“… Mỗi hạt cát Trường Sa/ Đã trở thành máu thịt/ Những tên đảo, tên người/ Viết hoa thành Tổ quốc”.
Nhà thơ Huệ Triệu đã viết những dòng thơ đầy xúc cảm xen lẫn niềm kiêu hãnh và tự hào như vậy khi lần đầu tiên tác giả được đặt chân đến Trường Sa. Nơi đây, ngoài cây bàng vuông, chiếc lá phong ba, con ốc biển, mảnh san hô… là những kỷ vật đã rất đỗi thân thương, quen thuộc thì hạt cát Trường Sa cũng luôn được nhắc đến mỗi khi nói về mảnh đất thiêng giữa ngàn trùng sóng gió này…
Có một tài liệu khoa học đã viết rằng, cát biển ở Trường Sa có màu trắng sáng, long lanh như hạt bạch ngọc li ti, gần như không có hạt bụi trần tục nào làm ô nhiễm. Đây là loại cát vô nhiễm, được sinh ra từ nước biển, gió, khoáng chất, đá ngầm, san hô, vỏ động vật cứng như mai mu rùa, cua, ốc... cách đây hàng triệu năm. Nước chảy đá mòn, bão tố Biển Đông va đập, sóng nhồi đã bào hàng ngàn, hàng vạn viên đá mồ côi chìm xuống mòn thành cát, rồi vun lên thành bãi, thành đảo như ngày nay. Một điều lạ kỳ là cát ở mỗi đảo đều có đặc trưng riêng, có nơi hạt cát rất mịn nhưng có nơi hạt rất to. Có thể nói, cát biển Trường Sa cũng chính là “đặc sản” mà thiên nhiên đã ban tặng cho quần đảo yêu thương này.
Trên hành trình bốn ngàn năm lịch sử của dân tộc đã có biết bao thế hệ con dân đất Việt đã mãi mãi nằm lại giữa biển, đảo Trường Sa. Từ những vị tiền nhân ra nơi cương thổ địa đầu để khai phá, mở cõi đến bà con ngư dân ta phải ra đi trước sóng gió bão bùng. Trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền của đất nước, những chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trên vùng biển đảo thiêng liêng mà các thế hệ cha ông ta đã có công xác lập chủ quyền. Những sự hy sinh đó, dẫu có ở trên đảo thì hình hài của họ cũng thấm qua từng hạt cát Trường Sa mà về với biển. Sống vì biển đảo, chết hoá mình vào sóng nước. Trong từng hạt cát Trường Sa đều thấm đẫm mồ hôi, nụ cười và nước mắt của những con người can trường bám biển, bám đảo quê hương. Phải chăng vì thế mà ở đảo chìm Len Đao có một bãi cát có hình thù giống với bản đồ Việt Nam!
Khó có thể diễn tả hết cảm xúc của mỗi vị khách khi được đến với quần đảo Trường Sa. Được đứng trước cột mốc chủ quyền, dưới cờ Tổ quốc tung bay trong gió biển, hai tiếng Trường Sa lại ngân lên trong lòng với niềm rưng rưng xúc động. Trước khi lên tàu trở về đất liền, không ít người đã đem theo một ít cát Trường Sa làm kỷ niệm cho chuyến đi đặc biệt trong đời.
Bằng tình yêu biển đảo thiết tha của mình, sau chuyến hải trình đáng nhớ, năm 2016, anh Huỳnh Văn Tẩn, thành viên của Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu” tại Thành phố Hồ Chí Minh đã làm ra những mô hình cột mốc chủ quyền bằng mica, trong đó chứa hạt cát nhỏ được đem về từ các đảo ở Trường Sa. Anh chia sẻ: “Tôi muốn nhiều người được nhìn thấy phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc vì tôi biết, ít người có điều kiện được đặt chân đến nơi này!”. Hay như năm 2017, những hạt cát linh thiêng từ Trường Sa đã được đem về để đắp vào đàn Xã Tắc. Đây là một trong những di tích cung đình đặc biệt quan trọng của cố đô Huế. Nghi lễ tế đàn Xã Tắc xưa đã được chính quyền và nhân dân phục dựng với mong muốn quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, thiên hạ thái bình, đoàn kết, đổi mới, phát triển. Dưới phần đất của đàn Xã Tắc đã có thêm những vốc cát tinh khôi được gửi về từ Trường Sa.
Mỗi kỷ vật ở Trường Sa luôn gợi lên trong ta sức sống mãnh liệt từ nơi ngàn trùng xa thẳm. Giữa nắng gió bão giông, nụ cười người lính đảo vẫn ngời lên mỗi ngày ở “nơi hạt cát cũng mang hồn đất nước”…