn đều là người hoài cổ.
1 Hàn Tín là danh tướng cùng với Trương Lương và Tiêu Hà được tôn xưng là “Hán sơ tam kiệt” giúp Hán Cao Tổ lập nên nhà Hán.
2 Xem thêm tích “Bát cơm Phiếu mẫu”. Đại ý có bà Phiếu mẫu làm nghề giặt đồ thuê thường cho cơm Hàn Tín khi bé, sau này Hàn Tín làm nên sự nghiệp liền đem nghìn vàng đến tặng cho bà.
3 Thiền sư Thanh Tố là đệ tử của thiền sư Pháp Diễn phái Lâm Tế thời Tống.
Công việc có thể luôn luôn đổi mới, đồ vật mới mua cũng có thể đem tặng cho người, thế nhưng những vật cũ mất đi thì luôn khó mà có lại được. Đồ vật cũ có giá trị kỷ niệm, vì thế cần phải được giữ gìn; đồ vật cũ thì có tình cảm, có lịch sử cho nên phải yêu tiếc, phải bảo vệ nó. Như bạn bè cũ đôi bên thân nhau như tay chân; như vợ chồng lâu năm thương yêu đỡ đần nhau; như những cổ vật có giá trị liên thành và hiện vật văn hóa ngàn năm được lưu truyền, đó đều không phải cho thấy sự đáng giá của đồ “cũ” hay sao?
Chân lý thì muôn đời vẫn mới, cho nên không thể đem cái “cũ” ra thảo luận tốt xấu, bởi vì cũ có cái tốt của cũ, mới cũng có cái tốt của mới, sự tốt hay xấu của đồ cũ hay đồ mới còn cần phải tùy thuộc vào nhu cầu của thời đại, cùng với giá trị của nó đem lại cho con người cho đến ý nghĩa kỷ niệm của nó mà xác định vậy.
Bởi vì:
Người xưa không thấy trăng nay,
Trăng nay từng chiếu tháng ngày người xưa.
Hết thảy các phát minh của con người thời hiện đại đều không phải là dựa vào điều không tưởng, cũng không phải là tự nhiên mà có, mà đều dựa vào trí tuệ của người xưa, mỗi thời đại đều có nghiên cứu cải tiến mới, bởi thế con người không thể quên đi gốc tích. Rất nhiều ví dụ trong lịch sử cho thấy nhiều vương quốc hùng mạnh vì bài cổ cực đoan mà nhanh chóng đi tới bờ diệt vong.
Kinh nghiệm là kho báu, lịch sử là tài sản, con người chúng ta vì có kinh nghiệm, có lịch sử cho nên mới có thể lấy cái cũ để làm gương nhằm giảm bớt sai lầm. Triết gia Vương Sung1 thời Đông Hán nói rằng: “Biết nay mà không biết xưa thì gọi là mù quáng”. Vì thế con người không thể không hoài niệm, không thể chỉ một lòng theo đuổi cái mới và bỏ đi cái “cũ” đã có công đem đến cho chúng ta nhiều sáng tạo và kinh nghiệm.
1 Vương Sung là nhà triết học duy vật nổi tiếng thời Đông Hán.