Đã từ lâu, hình ảnh những con chim hải âu đã trở nên rất thân thuộc với con người, đặc biệt là với những người đi biển. Với những người lính hải quân đang công tác trên những con tàu, hòn đảo, nhà giàn thì loài chim biển này đã trở thành những người bạn thực sự. Cánh chim hải âu đã đi vào rất nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc, hội họa để thể hiện tình yêu to lớn của tác giả với đại dương bao la, với người lính nơi đảo xa. Chim hải âu trở thành một biểu tượng cho sự tự do, lãng mạn, niềm tin và sự sống bất diệt.
Hải âu có nhiều phân loài khác nhau như hải âu cổ rụt, hải âu mặt trắng, hải âu lớn đuôi ngắn, hải âu laysan… Đây là loài chim có khứu giác cực kỳ nhạy bén, cho phép chúng nhận ra mùi của những con mồi ở khoảng cách tới hai mươi ki-lô-mét. Thời gian chúng bay liệng trên bầu trời nhiều hơn thời gian đậu trên mặt đất. Chim có thể bay liên tục trong nhiều giờ và quãng đường lên đến mười lăm ngàn ki-lô-mét. Người ta dùng hình ảnh “cánh chim không mỏi” để nói về loài chim biển này quả không sai!
Tôi đã có nhiều chuyến công tác cùng con tàu hải quân ra Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Trong chuyến hải trình sóng gió, giữa mênh mông của biển cả chợt xuất hiện những cánh hải âu chao liệng và sà xuống vệt nước con tàu đi để kiếm mồi. Có chú chim đậu xuống thành tàu nghỉ ngơi sau cú đớp mồi. Những tưởng hải âu sẽ vụt bay lên khi tôi cố gắng tiến lại gần hơn để ngắm. Nhưng không, nó vẫn thản nhiên không nhúc nhích, nhìn tôi bằng đôi mắt hiền hòa. Ở nhà giàn DK1 cũng vậy, hải âu vẫn thường xuyên ghé vào sau những chặng bay. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để tôi cảm nhận được sự dạn dĩ và hiền lành của loài chim biển này.
Những người đi biển đều dành cho chim hải âu tình cảm đặc biệt bởi đây là loài chim khí tượng, hay còn gọi là chim báo bão. Hải âu chỉ đi kiếm ăn xa khi thời tiết tốt. Lúc thời tiết xấu, chim chỉ bay quanh quẩn ven bờ. Khi nghe tiếng kêu réo inh ỏi, bay hàng đàn trên đầu kiếm chỗ ẩn náu nghĩa là có thể bão giông sắp kéo đến. Do vậy, người đi biển dựa vào hành động bất thường trên của loài hải âu để tránh bão, tránh những cơn cuồng nộ của biển khơi.
Ở Trường Sa, chim hải âu nhiều vô kể. Hải âu ở Trường Sa có loại lông lưng, mỏ và chân màu xám nhưng lông bụng lại trắng, có loại lông trắng muốt, chân và mỏ đỏ hồng. Những chú chim này rất thân thiện với lính đảo ta. Khi bão tố ập đến, hải âu bay vào đảo để tránh gió mưa. Chúng còn chui vào cả phòng họp, phòng ngủ, đậu cả trên giường chiếu của bộ đội. Đêm lính đảo thiu thiu ngủ, chúng cũng gật gù, để rồi ban mai, khi bão tan, chúng lại chao liệng trắng lóa dưới mặt trời. Ngắm nhìn hình ảnh từng đàn hải âu tung cánh bay trên nền biển xanh thẳm trong ánh nắng chiều tạo thành một bức tranh sinh động, kỳ vĩ giữa biển trời Trường Sa đã làm cho người lính đảo vơi bớt nỗi nhớ nhà.
Trong đoàn công tác từ Trường Sa trở về vừa qua, có một nhà báo, nhà văn đã chia sẻ cùng tôi: “Xét về mặt hình ảnh, mình thấy chim hải âu rất giống với chiến sĩ hải quân. Vẫn là màu trắng chủ đạo cùng viền sẫm màu trên đầu và “vai áo” đó”. Nếu đúng như vậy thì giữa mênh mông sóng nước này, tự nhiên và con người lại có những mối liên hệ kỳ lạ. Người lính biển và chim hải âu luôn muốn đồng hành, sẻ chia những vất vả, khó khăn, hiểm nguy cùng nhau. Những người lính Hải quân cũng là những cánh chim không mỏi để giữ chắc sự bình yên nơi vùng biển, đảo xa xôi của Tổ quốc.