R
oberta Walls, quản lý trẻ tuổi nhất trong khu đồ chơi, dừng lại vài giây trong quãng thời gian bận rộn mỗi sáng của cô ta, đủ lâu để nói nhỏ với Therese, “Nếu chúng ta không bán được cái va li to đùng này ngày hôm nay thì nó sẽ bị giảm giá vào thứ Hai và trung tâm mua sắm sẽ phạt hai đô đấy!” Roberta hất đầu về phía chiếc va li màu nâu bằng bìa cứng ở trên kệ, đẩy chồng hộp màu xám của cô ta vào tay Martucci và vội vã bỏ đi.
Therese nhìn các nhân viên tránh đường cho Roberta dọc hành lang dài. Cô ta lao từ quầy hàng này sang quầy hàng kia, từ tầng này sang tầng khác, từ chín giờ sáng tới sáu giờ tối. Therese nghe nói rằng Roberta đang cố xin thăng chức. Cô ta đeo cặp kính mắt mèo màu đỏ rực, và lúc nào cũng xắn tay áo khoác đồng phục màu xanh lục lên tận khuỷu tay, khác hẳn những cô gái khác. Therese quan sát cô ta phóng vụt qua hành lang và chặn bà Hendrickson lại, vừa vung vẩy tay vừa trò chuyện rôm rả. Bà Hendrickson gật đầu đồng ý, Roberta chạm vào vai bà ta một cách thân thiết, và Therese cảm thấy có chút ghen tị. Ghen tị, dù cho cô chẳng thèm quan tâm liệu bà Hendrickson có không thích mình đi chăng nữa.
“Cô có loại búp bê làm bằng vải biết khóc không?”
Therese không biết có loại búp bê nào như thế trong kho, nhưng người phụ nữ tin chắc rằng Frankenberg có nó bởi vì bà ta đã xem quảng cáo. Therese lôi một chiếc hộp ở cuối hàng ra, nơi duy nhất có thể có nhưng vẫn không tìm thấy.
“Cô đang tìm gì đấy?” Santini hỏi cô. Chị đang bị ốm.
“Một con búp bê vải biết đi tè,” Therese nói. Gần đây Santini nhã nhặn với cô một cách đặc biệt. Therese nhớ lại miếng thịt bị mất cắp. Nhưng giờ chị chỉ nhướn một bên lông mày lên, bĩu đôi môi đỏ rực, nhún vai rồi bỏ đi.
“Làm bằng vải à? Buộc tóc đuôi ngựa phải không?” Martucci, một cô gái Ý mảnh dẻ, tóc loăn xoăn, mũi dài như mũi sói nhìn Therese hỏi. “Đừng để Roberta nghe thấy cô nói đấy,” Martucci liếc nhìn xung quanh. “Đừng để ai nghe hết, mẫu búp bê đó ở dưới tầng hầm ý.”
“À.” Khu đồ chơi ở tầng trên luôn cạnh tranh với khu đồ chơi dưới tầng hầm. Trung tâm có chiến lược ép khách hàng mua hàng ở tầng bảy vì đồ ở đây đắt đỏ hơn. Therese nói cho người phụ nữ biết rằng loại búp bê đó ở tầng hầm.
“Cố gắng bán nó trong hôm nay nhé,” chị Davis bảo cô khi đi ngang qua, vỗ lên cái va li giả da cá sấu trầy xước bằng đôi tay sơn đỏ.
Therese gật đầu.
“Cô có loại búp bê chân cứng không? Loại đứng được ấy?”
Therese nhìn người phụ nữ trung niên chống nạng khiến hai vai nhô lên. Khuôn mặt của bà ta trông khác hẳn những khuôn mặt khác quanh quầy, dịu dàng và đôi mắt ánh lên vẻ quan tâm chứ không phải vẻ hờ hững như mọi người khác.
“Nó to hơn tôi muốn,” bà ta nói khi Therese cho bà xem một con búp bê. “Tôi xin lỗi. Cô có con nào nhỏ hơn không?”
“Tôi nghĩ là có đấy.” Therese đi vào sâu trong dãy hàng, và nhận thấy bà ta chống nạng đi theo cô, thậm chí còn phải đi vòng qua đám đông ở quầy chỉ để Therese không phải quay lại. Đột nhiên Therese muốn bằng mọi giá tìm được đúng con búp bê mà bà ta muốn. Nhưng con búp bê tiếp theo cũng chưa ổn. Nó không có tóc thật. Therese tìm ở một chỗ khác và thấy một con búp bê y hệt nhưng có tóc thật. Nó thậm chí còn kêu lên khi bị gập xuống. Đây chính xác là con búp bê bà ta muốn. Therese cẩn thận đặt con búp bê vào tập giấy ăn mới lót trong một chiếc hộp mới.
“Hoàn hảo,” bà ta lặp lại. “Tôi định gửi món quà này cho một người bạn làm nghề y tá ở Úc. Bà ấy tốt nghiệp trường y với tôi, nên tôi đã may một bộ đồng phục nhỏ giống như thế để mặc cho con búp bê này. Cảm ơn cô rất nhiều. Chúc cô Giáng sinh vui vẻ!”
“Chúc bà Giáng sinh vui vẻ!” Therese nói, mỉm cười. Đây là câu chúc Giáng sinh đầu tiên mà cô nhận được từ khách hàng.
“Cô đã được thay ca chưa, cô Belivet?” Bà Hendrickson hỏi một cách gay gắt cứ như bà ta đang mắng mỏ cô.
Therese vẫn chưa được thay ca. Cô lấy cuốn sổ tay nhỏ và cuốn tiểu thuyết đang đọc dở từ dưới quầy bọc quà. Đó là cuốn Chân dung người nghệ sĩ thời trẻ của Joyce, Richard muốn cô đọc nó. Richard bảo anh không thể hiểu nổi sao lại có người có thể đọc sách của Gertrude Stein mà không đọc sách của Joyce chứ. Cô cảm thấy hơi thua kém khi Richard nói chuyện về sách với cô. Cô đã mượn sạch sách trên giá ở thư viện trường, nhưng sách ở trong đó lại sắp xếp theo dòng Sách Thánh. Bây giờ, cô mới nhận ra rằng mình không hề giống người Công giáo mặc dù trong thư viện cũng có những tác giả không ai ngờ tới như Gertrude Stein.
Hành lang dẫn tới phòng vệ sinh của nhân viên bị chặn bởi những xe hàng chất đầy hộp. Therese đứng chờ để đi qua.
“Pixie!” Một cậu bé khuân vác hét lên gọi cô.
Therese mỉm cười bởi vì chuyện đó thật ngớ ngẩn. Thậm chí ở phòng giữ đồ dưới tầng hầm, họ cũng hét “Pixie!” khi thấy cô mỗi sáng và mỗi tối.
“Pixie, chờ tôi nhé?” Giọng nói khàn khàn lại vang lên qua tiếng các thùng hàng va đập vào nhau.
Cô lách qua và tránh một cái xe chuyển hàng có người đứng bên trên đang lao về phía cô.
“Ở đây không cho hút thuốc!” Một giọng đàn ông hét lên, giọng nói đầy vẻ cáu kỉnh của một viên quản lý, và các cô gái đang châm dở thuốc lá trước mặt Therese phả khói và đồng thanh nói vọng ra ngay trước khi trốn vào nhà vệ sinh, “Ông ta nghĩ mình là Frankenberg chắc?”
“Ê này! Pixie!”
“Tránh ra đi, tôi đang vội, Pixie!”
Một xe chở hàng sượt qua trước mặt cô, và cô va chân vào góc kim loại của nó. Cô đi tiếp mà không nhìn xuống chân dù cơn đau bắt đầu nở ra ở đó như một vụ nổ chậm. Cô tiến vào một khu vực hỗn loạn, các giọng nói choe chóe và thân hình của những người phụ nữ xen lẫn vào nhau, lại còn phảng phất mùi thuốc sát trùng. Máu đang chảy xuống giày của cô và tất của cô bị rách một lỗ nham nhở. Cô ép da lại và cảm thấy mệt mỏi, dựa lưng vào tường và nắm lấy một ống nước. Cô ở lại đó vài giây, lắng nghe giọng nói lẫn lộn của những cô gái đang đứng trước gương. Rồi cô làm ướt giấy vệ sinh và lấy nó chấm chấm hết những giọt máu đỏ trên tất, nhưng máu vẫn cứ trào ra.
“Tôi vẫn ổn, cảm ơn,” cô nói với một cô gái lại gần cô và cô ta bỏ đi.
Cuối cùng, cô chẳng biết làm gì hơn ngoài việc mua băng y tế trong máy bán hàng tự động. Cô dùng một ít bông ở bên trong chiếc băng vệ sinh và gạc buộc cố định nó trên chân. Sau đó cô phải quay lại quầy.
Mắt họ chạm nhau, Therese vừa ngẩng lên khi cô đang mở một cái hộp ra, đúng lúc ấy, một người phụ nữ vừa quay đầu lại và nhìn thẳng vào Therese. Chị cao, trắng, cơ thể duyên dáng khoác chiếc áo lông rộng thùng thình, đang chống một tay vào eo. Mắt chị màu xám, nhợt nhạt, nhưng vẫn có vẻ mạnh mẽ như đang có ánh sáng hoặc đốm lửa, Therese không thể rời mắt đi. Cô nghe thấy vị khách hàng trước mặt lặp lại một câu hỏi, và Therese đứng đó, im bặt. Chị cũng đang nhìn Therese, với vẻ mặt lo lắng như thể đầu óc chị ta đang nghĩ đến một thứ gì đó mà cô ta muốn mua ở đây, và dù có vài nhân viên bán hàng chắn giữa họ, chị vẫn cảm thấy chắc chắn rằng chị sẽ tới chỗ cô. Sau đó, Therese nhìn thấy chị chậm rãi bước về phía quầy hàng, và tim cô đập dồn dập như muốn bù đắp cho những khoảnh khắc ngừng đập vừa rồi, và má cô nóng rực lên khi chị ngày một tiến lại gần.
“Tôi có thể xem một trong những cái va li kia không?” Chị hỏi, dựa vào quầy, nhìn xuống qua tấm chắn bằng kính.
Cái va li trầy xước chỉ nằm cách đó gần một mét. Therese quay lại và lấy một cái hộp ở giá cuối cùng, một cái hộp chưa bao giờ được mở ra. Khi cô đứng dậy, chị đang nhìn cô với đôi mắt xám điềm tĩnh mà Therese chẳng thể nhìn thẳng vào mà cũng không thể rời mắt khỏi.
“Tôi thích cái kia kìa, nhưng có vẻ tôi không thể mua nó phải không?” Chị nói, hất đầu về phía chiếc va li màu nâu trong tủ trưng bày sau lưng Therese.
Lông mày của chị màu vàng sáng, uốn cong theo vòm trán. Therese nghĩ, miệng của chị lịch thiệp cũng giống đôi mắt của chị, giọng nói của chị cũng trầm ấm và mềm mại giống chiếc áo lông chị ấy đang mặc, và không hiểu sao lại có vẻ đầy bí ẩn.
“Có chứ,” Therese nói.
Therese quay vào nhà kho để lấy chìa khóa. Chìa khóa được treo trên một chiếc đinh ngay cạnh cửa, và không ai được phép chạm vào nó trừ bà Hendrickson.
Davis há hốc miệng vì kinh ngạc khi nhìn thấy cô lấy nó, nhưng Therese nói, “Tôi cần nó” và đi ra ngoài.
Cô mở cửa sổ trưng bày và lấy va li xuống, đặt nó nằm trên kệ.
“Cô lấy chiếc để trưng bày cho tôi à?” Chị mỉm cười vẻ thấu hiểu. Chị dựa cả cẳng tay lên kệ, quan sát đồ đạc trong va li, nói một cách ngẫu nhiên, “Họ sẽ tức điên lên đấy nhỉ?”
“Không sao đâu,” Therese nói.
“Được rồi. Tôi thích cái này. Tôi muốn trả tiền khi nhận hàng. À mà chỗ quần áo này thì sao? Có bán cùng va li không?”
Trên nóc va li có một bộ quần áo bọc giấy bóng kính và có mác giá. Therese nói, “Không, chúng đi riêng. Nếu cô muốn đồ búp bê thì đồ của chúng không tốt bằng quần áo ở khu đồ búp bê bên kia sảnh đâu.”
“Ồ! Liệu nó có được gửi tới New Jersey trước Giáng sinh không?”
“Có, nó sẽ tới vào thứ Hai.” Nếu không thì cô sẽ tự mình chuyển nó đi.
“Gửi tới bà H. F. Aird,” giọng nói nhẹ nhàng, đặc trưng của chị vang lên và Therese viết nó lên tờ biên lai màu xanh lục.
Tên, địa chỉ, thị trấn xuất hiện dưới ngòi bút chì như một bí mật mà Therese sẽ chẳng bao giờ quên, như thể nó sẽ mãi mãi in dấu trong trí nhớ của cô.
“Cô sẽ không ghi nhầm chứ?” Giọng chị vang lên.
Lần đầu tiên Therese chú ý tới mùi nước hoa của chị, và thay vì trả lời, cô chỉ có thể lắc đầu. Cô nhìn xuống tờ biên lai mà cô đang cần cù ghi thêm những con số cần thiết, và cầu nguyện bằng tất cả vận may của mình rằng người phụ nữ kia sẽ nói là “Cô thấy mừng khi được gặp tôi đến thế sao? Vậy sao chúng ta không thể gặp lại nhau nhỉ? Sao chúng ta không cùng ăn trưa nhỉ?” Giọng chị rất ngẫu hứng, chị có thể dễ dàng nói ra điều đó lắm chứ. Nhưng chị chẳng nói gì sau từ “chứ”, không có gì giải tỏa nỗi xấu hổ của cô khi bị nhận ra là một nhân viên bán hàng mới, được thuê tạm nhân dịp Giáng sinh, thiếu kinh nghiệm và dễ phạm sai lầm. Therese đẩy biên lai về phía chị để lấy chữ ký.
Rồi chị cầm lấy đôi găng tay của mình trên quầy và quay người, chậm rãi đi xa dần, Therese quan sát khoảng cách giữa họ ngày một rộng ra. Cổ chân của chị dưới áo choàng lông trông trắng ngần và mảnh mai. Chị ấy đi đôi giày cao gót bằng da lộn màu đen.
“Đó là yêu cầu trả tiền khi giao hàng à?”
Therese nhìn vào khuôn mặt xấu xí, vô cảm của bà Hendrickson. “Vâng, thưa bà.”
“Cô không biết là mình phải đưa cho khách hàng tờ trên cùng à? Làm sao họ nhận được hàng khi hàng đến hả? Khách hàng đâu rồi, cô có bắt kịp cô ta không?”
“Có ạ.” Chị chỉ cách họ mười bước chân, ở quầy đồ quần áo bên kia sảnh. Và với tờ biên lai màu xanh trong tay, cô do dự trong giây lát rồi mang nó sang bên kia, phải ép mình tiến tới gần chị vì đột nhiên cô thấy luống cuống bởi vẻ ngoài của mình, cái váy xanh cũ kỹ, áo cotton - người phát áo khoác đồng phục đã quên mất cô - và đôi giày bệt đáng xấu hổ. Lại còn cả miếng băng gạc kinh khủng mà máu đang thấm qua nữa chứ.
“Tôi phải đưa cho cô cái này,” cô nói, đặt mẩu giấy nhỏ tồi tàn bên cạnh bàn tay của chị trên mặt kệ và quay người đi.
Quay trở lại sau quầy, Therese đối diện với chồng hộp, trầm ngâm lôi chúng ra rồi cất chúng lại, như thể đang tìm kiếm một thứ gì đó. Therese đang chờ tới khi chị mua xong đồ và ra về.
Cô ý thức rất rõ về những khoảnh khắc đang trôi qua như những giây phút không thể thu hồi được, như hạnh phúc không thể giành lại, vì trong những giây cuối cùng này, cô có thể quay lại và ngắm nhìn khuôn mặt mà cô sẽ không bao giờ gặp lại nữa. Cô cũng lờ mờ ý thức được một sự thật khủng khiếp khác, các khách hàng ở quầy đang liên tục gọi giúp đỡ, gọi cô, và tiếng động cơ tàu hỏa vang lên xình xịch, một phần của sự hỗn loạn đó đang dần khép lại và ngăn cách cô khỏi người phụ nữ ấy.
Nhưng đến lúc cô dám quay lại, cô lại nhìn thẳng vào đôi mắt xám ấy. Chị đang đi về phía cô, như thể thời gian đã quay ngược, chị lại tựa vào quầy, ra dấu về phía một con búp bê và muốn xem nó.
Therese cầm lấy con búp bê và thả cộp xuống mặt kính, chị liếc nhìn cô.
“Nghe có vẻ bền đấy,” cô ta nói.
Therese mỉm cười.
“Tôi sẽ lấy cả món này nữa,” chị nói bằng giọng từ tốn, nhẹ nhàng như mang đến cả một khoảng không gian yên lặng phủ quanh họ. Chị đọc lại tên và địa chỉ của mình, và Therese nghe nó chậm rãi phát ra từ môi của chị một lần nữa, như thể cô còn chưa thuộc lòng nó vậy.
“Nó sẽ được chuyển đến muộn nhất là vào thứ Hai. Hai ngày trước Giáng sinh.”
“Tốt. Tôi không định làm cô lo lắng đâu.”
Therese siết chặt nút dây buộc quanh hộp búp bê, thế mà chẳng hiểu sao nó lại tung ra. “Không đâu,” cô nói. Trong cơn xấu hổ quá sâu sắc đến mức chẳng còn gì để biện hộ, cô thắt lại dây dưới ánh nhìn của chị.
“Công việc này chán ốm nhỉ?”
“Phải.” Therese luồn biên lai giao hàng quanh sợi dây và ghim nó lại.
“Vậy nên hãy thứ lỗi nếu tôi than phiền nhé.”
Therese liếc nhìn chị, và lại có cảm giác như thể đã quen chị từ trước, như thể chị sắp tiết lộ danh tính với cô, và sau đó, cả hai cùng cười xòa. “Bây giờ thì chưa đâu. Nhưng tôi biết rồi cô sẽ than phiền thôi.” Therese nhìn sang sảnh bên kia, nơi chị vừa đứng, và thấy mẩu giấy xanh vẫn còn nằm trên mặt quầy.
“Cô nên giữ tờ biên lai đó đấy.”
Khi mỉm cười đôi mắt của chị thay đổi, sáng rực rỡ với một ngọn lửa xám mà dường như Therese đã biết từ lâu. “Trước đây tôi vẫn lấy được đồ mà không cần chúng. Tôi toàn đánh mất chúng thôi.” Chị cúi xuống để ký vào tờ biên lai thứ hai.
Therese quan sát chị ra về với những bước đi khoan thai như lúc chị tiến vào, cô thấy chị nhìn sang một kệ khác khi đi qua và vỗ đôi găng tay đen vào lòng bàn tay của mình hai, ba lần. Rồi chị biến mất trong thang máy.
Và Therese tiếp vị khách tiếp theo. Cô làm việc với sự kiên nhẫn không mệt mỏi, nhưng những con số mà cô viết trên hóa đơn hơi nguệch ngoạc, bút chì giật dữ dội. Cô đi tới văn phòng của ông Logan, hành trình ấy dường như kéo dài vô tận, nhưng khi cô nhìn đồng hồ thì mới có mười lăm phút trôi qua, đã đến giờ ăn trưa. Cô đứng cứng ngắc trước cuộn khăn giấy, cô lau tay và cảm thấy tách biệt với tất cả mọi người và tất cả mọi thứ, như bị cô lập. Ông Logan đã hỏi liệu cô có muốn tiếp tục làm việc sau Giáng sinh hay không. Cô sẽ được làm ở khu mỹ phẩm tầng dưới. Therese đã từ chối.
Giữa buổi chiều, cô đi xuống tầng một và mua một tấm thiệp ở khu thiệp mừng. Tấm thiệp không có gì thú vị, nhưng nó đơn giản, chỉ có màu xanh dương và màu vàng. Cô cầm bút đứng đờ ra đó, nghĩ xem mình nên viết gì - “Cô thật lộng lẫy” hay thậm chí là “Tôi yêu cô” - nhưng rồi cuối cùng, cô viết vội một câu vừa tẻ nhạt vừa chung chung: “Lời chúc đặc biệt từ Frankenberg.” Cô ghi mã số 645-A của mình thay chữ ký. Rồi cô xuống bưu điện ở tầng hầm, lưỡng lự khi đứng trước thùng thư, đột nhiên, cô đánh mất dũng khí khi nhìn thấy bàn tay đang cho dở thư vào thùng của mình. Chuyện gì sẽ xảy ra? Đằng nào mà cô chẳng rời nơi này sau vài ngày nữa. Cô H. F. Aird sẽ không thèm quan tâm đâu nhỉ? Hàng lông mày vàng ấy có khi chỉ khẽ nhướn lên, chị sẽ nhìn vào tấm thiệp trong giây lát rồi quên luôn. Therese thả nó vào thùng.
Trên đường về nhà, một ý tưởng về bối cảnh sân khấu đến với cô, một căn nhà sâu nhưng không rộng lắm, có thứ gì đó giống như lốc xoáy ở trung tâm, các căn phòng đều có hai cửa. Cô muốn bắt đầu làm mô hình ngay tối nay, nhưng cuối cùng thì chỉ kịp vẽ phác thảo chi tiết bằng bút chì. Cô muốn gặp một ai đó, không phải Richard, không phải Jack hay Alice Kelly ở tầng dưới, có lẽ là Stella, Stella Overton, nhà thiết kế sân khấu mà cô đã gặp trong những tuần đầu ở New York. Cô nhận ra rằng mình đã không gặp cô ta từ khi cô ta tới dự bữa tiệc cocktail mà cô tổ chức trước khi rời căn hộ cũ. Stella là một trong những người không biết địa chỉ hiện giờ của cô. Therese đang đi tới chỗ chiếc điện thoại ở trong hành lang thì nghe tiếng chuông cửa rung một hồi nhanh và ngắn, báo hiệu có người gọi cho cô.
“Cảm ơn bà,” Therese nói vọng xuống chỗ bà Osborne.
Chín giờ tối là thời gian ghé thăm quen thuộc của Richard. Anh muốn biết liệu tối mai cô có thích đi xem phim không. Bộ phim ở Sutton mà họ chưa kịp xem. Therese nói mình không bận gì cả, nhưng muốn làm cho xong vỏ gối. Alice Kelly đã bảo cô tối mai có thể xuống gác và dùng máy khâu của cô ta. Bên cạnh đó, cô còn phải gội đầu nữa.
“Gội đầu ngay tối nay còn mai đến gặp anh đi,” Richard nói.
“Giờ muộn quá rồi. Em không ngủ được khi đầu ướt đâu.”
“Mai anh sẽ gội cho em. Chúng ta không cần dùng bồn, chỉ cần vài xô nước thôi.”
Cô mỉm cười. “Em nghĩ chúng ta không nên làm thế thì hơn.” Lần trước, Richard gội đầu cho cô, cô đã bị ngã vào bồn tắm. Richard đã mô phỏng lại tiếng xả nước bằng động tác quằn quại và kêu òng ọc, khiến cô cười dữ dội tới mức trượt chân.
“Thế còn buổi trình diễn nghệ thuật hôm thứ Bảy thì sao? Nó mở vào buổi chiều.”
“Nhưng thứ Bảy là ngày em phải làm việc tới tận chín giờ. Sau chín rưỡi em mới trốn được cơ.”
“À. Vậy anh sẽ ở lại trường học và gặp em ở góc đường tầm chín rưỡi. Chỗ giao giữa đường Bốn Mươi Bốn và đường Năm. Được không?”
“Được rồi.”
“Hôm nay có gì mới không?”
“Không. Còn anh?”
“Không. Mai anh sẽ tìm hiểu về việc đặt chỗ trên thuyền. Tối mai anh sẽ gọi cho em.”
Therese không gọi cho Stella nữa.
Ngày hôm sau là thứ Sáu, ngày thứ Sáu cuối cùng trước Giáng sinh, cũng là ngày bận rộn nhất mà Therese biết kể từ khi làm việc ở Frankenberg, dù ai cũng bảo hôm sau còn tệ hơn. Khách hàng ép chặt vào quầy. Những người mà cô đang chờ đi tới bị cuốn vào dòng người dày đặc ở hành lang. Khó mà tưởng tượng nổi có thể có nhiều người hơn được nữa, vậy mà thang máy vẫn nhả người ra đều đều.
“Tôi không hiểu sao họ không đóng cửa tầng dưới đi!” Therese bình luận với Martucci khi cả hai cùng lom khom trước giá đồ.
“Gì cơ?” Martucci hỏi lại vì không nghe thấy.
“Belivet!” Có người hét lên và thổi còi.
Đó là bà Hendrickson. Hôm nay, bà ta dùng còi để thu hút sự chú ý. Therese lách qua các nhân viên bán hàng và những cái hộp không trên sàn.
“Có người gọi điện cho cô,” bà Hendrickson bảo cô, chỉ tay về phía chiếc điện thoại cạnh bàn gói quà.
Therese làm điệu bộ bất lực dù bà Hendrickson cũng chẳng có thời gian mà nhìn.
Lúc này chẳng thể nào nghe rõ điện thoại được. Và cô đoán chắc Richard lại đang định trêu chọc cô đây. Trước đây, anh từng gọi cho cô rồi.
“Xin chào?” Cô nói.
“Xin chào, đây có phải cô nhân viên số sáu bốn năm A, Therese Belivet không?” Giọng người trực tổng đài vang lên qua tiếng lách cách và rè rè. “Mời tiếp tục.”
“Xin chào?” Cô hỏi lại và chẳng nghe rõ câu trả lời. Cô kéo điện thoại khỏi bàn để vào nhà kho cách đó vài bước. Dây điện không kéo giãn tới đó nên cô phải khom người xuống. “Xin chào?”
“Xin chào,” một giọng nói vang lên. “À… Tôi muốn nói lời cảm ơn vì chiếc thiệp Giáng sinh.”
“À. À, cô là…”
“Tôi là Aird,” chị nói. “Cô có phải người gửi nó không?”
“Phải,” Therese nói, đột nhiên cô cứng người lại với cảm giác tội lỗi như thể vừa bị bắt quả tang phạm tội. Cô nhắm mắt lại và bóp chặt điện thoại, mường tượng ra đôi mắt thông minh, mỉm cười như cô đã thấy ngày hôm qua. “Tôi rất xin lỗi nếu nó làm phiền cô,” Therese nói một cách máy móc bằng tông giọng vẫn dùng để nói chuyện với khách hàng.
Chị bật cười. “Chuyện này thú vị thật,” chị nói một cách thoải mái, và Therese nhận ra giọng điệu uể oải dễ chịu mà ngày hôm qua cô đã được nghe, đã mê đắm, và cô bất giác mỉm cười.
“Thật à? Sao lại thế?”
“Cô hẳn là cô nhân viên ở quầy đồ chơi.”
“Phải.”
“Cô rất tốt bụng khi gửi tấm thiệp đó cho tôi,” người phụ nữ nói một cách lịch sự.
Rồi Therese hiểu ra. Chị nghĩ nó đến từ một người đàn ông, một nhân viên thu ngân nào đó đã phục vụ chị chẳng hạn. “Rất vinh hạnh được phục vụ chị,” Therese nói.
“Thật à? Sao lại thế?” Chị hẳn đang chế giễu cô. “Tiện thể đang dịp Giáng sinh, sao ít nhất chúng ta không gặp nhau và uống một tách cà phê nhỉ? Hoặc làm một chầu cũng được?”
Therese lưỡng lự khi cửa bật mở và một cô gái bước vào trong phòng, đứng ngay trước mặt cô. “Được, tôi rất vui.”
“Khi nào nhỉ?” Chị hỏi. “Sáng mai, tôi sẽ tới New York. Sao chúng ta không ăn trưa nhỉ? Mai cô có thời gian rảnh không?”
“Tất nhiên. Tôi rảnh từ mười hai giờ tới một giờ,” Therese nói, nhìn chằm chằm vào đôi chân của cô gái trước mặt, cô ta đi giày bệt bằng da thuộc, cổ chân to bè, chân đi tất bóng loáng, liên tục nhúc nhích như chân voi.
“Tôi gặp cô ở tầng một đường Ba Mươi Tư tầm mười hai giờ nhé?”
“Được rồi. Tôi…” Therese mới nhớ ra mai cô phải đi làm lúc một giờ đúng. Cô được nghỉ buổi sáng. Cô giơ cánh tay lên để gạt đống hộp mà cô gái trước mặt cô đã kéo xuống từ trên giá. Cô gái đó loạng choạng ngã vào người cô. “A lô?” Cô hét lên giữa tiếng hộp rơi.
“Tôi xin lỗi,” Zabriskie nói một cách cục cằn, dọn đường đi ra cửa.
“A lô?” Therese lặp lại.
Điện thoại đã ngắt.