Tantra có một bản đồ đích xác của con người bên trong. Sẽ thật tốt nếu bạn thấu hiểu bản đồ đó, vì nó sẽ giúp ích cho bạn. Cả Tantra và Yoga đều cho rằng có bảy trung tâm trong sinh lí học con người – sinh lí học vi tế, không phải sinh lí học vật chất của thân thể. Trên thực tế, những trung tâm này là những ẩn dụ, nhưng chúng giúp ích trong việc thấu hiểu điều gì đó về bản thể bên trong. Đây là bảy luân xa.
Đầu tiên và căn bản nhất là muladhara, có nghĩa là nền tảng hay cơ bản nhất. Mulnghĩa là “thuộc về gốc rễ”. Luân xa muladhara là trung tâm mà năng lượng tình dục hiện hữu, nhưng xã hội đã làm hư hại trầm trọng luân xa đó.
Luân xa muladhara có ba khía cạnh: Một là miệng, hai là hậu môn, và ba là cơ quan sinh dục. Đây là ba khía cạnh của muladhara. Đứa trẻ bắt đầu cuộc đời của mình ở miệng, và bởi vì dạy dỗ sai nên nhiều người vẫn ở giai đoạn miệng; họ không bao giờ phát triển xa hơn nó. Đó là lí do tại sao tràn lan việc hút thuốc, nhai kẹo cao su, ăn không ngừng. Đây là sự cố định ở miệng: Những người này vẫn đặt trung tâm ở miệng.
Có nhiều xã hội nguyên thủy mà các cặp đôi không hôn nhau. Trên thực tế, nếu đứa trẻ phát triển tốt, việc hôn sẽ biến mất. Việc hôn cho thấy người đó vẫn còn ở miệng. Nếu không thì tình dục liên quan gì đến đôi môi? Khi lần đầu tiên các xã hội nguyên thủy biết tới việc hôn của con người văn minh, họ cười lớn. Họ nghĩ nó thật tức cười. Hai người hôn nhau ư? Nó có vẻ không hợp vệ sinh nữa: truyền tất cả các loại bệnh tật và nhiễm trùng cho nhau. Họ đang làm gì và tại sao? Nhưng hầu hết nhân loại vẫn còn ở miệng.
Nếu đứa trẻ chưa thỏa mãn ở miệng – người mẹ không cho nó bú đủ nhiều như nó cần – đôi môi vẫn chưa thỏa mãn. Thế thì đứa trẻ lớn lên sẽ hút thuốc, trở thành một người hôn rất giỏi, nhai kẹo cao su, hoặc trở thành một người ăn rất giỏi, không ngừng ăn cái này hay cái kia. Nếu người mẹ cho con bú đủ như chúng cần thì muladharakhông bị tổn hại.
Nếu bạn hút thuốc, hãy thử dùng núm vú giả – và bạn sẽ kinh ngạc không ngờ. Nó đã giúp nhiều người. Tôi đề xuất nó cho nhiều người. Nếu ai đó hỏi tôi làm sao để cai thuốc lá, tôi nói: “Hãy lấy một cái núm vú giả và ngậm nó trong miệng. Hãy treo nó ở cổ và mỗi khi bạn thèm hút thuốc, hãy cho núm vú giả vào miệng rồi thưởng thức nó. Sau ba tuần bạn sẽ ngạc nhiên: Thôi thúc hút thuốc đã biến mất.”
Đâu đó trong tâm thần, bộ ngực vẫn cuốn hút. Đó là lí do tại sao đàn ông hay để tâm vào bộ ngực như vậy. Dường như chẳng có lí do gì cả. Tại sao đàn ông lại quan tâm đến bộ ngực như vậy? Hội họa, điêu khắc, phim ảnh – mọi thứ dường như đều hướng về bộ ngực! Và phụ nữ thì luôn vừa cố gắng che giấu nhưng lại vừa phô bày bộ ngực của họ, nếu không thì chiếc áo ngực thật ngu xuẩn. Nó là mánh lới để vừa che giấu vừa trưng bày cùng một lúc, nó là một mánh lới mâu thuẫn. Và giờ đây họ đang bơm ngực bằng silicon để chúng trở nên lớn hơn và có thể đạt tới hình dạng mà nhân loại chưa trưởng thành muốn thấy. Thật là một ý tưởng trẻ con! Thế cho nên nhân loại vẫn còn ở miệng.
Đây là giai đoạn thấp nhất của luân xa muladhara.
Một số ít người chuyển khỏi miệng và bị mắc kẹt ở hậu môn, bởi vì tổn thương ghê gớm thứ hai xảy ra với việc huấn luyện đi vệ sinh. Trẻ em bị ép buộc đi vệ sinh vào thời gian nhất định. Trẻ nhỏ không thể kiểm soát được sự vận động của ruột chúng; cần thời gian, cần nhiều năm để chúng phát triển sự kiểm soát. Vậy chúng làm gì? Chúng ép buộc chính mình, chúng đóng cơ chế hậu môn lại, và bởi vậy chúng bị cố định ở hậu môn.
Đó là nguyên do tại sao có quá nhiều người bị táo bón trên thế giới. Chỉ con người mới mắc chứng táo bón. Ở trạng thái hoang dã, không loài vật nào bị táo bón. Táo bón thuộc về tâm lí nhiều hơn, đó là kết quả của việc luân xa muladhara bị tổn thương. Bởi vì táo bón mà nhiều thứ khác phát triển trong tâm trí con người. Con người trở thành kẻ tích trữ – kẻ tích trữ tri thức, tiền bạc, đức hạnh – và trở nên keo kiệt. Anh ta không thể buông bỏ bất cứ cái gì! Bất cứ cái gì chộp được, anh ta giữ khư khư. Với sự nhấn mạnh vào hậu môn này, tổn thương ghê gớm xảy ra cho muladhara. Khi mọi thứ phát triển tự nhiên, người đàn ông hay người đàn bà sẽ di chuyển đến cơ quan sinh dục. Nếu con người bị cố định ở miệng hay hậu môn, họ không bao giờ di chuyển đến cơ quan sinh dục – đó là mánh lới mà xã hội đã sử dụng cho tới nay để không cho phép bạn được đầy đủ về tình dục. Sự cố định ở hậu môn trở thành quan trọng đến mức cơ quan sinh dục trở thành ít quan trọng hơn.
Cuối cùng, một số người đi đến cơ quan sinh dục – nếu bằng cách nào đó họ không bị cố định ở miệng và hậu môn – và thế rồi tội lỗi về tình dục được tạo ra trong nhân loại. Tình dục tương đương với tội lỗi. Thiên Chúa giáo đã coi tình dục giống một tội lỗi đến mức họ liên tục cố gắng chứng minh ý niệm ngu xuẩn là Chúa Jesus được sinh ra bởi một phép màu, ông không được sinh ra từ một mối quan hệ nam nữ, mà Mary1 là một trinh nữ. Tình dục là một tội lỗi đến mức như vậy... làm sao mẹ của Jesus có thể quan hệ tình dục được? Nó ổn đối với người bình thường, nhưng mẹ của Jesus mà quan hệ tình dục thì... làm sao Jesus, một con người thanh khiết như thế, lại có thể được sinh ra từ tình dục?
1 Theo Kinh Thánh, Mary là mẹ của Chúa Jesus, thụ thai Chúa Jesus khi vẫn là trinh nữ.
Tình dục đã bị lên án nhiều đến nỗi bạn không thể tận hưởng nó. Đó là lí do năng lượng vẫn cố định ở đâu đó khác, hoặc miệng, hoặc hậu môn hoặc cơ quan sinh dục. Nó không thể đi lên trên.
Tantra nói rằng công việc lớn lao đầu tiên phải xảy ra ở luân xa muladhara. Để miệng tự do, gào thét, cười lớn, la hét, khóc lóc, tất cả đều giúp ích. Đó là lí do tại sao tôi nhấn mạnh vào những phương thức thanh tẩy của hành thiền – nó giúp làm dịu đi sự cố định ở miệng. Để giúp bạn nhẹ bớt sự cố định ở hậu môn, việc thở nhanh và hỗn loạn là hữu ích bởi vì nó đánh trực tiếp vào trung tâm hậu môn và cho phép bạn thư giãn cơ chế hậu môn. Ở đây, thiền động có giá trị to lớn.
THIỀN ĐỘNG
THIỀN ĐỘNG OSHO là một tiến trình dài một giờ đồng hồ bao gồm năm giai đoạn: (1) thở mãnh liệt, hỗn độn; (2) thanh tẩy; (3) trụ vững và định tâm; (4) cảnh giác một cách im lặng; và (5) hân hoan thông qua nhảy múa. Osho đã phát triển phương pháp thiền riêng biệt cho đàn ông và đàn bà hiện đại, đồng thời hướng dẫn việc sáng tác âm nhạc để hỗ trợ từng giai đoạn trong tiến trình. Để biết thêm thông tin và hướng dẫn chi tiết về nơi để tìm thấy nhạc thiền, xem www.osho.com/dynamic
Vậy nên phải làm nhẹ bớt gánh nặng tội lỗi và lên án cho trung tâm tình dục. Bạn phải học lại nó toàn bộ từ đầu, chỉ khi đó trung tâm tình dục đã bị tổn thương mới có thể vận hành theo một cách lành mạnh. Bạn phải học lại nó để tận hưởng nó mà không cảm thấy bất kì tội lỗi nào.
Chẳng có gì mất đi cả. Bạn không có một hạn ngạch năng lượng cố định. Bạn là một máy phát điện. Bạn tạo ra năng lượng, bạn tạo ra nó mỗi ngày. Trên thực tế, bạn càng sử dụng nó nhiều, bạn càng có nhiều. Nó vận hành giống như phần còn lại của thân thể. Nếu bạn sử dụng cơ bắp, chúng sẽ lớn lên. Nếu bạn bước, chân bạn sẽ tráng kiện. Nếu bạn chạy, bạn sẽ có nhiều năng lượng hơn để chạy. Đừng nghĩ rằng một người chưa bao giờ chạy và đột nhiên chạy sẽ có năng lượng – anh ta sẽ không có năng lượng. Anh ta thậm chí sẽ không có hệ thống cơ bắp để chạy. Hãy sử dụng tất cả những gì thiên nhiên đã ban cho bạn và bạn sẽ có nhiều hơn.
Tình dục rất tốt, tình dục rất đẹp, nhưng nó không phải điểm cuối cùng. Nó là alpha chứ không phải omega. Bạn phải đi xa hơn nó. Nhưng nói rằng bạn phải đi xa hơn nó không phải là một sự kết án! Bạn phải đi qua nó để đi xa hơn nó.
Tantra là thái độ lành mạnh nhất về tình dục. Nó nói tình dục là tốt, tình dục là lành mạnh, tình dục là tự nhiên, và tình dục có nhiều khả năng hơn là chỉ sinh sản. Tình dục có nhiều khả năng hơn là chỉ đem lại niềm vui. Tình dục đem theo trong nó thứ gì đó của điều tối thượng, điều gì đó của samadhi, của sự siêu việt.
Phải thư giãn luân xa muladhara – để nó không còn táo bón, để nó không còn tiêu chảy. Luân xa muladhara phải vận hành ở trạng thái tối ưu, một trăm phần trăm, thế thì năng lượng mới bắt đầu di chuyển.
Luân xa thứ hai là svadhisthana – tức hara, trung tâm cái chết. Hai trung tâm đầu tiên này đều bị hư hại bởi vì con người sợ tình dục và con người sợ cái chết. Cái chết bị tránh xa: Đừng nói về cái chết, hãy quên nó đi! Nó không tồn tại. Thậm chí nếu đôi khi nó xảy ra, đừng chú ý chút nào đến nó. Hãy tiếp tục nghĩ rằng bạn sẽ sống mãi mãi – hãy lảng tránh cái chết.
Tantra nói: Đừng lảng tránh tình dục và đừng lảng tránh cái chết. Đó là lí do tại sao Saraha lại đi đến bãi hỏa táng để hành thiền – để không lảng tránh cái chết. Ông đi cùng người phụ nữ rèn tên để sống một cuộc sống lành mạnh, tình dục trọn vẹn, tình dục ở trạng thái tối ưu. Khi ở bãi hỏa táng, sống cùng một phụ nữ, hai trung tâm này phải được thư giãn: trung tâm của cái chết và trung tâm của tình dục. Một khi bạn chấp nhận cái chết và không sợ hãi nó, một khi bạn chấp nhận tình dục và không sợ hãi nó, hai trung tâm bên dưới của bạn được thư giãn.
Đó là hai trung tâm bên dưới đã bị xã hội làm hư hại, hư hại nghiêm trọng. Một khi chúng được làm dịu đi thì có thể tiếp cận năm trung tâm kia. Chúng không bị hư hại. Không cần làm hư hại chúng bởi vì con người không sống ở năm trung tâm đó.
Hai trung tâm này sẵn có một cách tự nhiên – sinh đã xảy ra, trung tâm tình dục,muladhara. Và tử sẽ xảy ra – trung tâm thứ hai, svadhisthana. Hai điều này ở trong cuộc đời mọi người, cho nên xã hội đã phá hủy cả hai trung tâm và cố gắng thao túng mọi người, thống trị họ thông qua hai trung tâm này.
Tantra nói: Hãy thiền trong lúc bạn làm tình. Hãy thiền trong lúc ai đó qua đời – đi, quan sát, nhìn. Ngồi bên cạnh một người đang hấp hối. Cảm nhận, tham gia vào cái chết của người đó. Đi sâu vào thiền cùng với người đang hấp hối. Khi một người đang hấp hối, có khả năng có mùi vị của cái chết – bởi vì khi một người đang chết đi, người đó giải phóng rất nhiều năng lượng từ luân xa svadhisthana. Toàn thể năng lượng bị kìm nén của luân xa svadhisthana sẽ được giải phóng khi người đó đang chết. Không giải phóng nó thì người đó sẽ không thể chết được.
Cho nên khi một người đàn ông hoặc một người đàn bà qua đời, đừng bỏ lỡ cơ hội. Nếu bạn ở gần một người đang hấp hối, hãy ngồi im lặng, thiền im lặng. Khi người đó qua đời, trong một sự vỡ tung bất thình lình, năng lượng sẽ ở khắp chung quanh và bạn có thể nếm trải cái chết. Nó sẽ cho bạn cảm giác buông lỏng lớn lao; bạn sẽ trải nghiệm được rằng, phải, cái chết xảy ra, nhưng không có ai chết. Phải, cái chết xảy ra, nhưng trên thực tế cái chết không bao giờ xảy ra.
Trong lúc làm tình, hãy thiền để bạn có thể biết rằng điều gì đó của samadhi đã thâm nhập vào tính dục. Trong lúc thiền về cái chết, hãy đi sâu vào trong nó để bạn có thể thấy điều gì đó của sự bất tử đã bước vào trong cái chết. Hai kinh nghiệm này sẽ giúp bạn đi lên phía trên rất dễ dàng.
Năm trung tâm kia, thật may mắn, không bị phá hủy; chúng tuyệt đối hài hòa – chỉ là năng lượng phải được giải phóng thì mới có thể di chuyển qua chúng. Nếu hai trung tâm đầu tiên được trợ giúp để buông lỏng, năng lượng sẽ bắt đầu chuyển động. Cho nên hãy để cái chết và tình yêu là hai đối tượng thiền định của bạn.
Muladhara nghĩa là cơ sở, căn nguyên. Nó là trung tâm tình dục, hoặc bạn có thể gọi nó là trung tâm sự sống, trung tâm của sự sinh ra. Chính từ muladhara mà bạn được ra đời. Chính từ muladhara của mẹ bạn và muladhara của cha bạn mà bạn đã bước vào trong thân thể mình. Luân xa của cái chết là svadhisthana: Nó nghĩa là “nơi cư trú của cái tôi”.
Đây là một cái tên rất lạ khi được đặt cho luân xa của cái chết – “nơi cư trú của cái tôi”,svadhisthana, nơi bạn thực sự tồn tại. Trong cái chết sao? Đúng vậy. Khi bạn chết, bạn đến với sự tồn tại thuần khiết của mình – bởi vì phần duy nhất của bạn chết đi lại chính là phần không phải là bạn. Thân thể chết đi – thân thể được sinh ra từ luân xamuladhara. Khi bạn chết, thân thể biến mất, nhưng bạn có biến mất không? Không. Cái gì được luân xa muladhara cho thì bị luân xa svadhisthana lấy đi. Mẹ bạn và cha bạn đã cho bạn một cơ cấu thân thể nhất định – nó bị lấy đi trong cái chết. Nhưng bạn thì sao? Bạn đã tồn tại ngay cả trước khi cha và mẹ bạn biết nhau, bạn đã luôn luôn tồn tại.
Ai đó hỏi Jesus rằng ông nghĩ gì về nhà tiên tri Abraham1, và ông nói: “Abraham ư? Ta hiện hữu trước khi Abraham hiện hữu.” Abraham sống gần hai nghìn, ba nghìn năm trước Jesus, và ông ấy nói: “Ta hiện hữu trước khi Abraham hiện hữu.” Ông ấy đang nói về cái gì vậy? Nếu nói về thân thể thì làm sao ông ấy tồn tại trước Abraham được? Ông ấy đang không nói về thân thể – ông ấy đang nói về cái Ta, bản thể thuần khiết của mình. Bản thể thuần khiết đó là vĩnh cửu.
1 Được coi là tổ phụ của người Do Thái và người Ả Rập.
Cho nên cái tên này, svadhisthana, thật đẹp đẽ. Nó đích xác là trung tâm mà ở Nhật Bản gọi là hara. Đó là lí do tại sao ở Nhật Bản, tự vẫn được gọi là harakiri – tự sát thông qua trung tâm hara. Luân xa svadhisthana chỉ lấy đi cái mà luân xa muladharacho. Nhưng cái tới từ vĩnh hằng, ý thức của bạn, thì không bị lấy đi.
Người Hindu là những nhà thám hiểm ý thức vĩ đại. Họ gọi trung tâm này làsvadhisthana bởi vì khi bạn chết, bạn biết bạn là ai. Hãy chết trong yêu thương và bạn sẽ biết bạn là ai. Hãy chết trong thiền định và bạn sẽ biết bạn là ai. Hãy chết đi với quá khứ và bạn sẽ biết bạn là ai. Hãy chết đi với tâm trí và bạn sẽ biết bạn là ai. Chết là con đường để biết.
Hai trung tâm này đã bị xã hội đầu độc bởi vì đây là những trung tâm xã hội dễ dàng tiếp cận được. Xa hơn hai trung tâm này có năm trung tâm nữa.
Trung tâm thứ ba, manipura, là trung tâm của mọi cảm tình, cảm xúc. Nó nghĩa là kim cương – cuộc sống có giá trị bởi vì có những cảm tình, cảm xúc, tiếng cười, tiếng khóc, nước mắt và nụ cười. Cuộc sống có giá trị bởi vì tất cả những điều này. Những điều này là vinh quang của cuộc sống – cho nên luân xa này được gọi là manipura, luân xa kim cương.
Chỉ con người mới có khả năng có được viên kim cương quý giá này. Loài vật không thể cười, hiển nhiên, chúng cũng không thể khóc. Nước mắt là một chiều hướng chỉ có ở con người. Vẻ đẹp của nước mắt, vẻ đẹp của tiếng cười, thi ca của nước mắt, thi ca của tiếng cười chỉ dành cho con người. Tất cả các loài vật khác tồn tại chỉ với hai luân xa: muladhara và svadhisthana. Chúng sinh ra rồi chết đi. Nếu bạn cũng sinh ra rồi chết đi, và không có gì khác xảy ra, thì bạn giống như con vật – bạn chưa phải con người. Vậy mà nhiều triệu người đã tồn tại chỉ với hai luân xa này; họ không bao giờ đi xa hơn chúng.
Chúng ta kìm nén cảm xúc của mình ở luân xa manipura. Chúng ta đã được dạy phải kìm nén cảm tình. Chúng ta được dạy rằng tính đa cảm đó không có lợi – hãy thực tế, hãy cứng rắn; đừng mềm yếu, đừng yếu đuối; nếu không, bạn sẽ bị lợi dụng. Hãy cứng rắn! Ít nhất hãy tỏ ra là bạn cứng rắn, ít nhất hãy giả vờ rằng bạn nguy hiểm, rằng bạn không phải một sinh vật mềm yếu. Hãy tạo ra sợ hãi xung quanh bạn. Đừng cười – nếu bạn cười bạn không thể tạo ra sợ hãi quanh bạn được. Đừng khóc – nếu bạn khóc sẽ thể hiện là bạn sợ hãi. Đừng bộc lộ những hạn chế con người của bạn, hãy giả vờ rằng bạn là hoàn hảo.
Có nhiều việc được thực hiện trong Tantra để buông lỏng trung tâm thứ ba này. Phải thư giãn, làm dịu những cảm xúc. Khi bạn cảm thấy muốn khóc, bạn phải khóc; khi bạn cảm thấy muốn cười, bạn phải cười. Bạn phải vứt bỏ sự kìm nén vô nghĩa này, bạn phải học cách bộc lộ, bởi vì chỉ thông qua những cảm tình, cảm xúc và sự nhạy cảm của bạn, bạn mới tới được sự rung động mà qua đó có thể giao tiếp.
Bạn chưa bao giờ thấy ư? Bạn có thể nói đủ thứ mà bạn muốn, nhưng vẫn chẳng nói được điều gì; một giọt nước mắt lăn trên má bạn và mọi thứ được nói ra. Một giọt nước mắt có thể nói được nhiều hơn nhiều. Bạn có thể nói nhiều giờ mà chẳng ích gì, nhưng một giọt nước mắt có thể nói tất cả. Bạn có thể nói: “Tôi hạnh phúc”, nhưng một tiếng cười nhỏ bé – tiếng cười chân thật, đích thực – và bạn chẳng cần nói gì; tiếng cười thể hiện tất cả. Khi bạn thấy bạn của mình, gương mặt bạn rạng rỡ, sáng lấp lánh niềm vui.
Phải khiến cho trung tâm thứ ba ngày càng dễ tiếp cận. Nó chống lại việc suy nghĩ, cho nên nếu bạn cho phép trung tâm thứ ba hoạt động, bạn sẽ buông lỏng tâm trí căng thẳng của bạn dễ dàng hơn. Hãy chân thật, nhạy cảm: chạm nhiều hơn, cảm nhận nhiều hơn, cười nhiều hơn, khóc nhiều hơn. Nhớ rằng, bạn không thể làm nhiều hơn mức cần thiết; bạn không thể cường điệu. Bạn không thể mang đến một giọt nước mắt nhiều hơn mức cần thiết, và bạn không thể cười nhiều hơn mức cần thiết. Cho nên đừng e sợ và đừng keo kiệt.
Tantra cho phép cuộc sống hiển bày với tất cả cảm xúc của nó.
Đây là ba trung tâm dưới – dưới nhưng không theo nghĩa về giá trị – đây là ba bậc dưới của chiếc thang.
Rồi đến trung tâm thứ tư, trung tâm trái tim, được gọi là anahata. Từ này thật đẹp đẽ.Anahata nghĩa là “âm thanh bất động”. Nó đích xác là cái mà hành giả Thiền ngụ ý khi họ nói: “Bạn đã nghe thấy tiếng vỗ của một bàn tay chưa?” Âm thanh bất động.
Trái tim nằm ở giữa – ba trung tâm ở dưới nó, ba trung tâm ở trên nó. Trái tim là cánh cửa từ chỗ thấp hơn đến chỗ cao hơn, hoặc từ chỗ cao hơn đến chỗ thấp hơn. Trái tim giống như đường cắt ngang.
Bạn không thể cười nhiều hơn mức cần thiết. Cho nên đừng e sợ và đừng keo kiệt.
Trái tim đã hoàn toàn bị lờ đi. Bạn đã không được dạy để dùng trái tim. Bạn thậm chí đã không được phép đi vào địa hạt của trái tim, bởi vì nó rất nguy hiểm. Nó là trung tâm của âm thanh vô thanh, âm thanh bất động, trung tâm phi ngôn ngữ. Ngôn ngữ là âm thanh động: Chúng ta phải tạo ra nó bằng dây thanh đới. Ngôn ngữ là tiếng vỗ của hai bàn tay. Trái tim là tiếng vỗ của một bàn tay. Trong trái tim không có ngôn từ, nó là vô ngôn.
Chúng ta đã hoàn toàn lảng tránh trái tim, chúng ta đã lờ nó đi. Chúng ta di chuyển trong bản thể mình như thể trái tim không tồn tại – hoặc cùng lắm như thể nó chỉ là một cơ cấu bơm cho việc thở. Không phải đâu. Phổi không phải là trái tim. Trái tim ẩn sâu phía sau phổi. Và nó cũng không thuộc về vật chất. Nó là nơi từ đó tình yêu nảy sinh.
Đó là lí do tại sao tình yêu không phải một cảm tình. Cảm tình thuộc về trung tâm thứ ba chứ không phải trung tâm thứ tư. Tình yêu không chỉ là cảm tình. Tình yêu sâu hơn cảm tình, tình yêu có nhiều căn cứ hơn cảm tình. Cảm tình là nhất thời.
Cảm tình của tình yêu ít nhiều đều bị hiểu lầm là kinh nghiệm của tình yêu. Một hôm bạn có cảm tình với một người đàn ông hoặc một người đàn bà, và ngày tiếp theo nó ra đi – và bạn gọi nó là tình yêu. Nó không phải tình yêu, nó là cảm tình. Bạn thích người đàn ông – thích, hãy nhớ lấy, không phải yêu – nó là “thích”, hệt như bạn thích kem. Việc thích đến rồi đi. Việc thích là nhất thời, chúng không thể ở lâu, chúng không có khả năng ở lâu. Bạn thích một người đàn ông, bạn làm tình với anh ta, và xong! Việc thích đã kết thúc. Giống hệt như bạn thích kem – bạn đã ăn nó và bây giờ bạn hoàn toàn không nhìn vào cây kem nữa. Và nếu ai đó cho bạn thêm kem, bạn sẽ nói: “Giờ nó đang làm tôi bệnh – hãy dừng lại! Tôi không thể chịu được nữa.”
Thích không phải là yêu. Đừng bao giờ hiểu nhầm thích là yêu, nếu không cả đời bạn sẽ chỉ là khúc gỗ trôi... bạn sẽ trôi từ người này qua người khác và sự thân mật sẽ không bao giờ phát triển.
Trung tâm thứ tư, luân xa anahata, quan trọng bởi vì chính qua trái tim mà bạn liên kết với mẹ bạn lần đầu tiên. Chính qua trái tim mà bạn đã liên kết với mẹ bạn, không phải qua cái đầu. Trong tình yêu sâu sắc, trong cực khoái sâu sắc, một lần nữa bạn lại được liên kết qua trái tim, không phải qua cái đầu. Trong thiền định, trong cầu nguyện, điều tương tự xảy ra: bạn được liên kết với hiện hữu qua trái tim – trái tim nối với trái tim. Đúng vậy, nó là một cuộc đối thoại từ trái tim đến trái tim, không phải từ cái đầu đến cái đầu. Nó phi ngôn ngữ.
Trung tâm trái tim là trung tâm mà từ đó âm thanh vô thanh nảy sinh. Nếu bạn buông lỏng vào trong trung tâm trái tim, bạn sẽ nghe thấy nó. Đó là một khám phá to lớn. Những ai đã bước vào trái tim đều nghe thấy tiếng tụng liên tục bên trong bản thể của họ nghe như tiếng aum. Bạn đã bao giờ nghe thấy cái gì như tiếng tụng mà cứ tự nó tiếp diễn chứ không phải bạn đang tụng chưa?
Đó là lí do tại sao tôi không ủng hộ chú (mantra). Bạn có thể tụng aum, aum, aumkhông ngừng và tạo ra một sự thay thế về tâm thần cho trái tim. Nó sẽ không giúp ích cho bạn. Nó là sự lừa dối. Bạn có thể tụng nhiều năm và tạo ra một âm thanh giả bên trong chính mình như thể trái tim đang nói – nhưng không phải.
Để biết trái tim thì bạn không phải tụng aum – bạn chỉ phải im lặng. Một ngày kia, đột nhiên, chú (mantra) ở đó. Một ngày kia, khi bạn đã rơi vào im lặng, bạn sẽ nghe thấy âm thanh tới từ hư vô. Nó xuất hiện trong bạn từ cốt lõi tận cùng bên trong. Nó là âm thanh của sự im lặng bên trong bạn. Như trong một đêm yên lặng có một âm thanh nào đó, âm thanh của sự im lặng, chính xác giống như thế nhưng ở một mức độ sâu hơn, một âm thanh nảy sinh trong bạn.
Nó nảy sinh – để tôi nhắc đi nhắc lại với bạn – không phải là bạn mang nó vào; không phải là bạn lặp lại aum, aum. Không, bạn không nói một lời nào cả. Bạn chỉ yên lặng. Bạn im lặng. Nó bật tung ra như một cái lò xo... đột nhiên nó bắt đầu tuôn chảy... nó ở đó. Bạn nghe thấy nó – bạn không nói nó – bạn nghe thấy nó.
Khi người Hồi giáo nói rằng Mohammed1 đã nghe được kinh Koran2, đó đúng là ý của họ. Đó đích xác là điều xảy ra ở cốt lõi tận cùng bên trong của trái tim bạn. Không phải bạn nói ra nó mà bạn nghe thấy nó. Mohammed nghe thấy kinh Koran – ông nghe thấy nó đang xảy ra ở bên trong. Ông đã lúng túng; ông chưa bao giờ nghe được điều gì giống như thế này. Nó quá khác những gì đã biết, quá xa lạ. Chuyện kể rằng ông phát ốm. Nếu một ngày, khi đang ngồi trong phòng mình, bạn bắt đầu thình lình nghe thấy bên trong những tiếng aum, aum (hay cái gì đó khác) thì bạn sẽ bắt đầu tự hỏi: “Tôi đang phát điên hay sao?” Bạn không nói nó, không ai khác đang nói nó... bạn đang phát điên ư?
1 Người sáng lập Hồi giáo, được coi là sứ giả của Thượng Đế.
2 Kinh quan trọng nhất của Hồi giáo, được coi là lời nói thiên khải cuối cùng của Thượng Đế.
Mohammed đang ngồi trên đỉnh đồi khi nghe thấy nó. Ông trở về nhà run rẩy, đổ mồ hôi và bị sốt cao. Ông trở nên khó chịu. Ông bảo vợ: “Mang tất cả chăn lại đây và đắp cho tôi! Tôi chưa bao giờ run cầm cập thế này. Tôi đang bị một cơn sốt khủng khiếp.” Nhưng vợ ông có thể thấy rằng gương mặt ông sáng bừng lên.
“Đây là kiểu sốt gì vậy? Mắt ông ấy đang bốc cháy, rực lên một điều gì đó đẹp đẽ khác thường. Một sự duyên dáng đã cùng ông bước vào trong nhà. Một sự im lặng lớn lao đã đổ xuống ngôi nhà.” Rồi vợ ông bắt đầu nghe thấy gì đó. Bà nói với Mohammed: “Tôi không nghĩ nó là một cơn sốt – tôi nghĩ Thượng Đế đã ban phúc cho ông. Ông đừng sợ! Chuyện gì đã xảy ra? Hãy kể tôi nghe!”
Vợ ông là tín đồ Hồi giáo đầu tiên – Khadija là tên của bà. Bà là người đầu tiên được cải hóa. Bà nói: “Tôi có thể thấy – Thượng Đế đã đến với ông, điều gì đó đang tuôn chảy từ trái tim ông ra khắp nơi. Ông đã trở nên chói sáng! Ông chưa bao giờ giống như thế này – điều gì đó phi thường đã xảy ra. Hãy kể cho tôi tại sao ông lại lo lắng và run rẩy như vậy? Có thể nó kì lạ, nhưng hãy kể tôi nghe.”
Thế là Mohammed kể cho bà, sợ bà sẽ nghĩ này nọ, nhưng bà đã được cải hóa – bà là tín đồ Hồi giáo đầu tiên.
Nó đã luôn luôn xảy ra như thế. Người Hindu nói rằng kinh Veda được Thượng Đế tự mình thuật lại. Điều này chỉ đơn giản có nghĩa là chúng đã được nghe thấy. Ở Ấn Độ, chúng tôi có một từ dành cho những kinh sách thiêng liêng: Từ đó là shruti và nó nghĩa là “điều đã được nghe thấy”.
Tại trung tâm của trái tim, trong luân xa anahata, bạn nghe thấy. Nhưng nếu bạn chưa nghe thấy điều gì bên trong mình – không âm thanh, không aum, không chú (mantra) – điều đó chỉ có nghĩa là bạn đã lảng tránh trái tim. Thác nước ở đó, và âm thanh của dòng nước chảy ở đó, nhưng bạn đã lảng tránh nó, bạn đã lờ nó đi. Bạn đã đi một lộ trình khác, bạn đã đi một đường tắt để tránh trung tâm thứ tư. Trung tâm thứ tư là trung tâm nguy hiểm nhất bởi vì từ trung tâm đó lòng tin và niềm tin được sinh ra, và tâm trí muốn tránh nó. Nếu tâm trí không tránh nó thì sẽ không có khả năng có nghi ngờ. Tâm trí sống thông qua nghi ngờ.
Thác nước ở đó, và âm thanh của dòng nước chảy ở đó, nhưng bạn đã lảng tránh nó, bạn đã lờ nó đi.
Đây là trung tâm thứ tư. Và Tantra nói, thông qua tình yêu bạn sẽ đi tới biết trung tâm thứ tư này.
Trung tâm thứ năm được gọi là vishuddha, có nghĩa là “thuần khiết”. Chắc chắn, sau khi tình yêu đã xảy ra thì có thuần khiết và ngây thơ – không bao giờ trước đấy. Chỉ tình yêu mới có thể thanh tẩy – chỉ tình yêu – không gì khác có thể thanh tẩy. Ngay cả người kém hấp dẫn nhất khi yêu cũng trở nên đẹp đẽ. Tình yêu là nước cam lồ. Nó gột sạch mọi chất độc. Cho nên luân xa thứ năm là thuần khiết, thuần khiết tuyệt đối. Nó là trung tâm cổ họng.
Tantra nói: Chỉ nói ra khi bạn đã tới trung tâm thứ năm qua trung tâm thứ tư – chỉ nói thông qua tình yêu, nếu không thì đừng nói. Hãy nói thông qua lòng trắc ẩn, nếu không thì đừng nói! Nói ra để làm gì? Nếu bạn đã đi qua trái tim và nếu bạn đã nghe thấy hiện hữu nói ở đó, hoặc hiện hữu chảy ở đó như một thác nước, hoặc nếu bạn đã nghe thấy âm thanh của hiện hữu trong tiếng vỗ của một bàn tay, thì bạn được phép nói ra. Thế thì trung tâm cổ họng của bạn có thể truyền tải thông điệp, thế thì điều gì đó có thể được rót vào trong lời. Khi bạn có nó, nó có thể được rót thậm chí vào trong lời.
Ít người đến được trung tâm thứ năm, bởi vì họ thậm chí không đến được trung tâm thứ tư, cho nên làm sao họ đến trung tâm thứ năm được? Rất hiếm hoi. Thỉnh thoảng có một Chúa Jesus, một Đức Phật hay một Saraha đến trung tâm thứ năm. Thậm chí lời của họ thôi mà đã có vẻ đẹp tuyệt mĩ đến thế thì phải nói gì về im lặng của họ? Thậm chí lời của họ cũng đem theo im lặng. Họ nói mà lại không nói. Họ nói và họ nói điều không thể nói, điều không thể mô tả, điều không thể diễn đạt được.
Bạn cũng dùng cổ họng, nhưng đó không phải là vishuddha. Khi luân xa đó thực sự bắt đầu vận hành, lời của bạn có mật ngọt trong chúng. Khi đó lời của bạn có hương thơm, có âm nhạc, có điệu vũ. Khi đó bất cứ cái gì bạn nói đều là thi ca, bất cứ cái gì bạn thốt ra đều là niềm vui sướng.
Luân xa thứ sáu là ajna, nghĩa là “trật tự”. Với luân xa thứ sáu, không bao giờ trước nó, bạn ở trong trật tự. Với luân xa thứ sáu, không bao giờ trước nó, bạn trở thành ông chủ. Trước nó, bạn là nô lệ. Với luân xa thứ sáu, bất cứ điều gì bạn nói sẽ xảy ra và bất cứ điều gì bạn khao khát sẽ xảy ra. Với luân xa thứ sáu, không bao giờ trước nó, bạn có ý chí. Trước nó, ý chí không tồn tại.
Nhưng có một nghịch lí trong nó. Với luân xa thứ tư, bản ngã biến mất. Với luân xa thứ năm, tất cả những thứ không thuần khiết biến mất và lúc này bạn có ý chí – cho nên bạn không thể gây hại thông qua ý chí của bạn. Trên thực tế, nó không còn là ý chí của bạn: Nó là ý chí của hiện hữu, bởi vì bản ngã biến mất ở luân xa thứ tư và tất cả những thứ không thuần khiết biến mất ở luân xa thứ năm. Giờ đây bạn là bản thể thuần khiết nhất, chỉ là một phương tiện, một công cụ, một sứ giả. Giờ đây bạn có ý chí bởi vì bạn không hiện hữu – giờ đây ý chí của hiện hữu là ý chí của bạn.
Rất hiếm có người tới được luân xa thứ sáu này bởi vì theo một cách nào đó, nó là luân xa cuối cùng. Trong thế giới, đây là luân xa cuối cùng. Xa hơn luân xa này là luân xa thứ bảy, nhưng khi đó bạn bước vào một thế giới hoàn toàn khác, một thực tại tách biệt. Luân xa thứ sáu là ranh giới cuối cùng, tiền đồn cuối cùng.
Luân xa thứ bảy là sahasrara, nghĩa là “hoa sen ngàn cánh”. Khi năng lượng của bạn di chuyển đến luân xa thứ bảy, sahasrara, bạn trở thành một bông sen. Bây giờ bạn không cần đi kiếm mật ở bất cứ bông hoa nào khác – bây giờ ong bắt đầu đến với bạn. Bây giờ bạn hấp dẫn ong từ khắp thế giới. Sahasrara của bạn đã mở và bông sen của bạn bừng nở. Bông sen này là niết bàn.
Luân xa thấp nhất là muladhara. Từ luân xa thấp nhất, sự sống được sinh ra – sự sống của thân thể và các giác quan. Với luân xa thứ bảy, một lần nữa sự sống được sinh ra – sự sống vĩnh hằng, không phải của thân thể, không phải của các giác quan.
Đây là sinh lí học Tantra. Nó không phải sinh lí học của các sách y khoa. Xin đừng tìm nó trong các sách y khoa – nó không có ở đấy đâu. Nó là một phép ẩn dụ, nó là một cách nói. Nó là bản đồ để làm cho mọi thứ có thể hiểu được. Nếu bạn dịch chuyển theo con đường này, bạn sẽ không bao giờ đi đến tình trạng suy nghĩ mù mờ. Nếu bạn tránh luân xa thứ tư, thì bạn đi vào trong cái đầu. Ở trong đầu nghĩa là không ở trong tình yêu, ở trong ý nghĩ nghĩa là không ở trong tin cậy, nghĩ ngợi nghĩa là không tìm kiếm.