Trên đời, có một vài sự thật1 chúng ta có thể thay đổi được, nhưng cũng có một vài sự thật không thể nào thay đổi.
1 Sự thật ở đây dùng với nghĩa là hiện trạng, hiện thực.
Mưa gió là một sự thật không thể thay đổi được, tuổi tác lớn dần theo năm tháng là một sự thật không thể nào thay đổi được; muôn vàn thống khổ của bệnh tật là sự thật không thể nào thay đổi; tuổi thọ hết thì phải chết là sự thật không thể nào thay đổi; sinh - già - bệnh - chết của đời người, thành - trụ - hoại - không của thế gian, sinh - trụ - dị - diệt của lòng người; nhân quả báo ứng của nhân gian, đều là những sự thật không thể nào thay đổi được.
Chỉ có dựa vào trí tuệ và nghị lực kiên cường, dựa vào nhân duyên để thay đổi sự thật; nghèo khổ nếu có thể siêng năng chịu khó thì có thể thay đổi được cái nghèo; gặp phải khó khăn chỉ cần có nghị lực kiên cường thì có thể vượt qua được; gặp cảnh thị phi lẫn lộn chỉ cần chúng ta có trí tuệ liền có thể phân rõ phải trái; lúc gặp phải nghịch cảnh, chỉ cần chúng ta có nhân duyên thì có thể được sự giúp đỡ.
Người không thể chấp nhận sự thật thì thường vì một câu nói vô tâm của người khác mà liền nghi ngờ người ta cười nhạo mình, hoặc là thường thu mình lại không dám qua lại với ai, thậm chí là vì muốn che giấu khuyết điểm của bản thân mà biến mình thành con nhím khiến cho người khác không có cách nào tiếp cận được. Thực ra, đó đều là đang làm tổn thương chính mình và cũng là làm phiền lòng những người quan tâm đến mình.
Khi đối mặt với những sự thật không thể thay đổi được, chỉ khi chúng ta chấp nhận nó thì mới có thể thích ứng được với nó. Ví như, chấp nhận sự tàn hại của mưa gió mới có thể chống chọi được với gió mưa; chấp nhận được vấp ngã và thất bại thì chúng ta mới có thể tiếp tục làm lại lần nữa; chấp nhận được sự thay đổi của tình người ấm lạnh thất thường thì chúng ta mới có thể tùy cơ ứng biến; chấp nhận được hậu quả của thất bại thì chúng ta mới có thể mở ra một trang đời mới; chấp nhận được nỗi sợ rủi ro, thì chúng ta mới có thể dẹp bỏ được những bất an.
Từ xưa đến nay, có rất nhiều người, bởi vì chấp nhận được gian lao khốn khó, thương tật, hãm hại, và khơi dậy được tinh thần dũng cảm mà dám cố gắng tiến lên, thích ứng với hoàn cảnh mới, cuối cùng họ cũng được thuận buồm xuôi gió, viết nên một cuộc đời tươi đẹp khác cho bản thân. Ví như Tả Khâu Minh1 tuy bị mù cả hai mắt nhưng vẫn viết xong bộ Quốc ngữ, hay như Tư Mã Thiên2 phải chịu hình phạt của nhà vua mà sau đó lại viết xong bộ Sử ký; Chu Văn Vương3 khi bị cầm tù ở Dũ Lý cũng có thể khai triển ra các quẻ trong Chu Dịch; Khổng Tử khi còn chu du các nước đã viết ra tác phẩm Xuân Thu; Khuất Nguyên4 khi bị lưu đày đã viết bài phú Ly tao; Tôn Tẫn5 tuy bị chặt đứt hai chân nhưng vẫn chịu đau để viết xong tác phẩm bất hủ Binh pháp Tôn Tử. Các ví dụ trên tuy đều là những sự thật không thể thay đổi được, thế nhưng dựa vào ý chí và nghị lực của bản thân mà họ đã thay đổi được sự thật theo một cách khác.
1 Tả Khâu Minh là sử gia nổi tiếng cuối thời Xuân Thu, đầu thời Chiến Quốc. Tác phẩm còn lại gồm Tả truyện và Quốc ngữ.
2 Tư Mã Thiên (145 TCN - 86 TCN) là nhà sử học nổi tiếng bậc nhất của Trung Quốc cổ đại.
3 Chu Văn Vương là người đặt nền móng cho triều đại nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc.
4 Khuất Nguyên (340 TCN - 278 TCN) là chính trị gia, đồng thời là một nhà thơ yêu nước nổi tiếng thời Chiến Quốc.
5 Tôn Tẫn (382 TCN - 316 TCN) người nước Tề, là một quân sư, nhà chỉ huy quân sự nổi tiếng thời Chiến Quốc.
Trên thế giới, có nhà soạn nhạc nổi tiếng Beethoven1 sau khi bị điếc vẫn soạn tiếp chín bài giao hưởng gây chấn động làng âm nhạc thế giới; hay Roosevelt2 bất ngờ mắc chứng bại liệt khi còn trẻ, nhưng ông là vị Tổng thống Mỹ duy nhất tái đắc cử tới bốn lần; Keller3 - một cô gái không may mắn vì vừa bị mù lại bị câm điếc từ bé nhưng cuối cùng đã thành tấm gương truyền cảm hứng cho những người khuyết tật vươn lên.
1 Ludwig van Beethoven (1770 - 1827) là nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức, ông bị điếc khoảng năm 30 tuổi.
2 Franklin Delano Roosevelt (1882 - 1945) là Tổng thống thứ 28 của Hoa Kỳ, ông bị liệt hoàn toàn từ thắt lưng trở xuống vào năm 1921.
3 Helen Adams Keller (1880 - 1968) là người khiếm thị, khiếm thính đầu tiên giành được học vị Cử nhân Nghệ thuật.
Ngạn ngữ có câu: “Hãy cố hết sức và chấp nhận số phận”. Chấp nhận sự thật không phải là tiêu cực, mà là điểm xuất phát càng tích cực hơn; chấp nhận sự thật không phải là tuyệt vọng, mà là hy vọng nhiều hơn; chấp nhận sự thật không phải là thất bại, mà là bước hướng tới con đường thành công; chấp nhận sự thật, không phải là để thu mình lại, mà là đối mặt với bản thân một cách trung thực hơn; chấp nhận sự thật không phải là gục ngã không thể đứng lên, mà là cổ vũ để phấn chấn thêm; chấp nhận sự thật thì bạn mới có thể lạc quan, có ý chí tiến thủ để bù đắp những thiếu sót của chính mình.