B
a năm rưỡi sau, tháng Mười hai năm 1983: Giáng Sinh cuối cùng được ở bên bố mẹ. Chập tối, tôi đứng ở cửa sổ phòng ngủ trong khi mọi người đang trang trí phòng khách. Vẫn như mọi năm, mọi người chỉ gọi tôi khi tất cả mọi thứ đã được chuẩn bị xong xuôi. Nhưng còn bao lâu nữa đây? Ngoài cửa, tôi nghe thấy anh trai tôi càu nhàu còn mẹ tôi cười, hòa giải. Chị và bố tôi đang tranh luận nên dùng khăn trải bàn nào. Để quên đi các sự kiện đang diễn ra trước mắt, tôi chuyển sự chú ý vào khoảng sân bên trong, ngắm nhìn những cành cây mùa đông trơ trụi lá, chiếc xích đu và ngôi nhà trên cây. Rất nhiều thứ đã thay đổi trong vài năm qua, nhưng quang cảnh khoảng sân yêu dấu của chúng tôi thì vẫn như vậy.
Có tiếng gõ cửa. Bố tôi bước vào; ông đang mặc chiếc áo len cashmere màu xanh nước biển và miệng thì ngậm tẩu thuốc. Bố đã gần bốn mươi rồi. Mái tóc đen ở phía trước đã bắt đầu thưa dần; nụ cười ngây ngô thời trai trẻ cũng không còn nữa. Chuyện gì đã xảy ra vậy? Mới vài năm trước thôi, ông vẫn còn hoạt bát và lạc quan, còn bây giờ là hình ảnh dáng người lom khom đang đứng trong phòng tôi.
Bố mẹ hiếm khi làm điều gì như một cặp vợ chồng cùng nhau nữa. Thay vào đó, bố sẽ đi mất tăm trong nhiều giờ liền, dành thời gian để chụp ảnh. Dù vậy, ông chưa từng cho chúng tôi xem những bức ảnh ông chụp được. Và kể cả khi chơi đùa với bạn, tôi vẫn luôn cảm nhận được sự hiện diện của ông, cùng ánh nhìn nghiêm khắc quen thuộc của ông phía sau tôi. Trong mắt ông, thế giới là nơi nguy hiểm luôn rình rập. Ví dụ như khi mẹ tôi cầm vô lăng (“Lena, em đi nhanh quá, em sẽ giết cả nhà mất.”) Hoặc khi tôi băng qua con sông gần Berdillac và chạy ngang qua khúc cây, như tôi vẫn hay làm mỗi mùa hè (“Jules, bố không thể chịu nổi nữa, con sẽ ngã gãy cổ đấy.”) Hay khi chị Liz muốn tới buổi biểu diễn âm nhạc cùng bạn học (“Bố cấm con – ai mà biết được có những hạng người nào cũng sẽ ở đó!”) Nếu bố viết một cuốn sách self-help, tiêu đề của nó chắc sẽ là Hãy để mọi thứ được yên.
Chỉ khi chơi bóng đá cùng bạn trong công viên, ông mới thực sự thả lỏng. Tôi ngưỡng mộ cách ông uyển chuyển chạy trên sân với trái bóng, khiến đối thủ đứng như trời trồng. Hồi còn trai tráng ở Paris, ông từng chơi cho một đội bóng và ông vẫn giữ được cảm giác chính xác về không gian, có thể đoán được đường chuyền bóng của đối phương và đá vào lưới ở thời khắc quyết định. Như thể ông là người duy nhất thực sự thấu hiểu cuộc chơi.
Bố đến và đứng cạnh tôi bên cửa sổ. Người ông có mùi thuốc tẩu và ngai ngái hương rêu từ bọt cạo râu. “Con có đang mong chờ Giáng Sinh không, Jules?”
Tôi gật đầu, ông vỗ nhẹ lên vai tôi. Ngày xưa, sau khi ông đi làm về vào buổi tối, chúng tôi thường đi dạo quanh Schwabing. Hồi đó, những quán rượu cũ ở góc đường và quán cà phê mới mở vẫn còn đó, cả buồng điện thoại vàng bám bụi cùng cửa hàng tạp hóa nhỏ bán sô-cô-la, cuộn len hoặc – thứ tôi mê nhất – giấy chứng nhận mua đất trên mặt trăng. Cảm giác khu phố giống như một ngôi làng phát triển quá nhanh trong khi thời gian trôi qua chậm hơn một chút. Thi thoảng, khi chúng tôi ăn kem trong công viên, bố sẽ kể cho tôi nghe về hồi còn trẻ, về cái lúc ông đã dành nửa năm làm việc tại cảng ở Southampton để có tiền trang trải cho việc học của mình và học thêm tiếng Anh. Hoặc kể về đủ thứ trò tinh nghịch mà anh trai Eric của ông đã bày ra khi cả hai còn nhỏ; đó là những câu chuyện khiến tôi thích thú nhất.
Mặc dù vậy, tôi đặc biệt nhớ lời khuyên mà ông đã dành cho tôi, vào lần cuối cùng đi dạo cùng nhau. Ban đầu, tôi không hiểu lắm, nhưng khi năm tháng dần trôi đi, những lời nói của ông trở thành một di sản để lại, đối với tôi là thế.
Bố tôi nói rằng: “Điều quan trọng nhất là con phải tìm được người bạn thực sự của mình, Jules à.” Thấy vẻ bối rối của tôi, ông bèn giải thích “Một người bạn đúng nghĩa là người luôn ở đó vì con, người đi bên cạnh con trong suốt cuộc đời này. Con phải tìm được người ấy, bởi vì tình bạn là điều quý giá hơn tất thảy, hơn cả tình yêu. Bởi vì tình yêu sẽ chẳng bền lâu.” Rồi ông nắm lấy vai tôi. “Con đang lắng nghe chứ?”
Tôi đang nghịch một cái que được nhặt từ dưới đất. Tôi ném nó đi. “Vậy ai là người bạn thật sự của bố?” Tôi hỏi.
Bố tôi lắc đầu. “Bố mất anh ấy rồi,” chiếc tẩu thuốc vẫn được kẹp giữa hai bờ môi, “Kỳ lạ nhỉ? Bố cứ thế để mất người ta.”
Tôi không biết chuyện này có ý nghĩa gì, nhưng có lẽ tôi cũng nhận thấy, đâu đó trong những lời lẽ tốt đẹp ấy là sự thất vọng của bố. Dù vậy, tôi vẫn luôn ghi nhớ lời khuyên của ông trong ký ức mình. Ước rằng tôi đã không làm thế.
“Nghe nói tí nữa con sẽ nhận được quà tuyệt lắm đấy nhé.” Bố tôi nói bằng tiếng Pháp, khi ông bước ra khỏi phòng.
“Thật chứ ạ? Quà gì thế bố?”
Ông mỉm cười. “Con phải kiên nhẫn đợi thêm vài phút nữa.”
Chuyện đó quả thật là khó, khi tiếng piano đã thánh thót bên ngoài - Silent Night và A la venue de Noel. Cuối cùng, Liz và Marty chạy xuống hành lang và mở tung cửa phòng tôi ra.
“Đi thôi nào!”
Cây thông trong phòng khách cao tới tận trần nhà. Nó được trang trí với nhiều món đồ đầy màu sắc, những hình người bằng gỗ xinh xắn và nến; bên dưới cây chất đầy những hộp quà dành cho chúng tôi, đâu đó thoang thoảng mùi sáp thơm và cành cây linh sam. Trên bàn bày món gà tây quay to bự, cùng với khoai tây gratin1, thịt cừu, bò nướng kèm sốt việt quất, bánh kem bơ và bánh nướng. Bữa tối Giáng Sinh luôn thịnh soạn với nhiều đồ ăn như vậy, để rồi mấy hôm sau, chúng tôi lại lấy đồ thừa trong tủ lạnh ra làm món ăn vặt. Điều mà tôi rất thích.
1 Gratin được hiểu là một phương pháp làm chín thực phẩm bằng chế độ nướng bề mặt của lò nướng. Đặc điểm của các món ăn sử dụng phương pháp chế biến này là thường được phủ một lớp phô mai bào, bơ, trứng hoặc vụn bánh mì bên trên.
Sau bữa ăn, cả nhà cùng hát mừng Giáng Sinh, rồi đến nghi thức cuối cùng trước khi được mở quà: mẹ tôi đánh đàn ghita bài Moon River. Lần nào bà cũng làm ra vẻ đỏng đảnh.
“Các con muốn nghe mẹ hát không?” Mẹ sẽ hỏi thế.
“Có!” Chúng tôi cùng hét lên.
“Ôi, mẹ không biết nữa. Mẹ nghĩ các con chỉ tỏ ra lịch sự thôi.”
“Chúng con có, chúng con muốn nghe mà!” Chúng tôi lại gào to hơn trước.
“Kiếm cho mẹ khán giả mới đi.” Mẹ thở dài, ra vẻ thất vọng. “Bọn nhóc này chán tôi rồi.”
Chúng tôi lại năn nỉ, gào thét to hơn cho đến khi bà cầm chiếc đàn lên.
Đối với chúng tôi, mẹ luôn là trái tim của gia đình. Khi mẹ còn ở bên, bà biến những trận cãi vã của anh chị tôi trở thành thứ khôi hài, đáng buồn cười. Nhờ mẹ, khủng hoảng ở trường học chỉ là thử thách mà chúng tôi có thể dễ dàng vượt qua. Bà làm mẫu cho Liz vẽ, hoặc cùng Marty xem kết quả nghiên cứu qua kính hiển vi. Mẹ dạy tôi nấu nướng, thậm chí còn tiết lộ công thức bí mật của “Chiếc bánh khó cưỡng”, chiếc bánh sô-cô-la sệt và dính, có thể gây nghiện tức thì. Dù bà hơi lười nhác (với cảnh quen thuộc là mẹ nằm dài trên ghế xô-pha, sai chúng tôi đi lấy gì đó trong tủ lạnh), và cũng bí mật hút thuốc lá, chúng tôi đều muốn trở thành một người như mẹ.
Cuối cùng, mẹ cất giọng, âm nhạc ngập tràn căn phòng:
Sông trăng, rộng lớn
Một ngày nào đó, ta sẽ băng qua đây
Ôi, kẻ mộng mơ, người làm tan nát tim ta
Dù ở đâu, ta cũng theo lối người
Đây là khoảnh khắc ngắn ngủi trong năm, khi mọi thứ đều tuyệt vời. Liz ngồi đó há hốc miệng, lắng nghe; anh trai tôi, xúc động mân mê cặp kính trong tay; còn bố theo dõi với ánh mắt buồn nhưng vẻ mặt thì say đắm. Ngồi bên cạnh ông là bác Helene, chị gái của mẹ, một người phụ nữ tươi vui, rộng lượng, sống một mình tại căn hộ ở quận Glockenback và Giáng Sinh nào cũng tặng chúng tôi những món quà to bự. Ngoài bà nội ở Pháp thì cả gia đình tôi đều đang sum vầy tại đây: một nhánh nhỏ trên cây phả hệ của dòng họ Moreau.
Khi quà bắt đầu được trao tay, tôi chộp lấy hộp quà bố tặng đầu tiên. Nó to và cồng kềnh. Tôi xé giấy gói ra: bên trong là một chiếc máy Mamiya cũ. Bố nhìn tôi với ánh mắt mong chờ. Trông chiếc máy ảnh quen quen, nhưng tôi đã không chụp ảnh từ hồi lễ hội ở Berdillac rồi. Với lại, chiếc Mamiya cũng là đồ đã qua sử dụng, nó trầy xước hết cả, ống kính thì to đùng như mắt quái vật Cyclop. Nút máy kêu lách cách khi chạm vào. Thất vọng, tôi để nó sang một bên và mở các món quà khác.
Mẹ tặng tôi một cuốn sổ bọc da màu đỏ cùng với ba cuốn tiểu thuyết: Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, Hoàng tử bé và Kabrat & Cồi xay phù thủy. Bà vẫn đọc truyện cho tôi vào buổi tối nhưng dần dần, mẹ để tôi đọc thay phiên và khen tôi mỗi lần làm tốt. Cách đó không lâu, tôi đã sáng tác câu chuyện đầu tay của mình, về một chú chó bị phù phép. Mẹ tôi mê câu chuyện ấy lắm. Tôi cầm cuốn sổ đỏ lên và một lát sau, khi mọi người còn đang chơi trò chơi, tôi đã ghi lại những tâm tư của mình.
***
Trước khi chuyển sang năm mới, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, chúng tôi đã nhìn thấy bố khóc. Chiều hôm đó, tôi đang nằm trên giường, viết một truyện ngắn mới. Truyện ngắn kể về một thư viện, nơi những cuốn sách bí mật nói chuyện với nhau vào ban đêm, khoe khoang về tác giả của chúng hoặc phàn nàn về vị trí kém cỏi của chúng ở một trong những ngăn sách xa nhất.
Chị gái tôi bước vào phòng mà không gõ cửa. Chị ấy cười đắc ý và đóng cửa lại sau lưng.
“Cái gì vậy?”
Trong thực tế, tôi đã có thể tóm lược các câu trả lời có thể có của chị ấy. Khi đó Liz mười bốn tuổi và chỉ quan tâm đến chính xác ba thứ là vẽ, phim lãng mạn sến súa và con trai. Bây giờ chị ấy là cô gái xinh đẹp nhất trong lớp; chị ấy có những lọn tóc vàng, giọng nói trầm và có thể quấn lấy bất cứ ai quanh chị ấy chỉ bằng nụ cười của mình. Chị ấy thường xuất hiện trong sân trường học với một đoàn nữ sinh bao quanh, kể cho họ biết chị ấy đã hôn chàng trai nào, ở đâu và nụ hôn nào nhàm chán hay tầm thường nhất. Điều đó không bao giờ là tốt và họ luôn là những chàng trai lớn tuổi hơn chị đến từ thị trấn; ngược lại, các nam sinh trong lớp chị không có cơ hội. Đôi khi, họ cũng thử vận may, nhưng Liz không để ý đến họ.
Chị ấy ngồi xuống giường và huých cùi chỏ vào tôi. “Thằng phản bội.”
Tôi vẫn đang viết câu chuyện của mình và không thực sự lắng nghe. “Tại sao vậy?”
“Em đã hôn bạn gái.”
Má tôi đỏ lên bỏng rát. “Làm sao chị biết chuyện đó?”
“Bạn chị đã nhìn thấy em. Ngay tại nơi này, bên ngoài nhà mình và em đã đá lưỡi vào trong miệng của em gái đó. Bạn chị nói trông em và em gái đó giống như một cặp Labrador1 vậy.”
1 Tên một giống chó tha mồi.
Liz bật cười. Cùng lúc đó, chị ấy cướp cuốn sổ khỏi tay tôi, bắt đầu phác thảo những hình vẽ lên đó và viết tên chị ấy ở khắp mọi nơi. Liz, Liz, Liz.
Chuyện về nụ hôn là thật. Tôi có thể nói chuyện với những cô gái như thể họ là con trai vậy. Thỉnh thoảng, tôi nhận được những bức thư tình được chuyển cho tôi dưới ngăn bàn. Cuộc sống dường như đầy những hứa hẹn như vậy, và tôi ngày càng tự tin hơn. Mặc dù là lớp trưởng, tôi thường gây gián đoạn trong giờ học, hoặc gác chân lên bàn với nụ cười lãnh đạm cho đến khi giáo viên nhắc nhở. Sau này tôi nghĩ hành vi của mình là kiêu ngạo, nhưng vào thời điểm đó tôi rất thích được trao quyền quyết định trước mặt bạn bè và trở thành trung tâm của sự chú ý. Tôi bắt đầu chơi với những cậu con trai lớn hơn và thường xuyên đánh nhau. Ví dụ, nếu ai đó trong nhóm bạn mới của tôi nói xấu về tôi, tôi sẽ ngay lập tức nhảy vào đánh cậu ta. Tuy tôi không bao giờ đánh ai đến mức trọng thương, nhưng nó cũng không bao giờ chỉ là một trò đùa. Một vài cậu con trai lớn tuổi hơn tôi đã hút thuốc và uống rượu, nhưng tôi vẫn do dự khi họ đề nghị tôi thử mấy thứ tương tự như vậy; và tôi cũng không nói với họ rằng tôi thích đọc hay sáng tác truyện. Tôi biết họ sẽ giễu cợt tôi nên tôi phải giấu kỹ bộ mặt này của mình.
“Vậy nụ hôn của em như thế nào?” Liz ném cuốn sổ vào lòng tôi.
“Không phải việc của chị.”
“Nào, kể đi em. Chị em mình vẫn kể cho nhau nghe mọi chuyện mà.”
“Đúng thế, nhưng bây giờ em không muốn nói về chuyện đó.”
Tôi đứng dậy và đi vào phòng làm việc của bố, nơi luôn thoang thoảng mùi của hồ sơ đã bị bám bụi và giấy cũ. Khi nghe được tiếng bước chân của chị gái đi theo, tôi giả vờ bận rộn và lục tung các ngăn kéo của bàn làm việc. Chẳng có gì trong đó ngoài hộp đựng kính, lọ mực và các trang ghi chú đã bị ố vàng. Tuy nhiên, ở phần dưới cùng, tôi đã bắt gặp một chiếc máy ảnh Leica. Thân máy màu đen, ống kính màu bạc. Nó vẫn ở nguyên trong túi đi kèm máy; tôi chưa bao giờ thấy bố tôi sử dụng nó. Trong ngăn kéo còn có một lá thư, viết bằng tiếng Pháp. Tôi không nhận ra được chữ viết tay này là của ai.
Stéphane thân mến, chiếc máy ảnh này là món quà dành cho anh. Món quà này sẽ nhắc nhở anh phải luôn nhớ về con người đích thực của anh và về những điều mà cuộc sống không bao giờ được phép phá hủy. Hãy hiểu cho tôi.
Ai là người đã gửi bức thư này chứ? Tôi đặt nó trở lại ngăn kéo và kiểm tra máy ảnh, mở ống cuộn phim và nghịch ống kính. Bụi nhảy múa trong ánh sáng rơi qua cửa sổ.
Liz bị thu hút bởi hình ảnh của chính bản thân mình trong chiếc gương nhỏ. Thích thú với hình ảnh phản chiếu của mình, chị ấy quan sát bản thân từ mọi góc độ, rồi quay lại nhìn tôi.
“Và nếu chị chưa từng hôn ai thì sao?”
“Gì ạ?”
Chị gái tôi bặm môi không nói gì.
“Nhưng chị lúc nào cũng oang oang với mọi người về tất cả những người mà chị đã từng hôn cơ mà.” Máy ảnh lủng lẳng trên tay tôi. “Chị không bao giờ nói về những chuyện khác.”
“Nụ hôn đầu tiên của chị phải là một cái gì đó đặc biệt; chị…”
Có tiếng kêu cót két. Anh trai của chúng tôi, người có bản năng không thể sai lầm về thời gian và vị trí của những bí mật được trao đổi trong căn hộ, xuất hiện ở trước cửa. Nụ cười quỷ quyệt của anh ấy cho thấy rằng anh ấy đã nghe trộm những điều chúng tôi đã nói với nhau.
Marty mười ba tuổi, một con mọt sách cô độc với cặp kính gọng kim loại, nhợt nhạt và mỏng như một thỏi phấn. Một đứa trẻ ghét trẻ con, quanh quẩn với người lớn và thích ở một mình. Anh ấy đã luôn ở trong cái bóng của chị gái mình; chị ấy khiêu khích anh bất cứ khi nào có thể, phớt lờ anh ở trường và chế giễu anh vì anh hầu như không có bạn. Và bây giờ, thông tin bí mật - Manna1 từ trên Thiên đường! - đã rơi vào tay anh, thông tin có thể hủy hoại danh tiếng của chị gái chúng tôi ở trường chỉ trong vài giây.
1 Manna — còn được gọi là Mana — là một món ăn bí ẩn, theo Kinh Thánh, nó được Đức Chúa Trời ban tặng cho dân Do thái khi họ du hành trong sa mạc trong thời kỳ bốn mươi năm sau cuộc Xuất Hành.
“Thật là thú vị làm sao!” Anh ấy nói. “Đó có phải là lý do tại sao chị luôn từ chối tất cả các chàng trai? Bởi vì chị sợ hãi phải không? Bởi vì chị là một con nhóc thích vẽ những bức vẽ nguệch ngoạc, chẳng có giá trị và âu yếm mẹ mình?”
Liz phải mất một lúc mới lấy lại được bình tĩnh. “Nếu em nói với ai, chị sẽ…”
“Chị sẽ làm gì cơ chứ?” Marty cười và tạo ra những tiếng hôn phóng đại.
Liz lao mình đến chỗ anh ấy. Họ giật tóc, chửi bới, đấm đá nhau. Tôi đã cố gắng tách họ ra và không nhìn thấy ai trong số họ là người đã hất văng máy ảnh ra khỏi tay tôi; tôi chỉ thấy nó bay xẹt qua và hạ cánh xuống dưới đất, ống kính chạm đất đầu tiên... Chết tiệt!
Một khoảng lặng đột ngột ập xuống. Tôi nhặt Leica lên. Ống kính đã bị nứt.
Chúng tôi đã thận trọng cân nhắc về việc phải làm gì mất một lúc.
“Cứ để nó trở lại ngăn kéo.” Liz nói. “Có lẽ bố thậm chí sẽ không nhận ra đâu.”
Và, như mọi khi, chị gái tôi đã nói lời cuối cùng.
Hôm đó, bố chúng tôi về nhà sớm một cách đáng ngạc nhiên. Ông có vẻ kích động, và ngay lập tức biến mất vào phòng làm việc của mình.
“Nào đi thôi!” Liz ra lệnh.
Cả ba chúng tôi quan sát qua khe cửa khi bố đi đi lại lại quanh phòng một lúc, đưa tay vuốt tóc liên tục. Sau đó, ông nhấc ống nghe của chiếc điện thoại màu xanh lá cây cũ và quay số.
“Lại là tôi đây.” Ông nói với giọng nhẹ nhàng. “Stéphane. Tôi muốn nói rằng anh đang mắc sai lầm. Anh không thể chỉ...”
Người mà ông đang nói chuyện dường như vừa mới chen vào lời của ông. Rõ ràng là bố tôi đang cảm thấy rất bức bối. Ông liên tục chèn “Nhưng anh...“ hoặc “Không, chuyện là...” vào cuộc trò chuyện, thậm chí là “Làm ơn” khẩn cầu, nhưng hiếm khi xoay xở chen được một từ khác vào trong câu chuyện mà đầu dây bên kia đang nói.
“Ít nhất anh có thể đã chỉ ra…” Cuối cùng, bố tôi nói. “Sau mười hai năm. Tôi có thể...“
Một lần nữa bố lại bị ngắt lời trong lúc đang nói. Sau đó, ông cúp máy.
Bố đi đến giữa phòng và chỉ đứng đó, bất động, như thể ai đó đã rút phích cắm vậy. Thật đáng sợ.
Cuối cùng thì dường như bố đã sống lại. Bố đi tới bàn làm việc, và ngay lập tức, tôi biết ông ấy sẽ mở ngăn kéo nào ra. Đầu tiên, ông ấy đọc lá thư, sau đó ông lấy chiếc Leica ra khỏi túi. Khi thấy ống kính bị vỡ, ông đã rất bối rối. Ông cất chiếc máy ảnh và bức thư lại vào ngăn kéo và đi tới cửa sổ. Và rồi ông ấy khóc. Chúng tôi không thể biết đó là vì cuộc điện thoại hay vì chiếc Leica, hay có lẽ vì sự nặng nề đã ập đến với ông trong vài năm qua. Chúng tôi chỉ biết rằng, chúng tôi không muốn nhìn thấy cảnh tượng đó và lặng lẽ trở về phòng.
***
Sau lễ mừng năm mới, bố mẹ tôi quyết định đi chơi xa vào cuối tuần. Chuyến đi ngắn ngủi này dường như có liên quan đến việc bố bị sa thải, nhưng mẹ chúng tôi chỉ nói với chúng tôi rằng họ sẽ đến thăm bạn bè ở Montpellier và chúng tôi không thể đi cùng. Bác sẽ chăm sóc chúng tôi.
“Nhưng chúng con đâu cần người trông trẻ.” Liz nói. “Con đã mười bốn tuổi rồi.”
Mẹ tôi hôn lên trán Liz. “Chuyện cặp kè mấy bạn học nam của con hơi quá rồi.”
“Cảm ơn, con biết rồi.” Marty nói trong khi vẫn chúi mũi vào tờ báo của anh ấy.
Sống trong ngôi nhà của chúng tôi ở Munich còn có chín người thuê nhà khác, trong số đó có Marleen Jacobi, một góa phụ trẻ, khá xinh đẹp và chỉ mặc quần áo tối màu. Lúc nào tôi cũng thấy cô ấy đi một mình, và tôi không thể tưởng tượng nổi làm sao lại có người có thể sống một cuộc đời đơn độc như vậy. Trái ngược với tôi, Liz rất ngưỡng mộ cô ấy; mỗi khi gặp cô ấy trên cầu thang hoặc trên đường, chị ấy sẽ phấn khích, véo vào tay tôi hoặc huých tôi một cái.
“Cô ấy thật xinh đẹp!” Chị ấy nói, thở không ra hơi.
Sự say mê của chị ấy đã khiến tôi và Marty có cớ để trêu chọc. “Cô Jacobi vừa ở đây.” Chúng tôi bảo chị ấy như thế vào chiều hôm đó. “Chị chỉ lỡ mất cơ hội gặp cô ấy trong một hoặc hai giây thôi. Cô ấy trông xinh đẹp hơn bao giờ hết. “
Liz nói với vẻ chán nản tột độ. “Chị không tin.”
“Thật mà, cô ấy có hỏi thăm chị đấy.” Chúng tôi nói. “Cô ấy muốn kết hôn với chị.”
“Hai đứa em đúng là hai thằng ngốc.” Liz trả lời, nằm dài trên ghế xô-pha phòng khách với mẹ. Chị ấy nói, cười toe toét với tôi, “Mẹ ơi, mẹ đoán xem ai là người mới hôn một cô gái lần đầu?”
Mẹ lập tức nhìn về phía tôi. “Có đúng vậy không?” Bà hỏi, và tôi nghĩ bà có ý tán thành việc này.
Tôi không còn nhớ được chúng tôi đã nói chuyện gì sau đó, nhưng tôi vẫn nhớ lúc mẹ đột nhiên đứng dậy khỏi ghế xô-pha và bật một bài hát: Via Con Me của Paolo Conte. Mẹ đưa tay về phía tôi.
“Hãy nhớ nhé, Jules,” mẹ nói khi chúng tôi khiêu vũ, “nếu con muốn có được một cô gái, hãy nhảy với cô ấy bài này. Con nhất định sẽ chinh phục được cô ấy bằng bài hát này.”
Mẹ tôi cười. Mãi nhiều năm sau, tôi mới nhận ra đây là lần duy nhất bà ấy nói chuyện ngang hàng với tôi.
Ngay trước khi bố mẹ lên đường vào buổi tối hôm đó, tôi đã có một cuộc tranh cãi nhỏ với bố, và có lẽ tốt nhất là tôi nên kể lại câu chuyện này thật chi tiết vì tôi đã khắc sâu nó trong tâm khảm suốt một thời gian dài.
Tôi tình cờ đi ngang qua phòng ngủ khi bố tôi đang thu dọn đồ đạc. Ông có vẻ căng thẳng.
“Thật tốt là con đang ở đây.” Ông nói. “Bố có chuyện muốn nói với con.”
Tôi dừng lại, dựa vào cửa. “Chuyện gì vậy ạ?”
Ông đã không đi ra ngay lập tức; thay vào đó, ông lấy nỗi lo âu suốt nhiều năm của ông ra làm cái cớ: ông không thích những người bạn lớn tuổi hơn của tôi, rằng tôi đang kết bạn với đám trẻ hư. Sau đó, ông bắt đầu nói về món quà Giáng Sinh của mình, chiếc máy ảnh.
“Nó vẫn đang ở trong góc. Con chưa dùng nó để chụp một bức ảnh nào, phải không? Thậm chí con còn chẳng thèm liếc mắt nhìn ngắm nó thực sự.”
Cảm giác thương bố bùng lên trong tôi, tôi quay mặt đi nơi khác.
“Nó rất đáng giá, con biết đấy. Ở tuổi của con, bố thực sự hài lòng với nó.”
“Con không biết mình phải sử dụng nó như thế nào. Nó quá nặng và cũ.”
Lúc đó, bố đã đứng thẳng dậy và đến gần tôi. Ông cao một cách đáng ngạc nhiên, một người đàn ông cao lêu nghêu. “Đó là một chiếc máy cổ điển, con hiểu không?” Trong một khoảnh khắc, khuôn mặt của ông ấy lại ánh lên nét trẻ con. “Nó tốt hơn cả những chiếc máy ảnh mới. Nó có linh hồn. Khi chúng ta quay lại, bố sẽ chỉ cho con cách dùng nó để chụp ảnh và cả cách rửa ảnh nữa. Con có đồng ý không?”
Tôi ngập ngừng gật đầu.
“Con có con mắt tốt, Jules à. Bố rất vui nếu sau này con theo đuổi nghiệp nhiếp ảnh.” Bố tôi nói. Và tôi cũng không bao giờ quên những lời đó của ông.
Liệu tôi còn nhớ gì nữa từ buổi tối hôm đó? Tôi chắc chắn nhớ mẹ tôi đã hôn lên trán để tạm biệt tôi. Trong suốt cuộc đời mình, tôi hẳn đã nghĩ hàng nghìn lần về nụ hôn và cái ôm cuối cùng này của mẹ, mùi hương và giọng nói êm dịu của bà ấy. Tôi đã nghĩ về nó quá nhiều, đến nỗi không còn chắc chắn rằng nó là sự thật.
***
Anh chị em chúng tôi đã dành cuối tuần chỉ để ở nhà. Chúng tôi chơi Barricade cùng bác (như mọi khi, mục tiêu duy nhất của Liz là vây kín Marty bằng những quân cờ trắng nhỏ); và vào buổi tối, tôi làm cho mọi người món trứng tráng nấm bằng công thức mẹ đã dạy cho tôi.
Vào thứ Bảy, Liz và tôi đi xem phim, vì vậy chỉ có Marty là người duy nhất ở đó khi bố gọi điện từ chỗ nghỉ của bố mẹ. Tự nhiên bố mẹ lại quyết định kéo dài chuyến đi thêm vài ngày. Họ đã thuê một chiếc ô tô để có thể đi đường vòng đến Berdillac.
Tuy nhiên, tôi cũng chẳng bận tâm vì chủ yếu tôi chỉ trông ngóng những món quà nhỏ và phô mai mà họ mang về từ miền nam nước Pháp.
Hôm đó là Chủ nhật, ngày mùng 8 tháng Giêng. Trong những năm sau này, tôi thường cố gắng tin vào việc mình đã có một linh cảm mơ hồ nào đó, nhưng điều đó có lẽ là vô nghĩa. Đến tối, điện thoại reo. Khi bác tôi nhấc ống nghe lên, tôi ngay lập tức cảm nhận được sự thay đổi của bầu không khí và ngồi sụp xuống. Marty cũng gần như chết đứng. Tôi không còn biết chuyện gì đang diễn ra quanh tôi nữa. Tôi không biết tôi đã làm gì vào sáng hôm đó, tôi đã làm gì sau cuộc gọi, hay tại sao tối hôm đó chị gái tôi không có mặt ở đó.
Tất cả những gì còn sót lại trong tôi kể từ ngày hôm đó chỉ là kỷ niệm cuối cùng, thứ mà tầm quan trọng của nó mãi sau này tôi mới tin.
Chiều hôm đó tôi đã chạy vào phòng khách với tinh thần phấn chấn. Liz đang vẽ một câu chuyện bằng tranh; anh trai tôi đang ngồi bên cạnh chị ấy, nắn nót viết thư cho Gunnar Nordahl bằng đôi bàn tay nhỏ bé, thon dài. Cậu ta là bạn qua thư ở Na Uy của anh ấy, nhưng tôi và Liz luôn nói Gunnar Nordahl không tồn tại và Marty chỉ bịa ra nhân vật đó mà thôi.
Tôi lướt đến trước mặt anh trai và thực hiện một tư thế đấm bốc. Tôi lúc đó đang ở trong giai đoạn Muhammad Ali1 của mình và tự coi mình là một người đóng giả xuất sắc; cái vẻ thách thức lớn tiếng của anh ấy đặc biệt thu hút tôi.
“Này!” Tôi bảo Marty. “Hôm nay anh sẽ được nếm đủ, đồ phản bội. Anh cũng chỉ là Bác Tom2 mà thôi.”
“Jules, mày đúng là thằng phiền phức. Mày thậm chí còn chẳng biết ‘Bác Tom’ nghĩa là gì nữa.”
1 Muhammad Ali (1942 - 2016): vận động viên quyền Anh người Mỹ gốc Phi, đồng thời là nhà hoạt động xã hội, người truyền cảm hứng. Ông được đánh giá là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ XX.
2 Nhân vật trong tiểu thuyết nổi tiếng “Túp lều bác Tom” của Harriet Beecher Stowe. Vào những năm 1960, người ta không coi bác Tom là anh hùng mà là một mẫu nhân vật tiêu cực, một kẻ da đen sẵn sàng cung phụng những người da trắng xung quanh. Những người da đen cấp tiến đã coi bác Tom là biểu tượng của “sự phản bội giống nòi”.
Tôi vỗ vai anh ấy. Khi anh ấy không phản ứng, tôi lại vỗ thêm cái nữa. Anh trai tôi chửi rủa tôi thậm tệ nhưng tôi quay ngược trở lại và bắt đầu thử đấm vài cú vào không khí. “Cú đấm đau như ong chích, né đòn nhanh như bướm vờn.”
Thật sự thì tôi không hẳn là một người bắt chước Ali xuất sắc, nhưng tôi rất giỏi kỹ thuật né đòn nhanh tại chỗ “Ali Shuffle”.
Liz thích thú nhìn chúng tôi.
Tôi đánh nhẹ vào người Marty một cái nữa. “Anh sẽ bị hạ gục ở hiệp thứ hai.” Tôi la hét, mắt mở lớn. “Em đã từng đấu vật với cá sấu, đánh lộn với cá voi, còng tay thần sét và ném thần sấm vào tù. Chỉ mới tuần trước, em đã giết chết một tảng đá lớn, khiến một viên đá nhỏ bị thương và làm một viên gạch phải nhập viện. Ý em là em đã khiến cho ngành y phát ốm. Nhưng anh xấu quá, em không biết làm thế nào để khiến cho anh có thể xấu hơn được nữa.”
“Đừng làm phiền anh nữa.”
“Ừ, đừng làm phiền nó nữa.” Liz nói với vẻ chế giễu. “Nó lại đang viết thư cho người bạn Na Uy tưởng tượng của nó đấy.”
“Ờ, hai người thật nhàm chán.” Marty nói.
Lần này tôi đập mạnh vào gáy anh ấy, đến nỗi cây bút của anh ấy trượt khỏi tay. Anh ấy bất ngờ bật dậy và chạy theo tôi. Chúng tôi đánh nhau: lúc đầu thì có vẻ nghiêm trọng, nhưng khi tôi cứ ré lên và hét rằng tôi là người vĩ đại nhất, thì Marty đã không nhịn được cười và chúng tôi buông nhau ra.
Gần như cùng thời điểm đó, bố mẹ tôi đã lên chiếc xe Renault mà họ thuê để đi thăm bà ở Berdillac. Tình cờ một luật sư trẻ cũng bước vào chiếc Toyota của cô ấy. Cô ấy có một buổi hẹn ăn tối ở Montpellier và muốn đến điểm hẹn đúng giờ. Xe của cô ấy trượt trên con đường ướt và lao sang làn đường ngược lại, nơi nó va chạm với chiếc xe Renault của bố mẹ tôi. Hai người tử vong tại chỗ.
Chỉ còn vị luật sư trẻ sống sót.