Không ồn ào, náo nhiệt, không đèn hoa rực rỡ, không hối hả, tất bật, lo toan như ở trong đất liền, nhưng không vì thế mà ở nơi “địa đầu Tổ quốc” - Trường Sa, không khí ngày xuân kém phần tươi vui. Này đào, này mai, này quất, này mâm ngũ quả, này câu đối, này bánh chưng, bánh tét, mâm cơm trong tiệc tất niên… đều đủ cả. Có thể nói, tết ở Trường Sa mang dấu ấn hết sức đặc biệt bởi ở đây luôn hội tụ nhiều bản sắc văn hóa trên mọi miền đất nước. Mùa xuân ở Trường Sa thường đến sớm hơn so với các vùng miền khác. Do vậy, ở các đảo nổi, đảo chìm những ngày này, quân và dân nơi đây thường được đón những con tàu, những vị khách quý ở đất liền ra thăm, chúc tết. Đây sẽ là những kỷ niệm khó phai mờ trong tâm trí của những ai có mặt giữa ngàn khơi trong những ngày trời đất chuẩn bị giao hòa này. Những mặt hàng nhu yếu phẩm, những món quà tết trĩu nặng tình cảm nồng hậu, thân thương của nhân dân cả nước gửi tặng thêm ấm lòng những người giữ đảo. Tết ở Trường Sa có quá nhiều điều thú vị đối với khách đất liền khi được hòa cùng những hoạt động, chung vui cùng quân và dân nơi đây. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất, độc đáo nhất đối với mọi người đó là được ngắm nhìn và thưởng thức món bánh chưng mang hương vị rất đặc trưng mà chỉ ở Trường Sa mới có…
Có thể nói, bánh chưng gói bằng lá bàng vuông, lá phong ba là “sáng kiến”, là “phát minh” hết sức độc đáo của dân và quân trên đảo từ rất nhiều năm nay. Nơi đảo xa, bánh chưng cũng trở nên đặc biệt hơn với bánh chưng nơi đất mẹ bởi bánh được gói bằng lá bàng vuông, lá phong ba. Trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt của Trường Sa, bàng vuông, phong ba là những loài cây hiếm hoi sống được ở đây. Đó chính là những loài cây mang biểu tượng sức sống mãnh liệt của Trường Sa.
Bác Thái, 75 tuổi, một cựu chiến binh từng có nhiều năm công tác ở Trường Sa lý giải với tôi rằng, cứ mỗi dịp tết, trong danh mục hàng vận chuyển theo tàu ra đảo cho cán bộ, chiến sĩ đều có lá dong để gói bánh chưng. Lá dong bao giờ cũng được anh em chăm chút hơn cả nhưng trải qua hành trình dài, tàu phải đi qua nhiều đảo nên khi đến nơi, lá đã chuyển màu hoặc bị héo, không tươi xanh như lúc mới mua. Bởi vậy, để bánh chưng được xanh như trong câu đối ngày xưa, anh em lính đảo đã nghĩ ra cách dùng lá bàng vuông, lá phong ba còn tươi xanh lót bên trong lá dong.
Muốn có được những chiếc bánh chưng đẹp, thơm ngon, ngoài việc chuẩn bị các loại nguyên vật liệu từ đất liền gửi ra và có sẵn tại đảo, những chiếc lá bàng vuông hay phong ba to, xanh mướt như ngọc được anh em chọn lựa kỹ càng để gói bánh. Bác Thái bảo, để có được những chiếc lá tốt nhất, khâu lựa lá rất quan trọng. Lá già quá dễ bị vỡ còn lá non thì làm cho bánh có vị chát mất ngon. Gói bánh bằng lá bàng vuông sẽ rất khác so với lá dong vì lá bàng vuông không được to, mềm và dẻo như lá dong. Bánh được gói bằng lá bàng vuông cũng có màu xanh như lá dong nhưng có vị rất khác, nó có mùi đặc trưng của lá bàng vuông.
Giữa sân đảo, xung quanh tràn ngập tiếng sóng, tiếng gió ầm ào, anh em cán bộ, chiến sĩ quây quần gói bánh chưng. Những lá chiếc bàng vuông, lá phong ba xanh mướt mát được các bàn tay khéo léo bẻ góc, bẻ cạnh tạo nên những chiếc bánh chưng xinh xắn chẳng khác gì ở trong đất liền. Triết lý “trời tròn đất vuông” của người Việt cổ đã thấm đẫm trong từng chiếc bánh Trường Sa. Có ai đó đã nói vui câu này mà khi ngẫm lại quả không sai: bánh chưng Trường Sa là bánh chưng ba miền. Nghĩa là không theo một phong cách nào cả. Cái gói bằng tay, cái gói bằng khuôn tuỳ thuộc người gói… quê ở vùng nào! Ai cũng thích thổi một chút hồn quê của mình vào trong chiếc bánh cho vơi bớt nỗi nhớ nhà. Đã là lính Trường Sa hầu như ai cũng biết gói bánh. Ban đầu mới ra còn bỡ ngỡ nhưng ở đây riết rồi cũng quen. Tuy nhiên phải tuân thủ kỹ thuật khi gói bánh đòi hỏi phải chặt tay để khi nấu ra nếp được dẻo, được ngon.
Đêm nay luộc bánh chưng, cả đảo nổi lửa. Bên bếp lửa hồng, từng nhóm lính trẻ tụm năm tụm ba vừa ngồi canh lửa vừa kể chuyện quê nhà, thỉnh thoảng mùi khói củi xộc thẳng vào mũi cay xè mắt khiến ai nấy đều chung cảm giác nhớ quê, nhớ về thời thơ ấu đun bếp rơm, bếp củi. Chợt Tiến “Thái Bình” buột miệng tự hỏi: “Không biết năm nay ở nhà, mẹ mình có gói nhiều bánh chưng không nhỉ?”. Huỳnh, chàng trai Cần Thơ thì bảo: “Có ra đảo em mới được tham gia gói bánh chưng, nhà em ở thành phố, Tết đến ba má em đều đặt mua mấy cái cho tiện!”. Quốc “Quảng Trị” góp chuyện: “Năm nào anh được về tết đều gói bánh, khi nấu xong đều đem sang biếu ba mẹ vợ hai cặp cả!”. Cánh thanh niên nhao nhao lên: “Không trách gì anh Quốc được vợ cưng đến thế, nhất anh đấy!”. Những câu chuyện, những tràng cười luênh loang giữa biển cứ thế thức suốt cùng ánh lửa của nồi bánh chưng…
Trong bữa cơm tất niên chung vui năm mới giữa đảo nhỏ xa xôi, dù không được đủ đầy như ở đất liền nhưng mâm cỗ ngày tết ở đây không kém phần thịnh soạn theo cách riêng của người giữ đảo. Có lẽ vị khách nào cũng muốn được thưởng thức món bánh chưng đặc biệt để cảm nhận hương vị ra sao khi được gói bằng lá bàng vuông hay lá phong ba. Thì đây, chiếc bánh đã được bóc lá ra, màu xanh ngọc. Khi ăn vào ta có cảm nhận được hơi thở mằn mặn của muối biển, vị chát của lá bàng hòa lẫn cùng mùi thơm của thịt, đỗ xanh, gạo nếp. Tất cả đem lại cho bánh một vị chỉ có riêng ở hải đảo xa xôi. Hương vị ngày tết cổ truyền của dân tộc đang dậy lên từ những chiếc bánh chưng khiến ai nấy như ấm lòng hơn khi nhớ về quê hương, nguồn cội.
Quây quần bên nhau giữa biển cả mênh mang, những người con đất Việt thêm gắn bó keo sơn, đồng sức đồng lòng để nguyện giữ yên bờ cõi ngàn năm.
Và với ai đã một lần ra Trường Sa vào dịp tết, hẳn sẽ không thể nào quên được hương vị nồng nàn của chiếc bánh chưng nơi đây…