K
hi tôi lên bảy, gia đình tôi thường đi nghỉ ở miền Nam nước Pháp. Bố tôi, Stéphane Moreau, sinh ra ở Berdillac, một ngôi làng nhỏ gần thành phố Montpellier. Ngôi làng có một ngàn tám trăm cư dân, một tiệm bánh, một quán bia, hai nhà máy rượu vang, một xưởng mộc và một đội bóng đá. Chúng tôi đến đó để thăm bà nội, trong suốt vài năm qua bà đã không ra khỏi ngôi làng.
Giống như mọi chuyến đi dài, bố tôi mặc một chiếc áo khoác da cũ màu nâu nhạt, chiếc tẩu thuốc được kẹp ở khóe miệng. Mẹ của chúng tôi, người đã ngủ gật trong phần lớn cuộc hành trình, nhét cuộn băng cát-xét các ca khúc của The Beatles vào. Bà quay sang nói với tôi.
“Bài hát này là dành cho con đó, Jules.”
Paperback Writer - bài hát yêu thích của tôi vào thời điểm đó. Tôi ngồi sau mẹ, ngân nga theo từng lời của bài hát. Tuy nhiên, những hành động đùa nghịch của anh chị tôi đã khiến cho âm nhạc bị nhấn chìm: chị tôi đã véo tai anh trai tôi. Martin, người mà tất cả chúng tôi gọi là Marty, hét lên và kêu ca với bố mẹ.
“Mách lẻo ngu ngốc à.” Liz lại véo tai anh ấy một lần nữa.
Anh chị tôi vẫn tiếp tục gây chiến với nhau mãi cho đến khi mẹ tôi quay lại nhìn cả hai. Cái nhìn đó quả thật là một kiệt tác. Nó nhắc nhở Marty phải thấu hiểu cho người chị gái xấu tính và cũng nhắc nhở Liz phải bao dung cho cậu em trai phiền phức của mình; nhưng trên hết, nó truyền tải thông điệp đến họ rằng việc gây chiến với nhau như vậy là hoàn toàn vô nghĩa; hơn nữa, nó còn dự báo trước là có thể có kem cho những đứa trẻ ngoan khi đến trạm xăng tiếp theo. Anh trai và chị gái tôi ngay lập tức dừng cãi cọ.
“Tại sao chúng ta phải đến nhà bà hàng năm nhỉ?” Marty hỏi. “Thay vào đó, tại sao chúng ta lại không đến Ý hả mẹ?”
“Bởi vì đó là việc phải làm. Và bởi vì bà của các con thích được các con đến thăm.” Bố tôi nói bằng tiếng Pháp, dù vậy mắt ông cũng không rời khỏi đường.
“Không đúng. Bà nội không hề thích chúng con.”
“Và bà có mùi hương rất buồn cười.” Liz nói. “Giống như những chiếc ghế bành cũ.”
“Không, bà có mùi giống như một căn hầm mốc.” Anh trai tôi nói.
“Đừng tiếp tục nói những điều như thế về bà của các con!” Bố tôi lái chiếc xe vòng qua một bùng binh.
Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Những bụi cỏ xạ hương, cây bụi và kermes1 sồi biến mất ở đằng xa. Ở miền nam nước Pháp, không khí có mùi hương thơm ngát, sắc màu cũng đậm hơn ở nhà. Tôi đút tay vào túi và chơi với những đồng bạc franc còn sót lại từ năm ngoái.
1 Kermes là một chi côn trùng quy mô theo thứ tự Hemiptera. Chúng ăn nhựa cây sồi thường xanh; con cái tạo ra thuốc nhuộm màu đỏ, còn được gọi là “kermes”, đó là nguồn gốc của màu đỏ thẫm tự nhiên.
Chúng tôi đến Berdillac vào buổi tối. Hồi tưởng lại, nơi này luôn khiến tôi nhớ đến một ông già cáu kỉnh nhưng cực kỳ đáng yêu và ngủ gật cả ngày. Giống như nhiều nơi của Languedoc, những ngôi nhà được làm bằng sa thạch; chúng có cửa chớp đơn giản và mái ngói màu đỏ bị phong hóa chìm trong ánh sáng dịu nhẹ của mặt trời lặn.
Những viên sỏi bị vỡ vụn dưới bánh xe khi chiếc xe buýt nhỏ của chúng tôi dừng lại trước ngôi nhà ở cuối đường Rue Le Goff. Toà nhà này có thứ gì đó kỳ quái; mặt tiền của nó tràn ngập cây thường xuân, còn mái nhà của nó thì đổ nát. Nó có mùi của quá khứ.
Bố ra khỏi xe đầu tiên và chạy vụt về phía cửa chính. Ở thời điểm đó, chắc hẳn bố đang ở trong thời kỳ mà chúng ta gọi là đỉnh cao của cuộc đời ông ấy. Ở tuổi ba mươi, mái tóc của bố vẫn dày, đen, thân thiện và lịch sự với mọi người mà bố gặp. Tôi thường thấy hàng xóm và đồng nghiệp đứng xung quanh khi bố nói chuyện, lắng nghe và bị mê hoặc. Bí mật nằm ở giọng nói của bố: nhẹ nhàng, không quá trầm, không quá cao, với trọng âm rõ ràng, nó bao vây người nghe xung quanh bố như một bức tranh vô hình và thu hút họ. Bố rất coi trọng công việc kế toán viên giám định của mình, nhưng thứ quan trọng duy nhất với bố là gia đình của ông. Chủ nhật nào bố cũng nấu ăn cho cả nhà; bố luôn dành thời gian cho chúng tôi, và nụ cười trẻ trung của bố mang đến cho bố một bầu không khí lạc quan. Tuy nhiên, sau đó, nhìn vào những bức ảnh của bố, tôi nhận ra rằng có điều gì đó không ổn. Nó hiển hiện ngay trên đôi mắt của bố. Có một tia đau đớn trong đó, có lẽ là sợ hãi, rất sợ hãi...
Bà đã xuất hiện ở cửa chính. Bà tỏ ra bối rối và nhìn chằm chằm vào cậu con trai, như thể bà xấu hổ vì điều gì đó. Và sau đó thì họ ôm nhau.
Từ trên ô tô, chúng tôi đã quan sát quang cảnh đó. Khi còn trẻ, bà nổi tiếng là một vận động viên bơi lội xuất sắc và được người trong làng yêu thích rất nhiều. Nhưng chuyện đó đã là chuyện của cả trăm năm trước. Cánh tay của bà trông thật mỏng manh, trên đầu bà có những nếp nhăn giống như nếp nhăn của con rùa và có vẻ như bà đã không thể chịu được thứ âm thanh mà những đứa cháu của bà gây ra. Chúng tôi đã từng rất sợ bà, sợ căn nhà được trang trí sơ sài với tờ giấy dán tường và chiếc giường sắt kiểu cũ này. Thật bí ẩn khi bố tôi cứ luôn muốn đến đây vào mỗi mùa hè. Sau này, Marty từng nói: “Cứ như thể ông ấy buộc phải lặp lại cảnh bẽ bàng nhất trong cuộc đời mình từ năm này sang năm khác.”
Nhưng cũng có… mùi cà phê vào buổi sáng. Những tia nắng xuyên qua ô cửa được phản chiếu trên sàn lát gạch của phòng khách. Tiếng lạch cạch từ trong bếp khi anh chị em tôi chuẩn bị dao dĩa cho bữa sáng. Bố tôi đắm chìm trong tờ báo, còn mẹ tôi lên kế hoạch những việc cần làm trong ngày. Và sau đó là: tham quan hang động, đạp xe hoặc chơi bi sắt trong công viên.
Cuối cùng, vào cuối tháng Tám, thời điểm diễn ra Lễ hội rượu vang hàng năm tại Berdillac. Trong lễ hội đó sẽ có một ban nhạc chơi vào các buổi tối, những ngôi nhà được trang trí bằng đèn lồng và vòng hoa, và những con đường tràn ngập mùi thịt nướng. Anh trai, chị gái và tôi ngồi trên bậc thềm lớn trước tòa thị chính, nhìn những người lớn nhảy múa ở quảng trường làng. Tôi cầm chiếc máy ảnh mà bố đã tin tưởng giao cho. Một chiếc Mamiya rất nặng và đắt tiền: Tôi đã được giao nhiệm vụ chụp cho fête1. Tôi coi đây là một vinh dự vì bố tôi thường không bao giờ để chúng tôi động đến bất kỳ chiếc máy ảnh nào của ông. Thật tự hào, tôi đã chụp một vài bức ảnh khi ông xoay người mẹ một cách thanh lịch trên sàn nhảy.
1 The fête là từ để chỉ một lễ hội, bữa tiệc hoặc lễ kỷ niệm công phu. Ở Anh, fête là những lễ hội công cộng truyền thống, được tổ chức ngoài trời và được tổ chức để gây quỹ từ thiện. Chúng thường bao gồm các hoạt động giải trí, bán hàng và giải khát.
“Bố đúng là một vũ công giỏi.” Liz nói một cách đầy am hiểu.
Chị gái tôi mười một tuổi, chị ấy có vóc dáng khá cao và mái tóc xoăn vàng. Chị đã bị nhiễm thứ mà tôi và anh trai tôi gọi là “bệnh kịch”. Liz luôn cư xử như chị ấy đang ở trên sân khấu. Chị ấy rạng rỡ như thể ánh đèn sân khấu đang chiếu vào mình, nói to và rõ ràng đến nỗi những người ở phía sau cũng có thể nghe rõ mồn một. Chị thích tỏ vẻ trưởng thành trước người lạ trong khi thực tế, chị ấy mới vừa thoát khỏi giai đoạn công chúa2 thôi. Chị gái tôi vẽ và hát, thích chơi ngoài trời với lũ trẻ con nhà hàng xóm, nhiều ngày còn không tắm, muốn trở thành nhà phát minh rồi một ngày sau lại mơ ước trở thành người lùn, và dường như luôn luôn có hàng ngàn điều diễn ra trong đầu chị ấy cùng một lúc.
2 Giai đoạn công chúa (princess phase): Chỉ một giai đoạn phát triển của bé gái, thường trong khoảng từ 4 đến 10 tuổi. Trong giai đoạn này, các bé gái thường thích đồ vật, quần áo, các thứ liên quan đến công chúa.
Hồi đó, hầu hết những bé gái khác đều chế nhạo Liz. Tôi thường thấy mẹ tôi ngồi nói chuyện, an ủi chị gái tôi trong phòng khi các bạn học trêu chọc hoặc giấu đi chiếc cặp của Liz. Sau đó, tôi cũng sẽ được cho phép vào phòng của Liz. Chị ấy vòng tay qua người tôi, tôi có thể cảm thấy hơi thở nóng hổi của chị trên da mình và kể cho tôi nghe tất cả những gì chị ấy đã nói với mẹ - có lẽ còn hơn thế nữa. Tôi yêu chị gái mình hết mực, và điều đó chưa bao giờ thay đổi, kể cả khi nhiều năm sau, chị ấy đã bỏ rơi tôi.
***
Sau nửa đêm, không khí trong làng vẫn ngột ngạt và ẩm thấp. Những người đàn ông và phụ nữ vẫn ở trên sàn nhảy - trong số đó có bố mẹ chúng tôi - đổi bạn nhảy sau mỗi bài hát. Tôi chụp một bức ảnh khác, mặc dù đến thời điểm này, tôi gần như không thể cầm nổi chiếc Mamiya nữa.
“Đưa cho anh máy ảnh nào.” Anh trai tôi nói.
“Không, bố đã giao nó cho em. Em phải có trách nhiệm giữ gìn nó cẩn thận.”
“Anh chỉ mượn một phút thôi, chỉ chụp một bức ảnh thôi mà. Dù sao thì em cũng không biết sử dụng nó như thế nào mà.”
Marty giật chiếc máy ảnh từ tay tôi.
“Em đừng có xấu tính với nó như vậy.” Liz nói. “Nó đã rất hạnh phúc khi được phép sử dụng nó.”
“Đúng là như vậy, nhưng ảnh mà nó chụp toàn là rác vì nó không biết cách đặt độ phơi sáng.”
“Em đúng là thằng lúc nào cũng cho rằng mình biết tuốt. Chẳng trách sao em không có bất kỳ một người bạn nào.”
Marty đã chụp một vài bức ảnh. Anh ấy là đứa con giữa. Mười tuổi, đeo kính, tóc đen, khuôn mặt xanh xao nhợt nhạt và chẳng có gì đặc biệt. Tôi và Liz rất giống bố mẹ trong khi xét về ngoại hình, anh ấy chẳng có điểm gì giống họ. Marty dường như đã được hình thành từ một nơi nào đó chẳng thể gọi là một nơi nào đó, một người ngoài hành tinh tự đặt mình vào giữa chúng tôi. Tôi không thích anh ấy chút nào. Trong những bộ phim tôi đã xem, anh trai luôn là những anh hùng đứng ra bảo vệ cho những đứa em của mình. Nhưng anh trai tôi thì khác, anh ấy sống khép mình giống như một kẻ cô độc, suốt ngày ngồi trong phòng chơi với đàn kiến hoặc kiểm tra mẫu máu từ những con kỳ nhông và chuột đã được mổ xẻ; nguồn cung cấp những sinh vật nhỏ đã chết của anh ấy dường như là vô tận. Cách đây không lâu, Liz đã gọi anh ấy là tên “quái vật kinh tởm”, một cái tên như được đo ni đóng giày cho anh ấy.
***
Tôi chỉ nhớ mang máng một vài ký ức rời rạc về kỳ nghỉ ở Pháp đó, ngoại trừ sự việc kịch tính xảy ra trong những ngày cuối cùng. Nhưng điều làm tôi nhớ nhất là khi ba đứa trẻ chúng tôi ở buổi tiệc, xem những đứa trẻ Pháp chơi bóng trên quảng trường làng và bị cảm giác xa lạ lấn át. Tất cả chúng tôi đều sinh ra ở Munich và chúng tôi nghĩ mình là người Đức. Ngoài một số bữa ăn đặc biệt, hầu như không có bất cứ thứ gì ở nhà chỉ ra cho chúng tôi biết nguồn gốc Pháp của chúng tôi, và chúng tôi cũng hiếm khi nói ngôn ngữ này. Tuy nhiên, bố mẹ chúng tôi đã gặp nhau ở Montpellier. Bố tôi đã chuyển đến đó khi ông ấy học xong vì ông ấy muốn thoát khỏi gia đình. Còn mẹ tôi đã chuyển đến đó vì bà yêu nước Pháp. (Và bởi vì bà cũng muốn thoát khỏi gia đình.) Khi bố mẹ chúng tôi kể chuyện về những ngày đó, họ thường nói về những buổi tối khi họ đi xem phim hoặc mẹ chơi ghita, về cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ ở bữa tiệc sinh viên của một người bạn chung, hoặc về chuyện làm thế nào mà hai người họ - mẹ của chúng tôi lúc đó đã mang thai - đã cùng nhau đi đến Munich. Sau khi nghe những câu chuyện như thế này, anh chị em chúng tôi luôn cảm thấy rằng chúng tôi đã hiểu về cha mẹ mình. Sau này, khi họ không còn nữa, chúng tôi buộc phải thừa nhận rằng chúng tôi không biết gì về họ, hoàn toàn không biết gì hết.
Chúng tôi đi dạo, nhưng khi khởi hành, bố tôi không nói cho chúng tôi biết chúng tôi sẽ đi đâu, và ông ấy cũng hầu như không nói một lời nào trong khi chúng tôi đi cả. Năm người chúng tôi leo lên một ngọn đồi và đến một khu rừng nhỏ. Bố tôi dừng lại trên con dốc trước một cây sồi lớn.
“Con có nhìn thấy những chữ được khắc ở trên đó không?” Bố tôi đã hỏi tôi như vậy. Trên khuôn mặt ấy có vẻ bị phân tâm.
“L’arbre d’Eric.” Liz đọc to lên. “Cây của Eric.”
Chúng tôi nhìn chằm chằm vào cây sồi. “Nhìn xem, ai đó đã chặt một cành cây kìa.” Marty chỉ vào vòng tròn gồ ghề nhô ra từ cái cây.
Ông thì thầm: “Vậy là họ đã làm vậy.”
Anh chị em chúng tôi chưa bao giờ gặp bác Eric. Chúng tôi được biết bác ấy đã mất nhiều năm trước.
“Tại sao cái cây lại có cái tên như vậy ạ?” Liz hỏi.
Vẻ mặt của bố tôi trở nên rạng rỡ. “Bởi vì anh trai bố đã từng hẹn hò với những cô gái dưới gốc cây này. Bác ấy đã đưa họ lên đây, họ ngồi trên ghế dài, nhìn xuống thung lũng, bác ấy ngâm thơ, rồi bác ấy hôn họ.”
“Là thơ cơ ạ?” Marty thắc mắc. “Và nó có hiệu quả không ạ?”
“Lần nào cũng ổn. Và đó là lý do tại sao một kẻ thích đùa nào đó đã lấy một con dao và khắc những từ đó lên vỏ cây.”
Bố ngước mắt lên nhìn bầu trời ban mai xanh mát. Mẹ thì dựa đầu vào vai bố. Tôi nhìn cái cây và thầm lặp lại: L’arbre d’Eric.
***
Và khi những ngày nghỉ gần kết thúc: chỉ còn một chuyến đi cuối cùng. Trời lại đổ mưa đêm, những giọt sương lớn đọng trên kẽ lá, không khí trong lành buổi sáng cứ quấn lấy da thịt tôi. Như mọi lần dậy sớm, tôi có cảm giác tuyệt vời rằng ngày hôm đó thuộc về tôi. Tôi đã gặp một cô gái trong làng, Ludivine, vài ngày trước đó, và đang kể cho mẹ tôi nghe về cô ấy. Như mọi lần, khi chúng tôi kết thúc kỳ nghỉ lễ ở Pháp, bố tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì đã vượt qua được một năm nữa. Thỉnh thoảng, ông dừng lại để chụp ảnh, huýt sáo không ngừng như ông đã từng làm như vậy. Liz đi về phía trước trong khi Marty chạy lon ton phía sau chúng tôi, kiểu giống như hậu phương vậy. Hầu như chúng tôi luôn phải đợi anh ấy.
Trong rừng, chúng tôi đi đến một con sông gồ ghề đá với một thân cây nằm chắn ngang. Dù sao thì chúng tôi cũng phải sang được bờ bên kia nên anh chị em chúng tôi đã hỏi liệu chúng tôi có giữ thăng bằng để sang được bờ bên kia hay không.
Bố bước lên thân cây đó và thử độ chắc chắn của cây gỗ. “Có thể nguy hiểm.” Ông nói. “Bố chắc chắn sẽ không đi qua đó.”
Chúng tôi cũng nhảy lên thân cây. Đến lúc đó chúng tôi mới nhận ra nó cao so với mặt đất như thế nào, vỏ cây trơn trượt ra sao, sông rộng và gồ ghề đá tảng đến mức nào. Nó có chiều ngang gần chục mét, ai trượt chân ngã chắc chắn sẽ bị thương.
“Dù sao thì vẫn có một cây cầu ở phía trước.” Liz nói. Mặc dù chị tôi thường sẽ thử tất cả mọi thứ, nhưng lần này, chị ấy lại nhát chết và bỏ đi. Anh trai tôi đi theo chị ấy. Tôi là người duy nhất không di chuyển. Trong những tháng ngày đó, tôi không biết sợ hãi là gì. Chỉ vài tháng trước đó, tôi là người duy nhất trong lớp dám đạp xe xuống một con dốc dựng đứng. Đi được vài mét thì tôi mất lái, lộn nhào và gãy tay. Tuy nhiên, gần như còn chưa gỡ bỏ được lớp thạch cao và vết thương còn chưa lành hẳn thì tôi đã tìm kiếm cuộc phiêu lưu nguy hiểm tiếp theo rồi.
Tôi vẫn đang nhìn chằm chằm vào cái thân cây trước mặt và không nghĩ ngợi gì quá nhiều, tôi bắt đầu đặt một chân lên trước chân kia.
“Em điên à!” Marty hét lên, nhưng tôi không nghe. Tôi suýt trượt ngã một lần, và nhìn xuống dòng sông đầy đá bên dưới khiến tôi choáng váng, nhưng tôi đã đi được nửa đường. Tim tôi đập nhanh hơn; tôi chạy được hai mét cuối cùng, tiếp đất an toàn ở bờ bên kia và khua tay nhẹ nhõm. Gia đình tôi đi dọc theo tả ngạn sông đến tận cây cầu, trong khi tôi đi bộ một mình ở bên phải; thỉnh thoảng tôi nhìn qua họ và cười toe toét. Tôi chưa bao giờ cảm thấy tự hào như vậy trong cuộc đời mình.
***
Dòng sông dẫn chúng tôi ra khỏi rừng. Nó mở rộng hơn, dòng chảy cũng nhanh hơn; nước đã dâng cao sau trận mưa vài ngày qua. Bờ sông đầy bùn và mềm nhũn; một tấm biển được đặt ở đó để cảnh báo cho những người đi bộ đường dài không được bước quá sát vào lề sông.
“Nếu em rơi xuống đó, em sẽ chết đuối.” Marty nhìn chằm chằm vào dòng nước đang kêu ầm ầm như sấm.
“Ước gì em sẽ bị lao xuống, sau đó bọn chị sẽ bỏ em ở đấy luôn.” Liz vui đùa.
Anh tôi nhắm một cú đá vào chị ấy, nhưng chị ấy né được một cách gọn gàng, quàng tay mẹ một cách tự nhiên và hờ hững như thể chỉ Liz có thể làm được điều đó.
“Con lại hỗn láo à?” Mẹ tôi hỏi. “Có vẻ như chúng ta sẽ phải để con ở đây với bà.”
“Không.” Liz nói với vẻ nửa đùa, nửa thật. “Đừng mà mẹ.”
“Mẹ sợ rằng mẹ không còn sự lựa chọn nào khác. Bà nội sẽ chăm sóc con tốt.” Mẹ bắt chước cái nhìn trách móc của bà chúng tôi, và Liz cười.
Đối với chúng tôi, mẹ giống như một ngôi sao không cần bàn cãi của gia đình. Mẹ quyến rũ và duyên dáng, có bạn bè khắp Munich và tổ chức những bữa tiệc tối với sự tham dự của các nghệ sĩ, nhạc sĩ hoặc diễn viên mà mẹ đã được gặp nhưng chỉ có Chúa mới biết là mẹ gặp họ ở đâu. Nhân tiện, khi tôi mô tả mẹ là người phụ nữ “quyến rũ” hoặc “duyên dáng” thì đó còn là nói giảm nói tránh nhiều lắm. Những tính từ gây xúc động mạnh như vậy cũng không thể truyền tải hết cảm giác của chúng tôi khi tình cờ có một người mẹ là hình ảnh tổng hòa của Grace Kelly và Ingrid Bergman. Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi không thể hiểu nổi tại sao mẹ không sống cuộc sống của một nữ diễn viên nổi tiếng, tại sao mẹ chỉ là một giáo viên. Mẹ thường nói về công việc nội trợ của mình với một nụ cười thích thú, trìu mến, và mãi sau này tôi mới nhận ra mẹ đã cảm thấy khó khăn như thế nào.
Chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi trên một đồng cỏ bên sông. Bố nhồi đầy tẩu thuốc của mình trong khi chúng tôi ăn bánh mì kẹp thịt mà chúng tôi mang theo. Sau đó, mẹ chơi một vài bài của Gilbert Bécaud bằng cây đàn ghita.
Khi bố mẹ bắt đầu hát, Marty đảo mắt. “Làm ơn dừng lại đi mà. Thật là xấu hổ làm sao.”
“Ở đây đâu có ai đâu con yêu.” Mẹ tôi nói.
“Có đấy - ở đằng kia kìa mẹ!”
Anh tôi chỉ sang bờ đối diện, nơi một gia đình khác vừa ngồi xuống. Những đứa trẻ cũng trạc tuổi chúng tôi, và họ còn dẫn theo một chú chó lai nhỏ, đang chạy nhảy nô đùa xung quanh họ.
Lúc đó là khoảng giữa trưa: mặt trời đã lên cao trên bầu trời. Marty và tôi cởi áo phông rồi nằm xuống một chiếc chăn trong cái nóng bức. Liz vẽ nguệch ngoạc trên tập giấy vẽ; những hình vẽ nhỏ, và tên của chị ấy được lặp đi lặp lại. Hồi đó, chị tôi thường thử các kiểu viết tay khác nhau để xem kiểu chữ nào phù hợp với chữ ký của mình nhất; chị ấy đã viết nó ở khắp mọi nơi - trên giấy, trên bàn, trên bìa cứng, trên khăn ăn. Liz, Liz, Liz.
Bố mẹ đi dạo rồi khuất bóng phía xa, tựa vào vai nhau. Bọn trẻ chúng tôi bị bỏ lại phía sau trên đồng cỏ. Vùng nông thôn ngập tràn nắng. Marty và Liz chơi bài; tôi mày mò cây đàn và quan sát gia đình phía bờ bên kia. Tôi liên tục nghe thấy tiếng cười của họ, xen lẫn tiếng chó sủa. Thỉnh thoảng, một trong hai đứa trẻ sẽ ném một cây gậy, chú chó lai sẽ gắng sức đuổi theo bắt lấy, cho đến khi cậu bé bắt đầu chán và giấu cây gậy dưới một tấm chăn. Tuy nhiên, con chó vẫn muốn tiếp tục chơi; nó liên tục chạy đến chỗ của từng thành viên trong gia đình trước khi cuối cùng chạy nước kiệu xa hơn một chút về phía hạ lưu. Một nhánh cây khá lớn mắc vào bụi rậm bên bờ sông. Con chó kẹp hai hàm xung quanh nó và cố gắng kéo nó ra, nhưng không thể. Dòng nước ở đó rất mạnh và nhanh. Tôi là người duy nhất đang nhìn, và tôi cảm thấy tóc gáy mình dựng lên.
Chú chó nhỏ giật mạnh cành cây, và trong sự háo hức, nó tiến đến gần mặt nước hơn. Tôi đang định báo hiệu cho gia đình ở bờ sông bên kia biết về sự việc đang diễn ra thì nghe thấy tiếng la thất thanh. Một đoạn bờ bị vỡ và con chó rơi xuống nước. Nó chỉ bám được bằng bàn chân trước và những chiếc răng vẫn còn lún vào cành cây. Nó thút thít và cố gắng vùng vẫy ngược trở lại bờ sông đổ nát, nhưng dòng nước quá mạnh. Tiếng rên rỉ của nó ngày một lớn hơn.
“Ôi Chúa ơi!” Liz kêu lên.
“Chú chó ấy sẽ không thể bơi vào bờ lại được đâu.” Marty nói. Anh ấy nói với vẻ chắc chắn như thể đang phán xét hiện trường.
Gia đình bên kia vội chạy đến. Nhưng khi họ vừa mới đến được thì cành cây bị tách ra khỏi bụi rậm và bị cuốn đi, cuốn theo cả chú chó lai.
Nó giữ đầu trên mặt nước được một lúc rồi biến mất vào dòng sông. Khi những đứa trẻ bên bờ đối diện la hét và khóc, tôi quay đi và nhìn anh chị tôi. Tôi chưa bao giờ quên những biểu cảm trên khuôn mặt của họ.
***
Đêm đó, trên giường, tôi vẫn nghe thấy tiếng chú chó thút thít. Liz đã bị trầm cảm cả ngày; Marty hầu như không nói một lời. Tuy nhiên, điều kỳ lạ nhất là bố mẹ chúng tôi không có mặt ở đó khi sự việc xảy ra. Tất nhiên họ đã cố gắng an ủi chúng tôi khi họ quay trở lại, nhưng điều đó không làm thay đổi được sự thật rằng anh chị của tôi và tôi đã trải qua điều mà đối với riêng chúng tôi được coi là tan vỡ.
Đến nửa đêm, tôi vẫn còn trằn trọc. Tôi không thể ngừng nghĩ về hạnh phúc vô tư của gia đình bên kia bờ đã bị phá hủy trong vài giây. Tôi nhớ đến bác Eric và cách chúng tôi đã từng được nghe kể rằng bác ấy đã “mất”. Cho đến lúc đó, cuộc sống của tôi vẫn được che chở, nhưng rõ ràng có những sức mạnh và dòng chảy vô hình đang tồn tại, có thể làm thay đổi mọi thứ chỉ trong một tích tắc. Có vẻ như số phận chấp nhận thứ tha cho một vài gia đình nhưng còn những gia đình khác thì lại phải gánh chịu sự bất hạnh; đêm đó, tôi đã tự hỏi liệu gia đình mình có phải là một trong số đó hay không.